Tưởng
nhớ hương hồn cậu Võ Thế Hòa (Nại Cửu, Triệu Phong Quảng Trị)
Căn nhà và cội mai già vắng Cậu Hòa đã gần hai mùa
xuân rồi. Hôm nay tôi ngắm cội mà cảm giác hình như nó có ‘linh hồn’ cùng ‘lặng
buồn’ nhìn vào căn nhà im lìm từ ngày người cậu vĩnh viễn xa nó. Tôi lại nhớ về
những năm niên thiếu tôi là đứa cháu ngoại hay về làng nhất. Cứ mỗi khi về tôi
lại hay ghé thăm nhà Cậu. Dáng Mệ Tơ lom khom nở nụ cười hiền từ chào thằng
cháu trên tỉnh. Rồi Dì Tưởng, một người dì tần tảo bán buôn cực nhọc từ những
gánh rau hàng ngày người dì phải chạy bộ lên tỉnh. Rồi chuyện bà con trong
làng, kẻ đi lính người tử trận nên làng ngoại mỗi lúc càng thiếu bóng thanh
niên...
Năm nay cây mai già ra bông lác đác. Sắc vàng tuy vẫn
tươi giữa những chiếc lá xanh non mạnh mẽ nhưng hình như tất cả càng nhìn lại
càng thấy ảo não. Đã hai xuân qua rồi, cây mai vắng chủ tỉa lá chăm nom, nó đã
đón hai cái tết khi những người thân yêu gần nó lần lượt bỏ đi. Cậu Hòa ra đi
do tuổi già xế bóng và lớp trẻ phải tha phương tìm cuộc sống. Làm sao tôi quên
cho được cái sân này. Cứ mỗi lần về làng tôi ghé thăm nhà Cậu và qua cái cổng
nhà nho nhỏ rồi vào cái sân cũng nho nhỏ này. Mái nhà tranh ngày xưa nay nay
thay đổi chỉ bằng một mái ngói bình thường đơn giản như cuộc đời của người cậu
cho đến lúc người ra đi.
Tôi nhớ làm sao, cũng cây mít kia và bụi tre sau nương
vẫn còn nguyên vẹn. Đó là những dấu tích vườn xưa còn lại. Nó còn do cái giá của
nó chẳng đáng là bao, chẳng đắp đổi gì nên nó vẫn nguyên vậy qua bao ngày
tháng. Tôi nao lòng buồn nhất khi nhớ về những người thân thích lần lượt nối tiếp
về với trời miên viễn. Lòng se lại khi tôi lặng ngắm một không gian tĩnh lặng,
nỗi bồi hồi xúc động chợt dâng trước hình ảnh cái sân im vắng cùng cây mai ngày
tết đơn độc ra bông.
Rồi lại bao nhiêu hình ảnh tiếp nối... Cũng tại đây,
trong cái sân này có một ngày sau năm 1975 tôi trốn trại nửa ngày tìm về làng
ngoại. Hai vợ chồng cậu quay quắt tìm gì cho cháu. Đổi thay, túng thiếu, Hợp
Tác làm không đủ ăn. Làm hợp tác ngay mớ rơm cũng chia - vườn không nhà trống
đúng nghĩa nhất trong buổi giao thời khó có ai quên. Tôi còn nhớ hình ảnh đụn
rơm hợp tác của nhà cậu bấy giờ nó nhỏ làm sao? Cậu tìm tòi ngó quanh nhà... trên
góc chái nhà có con gà đang ấp cậu tôi lấy hết rỗ trứng xuống luộc cho đứa
cháu. Hai cậu cháu chỉ có một hai giờ gặp nhau không nói hết những điều thay đổi
trong những ngày loạn lạc vừa qua. Người làng ngoại tản mác chưa về nhưng chuyện
thanh niên trong làng đang vật vả từ miếng cơm manh áo rồi lại chuyện quy hoạch
mồ mả không ai lo? Nhưng rồi phải QUY. Hợp Tác đang cần đất tất cả đều bới
tung?
Cậu nói sao cho hết chuyện đổi thay cho đứa cháu chỉ
thoáng trốn về làng non hai tiếng đồng hồ? Hoàn cảnh người trong trại, kẻ ở
làng có khác chi nhau? Thiếu khổ túng bấn, vô kế khả thi. Cả bầu trời như tối sầm
sập, chẳng tìm ra chút ánh sáng, chẳng khác chi một cơn ác mộng.
Giờ đây nếu tôi cố tưởng tượng lại cũng không sao hình
dung ra hết thứ cảm giác vào buổi giao thời đó.
***
Chỉ có hai cậu cháu ngồi chênh chếch gần cội mai này,
đầu lối vô cái sân đất đầy kỷ niệm. Cậu tôi chỉ ăn hai cái trứng còn bao nhiêu
cho đứa cháu ăn để lên lại trại. Người cậu hiểu tôi thèm khát đủ thứ. Có thể cậu
chạnh lòng nghĩ tới những ngày tôi còn là một học sinh trên tỉnh, đầy đủ biết
bao? Ai có ngờ đâu? giờ đây thân phận đứa cháu lại khổ như vậy? Gia đình, bà
con, giờ ở trong nam, biền biệt tin tức biết dò ra răng? Hai cậu cháu ước gì
cái thành phố trên kia giá như mà không có chuyện 1972 thì giờ dù có chuyện
1975 cũng không có cái cảnh làng mạc, họ hàng tứ tán mỗi người mỗi ngã?
Cậu ái ngại cho tôi. Cậu quay quắt đau khổ, không biết
bới đâu cái chi cho đứa cháu trở về lại trại? Từ vườn vào nhà hai vợ chồng cậu
chẳng tìm ra chút gì thiết thực cho cháu lúc này? Ôi, cái phút giây trùng phùng
cay đắng và buồn tủi làm sao!
Tôi vội đứng dậy, dáng vẻ lấm lét của người tù trốn trại
về làng khi nào cũng thế! Hai cậu cháu bịn rịn chia tay. Cậu còn đứng ngó theo
đứa cháu lom khom bước vội như có ai đuổi. Cái dáng cao ốm nhom, chiếc áo ka ki
bạc màu với cái túi vải xẹp lép bên vai, đứa cháu khuất dần đầu khúc quanh xóm
Rộộc. Hắn sẽ đi lên xóm Chùa, hướng lên Sãi rồi tìm bến đò qua Xuân An. Qua được
đò, đứa cháu vội tìm con đường tắt lên hướng Chợ Hôm. Từ đây hắn sẽ vượt qua Quốc
Lộ, băng qua Thôn Ái Tử rồi lên lại Trại Bốn trước khi trời chiều tắt nắng.
Đinh Hoa Lư
16/11/2019
HÌNH ẢNH CUỐI CÙNG CỦA CẬU HÒA
Lá thư do tôi viết gửi về làng Nại Cửu tới cậu Võ Thế
Hòa sau khi cậu xây lại lăng mộ cho em trai Đinh Trọng Linh, nay do em Võ Thị
Ngọc Anh gửi qua
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét