BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 17 tháng 6, 2021

TÌM HIỂU THÊM VỀ XUẤT XỨ CÂU “NHẤT SINH ĐÊ THỦ BÁI MAI HOA” – Nguyễn Khôi


                                                          
 Ngày 5-6-2006 Nguyễn Khôi có viết bài : Câu đối “Nhất sinh đê thủ bái Mai hoa” có phải của Cao Bá Quát ? Bài viết có dẫn chứng theo “Như Kinh Nhật ký” thì là của Ngải Tuấn Mỹ tặng Nguyễn Tư Giản (năm 1868) nhân đi Sứ sang triều cống nhà Mãn Thanh.
 
Nay sau 15 năm, nhân đọc cuốn “Rong chơi cùng U Mộng Ảnh” của Trương Trào (1650-1707) do Huỳnh Ngọc Chiến dịch (Nxb Hồng Đức 2020) thì đôi câu đối này là của danh sĩ đời Thanh là Trương Chi Hạc, tự Văn Giai, có đôi câu đối đáng để ta nói “Mai lấy Trương Chi Hạc làm tri kỷ”:
                        
Tứ hải luận giao cầu cổ kiếm                           
Nhất sinh đê thủ bái Mai hoa
                                                
(Bốn biển luận giao tìm kiếm cổ
 Một đời, đầu cúi, lạy hoa Mai).
 
Nghĩa là:
 
Đi khắp bốn biển bàn chuyện giao du, giống như đi tìm cây kiếm cổ. Suốt một đời chỉ cúi đầu trước hoa Mai.
  
Câu đầu tràn đầy hào khí mà vẫn thanh cao, câu sau bộc lộ ngạo tâm mà vẫn vô cùng tĩnh dật.

Ở Việt Nam ta, hai câu này thường được gán cho Cao Bá Quát... nhưng bốn chữ đầu “Tứ hải luận giao” được đổi thành “Thập tải luân giao”... (Thập tải = mười năm...)
 
Ngẫm nghĩ thơ Đường thường coi trọng các vế đối, mà trong đó “đối chữ” rất được chú ý, bởi tính cô đọng và hàm súc của nó. Hai chữ  “thập tải” ( mười năm) đóng khung tâm tình người viết trong một thời gian quá hạn hẹp, không nói lên được cái hào khí cao ngạo của Danh sĩ ? Vế đối dùng khái niệm thời gian đối nhau “Mười năm/ Một đời” thì nội dung trong đó không còn là đối nữa, nếu đúng như vậy thì chứng tỏ bút lực của người đó không cao, không xứng với khẩu khí của bậc Danh sĩ ?
 
 Vậy, đem không gian của “Tứ hải” đối với thời gian “Nhất sinh”, mới đúng nghĩa là “đối”. “Tứ hải”, nói về khoảng không gian bao trùm thế giới, mới đáng để đối với “Nhất sinh”, nói về chiều sâu thăm thẳm của thời trọn một kiếp người - ( viết theo Huỳnh Ngọc Chiến).
 
Chao ôi, thời xưa Văn thơ truyền bá chủ yếu là chép tay, truyền miệng (vì in ấn bằng Khắc Ván) nên tam sao thất bản thường xảy ra, các Nhà Nho lại thường tùy tiện “sửa” theo ý mình (chưa có Luật bản quyền) vì thế có nhiều dị bản là vậy. Thơ văn của ai nên trả về chính tác giả của nó, tránh tình trạng gán ghép vô văn cứ gây nhiễu Văn thi đàn.
 
                                                                            Hà Nội 14/6/2021
                                                                               Nguyễn Khôi

1 nhận xét:

Vũ Nho Ninh Bình nói...

Cám ơn ông bác Nguyễn Khôi về phát hiện thú vị!
Như vậy chủ nhân đích thực của 2 câu này là Danh sĩ Trương Chi Hạc!
Tất nhiên, trong bài trước bác đã chỉ rõ không phải là thơ hay câu đối của Cao Bá Quát.Như vậy rõ ràng ngài Ngải Tuấn Mỹ đã chép lại và cải biên (hoặc không nhớ chính xác) câu của Trương Chi Hạc! Việc chép lại rồi tặng cụ Nguyễn Tư Giản của Việt Nam chả có luật nào cấm! Thành ra ông Ngải Tuấn Mỹ không sai! Cái chính là ông đã nhớ nhầm hoặc cố tình cải biên câu của danh sĩ Tương Chi Hạc, rồi thì cái sai của ông lại được người Việt ta gán cho nhà thơ Cao Bá Quát rồi cứ thế mà "dĩ hư truyền hư!". Mới biết là chuyện văn chương không hề đơn giản!
Một lần nữa cám ơn bác Nguyễn Khôi đã làm cái việc công bằng, của ai trả về cho người ấy!