BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 23 tháng 6, 2021

ĐỌC “KHUNG TRỜI CŨ” THƠ TUỆ SĨ - Châu Thạch


   
                           Thiền sư Tuệ Sỹ

 
KHUNG TRỜI CŨ
                         
Ðôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ 
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang 
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ 
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn 
 
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở 
Ðỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan 
Cười với nắng một ngày sao chóng thế 
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng! 
 
Ðếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ 
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh 
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ 
Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn 
                   
                                                       Tuệ Sỹ 
 
Trước hết người viết xin lỗi bạn đọc vì bài viết hơi dài. Ai yêu nhà thơ Tuệ Sĩ, yêu bài thơ “Khung Trời Cũ” thì xin kiên nhẫn đọc, bởi người viết muốn đem đến cho bạn đọc nhiều dữ liệu về tác giả, nhiều cảm nhận khác nhau đối với một tuyệt tác để đời của một nhà thơ trí thức thông tuệ,  được yêu mến bậc nhất trên văn đàn từ  trước và hiện nay:

 
I - COMMENT VỚI BÀI BÌNH THƠ CỦA CHÂU THẠCH VỀ BÀI THƠ "KHUNG TRỜI CŨ" CỦA TUỆ SỸ. – TRẦN THOẠI NGUYÊN

Nhà thơ Trần Thoại Nguyên


Nhớ lại. Bài thơ nầy lần đầu tiên đăng trên Tạp chí Tư Tưởng của Đại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn, năm 1969 với nhan VÔ ĐỀ, lúc Thầy Tuệ Sỹ khoảng 26 tuổi đang là GS Triết giảng về Triết học Tánh Không của Khoa Phật học ĐH Vạn Hạnh. Năm sau, 1970 thì Nhà sư, GS Thích Nguyên Tánh Phạm Công Thiện bỏ đi Pháp giao lại Khoa Phật họcTạp chí Tư Tưởng cho Thầy Tuệ Sỹ. 
 
Thời điểm đó tôi là SV ghi danh học Triết Viện ĐH Đà Lạt thỉnh thoảng nổi hứng lang bạt về Sài Gòn, có duyên Nhà Phật ghé thăm chơi với các nhà sư trẻ văn thơ học thuật rất mực lỗi lạc tài hoa cùng với đại ca Thi sĩ Bùi Giáng dưới trướng của Hòa thượng Thích Minh Châu Viện trưởng ĐH Vạn Hạnh tạo thành Nhóm văn nghệ học thuật trí thức nổi tiếng đình đám của Miền Nam. Tôi tá túc phòng Sư Chân Pháp Nguyễn Hữu Hiệu (em ruột Nhà thơ Viên Linh) tác giả Con Đường Sáng Tạo, có tối tôi cùng chơi bài văn nghệ với cả đại ca Bùi Giáng rất dzui dzẻ. 
 
Thầy Tuệ Sỹ người nhỏ con rất hiền lành với đôi mắt to tròn óng ánh tia sáng xanh rất thông thái mà đại ca Bùi Giáng hay cà tửng chọc ghẹo kiểu thượng thừa!
 
Sau 1975, Thầy Tuệ Sỹ tập trung vào dịch thuật & nghiên cứu kinh Phật và đã dịch Quỷ Thi của Lý Hạ thành tập bản thảo dày. Tôi không ngờ một Nhà sư nhỏ nhẹ hiền lành như Thầy Tuệ Sỹ mà có cái Dũng của Nhà Phật, Hùng Tâm đến như thế, không run sợ trước cường quyền, bị bắt giam năm 1984 rồi ghép tội tử hình năm 1988 rồi giảm án xuống tù chung thân và rồi Sư tuyệt thực không hề nhận một tội nào để được khoan hồng!
 
Cái Hùng Tâm ấy, bọn tôi loáng thoáng thấy từ bài thơ VÔ ĐỀ mà bọn tôi đã thuộc lòng:
 
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối chưa tan.
 
Và Thi sĩ Bùi Giáng đã khai mở rõ hơn:
 
“Đỉnh đá và hạt muối là hai chốn kết tụ tinh thể của núi và biển. Đỉnh đá quy tụ về mọi hương màu trời mây rừng rú. Hạt muối chứa chất cái lượng hải hàm của trùng dương. Đó là cái bất tận của tâm tình dừng sững tại giữa tuyết nguyệt phiêu du”
 
Với cái Hùng Tâm kim cang ấy của Sư Tuệ Sỹ và cuối cùng được sự ngưỡng mộ, can thiệp của tổ chức Nhân quyền Thế giới thì Sư được ra tù hưởng quyền Tự Do của công dân của một Tu sĩ chân chính! 
Đời thật vô lường quả Vô Thường! 
 
Trong những ngày Thầy Tuệ Sỹ bị ghép án tử hình rồi giảm xuống tù chung thân, bọn tôi cùng xem bản thảo dịch thơ Quỷ Thi Lý Hạ của Thầy Tuệ Sỹ, mà cứ nghĩ Thầy như đã tiên đoán định mệnh đời mình từ thuở yên bình hồn nhiên trong sáng thơ mộng ngày đó của bài thơ VÔ ĐỀ ra đời:
 
 Giờ ngồi ngó bốn vách tường ủ rũ.
 
Nhưng không phải như vậy! Mà rồi là niềm vui khi Thầy Tuệ Sỹ đã ra tù, tự do tự tại chu du sơn thủy:
 
 Suối nguồn xa, nước ngược xuôi ngàn
 
Và dù hiện nay Thầy Tuệ Sỹ đang ở bên nước Nhật chữa bệnh nhưng Người đang Phụng thừa Ủy thác của Cố Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Viện Tăng Thống, Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống Lãnh đạo Giáo Hội Phât Giáo Việt Nam Thống Nhất.
 
 Bài bình thơ của Châu Thạch về bài thơ KHUNG TRỜI CŨ tức là bài thơ đăng báo lần đầu tiên nhan là VÔ ĐỀ, với cái nhìn Tuệ Nhãn của Nhà Phật thật liễu quán sâu sắc của một tầm cao đáng ngưỡng mộ ! Nhưng hương vị đời của bài thơ có nhạt nhòa đi chăng?
 
Nhớ lại, năm 1970, 1971, Thi sĩ Bụi Đời Trần Thoại Nguyên cũng có hàng loạt 5 bài thơ đăng trên Tạp chí Tư Tưởng ĐH Vạn Hạnh. Thuở ấy, Thầy Tuệ Sỹ có Phật sự lên chùa Linh Sơn Đà Lạt và đã nghe chuyện người đẹp là con gái của gia đình Phật tử đã suỵt chó cắn thi sĩ và Thầy Tuệ Sỹ đã đến gia đình Phật tử ấy (cũng chỗ thân thuộc của Sư Chơn Hạnh - Nhà thơ Trần Xuân Kiêm cùng đang là GS ĐH Vạn Hạnh ngày ấy) 
 
Chuyện vắn tắt thế nầy: Tôi lên ghi danh học Triết Viện ĐH Đà Lạt năm 1968 và đã lẽo đẻo theo nàng Xuân Hạnh lớp 11 trường Nữ Trung học Bùi Thị Xuân, hết trồng cây si ở cổng trường Nữ BTX rồi đến cổng Viện Đại Học Đà Lạt khi nàng lên học năm thứ nhất ĐH Đà Lạt! Đến Tết Tây năm đó ra Giai Phẩm Xuân Văn Khoa Viện Đại Học Đà Lạt có đăng bài thơ của TTN với 2 câu mở đầu:                      
 
“Ô hô! Xuân Hạnh chửa hoang                        
Đẻ ta nằm khóc hoang đường nửa đêm!”
 
Và thế là, sau đó trong một đêm trăng sáng thi sĩ lãng vãng ngoài đường trước cổng nhà nàng thì bị chị của nàng (cũng cùng học một năm với tôi) đã suỵt chó cắn thi sĩ! 
 
Cách nay độ gần chục năm, nghĩa là gần 40 năm sau, hôm Thầy Tuệ Sỹ mời cơm chay tại Nhà sách Hương Tích (mà cũng là căn nhà Phật tử cúng dường cho Thầy Tuệ Sỹ tịnh tu) có Sư Chơn Nguyên, có Thi sĩ và là Nhà Hán học Nguyễn Tôn Nhan (nay đã mất) và Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ ở Mỹ về (nay cũng đã mất), Thầy Tuệ Sỹ đã kể lại chuyện đến nhà người đẹp là con gia đình Phật tử Đà Lạt ngày xưa năm 1970 để xem coi người đẹp con gia đình Phật tử như thế nào mà đã suỵt chó cắn thi sĩ? Tôi đã thưa: “Ngày đó Thầy cho con biết, con đi theo xách dép cho Thầy!” Hihi!
 
Tôi kể chút chuyện hơi cá nhân, nhưng rất thật để ta hiểu tâm hồn nghệ sĩ gắn với chất đời thường trần gian của hồn thơ Thi sĩ Tuệ Sỹ ngày trai trẻ sáng tác bài thơ VÔ ĐỀ, để cảm nhận vẻ đẹp thơ gắn với đời sống thực trần gian chứ không cao siêu quá “cái tâm ngài đã đi vào cõi tịnh, không khóc cười cho sinh diệt của trần gian.” Hay ĐÔI MẮT ƯỚT ấy là Tuệ Nhãn Nhà Phật:“Đôi mắt thấu rõ, thông suốt, vượt ra ngoài chấp trước, không hề vương vấn, không hề lưu lại, không chìm nơi cảnh, chẳng đọng nơi tâm, phủ sạch mê mờ. Nhìn mà không đắm, thấy mà không vương không khởi, thấy đơn thuần chỉ là thấy, thấy như là không thấy, thấy một cách rõ ràng chân thật, thấy trọn vẹn tận cùng thể tánh các pháp, cái thấy đó mới là đích thực”
 
Tôi nghĩ Châu huynh đã tung bút ngợi ca theo Huệ Nhãn Nhà Phật mà xưa nay đọc Thi Phật của Vương Duy tức Duy Ma Cật đa tài Thi Nhạc Họa, am hiểu sâu xa kinh Phật thời Thịnh Đường, ta chưa từng nghe những lời bình uyên viễn cao siêu thiền tâm đến như thế của Châu huynh về 2 câu thơ mở đầu VÔ ĐỀ:
 
Đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
 
Bởi vậy, dù người yêu thơ Bùi Giáng có người gọi Bùi Giáng là vị Bồ Tát lúc sinh thời nhưng tôi vẫn thích hơn cách mở từng nếp gấp của câu chữ bật lên vẻ đẹp với hương màu thơ mộng trần gian cũng như thi ca tư tưởng của Bùi Giáng !
 
Rồi cái BỖNG THẤY MÌNH DU THỦ chẳng khác chi với Bùi Giáng “Sài Gòn Chợ Lớn đã đời du côn” của hương hoa du hí cõi trần gian, chứ không chỉ là nói về linh hồn trôi giạt trong cõi luân hồi và hoài niệm về hội tụ trong tiền kiếp xưa như lời bình của CHÂU THẠCH uyên viễn bằng Tuệ Nhãn về cõi luân hồi quá chăng? “ta có thể hình dung Tuệ Sĩ đang ngồi một mình trên đồi cao vắng vẻ, quán tưởng thấy tiền kiếp của mình, và bởi một phút nhìn thấy bất ngờ đó, nhà thơ biết được linh hồn mình lang thang qua bao thế hệ như là một tên du thủ”
 
 Tất nhiên, bài thơ hay như viên ngọc lấp lánh lung linh được người yêu thơ nhìn, cảm nhận với những vẻ đẹp sắc màu khác nhau và tiếp tục đồng sáng tạo cùng tác giả bài thơ. 
 
Bài thơ tuyệt bút sẽ còn sống mãi với thời gian, với các thế hệ muôn sau là như thế!
                                                     
                                                                           Trần Thoại Nguyên
 

II - LỜI BÀN BÊN CẠNH LỜI BÌNH VỀ BÀI THƠ “KHUNG TRỜI CŨ” CỦA THẦY TUỆ SĨ – HẠ THÁI TRẦN QUỐC PHIỆT

 
Nhà thơ Hạ Thái Trần Quốc Phiệt 


Hễ mỗi khi đọc thơ Tuệ Sĩ
Ngỡ như mình đi lạc chốn hư không
Bỗng thấy hồn ta đi mây về gió
Để lại sau lưng khoảng trống mênh mông!
 
Để mà gẫm hồn thơ hong trong nắng
Những ngôn từ ấp ủ tận trong sương
Những ý thơ sâu thẳm cõi vô thường
Về tụ tại tuôn ra từ ngọn bút
 
Hồ quanh đây có hương trầm nghi ngút
Hồ như bao hồn phách lạc quay về
Cõi trần gian cởi gội những cơn mê!
"Khung Trời Cũ" trang hoàng chân dung mới!
 
Thơ quá là thơ! Còn gì phải nói
Ngực dẫu banh tự vỗ chả thành âm
Đọc thơ người và tay vuốt gáy mình
Vui quá nhỉ! đời sinh nhiều thi sĩ!
         
                                        Hạ Thái

 
III- BÌNH BÀI THƠ “KHUNG TRỜI CŨ” – CHÂU THẠCH


Nhà bình thơ Châu Thạch
 

Tuệ Sĩ là một nhà thơ được mến mộ, một thiền sư được kính trọng. Ngài còn là một tù nhân lương tâm chịu án tử hình. Cuộc đời ngài và thơ ngài đã được viết hàng ngàn trang và sẽ đi vào lịch sử, văn học sử. Bài thơ “Khung Trời Cũ” của ngài là một bài được Bùi Giáng, cũng là một nhà thơ được trọng vọng bậc nhất Việt Nam đánh giá là một bài thơ “đã trùm lấp hết chân trời mới cũ Đường Thi Trung Hoa tới Siêu Thực Tây Phương.”
 
Trước hết, ta hãy thưởng thức khổ đầu của bài thơ “Khung Trời Cũ”:
 
Ðôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ 
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang 
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ 
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn
    
Bình về ba chữ “đôi mắt ướt”, nhà thơ Bùi Giáng đã viết: “Đôi mắt ướt? Đôi mắt của ai? Vì sao ướt? Vì lệ trào, hay là vì quá long lanh? Thi sĩ không nói rõ. Ấy là giữ một khoảng trống vắng lặng phóng nhiệm cho thơ. Tha hồ chúng ta tự do nghĩ hai ba lối. Hoặc là đôi mắt thi nhân ướt trong hiện tại vì nhớ nhung một trời hội cũ. Hoặc là đôi mắt giai nhân nào long lanh dịu mật như nước suối chan hòa, soi bóng một khung trời hội cũ bất tuyệt nào, mà ngày nay tại hạ đã đánh mất rồi chăng?”
 
Bùi Giáng không bình hai chữ “tuổi vàng”. Thế nhưng ta biết “tuổi vàng” cũng có nhiều nghĩa. Tuổi vàng là tuổi thời thanh xuân trẻ đẹp. Tuổi vàng cũng là tuổi về già như lá vàng ảm đạm.
 
Về cụm từ “khung trời hội cũ” Bùi Giáng viết: “Đôi mắt ướt tuổi vàng /Khung trời /Hội cũ”. Xin xuống giòng thư thả như thế. Ắt nhìn thấy chất trang trọng dị thường của hoài niệm. Hoài niệm gì? - Cung trời hội cũ. Một hội đạp thanh ? Một hội nao nức ? – “Giờ nao nức của một thời trẻ dại ?”.
 
Về câu thơ “Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang” nhà thơ Bùi Giáng viết: “Áo nào màu xanh? Màu xanh màu chàm của cô gái Mán gái Mường, gái núi nào xưa kia băng rừng và thi nhân đã ngẫu nhiên một lần nhìn đắm đuối?” Bùi Giáng cho biết, Tuệ Sĩ vốn xưa kia có một thời ở Lào nên có thể “áo màu xanh” là áo của cô gái Lào thuở ấy.
 
Đọc khổ thơ nầy, Châu Thạch liên nghĩ đến “đôi mắt ướt” không phải là đôi mắt lệ trào mà cũng không phải là đôi mắt long lanh. Ở đây Tuệ Sĩ không nói rõ đôi mắt của ai những có thể hiểu ngầm là đôi mắt cúa chính nhà thơ. 
 
Nhà thơ là một tu sĩ đầy đạo hạnh, cho nên khó mà ngài chú ý đến một đôi mắt long lanh của giai nhân nào đó để đến nỗi thành thơ, cho nên cũng khó mà làm cho đôi mắt ngài ướt lệ bởi cái tâm ngài đã đi vào cõi tịnh, không khóc cười cho sinh diệt của trần gian. 
 
 Vậy “đôi mắt ướt” của Tuệ Sĩ là đôi mắt gì? Đó là đôi mắt huệ. “Đôi mắt thấu rõ, thông suốt, vượt ra ngoài chấp trước, không hề vương vấn, không hề lưu lại, không chìm nơi cảnh, chẳng đọng nơi tâm, phủ sạch mê mờ. Nhìn mà không đắm, thấy mà không vương không khởi, thấy đơn thuần chỉ là thấy, thấy như là không thấy, thấy một cách rõ ràng chân thật, thấy trọn vẹn tận cùng thể tánh các pháp, cái thấy đó mới là đích thực”. Cái thấy đó nằm trong “đôi mắt ướt” của thi nhân.
 
Từ quan niệm về cái thấy trong đôi mắt ướt của thi nhân, Châu Thạch nghĩ rằng hai chữ “tuổi vàng” cũng không để chỉ thời thanh xuân trai trẻ hay thời già lão của đời người. Bởi vì với cái nhìn Phật pháp như thế, thì những biến động vô thường của kiếp sống con người không gây phiền não cho thi nhân để phải có lời tán than trong thơ. 
 
Vậy thì “tuổi vàng” ở đây là tuổi của linh hồn, tức là tuổi mà linh hồn tồn tại qua bao nhiêu kiếp cho đến nay. Hiểu như thế vì chúng ta suy diễn từ cụm từ “khung trời hội cũ” của câu thơ. Ta để ý đến chữ “hội”. Hội là tề tựu lại, là tập trung lại. Vậy “khung trời hội cũ” là khung trời của bao nhiêu kiếp sống mà nhà thơ đã trải qua được hoài niệm lại, hay được thấy lại trong đôi mắt ướt là đôi mắt thông tuệ bánh xe luân hồi đã quay trong những đời quá khứ của thi nhân. 
 
 Vậy thì qua câu thơ “Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ” có thể hiểu Tuệ Sĩ đã “quán” được, nghĩa là đã thấy được quá khứ, thấy được những tiền kiếp của linh hồn mình.
 
Từ câu thơ thứ hai “Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang” ta liên nghĩ đến bốn câu trong bài thơ “Hợp Tan” của Vũ Hoàng Chương: 
 
Phải chăng từ độ ấy quan san 
Trời Đất cùng nhau nỗi hợp tan 
Nhưng chỉ mình ta phai áo lục 
Còn Khanh sau trước vẫn hồng nhan                       
                                          (Hợp tan)
 
Đọc Vũ Hoàng Chương ta hiểu “áo lục” là áo của thi nhân hay nói chung là áo của kẻ sĩ, của người nho nhã. Do vậy ta suy diển được câu thơ “Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang” nói về sự phai màu của chiếc áo kẻ sĩ phải dãi đầu nắng mưa nơi thâm sơn cùng cốc.
 
Như thế “Áo màu xanh” chắc chắn không phải của một nàng trinh nữ nào đó trên đất Mường hay trên đất Lào xa xôi mà một tu sĩ Phật pháp cao thâm như Tuệ Sĩ có thể lưu lại trong tâm mình bởi “một lần nhìn đắm đuối”, dầu ông là một nhà thơ chăng nữa.
 
Vậy thì qua thơ, ta có thể hình dung Tuệ Sĩ đang ngồi một mình trên đồi cao vắng vẽ, quán tưởng thấy tiền kiếp của mình, và bởi một phút nhìn thấy bất ngờ đó, nhà thơ biết được linh hồn mình lang thang qua bao thế hệ như là một tên du thủ: “Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ”. Du thủ du thực hiểu nghĩa xấu là chơi bời lêu lỏng, xấu xa, hung bạo. hiểu theo nghĩa bình thường thì là người nay đây mai đó, sống lông bông không ổn định. 
 
Du thủ hiểu theo nghĩa thơ Tuệ Sĩ là một con người cô độc đi mãi mê trong vô định, từ kiếp nầy lang thang qua kiếp khác, để bây giờ ngồi đây “Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn”. 
 
Khuya là hình ảnh của đêm thế gian mờ tối, trăng tàn là sự sáng của trăng sắp tắt, hay là hình ảnh của đời người đi qua muôn kiếp, chẳng khác chi những đêm trăng tàn trên trần thế. Nhà thơ kể cho ai nghe đây? Kể cho mình nghe, trước sự vô thường, phôi pha, biến động thầm lặng của đất trời:
 
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở 
Ðỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan 
Cười với nắng một ngày sao chóng thế 
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng!
 
Nhà thơ Bùi Giáng đã bình khổ thơ nầy như sau:
 
“Thy nhân đã mấy phen ngồi ngó trăng tàn? Ngồi trên một đỉnh đá? Bốn bề rừng thiêng giăng rộng ngút ngàn màu trăng xanh tiếp giáp tới chân trời xa xuôi đại hải? Đỉnh đá và hạt muối là hai chốn kết tụ tinh thể của núi và biển. Đỉnh đá quy tụ về mọi hương màu trời mây rừng rú. Hạt muối chứa chất cái lượng hải hàm của trùng dương. Đó là cái bất tận của tâm tình dừng sững tại giữa tuyết nguyệt phiêu du”
 
Nhà thơ Tuệ Sĩ đã đem đỉnh đá và hạt muối đặt ngang nhau. Ta thấy hạt muối tan mau, đỉnh đã tồn tại ngàn năm nhưng rồi cũng sẽ tan một thời kỳ nào đó, Hiện giờ cả hai chưa tan nhưng sự phù du của nó có khác gì nhau. Đối với thiên nhiên “ngàn năm như một ngày, một ngày như ngàn năm” vậy. Nhà thơ hiểu luật vô thường nên cười với một ngày nắng qua mau và tự tại khi thấy nay mùa đông mai đã mùa hạ rồi. 
 
 Khổ thơ cho ta thấy một thế giới lạnh lùng biến động, muôn vật đều đồng một thể, thay đổi trong cái thời gian lạnh lùng mà sự ngắn dài của tháng năm trở thành vô nghĩa. Khổ thơ cũng dạy nhìn đời bằng cái tâm trung tính, vắng lặng với nụ cười như nụ cười vô tư trong nắng.
 
Cuối cùng nhà thơ tự thú mình chưa già mà đã mỏi gối chồn chân:
 
Ðếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ 
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh 
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ 
Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn 
 
 Ở khổ thơ trên Tuệ Sĩ nói mình đang ngồi trên “Đỉnh đá nầy” để thấy “đồi hoang”, “núi lạnh”“biển im”. Vậy nhưng bây giờ nhà thơ “ngó lại” thì thấy “bốn vách tường ủ rũ”. Đây là bức tường của những kiếp nhân sinh, bức tường khổ đế, bức tường sinh lão bệnh tử. Đúng ra là bức tường thời gian nhốt bánh xe luân hồi trong đó để Tuệ Sĩ hay loài người cứ phải lang thang trong đó vạn ngàn năm. 
 
Bài thơ cho ta thấy một tuổi vàng, một tuổi muối, một tuổi đá đều như nhau cả, Tất cả sẽ từ tuổi nầy đi qua tuổi khác, lang thang trong thời gian vô định như bốn bức tường nhốt linh hồn ta trong trủng bóng chết đời đời mà dầu tu hành như thiền sư cũng chưa thể thoát ra! Đọc bài thơ linh hồn ta cảm nhận được hết cái thú đau thương là cái thú được nghe tiếng thơ trong sáng vô biên viết về sự trầm tư trong linh hồn cúa một thiền sư đức cao trọng vọng.                                                                                                                                                                   
                                                                                       Châu Thạch
 

5 nhận xét:

Bâng Khuâng nói...

Xin ghi vài cảm nhận về bài bình thơ của bác Châu Thạch:

“Đọc bài thơ linh hồn ta cảm nhận được hết cái THÚ ĐAU THƯƠNG là cái thú được nghe tiếng thơ trong sáng vô biên viết về sự trầm tư trong LINH HỒN của một thiền sư đức cao trọng vọng” (Châu Thạch).
*
Bác Châu Thạch dùng những từ ngữ “lạ kỳ” khi bình thơ Tuệ Sĩ:
“Cái THÚ ĐAU THƯƠNG là cái thú được nghe tiếng thơ trong sáng vô biên...”

Nghe tiếng thơ trong sáng vô biên đúng là thật thú vị vì tâm tình thanh thản, vô minh sao lại ĐAU THƯƠNG? Lưu Trọng Lư viết bài thơ THÚ ĐAU THƯƠNG khi lòng buồn đau vì thất vọng, vì thất tình:

“Tình đã len trong màu nắng mới,
Lòng anh buồn vời vợi, em ơi!
Niềm yêu rung động đôi môi
Tình đầy khôn lựa được lời thắm tươi.
Đã héo lắm nụ cười trong mộng
Đã mờ mờ lắm, bóng thân yêu,
Đã lam tím cả cánh chiều
Trong hồn lặng đã hiu hiu mộng tàn.
Xin để gối nằm im chỗ cũ,
Hãy lịm người trong thú đau thương,
Giờ đây ta đốt nén hương
Trên tay ta buộc dải tang cho tình.”

Bác Châu Thạch đọc thơ TUỆ SĨ lại “đau thương”, tôi không hiểu nổi.

*
“LINH HỒN của một thiền sư đức cao trọng vọng”
(Châu Thạch)

Tuệ Sĩ bây giờ như bác Châu Thạch nói “là một thiền sư đức cao trọng vọng” nên dùng từ ngữ LINH HỒN không hợp lý.
Phật giáo chỉ dùng từ ngữ NGHIỆP THỨC, THẦN THỨC. Khi con người chết đi, thần thức không còn thân xác để trụ (vô sở trú) thì đầu thai theo luân hồi, chịu bao kiếp lai sinh với sự dày công tu trì mới ‘liễu ngộ’ để ‘chứng quả’ mới ‘siêu thoát về Tây phương cực lạc’ (như lời bác Châu Thạch nói). Từ ngữ LINH HỒN không thích hợp với thiền sư Phật giáo. Từ điển Phật học không có từ ngữ LINH HỒN. Phật giáo không tin là có một linh hồn vĩnh hằng, bất biến. Nếu tin có linh hồn như vậy, thì đó là ‘thần ngã ngoại đạo’, không phải là người Phật tử chính tín.

*
HUỆ NHÃN

“Tôi nghĩ Châu huynh đã tung bút ngợi ca theo Huệ Nhãn Nhà Phật mà xưa nay đọc Thi Phật của Vương Duy tức Duy Ma Cật đa tài Thi Nhạc Họa, am hiểu sâu xa kinh Phật thời Thịnh Đường, ta chưa từng nghe những lời bình uyên viễn cao siêu thiền tâm đến như thế của Châu huynh về 2 câu thơ mở đầu VÔ ĐỀ:

Đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang”

(Trần Thoại Nguyên)
*
“Vậy ‘đôi mắt ướt’ của Tuệ Sĩ là đôi mắt gì? Đó là đôi mắt huệ
(Châu Thạch)

- Về HUỆ NHÃN, nếu quý bác nói về thiền sư Tuệ Sĩ bây giờ, chắc ít ai có ý kiến gì, nhưng bài thơ “KHUNG TRỜI CŨ” do Tuệ Sĩ sáng tác lúc 26 tuổi, còn trẻ nên hình ảnh và cảm xúc nhà thơ gắn với cuộc đời bằng cái nhìn của nhà thơ - tu sĩ
Đang còn tu tập và cái ‘hạnh’ lúc này của Tuệ Sĩ chưa đủ độ uyên bác của bậc thiền sư. Bởi vậy ‘Huệ nhãn’ bác dùng là ‘thậm xưng’, ‘ngoa ngữ’ ca tụng một cách quá đáng.
Đọc bài thơ KHUNG TRỜI CŨ của Tuệ Sĩ, chúng tôi thực ra không nhìn thấy được ‘huệ nhãn của thiền sư’ trong đó.

Bâng Khuâng nói...

Xin góp một chuyện vui:
“Nhà bình thơ là ‘đồng sáng tạo’ với nhà thơ”

TỐ HỮU VÀ CÂU THƠ “VE KÊU RỪNG PHÁCH ĐỔ VÀNG” HAY “VĂN CHƯƠNG TỰ CỔ VÔ BẰNG CỚ”

Câu thơ “ve kêu rừng phách đổ vàng” được các nhà bình thơ miền Bắc bình:

Nào là: “Tiếng ve hòa âm với tiếng lá ru cành như tiếng phách gõ nhịp, sắc màu hoa phách vàng lấp loáng trong ánh nắng vàng óng ngày hạ...”
Nào là: “Bức tranh gợi sự chú ý cho người đọc bằng thị giác, lẫn thính giác. Đầu tiên, cái độc đáo ở đây chính là âm thanh, âm thanh mùa hạ, tiếng ‘ve kêu’. Câu thơ tạo ra hình ảnh nhân hóa. Con ve là loài vật, vậy mà nó biết kêu, biết gọi, nó xui khiến rừng phách ‘đổ vàng’. Chúng ta nên dành một ít thời gian để tìm hiểu cái rừng phách kỳ lạ này. Phách là một loài cây thân gỗ ở rừng Việt Bắc, nở hoa vàng vào đầu mùa hạ. Tiếng ve kêu râm ran đây đó báo hiệu mùa hạ, nhưng lúc này đã là cuối hạ. Lá cây bắt đầu chuyển sang màu vàng, cả rừng phách thay áo mới, chiếc áo vàng óng ánh dưới ánh nắng mặt trời...”
*
Nhiều người - kể cả các giáo sư hàng đầu của miền Bắc như Nguyễn Đăng Mạnh (cùng Ban khoa học xã hội), Phan Trọng Luận, Trần Đình Sử... Họ là những người tổng chủ biên các cuốn “Văn học 12”, “Sách Ngữ văn 12”, “Sách Ngữ văn 12 nâng cao”, những giáo viên dạy bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu cho hs lớp 12 trong trường phổ thông, khi giảng câu thơ này đều cho màu vàng là của hoa phách.

Khi họ hỏi Tố Hữu tác giả bài thơ Việt Bắc có câu thơ “Ve kêu rừng phách đổ vàng” thì Tố Hữu cười nói: “Đúng là các nhà phê bình là người đồng sáng tạo với nhà thơ. Cảm ơn quý vị đã “đổi mới” thơ tôi, đã làm câu thơ của tôi lung linh với sắc vàng óng của hoa phách và nắng hè, với sự hòa âm của nhạc rừng trong tiếng ve kêu cùng nhịp phách gõ”
*
Cố nhà văn Nguyễn Trọng Hùng tháng 8 năm 1990 đã có bút ký “Mùa hoa phách tím” đăng trên báo Văn nghệ. Trong ấy có đoạn “Sang thu nắng dịu, trời trong. Ve không còn rả rích nữa... Rừng dậy một màu tím ngan ngát, đằm thắm. Hoa phách đấy! “Ve kêu rừng phách đổ vàng”, đấy là LÁ chuyển từ màu xanh sang vàng khắp lượt trong ít ngày. Cũng vào dịp này, ve bắt đầu kêu...”.

Mục Tư liệu của Trang web Hội VHNT Tuyên Quang ngày 5/10/2018 có chuyện kể “Nhà giáo nhân dân - Giáo sư Nguyễn Đình Chú trong lần thăm Tân Trào tháng 10-2000 mới có dịp ngắm cây phách từ gốc đến ngọn. Ông nói, hôm nay đến rừng Tân Trào, mới biết cây phách trong thơ Tố Hữu. Rồi trầm ngâm: Rõ là mình vẫn xa thực tế, làm sách giáo khoa lâu năm mà không biết cây phách trong thơ Tố Hữu...”.
GS Nguyễn Đình Chú (NGND) nói: “Chính người soạn sách giáo khoa khi chú thích về cây phách để giáo viên và học sinh hiểu bài thơ Việt Bắc lại chưa từng biết về cây phách”

ĐÚNG LÀ “VĂN CHƯƠNG TỰ CỔ VÔ BẰNG CỚ”
*
Ảnh cây phách nở hoa tím

https://baotuyenquang.com.vn/media/images/2020/05/hoa-phach-tim(1).jpg

Bâng Khuâng nói...

Xin góp thêm một chuyện vui về việc bình thơ nữa nhé...

CHUYỆN VUI VỀ BÌNH THƠ

Mấy nhà thơ ngồi với nhau nói chuyện thơ. Một anh bỗng đọc câu đầu bài “Tỳ Bà Hành” của Bạch Cư Dị (do Phan Huy Tự dịch):

“Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách”

Anh ta cất tiếng:
- Các bạn có biết Bạch Cư Dị chia tay với nàng ca kỹ bến Tầm Dương ở đâu không? Ai có ý kiến độc đáo tớ đãi một chầu xả láng được tùy chọn.
Một người lên tiếng:
- Dễ ợt, trên bến thuyền chứ đâu nữa.
Mọi người nhao nhao căn vặn:
- Vì sao, bạn biết?
- Thì mới vào bài đã có ngay chữ “bến Tầm Dương”
Mọi người bàn tán và thống nhất là ý kiến chưa độc đáo. Thêm vài ý kiến nữa nhưng vẫn không được công nhận là độc đáo.
Cuối cùng là một nhà bình thơ tài tử (amateur) lên tiếng:
- Họ rõ ràng chia tay trên thuyền, vậy ai cũng chưa biết hay sao?
- Chia tay trên thuyền ? Vì sao biết ngay ?

THẾ NÀY NHÉ !

Câu thơ “Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách” chỉ cần đọc lên là biết ngay cuộc tiễn đưa bằng thuyền trên sông.
VÌ:
Tiếng đầu và tiếng cuối (bến, khách) đều là thanh trắc với nét xiên ( \ / ) như hình tượng mũi thuyền và đuôi thuyền, các tiếng còn lại (tầm, dương, canh, khuya, đưa) đều là thanh bằng với nét ngang ( ___ ) như hình tượng lòng thuyền

\__________________/

Quả là ý kiến độc đáo và là lời bình thơ xuất sắc !!!

Bâng Khuâng nói...

Góp ý thêm về bài bình thơ:

“Vậy thì ‘tuổi vàng’ ở đây là tuổi của linh hồn, tức là tuổi mà LINH HỒN TỒN TẠI qua bao nhiêu kiếp cho đến nay”
“Ta có thể hình dung Tuệ Sĩ đang ngồi một mình trên đồi cao vắng vẻ, quán tưởng thấy tiền kiếp của mình, và bởi một phút nhìn thấy bất ngờ đó, nhà thơ biết được linh hồn mình LANG THANG qua bao thế hệ như là một tên du thủ: ‘Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ’ ”.
“thấy lại trong đôi mắt ướt là đôi mắt thông tuệ bánh xe luân hồi đã quay trong những đời quá khứ của thi nhân”
“có thể hiểu Tuệ Sĩ đã ‘quán’ được, nghĩa là đã thấy được quá khứ, thấy được những tiền kiếp của linh hồn mình”
(CHÂU THẠCH)
*
- Nhà bình thơ Châu Thạch cho rằng nhà thơ Tuệ Sĩ dùng pháp quán tưởng để thấy tiền kiếp của mình, “có thể hiểu Tuệ Sĩ đã ‘quán’ được, nghĩa là đã thấy được quá khứ, thấy được những tiền kiếp của linh hồn mình”

“Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô”
(Trịnh Công Sơn)

[Quán tưởng, tiếng Anh là Visualization. Quán là quan sát, Tưởng là tư tưởng. Tư tưởng không chỉ có ở trong đầu, mà nó được thể hiện ra bên ngoài, bao gồm các cảm giác. Vậy Quán Tưởng nghĩa là Quan sát cái Tư tưởng được giả lập bởi cái Tưởng (Tưởng trong Ngũ Uẩn) của mình.
Quán tưởng là tạo ra một hình ảnh trong tâm trí (về một việc gì đó) có kèm theo cảm giác và cảm xúc.]
*
- Và bác Châu Thạch cũng cho rằng tu sĩ Tuệ Sĩ lúc đó mới 26 tuổi đã có tầm vóc một thiền sư nên dùng huệ nhãn “thấy lại trong đôi mắt ướt là đôi mắt thông tuệ bánh xe luân hồi đã quay trong những đời quá khứ của thi nhân”

Việc ‘quán tưởng’ đến tiền kiếp là điều hợp lý, nhưng việc Tuệ SĨ dùng huệ nhãn “thấy lại trong đôi mắt ướt bánh xe luân hồi đã quay trong những đời quá khứ của thi nhân” thì bác ấy đã nói quá, gần như bác ấy ‘phong thánh’ cho tu sĩ Tuệ Sĩ lúc đó mới 26 tuổi đang còn tu tập.

Tuệ Sĩ có thể quán tưởng về tiền kiếp của mình, chứ chưa đủ lực để dùng huệ nhãn soi thấu “bánh xe luân hồi đã quay trong những đời quá khứ của thi nhân”, làm được chuyện này thì chỉ có các bậc đã chứng quả A la hán
*
Bác Châu Thạch diễn đạt và dùng từ ngữ về tu sĩ Phật giáo Tuệ Sĩ như: “nhà thơ biết được linh hồn mình LANG THANG qua bao thế hệ như là một tên du thủ” và “LINH HỒN TỒN TẠI” qua bao nhiêu kiếp cho đến nay” là không đúng.

Mỗi nghiệp thức đều trú ngụ trong một thân xác khi còn sống của một kiếp. Con người trong kiếp đó hành thiện, hành ác tạo nghiệp coi như tạm an trú của một kiếp, kiếp sau mang nghiệp thức khác, chứ không LANG THANG kiếp này sang kiếp khác như LINH HỒN của một con người tồn tại vĩnh viễn, bất biến như quan niệm của các tôn giáo khác.
Chẳng hạn như nhiều truyền thuyết ở Trung Quốc cho rằng: “trong việc sống chết của người, linh hồn có một tác dụng bắc cầu. Linh hồn đầu thai là sinh, linh hồn tách rời thân xác là chết, xem quan hệ giữa linh hồn và thân xác giống quan hệ giữa chủ hộ và nhà cửa. Nhà cũ, hư nát thì dọn đến nhà mới, nhà mới thay nhà cũ, thay đi thay lại, chủ hộ đi đi lại lại nhưng vẫn vĩnh hằng bất biến. Tức là nói con người là linh hồn, đắp thêm cái áo thân xác. Thân xác có thể thay đổi, còn linh hồn là bất biến, là chủ thể trong dòng lưu chuyển sinh tử.”
*
“Vậy thì ‘tuổi vàng’ ở đây là tuổi của linh hồn, tức là tuổi mà LINH HỒN TỒN TẠI QUA BAO NHIÊU KIẾP CHO ĐẾN NAY” (Lời bình của bác Châu Thạch)

- Linh hồn mà TỒN TẠI bất biến như thế thì không hợp với thuyết nhà Phật đâu bác Trạn nờ... Mỗi kiếp có nghiệp thức khác nhau, nghiệp thức kiếp này biến đổi do hành xử và tu tập của kiếp trước

Bâng Khuâng nói...

- Ở đây tôi nói về MỨC ĐỘ HUỆ NHÃN của nhà thơ Tuệ Sĩ 26 tuổi đang tu tập mà bác Châu Thạch diễn đạt...
TUỆ SĨ CÓ HUỆ NHÃN, NHƯNG VỚI MỨC ĐỘ “thấy lại trong đôi mắt ướt bánh xe luân hồi đã quay trong những đời quá khứ của thi nhân” thì nhà bình thơ nói quá lên.

- Phật giáo quan niệm thần thức biến đổi qua từng kiếp, kiếp nào có ‘linh hồn’ riêng của kiếp đó, ‘linh hồn’ kiếp này khác với ‘linh hồn’ kiếp trước chứ ‘LINH HỒN không LANG THANG kiếp này sang kiếp khác’. ‘LINH HỒN của một con người KHÔNG TỒN TẠI VĨNH VIỄN’, bất biến mà biến chuyển khác với cách diễn đạt của bác Châu Thạch