BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2022

NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ BẤT NGỜ "PHỤ MẪU" 父母 – Phiếm luận của Đỗ Chiêu Đức



Nhân này LỄ CHA, xin được truy nguyên về sự hình thành của chữ PHỤ là CHA. Theo "Chữ Nho... Dễ học" thì chữ PHỤ thuộc dạng chữ mượn Tượng Hình để Chỉ Sự theo diễn tiến của chữ viết như sau:
                  
    Giáp Cốt Văn       Đại Triện             Tiểu Triện              Lệ Thư
                   

Ta thấy:
           
Giáp Cốt Văn và Đại Triện là hình tượng của một người đang cúi mình dang hai tay ra phía trước, một trên một dưới, ở giữa là một cây nọc dùng để xăm lổ để bỏ hạt giống gieo trồng. Đó là người lao động chính để nuôi sống gia đình, là hình tượng của NGƯỜI CHA trong xã hội nông nghiệp sơ khai. Đến Tiểu Triện thì các nét được kéo thẳng ra để tạo thành chữ viết, đến chữ Lệ của đời Tần thì chữ PHỤ đã giống như chữ viết hiện nay.
             
PHỤ là CHA, là Chồng của Mẹ trong gia đình; còn ngoài xã hôi PHỤ là những bậc đáng hàng Cha Chú, như Hương Thân Phụ Lão 鄉親父老 là nhóm từ dùng để chỉ "Những bậc trưởng thượng trong làng xóm". Sư Phụ 師父 là Thầy dạy, Thần Phụ 神父 là Ông Cha (trong nhà thờ)... Trong gia đình ta còn có:
     
TỔ PHỤ 祖父 là Ông Nội, NGOẠI TỔ PHỤ 外祖父 là Ông Ngoại, BÁ PHỤ 伯父 là Bác, THÚC PHỤ 叔父 là Chú, CỬU PHỤ 舅父 là Cậu... 
     
PHỤ khi đọc là PHỦ (dấu hỏi) còn dùng để chỉ những người già, người cao niên, được gọi một cách thân thiết và kính trọng, như:
     
ĐIỀN PHỦ 田父 : là Ông già làm ruộng, là Lão Nông ,là ông Nông dân già.
     
NGƯ PHỦ 漁父 : là Ông lão đánh bắt cá, là Ông Câu, là Ngư Ông.

Chúa Nhật thứ ba của Tháng Sáu hằng năm, là ngày LỄ CHA (Father's Day) của nước MỸ. Ngày LỄ CHA năm nay nhằm ngày Chúa Nhật 19 tháng 6 năm 2022.
                 
Ta thường gọi ngày LỄ MẸ là NGÀY HIỀN MẪU, nên khi đến ngày LỄ CHA thì rất nhiều người theo thói quen, thay chữ MẪU bằng chữ PHỤ, và gọi ngày Lễ Cha bằng NGÀY HIỀN PHỤ ?!. Thực ra...
     
Ngày Lễ Cha, Father's Day, không thể gọi là ngày HIỀN PHỤ được, vì Hiền Phụ 賢婦 là VỢ HIỀN, chớ không phải CHA HIỀN. Muốn nói Cha Hiền thì phải gọi là TỪ PHỤ 慈父, lấy trong thành ngữ "Phụ Từ Tử Hiếu 父慈子孝", tương đương trong tiếng Nôm ta là "Cha Hiền Con Thảo". Trong gia đình phong kiến ngày xưa, ngoài việc phải nuôi sống gia đình, người Cha còn luôn luôn nghiêm khắc và nghiêm cẩn trong mọi hành vi cũng như sinh hoạt của gia đình, nên còn được gọi là NGHIÊM ĐƯỜNG 嚴堂 hay NGHIÊM PHỤ 嚴父. Lời dạy của Cha thì gọi là NGHIÊM HUẤN 嚴訓, như trong Truyện Kiều, khi Thúc Ông bắt Thúc Sinh phải bỏ Thúy Kiều, cụ Nguyễn Du đã viết:
                    
Thấy lời NGHIÊM HUẤN rành rành,                   
Đánh liều sinh mới lấy tình nài kêu.
    
Theo phép lịch sự xã giao thì gọi Cha của người khác bằng LỆNH NGHIÊM 令嚴 hay LỆNH NGHIÊM ĐƯỜNG 令嚴堂, còn tự xưng cha của mình với người khác là GIA NGHIÊM 家嚴 (Cái ông già nghiêm nghị của nhà tôi) Nhưng bây giờ mà ta xưng hô và gọi như thế thì nghe nghiêm khắc và xa rời con cháu quá !  
     
Còn một từ dùng để gọi cha ngày xưa nữa là XUÂN ĐƯỜNG (còn đọc là THUNG ĐƯỜNG) 椿堂. Theo sách Trang Tử 莊子, chương Tiêu Dao Du 逍遙遊, thì XUÂN 椿 là loại cây cao bóng cả, tàng lá sum suê, có tám trăm năm là mùa xuân, tám trăm năm là mùa thu, nên được dùng để ví với người cha là cột trụ chống đỡ và che chở cho gia đình.  Khi Thúy Kiều khuyên Thúc Sinh về thăm Hoạn Thư, thì chàng mới...
                      
Rạng ra trình lại XUÂN ĐƯỜNG,               
Thúc Ông cũng vội khuyên chàng quy gia.
                
Sẵn trình bày luôn về từ dùng để chỉ Mẹ, đó là từ HUYÊN ĐƯỜNG 萱堂.  HUYÊN là một loài thảo mộc được trồng trong nhà như cây Trường sinh, lá thon dài, nở hoa màu vàng và cho hương thơm dìu dịu, ăn được, ta thường gọi là Hoa KIM CHÂM, dùng để chỉ sự dịu dàng của người mẹ nên ta có từ gọi chung CHA MẸ là XUÂN HUYÊN 椿萱.  Khi hay tin Kiều đã bán mình chuộc cha, Kim Trọng đã vật vã khóc than đến nỗi "Máu theo nước mắt, hồn lìa chiêm bao", khiến cho:
                     
XUÂN HUYÊN lo sợ xiết bao,                    
Hóa ra khi đến thế nào mà hay!
 
    
Xin được trở lại với từ HIỀN PHỤ 賢婦 là VỢ HIỀN; Như ta đã biết ở bài viết trước, chữ PHỤ là Đàn bà, là Vợ. Đây là kiểu chữ HỘI Ý, được ghép bởi bộ NỮ bên trái là Cô Gái, và chữ TRỮU bên phải là Cây Chổi, với hàm ý là cô gái mà cầm cây chổi (để quét dọn nhà cửa) là đã trở thành người chủ của gia đình rồi, đã kết hôn rồi, nên PHỤ là Đàn Bà, là Người Vợ. Vì thế mà HIỀN PHỤ là VỢ HIỀN. Vì HIỀN :  Ngoài nghĩa trái với Dữ là Hiền Thục ra, Hiền còn có nghĩa là GIỎI GIANG.  Ví dụ như Hiền Thần là Bề tôi giỏi giang để phò Vua giúp nước.  Hiền Tài là người có Tài Giỏi và đây cũng là một chức sắc trong Cao Đài Giáo. Nên PHỤ NỮ 婦女 là từ chỉ chung tất cả CÁC BÀ CÁC CÔ có chồng hoặc "chổng chừa", và PHU PHỤ 夫婦 là Vợ Chồng. Hồi nhỏ thường hay nghe Má tôi hát ru em như thế nầy:
                            
Sông dài cá lội biệt tăm,               
Phải duyên PHU PHỤ ngàn năm em cũng chờ.                            
Lòng dạ anh có nghi ngờ,                   
Mực đen giấy trắng làm tờ cam đoan.                            
Thùng thùng trống đổ vừa tan,                        
Vắng anh một bửa ruột gan rả rời!
  
Nên...
      
HIỀN PHỤ 賢婦 : Chẳng những chỉ người đàn bà hiền thục, mà còn chỉ người đàn bà giỏi giang "Tướng phu giáo tử 相夫教子" (Giúp đỡ phò trợ cho chồng và nuôi dạy con cái).
     
Ca dao của Việt Nam ta có câu:
                      
Công cha như núi Thái sơn,              
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra !
 

Trong văn chương không thiếu những áng văn, những bài thơ ca tụng mẹ hiền, mà lại rất hiếm, rất khó kiếm được một bài thơ, một áng văn hay ca ngợi công cha, có thể sự dịu dàng hòa ái của bà mẹ gần gũi với con cái hơn là bộ mặt lúc nào cũng "Lập nghiêm" của ông cha. Cha thì lo việc lớn hơn, ngoài việc duy trì và nuôi sống gia đình, lắm ông còn phải chăm lo việc nước, việc ngoài xã hội...
     
Sau PHỤ là MẪU:
     
Cũng theo "Chữ Nho... Dễ Học" MẪU cũng là chữ từ Tượng Hình sang Chỉ Sự, theo diễn tiến của chữ viết như sau :
                       
     Giáp Cốt Văn       Đại Triện            Tiểu Triện               Lệ Thư


Ta thấy:
           
Giáp Cốt Văn và Đại Triện là hình tượng của chữ NỮ được khép kín phần trên lại, và chấm thêm HAI CHẤM hai bên tượng trưng cho hai cái VÚ để cho con bú. Cô gái khi vú có sữa cho con bú thì đã là Mẹ rồi; đến Tiểu Triện thì kéo thẳng các nét và Lệ Thư thì đã giống như chữ viết hiện nay rồi. Nên MẪU là MẸ, là Má, là Vú, là U...
       
Ta có rất nhiều từ để chỉ tính cách của các bà MẸ như:     
- Hiền Mẫu 賢母 là bà mẹ hiền lành, giỏi giang.     
- Từ Mẫu 慈母 là bà mẹ hiền hòa từ ái, bà mẹ nhân từ.   
- Lương Mẫu 良母 là bà mẹ Lương Thiện giỏi giắn. Ta có thành ngữ  Hiền Thê Lương Mẫu 賢妻良母 để chỉ Các bà vợ hiền thục giỏi giang và các bà mẹ lương thiện giỏi giắn; đây vừa là câu nói khen tặng mà cũng là tiêu chuẩn phấn đấu của các bà các cô làm sao để đạt được là Hiền Thê Lương Mẫu, là Vợ Hiền Mẹ Đảm.
    
- Thân Mẫu 親母 là bà mẹ thân thiết nhất, là Mẹ Ruột; còn Mẫu Thân 母親 là từ kép để chỉ mẹ và để gọi mẹ...
      
Ngoài việc chỉ mẹ ruột ra MẪU còn dùng để gọi các bà mẹ nuôi dạy trẻ một cách thân thương và kính trọng như:   
- Nhũ Mẫu 乳母 là bà vú, là bà mẹ được mướn để cho ta bú từ nhỏ.      
- Bảo Mẫu 保母 là bà mẹ được mướn để nuôi dạy và chăm sóc trẻ em.    
- Dưỡng Mẫu 養母 là bà mẹ nhận ta làm con nuôi, không phải là mẹ ruột, còn được gọi là 義母 Nghĩa Mẫu.
 

MẪU còn dùng để chỉ các bà và các mẹ trong dòng tộc thân thích, như:
     
- Tổ Mẫu 祖母 là Bà Nội; Ngoại Tổ Mẫu 外祖母 là Bà Ngoại.   
- Bá Mẫu 伯母 là Bác gái; Thúc mẫu 叔母 hay Thẩm Mẫu 嬸母 là Thím; Cửu Mẫu 舅母 hay Cấm Mẫu 妗母 là Mợ.   
- Cô Mẫu 姑母 là Cô : Chị em gái của cha; Di Mẫu 姨母 là Dì : Chị em gái của mẹ. Ta còn có một bà DI rất đặc biệt, đó là PHONG DI 風姨 là Bà Thần Gió theo truyền thuyết dân gian Trung Hoa mà cụ Tản Đà đã hỏi trong bài thơ Hỏi Gió:
                                   
Cát đâu ai bốc tung trời ?                               
Sóng sông ai vỗ cây đồi ai rung ?                                   
Phải rằng DÌ GIÓ hay không ?                              
Phong tình quen thói lạ lùng trêu ai ?!
       
Ngoài ra, MẪU còn dùng để chỉ gốc gác hay những cái căn bản, như:
     
- Mẫu Quốc 母國 là Nước Mẹ, nước nơi mình sinh ra; Ngày xưa, các nước theo chủ nghĩa thực dân xưng với các nước thuộc địa bị cai trị là Mẫu Quốc. Như Pháp ngày xưa xưng là Mẫu Quốc của Việt Nam ta vậy.
     
- Mẫu Tự 母字 hay Tự Mẫu 字母 là các chữ Cái dùng để ghép vần thành một chữ hay một từ, như : Mẫu Tự ABC... hay La-Đinh Tự Mẫu 拉丁字母 là Các chữ cái La-tinh...      
- Mẫu Số 母數 là Số gốc nằm bên dưới của một phân số.        
- Hàng Không Mẫu Hạm 航空母艦 là Chiến Hạm Mẹ có cả sân bay trên đó...
       
MẪU còn dùng để chỉ chung các Giống Cái, như:  
  
- Mẫu Kê 母雞 là con Gà Mái. Mẫu Trư 母豬 là con Heo Nái.       
- Mẫu Lão Hổ 母老虎 là con Cọp Cái, thường dùng để ví với đàn bà hung dữ mạnh bạo.     
- Mẫu Dạ Xoa 母夜叉 là con Dạ Xoa Cái, thường dùng để chỉ đàn bà xấu xí hung tợn.
       
MẪU còn dùng để gọi những người đàn bà lớn tuổi một cách thân thương, như: 
      
- Bần Mẫu 貧母 là những bà mẹ nghèo nàn.    
- Cần Mẫu 勤母 là những bà mẹ siêng năng cần cù.    
- Phiếu Mẫu 漂母 là những bà già giặt giũ ở bờ sông bờ suối. Bà Phiếu Mẫu nổi tiếng nhất lịch sử Trung Hoa là bà đã chia nửa phần cơm của mình cho Hoài Âm Hầu Hàn Tín và đã được Hàn Tín trả ơn cho ngàn lượng vàng để ta có thành ngữ Nhất Phạn Thiên Kim 一飯千金 là Một bửa cơm giá đáng ngàn vàng. Cụ Nguyễn Du đã dẫn tích nầy khi Thúy Kiều báo ân báo oán đã nói với sư Giác Duyên và Mụ Quản gia rằng:
                            
Nhớ khi lỡ bước sẩy vời,               
Non vàng chưa dễ đền bồi tấm thương.                        
Nghìn vàng gọi chút lễ thường,                   
Mà lòng PHIẾU MẪU mấy vàng cho cân!
 
    
Theo chương Tiểu Nhã, Lạo Nga của Kinh Thi 詩經小雅蓼莪 có bài thơ nói về CÔNG ƠN của PHỤ MẪU như sau:
        
蓼蓼者莪,匪莪伊蒿  Lạo lạo giả nga, phi nga y cao.         
哀哀父母,生我劬.    Ai ai PHỤ MẪU, sanh ngã cù lao.          
 .........        
父兮生我,母兮鞠我。 Phụ hề sanh ngã, mẫu hề cúc ngã.        
拊我畜我,長我育我,Phủ ngã xúc ngã, trưởng ngã dục ngã,         
顧我復我,出入腹我。Cố ngã phục ngã, xuất nhập phúc ngã.       
报之德,昊天罔极.   Dục báo chi đức, hạo thiên võng cực.

* Có nghĩa:
        
Cha mẹ mong ta xanh tốt như rau nga (giống như rau ngỗ của ta), nhưng ta lại giống như rau cao (giống như rau đắng của ta. Ý muốn nói là không giống được như cha mẹ mong mõi). Thương thay cha mẹ ta, sanh ra ta thật là vất vả khó nhọc. 
        
Cha sanh ra ta, mẹ thì mang nặng ta, vuốt ve ta nâng niu ta, nuôi ta khôn lớn. Chăm sóc chiếu cố ta, ra vào bồng ẵm ta. Muốn báo cái ơn đức đó của cha mẹ. thì như trời cao lồng lộng vô cùng tận. (Ý chỉ không sao báo nổi công ơn của cha mẹ đâu).
 
* Diễn Nôm:
               
Kìa xem xanh tốt rau nga,                            
Hóa ra chẳng phải đó là rau cao.                                
Thương thương cha mẹ biết bao,                            
Nuôi ta khôn lớn cù lao nhọc nhằn.                             
.......................                                
Cha sanh mẹ dưỡng khó khăn,                           
Đẻ đau mang nặng ân cần nâng niu.                               
Ra vào bồng ẳm cưng chìu,                          
Dưỡng nuôi chăn sóc thương yêu vô ngần.                                
Làm con muốn báo thâm ân,                          
Trời cao lồng lộng khó mong đáp đền!                                                
                                     Đỗ Chiêu Đức


9 chữ màu đỏ ở trên (, sanh, cúc,,, phủ, xúc, , , trưởng, dục, , , Cố, phục, phúc). gọi là Cửu Tự Cù Lao 九字劬, ta nói là: CHÍN CHỮ CÙ LAO, như trong Kiều, khi ở lầu xanh, Thúy Kiều đã:
                                 
Nhớ ơn CHÍN CHỮ cao sâu,                            
Một ngày một ngã bóng dâu tà tà ...        
      
Mong rằng tất cả con cái trên đời đều biết phụng dưỡng kính yêu hiếu thuận với cha mẹ của mình mà không cần phải đợi đến ngày LỄ CHA, LỄ MẸ gì cả !
 
                                                                                         杜紹德
                                                                                    Đỗ Chiêu Đức

Không có nhận xét nào: