BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 13 tháng 6, 2022

KHÚC THỤY DU – Nguyên Lạc



1. Nghĩa của hai chữ Thụy du
 
Theo nghĩa Hán Việt, Thụy : giấc ngủ, thí dụ “thụy y” 睡衣 quần áo ngủ. Du : Đi. Đi từ nơi này qua nơi khác
Vậy “Thụy du” : Đi trong khi ngủ, mộng du. Mộng du là tình trạng đi trong giấc ngủ (Sleepwalking). Đây là một loại rối loạn giấc ngủ có nhiều khi nguy hiểm, nó là chứng bệnh somnambulism.
Khúc Thụy du là khúc hát khi mộng du.
 
2. Về bài thơ Khúc Thụy Du
Khúc Thụy du”ra đời trong hoàn cảnh nào?
Bài thơ Khúc Thụy Du được Du Tử Lê sáng tác vào năm 1968, với nguồn cảm hứng tình yêu của ông với một cô sinh viên ngành dược.
Du Tử Lê đã kể lại:
Vào tháng 3 năm 1968, mối tình của ông với cô sinh viên trường dược tên Thụy Châu vừa chớm nở, thì chiến trận xảy ra. Là phóng viên chiến trường nên ông phải đi theo dõi một trận đánh ở ngoại ô Sài Gòn (ngã tư Bảy Hiền). Ông đã chứng kiến cảnh chết chóc, thịt nát xương tan đến rợn người: Người dân bỏ đi tránh nạn, chó mèo từ những căn nhà hoang tràn ra đường kiếm ăn, gặm cả xương người… khiến Du Tử Lê bị ám ảnh.
Tháng 4-1968, khi tờ Văn được xuất bản trở lại, tòa soạn đề nghị ông gửi thơ để đăng và ông đã gởi một bài thơ viết về những ám ảnh đó.
Ông đã lấy tên đệm của người yêu là “Thụy”, ghép với chữ đầu trong bút danh của mình là “Du” làm nhan đề cho bài thơ: “Khúc Thụy du”. Nó như một cộng nghiệp hay chung một tai hoạ, một tuyệt lộ.
Khúc Thụy du” không phải là bài thơ tình; tình yêu chỉ là câu hỏi nhỏ: “Trong hoàn cảnh chiến tranh thì số phận những người trẻ yêu nhau, định mệnh sẽ ra sao? Định mệnh lớn hơn con người sống như thế nào, tìm được cái gì, đem được cái gì khi cái chết cận kề?”
Bài thơ khi được viết ra dài trên 100 câu. Nhưng khi đăng, tạp chí Văn cắt bỏ gần 1/3 bài. Ngay chính tác giả cũng không còn bản gốc mình viết tay khi đó. Sau này, in trong các tập đành phải lấy theo bản bị cắt bỏ này.
 
3. Về bài nhạc Khục thụy du
Đến khi nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc (năm 1985) thì “Khục thụy du” mang đậm dấu ấn về tình yêu.
Có sự khác biệt nhau giữa bài thơ và bài nhạc:
Nếu như bài thơ Khúc thụy du là mô tả những nỗi ám ảnh sống chết, tiếng kêu đau thương của con người, thì bài hát Khục thụy du mang đậm dấu ấn về tình yêu, với cách đặt vấn đề mang màu sắc triết luận và những câu hỏi đặt ra không nhằm hay không mong câu trả lời. “Hãy nói về cuộc đời/ Khi tôi không còn nữa/ Sẽ lấy được những gì/ Về bên kia thế giới/ Ngoài trống vắng mà thôi”.
Nhạc sĩ Anh Bằng đã khéo léo rút tỉa những câu định đề của bài thơ, chuyển sang trạng thái tình yêu, thay vì đi sâu vào thân phận chiến tranh như bài thơ gốc. Ví dụ rõ ràng nhất là hình ảnh chim bói cá: Hình ảnh chim bói cá trong bài thơ là sự mở để đi sâu vào vô vàn hình ảnh người chết phía tiếp sau. Còn trong bài hát nó là sự nối tiếp của tình yêu, làm rõ cho tình yêu trong cuộc đời.
Bài thơ gốc của Du Tử Lê đi sâu vào thân phận chiến tranh, còn ca khúc khi được Anh Bằng phổ nhạc, đã khắc họa tình yêu trong cuộc đời. “Nhạc sĩ Anh Bằng chỉ lọc, lựa một số câu thơ liên quan tới tình yêu mà không lấy một câu thơ nào nói cụ thể về chiến tranh, chết chóc… Chết chóc hay chiến tranh được hiểu ngầm, như một thứ background mờ nhạt” – Du Tử Lê
 
Sự chuyển từ thơ sang nhạc của nhạc sĩ Anh Bằng có nhiều người phản đối, nhưng cũng có nhiều người đồng tình.
Phản đối vì bài hát đã giản lược phần quan trọng nhất của bài thơ: là thân phận con người, chỉ nhấn vào khía cạnh tình yêu, một khía cạnh rất nhỏ.
Đồng tình vì khi chỉ còn tình yêu, bài hát không nặng nề, u ám, dễ dàng đi vào lòng người do đó được lan truyền rộng rãi hơn.
 
Mặc dù bài hát “Khúc Thụy du” rất nổi tiếng, nhưng Du Tử Lê bảo ông chỉ ưng ý về giai điệu, chứ không hài lòng về nội dung. Trong một cuộc phỏng vấn của Trung tâm Asia, khi ca khúc đã nổi danh, Du Tử Lê đã nói ông không nghĩ thơ của ông thích hợp với Anh Bằng, vì trong cái nhìn của ông, Anh Bằng thích hợp với các bản nhạc, bài thơ có tính chất phổ thông, còn “Khúc Thụy du” không phải là thơ tình, tình yêu chỉ là một gam màu nhạt trong tổng thể của bài thơ. Tuy nhiên, ông cũng cám ơn Anh Bằng đã chắp thêm đôi cánh cho bài thơ đến với mọi người.

Nhà thơ Du Tử Lê

KHÚC THỤY DU
Thơ Du Tử Lê
 
1.
như con chim bói cá
trên cọc nhọn trăm năm
tôi tìm đời đánh mất
trong vụng nước cuộc đời
 
như con chim bói cá
tôi thường ngừng cánh bay
ngước nhìn lên huyệt lộ
bầy quạ rỉa xác người
(của tươi đời nhượng lại)
bữa ăn nào ngon hơn
làm sao tôi nói được
 
như con chim bói cá
tôi lặn sâu trong bùn
hoài công tìm ý nghĩa
cho cảnh tình hôm nay
 
trên xác người chưa rữa
trên thịt người chưa tan
trên cánh tay chó gặm
trên chiếc đầu lợn tha
tôi sống như người mù
tôi sống như người điên
tôi làm chim bói cá
lặn tìm vuông đời mình
 
trên mặt đất nhiên lặng
không tăm nào sủi lên
 
đời sống như thân nấm
mỗi ngày một lùn đi
tâm hồn ta cọc lại
ai làm người như tôi?
 
2.
mịn màng như nỗi chết
hoang đường như tuổi thơ
chưa một lần hé nở
trên ngọn cờ không bay
đôi mắt nàng không khép
bàn tay nàng không thưa
lọn tóc nàng đêm tối
khư khư ôm tình dài
 
ngực tôi đầy nắng lửa
hãy nói về cuộc đời
tôi còn gì để sống
hãy nói về cuộc đời
khi tôi không còn nữa
sẽ mang được những gì
về bên kia thế giới
Thụy ơi và Thụy ơi
 
tôi làm ma không đầu
tôi làm ma không bụng
tôi chỉ còn đôi chân
hay chỉ còn đôi tay
sờ soạng tìm thi thể
quờ quạng tìm trái tim
lẫn tan cùng vỏ đạn
dính văng cùng mảnh bom
Thụy ơi và Thụy ơi
đừng bao giờ em hỏi
vì sao mình yêu nhau
vì sao môi anh nóng
vì sao tay anh lạnh
vì sao thân anh rung
vì sao chân không vững
vì sao anh van em
hãy cho anh được thở
bằng ngực em rũ buồn
hãy cho anh được ôm
em, ngang bằng sự chết
 
tình yêu như ngọn dao
anh đâm mình, lút cán
Thụy ơi và Thụy ơi
 
không còn gì có nghĩa
ngoài tình anh tình em
đã ướt đầm thân thể
 
anh ru anh ngủ mùi
đợi một giờ linh hiển

 

Nhạc sĩ Anh Bằng


KHÚC THỤY DU
Lời nhạc Anh Bằng
 
Hãy nói về cuộc đời
Khi tôi không còn nữa
Sẽ lấy được những gì
Về bên kia thế giới
Ngoài trống vắng mà thôi
Thụy ơi, và tình ơi !
 
Như loài chim bói cá
Trên cọc nhọn trăm năm
Tôi tìm đời đánh mất
Trong vũng nước cuộc đời
Thụy ơi, và tình ơi !
 
Đừng bao giờ em hỏi
Vì sao ta yêu nhau
Vì sao môi anh nóng
Vì sao tay anh lạnh
Vì sao thân anh rung
Vì sao chân không vững
Vì sao, và vì sao !
 
Hãy nói về cuộc đời
Tình yêu như lưỡi dao
Tình yêu như mũi nhọn
Êm ái và ngọt ngào
Cắt đứt cuộc tình đầu
Thụy bây giờ về đâu ?
 
4. Vài hàng về bút hiệu Du Tử Lê
– Thi sĩ Du Tử Lê tên thật là Lê Cự Phách, sinh năm 1942 tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, qua đời vào ngày 7 tháng 10 năm 2019 tại nhà riêng ở Garden Grove, California, USA.
– Về bút hiệu, ông tâm sự: “Tôi thích một bài thơ Đường, nhan đề là “Du Tử ngâm” (tác giả Mạnh Giao*- NL). Du Tử là đứa con xa mẹ và tôi họ Lê nên “Du Tử Lê” có nghĩa là đứa con xa mẹ dòng họ Lê. Và chính thức dùng bút hiệu Du Tử Lê. Vì tôi yêu mẹ tôi lắm. Góa bụa khi rất trẻ, bà ở vậy nuôi các con. Khi tôi bắt đầu nổi tiếng, được báo chí, họ hàng nhắc tới thì mẹ tôi chỉ thốt lên: “Ôi giời ơi, văn chương gì chú ấy, người thì lẻo khẻo, mà chỉ thấy hút thuốc lá nhiều” – Du Tử Lê
 
                                                                                     Nguyên Lạc
 
…………………….

 
* DU TỬ NGÂM
 
Từ mẫu thủ trung tuyến
Du tử thân thượng y
Lâm hành mật mật phùng
Ý khủng trì trì quy
Thuỳ ngôn thốn thảo tâm
Báo đắc tam xuân huy
 
Dịch Nghĩa:
 
KHÚC NGÂM CỦA NGƯỜI ĐI XA
 
Sợi chỉ trên tay mẹ
Thành chiếc áo mặc trên người đứa con đi xa
Trước khi con đi, mẹ khâu thật kĩ
Ý sợ con đi lâu chưa về áo đã hư
Ai bảo rằng tấm lòng của tấc cỏ
Có thể báo đáp được ánh nắng của ba xuân?
 

Không có nhận xét nào: