BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 8 tháng 6, 2021

CÀY "RUỘNG CHỮ" ĐỜI THÊM VUI - Phùng Trang Nhung

 


“Cỏ Phiêu Bồng” là một trong bốn tập thơ đã được xuất bản của nhà thơ - nhà giáo ưu tú (NGƯT) Võ Văn Hoa. Trong "Cỏ Phiêu Bồng", tôi mê và thích thú nhất là bài thơ "Ruộng Chữ"
 
"Ruộng Chữ" gồm bốn khổ thơ được viết dưới dạng thơ 6 chữ. Nó như những bước chân khoan thai, thong thả của một NGƯT sau bao năm tất bật, miệt mài cống hiến những đóng góp to lớn cho nền giáo dục Quảng Trị quê nhà. "Gác kiếm" là cách nói hài hước để chỉ việc về hưu. Phó trưởng phòng giáo dục trở về làng "cày ruộng chữ", vui với các áng thơ, vui với cảnh thanh tịnh tuổi xế chiều. Thầy giáo già sinh năm 1954 gấp lại trang giáo án, xếp lại bảng đen phấn trắng cùng chồng hồ sơ sổ sách để đón "Mùa xuân tươi rói nắng hồng" nơi thôn quê. Ông như được hoà mình vào cánh đồng, dòng sông với nguồn thi ca bất tận "Đời vui được làm lữ khách/Được về thăm mỗi bến sông".
 
"Gác kiếm" sau khi "xới ngàn trang sách", vất vả cống hiến cho ngành giáo dục như "cày trên thư tịch bao đời". Võ Văn Hoa như dòng sông chở nặng phù sa mà chẳng mảy may đòi hỏi, thu vén hưởng lợi cho riêng mình, như bao "Gương xưa những bàn tay sạch". Ông không vương bụi trần tham sân si để khi "gác kiếm" trở về với cuộc sống điền viên không hề hổ thẹn với bao lớp người thầy đi trước. Người thầy đáng kính ấy bằng lòng tận hưởng cuộc sống bình dị đến mức "Giật mình nghe tiếng à ơi!".
 
Với lối viết dí dỏm vui nhộn nhưng cũng đầy triết lý và ý nhị, NGƯT Võ Văn Hoa cho độc giả thấy được một cảm giác thanh thản về khung cảnh yên bình nơi thôn dã khi nghỉ hưu. Những dòng thơ đầy ẩn ý sâu xa, đưa người đọc đến một cánh đồng mênh mang với "ruộng sâu", "ruộng cạn" để được "Soi mình trong từng bóng chữ" với ước mơ giản dị khiêm nhường "Thầm mong điếu đóm mùa vàng""Gác kiếm" được lặp đi lặp lại ba lần để nhấn mạnh rằng việc công đã hoàn thành trọn vẹn. Giờ đây ông giáo già không còn phải tất bật lo toan việc trường sở mà thảnh thơi trở về với những vui thú tao nhã của riêng mình "Gác kiếm về cày ruộng chữ".
 
Để mỗi sớm bình minh, "Vẳng nghe tiếng sẻ trên đồng" và nhấm nháp tận hưởng hương vị ly "cà phê thế sự", ông lại được thả hồn vào cánh đồng thi ca "Thơ tràn mọi nẻo mênh mông""Gác kiếm"”- Gác lại xếp lại những công danh, địa vị với bộn bề công việc, để đón nhận những ngày tháng thanh nhàn. Để hàng ngày, thi sĩ được sống trong khung cảnh bình an với tiếng chim, với hương vị cà phê... Qua rồi những vất vả lo toan, giờ đây ông được tự do đắm mình trong cánh đồng thơ mênh mông, thoả chí với việc "Cày ruộng chữ - Đời thêm vui" như ông từng nói. Với ước mơ giản dị khi tuổi xế chiều:
 
Bây giờ được đi và đi được
Anh thấy cuộc đời vui biết bao
Mai kia được đi không đi được
Bấy giờ hầu chuyện với trăng sao!

                    (Được đi và đi được)
 
Một phong cách sống giản đơn và mộc mạc nhưng cũng không kém phần vui tươi, rộn rã. Ngày ngày được thả hồn vào "Ruộng Chữ" nhả thơ, vui thú với không gian yên ả trong lành nơi chôn rau cắt rốn đó chính là cuộc sống khi "gác kiếm" của tác giả. Thật đáng trân trọng NGƯT đất Hải Lăng- Quảng Trị mến yêu và bài thơ "Ruộng Chữ" biết bao!
 
                                                                         Hà Nội ngày 4/6/2021
                                                                           Phùng Trang Nhung

 
       Nhà thơ – NGƯT Võ Văn Hoa và người bình bài thơ Phùng Trang Nhung

Không có nhận xét nào: