BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2025

QUÊ HƯƠNG MỜ MỊT - Truyện ngắn của Lương Minh Vũ



Truyện đã gửi mấy tờ báo văn nghệ trung ương và 1 tạp chí VN địa phương. Nhưng không báo nào đăng.
Người viết phân vân không biết vì nó dở hay vì một lý do "nhạy cảm" nào khác.
Trong đời viết lách, Mình cũng nhiều lần đăng truyện trên các báo trung ương : Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, Văn Nghệ (HNV), Diễn Đàn Văn Nghệ VN...
Và cũng nhiều lần bị từ chối. Và cảm thấy bình thường. Bài dở thì họ không đăng. Đơn giản vậy thôi.
Nhưng cái truyện này, thì mình cứ băn khoăn. Băn khoăn từ lúc chọn đề tài, từ lúc bắt đầu viết...
Cuối cùng thì ta về ta tắm ao ta. Nó cũng được đăng tải trên tờ báo quê nhà: Tạp chí Văn Nghệ Bình Thuận.
Bởi vậy nên rất cảm ơn anh em biên tập ở tạp chí VN Bình Thuận quê hương với tất cả tình thân thương.
                                                                                Lương Minh Vũ
*
Tự nhiên Tánh thấy nhớ quê.   
Nỗi nhớ làm nó thẩn thờ. 
Vì đâu? Nó không biết. Cũng không mất công tìm hiểu. Trời tháng chạp, cuối năm ở phương nam, bỗng lạnh hơn mọi năm. Và bất chợt, cái nhớ hiện đến. Đơn giản rứa thôi! Nhưng cũng làm nó suy nghĩ vẩn vơ. Khiến nó chạy xe chậm lại trên đoạn đường từ Long An về Sài Gòn.
    
Lệ thường, Tánh và Đào hẹn gặp nhau vào ngày chủ nhật mỗi tuần. Mờ sáng, Tánh sẽ chạy xe máy từ Long An về Sài Gòn. Hai đứa đi uống cà phê, trò chuyện, tâm tình. Sau đó, đèo nhau đi chơi loanh quanh trong thành phố, hay đến nơi nào  mà Đào thích. Trưa vào một quán ăn bình dân. Rồi đi xem phim, hay tiếp tục đi chơi. Đến chiều, gần 5 giờ, Tánh chở Đào về lại khu nhà trọ công nhân. Rồi chạy xe về lại Long An. Để ngày mai, thứ hai đầu tuần, mỗi đứa lại trở về công việc của mình.
    
Chỉ rứa thôi! mà cả niềm vui với Tánh. Nên cứ gần cuối tuần, nó cứ bồn chồn chờ đến chủ nhật.   
Nhưng hôm nay lại khác. Sự háo hức có đó. Nhưng lại chen vào cảm giác nao nao, buồn buồn, nhưng mông lung không lý giải được. Nó thức dậy từ sáng sớm. Diện bộ đồ bảnh nhất. Chiếc xe máy cũng đã được cọ rửa sạch, từ hôm qua, để khi chở Đào, cô không xấu hổ. Mỗi lần gặp nhau, Tánh đều sửa soạn tinh tươm. Vì Đào, chứ còn phần mình, suốt tuần, nó luôn xập xệ bộ đồ bảo hộ lao động dày cộm, lấm láp vôi vữa của anh thợ hồ. Nó ít để ý vẻ ngoài của mình, cho đến khi nó gặp và bồ bịch với Đào. Vì tình yêu, nó luôn thực hiện những điều Đào nhắc nhở, dù đôi khi, không làm nó thoải mái lắm. Chẳng qua cô chỉ muốn đẹp, muốn tốt cho nó thôi mà. Nghĩa là Đào cũng thương nó. Bản chất quê mùa, mộc mạc, nó nghĩ rứa. Nên không thấy khó chịu với những lời lẽ dắm dẵng, nét mặt cau có thường khi của Đào.
    
Nhưng hôm nay, Tánh sửa soạn cho việc gặp gỡ một cách thờ ơ. Đầu óc cứ như vấn vít điều gì. Cho đến khi ngồi lên xe, sửa nổ máy, nó mới cảm thấy lạnh. Và sực nhớ đã gần đến Giáng Sinh. Thật lạ! nó ở trong nam đã hai mùa đông, chưa năm nào lạnh như năm nay. Nói mùa đông, nhưng trong ni chỉ hai mùa mưa nắng. Mấy hôm nay, ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới. Cộng với cái hiu hắt của gió mùa đông bắc, đã tạo ra cái rét bất thường. Giống cái rét cuối năm ở quê hương Hà Tĩnh của nó. Có lẽ điều đó gợi nỗi nhớ quê?
    
Nó quay vào lấy thêm áo khoát. Khi cúi xuống chống chân chiếc xe máy, Tánh thấy chân mình vẫn đôi dép tổ ong. Trời ạ! Hèn chi Đào thường phàn nàn tính lơ đãng của nó. Khi vào mặc áo, mang giày, Tánh bỗng hiểu ra nguyên cớ. Tối qua trằn trọc, tính gọi điện cho Đào. Nhưng nghĩ, có thể cô làm ca đêm, hoặc đã ngủ sớm, sau một ngày làm việc mệt mỏi, nên thôi. Nó chỉ nhắn tin hẹn gặp ngày mai. Rồi mở điện thoại nghe ca nhạc dỗ giấc ngủ. Gặp một chương trình dân ca Nghệ Tĩnh. Rồi một bài ví dặm quen thuộc thời thơ ấu của nó. Bài hát ngày xưa mẹ thường hát ru em Tình. Chắc là lúc nằm nôi, nó cũng đã được mẹ ru bài hát ấy. Nó sực nhớ, Đào cũng biết bài hát ni, và đã hát một lần, làm nó ngạc nhiên quá đỗi. ấy là lúc ở Hà Nội, hai đứa ngồi chơi ở bờ hồ Tây. Nó giận Đào chuyện gì đó, nên ngồi thừ yên lặng. Cô nhìn nó cười cười xoa dịu. Rồi khe khẻ hát: " Anh ơi! Khoan vội bực mình. Em xin kể lại phân minh tỏ tường… giận thì giận mà thương thì thương. Anh sai đường em không chịu nổi. Anh ơi anh! Xin đừng giận vội. Trước tiên anh phải tự…ứ…ư…trách mình… " (*).

Trời đất! cô có lỗi mà quay ngược chê trách nó. Bảo sai đường rồi lại “phải tự trách mình”. Nó bất ngờ và ngạc nhiên, rồi bật cười. Cơn giận mất tiêu. Lại vui nữa. Nó thấy tự hào, vì nghĩ thì ra con gái Hà Tĩnh nào cũng biết hát ví dặm. Và sự lém lỉnh của Đào thật đáng yêu hết sức. Nó lại nghĩ đến bé Tình, đứa em gái út, đã mất lúc mới năm tuổi. Nếu còn sống, hẳn giờ cũng trạc tuổi Đào…
    
Trên đường đi, lòng lại nôn nao khi ngang qua nhà thờ, qua những dãy phố, trước những ngôi nhà, đã bày biện, trang trí những hang đá, có chúa hài đồng. Giăng mắc những dây cờ, dây kim tuyến, trông thật đẹp. Gần đến Noel. Nó chợt nhớ Đào cũng có đạo. Mặc dù từ khi quen nhau đến giờ, Tánh không bao giờ thấy Đào đi lễ nhà thờ, hay nói về chúa. Nó lại nghĩ, sau này khi cưới Đào, liệu cô và gia đình có bắt nó phải theo đạo không? Nó thường lo lắng, nhưng cũng thinh thích với chuyện này. Đạo Chúa có cái gì như xa lạ, nhưng lại cao sang trong suy nghĩ của nó. Nhà thờ vừa bí ẩn vừa huy hoàng trong ký ức tuổi thơ nó. Khác với những ngôi chùa làng ẩm thấp, rêu phong, mà thuở bé, nó thường theo bà ngoại đi thăm viếng, cúng bái.
   
Lòng cứ vẩn vơ như rứa, chuyện nọ xọ chuyện kia, cho đến khi về đến Sài Gòn.
   
Để rồi Tánh sực nhớ đã quên mất chuyện mua quà như thường lệ, khi đã ngồi trong quán cà phê, gần khu nhà trọ công nhân, đợi Đào. Nhưng không sao. Còn cả ngày. Nó sẽ mua khi đi chơi với Đào. Cũng chẳng to tát gì. Chỉ là vài món đơn sơ: chai dầu gội đầu, lọ thuốc bổ, hộp nước yến, hay bịch bánh trái…cho Đào ăn khuya khi làm ca đêm về. Nó định tết ni không về quê. Thường cuối năm, công việc nhiều. Nó sẽ được một khoảng thu nhập kha khá. Và sẽ sắm món quà gì đó đáng giá tặng Đào. Áo quần hàng hiệu hay một món nữ trang chẳng hạn.
   
Đào đến. Kéo ghế ngồi đối diện với Tánh. Hỏi thăm linh tinh như thường lệ. Kể lại công việc, cuộc sống trong tuần. Đào chống cằm, chăm chú quan sát Tánh. Ánh mắt yêu thương và diễu cợt: rằng lúc ni nó đen hơn nên mặt trông ngầu ra. Nhưng nhờ rứa càng giống thanh niên Sài Gòn. Cô chồm qua sắn lại tay áo cho nó. Lấy chiếc lược cho nó chải đầu, phủi phủi vết bẩn trên cổ nó…Tất cả những trò tinh nghịch, nhí nhảnh cố ý của Đào, cũng không giấu được nỗi phiền muộn, bực tức cố hữu trong cô. Tánh cảm nhận điều đó, nhưng nó vẫn lâng lâng vui sướng. Niềm vui ấy sẽ theo nó suốt tuần. Giúp nó vượt qua công việc vất vả của anh thợ hồ. Khiến nó nghĩ nhiều đến giấc mơ tương lai. Một tương lai với cuộc sống vợ chồng với Đào. Nó đang ấp ủ một dự định. Và hôm nay, nó sẽ nói với Đào dự định đó. Còn tính cách của Đào, thì nó đã quen rồi. Cô có lý do để thành như vậy. Tất cả cũng vì hoàn cảnh thôi mà. Nó nghĩ rứa, nên không hề khó chịu. Ngược lại, nó xót xa và thương Đào hơn.
***
   
Tất cả cũng vì hoàn cảnh.
    Mồ côi mẹ. Cha lấy vợ kế. Đào là chị cả của hai đứa em. Cá tính cương cường. luôn không hòa thuận được với người mẹ kế. Gia đình triền miên xào xáo. Mầm móng thoát ly gia đình hình thành từ đó. Xong trung học, Đào thi vào một trường đại học ở Hà Nội. Bị rớt. Về quê xin làm công việc ở ủy ban xã. Dự tính năm sau sẽ thi lại. Nhưng môi trường, con người, cơ chế, công việc ở một vùng nông thôn nghèo khổ không thỏa mãn khát vọng, mơ ước của Đào. Cộng thêm bi kịch gia đình, càng tăng thêm nỗi chán chường, bất mãn.
   
Trong một lần xung đột, xô xát với dì ghẻ và bố đẻ, Đào bỏ nhà ra Hà Nội. Làm đủ thứ công việc để mưu sinh. Rồi may mắn được một gia đình công chức khá giả, thuê giúp việc nhà và trông nom, dạy kèm hai đứa con của họ, mới tiểu học. Cuộc sống có vẻ ổn, và Đào có điều kiện ôn tập để thi lại đại học. Mùa thi đến. Lại rớt. Lại thất vọng. Cùng lúc, chị chủ nhà nghi ngờ Đào và chồng mình có tình ý với nhau. Rình rập, dò xét và ghen tuông, xung đột. Và Đào bị đuổi việc.
     
Đó là lúc Đào gặp và quen Tánh.

***
Đào kể lại những chuyện bực mình. Tay quản đốc ve vãn, dụ khị, hứa hẹn, sẽ đề nghị, sắp xếp một công việc nhẹ nhàng, như kiểm định sản phẩm, hay thư ký, thống kê gì đó…nếu cô thân thiện, chịu “cởi mở” hơn với hắn. Hắn mời cô đi ăn trưa, uống cà phê. Mấy ngày sau, hắn rủ cô đi chơi đêm. Đến quán bar hay khách sạn karaoke…cô từ chối. Lập tức, hắn trở mặt, thay đổi thái độ. Quay sang xét nét, hạch họe cô đủ điều…Đời khốn nạn rứa đó. Đã chẳng được thăng tiến, lại còn bị bọn nữ trong phân xưởng ganh ghét, đố kỵ…Chuyện công ty cắt xén tiêu chuẩn bồi dưỡng làm ca đêm. Cô đã ý kiến đấu tranh, mà công đoàn vẫn làm ngơ… Rồi chuyện sinh hoạt, quan hệ trong khu nhà trọ công nhân. Lại bị phân biệt, kỳ thị vùng miền nam bắc. Bọn Sài Gòn đã đành một nhẽ, đằng này bọn Nha Trang, hay Bình Định, Quảng Ngãi…cũng là dân miền trung như mình mà cũng bày đặt phân biệt, kỳ thị. Cô thắc mắc và hậm hực.
        
Tánh ngồi nghe. Buồn và hoang mang. Nó không lạ những điều Đào kể. Cũng quen thuộc những cái bất bình, không hợp lẽ trong cái xã hội xô bồ, nhốn nháo thời nay. Nó không biết những chuyện lịch sử, chính trị, quá khứ, hiện tại. Chuyện xã hội, địa lý, vùng miền… Nó nỏ biết và cũng không cần biết những vấn đề to tát, phức tạp của đất nước. Bản chất hiền lành, ít học. Nó chỉ học đến lớp 6 khi cha mất. Cha nó, một ngư dân, trong một lần đi biển, bị tàu lạ truy đuổi, cướp bóc, nhận chìm tàu. Nhiều người được cứu. Nhưng cha nó và một người nữa, xấu số, mất xác ngoài biển. Nó bỏ học, tiếp nối nghề của cha. Cái nghề gian lao, chẳng hứa hẹn một tương lai nào, ngoài những rủi ro và tai ương. Biển ngày thêm ô nhiễm. Tôm cá thưa vắng dần. Thu nhập èo uột. Thêm mẹ nó luôn lo sợ vì ám ảnh cái chết của cha nó. Nên khi có người bà con làm chủ một công ty xây dựng ở Hà Nội, nhận nó vào học nghề. Lúc đó nó mười sáu tuổi.      
Nó xa đình, bỏ quê hương ra Hà Nội từ đó.
       
Dù sao thì nó thấy mình vẫn may mắn hơn Đào. Mồ côi cha, nhưng nó còn mẹ và một người chị nhân hậu, đã có gia đình riêng, nhưng luôn yêu thương, lo nghĩ đến nó. Vậy khi nó nhớ quê hương, đơn giản vì nơi đó nó còn mẹ và chị, còn gia đình nó đang sống. Có kỷ niệm tuổi thơ, gắn với hình ảnh cha nó và đứa em gái đã mất. Nhưng quê hương nghèo khó, nên nó phải đi tìm kế sinh nhai.       
Bây giờ hơn mười năm vào đời. Bằng nhiều cơ cực vất vả, nó cũng có chút nghề nghiệp vững chãi, để tự nuôi thân và gửi tiền về cho mẹ.
       
Nhưng Đào thì khác. Thân gái dặm trường. Cô xinh đẹp, ít nhất trong mắt nó. Cô học cao hiểu rộng hơn nó. Nên bị người ta đố kỵ. Bị đàn ông muốn dụ dỗ, lợi dụng, Tánh hiểu được. Nhưng ở Đào, có nhiều điều nó chưa hiểu hết. Những điều thuộc về tính cách và tâm hồn: nhiều sân si và buồn phiền, u uất. Điều đó khiến nó cảm giác mơ hồ nỗi bất an. Cô khó hòa hợp với mọi người chung quanh. Và luôn không bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Ở Hà Nội, khi bị chị chủ nhà ghen tuông đuổi việc, Đào gặp Tánh. Tình thương cùng sự tận tụy, cưu mang của Tánh, đã giúp cô thật nhiều trong lúc khó khăn… Sau đó, Đào xin làm phục vụ cho một nhà hàng ăn uống. Công việc bận bịu, nhưng không đến nỗi nhọc nhằn. Đang tạm ổn thì Đào lại chán. Muốn bỏ. Muốn vô nam. Chính cô đã thuyết phục Tánh vào Sài Gòn. Rủ rỉ mãi nó cũng xiêu lòng, mặc dù ở Hà Nội công việc nó cũng ổn định. Vả lại, nghe nói trong nam cũng dễ sống hơn. Nó thấy nhiều người từ bắc vào nam sinh sống, nó không thấy điều ngược lại. Khi vào Sài Gòn, Đào đã lặn lội tìm kiếm những công việc khả dĩ tương đối nhẹ nhàng phù hợp. Những công việc văn phòng, bàn giấy… Ôi! cả hai đứa khờ khạo. Không biết rằng cái bằng trung học phổ thông không làm được việc gì trong cái xã hội mà bằng đại học còn phải chạy xe ôm, ngoài việc đổ mồ hôi lao động tay chân…Rồi hai đứa cùng xin làm trong một công ty gia công xuất khẩu giày. Nhưng công việc không thích hợp với Tánh. Đồng lương ít ỏi. Công việc dây chuyền nhàm chán, tù túng trong bốn bức tường công xưởng. Nó đã quen với việc lao động tự do ngoài trời. Thế là bỏ. Thời may, nó gặp một chủ thầu xây dựng ở Long An, có gốc gác đồng hương Hà Tĩnh, cùng huyện với Tánh. Ông ta di cư vào nam năm 54. Nhận nó vào làm. Long An cũng gần Sài Gòn. Cũng dễ dàng đi lại, gặp nhau và giúp đỡ Đào.
      
Ban đầu cũng khó khăn. Lạ nước lạ cái. Nó cũng bị kỳ thị vùng miền. Đám thầy thợ cũng đem cái tập tục, tập quán, cái lạc hậu nhà quê, cái giọng nói trọ trẹ khó nghe của nó ra trêu chọc. Nhưng nó vẫn cười cười nhẫn nhịn. Riết rồi họ cũng chán, cũng quen, không còn để ý sự khác biệt của nó nữa.. Tay nghề giỏi, nó được làm trưởng một kíp thợ. Nó hòa đồng, biết tôn trọng người lớn, siêng năng và không so đo với thợ nhỏ tuổi mới vào nghề. Nó cứ  bình thản, cần mẫn làm việc, nhận những thiệt thòi về mình. Dần dà, người ta cũng thương mến và trọng nó. Nó không thắc mắc, và cũng không biết rằng, đó là nhờ cái bản chất hiền lành, tốt bụng trời sinh. Nó nhận ra một điều: chỗ mô cũng có người tốt, người xấu. Người trong nam ăn nói bộc trực, to mồm, nhưng không uốn éo, găm gút, để bụng. Chủ thầu cũng thương, cho nó ở trong nhà kho vật liệu của công ty cùng bác bảo vệ, đỡ khoản tiền thuê phòng trọ.
       
Rồi xảy một chuyện quan trọng với giấc mơ tương lai của nó.       
Một hôm người chủ thầu có ý định nhượng lại cho nó mãnh đất cạnh nhà kho, nếu nó muốn sinh sống trong nam. Bán rẻ và nó chỉ trả trước nửa tiền. Còn lại sẽ từ từ trả góp, nếu nó còn làm việc cho ông ta lâu dài.
        
Nó bất ngờ. Nó vui mừng. Hồn vía lâng lâng, khi hình dung một ngày, nó và Đào thành vợ chồng, sống trong ngôi nhà tự tay nó xây cất trên mãnh đất ấy. Nằm ở ngoại ô. Nhưng cũng gần phố thị. Tiện lợi quá chừng. Nó điện cho mẹ và chị. Nhờ vay giúp một khoản tiền. Vừa lúc đó, chị nó cũng điện vào cho biết tình hình ở quê: đất và nhà gia đình chị, bị nhà nước quy hoạch và thu hồi, để xây dựng một công trình hay mở một nhà máy gì đó. Vợ chồng chị sẽ về ở chung nhà với mẹ. cũng dễ cho việc phụng dưỡng mẹ. Chị hỏi ý kiến nó, vì nó là con trai trong gia đình. Còn số tiền đền bù giải tỏa, sẽ gửi hết vào cho nó. Mẹ nó cũng vui. Bà bảo số tiền lâu nay nó gửi về,  vẫn dành đó để lo chuyện cưới vợ cho nó. Nay sẽ gửi vào để nó mua đất. Nó mừng mà rơi nước mắt.   
Bây giờ vấn đề còn lại là ý kiến và suy nghĩ của Đào.
 
***
Và nó đã nói hết với Đào. Buổi trưa, sau khi ăn cơm ở quán, hai đứa ngồi chơi trên ghế đá, trong công viên. Đào nằm thu lu, gối đầu lên đùi Tánh. Nó ngắc ngứ, ấp úng, không biết bắt đầu câu chuyện thế nào. Nhưng cũng phải nói thôi. Vì đã sắp tết rồi. Và nó biết năm nay Đào cũng không có ý định về quê. Đang thiu thiu ngủ, Đào nhổm dậy. Linh cảm điều quan trọng. Cô nhìn nó khích lệ. Cuối cùng nó cũng nói hết những dự định, mà hơn tháng nay, nó chưa cho Đào biết. Chuyện mua đất xây nhà. Rồi chuyện hôn nhân của hai đứa. Nó bảo cô tết này nên về quê. Thứ nhất, làm hòa với gia đình. Để sau này dễ cho việc bên nhà Tánh cưới xin. Và thứ hai, quan trọng hơn, Đào sẽ ghé thăm nhà Tánh, nhân tiện, cầm số tiền của chị và mẹ đem vào lo chuyện mua đất. Nó sẽ báo trước và dặn dò gia đình. Đào lẳng lặng nghe. Hơi bất ngờ với những dự tính của nó. Tánh chờ đợi một sự phấn khởi, vui mừng, hay sự đồng tình nơi Đào. Nhưng cô vẫn đăm chiêu, nghĩ ngợi, rồi bảo chuyện tiền nong quan trọng. Em nỏ dám nhận mô. Răng anh không về lấy. Hoặc là chuyển tiền qua bưu điện hay tài khoản ngân hàng. Nó bảo cuối năm hợp đồng xây dựng rất nhiều, phải làm đến sát tết. Công ty đang thiếu thợ, nên cũng cần nó. Cố gắng làm việc lúc này, được lương cao. Trong khi mỗi lần về quê, đã mất thời gian lại chi phí tốn kém.
      
Thật ra, còn một lý do thầm kín mà Tánh không nói ra. Gia đình đã biết quan hệ của nó với Đào từ khi hai đứa quen nhau ở Hà Nội, và vui khi biết Đào là người cùng quê. Khi hai đứa vào Sài Gòn, mẹ nó cứ lo nó bị con gái Sài Gòn quyến rũ. Trong suy nghĩ cổ hủ quê mùa: cứ trâu ta ăn cỏ đồng ta. Chứ con gái Sài Gòn thường tự do, phóng túng. Ít  khuôn phép, không cần cù, chịu thương chịu khó như gái quê mình. Nó bảo Đào ghé nhà và nhận tiền, để gia đình biết nó đã tin tưởng Đào. Rằng hai đứa vẫn thương nhau và sẽ thành vợ chồng với nhau. Ngoài ra, cũng để mẹ và chị biết mặt mũi Đào. Để khoe Đào xinh tươi rứa đó! Có ăn học giỏi giang rứa đó!
   
 Buổi chiều, tánh chở Đào về nhà trọ, rồi quay về Long An.  
Lòng hớn hở. Đoạn đường Sài Gòn – Long An hình như ngắn hơn. Mọi việc rứa là suôn sẻ. Nó đã thuyết phục được Đào. Tết này cô sẽ về quê. Mùng sáu tết, khi Đào trở vào, cùng với số tiền của gia đình, nó sẽ thực hiện các dự định. Nó hình dung căn nhà tự thiết kế và xây dựng. Chắc phải nhờ vài anh em thợ ở công ty phụ giúp. Chỗ mô cũng có người tốt mà. Vật liệu sẽ mua dần dần. Vả lại, Đào bảo chuyến này về nhà xin lỗi và hòa giải với gia đình. Cô sẽ kể hết và trình bày dự định của hai đứa. Rồi nhờ gia đình giúp đỡ tiền nong để phụ thêm với Tánh. Còn Tánh, cũng vay mượn thêm. Và từ giờ, nó sẽ làm việc cật lực hơn. Sẽ nhận làm thêm những công trình vặt ngoài giờ, miễn là ơn trời, nó không bị bệnh…     
Nó cứ nghĩ…nghĩ…và đã về đến Long An tự lúc nào.
 
***
"Kể đã mấy niên rồi / lòng đã quyết lứa đôi / ngãi đã quyết thề bồi / nhất ngôn nói hẳn lời / Đừng bốn chốn ba nơi / Đừng trăng gió chào mời / Trăng nhiều trăng rạng rỡ / Trăng nhiều đèn rạng rỡ /… "  (*)
       
Đất phương nam cũng lạ. Thời tiết thất thường. Trong tết thì lạnh. Mà mới hết tháng giêng, trời bắt đầu oi nồng. Hay vì lòng Tánh đang nóng rãy.     
Tết đã qua hơn một tháng. Không thấy Đào quay vào. Nó bồn chồn. Đã xảy ra chuyện gì?
       
Tánh đã liên lạc, gọi cho Đào nhiều lần, đều vô vọng. Trước đó, mẹ và chị nó đã điện cho biết, Đào có ghé thăm nhà hai lần. Lần sau là mùng chín tết, và đã nhận tiền của gia đình, bảo mùng mười sẽ vào lại Sài Gòn, và trao tiền cho Tánh.
        
Đến tháng thứ hai, Đào vẫn biệt vô âm tín. Tánh tìm cách liên lạc với gia đình Đào, thì một hôm nó nhận cú điện thoại của bố Đào. Ông cho biết Đào có về hòa giải và ăn tết ở gia đình. Cũng cho gia đình biết chuyện tình cảm và dự tính sinh sống ở trong  nam của hai đứa. Nên sau tết, khi Đào đi, cũng đã cho cô một số tiền… hóa ra ông cũng không biết hiện giờ Đào ở đâu? Ông truy vấn, hạch họe Tánh. Nghi ngờ nó có âm mưu trong chuyện này.        
Đã xảy ra chuyện gì? Nó hoang mang lo lắng với bao suy đoán. Sợ những điều bất hạnh kinh khủng xảy đến với Đào. Nó tìm những tin tức giết người cướp của, hiếp dâm trên báo mạng.
        
Tháng thứ ba, rồi thứ tư. Nó điện hỏi thăm bố Đào. Vẫn không tin tức.        
Mỗi chủ nhật, nó vẫn chạy xe máy lên Sài Gòn. Ban đầu, lân la vào khu nhà trọ công nhân Đào đã ở. Tìm hỏi những người đồng hương từng ở chung với Đào, hay cùng với Đào về quê hôm tết. Nhưng dường như Đào không thân thiết với ai cả. Nên không ai biết được điều gì. Sau rồi, chỉ là thói quen. Vả lại cũng không biết chơi đâu trong những ngày nghỉ. Nó lên Sài Gòn, vào quán cà phê cũ gần khu nhà trọ công nhân. Cũng may, dân phương nam bàng quan, dễ tính. Nó cứ ngồi hàng giờ mà không bị ai lưu tâm, để ý hay khó chịu… Rồi thất thểu về lại Long An.
     
Nhưng thật bất ngờ, bỗng một ngày, Tánh nhận được tin nhắn của Đào. Tin nhắn đến từ một số máy lạ. Nó run run, hồi họp, đọc mà không hiểu hết. Dù Đào viết mà như nói chuyện với nó, bằng ngôn ngữ dân dã của quê hương. “Ngàn lần xin lỗi anh. Bất đắc dĩ em phải rứa. em không thể sống như ri mãi được. Em đang tìm một quê hương sáng sủa hơn. Và đã có cơ hội. Mà cơ hội thì phải mua bằng tiền. Nên em đành phải lừa dối mượn tiền của anh. Em nỏ nói thật với anh, vì biết anh ngờ nghệch hiền lành, nỏ dám phiêu lưu. Và sẽ ngăn cản em. Còn bây giờ, em vẫn khỏe. Cơ hội của em đang đến gần. Em hứa khi mô ổn định, em sẽ nhắn anh đến với em, nếu anh còn thương em. Còn không, em cũng hứa sẽ trả lại hết số tiền, mà cực lòng, em đã mượn anh. Thương anh. Đào”.
      
Nó mừng rỡ, khấp khởi gọi lại cho Đào vào số máy đó. Không được. Nhắn tin cũng không được.      
Lòng phân vân, rối rắm với bao điều không thể hiểu. Ngổn ngang bao nỗi vui buồn. Vui vì Đào vẫn an lành. Buồn vì bao dự định cho tương lai hai đứa, tưởng đã nằm trong tầm tay, bỗng chốc tiêu tan. Buồn vì có lỗi với mẹ và chị. Buồn và không hiểu cái hạnh phúc Đào mơ ước, khác với cái hạnh phúc mà nó đang nhọc nhằn xây đắp. Em đang khao khát điều gì? em đi mô rứa? quê hương nào rứa? Chốn mô mới cho em yên vui? Hà Nội, Sài Gòn, hai chốn giàu sang, hào nhoáng nhất nước ri mà em không thỏa mãn, còn đi tìm ở mô?
       
Vì gây nỗi thất vọng cho gia đình. Lòng ngại ngùng, áy náy, nên dạo này Tánh cũng ít điện về thăm hỏi. Dù lòng buồn nẫu. Đang cô đơn, cô độc, nó càng nhớ nhà, nhớ quê.       
Thưa dần, rồi dứt hẳn. Giờ nó không còn chạy xe máy về Sài Gòn chơi trong những ngày chủ nhật. Chẳng vui gì khi không có Đào. Khi đầu óc và tâm hồn đang ủ ê, phiền muộn. Thay vào đó, những ngày công ty nghỉ, nó kiếm thêm công việc vặt bên ngoài. Dù có Đào hay không, thì nó vẫn phải làm việc, để kiếm tiền, để sống, để trả nợ, bù đắp cho mẹ và chị. Nhưng có lẽ, trong sâu thẳm, nó vẫn le lói hy vọng một ngày nào đó, Đào sẽ trở về. Hay ít nhất, sẽ nhắn nó đến một quê hương mơ ước của Đào, như cô đã hứa.
      
Thắm thoát đến mùa thu. Là nó tính theo ngày tháng miền bắc. Chứ phương nam chỉ mưa và nắng. Làm quái gì có mùa màng.
 
***       
"Đêm đêm nằm nỏ ngủ / nhớ bạn mãi thường thường / tiết lập hạ nhớ thương / bước sang tuần tiểu mãn / trông ra ngoài chán chán / anh thương em mãi mãi / sang hạ chí tiết hè / em nghe tiếng sầu ve / em buồn trong gia sự / bạn buồn trong gia sự /… Ta thương người bạn cộ / nhớ mãi người bạn cộ /… "  (*)
    
Trong một đêm nằm nỏ ngủ. Nó suy nghĩ vẫn vơ. Lấy điện thoại bấm bấm, lướt lướt…      
Bỗng nó bật dậy. Dán mắt vào một bản tin trên mạng. Một tin tức kinh khủng, mà mấy hôm nay, nghe thiên hạ lao xao, nhưng nó không để ý: có 38 người Việt tử nạn do ngạt thở, vì bị nhốt trong một chiếc xe đông lạnh bít bùng nhiều giờ, khi vượt biên giới trái phép vào một nước tư bản châu âu. Tổ chức do một đường dây buôn người quốc tế.
        
Nó đọc đi đọc lại mớ thời sự, tin tức hổn độn, mà không hiểu hết, vì đầu óc nó cũng đang hổn độn, lùng bùng, mụ mị.        
Nhưng điều mà nó nhìn thấy và hiểu rõ nhất là hình ảnh của các nạn nhân được công bố, đa số còn rất trẻ, kèm tên tuổi, quê quán.
       
Hồn lạnh điếng. Tim nó thắt lại. Khi nhìn thấy tên tuổi và hình ảnh Đào, bên cạnh các nạn nhân khác. Đào xinh xắn đang nhìn nó bằng ánh mắt thăm thẳm, hun hút nỗi u uất, phiền muộn. Đôi mắt nhìn nó, nửa như yêu thương, nửa như trách hờn.
                                                                                                                                                                                              Lương Minh Vũ

 (*) Dân ca Nghệ - Tĩnh.

*
Nguồn:
https://www.facebook.com/share/p/1CoWrKSdS3/

Không có nhận xét nào: