Chùa
Hà (Thánh Đức tự)
Chùa Hà có tên chữ là Thánh Đức tự, trước kia thuộc
làng Dịch Vọng (tên nôm là làng Vòng), huyện Từ Liêm, nay thuộc phố Chùa Hà,
phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Có hai truyền thuyết về chùa Hà.
Truyền thuyết thứ nhất:
Vào thời Lý, khi vua Lý Thánh Tông trị vì, lúc đã 42
tuổi mà vẫn chưa có con nên đã cầu tự ở một ngôi chùa mà sinh ra Thái tử Càn Đức,
do đó ngôi chùa này gọi là chùa Thánh Chúa để kỷ niệm sự kiện này. Trên đường
đi vua còn ghé qua một ngôi chùa khác và ban tiền bạc cho chùa để trùng tu lại,
vì vậy chùa này (chùa Hà) còn có tên là Thánh Đức tự.
Truyền thuyết thứ hai:
Chùa Hà được xây dựng lên để vua Lê Thánh Tông bày tỏ
lòng nhớ ơn các đại thần như Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Đinh Liệt đã phế bỏ Lê
Nghi Dân để phò tá ông lên ngôi vua vào năm 1460.
Trải qua bao phen binh hỏa, chùa Thánh Đức đã bị phá hủy
nhiều lần. Đến năm 1680 chùa vẫn còn lợp lá gồi, tường xây bằng gạch vồ nên người
dân gọi là chùa Vồi. Đến đời vua Lê Hy Tông (1675-1705) có hai người quê làng
Thổ Hà tỉnh Bắc Giang sang ở chùa để bán các đồ gốm sứ ở chợ trong và ngoài
thành Thăng Long. Nhờ buôn bán phát đạt, hai gia đình này tình nguyện công đức
số tiền lớn cùng nhân dân trong xóm xây dựng lại chùa với quy mô lớn bằng gạch
ngói vào năm Chính Hòa (1680). Từ đó hai làng Thổ Hà và Dịch Vọng Trung kết
nghĩa, đặt tên xóm có ngôi chùa là Bối Hà và chùa có tên nôm là chùa Hà.
Kiến trúc của chùa được quy hoạch trong một khoảng
không gian rộng thoáng. Ngoài cùng là cổng Tam quan xây hai tầng có hệ thống cầu
thang lên ở phía trái. Tầng trên xây kiểu chồng diêm, giữa bờ đinh mái thượng đắp
nổi hình mặt trời lửa đặt trên hình hổ phù, hai đầu kìm đắp hình rồng đuôi xoắn,
miệng ngậm bờ nóc, mái lợp giả ngói ống. Tầng dưới chia làm ba gian, với 12 cột
trụ xây nổi trên mặt tường. Tam quan có ba vòm cửa, cửa giữa rộng hơn.
Tầng hai Tam quan treo chuông đồng Thánh Đức tự, niên
hiệu Cảnh Thịnh thứ 7 (1799), một di vật thời Tây Sơn còn bảo quản nguyên vẹn.
Chuông cao 1m20, chu vi đáy 1m80 được đúc tinh tế, phần trên bốn múi chuông được
khắc nội dung văn chuông, phần dưới được khắc tứ linh: long ly quy phượng cách
điệu mà rất sống động. Phía trên là hai con bồ lao đầu nhìn về hai phía, bốn
chân gắn chặt vào chuông
Chùa Hà nhìn ra hướng tây, kết cấu kiểu chữ Đinh có Tiền
đường và Thượng điện, tam bảo năm gian rộng. Tòa phật điện của chùa được bố trí
theo nhiều lớp. Lớp cao nhất là ba pho Tam thế. Lớp thứ hai: là ba pho tượng
Tam Thánh. Phía dưới tượng A Di Đà: tượng A Nan Đà, Đức Ông.
Phía ngoài chính điện giáp với đại bái là tượng Thích
Ca sơ sinh. Lớp tượng ở nhà bái đường nổi bật nhất là tượng Thiên Tướng Hộ Pháp
cao lớn mặc áo giáp vàng ngồi trên con sấu. Hai bên đầu hồi còn đặt 8 vị Thần
Vương Hộ Pháp.
Phía sau chính điện của chùa là Điện Mẫu. Kiến trúc Điện
Mẫu bao gồm phía trước là phương đình, phía sau là Thần điện. Trong phương đình
có đặt đỉnh hương và đôi hạc lớn. Phía sau phương đình là nhà bái đường gồm 5
gian làm theo kiến trúc cổ. Gian chính giữa đặt Mẫu Thượng Thiên trang phục màu
đỏ, bên trái là tượng Mẫu Thượng Ngàn trang phục màu xanh, bên phải là tượng Mẫu
Thủy trang phục màu trắng, ngoài ra còn có tượng các ông hoàng, bà chúa, tượng
các cô, các cậu. Đặc biệt là bức phù điêu Bát Tiên treo bên trái hồi rất sống động.
Bàn thờ phía dưới cùng của Điện Mẫu là Ngũ Hổ thần
quan, hay gọi nôm là Quan Năm Dinh, biểu tượng bằng 5 mãnh hổ với màu sắc khác
nhau.
Nếu như những ngôi chùa khác tập trung nhiều tầng lớp
trung niên, các cụ ông cụ bà, đến lễ bái, thì chùa Hà được đông đảo học sinh,
sinh viên tìm đến để cầu tình yêu.
Dân gian tín rằng chùa Hà rất linh nghiệm với những cầu
nguyện về thi cử, học hành và tình duyên. Rất nhiều nam thanh nữ tú (nhất là những
người đang cô đơn, lẻ bóng, những người không may trong chuyện gia đình) đầu
xuân đến chùa Hà để cầu xin sớm gặp được người chồng (vợ) như ý, hoặc cầu xin
tình yêu sớm đơm hoa kết trái, hạnh phúc gia đình được viên mãn.
Dân gian cũng tín rằng: Đức Ông chùa Hà rất linh
thiêng nên dân quanh vùng có câu “Đức Ông chùa Hà, Đức Bà chùa Hương”.
Đặng Xuân Xuyến
-------------
(Trích
từ VÀO CHÙA LỄ PHẬT: NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT của Đặng Xuân Xuyến; Nhà xuất bản Văn
hóa Thông tin 2006)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét