BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 14 tháng 6, 2021

TẾT ĐOAN NGỌ MỒNG NĂM THÁNG NĂM ÂM LỊCH – Giáo sư Nguyễn Châu


Giáo sư Nguyễn Châu
 

LỄ HỘI VÀ NHỊP NGHỈ NGƠI CỦA CON NGƯỜI
 
Các nhà xã hội học Pháp đã nói đến ra hai nhịp trong cuộc sống của con người đó là NHỊP LÀM VIỆC và NHỊP NGHỈ NGƠI hay THỜI LAO ÐỘNG và THỜI GIẢI LAO. Nói nôm na thì hai nhịp sống đó là làm việc và nghỉ ngơi. Hai nhịp này thường nối tiếp nhau một cách tất yếu và rất tự phát, nghĩa là khi con người cảm thấy mệt mỏi trong công việc thì có khuynh hướng nghỉ ngơi.
 
Theo các nghiên cứu y học thì nhịp nghỉ ngơi rất cần thiết trong công cuộc lao động. Vì nghỉ ngơi là để sau đó, có thể tiếp tục làm việc lại một cách đều đặn. Trong lúc nghỉ ngơi, cơ thể có thời gian phục hồi (récupérer) những năng lượng đã mất.
 
Có lẽ vì đó mà người Pháp gọi giờ nghỉ giữa mỗi buổi học ở các trường là “Récréation”.

“Recreation” nghĩa gốc là “Tái Tạo.” “Création” là sự tạo ra, sáng tạo nên, “Re” là tiếp đầu ngữ (préfixe) có nghĩa là “de nouveau” hoặc “again.” Do đó “Ré-creation” có nghĩa là tạo ra lại. Sinh lý học cho biết trong lúc nghỉ ngơi, cơ thể sản tạo ra một số năng lượng mới để bù đắp năng lượng đã mất đi do lao động. Số năng lượng tái tạo này sẽ trang trải cho nhịp làm việc kế tiếp. Nếu không có nhịp nghỉ ngơi này, thì con người hay sinh vật nói chung, sẽ không thể nào tiếp tục làm công việc một cách tích cực hoặc có nhiều hiệu quả được. Có thể so sánh năng lượng của cơ thể con người với năng lượng của một bình điện tích (Battery ố Batterie d’accumulateurs) trong xe hơi. Nó luôn luôn cần “recharge” tức là “nạp lại” nếu không sẽ không còn năng lượng. Tiếng Pháp, thành ngữ “recharger les accus” có nghĩa bóng là “phục hồi sức lực”; tiếng Anh “recharge one’s batteries” ám chỉ một kỳ nghỉ ngơi, thư giãn để phục hồi lại sức khỏe của mình.
 
“Lao động quá sức” là thành ngữ chỉ sự làm việc nhiều giờ mà không nghỉ ngơi, không “giải lao” hoặc “tẩm bổ” nghĩa là ăn uống những thứ cần cho việc tái sinh năng lượng, tức là lấy lại sức mà làm tiếp công việc.
 
Theo các nhà xã hội học và phong tục học, thì chính vì sự cần thiết phải nghỉ ngơi trong quá trình lao động sản xuất, mà các xã hội loài người đều đã bày ra những lễ hội, mục đích tạo nên những dịp vui chơi, hưởng thụ thoải mái để thư giãn thể xác và trí óc... nhờ đó các loại năng lượng cần thiết cho đời sống được phục hồi, được tái tạo. Thông thường, khi con người tham gia vào các lễ hội, hoặc đi du lịch nghỉ ngơi, tâm trí họ rất thoải mái, thể xác thì hoàn toàn tự do, ăn uống, ngủ nghê tùy ý... Sau các dịp lễ hội hoặc chuyền nghỉ ngơi dài, người ta vui tươi trở lại làm việc và dự phóng những cuộc nghỉ ngơi khác trong tương lai.
 
LỊCH LÀM VIỆC VÀ LỊCH NGHỈ NGƠI TRONG XÃ HỘI VIỆT NAM
 
Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều lễ hội quanh năm. Tuy các triều đại không ghi thành luật, nhưng đối với dân gian, thì những “nhịp nghỉ” qua hình thức hội hè, đình đám này đã trở thành “lệ” không thể bỏ đi được. Vì nguyên lý “Phép vua thua Lệ làng” nên nhà cầm quyền không làm thay đổi được các phong tục “ăn chơi trong các lễ hội dân gian”.
 
Thật vậy, qua ca dao, người ta thấy dân Việt Nam từ xa xưa, đã có hai cuốn lịch song hành trong năm: một lịch làm việc và một lịch nghỉ ngơi, vui chơi, hội hè.

1. Lịch làm việc được ghi như sau:
 
“Tháng Chạp là tháng trồng khoai
Thánggiêng trồng đậu, tháng hai trồng cà
Tháng ba cày vỡ ruộng ra
Tháng tư làm mạ, mưa sa đầy đồng
Tháng năm gặt hái đã xong
Nhờ Trời một mẫu năm nong thóc đầy...”
 
2. Lịch nghỉ ngơi:
 
“Tháng Giêng là tháng ăn chơi
Tháng Hai cờ bạc, tháng ba hội hè
Tháng Tư đong đậu nấu chè
Ăn tết Ðoan Ngọ trở về tháng Năm.
Tháng Sáu buôn nhãn bán trăm
Tháng Bảy, ngày rằm, xá tội vong nhân
Tháng Tám chơi đèn kéo quân...
Tháng Chín chung chân buôn hồng
Tháng Mười mua thóc bán bông
Tháng Một, tháng Chạp nên công hoàn toàn.”
 
Việt Nam có ba cái Tết chính: Nguyên Ðán, Ðoan Ngọ và Trung Thu. Tết Nguyên Ðán vào đầu năm âm lịch, đầu mùa Xuân, là Tết lớn và thiêng liêng nhất với nhiều nghi tiết và phong tục. Tết Ðoan Ngọ vào ngày 5 tháng 5 âm lịch (thường gọi là niên trung ngũ nguyệt ố Tết nửa năm) và Tết Trung Thu vào rằm (ngày15) tháng Tám.
 
 Tết Ðoan Ngọ là một nhịp nghỉ ngơi của nông dân sau khi thu hoạch xong các vụ mùa xuân-hè. Tết Ðoan Ngọ chỉ có một ngày. Nói là “tết” nhưng không nặng về nghi thức cúng bái hoặc xã giao, mà có chỉ ăn uống, chuyện trò, giữ gìn sức khỏe và thực hiện phong tục đi hái một số lá cây về làm thuốc chữa bệnh...




TẠI SAO GỌI LÀ ÐOAN NGỌ?
 
ÐOAN NGỌ là cái tết truyền thống thứ hai trong năm âm lịch mà hầu hết người Việt Nam đều ăn - đặc biệt là ở nông thôn, trong những người gắn bó với ruộng đồng bằng canh tác và chăn nuôi. Ðây là một dịp để nghỉ xả hơi. Về phương diện thời tiết, Tết nhằm vào ngày mồng năm tháng năm âm lịch, thuộc tiết Ðại Thử. [Rất Nóng]
 
Tháng năm âm lịch, theo lối tính 12 chi là tháng “Ngọ” Trên bầu trời đến tháng năm thì chuôi sao Bắc đẩu quay về Ngọ nên gọi tháng năm là “ngọ nguyệt”
 
Ngày 5 tháng năm gọi là Ðoan Ngọ. Vì chữ “Ðoan” có nghĩa là chính, là thẳng, là mở đầu. Còn gọi là Ðoan Ngũ vì có hai số 5. Người ta còn gọi là Ðoan Dương hoặc Trùng Ngũ. Gọi là Ðoan Dương vì số 5 thuộc dương.
 
Thời tiết vào dịp mồng 5 tháng năm rất nóng, ở Ðông Nam Á châu (đặc biệt Trung Hoa và Việt Nam) đây là thời điểm khí hậu rất nóng, côn trùng và sâu bọ nở ra nhiều, nông dân cần phải tìm cách trừ diệt để bảo vệ cho sự canh tác, trồng trọt. Có lẽ vì sự kiện này mà người ta con xem Tết Ðoan Ngọ là “ngày giết sâu bọ” (Bắc Phần Việt Nam)
 
CÁC SINH HOẠT TRONG TẾT ÐOAN NGỌ
 
Tết này đến vào sau vụ mùa. Lúa nếp, bắp đậu, kê khá dồi dào. Nông dân nghỉ ngơi lấy sức. Tại một số tỉnh miền Trung Việt Nam người ta gọi là “ĂN MÙNG NĂM”
 
Người ta đã làm lễ cúng tổ tiên vào giờ Ngọ, và đi hái lá thuốc vào giờ ngọ (khi mặt trời đứng bóng). Vì tin rằng vào lúc giữa trưa ngày mồng 5-5 tất cả các thứ lá cây đều hấp thụ được một loại khí thiên nhiên nào đó và trở thành dược liệu trị được nhiều thứ bệnh thông thường, gọi chung là “Lá Mồng Năm”
 
Theo cụ Phan Kế Bính, tác giả sách Việt Nam Phong Tục, thì tục đi hái lá thuốc ngày mồng 5 tháng 5 này là do sự tích Lưu Thần và Nguyễn Triệu đời nhà Tấn (bên Tàu), vào hôm mồng 5 tháng 5, đi vào núi Thiên Thai để hái thuốc, rồi gặp Tiên và không trở về trần gian nữa. Từ đó dân gian bắt chước vào rừng, lên núi hái lá cây về làm thuốc trị bệnh. Dùng mắt trần nhìn lên mặt trời, vì tin rằng ánh sáng mặt trời vào thời điểm ấy cũng có tác dụng tốt đối với con mắt.
 
Tại miền Bắc, vào ngày mồng Năm tháng Năm Âm lịch, nhiều nơi có tục lệ ăn trứng luộc, ăn kê (chè) bánh đa (bánh tráng).
Người lớn cả nam lẫn nữ đều uống một chút rượu có hòa một chút hồng hoàng hoặc tâm thần đan gọi là để “giết sâu bọ” (có lẽ sợ vì khí hậu nóng bức quá mà con người hóa cuồng chăng).
 
Ðối với trẻ con, từ sáng sớm, khi chúng còn ngủ, người ta bôi vào thóp thở và ngực, vào rốn một chút hồng hoàng cũng nói là để “trừ khử trùng”. Nhiều người còn mua “bùa chỉ” đeo cho con cái. Gọi là “bùa” nhưng thực ra đây là những cái bao nhỏ hình vuông, mỗi cạnh khoảng 2 cm, nhuộm vàng, kết bằng chỉ ngũ sắc (năm màu) có in dấu bùa chú của nhà chùa Phật, nói là để trừ tà ma quỷ quái.
 
Hồng Hoàng hay Thư Hoàng là một vị đông dược, tên khoa học là “Realgar, Orpiment”, tính chất ấm, cay là một khoáng thạch có chứa chất A-sen, màu đỏ da cam, dùng để chữa các chứng kinh phong, kinh giật hoặc sốt kéo dài. Dùng bên ngoài thì chữa lở-ngứa, mụỳn nhọt và chữa các vết do rắn rết sâu bọ độc cắn.
 
LÁ MỒNG NĂM  - TÁC DỤNG VÀ LỢI ÍCH
 
Lá hái vào ngày 5-5 thường gọi là lá Mồng Năm. Người bình dân và người nông thôn thường nấu nước uống hàng ngày, tác dụng đầu tiên là giải nhiệt, tiêu thực...
 
Trên nguyên tắc thì bất cứ loại lá nào nếu hái vào đúng giờ Ngọ ngày 5-5 đều là lá thuốc, nhưng thực tế, người ta chỉ quen hái một số lá nhất định ở các rừng hoặc rú mà thôi.
 
 Chẳng hạn:

 - Lá Ngấy
 - Lá Bướm Bạc
 - Lá Vối
 - Lá Ổi
 - Lá Lốt
 - Lá Bạc Hà
 - Lá Thuốc Cứu (Ngãi Diệp)
 - Lá Nhân Trần
 - Lá Cỏ Xước
 - Lá Vông Vang
 - Bồ Công Anh
 - Ích Mẫu
 - Lá Mã Ðề
 - Lá Mâm Xôi
 - Dây Hà Thủ Ô
 - Lá Dâu
 - Lá Tre (đọt)
 - Lá Sâm Ðất
 
 Về thức ăn hầu hết ba miền Trung, Nam, Bắc VN đều dùng:

 - Thịt vịt
 - Xôi
 - Chè đậu xanh hoặc “Chè Kê lộn đậu”
 - Bánh tro - bánh trôi (Hình tháp nhọn)
 
Về phong tục: Tết mồng NĂM - hay Ðoan Ngọ:
 
Các chú rể phải đem lễ vật tết bố mẹ vợ, hoặc tạ ơn.
Các con nợ ở nông thôn cũng đi tết các chủ nợ tốt bụng đã không gây khó khăn khi họ cần cấp, túng thiếu - những người đã vui vẻ cho tạm vay, tạm đỡ... rồi vụ mùa sẽ tính...
 
MỒNG NĂM THÁNG NĂM: NGÀY LOÀI VỊT BỊ THẢM SÁT!
 
Tết Ðoan Ngọ hầu hết mọi người thường dùng thịt vịt để làm món ăn chính, vì vậy mà loài vịt bị sát hại tập thể trong ngày này. (Tương tự như Thanks Giving Mỹ, Gà Tây Bị Giết Hàng Loạt). “Ðại sát giới” này có lẽ không phải tụ nhiên hay tình cờ xảy đến mà phải có một lý do nào đó.
 
Sau đây là một số lý do:

1- VỊT: tên trong sách thuốc Trung Hoa là “Gia Áp,” có nơi gọi là Gia Phù, cũng còn gọi là Vụ.
Theo dược lý Ðông y:
Thịt Vịt có tính chất: mát, ngọt (hơi độc), có tác dụng làm chuyển động phong huyết và làm tăng thêm năng lực, bồi bổ cơ thể cho người lao lực, lao tâm nhiều (gọi là Bổ hư), thịt vịt chữa nóng sốt cao đến co giật (gọi là Sài kinh), vịt giải độc mụn sưng và hạ nhiệt.
 
Vịt có lông sắc vàng hoặc trắng thì có tác dụng “Bổ Trung Ích Khí” nghĩa là làm cho những người suy nhược tỳ vị (ăn kém, khó tiêu), bần thần cảm thấy mất sức, mệt mỏi, thiếu dương khí vân vân được phục hồi nguyên khí.
 
Theo Ðông y, trứng vịt vị ngọt, tính mát, có tác dụng tư âm, giáng hỏa, thanh nhiệt, hóa đàm; dùng chữa bệnh ho khan, ít đờm, ho do phế âm hư. Còn thịt vịt tính hàn, có tác dụng tư âm, dưỡng vị.
 
Sách Bản thảo cương mục của Lý Thời Trần ghi: “Thịt vịt chữa các chứng bệnh tiểu tiện bất lợi, nhiệt bệnh, hư lao; bổ ngũ tạng và thủy đạo. Nên chọn các loại vịt đực đầu xanh hoặc vịt lông trắng, xương đen, mỏ đen càng tốt.”
 
Sau đây là 2 bài thuốc cụ thể:

- Chữa ho khan do phế âm hư: Dùng 10 g mộc nhĩ rửa sạch, thái nhỏ, tráng với 2 quả trứng vịt; khi chín cho thêm 50 g đường phèn, hấp cách thủy cho tan đường ra, ăn nóng.
- Hỗ trợ điều trị lao phổi và ung thư: Thịt vịt già hầm lên ăn. Món ăn này có khả năng tăng cường khả năng miễn dịch cho người bệnh.
 
Lưu ý:

- Do thịt vịt có tính hàn, tác dụng bổ âm nên những người dương hư tỳ nhược, ngoại cảm chưa khỏi hẳn, tạm thời không nên ăn.
- Không ăn thịt vịt với mộc nhĩ, chao đậu, thịt ba ba, thịt rùa đen.
- Không ăn trứng vịt với thịt ba ba, quả dâu, quả mận.
(BS Nguyễn Ninh Hải, Sức Khỏe & Ðời Sống)
 
Thông thường VỊT được nấu cháo, làm gỏi. Thịt vịt phải có gừng, không thể thiếu gia vị này. Cầu kỳ và tinh vi hơn, người ta nấu các món như Vịt tiềm với sen, táo, đinh và hồi, hoặc là vịt tiềm với thuốc Bắc. Vịt phải ăn già (thường là từ sáu tháng trở lên).
 
Như vậy: Ngày Ðoan Ngọ, khí trời nóng nực (tiết Ðại Thử) nhiệt độ cao nên người ta dùng thịt Vịt mát bổ để tạo quân bình giữa khí Trời và sức Người.
 
Thịt Vịt có tính “âm và hàn” ăn vào mát và bổ dương. Và vì thuộc “âm hàn” nên những người “tì vị yếu” tức tiêu hóa kém, nếu không ăn chung thịt vịt với gừng thì sẽ dễ bị đau bụng tiêu chảy hoặc bị lạnh bụng, khó tiêu, nê tì... Do đó, thứ gia vị cần thiết đối với thịt vịt, đó là củ Gừng tươi.
 
Tính chất của Gừng: vị cay, khí ấm có tác dụng lợi khí, thông thần (nhai một miếng gừng khi mệt thường có cảm giác thoải mái), hạ đờm, tiêu thực, trừ tà bổ chính.
Gừng thuộc “dương nhiệt” đi với thịt vịt “âm hàn” thành ra âm, dương, hàn, nhiệt điều hòa thức ăn dễ tiêu và mau hóa thành chất bổ dưỡng...
 
Sách Nam Dược ghi nhận: Gừng là thánh dược của các bệnh thuộc về bộ tiêu hóa như: lạnh bụng, tích trệ, ăn không tiêu, ựa hơi
 
Thịt Vịt: hàn, khí dương, mát quá có thể làm đau bụng tiêu chảy hoặc tích trệ, ăn không tiêu, do đó cần phải có Gừng dẫn đạo, kết hợp âm dương/hàn nhiệt điều hòa nên ăn vào ngọn bổ mà không có tác hại. Trái lại thịt vịt thiếu gừng thì chẳng những có hại mà không ngon!
 
2- NẾP: tên Trung Hoa là Ðạo Mễ
Tính chất: Ngọt ngon, tính ấm: Bổ trung Ích thận, chữa đau bụng và yếu tì.
Như vậy: Xôi là một thức ăn để bồi bổ sức lực.
 
 3- KÊ: tên chữ là Lang Vĩ
Tính chất: Ngọt, lành làm yên dạ dày, bổ tì vị
Cũng là một chất để trợ lực cho tiêu hóa
 
4- ÐẬU XANH: tên chữ là Lục đậu
Ngọt, lạnh, không có độc tố, vị hơi tanh (hăng)
Tác dụng: trừ nhiệt, bổ hư, giải độc, lợi thủy, tiêu sảng, mắt sáng tinh.
Như vậy thì các món mà người Việt Nam dùng không phải là sự tình cờ. Vì trong đó các chất của thiên nhiên được tổng hợp theo nguyên lý âm dương hàn nhiệt để các chất bổ dưỡng dễ hấp thụ vào cơ thể. Chắc người xưa đã có nghiên cứu rất bài bản, nhưng bài bản mất mát hư hao chỉ còn truyền lại bằng miệng, bắt chước nhau kiểu “xưa bày nay làm” mà thôi, nhưng rất tinh vi và hữu hiệu.
 
* * *
 
Trong lịch sử Trung Hoa, Ngày mồng Năm tháng Năm âm lịch là ngày giỗ của ông Khuất Nguyên, một vị quan chính trực của nước Sở, vua Hoài Vương, thời Xuân Thu, đã nhảy xuống sông Mịch La, tự trầm, vì Sở Hoài Vương không nghe lời can gián của ông.
 
Chuyện Khuất Nguyên.
 
Khuất Nguyên tên là Bình, cùng họ với vua nước Sở làm chức Tả Ðô đời Sở Hoài Vương - Học rộng, nhớ lâu, thấy rõ lẽ trị loạn và giỏi hành chánh - Vào cung thì cùng vua bàn việc nước - Ban bố các lệnh, ra ngoài thì tiếp đãi quốc khách, ứng đối với các chư hầu, nhà vua rất tín dùng.
 
Lúc đó có (một) Ðại Phu Thượng Quan cũng muốn được vua tin yêu, nên sinh ra ganh ghét tài năng của Bình. Một hôm, Sở Hoài Vương sai Khuất Nguyên làm pháp lệnh. Khuất Nguyên đang soạn thảo, Ðại Phu Thượng Quan muốn cướp lấy - Khuất Nguyên không cho, Thượng Quan bèn gièm với vua rằng:
 
“Bệ hạ sai Khuất Bình làm pháp lệnh, không ai là không biết. Mỗi khi lệnh ban ra Bình lại khoe công nói: ‘Ngoài ta ra, chẳng ai làm nổi’. ”
 
Nhà vua giận, bỏ Khuất Bình không tin dùng nữa.
Khuất Bình bực tức, vì vua không phân biệt phải trái, nghe lời gièm pha của kẻ gian, khiến cho người ngay không có chỗ dung thân. Khuất Nguyên lo nghĩ nhiều, rồi sáng tác khúc Ly Tao, nội dung diễn tả nỗi buồn chia ly, oán thán sự bất trí, bất công.
Bị thất sủng, Khuất Nguyên đi lang thang dọc bờ sông Mịch La, vừa đi vừa hát, hình dung tiều tụy, sắc mặt thiểu não. Lão đánh cá trên sông hỏi tại sao quan Tam Lư Ðại Phu lại ra nông nỗi này?
 
Khuất Nguyên than rằng:
 
“Thế nhân giai túy, nhi giai trọc
 Duy ngã độc tĩnh, nhi độc thanh”
 
 (Người đời ai cũng say cả, nên đều đục
 Chỉ có một mình ta tỉnh, nên ta trong).
 
Lão đánh cá nói: “Thánh nhân không câu nệ việc gì, lại hay tùy thời. Có phải đời đục cả, sao ông không khuấy thêm bùn, vỗ thêm sóng cho đục theo một thể? Loài người say cả, sao ông không biết ăn cả men, hùp cả bã cho say theo một thể? Việc gì mà phải phòng xa, nghĩ sâu cho đến nỗi phải phóng khí?”
 
Khuất Nguyên nói: “Tôi nghe: mới gội đầu tất phải chải mũ; mới tắm tất phải thay áo; có đâu lại chịu đem cái thân trong sạch mà để cho vật dơ bẩn dình vào mình được? Thà nhảy xuống sông Tương, vùi xác vào bụng cá, chớ sao đang trắng loam lốp, lại chịu để vấy phải bụi dơ.”
 
Lão đánh cá nghe xong cười tủm tỉm, vừa chèo thuyền quay đi vừa hát:
 
“Sông Tương nước chảy trong veo
Thì ta đem giặt cái lèo mũ ta;
Sông Tương nước đục chảy ra
Thì ta lội xuống để mà rửa chân...”
 
 Sau đó Khuất Nguyên nhảy xuống sông Mịch La tự tử.
 
 Sau khi Khuất Nguyên đi rồi, vua nước Sở vì tin lời đường mật của gian thần, đem lòng tham đất đai của nước Tần, nên bị mất nước. Lòng tự ái ngu xuẩn đã khiến cho Hoài Vương khốn đốn, chạy đến đâu cũng không được người che chở, giúp đỡ. Còn Khuất Nguyên tuy bị vua bỏ nhưng vẫn để lòng lo cho nước Sở, vẫn nghĩ đến Sở Hoài Vương. Cụ Nguyễn Công Trứ, một thi sĩ và danh tướng Việt Nam cuối thế kỷ 19, trong bài thơ Vịnh Khuất Nguyên đã viết:
 
 “Giòng Mịch La dù đục đục, trong trong
 Ðèn bất dạ hỡi soi người thiên cổ!”
 
Ý nói tấm lòng trung nghĩa của Khuất Nguyên sẽ được người đời kính phục.
 
Người Việt Nam ăn Tết Ðoan Ngọ, nhưng rất ít người biết chuyện Khuất Nguyên và tâm sự của ông ta. Người Trung Hoa thường giỗ Khuất Nguyên, con người Việt thì chỉ ăn Tết Ðoan Ngọ theo tập tục riêng của mình.
 
                                                                               NGUYỄN CHÂU

2 nhận xét:

muctim nói...

MT sang thăm anh . Đọc bài viết dài quá (hihi ) . Tuần mới nhiều niềm vui , may mắn , bình an anh nhé
https://img1.picmix.com/output/pic/normal/0/0/9/2/7752900_8d190.gif

Bâng Khuâng nói...

Tết Đoan ngọ vui nhiều muctim nhé!

https://1.bp.blogspot.com/-EIXzxdXZ9NA/YMcjDd5Ey9I/AAAAAAAAVms/HqSS668qFVQvsIodBEs-WxLB-uJ-a5VDgCLcBGAsYHQ/w400-h400/192780705_4361995340487784_1116636312804784658_n.jpg