BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 11 tháng 10, 2021

CON ĐƯỜNG QUỐC HỌC, ĐỒNG KHÁNH – Nguyễn Phước Yên


 



Thuở xa xưa ấy, cả vùng Thừa Thiên – Huế chỉ có hai trường Quốc Học và Đồng Khánh  có các lớp Đệ Nhị cấp (Cấp3) công lập. Trong hai trường đó, chỉ có trường Quốc Học có các lớp Đệ Nhất (lớp 12 bây giờ). Học sinh các tỉnh phía bắc Trung phần, sau khi đến Huế thi đậu Tú Tài Bán phần (Tú Tài 1), muốn thi Tú Tài Toàn phần (Tú Tài 2) thì phải "du học" Đệ Nhất trường Quốc Học, nếm mùi học trò xứ thần kinh một năm mới đủ điều kiện và bản lĩnh dự thi. Không kể lớp Đệ Nhất, hai trường Quốc Học và Đồng Khánh, một trường chỉ dành cho nam sinh, một  trường cho nữ sinh. Học sinh khu vực nội ô ở hai bên bờ sông Hương và các vùng ngoại vi tiếp giáp Huế, mỗi sáng cứ nườm nượp xuôi dòng áo trắng về trường. Áo sơ mi trắng, quần xanh là dân Quốc Học. Bộ áo  dài, quần xa tanh trắng muốt là các nường Đồng Khánh. Con đường Lê Lợi, đoạn từ  cầu Trường Tiền  đến hai trường Đồng Khánh và Quốc Học buổi sáng như ngày trẩy hội. Muốn chờ ai, ngắm ai cứ giả bộ ngẩn ngơ dừng lại bên vỉa hè phải thì ắt thỏa mắt nhìn. Nội ô Huế ngày ấy gồm 3 đơn vị hành chánh. Phía  bờ bắc sông Hương là quận Tả Ngạn và quận Thành Nội. Vùng ngoại vi bên phía này là Kim Long, An Ninh, An Hòa, Bao Vinh, Địa Linh, Thế Lại, Bãi Dâu, và xa hơn nữa là cả vùng huyện Hương Trà … Các cô cậu không hẹn mà ai cũng đều gặp nhau ở ngõ cầu Trường Tiền (dân mạn dưới) hay Bạch Hổ (dân mạn trên) vượt sông Hương đến trường. Một số ngại đi xe đạp thì nhảy lên xe buýt ở bến xe chợ Đông Ba, dưới cầu Gia Hội, theo các tuyến xe số 3 - Bến Ngự hay số 5 - Từ Đàm. Ai thích đùa nước với mấy em nhỏ Đồng Khánh thì xuống đò ngang Thừa Phủ. Phía bờ nam sông Hương là quận Hữu Ngạn. Bên phía này thì ngoài khu vực Đập Đá, Vĩ Dạ, Chợ Cống, An Cựu, Phú Cam, Bến Ngự, Nam Giao còn Phường Đúc, Long Thọ, Nguyệt Biều và xa hơn nữa là các vùng ngoại vi thuộc các huyện Phú Vang, Hương Thủy, … Phía bên này thì có nhiều cầu, nhiều ngã đến trường, không phải qua sông, lụy đò.
         
Lúc ấy dân cư Huế phần lớn tập trung ở phía bắc sông Hương. Học sinh từ Thành Nội hay các vùng ngoại vi bờ phía bắc đi ngang vào Thành Nội thì ra cửa Ngăn, hay cửa Nhà Đồ, cửa Đông Ba. (Ngày ấy, cửa Ngăn là đường một chiều đi ra Thành Nội, cửa Thượng Tứ là đường một chiều đi vào Thành Nội). Học sinh từ phía Bao Vinh lên thì phải theo đường một chiều Phan Bội Châu (Ngã Giữa, nay là Phan Đăng Lưu) để ra đường Trần Hưng Đạo. (Khi đi về phải theo đường một chiều Huỳnh Thúc Kháng - Hàng Bè). Đoạn đường phố Trần Hưng Đạo đến cầu Trường Tiền là nơi “hợp lưu” của dòng học sinh từ Bãi Dâu, Gia Hội, Thế Lại xuống dốc cầu Gia Hội gặp dòng từ Bao Vinh, Địa Linh vừa ra Ngã Giữa. Qua cầu Trường Tiền thì “dòng chảy” này nhận thêm dòng học sinh từ Thành Nội ra cửa Ngăn, cửa Nhà Đồ, xuôi đường Trịnh Minh Thế xuống nhập thêm, làm tăng lưu lượng chảy. Phương tiện di chuyển của học sinh, sinh viên ngày ấy tuyệt đại là xe đạp. Mỗi sáng vào giờ học sinh đến trường, thành phố có lịch hạn chế xe hơi giao thông trên cầu Trường Tiền. Bình thường, qua cầu Trường Tiền, xe đạp có đường đi riêng song hành với đường dành cho người đi bộ, sát thành cầu. Nhưng đến lúc mấy bác cảnh sát áo trắng huýt còi ra lệnh dừng các xe hơi thì dòng xe đạp của học sinh nhanh chóng ùa vào đường lòng cầu. Màu nhũ bạc mấy nhịp Trường Tiền sáng lên màu nắng ban mai quyện vào màu trắng tinh khôi những chiếc áo học trò bay lượn theo gió sông nhè nhẹ. Bức tranh đến trường vẽ thêm hoa cho thành phố lung linh sắc trắng trên dòng Hương biếc xanh. Xuống dốc cầu Trường Tiền bên Đài Phát thanh, “dòng chảy” lại nhận thêm “dòng học sinh” từ phía Đập Đá, Vĩ Dạ, Chợ Cống… hòa vào để làm nên dòng chảy Quốc Học - Đồng Khánh ào ào như thác đổ theo đường Lê Lợi ngược lên hai ngôi trường có cổng trường vôi tím bên bờ nam sông Hương. Qua khỏi Đài Phát Thanh, khu Morin đến Ti Công Chánh, ở góc lối rẽ vào Bưu Điện là tiệm thuốc Tây Phạm Thiều Anh. Lên nữa là Trung tâm Văn hóa Pháp, trường tư thục Bình Minh (Sau này là trường Hưng Đạo, trường Thành Nhân và bây giờ là Sở Giáo dục). Từ đó, phía bên sát bờ sông là công viên  trải thảm hoa, cây xanh kéo dài đến bia Quốc Học (bia Chiến sĩ trận vong), bên kia đường là Bệnh viện, Tòa Hành chính tỉnh, rồi đến trường Đồng Khánh và trường Quốc Học. Những con đường nhỏ rẽ nhánh từ Lê Lơi như những xương cá giữa các công sở và trường học nhưng ít có người rẽ ngang. Nữ sinh Đồng Khánh vào trường bằng cổng phụ trên đường Nguyễn Trường Tộ, con đường thẳng qua cầu Phủ Cam. Học sinh Quốc Học vào trường bằng cổng phụ ở cửa bên hông, trên đường thẳng lên cầu Bến Ngự. Tan trường, học sinh Đồng Khánh lại được ra đường Lê Lợi trở về trong khi học sinh Quốc Học lại một lần nữa ra cổng phụ xuôi đường Ngô Quyền phía sau trường cho xe đạp xuôi xuống ngã ba Bưu Điện mới được “tự do” ra về theo đường cũ.
         
Đoạn đường Lê Lợi đã thành đoạn đường huyền thoại trong kí ức của học sinh, sinh viên Huế. Ai đã gắn bó với tuổi học trò ở Huế thì ít nhiều có những kỉ niệm với đoạn đường này. Đoạn đường có phượng vĩ và long não hai hàng rợp bóng xanh che mát và vẽ hoa nắng lên mặt đường nhựa nhẵn thín. Mùa thu khai trường, phượng và long não không thuộc loại cây có thời gian ngủ đông nhưng một ít lá úa vàng cũng rơi rơi từng cánh nhỏ,  gợi sức hấp dẫn cho những tâm hồn lãng mạn. Những ngày đông mưa rét, chiếc xe đạp đều đều lăn bánh theo tiếng nước re re cuốn mặt đường. Chiếc áo mưa hiệu Belair không đẹp, màu xanh trong nhờ nhờ làm mờ cả không gian  đến trường. Hạt mưa nhè nhẹ, lách cách gõ vào áo mưa điệu nhạc buồn buồn, xa vắng. Khi đã vào trường, chưa đến giờ vào lớp, các chàng Quốc Học và các nường Đồng Khánh còn dịp “chọi” nhau bằng lời vượt “rào tường lửa” ngang qua con “đường dài hun hút cho mắt em sâu” Nguyễn Trường Tộ, ngăn cách giữa 2 trường. Kỉ niệm Quốc Học - Đồng Khánh một thời khó quên!
         
Quốc Học và Đồng Khánh ngày ấy có lịch vào lớp chênh nhau 15 phút. Chàng Quốc Học nào đi học trễ hay nường Đồng Khánh nào đi học sớm thì cũng rơi vào dòng chảy khác màu giới tính bao vây. Thế là những cái môi mấy nường xinh xinh “đượm mùi nho tươi” múa may cũng làm các chàng run lập cập phóng xe thật nhanh vượt qua đám đông chướng ngại. Các nường Đồng Khánh đi học sớm cũng thế. Mấy đấng Quốc Học bao xe, ép đường, quấn lời trêu chọc vào cả bàn đạp, ai mà không lính quýnh. Thôi!... Tấp vào lề giả bộ đứng vỉa hè như chờ ai đó, khi đến dòng Đồng Khánh lên, mới nhập vào theo đám đông. Thế mà, từ con đường này và nối tiếp theo những ngõ ngách lẽo đẽo làm đuôi đeo bám khác, Quốc Học và Đồng Khánh cũng hình thành nhiều cặp đôi. Có cặp đôi hoàn hảo bám nhau “đi về cùng chung lối đường” đến răng long đầu bạc. Cũng có nhiều cặp “dzô dziên” tan đàn, rẽ gánh thành kỉ niệm buồn, kỉ niệm vui tuổi hoa niên để nhớ mãi. Thế mới có chuyện mấy mươi năm sau, một người con gái trong một thoáng bâng khuâng hỏi lòng, thẩn thờ nhớ về tháng ngày cũ :
         
(…) Những buổi chiều khi nắng sang sông         
O bâng khuâng nhè nhẹ hỏi lòng         
Mình nhớ ai mà buồn chi lạ !
(Mường Mán – Qua mấy ngõ hoa)
         
Chuyện cặp đôi có thể “duyên khởi” từ những ánh mắt đùa nghịch đầu tiên trên đường đến trường, nhưng dù bạo gan cách mấy, những cặp đôi “lủng lẳng” ấy cũng không dám phô trương trên đoạn đường Lê Lợi. Chàng theo nàng qua bao ngõ rẽ là cả một quá trình khám phá, theo dõi, làm đuôi, trao thư, tỏ tình… Nàng thì cứ dấn dá hết đoạn đường này đến đoạn đường khác cho chàng theo mà cứ làm bộ ngúng nguẩy để khi về đến nhà còn tiếc là con đường sao ngắn quá.
         
“Răng mà cứ theo tui hoài rứa        
Cái ông ni mới dị chưa tề        
Sớm trưa chiều ba bữa đi về         
Đưa với đón làm chi không biết         
Ôi đôi mắt chi mà tha thiết         
Đừng có nhìn làm loạn bước tui đi         
Lá thư tình ông gửi làm chi         
Cha mạ biết rầy la tui chết”
         
(…)” Tội tui lắm cách cho vài bước         
Đừng đi gần hai bước sóng đôi         
Xa xa cho kẻo bạn tui cười         
Mai vô lớp cả trường dị nghị         
Theo chi rứa răng mà không biết dị         
Thôi được rồi, đưa lá thư đây         
Mai tan trường đợi ở gốc cây        
Tui sẽ trả lời cho biết”                   
(Lưu Trần Nguyễn – Đồng Khánh ngày xưa)
         
Còn chuyên ni thì có thể là khi Đồng Khánh còn học nhờ Quốc Học các lớp Đệ Nhất. Thế mới có cảnh:
         
“Người ở mô răng mà kì dữ rứa         
Giờ ra chơi cứ ngó miết người ta         
Và reo lên khi thoáng thấy đi qua         
Tụi bạn tưởng “có răng rồi mới rứa”
         
Tình đã chín nhưng đến việc nhờ phong thư chàng vẫn ngại ngùng, luống cuống:
         
(…) “Người chi mô mà vô duyên rứa hỉ         
Trao phong bì rồi hấp tấp bỏ đi         
Ờ thương thương, nhớ nhớ làm chi         
Về ba mạ biết ri la chết.”
         
Thế nhưng miệt mài lẽo đẽo làm đuôi  như chàng thì không ai bằng, để nàng có dịp ngúng nguẩy, làm cao:
         
(…) “Mắc cớ chi theo người ta cho mệt         
Người răng mà ưa lẽo đẽo làm đuôi         
Lỡ một lần như rứa cũng vui vui         
Nhưng ngày mai. Thôi đừng theo nữa hí !”                       
(TK - Có răng rồi mới rứa)
         
Có chàng Quốc Học theo một ai đó, thấy nàng có dấu hiệu luống cuống là biết chắc rằng cá đã cắn câu. Chàng lại mạnh dạn hơn rỉ tai thủ thỉ:
         
(…) “Có chi mô mà chân luống cuống         
Cứ tà tà ta bước sóng đôi         
Đi một mình tim sẽ mồ côi         
Tóc sẽ lệch đường ngôi không đẹp”
         
Nàng vẫn ra vẻ làm cao tạo dịp cho “tài tán tỉnh” của chàng:
         
(…) “Không ngó anh răng nhìn xuống đất ?         
Đất có chi đẹp đẽ mô nờ         
Theo nhau từ hôm nớ, hôm tê         
Anh hỏi mãi răng o không nói?”     
   
Và chàng lại ca bài đeo bám:         
 
(…) “Từ bốn cửa Đông – Tây – Nam – Bắc         
Từ bốn mùa Xuân – Hạ - Thu – Đông         
Theo nhau như sáo sang sông         
Như chuồn chuồn có đôi, có cặp”                      
(Mường Mán – Qua mấy ngõ hoa)
         
Thế đó!… Nhưng mà!… Từ khi có “chuyện một chiếc cầu đã gãy” rồi xuất hiện cầu phao, cầu mới Phú Xuân và những ngôi trường công lập Đệ Nhị cấp Hàm Nghi, Gia Hội, Nữ Thành Nội thu hút học sinh phía Tả Ngạn; trường Nguyễn Tri Phương, trường Kiểu Mẫu chia bớt học sinh của Đồng Khánh, Quốc Học phía Hữu Ngạn thì những con đường Quốc Học - Đồng Khánh thoái trào để đến ngày xóa sổ. Những con đường nhựa xe lăn bánh đeo bám, đón đưa xuyên qua các ngõ ngách thành phố không còn nhưng con đường kỉ niệm đi vào cuốc sống và tâm tưởng một thế hệ học sinh xứ Huế vẫn còn xuôi mãi. Nhiều cặp đôi Quốc Học - Đồng Khánh dẫn nhau vào đời; kể cả những con người đơn phương chỉ tơ tưởng một thời hoa mộng… thì trong họ, con đường nhiều ngõ một thời bướm hoa ấy vẫn lắng lòng mỗi lần nhớ đến. Họ nối những con đường thời tuổi hoa đến ngày răng long đầu bạc, nối đến những vùng trời đất xa xôi mà khi lần cất bước chia xa vùng trời kỉ niệm ngày nào, họ không nghĩ là không còn quay lại được.
          
Con đường của một thời Huế học trò!...
 
                                                                        Nguyễn Phước Yên


Không có nhận xét nào: