CHÙA PHÚC KHÁNH - NGÔI CHÙA LINH THIẾNG ĐẤT HÀ THÀNH - Đặng Xuân Xuyến
Chùa Phúc Khánh thường được gọi là chùa Sở, tọa lạc tại
số 382 Tây Sơn, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Tương truyền chùa Phúc Khánh được xây dựng vào cuối thời
Trần, trên nền đất làng Sở (ban đầu chỉ là một ngôi chùa nhỏ để dân làng thờ Phật,
sau nhiều lần trùng tu, mở rộng, chùa mới có khuôn viên như ngày nay). Sang đến
thời Lê sơ, nhất là vào thời Hậu Lê, chùa Sở trở thành một trường học, đào tạo
tăng ni, phật tử cho cả nước. Sau đó, vào năm 1776, chùa Phúc Khánh bỗng nhiên
gặp cơn binh hỏa, phật đài, tịnh xá, nền móng bị đổ nát. Có vị tăng đồ của chùa
Trấn Quốc đi qua, được dân làng Sở ái mộ mời ở lại để trụ trì. Dân làng Sở đã bỏ
công sức, cúng tiền, khuyến cáo thập phương hợp sức xây lại chùa. Nhưng cũng có
tài liệu cho rằng chùa nằm trong khu vực diễn ra trận đánh Đống Đa năm 1789 nên
bị đổ nát, sau được nhà sư Chiếu Liên xây dựng lại với sự hỗ trợ của Đô đốc Trần
Văn Lễ (thời Tây Sơn). Tam quan chùa Phúc Khánh được làm theo kiểu hai tầng,
cửa giữa lớn, cửa bên nhỏ hơn, phía bên trên làm kiểu gác chuông. Hai bên tam
quan xây hai trụ biểu, phía bên trên mỗi biểu đắp hình con sấu chầu vào nhau.
Thân trụ trang trí ô hộc, đắp chữ Hán. Chùa Phúc Khánh có kết cấu kiểu chữ Công không cân xứng.
Qua tam quan đến sân chùa lát gạch và nơi thờ tự bao gồm tiền đường và hậu
cung. Tiền đường 5 gian làm theo kiểu “đầu hồi bít đốc”.
Chính giữa bờ nóc đắp nổi một hình cuốn thư, bên kiếm, bên bút lông.
Bên
trong chùa Phúc Khánh
Hậu cung 3 gian.Nhà tổ 4 gian. Trong chùa hiện còn lưu giữ được hiện vật quý là quả
chuông đúc từ thời Tây Sơn, do đô đốc Trần Văn Lễ cúng tiến. Ngoài ra còn có 20
pho tượng trong chùa, có nhiều pho được làm từ thời Tây Sơn có giá trị nghệ thuật
cao. Bên cạnh các pho tượng, chùa còn giữ được những hiện
vât nghệ thuật giá trị như 21 tấm bia đá, tấm cổ nhất là năm 1698; 14 bộ bao
lam (cửa võng); 3 đại hồng chung và các đồ thờ rất quý khác như bát hương đồng,
long ngai, nhang án, chuông cổ (đúc năm 1796)... Chùa đã được Bộ Văn hóa và thông tin xếp hạng di tích
kiến trúc, nghệ thuật ngày 16 tháng 11 năm 1988 Chùa Phúc Khánh là ngôi chùa linh thiêng có tiếng ở Hà
Nội, năm nào người đến đây lễ cũng đông. Sau những lời cầu khấn cho một năm mới
làm ăn sung túc, nhiều người đến ban thờ Đức ông để rút quẻ đầu năm. Nhiều người
tín rằng, chùa Phúc Khánh rất linh thiêng, cầu gì được đấy, nên khách thập
phương đến dâng lễ tại chùa Sở vào những ngày lễ, tết, sóc vọng năm nào cũng nườm
nượp như trẩy hội. Đặc biệt, những người trắc trở về tình duyên thường đến
chùa Phúc Khánh nhờ nhà chùa làm lễ cắt tiền duyên (vì tin có người âm quá lưu
luyến với mình không muốn mình được hạnh phúc bên người khác), cầu mong cắt được
duyên âm để duyên phận sẽ sớm được tốt đẹp. Loại hình sinh hoạt tâm linh tiêu biểu của chùa Phúc
Khánh là lễ cầu an (tổ chức vào ngày rằm tháng giêng), lễ cầu siêu và lễ dâng
sao giải hạn. Lễ cầu an và lễ dâng sao giải hạn từ lâu đã trở thành
một “thương hiệu” gắn liền với tên tuổi chùa Phúc Khánh. Nhiều người tin rằng
các nghi lễ cầu an và dâng sao giải hạn của chùa Phúc Khánh thật sự có hiệu quả. Cùng với lễ cầu an đầu năm và lễ dâng sao giải hạn diễn
ra hàng tháng, chùa Phúc Khánh còn là một điểm thu hút phật tử nhiều nơi đến
làm lễ cầu siêu, đưa rước vong linh người thân của mình gửi lên chùa. Cầu siêu,
nói một cách ngắn gọn là một khóa lễ mà ở đó người ta cầu cho các chân linh,
vong hồn sau khi từ giã dương gian được siêu sinh tịnh độ. Đối tượng người hành lễ tại chùa Phúc Khánh rất đa dạng,
trong đó có một bộ phận là giới trí thức cũng như các quan chức từ trung ương tới
địa phương. Có lẽ là do ngôi chùa này nổi tiếng là linh thiêng chăng?! Đặng Xuân Xuyến ------------- (Trích
từ VÀO CHÙA LỄ PHẬT: NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT của Đặng Xuân Xuyến; Nhà xuất bản Văn
hóa Thông tin 2006)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét