BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 26 tháng 6, 2021

BẮC NINH THI THOẠI (KỲ 7) - Nguyễn Khôi

Bắc Ninh thi thoại của Nguyễn Khôi (Đình Bảng) đã tái bản nhiều lần ở Việt Nam, độc giả trong và ngoài nước đánh giá cao giá trị nghệ thuật của tác phẩm này. Xin trích một số chương giới thiệu cùng bạn đọc.

 


Tập II
(Phần ngoại biên)
Tặng người em đồng hương – Tiến sỹ Nguyễn Văn Hoa
 
 
Bài 7:
CA DAO HAY THƠ BÀNG BÁ LÂN
 
Hồi năm 1994, Giáo sư Huyền Viêm (Sài Gòn) có gửi cho Nguyễn Khôi (KN) bài viết nghĩ về “một câu ca dao”. Vừa qua Nguyễn Khôi, nhân viết cuốn: “Bàng gia vọng tộc”, lại được gia đình Bàng thi sỹ gửi cho tập: “Thơ Bàng Bá Lân”, gồm các bài thơ chọn lọc trong các thi phẩm: “Tiếng Thông Reo, Xưa, Tiếng Sáo Diều, Vào Thu”, do nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê in 1957 tại Sài Gòn.
Trang 25 phần trích thơ: “Tiếng Thông Reo” có bài:
 
TRĂNG QUÊ
 
Trời cao, mây bạc, trăng tròn
đê than hiu quạnh, tre buồn nỉ non
diều ai gọi gió véo von
cành xoan đùa ánh trăng suông dịu dàng
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi?
 


Sau khi tốt nghiệp trường trung học bảo hộ (trường Bưởi -Lycée du Protectorat) đậu Diplôme d’Etudes Primaire Superieurs, về điền trang của gia đình ở Kép (Bắc Giang) tiếp tục học để thi Tú Tài, không có thì giờ rảnh, Bàng Bá Lân ở tuổi 22 bắt đầu ham thích chụp ảnh và làm thơ. Tháng 12-1934 Bàng Bá Lân xuất bản thi phẩm đầu tay: “Tiếng Thông Reo” do nhà xuất bản Thanh Hoa Tùng Thư ở Hà Nội in.
 
Ngay khi Tiếng Thông Reo ra đời, trên báo An Nam Nouveau ngày 11-4-1935 nhà thơ Chùa Hương Nguyễn Nhược Pháp (sinh 1914) đã nhận xét:
 
“Tiếng Thông Reo đượm một mối sầu bâng khuâng kín đáo dịu dàng, một vẻ buồn lành mạnh và điềm đạm.
Nàng thơ của Bàng Bá Lân không phải – như người ta tưởng – người ông yêu dấu mà là Cánh đồng quê với Luỹ tre xanh.
Bàng Bá Lân có thể tự hào là một trong những nhà thơ Việt Nam đầu tiên biết hưởng thú quê.”
 
Hai câu kết của bài Trăng quê ở trên, lâu nay đã được dân gian hoá thành ca dao:

Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?
 
Từ câu thơ của Bàng Bá Lân: 
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi?
 
Ca dao đã biến đổi chút ít thành:
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?
 
Như ta đã biết: ca dao là thơ dân gian, có nội dung trữ tình (và trào phúng), ta có thể hát, ngâm, đọc… ở câu thơ này chữ ánh xem ra có vẻ phi lý, nhưng nó lại làm cho hình tượng thơ đẹp hẳn lên – mà đẹp lại là tuyệt đỉnh của thơ.
Có ý kiến cho rằng thêm chữ ánh làm non hẳn bài thơ, nhưng còn giữ được chữ múc nghĩa là còn giữ được gần trọn thi vị hai câu thơ này.
 
Tất cả duyên dáng và thi vị là ở chữ múcđổ, nó giúp ta hình dung được nhũng động tác (tát nước đêm), gợi cho ta cái tiếng xich xòm. Bài thơ bốn câu trên là tả cảnh sáng trăng ở thôn quê để xuống dưới có thể hạ chữ múc trăng mà không đột ngột. Chữ lại tỏ ý trách móc: Trăng đẹp thế mà sao cô lại vô tình múc đổ đi?
Ta hãy trở lại xem xét hai câu thơ độc đáo này
 
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô lại múc ….?
 
Đọc đến đây, theo tư duy thuận chiều là đã tát nước ở câu lục (6), nên ta dễ nghĩ vế tiếp theo chữ múc thường hạ chữ nước – Thế nhưng nhà thơ đã không viết xuôi như vậy mà là : trăng vàng đổ đi? thì có sự vênh hẳn khỏi sự đoán trước thông thường, Bàng Bá Lân đã dùng trăng vàng đặt đắc địa vào chỗ vốn là của nước, làm cho sự ước đoán (của bạn đọc) bị hẫng – và do đó lượng thông tin dành cho từ này thật là to lớn, chúng ta (bạn đọc) thì bị bất ngờ và cái kết hợp giả định đó (múc + trăng vàng) đã cho ta sự hứng khởi (hồn chữ có cánh) để thưởng thức một hình tượng thơ Đẹp của một sự mới mẻ múc trăng vàng – một cảm xúc đầy tính thẩm mỹ của thơ.
 
Bàng Bá Lân, Nguyễn Nhược Pháp đều đã đi vào thiên cổ, nhung thơ còn mãi với đời … theo lẽ công bằng thì: “Cái gì của Cesar phải trả lại cho Cesar” 4 chữ múc ánh trăng vàng, vừa là của nhà thơ vừa là của dân gian, Đẹp – để cho ta bâng khuâng với hồn dân tộc, âu cũng là cái độc đáo của Thơ Việt nam là thế chăng?

                                                                Nguyễn Khôi
                                         Góc thành Nam Hà Nội ngày 26-12-2006
 
Bài 8:
ĐÔI LỜI VỀ NGƯỜI DỊCH BÀI THƠ  “PHONG KIỀU DẠ BẠC”
 
Bài PHONG KIỀU DẠ BẠC của Trương Kế viết khoảng trước năm 754 là một bài thơ rất nổi tiếng và được nhiều người yêu thơ Việt Nam biết đến, nhất là qua bản diễn Nôm:
 
Đêm đỗ thuyền ở bến Phong Kiều
Trăng tà tiếng quạ kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
 
Đến nay đã có nhiều bản dịch nhưng không có bản nào dịch hay bằng bản đã chép ở trên (dù rằng câu thứ ba chỉ dịch thoát ý) nhưng âm điệu của giọng thơ lục bát lững lờ, kì ảo đi vào lòng người Việt Nam ta thật khó mà thay đổi được !? Vậy ai là tác giả bài dịch thơ trên ? Trước đây, Trần Trọng San (1957) và Lý Văn Hùng (1961) đều ghi là Tản Đà dịch. Đến năm 2003 Nguyễn Quảng Tuân khi khảo lại di cảo của Đinh Nhật Thuận (1841) đỗ Tiến Sĩ  thời vua Minh Mạng (là bạn của Cao Bá Quát, Nguyễn Hàm Ninh) là tác giả “Thu dạ lữ hoài ngâm”. Thời gian Cao Bá Quát bị nạn, ông bị giam lỏng ở Huế… một đêm ngồi trong thư phòng bên bờ sông Hương, ông nhớ đến Trương Kế với bài Phong kiều dạ bạc… Ông hạ bút:
 
Đăng tiền độc đối thư trai
Thương tâm khách địa hữu hoài cố nhân
Hương thuỷ ngoại hốt văn ngư vận
Tòng hà lai trạo tấn giang biên
Bồi hồi nguyệt dạ sương thiên
Hàn San ám nhận khách thuyền cánh phi.
 
Đại ý là:
Trong phòng văn một mình ngồi trước ngọn đèn, chạnh lòng đất khách, sực nhớ đến người xưa (Trương Kế). Ngoài sông Hương chợt nghe hò mái đẩy của kè Phường chài từ đâu mà chèo tới bến sông thế nhỉ? Đêm trăng trời sương, lòng luống những bồi hồi, đoán chúng là thuyển khách bên chùa Hàn Dan (Trương Kế) nhưng đó chỉ là mơ…
 
Cái độc đáo của Đinh Nhật Thuận ở đây là mượn lời thơ của Trương Kế tả cảnh “Nguyệt dạ sương thiên” và thay vào tiếng chuông chùa Hàn San bằng tiếng chuông chùa Diệu Đế (ở Huế) “Dạ văn diệu đế chung thanh” không bằng chữ Nôm mà bằng chữ Hán theo thể song thất lục bát. Đây là trường hợp đặc biệt duy nhất trong văn học Việt Nam xưa nay. Chia sẻ với nỗi lòng của bạn, Nguyễn Hàm Ninh đã diễn Nôm Phong Kiều dạ bạc, nguyên gốc là:
 
Quạ kêu, trăng lặn, trời sương
Lửa chài le lói, sầu vương giấc hồ
Thyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
 
Thật đúng là “diễn Nôm” như Tố Như với truyện Kiều, thi sĩ đã không bám câu bám chữ để dịch như nguyên tác… mà là mượn văn bản gốc, diễn ra tiếng Việt lấy cái hồn của tác phẩm để thoả mãn một nhu cầu (một tâm trạng) để gửi gắm nỗi lòng… Hiểu như vậy, chia sẻ như vạy thì ta sẽ không bắt bẻ “dịch sai”, văn chương nhất là thơ vốn là một trò mua vui, âu cũng chí lí là vậy.
 
So nhiều bản dịch xưa nay thì bản dịch của Nguyễn Hàm Ninh đáng là “tài hoa tột bậc”, chỉ tiếc là ông đã để rơi mất chữ “Phong” kèm chữ “Giang” (theo mô típ thơ xưa thì “Phong” là biểu hiện mùa thu, “Phong lạc ngô giang lãnh” – lá phong rụng làm sông Ngô lạnh. “Giang Phong” ở đây cùng với “sương đầy trời” là cảm nhận “khí thu”, đồng thời để diễn tả một cách kín đáo nỗi sầu của thi nhân lãng tử. Tuy nhiên, trong một bài thơ 4 câu (dịch) lại có 2 chữ “bến” thì không thể gọi là toàn bích được.
 
Chao ơi, dịch thơ phải đạt “tín-đạt-nhã” rồi là “hớp” hồn mà cái “tuyệt” nhất lại là cái hồn thơ ai do chop được cái “thần” do diễn giải ra bằng chữ nghĩa (ngôn từ) để lại các áng thơ bất hủ như Phong Kiều Dạ Bạc, Hoàng Hạc Lâu, Tỳ Bà Hành… thì cũng bõ công dịch thuật, mà xưa nay như vậy phỏng được mấy người?
 
                                                                                 Nguyễn Khôi
                                                                             Hà Nội 19/7/2006
 
Bài 9:
MAO TRẠCH ĐÔNG ĐẶT TÊN VỢ TỪ THƠ ĐƯỜNG
 
Mao Trạch Đông sinh năm 1893 quê ở Hồ Nam Trung Quốc. Sinh thời Mao Trạch đông có 3 người vợ. Vợ thứ nhất ở quê do cha mẹ lấy cho. Vợ thứ hai là nữ chiến sỹ hồng quân, lấy nhau qua cuộc vạn lý truòng chinh... Vợ thứ hai đi chữa bệnh ở Liên Xô thì Mao Trạch Đông làm quen với cô diễn viên Lâm Bình quê Thượng Hải đã ly dị chồng. Sau đó hai người lấy nhau.

Xuất phát từ hai câu thơ của Tiền Khởi:
 
Khúc chung nhân bất kiến
Giang thuọng sổ phong thanh
 
mà Mao Trạch Đông đặt tên cho vợ thứ 3 vốn là Lam Bình thành Giang Thanh.

Tương truyền tác giả câu thơ trên quê ở Chiết Giang. Một lần đáp thuyền lên mạn Bắc, đến Trường An dự thi. Đến Nhạc Châu (quê Mao Trạch Đông). Tác giả dùng thuyền lên bờ thăm danh thắng cổ tích gần hồ Động Đình. Màn đêm buông xuống chị Hằng nhô lên mặt nuóc. Thi sĩ nổi hứng thơ, khoác áo ra khỏi nhà, ngâm ở trong đình Chiết Liễu. Tương truyền, lúc thi sỹ ngâm thơ, bỗng nghe từ trong Viện Lạc gần bên cũng vọng ra tiếng ngâm thơ. Thi sỹ nín thở lắng nghe, nhưng cũng chỉ nghe được hai câu:
 
Khúc chung nhân bất kiến hư
Giang thượng sổ phong thanh
 
(Người đàn ở đâu chẳng thấy
Trên sông nổi mấy ngọn núi xanh)
 
Thi sỹ rất ngạc nhiên, tán thưởng 2 câu thơ đã tả đượcc cái thần diệu ảo ảo thực thực mơ hồ trong cái tĩnh lặng trên dòng sông trăng như dải lụa nhuộm sắc núi xanh. Thy sỹ vén tay áo, cất bước đến Viện bên mà không thấy ai. Thi sỹ thầm nghĩ chắc là mình gặp quỷ thần, sợ đến nỗi hồn phiêu phách lạc, cố chạy về phòng, nhưng đuổi theo vẫn là tiếng ngâm 2 câu thơ của quỷ thần! Năm 750, thi sĩ đi thi tiến sỹ ở Trường An. Kết thúc bài thi của mình, thi sĩ bỗng nghe vẳng bên tai câu thơ thần
 
Khúc chung nhân bất kiến hư
Giang thượng sổ phong thanh
 
Dùng hai câu thơ thần này, thi sỹ kết thúc bài thi của mình.
Bài thi tiến sỹ của ông được đánh giá rất cao.
Cả bài thơ có hai câu thơ thần này, Nguyễn Khôi xin tạm dịch như sau:
 
TƯƠNG LINH ĐÁNH ĐÀN SẮT

Tay giỏi đánh đàn sắt
Thường nghe Thái tử Linh
Khiến Phùng Di tụ múa
Khách Sở khó vô tình
Điệu khổ tê vàng đá
Âm vang cõi u minh
Thương Ngô hờn mến mộ
Bạch chỉ phòng hương linh
Khúc tàn, người chẳng thấy
Trên sông mấy non xanh
 
Điều kỳ lạ là hơn 1200 năm sau, không biết có phải ma đưa lối quỷ dẫn đường mà Mao Trạch Đông lại lấy chữ từ hai câu thơ quỷ thần đó để đặt tên cho vợ thứ 3 của mình vốn là diễn viên người Thượng Hải tên Lâm Bình thành Giang Thanh.
Và kỳ lạ thay Giang Thanh cũng kết cục bi thảm như Dương Quý Phi người đẹp của ông vua tài hoa Đường Minh Hoàng (cùng thời thi sỹ thi tiến sỹ Tiền Khởi viết hai câu thơ quỷ thần trên).
 
                                                                                     Nguyễn Khôi
 
Nguồn:
https://nghiencuulichsu.com/2013/04/11/bac-ninh-thi-thoai/

5 nhận xét:

Phong Suong nói...



Phan Thiết cũng đang ngừa Dịch

Chúc Bác PĐ luôn bình an

https://1.bp.blogspot.com/-WyCMPY9Aif0/YNcyUHPyB3I/AAAAAAAACp0/zLSXz8-bnI0wXuXsGchHX7SWwC7UUuLrQCLcBGAsYHQ/w349-h361/iii.png





Bâng Khuâng nói...


https://scr.vn/wp-content/uploads/2020/12/Anh-Di-Anh-Nho%CC%9B%CC%81-Que%CC%82-Nha%CC%80.jpg
Anh đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.
Nhớ ai dãi nắng dầm sương,
Nhớ ai tát nước bên đường hôm mai.

Bài thơ này của Á Nam Trần Tuấn Khải, sáng tác vào đầu thế kỉ XX, nhiều người lầm tưởng là ca dao.

HẰNG NGA nói...

HN sang thăm chúc anh ngày CN tươi hồng vui khỏe nhé anh!

https://cdn140.picsart.com/250860173004202.gif?r1024x1024

Bâng Khuâng nói...

Ngày mới tốt đẹp bạn Phong Sương nhé!

https://1.bp.blogspot.com/-qLBL2Tdniyo/YH9_kpGelwI/AAAAAAAAUt8/uMEry2GJTDEFGbVZzicwFz9wx5a6fQeJQCLcBGAsYHQ/w474-h640/new%2Bday%2B%25282%2529.jpg

Bâng Khuâng nói...

Ngày mới an lành Hằng Nga nhé!

https://1.bp.blogspot.com/-PIDOB3_iw7c/YH9_Tst-4wI/AAAAAAAAUt0/RqKXLjxfreEtJsSctmEgAUX9od4ZM6AbQCLcBGAsYHQ/w400-h373/NEW%2BDAY%2B%252819%2529.gif