BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2022

MÃI HOÀI NHƯ RỨA - Truyện ngắn của Nguyễn Đặng Mừng

                                       (Kính tặng chị TKL)
 
Nhà văn Nguyễn Đặng Mừng
      
Từ ngày Nhan trốn đi ngày tháng dài ra. Mối tình đầu của tôi tội nghiệp như cọng khoai lang sau mùa lũ. Nhan đi đâu mấy tháng rồi bặt vô âm tín.
 
Làng xóm xác xơ trong cái rét tháng giêng. Mùa giáp hạt cả làng đều đói. Một ngày gánh phân đi trồng khoai sau rú về, tắm rửa xong, cầm cây đàn ghita ra vườn sau, hát khe khẽ một mình. Đang lãng đãng với Dư âm, Suối mơ… thì nghe tiếng Thanh - em gái tôi lên tiếng: “không được hát nhạc vàng, có cán bộ tới kiểm tra nì”.  Tôi gật đầu chào cô gái đứng bên. Thanh giới thiệu: “Đây là Nghi Đông học lớp sư phạm với em mới ra trường, cùng về dạy trường làng mình, một giọng hát vàng, chuyên gia hát chui của lớp đó. Còn đây là anh Bình, anh trai của Thanh mới cải tạo về, một tay ghi-ta có hạng, hai người hát với nhau đi. Thanh đi ngước cho mạ một khúc, hôm nay mạ đi bứt cỏ cho trâu”. Thanh đi rồi hai đứa ngồi im, cây đàn trên tay rạc rời từng nốt. Tôi ngừng lại một chút, hỏi:
- Đông ở mô trong Huế?
-  Dạ An Cựu
-  Ra dạy đây có buồn không?
-  Hồi đầu thì buồn, nhưng chừ quen rồi, lại thương.
Làng quê nghèo khổ của tôi toàn cát với cát, mưa gió lụt lội, một cây đu đủ cũng không sống nổi, chỉ còn cây tre khẳng khiu chịu đựng, có gì đâu mà em “lại thương”. Tôi bối rối hỏi một câu, mà sau này nghĩ lại thiệt là vô duyên, quê mùa:
- Có thương ai chưa.?
- Dạ thương học trò, đứa mô cũng siêng học và lễ phép. Chỉ tiếc là nhà trường không cho mặc áo dài, một lần lên lớp dị òm.
- Răng mà không cho mặc, áo dài là quốc hồn quốc túy mà?
- Họ noái mặc áo dài có vẻ tiểu tư sản, yểu điệu quá. Quan điểm giáo dục của xã hội mới là gần gũi nhân dân, giáo viên nhân dân mà. Đông chỉ chừa lại hai cái làm kỷ niệm, còn chừng mô là cắt làm áo ngắn hết. “Một áo dài thành hai áo ngắn, tình yêu mình là sắn là khoai”.
Cả hai cùng cười. Tôi dạo một khúc nhạc “Em đến thăm anh một chiều mưa”. Đông bắt giọng nhịp nhàng. Tay tôi run lên, lòng xốn xang theo giai điệu một thời không được hát. Giọng ca ngọt lịm, dịu dàng rồi vút lên cao vời mơ ước “Ta ước mơ một chiều thêu nắng, em đến chơi quên niềm cay đắng và quên đường về”. “Niềm cay đắng” của thế hệ tôi và em, dệt bao nhiêu là mộng, đến nay một chiếc áo dài cũng cắt ra thành áo ngắn. Chiếc áo dài e ấp mà trang nghiêm, ước mơ của bao giáo sinh sư phạm đã bị bức hiếp phũ phàng. Đông ngước nhìn lên, giọng em vời vợi, lá tre rung rinh dưới ánh trăng xao động. Tôi mường tượng một khuôn trăng non nào ai hoài xa tít. Buổi chiều chạng vạng trong vườn đầy tiếng ve, bứt rứt dậy thì. Lời ca và mắt Đông nói hộ em, và cả tôi nữa, biết bao điều sóng sánh, ngạt ngào.
        
Chiều nào Đông cũng ra nhà tôi, phụ với mạ và Thanh những việc nhà nông. Có khi cùng ăn khoai lang với gia đình. Rồi cùng hát với tôi, hát cũng là một cách “chống đói”, đến giờ ngủ mới trở về trường. Mạ tôi hay đùa: “con gái Huế danh gia vọng tộc, có chịu nỗi cực khổ ngoài ni không. Cũng nên chịu cực cho quen, không thôi mai mốt lỡ ưng (yêu) thằng mô rồi khổ…  Nói rứa chơ làm du (dâu) nhà ni cũng không đến nỗi…”. Đông cũng đùa: “Mạ dạy cho con sàng sảy lúa gạo cho quen, mai mốt làm dâu không lẽ để bà gia (mẹ chồng) làm hết việc…”. Nhìn Đông tập sàng gạo cả nhà cười vang, tôi cũng đùa “Đông sàng gạo như bánh xe đạp bị cong niềng, cứ lảo đảo như sắp bổ (té, ngã) đến nơi, cứ sàng đi, bổ thì anh đỡ.” Đông “ứ” một tiếng, nhìn tôi đỏ mặt.
        
Mùa hè đến. Đông sắp vào Huế nghỉ hè. Ve bắt đầu hát trên những rặng tre sau vườn nhà. Một tối sáng trăng, chỉ có hai đứa, tôi hỏi Đông:
-  Ba mạ Đông hiện làm chi? 
Mắt Đông gợn buồn rồi kể:
 - Mạ em mất hơn mười năm rồi. Ba đi theo cách mạng về có bà vợ khác. Hai chị em không thích ở chung nên từ năm 75 về ở bên ngoại. Chị Đông đang dạy ở trường Quốc học. Còn một anh trai nữa đi cải tạo ngoài Bắc chưa về.
- Anh cấp bậc chi, ở đơn vị mô?
- Đông cũng không biết, chỉ có lần nghe anh nhắc tên làng này.
- Phải tên Hy không?
- Sao anh biết?
- Còn Đông tên là Bo, chị là Xuân phải không?
- Còn anh là…
- Là anh chi đó.
- Anh chi đó... bạn anh Hy. Ôi trời! Trái đất tròn...
 
Hai đứa cười ngỡ ngàng xa xót. Rồi Đông khóc, nước mắt lăn trên má, đẹp hơn cả chị Xuân ngày đó.  “Người ơi còn nhớ mãi trưa nào chiều nào vàng bướm bên ao...”. Tôi hát lớn, không cần giữ ý tứ gì nữa: “Ôi những đêm dài hồn có mơ hoài một giấc ai mơ, buồn sớm đưa chân cuộc đời…”. Bài hát dứt. Đông lúng túng đứng lên, em sợ. “Thôi Đông về, khuya rồi”. Em bước lùi, tôi bước tới, bóng lá tre theo ánh trăng lao xao trên khuôn mặt đẹp đến não nùng. Tôi hôn em, lần đầu trong đời, vụng về run rẩy: “Lần đầu ta ghé môi hôn, những con ve nhỏ hết hồn kêu la” (Thơ Trần Dạ Từ). Tiếng ve theo em, theo tôi khản giọng suốt đêm hè.
                                            
***       
Năm đó tôi học đệ ngũ ở một trường quận cách Huế năm mươi cây số. Đạp xe từ làng đến trường cũng non mười cây nữa. Đi qua những làng xóm ruộng đồng heo hắt, đoạn thì gặp du kích, đoạn lại gặp lính Cộng hòa. Mấy anh cứ dặn là không được báo với đối phương của họ. “Đi cúi mặt xuống đất, về cất mặt lên trời”, mẹ tôi dặn thế. Có lúc lại gặp những xác chết của cả hai bên, chúng tôi cúi đầu đạp xe không dám nhìn.
          
Có một đại đội địa phương quân đóng đồn gần nhà. Gia đình tôi có hai chị gái khá xinh đẹp, các ông sĩ quan thường tới lui tán tỉnh. Tôi được các ông cưng chìu lắm, vì thường làm chim xanh chuyển thư cho họ đến các chị. Có lần bị chị đánh vì cái tội thày lay. Anh trung úy Hy không bao giờ nhờ chuyển thư, cũng chẳng tán tỉnh ai. Anh chỉ “chơi” với tôi, khi thả diều, khi đi bắn chim, tát cá. Anh có chiếc Honda 67 mới toanh, một lần anh cho cưỡi chạy một vòng là sướng mê ly. Tôi hay mượn sách anh để đọc, thường là những cuốn sách dịch khó hiểu. Anh bảo khi nào cùng anh đi Huế chơi một bữa, mấy cô em của anh ấy có tủ sách Tự Lực Văn Đoàn đầy đủ lắm. Tôi mừng rơn. Từ nhỏ tôi chưa bao giờ cầm được cuốn sách của Khái Hưng, Nhất Linh mà trong chương trình học thường trích dẫn.
     
Chiều chủ nhật anh Hy xin với chị tôi cho thằng Bình đi Huế. Chị đồng ý với điều kiện sáng mai phải có mặt ở nhà, để chiều còn đi học. Ngồi sau lưng anh Hy, những cánh đồng, xóm làng khuất nhanh. Thành phố Huế trong mơ mồn một trước mắt. Con gái con trai ai cũng đẹp, cũng thanh thoát, chẳng bù vào những người quê tôi, lam lũ, luộm thuộm.  Tưởng tượng mình làm thi sĩ lạc bước vào chốn thiên thai mà sướng ngất. 
 
Anh Hy chở về nhà. Nhà anh Hy buổi chiều không có ai, anh dặn: “Bình ngồi chơi, anh đi đến bạn anh một chút, anh về liền”. Tôi ngồi đợi. Anh Hy không về. Đèn điện đường đã sáng, anh cũng không về. Ngồi trong phòng tối mờ mờ, toàn là sách với sách, tôi lấy vài cuốn ra coi, phần nhiều là sách tiếng Pháp, tôi lại chẳng biết chữ nào. Hoang mang. Im ắng quá, tôi đi ra vườn. Sắp đến mùa hè, ve kêu ran. Tiếng ve nhà vườn ở Huế khác tiếng ve trên những rặng tre ở quê tôi, giọng nó khàn hơn, như giọng con trai bể tiếng, còn giọng ve ở làng tôi như giọng con gái dậy thì, nó the thé, rất con gái.
 - Ê, ai cho vô đây?
Cô gái tóc dài chợt xuất hiện lên tiếng hỏi làm tôi giật mình lúng túng, đứng lên nói như sắp khóc:
- Anh Hy chở tui vô đây rồi đi mô mất. Chị chỉ đường cho tui về nhà, chừ còn xe ra Quảng Trị không chị.
- Cậu là chi của anh Hy? 
- Dạ thưa chị, anh Hy đóng quân ở làng em, chủ nhật nên anh cho em đi Huế chơi. Biết ri thì em không đi mô.      
- Cái ông Hy ni đoảng thiệt. Thôi cứ ở đây ăn cơm với chị, tối chị dẫn đi chơi. Đoạn chị nói lớn: “Bo ơi, có bạn đây nì, ra chơi với anh để chị đi nấu cơm”.
Có tiếng dạ rất ngọt, thanh như tiếng ve ngoài làng:
 - Ai rứa chị?
 - Bạn của anh Hy.
 Cô bé tóc đuôi gà nhìn tôi thất vọng, đôi mắt đen láy chớp  chớp, ngần ngừ:   
- Bạn anh Hy chi mà nhỏ rứa?
- Nhỏ cũng bạn anh mình. 
Rồi chị quày quả đi vào bếp, nói với lại.      
- Nấu cơm ăn xong, Bo dẫn anh chi đó ra phố chơi nghe.
   
Í da, tôi sợ phát run lên, răng chị không cùng đi, bé Bo mà trở chứng thì tôi biết cậy ai đây, hởi trời!
 - Chị Xuân ơi, cơm chín chưa, đói quá rồi nì.      
- Người chi mà xấu máu đói. Mới ăn chè khi chiều mà la đói rồi. Mời anh chi đó vô ăn cơm luôn.
Bo dạ, rồi lí nhí: “Vô ăn cơm hè”.
Mâm cơm có dĩa rau khoai luộc, một chén nước ruốc và một dĩa cá bống kho khô. Đặc biệt nồi cơm nhỏ xíu, tôi nghĩ xới vài chén là hết. Hồi trưa được chị cho đi Huế, mừng quá nên chỉ ăn một chén, đang đói cồn cào, nồi cơm này ngoài nhà tôi ăn một mình cũng chưa no. Nhưng là khách, nhớ câu mạ dặn “miếng ăn là miếng xấu” nên tôi từ chối chén thứ hai. Thế mà khi ăn xong trong nồi vẫn còn cơm. Hai chị em ăn như mèo. Chắc họ ăn vặt cả ngày, tôi nghĩ thế.
Chị Xuân vừa dọn bàn vừa nói.
- Em thông cảm, thứ hai bài vở nhiều quá, chị phải ở nhà làm bài. Bo nhớ đưa anh ra coai sông Hương nghe, ban đêm đẹp lắm.
 Bo dắt chiếc xe đạp mini ra, giọng rành rọt:
 - Anh chở tui nghe, có biết đi xe đạp không đó?
Gì chứ đi xe đạp là nghề của tôi mà. Bo ngồi lên phía sau, hai chân một bên, ý tứ như người lớn. Chúng tôi đèo nhau đi qua cầu Trường tiền, rẽ về Thương Bạc, lên cầu mới rồi quay về nhà chưa đầy nửa tiếng. Dọc đường không ai nói với ai tiếng nào.
 Chị Xuân hỏi:
- Đi chi mau rứa?
- Thì anh ưng đi mô thì đi chớ Bo có ý kiến chi mô.
- Bo hướng dẫn viên kiểu chi lạ rứa, phải chỉ cho anh chỗ ni chỗ tê để anh biết chớ.
 
Chị Xuân hướng dẫn cho tôi ngủ ở phòng khách, trên chiếc sập cổ. Tôi nằm nghe ve kêu, mơ màng như lạc vào khu vườn nào đó trong truyện cổ.  Tôi nghe loáng thoáng tiếng hai chị em nói gì đó lẫn trong tiếng ve, thỉnh thoảng lại cười rúc rích. Chị Xuân nói vọng vào:
  - Lấy sách mà đọc đi em.
  - Sách tiếng Pháp em không đọc được.
  - Em thích đọc sách chi?
  - Chị có cuốn mô của Khái Hưng hay Nhất Linh cũng được. 
Chị đem cuốn sách vào rồi bật đèn sáng lên, Bo bưng chén chè hạt sen theo sau, đặt lên bàn và “mời anh ăn chè”. Tôi nhìn chén chè bé tẹo, nghĩ đến cơn đói nếu đêm này đọc hết cuốn sách kia. Mà tôi phải đọc hết, vì nó là Hồn Bướm Mơ Tiên, cuốn sách mà tôi hay nghe thầy tôi… kể.  Tôi đọc một mạch đến hết cuốn sách, đồng hồ điểm năm giờ sáng. Ve giờ này im hẳn. Tiếng hai chị em nói chuyện nghe rõ hơn:
- Bo mặc áo ni vô trong cho đẹp, chị mới may cho Bo đó.
- Em không mặc mô, nóng lắm.  
- Con gái lớn rồi, người ta dòm dị chết. Mạ bắt chị mặc áo lót từ lớp đệ thất, năm nay đệ lục rồi, Bo không sợ mạ buồn răng.
 Im lặng. Có tiếng khóc thút thít: “Dạ, Bo mặc”.
 Tiếng ve kêu. Bắt đầu chỉ vài con cất tiếng rồi dần lan ra, râm ran cả vườn cây. Có tiếng gõ cửa, Bo bước vào với chiếc áo dài trắng trông lớn hẳn lên, lí nhí: “mời anh ra ăn sáng”.
        
Chị Xuân mới rạng rỡ làm sao. Ngoài quê tôi chưa thấy ai đẹp như thế, chị tròn lẳn trong chiếc áo dài trắng, đôi guốc cao gót cũng màu trắng làm chị cao hơn. Tóc chị dài phủ quá eo, đen mượt. Chị ngồi vào bàn sau khi duyên dáng hất mái tóc về phía sau. Bo thì không thế vì tóc cột đuôi gà. Bữa ăn sáng là ba chén cháo đậu đỏ, dĩa cá bống thệ kho khô như hồi hôm. Ăn cháo xong thì anh Hy về, dựng xe rồi nói lớn.       
- Xin lỗi nghe, hôm qua gặp mấy đứa bạn ở xa về nói chuyện và uống bia vui quá nên quên mất.       
Chị Xuân háy anh trai: “Chưa có ai đoảng hậu như anh, mời người ta đi Huế chơi mà bỏ đi chừ mới về. Anh ở chơi với anh chi đó, chị em tui đi học đây”.
Tôi nhìn theo hai tà áo dài khuất sau bình phong màu rêu. 
Anh Hy vào thắp nhang trên bàn thờ rồi quay ra, đèo tôi chạy một vòng quanh thành phố Huế rồi thẳng ra Quảng Trị.
Tôi hỏi:
- Ba mạ anh ở mô?
- Ba anh đi theo bên tê từ lúc bé bé Bo mười tuổi. Mạ anh mất năm ngoái.
- Bên tê là Việt Cộng phải không? Răng anh lại đi lính bên ni, lỡ hai cha con gặp nhau…
- …
 Từ đó về làng tôi không dám hỏi thêm câu nào, chắc anh đang buồn lắm.
 
  *
Giáo viên quê tôi từ hai nguồn, một số từ phía Bắc vào, gọi là khung, còn lại là tốt nghiệp ở trường sư phạm Huế. Giáo viên ở tập thể trong trường. Hiệu trưởng tên Lung, dáng người thấp đậm. Em tôi kể “Tay Lung này ghê lắm. Giáo viên nữ mệt với hắn. Đêm nào cũng bị gõ cửa phòng, chỉ có nhóm tụi em là hắn không dám đụng”. Có lần thấy hắn đứng lắc theo sau mông một cô giáo đang sảy lúa, học sinh vỗ tay cổ vũ theo nhịp sảy, hắn hứng chí lắc mạnh hơn. Làng tôi nổi tiếng làm quan, nghe nói các đời trước có nhiều người vô làm quan trong dinh (Huế). Lớn lên tôi chẳng thấy ai làm quan là mấy, đến đời tôi trong làng chỉ còn ba đứa, cao nhất là thiếu úy. “Di sản” của “làng quan” là giọng nói gần như giọng Huế và sáu họ đều là họ Nguyễn, chỉ khác chữ lót. Dù vậy dân làng vẫn còn giữ nét phong hóa làng quê tốt đẹp. Thấy cảnh “biểu diễn” của “ông thầy”, các phụ huynh đi gặt dừng lại xem, lắc đầu ngao ngán.
         
Nhà tôi ở sát bên trường. Những đêm họp nghe rõ mồn một. Họ hay cãi nhau, thường là chuyện phân phối lương thực, thực phẩm. Họ cũng làm ruộng, gọi là cải thiện.         
Một tối tôi nghe giọng nói trịnh trọng của hiệu trưởng Lung “Hôm nay chúng ta họp kiểm điểm tư tưởng của cô Đông. Theo báo cáo của quần chúng là hằng đêm cô Đông thường ra nhà của cô Thanh để hát nhạc vàng với anh trai cô ấy, một sĩ quan cải tạo về chưa có quyền công dân. Là một giáo viên nhân dân, cô  phải tường trình và làm kiểm điểm trước hội đồng giáo viên”. Tôi lạnh toát cả người, thương em đứt ruột. Một giọng Huế nghe không rõ, chắc là của Đông, tôi chỉ nghe được câu cuối, “...thưa thầy, em nhận lỗi”.
         
Từ đó Đông không ra nhà tôi nữa.        
Tôi cũng bị đưa ra trước hội thanh niên, cũng tường trình, cũng viết kiểm điểm. Cả ngày làm việc cật lực, tối về nhớ em quặn lòng. Cây đàn cũng bị tịch thu rồi.        
Tôi trốn làng đi lúc nửa đêm, nhìn lại ngôi trường buồn tênh, em chắc cũng đang nằm khóc trong đó.        
Ngồi chờ tàu trên ghế đá khuất cuối hành lang, nơi năm ngoái chia tay với Nhan. Nhớ Nhan, nhớ nụ hôn đầm đìa nước mắt trên má. Nhớ Đông, nhớ nụ hôn luống cuống dưới bóng tre, chập chờn ánh trăng ma quái, như chiêm bao thời mới lớn. Tôi trùm cái mền dạ lủi lên tàu. Tàu ầm ầm mang tôi chạy trốn quê cha đất tổ, lủi dần vào đêm tối. Các em đến với đời tôi thơ dại như búp bông khoai tội nghiệp, tim tím mơ hồ, lao đao trong gió bấc tháng hai. Tôi hứng các em bằng vòng tay vụng về, lơ ngơ dây khoai ngoằn ngoèo trên đất cát, không biết bám vào đâu. Cát trắng tinh tuổi thơ tôi chăn trâu bắt cá, có hương hoa ép chặt vào giấc mơ, có bông hoa dẻ ép vào vở học trò, thơm huyễn hoặc da diết. Tôi ôm theo tình yêu các em, như hồi nhỏ ôm bịch trái sầu đâu chơi ô làng. Tôi ăn gian rồi không cho lại, không nghĩ đến con bé hàng xóm khóc thút thít vì đánh ô làng thua tôi sạch tay. Giờ đây, tôi và các em cùng sạch tay như nhau, trong cuộc đời ảo này.
 
*
        
Tôi đi nhiều nơi, từ miền Đông đến miền Tây Nam bộ, từ cao nguyên đến đồng bằng, làm đủ nghề để sống. Mỗi lần mùa hè đến nghe tiếng ve, lòng lại rạo rực như thời mới lớn, cháy bỏng nụ hôn đầu đời. Năm năm sau tôi lấy vợ, sinh con. Cuộc sống lao đao cùng cực, chẳng còn hơi sức đâu mà nghĩ đến đàn địch hát hò.
   
Ở vùng kinh tế mới miền Đông Nam bộ, vợ tôi bị sốt rét nằm liệt giường cả tháng. Chúng tôi đã bán đến thùng lúa cuối cùng để chỉ mua thuốc ký ninh. Con tôi vừa dứt sữa, vì còn sữa đâu mà bú. Cháu khóc ngằn ngặt đòi bú. Tôi bón cháo loãng cho cháu, tay run lên nghĩ đến ngày mai. Ngày mai là tương lai, là đẹp, nhưng với vợ chồng tôi thì… Ngồi ru con bằng những bài hát ru ngày xưa mạ hát “Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội, huống chi người xa người tội lắm người ơi. Chẳng thà không biết  thì thôi, biết rồi mỗi đứa… ơ ơ... biết rồi mỗi đứa mỗi nơi…sao đành.” Thấy tôi khóc, vợ hỏi “Anh có mối tình nào trước khi gặp em không?”, tôi nói có. “Sao không nghe anh kể?”. Tôi kể lại thật lòng không thêm bớt. Đến đoạn tiếng ve và ánh trăng xuyên cành lá tre… tôi hát não nề “Ôi những đêm dài hồn có mơ hoài…” Vợ tôi khóc nức nở. “Răng anh hát bài ‘Hương xưa’ hay rứa mà chưa khi mô nghe anh hát.” Tôi ngậm ngùi, “Cái chi qua rồi thì thôi, nhắc lại làm chi, cho buồn em, tội anh…” Nàng cầm tay tôi run run, đôi mắt chân thành “Em không buồn, em hạnh phúc…”. Tôi ôm nàng vào lòng, cơn sốt làm nàng run lên bần bật, mặt tái đi, “Em chết thì anh tìm chị Bo đi nghe, em biết chị ấy nhân hậu vì em cũng là con gái Huế, em cũng có một mối tình…Chị ấy mạ chết sớm chắc cũng thương con mình như con chị ấy”.
 Vài ngày sau thì vợ tôi qua đời, trước khi trút hơi thở cuối cùng môi nàng mấp máy, thì thào “...Bo… Bo…”.
 
*
         
Tôi cõng con đi học qua hai ngọn đồi. Cha con tôi ngược lại thuở bốn mươi năm trước, hồi đó cha tôi cũng cõng tôi đi học như thế này trên đường quê Quảng Trị. Dọc đường nghe con kể chuyện học hành, bạn bè và khoe cô giáo mới. “Cô hát hay lắm ba ơi, có nhiều bài lạ cô giáo năm ngoái không tập”. “Bài chi vậy con” con tôi nỉ non hát “Trường làng tôi cây xanh lá vây quanh, muôn chim hót vang lên êm đềm…”
Tôi hát theo, song ca hai bè, con tôi cười vang:
- Ba tập khi mô mà thuộc rứa.?      
- Ba được tập từ hồi lớp hai như con bây chừ. 
- Cô giáo ba có hát hay không? Bằng cô giáo con không?
- Chắc không hay bằng, vì cô giáo của con còn trẻ.
- Cô lớn tuổi rồi, tên rất lạ: Tôn Nữ Nghi Đông… chủ nhiệm lớp con.
 
Tôi để con xuống, ngồi bệt bên đường. Con tôi hỏi “Ba mệt để con chạy ù là đến trường ngay thôi, ba về đi”. “Không, ba không mệt, con cho ba xin tờ giấy cây viết”. Con ngạc nhiên đưa giấy viết cho tôi. Tôi viết nhanh: “Nghi Đông ơi, phải em không? Nếu phải thì mời em trưa nay ghé nhà anh ăn trưa. Anh đợi. Anh: Nguyễn Đăng Bình” rồi xếp lại đưa cho con, dặn: “Con đưa cho cô giáo, nếu cô hỏi thêm gì thì nói mời cô về nhà hỏi ba con, nghe chưa.” 
Nó dạ rồi ù chạy.
Tôi thẫn thờ. Tôi chờ đợi. Tôi đau đớn. Tôi hạnh phúc. Thắp nhang lên bàn thờ, di ảnh vợ nhìn tôi cười như mãn nguyện. Cuộc đời biết bao dan díu, đau đớn nghẹn ngào quyện vào nhau, muốn rứt ra cũng không được…
 
Thiếu phụ áo dài tím, dắt tay con tôi đến ngõ. Cô giáo nhìn tôi không chớp mắt “Phải anh Bình đây không?”. Giọng Huế không lẫn đâu được của bé Bo, của cô giáo Nghi Đông làng tôi ngày đó.
  - Có phải Nghi Đông đó không?
  - Chơ ai nữa, trời cho Nghi Đông gặp lại anh.
  - Để anh thấy được Nghi Đông mặc áo dài.
Nghi Đông nhìn xuống vạt áo lấm tấm đất đỏ, cười ngượng ngùng.
- Ở vùng này mặc áo dài thiệt bất tiện, nhưng Đông chưa khi mô mặc đồ Tây đi dạy. Để bù những ngày dạy học ở làng anh…
- … Một áo dài thành hai áo ngắn… Lên lớp dị õm…
Cả hai cười gượng. Nghi Đông xin phép thắp nhang lên bàn thờ vợ tôi. Cây nhang trong tay Đông run run, ngoằn ngoèo sợi khói vương lên đôi mắt rơm rớm nước. Xong Đông cùng tôi ngồi xuống bàn, sau khi hất mái tóc dài kiểu chị Xuân thời con gái. Nếu gặp đâu đó một cử chỉ như thế, dù không nghe giọng nói, tôi vẫn chắc rằng đó là phụ nữ Huế.
 
Bàn tay nông dân sần sùi nhiều vết sẹo ấp lên bàn tay trắng xanh của cô giáo trường làng:       
 - Ở đây có ve không anh.        
- Có. Nhưng hết mùa hè rồi         
- Tiếng ve kêu giống con gái dậy thì hay con trai bể tiếng.         
- Giống tiếng trung niên và thiếu phụ  
- Em chưa là thiếu phụ, em chưa yêu ai ngoài anh.       
- Thì giống tiếng anh chi đó và bé Bo        
- Giống tiếng ve đêm trăng vườn nhà anh, mãi hoài như rứa.
                                             
                                                Sài Gòn, 22 giờ đêm 10.11.2007.
                                                          Nguyễn Đặng Mừng

Không có nhận xét nào: