BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 9 tháng 6, 2021

CHUYỆN VĂN BẰNG Ở ĐẠI HỌC VĂN KHOA HUẾ DƯỚI CHẾ ĐỘ VIỆT NAM CỘNG HÒA TRƯỚC ĐÂY – Hoàng Đằng


Viện Đại Học Huế
 
Chuyện cũ lâu lâu ôn lại kẻo quên. Trong thời gian học ở Viện Hán Học Huế, tôi có ghi danh học thêm ở Đại Học Văn Khoa Huế. Giờ tôi muốn ôn lại phần các văn băng Cử Nhân nơi đây cấp.
 
Đại Học Văn Khoa không phải là một trường độc lập mà chỉ là một phân khoa của Viện Đại Học Huế. Viện Đại Học Huế được thành lập năm 1957 và Đại Học Văn Khoa cũng ra đời lúc đó.
Ở Đại Học Văn Khoa Huế, từ năm 1957 đến cuối thập kỷ 1960 (tôi quên năm chính xác), học để lấy Văn Bằng Cử Nhân tức là văn bằng tốt nghiệp Đại Học Văn Khoa theo chế độ chứng chỉ.

Năm đầu, học chứng chỉ Dự Bị Văn Khoa, sau đó, vô chuyên ban, mỗi năm có thể học 2 chứng chỉ.
Ngoài chứng chỉ Dự Bị Văn Khoa, mỗi văn bằng Cử nhân phải thêm 4 chứng chỉ chuyên ban. Do đó, ai học tốt, có thời gian theo học, chỉ cần 3 năm là có văn bằng Cử Nhân.
Từ cuối thập kỷ 1960, Đại Học Văn Khoa Huế bỏ dần chế độ chứng chỉ, chuyển sang "niên chế"; theo "niên chế", muốn có bằng Cử Nhân, phải học đủ và học tốt 4 năm.

Tuy đã mở niên chế, Đại Học Văn Khoa Huế, qua những năm 1970, vẫn mở lớp dạy các chứng chỉ để những sinh viên đã có một số chứng chỉ trước rồi có thể hoàn tất chương trình học Cử Nhân và được cấp bằng.
 
Với bài này, tôi chỉ chú trọng vào văn bằng cấp theo chế độ chứng chỉ.
Ở Đại Học Văn Khoa Huế, có các chuyên ban sau: Việt văn, Pháp văn, Anh văn, Triết học, Sử học.

- Chuyên ban Việt văn gồm các chứng chỉ: (1) Văn Chương Việt Nam, (2) Ngữ Học Việt Nam, (3) Hán Văn và (4) một trong 3 chứng chỉ sau: Lịch Sử Triết Học, hoặc hoặc Sử Việt Nam và Đông Nam Á, hoặc Văn Minh Việt Nam - chứng chỉ Văn Minh Việt Nam mới mở năm học 1969 - 1970 ?

- Chuyên ban Pháp văn gồm các chứng chỉ: (1) Văn Chương Pháp, (2) Ngữ Học Pháp, (3) Văn Hóa Pháp và (4) một trong 2 chứng chỉ sau đây: hoặc Văn Chương Việt Nam hoặc Văn Minh Việt Nam .
- Chuyên ban Anh Văn gồm các chứng chỉ: (1) Văn Chương Anh Mỹ, (2) Ngữ Học Anh, (3) Văn Hóa Anh Mỹ và (4) một trong 2 chứng chỉ sau đây: hoặc Văn Chương Việt Nam hoặc Văn Minh Việt Nam.

- Chuyên ban Triết Học gồm các chứng chỉ: (1) Lịch Sử Triết Học, (2) Luận Lý & Siêu Hình, (3) Đạo Đức & Xã Hội và  (4) Tâm Lý.
Thông tin về Cử Nhân Giáo Khoa Triết do thầy Trần Công Tín, ĐHSP Huế ban Việt Văn khóa 63 - 67 công bố khi lấy thông tin từ quyển Chương Trình Đại Học Văn Khoa Huế năm 1965 - 1966.
 
- Chuyên ban Sử Học gồm các chứng chỉ: (1) Sử Việt Nam & Đông Nam Á, (2) Sử Tây Phương, (3) Phương Pháp Sử, và (4) Địa Lý Đại Cương.

Thông tin về Cử Nhân Giáo Khoa Sử cũng do thầy Trần Công Tín, ĐHSP Huế ban Việt Văn khóa 63 - 67 công bố khi lấy thông tin từ quyển Chương Trình Đại Học Văn Khoa Huế năm 1965 - 1966.
 
 Tuy nhiên, về các chứng chỉ của Cử Nhân Giáo Khoa Sử, thầy Nguyễn Đức Cung và thầy Nguyễn Lý Tưởng, Đại Học Sư Phạm ban Sử Địa khóa 1962 - 1965, có bổ sung thêm như sau: Chứng chỉ Địa Lý Đại Cương có thể thay bằng một trong các chứng chỉ sau đây: Hán Văn, Pháp Văn, Anh Văn, Văn Chương Việt Nam, Văn Minh Việt Nam, Lịch Sử Triết học. 

Thời trước, Đại Học Việt Nam mô phỏng theo Đại Học Pháp, thế nên Văn bằng Cử Nhân Văn Khoa có 2 loại: Cử Nhân Giáo Khoa (Licence d'enseignement) và Cử Nhân Tự Do (Licence libre).
Cử nhân giáo khoa cấp cho những ai có đủ các chứng chỉ kể trên theo từng chuyên ban. Còn cử nhân tự do cấp cho những ai, sau dự bị, có 4 chứng chỉ văn khoa trong đó có 1 chứng chỉ chính thuộc chuyên ban đã chọn.

Cử nhân giáo khoa, khi được tuyển dụng làm công chức, có quyền lợi hơn cử nhân tự do. Cử nhân giáo khoa hưởng chỉ số lương 470, cử nhân tự do hưởng chỉ số lương 430 ở ngạch trật của công chức hạng A có bằng Cử Nhân - Cử nhân giáo khoa ở trật hạng 4, còn cử nhân tự do ở trật hạng 5 ...
 
Chuyện ngày xưa là thế, bây giờ chuyện đã khác hoàn toàn. Nhắc lại không phải "Ôn cố nhi tri tân" mà ôn chuyện cũ để vui thôi.
 
                                                                                      Hoàng Đằng

Không có nhận xét nào: