Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu
Thơ Nguyễn Linh Khiếu là dòng thơ trữ tình mới. Anh
tin vào khả năng của ngôn ngữ trong việc giữ gìn các giá trị văn hóa, mang đi ý
niệm truyền sinh, phồn thực, ca ngợi thiên nhiên, trong khi vẫn thường xuyên
tra hỏi các vấn nạn lịch sử. Đó là kết hợp giữa tự sự sinh thái và trữ tình xã
hội. Những điều ấy được thực hiện trong thể thơ tự do, với những câu dài, kỹ
thuật trùng điệp, với các nút thắt mở của trường ca. Nguyễn Linh Khiếu cần thơ
trữ tình để vượt qua các khoảng cách, kết nối sự vật trong không gian và thời
gian. Anh cũng vượt qua các tập quán, thiết chế, điển lễ, các rào cản xã hội, bằng
cách đối thoại với thiên nhiên; và tôi cho rằng đó là chọn lựa thích hợp. Thơ của
anh mở ra từng đợt như sóng, nhiều bài nối tiếp nhau, ngay cả những bài ngắn, độc
lập, cũng dễ dàng được đặt vào giữa các bài khác, thành những chuỗi, thành chủ
đề.
nếu
ta có một nắm đất
ta
sẽ vùi hạt hạnh vào trong
cầm
trên tay đợi khi mùa xuân tới
hạt
hạnh trong tay sẽ lặng lẽ nảy mầm
nếu
ta có một cánh đồng
ta
sẽ cày bừa xới vun đất đai màu mỡ
trên
cánh đồng ta chỉ trồng hoa hạnh
ai
đi qua cũng trầm trồ cánh đồng hoa hạnh của nhà thơ
nếu
ta có một quốc gia
trên
lãnh thổ nhiệt đới phì nhiêu của mình ta chỉ trồng hoa hạnh
người
yêu hoa khắp thế gian hành hương về chiêm ngưỡng
thiên
đường hoa hạnh của thi nhân.
Câu hỏi của Nguyễn Linh Khiếu nhiều hơn câu trả lời.
Câu trả lời giới hạn trí tưởng tượng, trong khi câu hỏi mở rộng chúng. Câu hỏi
của anh: chúng ta đến từ đâu, chúng ta là ai, tự do là gì, chúng ta đi về đâu,
ý nghĩa của tồn tại của dân tộc. Thơ cũng cố gắng giải thích nhiều sự vật, tuy
vậy giải thích không phải là công việc chính. Ngôn ngữ thơ cần một tiếp cận
toàn bộ, trọn vẹn, không tách rời từng bộ phận. Câu hỏi: mỗi con người đứng ở
đâu trong dòng chảy của lịch sử.
đây
những người đàn ông bị săn lùng dồn đuổi tận cùng tuyệt diệt
đây
những người đàn bà bị chà đạp bị giày vò hãm hiếp
Thiên nhiên đối với anh là hiện thực đẹp đẽ hoang dại,
dung hợp cao quý và dung tục. Chất dã thú trong thiên nhiên của Nguyễn Linh Khiếu
là sự hồn nhiên nguyên thủy. Cái tàn bạo đáng sợ, tính ác, cũng có mặt trong
thơ anh nhưng không nổi bật bằng tính cao quý, thiêng liêng, sự liên tục, như
người mẹ.
ta
có thể cầm nắm sự thật trên tay
ta
có thể liếm lưỡi vào sự thật
ta
có thể đong đầy sự thật trong hai mắt
anh
yêu em chỉ là một khoảnh khắc
Thơ Nguyễn Linh Khiếu đầy cảm hứng khoảnh khắc, một thứ
tự sự có khuynh hướng triết học, vốn mang tính siêu hình, trừu tượng. Như vậy
những tư duy hình ảnh của thơ anh có thể dẫn đường đến tư duy triết học, là nhờ
sự tiếp xúc không ngừng giữa người và người, người và vạn vật, sự tương tác giữa
chúng có tính cụ thể, ngay lập tức.
dòng
nước lạnh lẽo kia chẳng nói năng gì
Kỳ
Cùng mùa đông tiếng thở dài vô bờ bến
những
gì đã mất thỉnh thoảng đời ta lại mất
Thơ sinh thái đương đại, khác với cổ điển, là mối quan
hệ tế vi giữa cảnh vật và ý thức, là sự trở về với thiên nhiên, sự làm mới lại
một tâm hồn đi giữa cỏ cây, nguyên sơ, hoang dại, trong khi vẫn không từ bỏ những
quan tâm khác, chính trị hoặc xã hội. Xung đột của thơ anh là xung đột giữa những
người đi tìm sự toàn vẹn và quá trình phân rã tinh thần của xã hội Việt Nam.
một
dân tộc lấy chiến tranh để giải quyết những bất đồng dân tộc đó là dân tộc súc
vật
một
dân tộc luôn luôn phải tiến hành những cuộc chiến tranh vệ quốc luôn luôn ngập
chìm trong nội chiến đó là dân tộc đang đi trên con đường tự hủy diệt mình
Những câu thơ như thế này hoàn toàn có thể được gieo
xuống hoặc đọc lên một cách tự nhiên giữa những câu anh viết về sông Hồng, về
quan họ, về bông mộc miên hay linh thảo hay khuôn mặt mê hồn của phụ nữ.
Đó là tính tích hợp. Trong thơ Nguyễn Linh Khiếu, cảm
giác, nhận thức, ấn tượng về nơi chốn là mạnh mẽ. Thơ của nhiều người cũng vậy,
nhưng ở anh, nơi chốn không chỉ là đối tượng mô tả mà còn là một ẩn dụ, với những
ý nghĩa bên dưới, chìm khuất; bài thơ của anh, vì vậy, trông lớn hơn kích thước
của nó. Nhờ đâu có tác dụng ấy? Nhờ việc sử dụng sự biến đổi của các ý tưởng
hay của cú pháp. Khi đọc chúng ta chờ đợi những mẫu thức đã xảy ra, như khi bạn
đọc thơ lục bát, sau câu sáu tất phải đến câu tám, như khi bạn gặp một hình ảnh
ví dụ vầng trăng, bạn sẽ nghĩ đến, mặt nước, sương mù, tiếng vạc ăn đêm. Tôi gọi
đó là kỳ vọng (expectations). Nguyễn Linh Khiếu thay đổi các kỳ vọng, gây ngạc
nhiên ở độc giả.
chẳng
hiểu sao lần nào qua biên giới
mộc
miên cũng rực đỏ triền sông, rực đỏ vách núi, rực đỏ tâm can
mộc
miên đỏ một trời biên viễn
như
máu tươi ròng rã ngàn năm
dưới
gốc mộc miên người lính biên phòng cùng ta nâng chén
người
xa nhà rượu ngô như lửa đêm đông
thanh
vắng vẳng tiếng hoa tầm tã
khuya
khoắt bóng ai rình rập dưới triền sông
có
ai trồng mộc miên biên giới
hay
biên cương cây tìm đến mọc lên
hoa
cứ máu tươi suốt ngàn năm tê tái
cây
cứ sừng sững mướt xanh cột mốc biên cương.
Phải lắng nghe thật lâu mới nghe ra "tiếng hoa tầm tã". Phải thức
thật khuya mới biết nơi "biên cương
cây tìm đến mọc lên". Phải canh cánh bên lòng mới thấy "khuya khoắt bóng ai rình rập".
Tính chất kỳ lạ của cuộc chiến tranh nằm ở câu này. Nguyễn Linh Khiếu ít nói về
bản thân mình. Cho đến khi anh chạm tới khái niệm tự do. Cái tôi Nguyễn Linh
Khiếu là một cái tôi ý thức; ý thức của anh là ý thức tự do. Chính ở đây mà anh
bước qua ranh giới giữa chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại. Chính ở đây anh làm
nên giá trị cốt lõi của tập Phồn sinh và những bài thơ khác. Thế giới của Nguyễn
Linh Khiếu là một trường tương tác. Mặc dù gắn bó với thiên nhiên và nông thôn,
nhà thơ không hề xa rời đời sống đô thị bộn bề, và một xã hội ngày càng quay cuồng
điên đảo, với những vấn nạn xã hội và chính trị, nhưng anh biết dừng lại đúng
lúc. Thái độ công dân và thái độ của văn chương có thể khác nhau, nhưng khi
chúng đồng nhất, Nguyễn Linh Khiếu bộc lộ khả năng sử dụng một ngôn ngữ vừa
khái quát, trừu tượng, vừa trực tiếp.
làm
thế nào thì phải đánh nhau
làm
thế nào thì không phải đánh nhau
Đó là anh nói về quá khứ hay về tương lai? Tôi nghĩ, cả
hai. Thơ anh, như thế, đầy nhận thức, các thông tin, hiểu biết, chứ không phải
chỉ là sự mô tả thế giới bên ngoài. Việc làm mới ngôn ngữ ở Nguyễn Linh Khiếu dừng
lại ở việc anh tạo ra được những câu thơ đẹp nhưng hoàn toàn tuân thủ nguyên tắc
văn phạm. Tôi mong được thấy nhiều hơn nữa những biến đổi hình thức, sự tương
tác giữa câu thơ và câu ngữ pháp, mong được thấy nhiều hơn những ngạc nhiên
trong câu, sự bất ngờ khó tiên đoán, các khúc quanh ý tưởng, sự đột ngột của
các hình ảnh.
Tư tưởng của bạn phóng khoáng: bạn cần một ngôn ngữ bất
cẩn.
Có một quan hệ giữa các bài thơ, làm cho tiếng nói của
nhà thơ trở nên thống nhất, nhưng điều này cũng có thể dẫn đến việc lặp lại
chính mình. Tôi tin nếu các nhân vật trong thơ hiện rõ khuôn mặt của họ hơn, những
tiếng nói khác nhau được vang lên gần hơn, thì câu chuyện mà anh kể lại sẽ thuyết
phục. Câu hỏi là: liệu điều này có làm anh rời bỏ tính trữ tình hay không? Chỉ
có nhà thơ mới trả lời được. Một cấu trúc tự sự tốt đẹp giữ cho tiếng nói vang
vọng nhiều lần, các hình ảnh được chiếu sáng, trong khi một cấu trúc kém sẽ làm
mai một các cảm xúc tươi ròng.
nây
nẩy những bắp non tươi ẩn hiện
mùa
nước sinh đang hổn hển trở về
Vui thú và hân hưởng là đặc trưng của thơ Nguyễn Linh
Khiếu: hối hả, thúc giục, ca ngợi, hào sảng, tự do. Không phải người nào cũng
khao khát tự do; đối với nhiều người, những thứ khác quan trọng hơn: thói quen,
sự an thân, danh vọng, miếng ăn, quyền lực, tín ngưỡng. Tính hồn nhiên là bản
chất của tạo vật, sự tự nhiên là âm nhạc của trời đất. Thời ấu thơ chúng ta từng
sở hữu tính chất hồn nhiên, khi lớn lên chúng ta đánh mất.
không
có tự do mọi sáng tạo thi ca chỉ là văn tế
mọi
sáng tạo văn chương chữ nghĩa chỉ là điếu văn
mọi
sáng tạo âm nhạc chỉ là bát âm nhạc hiếu
mọi
sáng tạo điện ảnh chỉ là trình diễn nghi lễ cầu cúng nghĩa địa
Thơ anh dày đặc chữ, đó là một thi pháp rậm rạp
(macro), bao gồm những câu tự do và thơ văn xuôi. Nhiều người tin rằng thơ là
khởi đầu của ngôn ngữ. Âm thanh của một chữ khi được nhân loại sinh ra
gây cảm giác vui thú, phù hợp với ý nghĩa mà nó biểu trưng. Tuy vậy
qua nhiều thời kỳ các nhà thơ bao giờ cũng có một cố gắng, đó là
làm cho ngôn ngữ thơ trở nên khác đi so với tiếng nói hằng ngày. Một
ngôn ngữ mới lạ sẽ tạo ra cảm xúc mới, và do đó làm giàu tiếng
Việt. Các nhà thơ khác nhau ở chỗ sau một vài chữ mở đầu, các chữ
về sau trong một câu có thể đoán trước được hay không. Những câu thơ
cũ, chúng ta đoán được. Ở những câu thơ mới, bạn không đoán được. Đó
là vì chữ mới, ý tưởng mới, hay hình ảnh mới. Đây là một trong những quan
điểm của nhà ký hiệu học Lotman.
là
mỡ màu ta đả đảo những ngăn cấm chia cắt cục bộ địa phương
là
mỡ màu ta đả đảo phong kiến tối tăm cha truyền con nối gia đình trị
là
mỡ màu ta đả đảo những giới hạn những định kiến những qui định những khuôn mẫu
những già nua những cỗi cằn mốc meo mục ruỗng những giả dối nhân danh lừa phỉnh
là
mỡ màu ta cổ vũ tự do
là
mỡ màu ta cổ vũ dân chủ
Tiếng nói của Nguyễn Linh Khiếu dữ dội mà vẫn đĩnh đạc,
đôi khi mượt mà, là một tấm lụa dệt bằng tiếc thương, đau đớn bàng hoàng, lòng
thương cảm. Nhưng đó không phải chỉ là dải lụa, không phải chỉ có tình yêu, còn
là ý thức đề kháng: chống lại cái xấu, cái ác, cái độc tài, bất nhân. Anh chống
lại những kẻ chống lại nhân dân. Không một quan hệ nào giữa người và người mà
bình đẳng cho bằng tình yêu. Đọc thơ anh, có thể thấy hai quá trình, ca tụng và
phản tỉnh, thưởng thức và thách thức, phồn sinh và hủy diệt. Đó là một bút pháp
ở khoảng giữa hiện đại và hậu hiện đại.
thời
đại của lịch sử đẫm máu những trời đẫm máu những đất đẫm máu những biển đẫm máu
những núi đồi đẫm máu những bình minh đẫm máu những ban trưa đẫm máu những
hoàng hôn đẫm máu những đêm khuya đẫm máu những quốc gia đẫm máu những địa danh
đẫm máu những dòng sông đẫm máu những thành phố đẫm máu những bản làng đẫm máu
những phố thị đẫm máu những thôn dã đẫm máu những cánh đồng đẫm máu
Một người thường xuyên tra vấn các nhầm lẫn lịch sử,
xem xét lại các giá trị, thế nào cuối cùng cũng có lúc, dù chỉ đâu một
lúc, thấy mình là một với chủ nghĩa hậu hiện đại. Nhưng chủ nghĩa
hậu hiện đại cũng là cái bẫy nhung: không một sáng tạo nào không
trở thành thói quen, không một ngôn ngữ mới nào, dù mới đến đâu, mà
không ghét bỏ sự thách thức đối với chính nó. Bài thơ là đối thoại giữa
tác giả và một nhà thơ đi trước. Nhiều người tin vào sự màu nhiệm của sáng tạo,
như kiểu nữ thần thơ ca, huyền bí, nhưng thực ra quá trình sáng tạo bao giờ
cũng gồm hai phần, phần được chiếu sáng và phần vô thức. Khi một bài thơ xuất
hiện, nhà thơ đứng trước hai lựa chọn, hoặc biến nó thành người phát ngôn cho ý
niệm, hoặc buông thả cho bài thơ hình thành trôi nổi, vô mục đích. Hướng đi của
bài thơ được quyết định vào giây phút khó khăn ấy. Hãy nghe anh nói về chiến
tranh. Và không phải chỉ chiến tranh.
trên
tất cả thông tấn báo chí phát thanh truyền hình
trên
tất cả các diễn đàn các hội nghị hội thảo tọa đàm giao lưu gặp gỡ
trên
tất cả văn chương sân khấu điện ảnh nhiếp ảnh hội họa
trên
tất cả các lễ hội sinh hoạt cộng đồng
trên
tất cả các lớp học giảng đường hội trường tiền sảnh
trên
tất cả các nhà trẻ các lớp mầm non các lớp mẫu giáo
trên
tất cả các lớp tiểu học các lớp phổ thông cơ sở các lớp phổ thông trung học các
trường dạy nghề các trường trung cấp các trường cao đẳng các học viện các trường
đại học
vẫn
đằng đằng sát khí
vẫn
mịt mù khói lửa chiến tranh
vẫn
loảng xoảng súng đạn
Bất kỳ một biến đổi về cấu trúc nào cũng gây ra tình
trạng áp lực, khi ấy người đọc không còn chắc chắn về hướng đi của bài thơ nữa:
sự êm ái của thơ Việt từ đây buộc phải thay đổi. Một đặc điểm của Nguyễn Linh
Khiếu là, tuy vậy, những câu thơ của anh được sắp xếp sao cho hợp lý, ngay những
câu dài nhất, ngữ pháp vẫn không rắc rối, vẫn sáng sủa. Bức tranh của anh hấp dẫn
nhưng dễ hiểu, thiếu các nếp gãy nứt. Cánh cửa sẵn sàng mở ra trước người đọc,
vừa là ưu điểm vừa là khuyết điểm. Tư duy thơ anh là một tư duy hiện đại – tuyến
tính, mặc dù vậy, với chủ ý hay không , anh đôi lần vượt qua giới hạn của nó, tạo
ra tình trạng khác.
khi
đó con người là thức ăn của ba ba thuồng luồng hay ba ba thuồng luồng làm thức
ăn của người
ta
làm sao hiểu được Sông Hồng thuở xa xưa
sông
Hồng thuở ta chưa từng có
không
có ta liệu có Sông Hồng hay không
không
có Sông Hồng liệu có ta hay không
Các hình ảnh của anh đẹp như hội họa, không yên tĩnh
mà vận động quanh các chủ đề. Anh nhìn sự vật trong chi tiết cụ thể, cảnh vật
mà anh mô tả là cảnh vật của tâm trí, cái mà Mặc Đỗ đặt là tâm cảnh. Chúng ta
có những vùng châu thổ lớn, sông Hồng, sông Cửu Long, những làng mạc quanh sông
khắp ba miền đất nước, vì vậy cảnh vật trong thơ anh không xa lạ gì với người
Việt. Nhưng sự mô tả ấy không chỉ là mô tả, chúng hướng tới câu hỏi siêu hình,
gợi lại cho người đọc biết bao nhiêu suy nghĩ về con người. Trong thơ Nguyễn
Linh Khiếu, qua chữ “phồn sinh” do
anh tạo ra, như một quan niệm, lịch sử được tái xây dựng. Sông và cánh đồng,
cây cỏ và gió bão không chỉ là bản thân chúng, mà còn là mùa màng, nhịp điệu của
đất nước nông nghiệp, của đời sống thôn xóm, sự hiện diện và trở về của người
chết, sự nhớ lại. Trong một xã hội chịu ảnh hưởng của Phật giáo, Nho giáo, Đạo
giáo, đời sống người Việt gắn bó với thôn quê, với thiên nhiên, mùa màng, vì vậy
khi anh nói về đất nước, anh nâng khái niệm đất nước lên thành một khái niệm
ngôn ngữ và văn hóa. Lịch sử đất nước trong thơ anh trở thành lịch sử thơ ca.
Đặc tính lớn của thơ Nguyễn Linh Khiếu là ở đây: anh lấy
sự ca ngợi làm hình thức phản kháng, cái nhìn của anh nghiêng về cái tốt đẹp,
nhưng không bao giờ rời bỏ ý thức phê phán đối với hiện thực. Thơ anh có thể đi
trước nhiều người cùng thời một bước, về khía cạnh này. Tôi cũng nghĩ quan niệm
phồn sinh của Nguyễn Linh Khiếu có hai nguồn gốc: tín ngưỡng phồn thực hay văn
hóa phồn thực, đó là tín ngưỡng ca tụng sự sinh sôi nảy nở, sự giao hợp của người,
muông thú, thực vật, và thứ hai là, các điển lễ và hình tượng đi kèm
chúng.
những
giống đực thiêng liêng
những
giống cái thiêng liêng
những
cặp đôi thiêng liêng
những
nhịp điệu giao phối thiêng liêng
chẳng
có gì trong thế giới này vĩ đại
và
thiêng liêng hơn đực cái
Quan niệm phồn sinh, phồn thực, tôi nghĩ, không xa tư
tưởng Phật giáo, đặc biệt là sự kính trọng và yêu mến sự sống muôn loài. Lòng
nhân ái đối với con người, phát triển thành lòng yêu thương đối với vạn vật,
trong đó có tình yêu giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ và chồng, giữa anh chị em,
bà con, lối xóm. Ở phương Tây tình yêu ấy tạo thành các cuộc cách mạng, ở
phương Đông nó tạo thành những thay đổi cá nhân, sự tiến triển của tâm hồn mỗi
người. Khi tôi nói Nguyễn Linh Khiếu gần với tư tưởng Phật giáo là nói về mặt
sinh thái học, nhưng tư tưởng Phật giáo khác với khuynh hướng sinh thái học hiện
đại. Tư tưởng Phật giáo quan tâm đến thiên nhiên như một hiện hữu thường hằng,
tác động của thiên nhiên đối với con người, trong khi sinh thái học hiện đại
ngược lại, quan tâm nhiều hơn đến tác động của con người đối với thiên nhiên.
ta
sống một giây thế giới này chỉ có một giây
ta
sống một phút thế giới này chỉ có một phút
ta
sống một giờ thế giới này chỉ có một giờ
ta
sống một ngày thế giới này chỉ có một ngày
Không có gì xảy ra trong bài thơ này, thế mà dường như
mọi thứ đều chuyển động. Nếu chúng ta nhận biết bản tướng của thế giới, chúng
ta sẽ biết chúng ta đứng ở đâu trong thời gian và không gian, chúng ta biết cần
phải hành động như thế nào trong sự hòa hợp với cái khác, người khác, vật khác.
Trên đường đi tìm hòa hợp giữa cái ta và cái khác, Phật giáo tìm ra nguyên lý bất
nhị. Thơ Nguyễn Linh Khiếu là một kiểu hành thiền khác, thơ mộng, an trú trong
hiện tại, tăng cường nhân cách của con người. Thay đổi là nền tảng của sự vật.
Chính nhờ nhìn thấy sự thay đổi của vật mà con người có thể an trú trong rỗng
không, mất mát, tạm thời. Quan niệm vô thường ấy chiếu rọi bản thể của sự vật,
dưới sự quan sát thận trọng và chăm chú, sự quán tưởng, hành giả và thi sĩ sẽ
nhìn thấy ở thời gian những khắc thời gian nhỏ bé, những khoảng cách li ti.
Trong sự dịch chuyển, thế giới làm nên bởi trống rỗng. Thế giới hiện hữu thì vật
hiện hữu, nhưng đó là một hiện hữu kỳ lạ, tựa như giấc mộng.
Dọc
con đường khất thực, các thí chủ quỳ gối trên những đệm mỏng trước cổng nhà
mình chờ sẵn. Họ bao gồm cả đàn ông, đàn bà, người già, con trẻ. Tất cả phải quỳ
vì không ai được đứng cao hơn các nhà sư. Khi dâng lễ, người dâng cúng tuyệt đối
không được ngẩng lên nhìn mặt nhà sư. Nhà sư sau khi nhận lễ chắp tay vái tạ và
rì rầm đọc một đoạn kinh chúc phúc cho thí chủ thiện tâm, người dâng lễ cũng chấp
tay trước ngực và vái chào nhà sư buổi sáng.
Nhiều bút ký, du ký và tùy bút của Nguyễn Linh Khiếu
là những bài thơ văn xuôi (prose poems) thành công. Muốn biết sự sáng tạo của một
nhà thơ, cần xem mối quan hệ giữa tính truyền thống và tính độc đáo. Truyền thống
là sự kế thừa từ những người viết trong quá khứ, đôi khi như một ân huệ, đôi
khi gánh nặng. Khi viết, bất kỳ nhà thơ nào cũng tìm cách vượt ra khỏi cái bóng
của người khác, cái mà Harold Bloom gọi là anxiety of influence. Ngôn ngữ là một
lịch sử, mỗi chữ đều chứa trong nó nhiều cuộc đời, nhiều ý nghĩa, những phân
vân của người đi trước. Bởi vậy, viết bao giờ cũng là viết lại. Nguyễn Linh Khiếu
không xa các truyền thống; các câu thơ có cấu trúc mạch lạc. Anh không tìm cách
thách thức các mệnh đề, tôi ít khi thấy anh đảo câu, vì vậy chữ của anh đẹp, ít
bất ngờ. Mặc dù nhắc tới đề tài văn hóa, anh lại ít khi sử dụng điển tích. Hai
tính cách độc đáo của thơ anh, xét về hình thức ngh ệ thuật: đầu tiên là việc sử
dụng các câu thơ dài và nghệ thuật trùng điệp. Nhiều nhà thơ cũng dùng kỹ thuật
này nhưng ở Nguyễn Linh Khiếu chúng được đẩy đến tối đa, và trong nhiều trường
hợp, tối ưu hóa. Tính độc đáo thứ hai nằm ở các hình tượng lớn. Là một nghệ thuật
của trường ca.
bao
nhiêu nắng mưa bao nhiêu nóng lạnh bao nhiêu hưng vong
bao
nhiêu xa hoa bao nhiêu lộng lẫy bao nhiêu tăm tối bao nhiêu bạo tàn
Thơ Nguyễn Linh Khiếu gần với Walt Whitman. Đó là một
thứ hậu lãng mạn, khởi động tâm lý học và triết học về con người bằng tư duy
tình dục. Viết về tình dục xưa nay vẫn khó; biết dừng lại đúng lúc là một trong
những bí ẩn quan trọng của thơ tình dục. Nhưng phồn thực, các xúc động nguyên
thủy, vốn chống lại lý trí. Đâu là tiêu chuẩn đạo đức và tiêu chuẩn cộng đồng?
Người Việt cổ đại đối xử với tình dục như thế nào? Tình dục vừa là văn hóa vừa
là chính trị, vừa là khởi thủy, vừa là kết tinh những phẩm tính cao cả. Các xúc
động nguyên thủy có lẽ chưa phải là văn hóa, mà cũng không phải sự chống lại
văn hóa, đó là điều gì đi giữa hai thứ ấy. Viết về phồn thực, phồn sinh, sự
sinh nở, truyền giống, bất kỳ tác giả nào cũng cần am hiểu muôn khía cạnh của đời
sống một cộng đồng, trong khi vẫn phải tự tin, thong dong đi giữa những cảm xúc
cá nhân của mình. Viết là một hành động chống im lặng, là sự thách thức các trật
tự truyền thống, chuẩn mực. Thơ Nguyễn Linh Khiếu trong khi ca ngợi rực rỡ những
mối quan hệ giữa người và người, cha mẹ và con cái, người nam và nữ, mối quan hệ
giữa con người và thiên nhiên, giữa hiện tại và truyền thống, vẫn dựng lên
thách thức đối với các giá trị, đặt ra những câu hỏi lớn, làm lay chuyển niềm
tin, tái xây dựng các diện mạo, khơi gợi ở người đọc sự đánh giá lại.
Một bài thơ phải làm gì để đập vỡ các huyền thoại: tấn
công vào sự không công bằng, những ảo tưởng. Trong một thời đại nhiễu nhương,
thơ là nguy hiểm. Trong nhiều thời kỳ lịch sử ở dưới những nhà nước khác nhau,
có lúc thơ ca bị cấm đoán. Đối với một xã hội tìm cách tước bỏ tâm hồn dân tộc
ra khỏi đời sống văn minh vật chất của nó, sự phát triển kinh tế điên cuồng của
nó, thơ là nguy hiểm. Bởi vì chúng tạo nên niềm tin vào cái giản dị, vào sự
liên tục của số phận, vào sự thanh khiết, và do đó, là cổ vũ cao nhất đối với tự
do.
giải
phóng khỏi lừa đảo lưu manh
giải
phóng khỏi giả nhân giả nghĩa
giải
phóng khỏi dối trá mị dân
giải
phóng khỏi áp bức cường quyền
giải
phóng khỏi lễ nghi thần tượng
giải
phóng khỏi ràng buộc khuôn phép
giải
phóng khỏi u mê mộng mị
giải
phóng khỏi lãnh đạo bề trên
Có nhiều kiến thức trong một bài thơ của Nguyễn Linh
Khiếu, những kiến thức về cây cỏ, chim muông, về đồng bằng sông Hồng, về địa
lý, về khí quyển, có những kiến thức về lịch sử, về con người, về nhân chủng học.
Tôi cho rằng anh là một trong những nhà thơ biến thơ ca, nhất là những bài thơ
dài và trường ca, thành một thứ tùy bút, tiểu luận, phê bình. Thơ trữ tình
thành một nghệ thuật quan sát và ngược lại, lyric narrative. Sự nhạy cảm trong
thơ trở thành nhận định chính xác khách quan, trở thành những quan sát hóm hỉnh
và thông minh. Một người có tầm nhìn:
khi
đó Sông Hồng chảy từ núi xuống hay chảy từ biển lên núi đồi
từ
đất lên trời hay từ trời xuống đất
khi
đó dòng sông chảy dọc hay chảy ngang
khi
đó dòng sông uốn lượn hay một dòng thẳng tắp
Bài thơ tạm dừng lại. Sau khi nó đã triết lý, đã ca
hát, đã chạy trong những máng xối như nước, đã thổi qua khe núi như gió, bài
thơ dừng lại như người giữa hai giờ làm việc, ngồi xuống trên cỏ. Bài thơ có
lúc dừng lại như vậy. Phản ứng, áp lực. Sự không thỏa mãn. Như vậy khi một bài
thơ dừng lại ở chỗ nghỉ, đó không phải là sự nghỉ tuyệt đối. Sóng trên mặt lặng
xuống, lực chảy luồn dưới đáy. Trung tâm của bài thơ là hình ảnh quan trọng nhất,
một ý tưởng vươn lên thành hình ảnh, không phải một nhãn tự. Nguyễn Linh Khiếu
ít có những câu độc lập có thể trích riêng ra được. Khuynh hướng các nhà thơ hiện
nay đều thế. Các câu nương vào nhau như một hệ thống, bạn không trích xuất một
cách dễ dàng. Sự mô tả trong thơ nặng thuyết phục, giọng kể lưu loát, hình ảnh
dày đặc, giọng ấy là giọng hát, ca ngợi, sử thi.
mưa
ròng ròng trên thịt da tinh khiết
thịt
da ta mười ba
thịt
da nàng mười ba
mười
ba tuổi thịt da bồi hồi trong mưa
mười
ba tuổi mưa thổn thức trên thịt da ngùn ngụt
Đời sống của nghệ sĩ là nguồn gốc của những bài thơ. Sự
sáng tạo xảy ra cùng lúc giữa người làm thơ và những vật liệu anh chạm tới. Những
vật liệu ấy như có linh hồn, thay đổi. Bất cứ một tác phẩm nghệ thuật nào có
giá trị cũng đều lăm le xuyên qua biên giới của sự hiểu biết, đặt chân vào huyền
bí. Dù đó là thơ hay tiểu thuyết, kịch hay truyện chớp, bao giờ cũng có một phần
gần như linh thiêng của ngôn ngữ chờ bạn ở đó, bạn như một người đọc. Thơ anh
đôi khi có cái hư hư ảo ảo, mờ nhạt. Thơ anh là cuộc đối thoại, lời tâm tình
mang tính đối thoại, giữa tác giả và người đọc, giữa con người và hoàn cảnh, giữa
lịch sử và cái lẽ-ra-nên-là lịch sử. Những đối thoại ấy, thân mật nhưng thẳng
thắn, nơi người nói đặt hết lòng tin vào kẻ khác, xâu chuỗi các bài thơ. Đó là
tính thuyết phục trong thơ Nguyễn Linh Khiếu, vì đối thoại làm cho sự tiếp xúc
giữa người viết và người đọc tăng lên, người đọc hóa thân thành tác giả, cùng
xúc cảm, lo nghĩ như anh.
vì
sao phải đi thật xa chúng ta mới là mình
phải
đến nơi không ai biết mình ta mới có một chút tự do nhỏ bé
Ngay cả khi anh tuyên bố, kêu gọi, điều mà anh thường
làm, thì giọng của anh vẫn mở ra khả năng đối thoại. Ngay cả khi anh nói về những
cái to tát, thì chất giọng ấy vẫn tâm tình.
chỉ
khi nào thực sự sống trong hòa bình tự do bình đẳng dân chủ thì con người mới
thực sự là con người
chỉ
khi nào thực sự sống trong hòa bình tự do bình đẳng dân chủ thì dân tộc mới thực
sự là dân tộc
khi
nào không có hòa bình tự do bình đẳng dân chủ thì con người còn phải đi tìm giá
trị của mình trên khắp thế gian
Nguyễn Linh Khiếu là người đi tìm những khoảnh khắc
giao hòa giữa cái tôi và tha nhân. Anh chú ý tới khoảnh khắc, làm sống lại
chúng, tìm cách đặt chúng vào tấm thảm dệt của thời gian, không phải để giải
thích mà để tự mình và người đọc có thể sống lại giây lát ấy, thuyết phục người
khác về vẻ đẹp của chúng, của sự tồn tại trong thời gian, vẻ đẹp của nhịp điệu.
Anh thường xuyên băng qua các ranh giới, ngã ba, ngã tư, kiên nhẫn và xông xáo,
hồn nhiên và có chủ đích, tìm kiếm bằng được trong hiện tại khuôn mặt của quá
khứ. Vì từ một khoảnh khắc, thơ có thể nhìn thấy vĩnh hằng.
đối
diện với nàng ta khám phá ra mình
ta
đồng hiện một chân dung cuộc sống
một
khuôn mặt hiện ra một đất nước hiện ra
đất
nước của mưa thuận gió hòa trời yên biển lặng
đất
nước của bốn mùa xuân hạ thu đông thánh thót hoa thơm trái ngọt
Nguyễn Linh Khiếu ít nói về thân phận cá nhân. Tôi
không mấy khi thấy anh thất tình. Anh ít nói về xúc cảm âm tính. Đó là một giọng
thơ khỏe, “vui”, hiếm gặp trong thơ Việt từ trước đến nay. Khi vui, người ta ít
sâu sắc, nhưng Nguyễn Linh Khiếu thì ngược lại, bàng bạc trong thơ anh những trầm
tư lạ thường, sâu xa, quyết liệt. Anh hướng nhiều hơn đến cõi đời, nhịp thở non
sông đất nước, lòng lo toan xã hội. Đó là một thứ thơ hướng ngoại, nhưng dù hướng
ngoại, lại không tách mình ra khỏi thiên nhiên. Người khác biến thế giới nội
tâm thành ngoại cảnh, trong khi Nguyễn Linh Khiếu biến ngoại cảnh thành nội
tâm: anh nhìn thấy số phận mỗi cá nhân qua số phận cộng đồng, anh nhìn thấy sự
suy tàn của mặt đất như những giá trị đạo đức suy tàn, anh lấy tình nghĩa cỏ
cây làm tình nghĩa con người. Anh thiết lập các mối quan hệ giữa cá nhân và tập
thể, giữa cái nhỏ bé và cái to lớn.
để
tồn tại trên thế giới này
để
khám phá ra khuôn mặt mình
để
xứng danh một đàn ông đích thực
để
chứng tỏ kho giống nòi quí báu nhân loại
ta
phải bắt đầu từ khuôn mặt thiếu nữ
Nguyễn Linh Khiếu sống trong hiện tại bão táp, không sợ
cái hiện tại ấy vì anh đặt nó trong mối quan hệ với quá khứ và tương lai. Trong
một giọng thơ đôi khi nồng nhiệt, đôi khi trầm lặng, tôi ít thấy sự uể oải phế
tàn, tuyệt vọng, hay ngược lại, dửng dưng, cười cợt, chế nhạo. Khi quay về với
đời sống nội tâm, anh có giọng thơ lạ, vượt qua quy ước, lay động sự bình an ở
người đọc.
Những
thời đại giả danh dân chủ con người chẳng biết sống chết thế nào
Những
thời đại giả danh dân chủ con người vô cùng hoang mang vô cùng bế tắc vô cùng
hoảng loạn vô cùng khiếp sợ vô cùng bi đát vô cùng tuyệt vọng vô cùng không còn
là con người
Nguyễn Linh Khiếu nhìn ra sự khác biệt giữa tối và sáng,
giữa sự thật giữa và cái giả tạo, chúng ngày một đầy rẫy trong xã hội chúng ta,
và ít ai nói được như anh. Thơ ấy hãy còn ít chất hài hước, sự châm biếm, chất
dân gian đường phố; cảm xúc chủ đạo vẫn là từ một tâm trạng suy nghĩ, đĩnh đạc
nhiều hơn bông lơn, mang tính hiện đại chủ nghĩa. Anh có một niềm cảm hứng đối
với những tình cảm lớn: tự do, quê hương, số phận con người, lịch sử, sự bạo động,
các tội ác, tình yêu tự do, tình dục tự do, phồn thực, nguyên sơ, cái tốt đẹp.
Tựa như cuộc trở về nguồn cội, nhưng cũng lại như hành hương tôn giáo, đi tới
vùng đất lạ để chiêm ngưỡng niềm tin. Một thứ thơ gần siêu thực hoặc huyền thoại.
trên
xứ sở châu thổ Sông Hồng của ta rực rỡ sắc màu Sinh sôi
vang
lừng âm thanh đâm chồi nảy lộc
sôi
động thanh điệu cường tráng
xao
xuyến giai điệu cành la cành bổng
lộng
lẫy sắc màu căng mẩy
tràn
trề tinh thần luyến ái
Nguyễn Linh Khiếu viết nhiều câu thơ tiếp cận văn
xuôi, có thể xem là thơ xuôi. Không có gì đáng ngạc nhiên là nhiều người nghĩ rằng
thơ anh là sự ca ngợi sự phồn thịnh của đất đai, sinh nở, của nòi giống. Tất
nhiên điều ấy là đúng, nhưng không diễn tả hết những khía cạnh khác của Nguyễn
Linh Khiếu: yếu tố trí tuệ, sự phê phán, sự cảnh tỉnh, sự so sánh các giá trị,
lòng khao khát tự do, cuộc chiến đấu thầm lặng của anh. Làm thế nào để không bi
quan trong thời đại này? Làm thế nào nhân dân được quyền nói thật và có quyền
nghe sự thật?
do
công việc nhiều lần ta đến nhà một vị tướng
dáng
vóc ông nhỏ nhắn
phong
thái ông nhân hòa
tinh
thần ông lão thực
đời
sống ông giản dị
giọng
nói ông ôn tồn
ông
ân cần tận tâm như một ông giáo làng
ông
thân thiết bao dung nhân từ như cha
ông
hiền hòa độ lượng như một người ông
ông
khoan thai ung dung tự tại như một tiên ông
không
biết lực lượng nào trú ngụ trong ông để ông ra quyết định
những
trận đánh vĩ đại của ông hàng ngàn người biến khỏi mặt đất
mỗi
chiến thắng đẫm máu của ông
khăn
tang trắng xóa mặt đất
mỗi
lần bắt tay ông ra về
bàn
tay ông nhũn nhùn lạnh ngắt
bỗng
nhiên lạnh buốt sống lưng nổi da gà
quốc
gia tuy lớn mạnh hiếu chiến tất diệt vong
một
dân tộc tìm vinh quang trong chiến tranh chém giết đó là một dân tộc hạ đẳng
một
dân tộc hung hăng hiếu chiến luôn luôn đi xâm lược luôn luôn khủng bố luôn luôn
gây chiến luôn luôn đè đầu cưỡi cổ dân tộc khác đó là dân tộc man rợ dã thú
một
dân tộc lấy chiến tranh để giải quyết những bất đồng dân tộc đó là dân tộc súc
vật
một
dân tộc luôn luôn phải tiến hành những cuộc chiến tranh vệ quốc luôn luôn ngập
chìm trong nội chiến đó là dân tộc đang đi trên con đường tự hủy diệt mình
mỗi
khi chiến tranh xẩy ra thú tính được tôn vinh con người hiện nguyên hình đó là
loại thú dữ man rợ
trong
chiến tranh ai giết được nhiều đồng loại đó là người lập được nhiều chiến công
người đó là dũng sỹ người đó là anh hùng người đó sẽ được tôn vinh được ca ngợi
trở thành thần tượng trở thành lãnh tụ
trong
chiến tranh thần tượng của mọi người là dũng sỹ là anh hùng là người được tôn
vinh là tướng soái là chỉ huy là lãnh tụ
trong
chiến tranh thần tượng của cả thời đại là những hung thần
tất
cả mọi người bị giết trong chiến tranh đều do lãnh tụ
tất
cả mọi người sống sót trong chiến tranh đều ngoài ý muốn các lãnh tụ
lãnh
tụ là người phát động chiến tranh
lãnh
tụ là người tiến hành chiến tranh
lãnh
tụ là người chấm dứt chiến tranh
trong
chiến tranh tất cả mọi người có mặt trên chiến trường nhưng lãnh tụ ở nơi an
toàn nhất
Một bài thơ không có kết luận có mang chúng ta lại gần
nhau hơn, với những câu hỏi trong đó không? Những bi kịch của hòa bình và cuộc
chiến tranh dai dẳng không những đã chia rẽ một dân tộc, mà còn xé rách lịch sử
ra nhiều mảnh, tàn phá các cộng đồng, xóa trộn chúng. Tập thơ Phồn sinh là những
trải nghiệm cá nhân của thi sĩ ở vùng châu thổ sông Hồng, thơ ấy nói thay cho
người chết, nói thay cho những mất mát, thơ ấy nói thay cho hy vọng. Cuộc đời rộng
lớn hơn bài thơ, rộng lớn hơn triết học, hơn bất kỳ một lý thuyết cách mạng xã
hội nào.
ta
hạnh phúc trong từ trường 23o5 nghiêng của trái đất
ta
chẳng bao giờ thăng bằng cứ chênh vênh run rẩy sắp sửa đổ ngã
trong
thế giới nghiêng ngả
hạnh
phúc là những khoảnh khắc không cân bằng
Trong thơ anh, có những cửa sổ, ở đó các sự kiện xảy
ra bất ngờ. Chừng nào các sự kiện ấy xuất hiện một cách tự nhiên, bài thơ liền
được nó dẫn đi, nhận được năng lượng từ nó. Tôi hy vọng trong những tác phẩm sắp
tới, Nguyễn Linh Khiếu phát triển hơn nữa khả năng của anh: sự quan sát tinh tường,
sự lắng nghe sâu, sự phê phán có tính xã hội và lịch sử, tính trữ tình thế sự.
ta
ra đi từ châu thổ Sông Hồng
miền
lúa nước huy hoàng
miền
trâu nước hùng vĩ
miền
chim nước sặc sỡ
miền
nhân nước phì nhiêu
miền
thủy sinh phi thường
miền
lưỡng cư mộng mị
nơi
vị thần tình yêu ngự trị
ngôi
đền yêu bất tử miên man nhiệt đới miên man gió mùa
Ngôn ngữ thơ và cảnh vật đồng bằng sông Hồng, tạo ra một
quyền năng lớn lao, của sự hoà điệu và sự cô độc. Nguyễn Linh Khiếu sở trường về
việc làm bộc lộ tính yếu đuối, sự dễ đổ vỡ, tính thương tổn của thiên nhiên, một
thiên nhiên có con người ở bên trong, đi lại, cười nói, sống và chết, làm tình,
thù hận, tha thứ.
truyền
giống là hành vi truyền thống
truyền
giống là hành vi hiện đại
truyền
giống là hành vi hậu hiện đại
Trong nhiều bài, anh cũng có lạm dụng điệp ngữ và lắp
láy.
Một bài thơ có thể xóa nhòa người đọc hay có thể làm
tác giả biến mất. Hay là ngược lại, ngôn ngữ thơ ca làm chúng ta thấy nhau rõ
ràng hơn, tin cậy hơn, mặc dù một bài thơ không bao giờ có những kết luận. Bài
thơ là một tổ chức phức hợp, gồm âm điệu, chữ, ý tưởng, hình ảnh. Bạn lắng nghe
một bài thơ trước khi hiểu ý nghĩa của nó. Bạn thích bài thơ trước khi biết tại
sao. Sự duyên dáng, tức là tập hợp các cử động, sự chuyển động nhịp nhàng, là sức
hấp dẫn đầu tiên và có lẽ là quan trọng nhất đối với người khác. Tuy vậy sức mạnh
bên trong của bài thơ là cảm xúc.
ta
sinh ra nơi châu thổ Sông Hồng
dòng
mẫu hệ ngàn đời mênh mông bao dung chảy xiết
mẫu
hệ là nhân từ
mẫu
hệ là thịnh vượng
mẫu
hệ là bản sắc
mẫu
hệ là nguyên lý sắc tộc
Nguyễn Linh Khiếu là người yêu ngôn ngữ, mặc dù vậy
anh không phải là người chủ trương lấy ngôn ngữ làm trung tâm. Đó là một loại
thơ dũng cảm, là tiếng nói chân thực của một nhà thơ công dân, là cái nhìn thấu
suốt các duyên nợ, nhân quả, tìm cách mở nút thắt của các trò chơi lịch sử, dấu
vết của tội ác, bộ mặt của thỏa hiệp.
40
năm
chiến
tranh vẫn nằm chềnh ềnh trên mảnh đất này không chịu ra đi
40
năm
chiến
tranh vẫn không ngừng quay cuồng tiếp diễn
những
nhảy nhót vặn vẹo cụt chân cụt tay
những
gương mặt tối tăm không mắt
những
thịt da khâu vá chằng chịt
Các hình thức nghệ thuật được cảm nhận thông qua
mối quan hệ của chúng với quy ước, sức đề kháng với thói quen cũ
kỹ. Nếu việc làm mới được cho là quan trọng hơn cả, ngôn ngữ thơ có
thể trở nên tối tăm, mù mịt, bài thơ lạc lối. Ngược lại, nếu không
quan tâm đến chuyện mới hay cũ, nhà thơ dễ dàng rơi vào bẫy của
những cảm xúc và lối nói quen thuộc. Nguyễn Linh Khiếu đi nhiều, những hiểu
biết văn hóa của anh rộng rãi, tôi tin rằng anh đã từng đến chiêm ngưỡng những
đền đài tôn giáo và những chốn thờ phượng linh thiêng, của dân tộc và nhân loại,
tôi tin rằng anh đã nhận được ở đó nhiều điều mà tôi không thể gọi tên. Thay đổi
là trống rỗng, vốn là bản chất của sự vật. Khoảng trống rỗng ấy là nơi gặp gỡ
giữa tâm hồn và thân xác. Tôi nhìn thấy trong thơ anh tính bất đối xứng, sự triển
nở nguyên sơ, sự vận động của các huyền thoại, khía cạnh thiêng liêng huyền bí
của nhục cảm. Có một thiên nhiên riêng biệt của Nguyễn Linh Khiếu, những sông
núi của quá khứ, bị ám ảnh bởi những câu chuyện được kể lại qua nhiều thế hệ,
nhuốm đầy chất tín ngưỡng, các cổ mẫu văn hóa, nhịp điệu cơ thể.
cơ
thể mỗi phụ nữ là một hoàn mỹ duy nhất
cơ
thể mỗi phụ nữ là một viên mãn cao quý
cơ
thể mỗi phụ nữ đều kỳ diệu phi phàm
cơ
thể phụ nữ đó là kho báu bí mật vô tận nhân loại không bao giờ khám phá hết
cơ
thể phụ nữ chính là bí mật vĩ đại nhất của thế giới này
Sự giải thoát khỏi những đau khổ xảy ra ở cấp độ cá
nhân cũng như toàn xã hội. Tác động của chiến tranh, ô nhiễm môi trường, bạo lực
xã hội, phát triển vô tội vạ, sự tham lam và các chính sách phục vụ cho chúng,
sự kém hiểu biết đối với thiên nhiên, sự tiết mạn, góp phần to lớn vào tình trạng
vô minh của mỗi cá nhân. Thơ đi tìm lại sự cân bằng, từ chối sự chiếm đoạt của
con người đối với thiên nhiên, chống lại tình trạng đô thị hóa bừa bãi, không
phải là chống lại sự tiến hóa văn minh mà ngược lại đó là cách duy nhất để giữ
cho con người hạnh phúc trong một thời đại thay đổi. Những cố gắng tương tự bắt
nguồn từ lý thuyết bất nhị tin rằng ta và tha nhân, xã hội và môi trường, quá
khứ và tương lai, cái ta và cái khác, thực vốn không khác. Thơ Nguyễn Linh Khiếu
hàm chứa nhiều nhận thức về tự do. Tôi nghĩ rằng đó là cốt lõi của thơ anh.
mọi
con đường trên thế gian đều dẫn ta trở về ngôi nhà của mẹ
mọi
con đường trên thế gian đều dẫn đến ngôi nhà của người ta yêu
mọi
con đường trên thế gian đều dẫn ta đến với nàng
con
đường không dẫn ta về với mẹ thì ta lạc lối
con
đường không dẫn ta đến nhà nàng sẽ dẫn ta đến nhà tù.
Trong thời chúng ta, dưới ảnh hưởng của chủ
nghĩa hậu hiện đại, các tác giả thường được chú ý vì sự nghi ngờ
của họ đối với hiện thực, nhiều hơn là sự khẳng định, an ủi, khích
lệ. Một trong những đặc tính của thơ Nguyễn Linh Khiếu là kết hợp
giữa một mặt không ngừng tra hỏi đời sống, niềm tin, một mặt thơ là
bài ca hát lên về cuộc đời, tính chuẩn mực của giá trị. Sự kết
hợp có tính xung đột ấy chỉ có thể xuất hiện khi thơ là tiếng nói
chủ quan của một người, trữ tình, sắc sảo, lãng mạn. Chúng ta đọc
thơ anh không phải chỉ là để đi tìm sự thật bị khuất lấp, mà còn,
và chính yếu là, đi tìm sự thật về một người đi tìm sự thật.
chỉ
nói lên sự thật
chỉ
viết lên sự thật
đó
là trồng một cái cây
đó
là gieo một hạt giống
đó
là cày một thửa ruộng
đó
là cuốc một vạt đất ven sông
Thơ Nguyễn Linh Khiếu tiến về minh triết. Tôi nghĩ đó
là minh triết trữ tình. Những nơi chốn, sự vật mà anh kể lại đó đây trong các
chuyến đi xa, những nhân vật mà anh gặp, những tự sự, mảnh đời trôi dạt, các
truyền thống quen và lạ, v à tiếng nói phi chính thống, làm đầy buổi hòa nhạc của
anh. Tính liên văn bản của bài thơ đôi khi quan trọng đến mức nội dung
câu chuyện, kinh nghiệm cá nhân của tác giả trở nên ít quan trọng hơn,
so với rung động của người đọc. Thơ trở thành ảo giác, hay chính là
ảo giác được tạo ra bởi phép tu từ, sự vang động của âm chữ. Nhưng
các biểu tượng trong thơ không phải là trang trí: chính chúng tạo ra trật
tự xếp đặt của chữ, là sự hợp lý của lời, là bản vẽ cấu trúc vô
thức của nhà thơ, các nguyên mẫu được sống lại bởi tài năng.
nước
là tình yêu
nước
là khát khao
nước
là ham muốn
nước
là nhục dục
nước
là ta nước là nàng lênh láng ngày đêm dào dạt chảy xiết sang nhau rộn rã hoan
ca đắm đuối nhiệm màu
Thơ dàn trải như ở nhiều nhà thơ hiện nay có điểm mạnh
là phô tả cái rạo rực của đời sống, dòng chảy xiết của hôm nay, các khía cạnh
khác nhau của xúc cảm, nhưng điểm yếu của họ là vì vậy mà ít có những câu tập
trung, những bước ngoặt, như mũi kiếm nhọn. Để nắm giữ một giây phút của đời sống,
bạn cần một câu thơ, hay một bài thơ, và khi nắm giữ giây phút ấy bạn chạm tới
cái bất tận của thời gian, chiều sâu của giấc mơ.
trong
chiến tranh mọi người lính đều là con đẻ của nhân dân
sau
chiến tranh họ trở thành cha mẹ của nhân dân
Thơ không phải là phép lạ, không có một phương pháp
nào làm thay đổi bạn trong chốc lát. Thơ hay tựa như cơn mưa đầu mùa, gió mát, suối
nguồn, mang cho ta sự tươi mới của sự thật óng ánh, làm nhen ngọn lửa chiều hôm
của tình yêu người. Nhiều khi anh nói quá, lặp lại nhiều lần, có thể làm người
đọc mệt, nhưng hầu hết, Nguyễn Linh Khiếu chinh phục bạn dễ dàng sau khi bạn đọc
lại. Sống thật cuộc đời mình không phải chỉ là đạt được điều ta muốn trong đời,
mà là sống cuộc đời của tâm hồn mỗi người.
Anh không lên án ồn ào, không than khóc, tuy vậy có những
dòng thật quyết liệt, không ai có thể nhầm lẫn, nhất là khi anh nói về đau
thương mất mát, bài học của quá khứ, khi anh nghĩ về đất nước và chiến tranh.
Thế giới ngày càng thay đổi, con người ngày càng ít hạnh phúc, ngày càng lo âu
bấn loạn. Thơ như thơ của Nguyễn Linh Khiếu, ở trường hợp đặc sắc, lay động
lòng người sâu thẳm. Đó không phải chỉ là một loại thơ ca ngợi phồn thực, bảo vệ
sinh thái, giữ gìn các truyền thống dân tộc. Đó là một loại thơ trữ tình thực sự,
có khả năng chạm tới tầng sâu nhất, mang bạn trở lại với đời sống từ vực sâu của
thất vọng đối với người khác. Khi tôi đọc một bài thơ thành công của Nguyễn
Linh Khiếu, tôi thấy lòng mình sáng hơn, mở rộng hơn, tôi thấy lòng tin của tôi
chắc chắn hơn, tôi thấy lòng tin của tôi đối với dân tộc vững vàng hơn, sâu sắc
hơn. Thơ như thơ ấy có thể giúp chúng ta hồi phục những ký ức về quê hương. Anh
giúp tôi nhìn ra sức mạnh của sự tưởng tượng và của lòng trung thực. Thơ làm đầy
sự tưởng tượng ấy, làm giàu có chúng, có thể nói được những điều chúng ta không
nói bằng lời. Dù thơ cũng là lời, nhưng đó là lời kiểu khác, lặng lẽ, cô đọng,
mãnh liệt, khi như sấm sét, khi như tiếng nói thầm của người yêu dấu.
cầm
tay em dưới vòm cổ thụ lá non mùa Hà Nội ta nói một lời yêu
một
lời lá non
một
lời diệu vợi
một
lời sắt son
một
lời không tuổi
mơn
mởn lá non ngày xuân bổi hổi
Ngôn ngữ thơ xuất hiện với hai lý do: tạo ra sự
tương thông giữa người viết và người đọc. Lý do thứ hai: chống lại
sự liên thông ấy, kháng cự sự hiểu biết. Khuynh hướng thứ nhất làm
người đọc đến gần tác giả, khuynh hướng thứ hai làm ngôn ngữ trở nên
thơ mộng. Nếu cứ muốn nói gì cũng phải cho dễ hiểu, thì con người đã
không cần đến thơ ca. Trong bài thơ, thế nào cũng phải có một điểm
không thể hiểu được.
Nguyễn Linh Khiếu không dừng ở tác động hình
ảnh, không dừng ở mô tả khách quan, như ở các nhà thơ theo chủ nghĩa
hình ảnh, imagism, mà anh xâu chuỗi chúng bằng cách kể chuyện, tạo ra
phản ứng ở người đọc, tương tự như phản ứng trong tâm hồn tác giả,
làm cho thế giới nội tâm và thế giới ngoại cảnh liên hợp. Sông Hồng
chảy trong lòng anh cũng chảy trong lòng chúng ta, đám cưới của anh
với mùa xuân, bản hòa tấu của nó, cũng vang lên trên mỗi trang giấy
của chúng ta, trong tiếng động của chiếc đồng hồ treo tường. Chữ của anh
là chữ bày tỏ, tâm tình, kể lại câu chuyện đời mình, nhận thức riêng tư, nhưng
người đọc tìm thấy ở đó tiếng nói của họ. Áp lực của đời sống ngày càng mãnh liệt,
sự tham lam của con người là vô độ, sự u tối lớn hơn nữa, nhưng Nguyễn Linh Khiếu
không chán nản. Trong thời buổi của chúng ta, yêu mến sự thật và khen ngợi lòng
tốt là một thái độ chính trị. Ca tụng thiên nhiên, cầu nguyện thần linh, trở về
tắm dòng suối mát quê hương, cúi đầu xuống uống nước ở đó, không phải chỉ là một
thái độ cá nhân, mà còn là một tuyên bố xã hội. Tôi đọc thơ Nguyễn Linh Khiếu
trong ý nghĩ này, và tôi tin rằng sẽ ngày càng nhiều người hơn đọc thơ anh như
thế, như bạn mở một cánh cửa, để từ đó đi tới cái rộng lớn hơn, hàm chứa trong
thơ anh, như những mùa màng sẵn chứa trong một hạt giống.
Nguyễn Đức Tùng
(Đọc
Thơ - bài 32)
*
Chú
thích - Các nguồn tham khảo:
1.
http://vanvn.net/chuyen-van-chuong/trang-tho-tu-chon-cua-nha-tho-nguyen-linh-khieu/565
2. http://vanvn.net/tac-pham-va-du-luan/%E2%80%9Cphon-sinh%E2%80%9D-khong-chi-la-%E2%80%9Cphon%E2%80%9D-va%E2%80%9Csinh%E2%80%9D-/2370
3. Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu: Phồn sinh – thế giới bất
tận của Phồn sinh và sinh sôi, Cẩm Thúy thực hiện.
http://daidoanket.vn/nha-tho-nguyen-linh-khieu-phon-sinh–the-gioi-bat-tan-cua-phon-thuc-va-sinh-soi-444809.html
4. Harold Bloom, editor: Selected poems, Walt Whitman.
https://www.waltwhitman.org/product/walt-whitman-selected-poems-edited-by-harold-bloom/
5. Fiona
Sampson: Poetry writing, the expert guide, Robert Hale, London 2009.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét