BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 1 tháng 4, 2021

TRẦN MỘNG TÚ, MÌNH EM MỘT NGÔN NGỮ - Nguyễn Đức Tùng


Nhà thơ Trần Mộng Tú


Sức mạnh của một bài thơ nằm ở các chi tiết. Các chi tiết này cần phải được tả lại một cách sống động, với những màu sắc, vị trí, âm thanh, mùi vị của chúng. Đó chỉ là công việc của người làm thơ. Về phía mình, người đọc thơ cũng làm công việc của họ: bạn phải hình dung được nhân vật ấy, buổi tối ấy, ngửi được mùi máu, nghe được tiếng đọc kinh, nhìn thấy khung cảnh ấy. Khiếm khuyết từ một trong hai phía, nếu xảy ra, bài thơ sẽ thất bại.
 
Em gửi cho anh
ly cà phê buổi tối
mùi ngô non
nướng dưới cột đèn
 
Bạn tưởng tượng thấy khung cảnh ấy. Chữ của Trần Mộng Tú giản dị, không bay bổng, nhưng vững chắc, tin cậy. Đó là một bút pháp có nhiều tính hiện thực. Nhà thơ T.S. Eliot: "trong khi thơ cố gắng truyền đi một điều gì phía sau điều được truyền đạt bởi vần điệu văn xuôi, thì nói cho cùng, thơ vẫn là cuộc trò chuyện giữa một người và một người" (1). Nhưng văn chương dành cho cuộc sống mỗi ngày tự nó cũng phải làm mới lại mỗi ngày. Đó là lý do vì sao đôi khi bạn cần nhìn một chữ như lần đầu tiên bạn nhìn thấy nó. Cũng vậy, bạn tập nhìn một cái cây, người bạn, cột đèn, như lần đầu bạn nhìn thấy. Sự tỉnh thức hoàn toàn trong giây lát có tính thiêng liêng, nhưng bắt nguồn từ ký ức. Bạn nhớ những ngày bạn đã sống và những ngày chưa từng, nhưng muốn sống. Khi chúng ta trải hết những buồn vui của yêu thương, đau đớn của cái chết, chiến tranh, vết thương và vinh quang của nó, bạn không quên được, và nhớ trở thành phương cách sống. Một ký ức chỉ làm ta nhớ lại là một thứ trí nhớ đơn giản, máy móc. Trí nhớ của nhà thơ vượt lên sự nhớ lại ấy, trở thành suy nghĩ, phản ánh, tưởng tượng, sự lý giải các sự vật. Sống trong thành phố, bạn nhớ thôn quê, sống ngoài đất nước trong xứ sở thanh bình, nhớ đất nước khốn khổ, đẹp, chia lìa, cay đắng. Nhưng thơ Trần Mộng Tú không cay đắng, mặc dù có thể rất buồn.
 
Em tặng anh hoa hồng
Chôn trong lòng huyệt mới
Em tặng anh áo cưới
Phủ trên nấm mồ xanh
 
Anh tặng em bội tinh
Kèm với ngôi sao bạc
Chiếc hoa mai màu vàng
Chưa đeo còn sáng bóng
 
Em tặng anh tuổi ngọc
Của những ngày yêu nhau
Đã chết ngay từ lúc
Em nhận được tin sầu
 
Anh tặng em mùi máu
Trên áo trận sa trường
Máu anh và máu địch
Xin em cùng xót thương
 
Em tặng anh mây vương
Mắt em ngày tháng hạ
Em tặng anh đông giá
Giữa tuổi xuân cuộc đời
 
Anh tặng môi không cười
Anh tặng tay không nắm
Anh tặng mắt không nhìn
Một hình hài bất động
 
Anh muôn vàn tạ lỗi
Xin hẹn em kiếp sau
Mảnh đạn này em giữ
Làm di vật tìm nhau. 
 
(Quà Tặng Trong Chiến Tranh, tháng 7/1969)
 
Một người chứng cũng mang trên vai gánh nặng của các sự kiện, bằng chứng của các câu chuyện kể. Họ không thể bỏ chúng xuống được. Nhiệm vụ của thơ là nói về chiến tranh và hòa bình, làm cho người lính trở lại, trò chuyện với chúng ta. Câu chuyện mà họ kể, tình tự hơn là khuyên bảo, đau xót hơn là hận thù, nói về mình hơn là nói về người khác chiến tuyến, sẽ giúp người Việt hóa giải không những xung đột lịch sử mà còn xung đột nội tâm. Trong những bài thơ thành công, Trần Mộng Tú khắc họa các nhân vật ấy, một xã hội biến mất, một quê hương xa cách ngàn trùng, trở thành sống động trong lòng độc giả, mang họ trở về nguồn cội. Nguồn cội của người Việt không phải chỉ là căn nhà, bờ sông, hàng cây, nguồn cội ấy là sự chia sẻ, lời cầu nguyện, nhu cầu được ngồi xuống bên nhau quanh ngọn lửa mới nhóm chiều hôm, vườn cũ.
 
Đốm nhang cháy đỏ như quầng mắt
khói có bay về tận cố hương
vườn người, tôi chiết cành xuân thắm
nhớ quê vết cắt trượt xuống hồn
 
 Thơ Trần Mộng Tú có hai chủ đề: hoài niệm và cuộc sống hôm nay, hòa quyện vào nhau. Hoài niệm của người Việt hải ngoại không chỉ là hoài niệm; lòng hoài niệm ấy mang theo những giá trị của một thời đại, một xứ sở như giấc mộng. Thơ về cuộc sống hôm nay vừa có nghĩa là đương thời, vừa có nghĩa là cái bình thường, dung dị hàng ngày. Trong thơ chị có nhiều yếu tố thời sự, nhưng đó không phải là thơ thời sự, vì mọi tin tức của thế giới đều lọc qua lăng kính cá nhân, chất suy nghĩ của người phụ nữ, đằm thắm. Một người đầy lòng biết ơn, thương tiếc, nhưng không có gì phải hối hận, mang tấm lòng của mình đi giữa cuộc đời, đón nhận và đem cho, khổ đau và cầu nguyện, căm phẫn và tha thứ. Nhà thơ lắng nghe, học hỏi, đặt bàn tay dịu dàng của mình lên một nhánh cỏ, con thú bị thương, một người đau khổ. Như lên chính sự đau khổ của mình.
 
Hãy trả lại cho tôi
Người con trai duy nhất
Trả lại nguyên hình hài
Không mảnh nào được mất
Tôi cất con vào lòng
Chỗ an bình duy nhất

(Gửi những nạn nhân ngày 11/9/2001)
 
Mối quan hệ giữa thơ và tương lai, cái không biết, tạo ra phân vân, lưỡng lự. Ý thức về sự mong mang của ý chí, sự ngắn ngủi của các hy vọng, sự thất bại của tự do, làm cho thơ trở thành một ngôn ngữ bất bình chưa từng có; ý thức về tính bất bình ấy mang con người đến với đồng loại, làm cho cái không thể biết trở thành cái được tìm kiếm. Cái nào không thể biết? Tình yêu, chân lý, vĩnh cửu, cảm giác bất định xô người ta tới gần huyền thoại. Mặt khác, đi giữa một thời đại tăm tối, thơ cần một ngôn ngữ sống động, ngày càng mới; cách viết cũ khó đứng được với thời gian. Điều thú vị, và không dễ hiểu, là Trần Mộng Tú không hô hào cách tân, chữ dùng của chị không mới lắm, thế mà những bài chị viết nhân các sự kiện vẫn ở lại lâu dài trong lòng độc giả.
 
Ở tòa báo em làm
những người phóng viên
đang thu xếp ngày mai ra Đà Nẵng
không có ai đi Kiên Giang
làm sao em gửi được cho anh
một nụ hôn vào chiếc bao thư
làm sao em gửi được cho anh
những giọt nước mắt sáng nay của em
vào trong bao thuốc lá
 
Thơ tự do, lời thuật chuyện tự nhiên gần văn xuôi, thân mật, ý tình kín đáo mà mãnh liệt. Có người nghĩ rằng bài thơ hay sẽ mang trong chúng sự hiểu biết, thông thái, những trải nghiệm khó khăn. Nhưng chính ngôn ngữ thơ phát sinh từ vùng nửa tối nửa sáng, chỗ mờ ảo của kiếp người, ở vòng giao tuyến của các loại kiến thức khác nhau, vết đứt gãy của trí nhớ. Trần Mộng Tú viết nhiều, thơ và truyện, tùy bút, và hình như chị viết khá dễ dàng về các sự kiện; dù nhỏ hay lớn, chúng sẵn sàng có mặt trong thơ chị. Tuy vậy, đó là hồi tưởng, suy nghĩ trữ tình, nhiều hơn là báo chí, tuyên bố xã hội. Niềm vui của việc đọc thơ Trần Mộng Tú, tôi nghĩ, là ở tính chất sóng đôi này: trong sáng, dễ hiểu, nhưng không hời hợt mà phản ảnh những cảm xúc sâu xa. Tất nhiên không phải bao giờ cũng vậy, thơ chị cũng có những bài chưa chín lắm, tư duy chưa sâu, hình ảnh lặp lại. Một bài thơ được viết sau một cảm xúc mau lẹ, có khi là một tác phẩm của tài năng, có khi chỉ là sự dễ dãi của tác giả.
 
Ngày xưa trong quán nhỏ
Đời không có mùa Đông
Trên môi cà phê ngọt
Trong mắt giọt tình nồng.
Hôm nay trong Quán Lạ
Hai đứa ngồi nhìn nhau
Trên môi cà phê đắng
Trong mắt Giọt Tình Sầu.
 
Theo Du Tử Lê, bài này được hai nhạc sĩ phổ nhạc, Nam Lộc, với tựa đề mới Giọt Tình Sầu, và Hoàng Quốc Bảo, với tựa đề Quán Lạ. Thực ra đây không phải là bài thơ hay, chữ dùng cũ, nhưng nó đánh dấu một giai đoạn của người Việt lưu vong ngày đầu ngơ ngác gặp nhau trên xứ lạ. Sự cô đơn, lòng thương nhớ của chị gần với truyền thống văn chương cổ điển. Điều ấy dẫn đến nguy cơ của một loại thơ đã bị vượt qua, nhưng Trần Mộng Tú tránh được điều ấy trong nhiều bài, nhiều hơn so với những người viết cùng thế hệ. Về mặt này, chị làm tôi liên tưởng đến trường hợp Mai Thảo, chữ xưa mà thơ mới, thơ riêng biệt. Người đọc lắng nghe, đi theo chị, thăm dò những cảm xúc vừa quen thuộc vừa mới lạ, thích thú. Chị dẫn người đọc đi không quá xa, không quá mạo hiểm, nhưng bài thơ của chị có một điều gì mới, chị không đi quẩn quanh trong căn nhà của mình mà thỉnh thoảng bước ra ngoài, đôi khi bất ngờ, có khi bất ngờ đến nỗi trong chớp mắt bạn ở giữa một thiên nhiên xa lạ. Sự cân bằng ấy, từ những bài đầu tiên đến sáng tác về sau, trong suốt mấy mươi năm, chị giữ được. Thơ cũng như văn của chị đầy cảm xúc nhưng là một thứ cảm xúc được tiết chế, gìn giữ. Tất nhiên chị cũng có những bài thương cảm, chúng sẽ, như ở các nhà thơ khác, không chịu được sức ép của thời gian. Trần Mộng Tú làm thơ có vần và thỉnh thoảng thơ tự do; chị không mạnh về lục bát, nhưng các loại thơ có vần khác đều vững: năm chữ, bảy chữ, tám chữ. Tư duy nghệ thuật của Trần Mộng Tú thuộc chủ nghĩa hiện đại, nhưng cảm xúc của chị lan cả sang hai phía, cổ điển và cách tân đương thời.
 
Những thân cây ngã xuống
trong cánh rừng lưu vong
 
lửa mồi lên bản thảo
sách bừng lên từng pho
trang bìa quằn quại lửa
 
tàn tro ôi tàn tro
 
những thân cây ngã xuống
tiếng khóc ngậm câu kinh
tiếng mõ rời rạc gõ
vào cánh cửa tử sinh

(Sau cái chết của Nguyễn Mộng Giác)
 
Cái chết không xa lạ trong thơ Trần Mộng Tú, ngay từ những ngày đầu tiên, cái chết của người chồng trẻ tuổi, sau đám cưới một thời gian ngắn. Cái chết là hình bóng khác của tình yêu đối với cuộc sống, là ánh phản chiếu của tâm hồn. Tình yêu sống qua khổ nạn của lịch sử, vượt qua thời gian. Tình yêu nam nữ ấy của Trần Mộng Tú thuần khiết, gần như hoài niệm, sự an ủi vỗ về ấy có tính cao cả. Có một sự cân đối, thăng bằng, đạt được dễ dàng trong mỗi bài thơ của chị, một kỹ thuật làm thơ ngày càng ít gặp trong những nhà thơ hiện nay. Những bài thơ được viết sau này đều tiếp nối hướng đi mà chị vạch ra từ nhiều năm trước, từ tốn, khoan thai, xa lạ với việc làm mới táo bạo, đi thẳng vào các ý tưởng trung tâm, dùng một ẩn dụ lớn, nói một điều mà chị muốn nói.
 
Đêm mùa đông gọi anh bên bếp lửa
Sáng mùa xuân em khóc trước hoa đào
 
Đôi khi chúng ta nghe được tiếng gọi ấy, vào quá khứ, tiếng khóc ấy, trước hiện tại. Chúng ta nghe được một cách rõ ràng đến nỗi ta tưởng rằng việc ấy không có gì khó nhọc. Tôi không biết Trần Mộng Tú làm thơ ra sao, nhưng tôi tin chị dành nhiều thì giờ cho mỗi chữ, mỗi câu, hồn nhiên mà cân nhắc. Chị biết dung hòa các nhịp điệu, mặc dù không phải khi nào cũng thành công trong việc làm cô đọng các ý tưởng, nén chặt hình ảnh, mài dũa câu thơ sắc sảo hơn nữa. Tôi ít tìm thấy trong thơ chị nỗi bi quan, chán nản. Nỗi buồn trong thơ Trần Mộng Tú là nỗi buồn mênh mang, thế sự, triết lý, hơn là sầu bi cá nhân. Đó là một nỗi buồn đã được chưng cất và trình bày một cách tiết chế. Thơ chị không trúc trắc mà mượt mà, giọng nói của thơ dịu dàng mà sáng rõ. Tôi ít thấy những điểm mờ, sự chập chờn của các thế giới đa sắc, sự đa nghĩa, trừ trong vài bài thơ như sau đây.
 
Em gọi trong lồng ngực đáng thương của mình
Ôi anh!
Ôi anh!
Ôi anh!
Buổi chiều
em trở về
chiếc xích lô vẫn còn đầy gió.
 
Thơ Trần Mộng Tú là sự kết hợp giữa một tâm hồn nồng nhiệt và chất giọng thanh đạm. Chất giọng của một người gồm hai yếu tố: từ ngữ và giọng điệu. Thơ chị mang theo những suy tư về một xã hội tự do không còn nữa, những trải nghiệm mới trên đất nước mà chị chọn làm quê hương thứ hai. Chị tỏ ra tự tin giữa hoàn cảnh hội nhập mới, làm chủ số phận mình, hài lòng hay tạm hài lòng về điều kiện sống; những thao thức của chị như vậy hướng nhiều hơn về một cuộc đời khác, đã qua, một hệ thống khác, ước vọng khác. Những ước vọng ấy có mặt từ xưa, trở đi trở lại, mỗi ngày một bồi đắp, mỗi ngày một làm mới, như hồi ức tự chúng mở ra thành cánh cửa, như đòi hỏi tự chúng vang lên thành tiếng chuông. Bốn mươi năm sau bài thơ trên, tháng tư, 2009, trong bài “Có Phải Tôi Không?” Trần Mộng Tú viết:
 
Có người gửi tôi tấm hình trên mạng
cô gái Sài gòn áo trắng khăn tang
đi trong Sài gòn bốn mươi năm cũ
cô gái trong hình có phải tôi không
Ô hay tự nhiên tại sao tôi nhận
Sài gòn cả trăm cô gái giống tôi
cả ngàn khăn tang trên đầu goá phụ
góa phụ còn hồng một vệt son môi
Ô hay tại sao tự nhiên tôi chối
Sài gòn ngày ấy trắng toát khăn tang
những cô trẻ lắm mắt đầm đìa lệ
theo tay ai dắt đi vào nghĩa trang
Sài gòn bây giờ khói nhang đã tắt
góa phụ ngây thơ tóc đã phai xanh
 
Nhà thơ sống trong thế giới hỗn loạn, bạo động, chị từng đến đó, đã trở về, đã quay lại, ngày một nhu mì hơn, ngày một thông thái hơn, nhưng lúc nào cũng vậy, sở hữu một ngôn ngữ chừng mực, trong sáng, không phải không có khi xúc động quá, nhưng đầy lòng biết ơn, yêu dấu, cái nhìn lãng mạn đối với cái đẹp.
 
Mùa đông trắng giữa mái nhà
Câu thơ trắng giữa hồn ta vô đề
Bông hoa trắng giữa đam mê
Mối tình trắng đến lời thề bỗng phai
 
Chúng ta chấp nhận thay đổi, tin rằng sống là thay đổi, đó là một phần của cuộc đời. Cuộc đời như cuốn sách được viết mỗi ngày một chương, mỗi lúc một dòng, chưa được viết xong, nhưng không một thứ gì sẽ hoàn toàn mất đi, chúng được tình yêu giữ lại bằng cách này hay cách khác. Thơ đuổi theo cái đẹp của tình yêu, nhưng không lạc đường. Trần Mộng Tú không đi sâu quá vào cánh rừng đen tối bí ẩn của con người, nhưng chị tới đó, đứng lâu ở bìa rừng, lắng nghe tiếng động từ vô thức, dùng hết khả năng của ngôn ngữ để hiểu biết, kể lại, nhớ lại, để giải thích trước hết cho mình về một thế giới đau khổ, cuộc phân tranh phi lý, một dân tộc bạo động và đáng yêu, không ngớt làm chị ngạc nhiên, đau xót. Vì vậy thơ sẽ trở lại với đời sống, dù đôi khi nó nhuốm màu huyền bí. Có một sức mạnh, một lực, trong bài thơ của Trần Mộng Tú chảy suốt như dòng suối, mang theo bốn mùa, giá lạnh và ấm áp, băng vỡ, réo rắt.
 
Hãy tưởng tượng ra em
Ở một căn nhà lạ
 
Mình em một ngôn ngữ
Mình em một màu da
Mình em một màu mắt
Mình em một lệ nhòa
 
Hãy tưởng tượng ra em
Ở nơi không định tới
Em tủi như chim khuyên
Khóc trong lồng son mới
 
Hãy tưởng tượng ra em
Ở một thành phố khác
Em buồn như nước sông
Khóc chia giòng tan tác
 
Hãy tưởng tượng ra em
Ở một vùng đất mới
Em như hoa sầu đông
Khóc mùa xuân không tới
 
Hãy tưởng tượng ra em
Một đời sông cát lở
Một cuộc tình hư hao
Một hồn đầy mảnh vỡ
 
Em không còn là em
Xin chàng đừng yêu nữa
 
Đó là bài thơ chị viết khi mới đến Hoa Kỳ. Trong thơ Trần Mộng Tú, bên cạnh chủ nghĩa hiện thực, thứ chủ nghĩa hiện thực chân phương và kinh điển, vẫn thấp thoáng hình ảnh huyền ảo. Trong thơ chị mối liên hệ giữa thơ và đời sống, giữa đời sống và tình yêu, là mối liên hệ bền chặt như xác thịt, nhưng không dung tục. Có một sức mạnh của cảm xúc từ dòng đầu đến câu cuối như tiếng hát của loài chim quý, sống sót sau bão táp. Trần Mộng Tú ít khi làm thơ chính trị, nhưng những bài thơ trữ tình của chị bàng bạc cảm xúc đối với thế sự. Thơ chị là một ngôn ngữ quy ước, mặc dù những năm sau này còn pha tính chất văn nói và đời thường ít nhiều. Đó là một ngôn ngữ ước lệ nhưng không sáo rỗng, một ngôn ngữ đẹp nhưng không xa rời trần thế, tinh lọc, giàu có, buộc người ta dừng lại lắng nghe.
 
Bây giờ cha như trang sử
con vẫn ngạc nhiên mở ra
cha giống tấm bản đồ cũ
con ngửi mùi đất quê nhà
 
Trần Mộng Tú lấy không gian để đo khoảng cách chia xa, để đo nỗi niềm cố xứ, ký ức về một nền tự do. Không gian của chị chính là khuôn mặt tâm lý, là sự phản chiếu đời sống bên trong, nhưng không phải bao giờ cũng vậy. Cũng có một xung đột giữa những giá trị cố hữu và bảng giá trị mới trong cuộc sống hôm nay.
 
Sao bây giờ
cái chết của một người da đen
một người có tiền án không lấy gì là lương hảo
bởi một cảnh sát da trắng
lại làm cả thế giới
chao nghiêng
 
Tôi nghĩ đó là hình ảnh
của một cách giết
cách giết kỳ thị
thản nhiên
đếm từng phút
kẻ chết dưới gối mình
 
Không thể nói trong một câu là xong mọi chân lý về một sự việc xã hội, vì tính phức tạp của đời sống. Chúng ta không nhìn thấy nhân loại, chúng ta chỉ nhìn thấy một người, chúng ta không nhìn thấy giai cấp, chúng ta chỉ gặp một người da đen, chúng ta không nhìn thấy cuộc xung đột ý thức hệ, chúng ta gặp một người lính ngã xuống bên đường. Thơ của Trần Mộng Tú là nghệ thuật hiện thực trộn lẫn những yếu tố lãng mạn. Thơ chị kiệm lời. Tuy nhiên sự ít lời chỉ trở thành một tính chất quý báu khi nào các chữ được nén lại, và khoảng trống giữa chúng có thể tháo tung ra được thành những không gian rộng lớn; nếu không, một bài thơ ngắn chỉ là một bài thơ ngắn. Ở nhiều bài thơ có sự tăng dần về tiến độ và sau đó giảm dần như cấu trúc của một truyện ngắn, bên cạnh sự mô tả của tác giả đôi khi có lời của nhân vật, nhưng thơ chị là một thứ mô tả khách quan phối hợp với những xúc cảm cá nhân.
 
“Từ lúc rời căn nhà đầu tiên là bụng mẹ đi ra, ngẫm lại thì tôi đã ở không biết bao nhiêu ngôi nhà, tôi không muốn đếm nữa.Tôi đi suốt từ miền Bắc đến miền Nam nước Việt, từ quê hương Việt Nam tới nước Hoa Kỳ. Nghĩ lại mà bàng hoàng. Sao mà dời đổi nhiều thế, sao đi xa thế nhỉ?”
                                                                    (Truyện ngắn - TMT) (2)
 
Khoảng năm 2010 tôi bất ngờ nhận được món quà của nhà thơ Trần Mộng Tú từ Hoa Kỳ, đó là cuốn lịch mỗi tháng in một đoạn thơ của chị, in thủ bút, rất đẹp. Tôi treo cuốn lịch trong phòng làm việc, thỉnh thoảng đọc lại, dần dà hiểu hơn về thơ của một tác giả lúc ấy còn xa lạ với tôi. Tôi nhìn ra ở chị nụ cười bao dung, lối sống thanh nhã, gần văn chương. Những bài thơ chinh phục độc giả của chị là sự phối hợp của nhiều yếu tố: từ ngữ, xúc cảm, nhạc điệu, hội họa, suy tưởng, thời thế. Một bài thơ hay chứa đựng những điều không thể nói được bằng lời, giữ cho nó sự giàu có bí ẩn. Mà không phải chỉ có thế, ngay những bài thơ mà ý nghĩa của chúng được khai phá cùng kiệt, thì khi bạn đi khỏi một thời gian, trở lại, cũng thấy như trở về nhà cũ, cũ mà thay đổi, có lưu luyến có vui sướng, bạn tìm thấy một điều gì mới trước đó bạn không biết. Trần Mộng Tú là một trong vài nhà thơ hải ngoại viết đều đặn, sung sức, tiếp tục cái cách mà các nhà thơ Âu Mỹ thường làm, tức là viết ngay cả trong những năm lớn tuổi, một điều hiếm thấy ở người Việt. Chị trải qua nhiều thăng trầm, tuy vậy, vẫn giữ cho mình cái tình đằm thắm đối với cuộc đời.
 
Trên chiếc xe ca đó
nhồi nhét bao con người
đi tìm vùng đất hứa
 
có đàn ông đàn bà
có người già em bé
xác thân đã nẫu chín
thành nước và bốc hơi
 
ứa ra cùng hy vọng
nhỏ giọt xuống mặt đường
 
Chuyến xe thảm kịch của người Việt năm nào. Không phải bao giờ thơ cũng cần đến tiết kiệm, vì khác với thông tin, thơ không phải là các mật mã. Sự duyên dáng của cách nói, giọng điệu, vẻ đẹp của các chữ, cách phát âm của chúng, sự tương tác giữa các chữ bên nhau hay các chữ đồng vị. Những chữ ít quan trọng, hư từ, trong văn nói ngoài đời đôi khi không có ý nghĩa lắm, trong thơ chúng bỗng thành những chữ đặc biệt, tạo liên kết. Sự thân mật trong bài thơ là mối quan hệ giữa tác giả và người đọc, mối quan hệ ấy không phải bao giờ cũng dễ dàng. Trong các nhà thơ hiện đại, đó là mối quan hệ chính thức, đứng về một phía, trong khi ở các nhà thơ hậu hiện đại, mối quan hệ mang nhiều sắc thái hơn, từ thân mật đến lạnh lùng, thù địch, từ một phía thành hai ba phía. Mối quan hệ giữa tác giả và người đọc trong thơ Trần Mộng Tú giản dị, đó là khuynh hướng nhìn sự vật từ một phía, đồng lòng, đồng ý, có sự chia sẻ từ ban đầu. Thành công của Trần Mộng Tú không phải ở những cách tân táo bạo về từ ngữ, cách đảo câu đảo chữ, mà là những ý tưởng sáng lấp lánh, hình ảnh bất ngờ, cái mới của ý tưởng. Ở chị cảm xúc và tư tưởng đi liền với nhau. Tuy nhiên là một người sống giữa những thay đổi, từ trong nước ra hải ngoại, cách viết của chị không thể không thay đổi. Đôi khi tôi bắt gặp một cách thích thú những chữ lạ, hình ảnh lạ, đó là cách phá vỡ sáng tạo, thuyết phục. Giữa những câu thơ vần điệu mềm mại, tự nhiên, có những câu đứng lại, tách ra, lạ hóa, gây liên tưởng.
 
Sao anh còn trẻ thế
Sao em còn trẻ thế
Sao tình yêu hai ta còn trẻ thế
Lại lăn vào
Một cuộc chiến già nua
 
Có khi chị bộc lộ nỗi cay đắng, sự nghi ngờ, tâm trạng lo âu. Những khi như thế tôi thấy chị gần với người đọc, xao xuyến hơn, sống động hơn. Vui buồn của chị trở thành vui buồn nhân thế.
 
Em nghe nói hòa bình
Trên những tờ nhật báo
Em nghe nói hòa bình
Trên miệng người lãnh đạo
 
Em để lòng khờ khạo
Ôm giấc mơ hòa bình
Mong chiến tranh chấm dứt
Anh giã từ đao binh
 
Tin về từ trận tuyến
Anh chết giữa chiến trường
Ôi giấc mơ khờ khạo
Chỉ còn là đau thương

          (Tháng 7/1969)
 
 
Thơ Trần Mộng Tú có nhiều bài như bài hát ru, litany. Litany có phải là một thể loại thơ hay không thì tôi không chắc, nhưng đó là một bài thơ bạn có thể đọc lại nhiều lần, ngâm, các câu có một số chữ bằng nhau, cấu trúc cân đối, du dương, ý tưởng bất ngờ. Đó là sự pha trộn giữa thơ và nhạc, vì vậy có những đặc điểm của cả hai. Trần Mộng Tú dùng các chữ thuần Việt, dễ hiểu. Trong thơ, chân thực là một ưu điểm, nhưng chất phác thì không phải. Một ngôn ngữ trí thức thường trừu tượng, một ngôn ngữ bình dân có tính cụ thể. Trần Mộng Tú là một nhà thơ đô thị, chị viết về cuộc sống của người dân thành phố nhưng ở chị có một tình yêu vô bờ đối với thiên nhiên. Giữa đô thị và thiên nhiên, Trần Mộng Tú tái lập sự hòa điệu, đánh mất, xác lập trở lại. Trong khoảng giao hòa hai thứ ấy, thơ chị phảng phất khuynh hướng sinh thái học. Ngày trước, kể từ thơ mới, thơ đi từ cái ta đến cái tôi, kêu gào đòi hỏi cái tôi. Sau năm 1975, ở một số nhà thơ, ít nhất là ở hải ngoại, chúng ta thấy khuynh hướng đi từ cái tôi đến cái ta. Nhưng ở Trần Mộng Tú thì không.
 
Tôi xa người như xa mùa xuân
Ngực tôi còn đọng chút hương trầm
Mảnh trời trong mắt còn xanh biếc
Người đã mơ hồ như vọng âm
 
Tôi xa người như xa cơn mưa
Tóc tôi còn ướt đến bây giờ
Nhớ tôi người có châm điếu thuốc
Nhớ tôi người có đi trong mưa
 
Tôi xa người như xa quê hương
Những dấu thân yêu mất cuối đường
Người nhặt hộ tôi hoa dĩ vãng
Lau giùm dòng lệ ở vết thương
 
Người đọc có thể cùng lúc sống hai cuộc đời, cuộc đời của cá nhân và cuộc đời của tác phẩm văn chương. Đó là sự diễn dịch của văn bản đạt tới tự do cao độ. Mỗi lần đọc, bài thơ có một ý nghĩa khác, có một ảnh hưởng khác lên người đọc, vào lúc ấy người đọc hôm qua không còn là người đọc hôm nay. Âm điệu cũng chưa phải là tất cả, chúng bao giờ cũng đến cùng một lúc với một câu chuyện được kể lại. Câu chuyện là một sự việc đã từng xảy ra trong thời gian, và được nhớ lại, và điều này là quan trọng nhất, mỗi lần nhớ lại là một lần khác nhau, biến đổi.
 
Đã lâu quá anh không về gõ cửa
lồng ngực em. Trái đỏ vẫn còn nguyên
ôi có phải mùa xuân đang nhóm lửa
tay lạnh thế này ai sưởi cho em.
 
Táo bạo mà kín đáo. Những bài thơ hay của chị là những bài gây ấn tượng chúng được viết một cách tự phát, ngẫu hứng; có lẽ là một trong những đặc tính của chủ nghĩa lãng mạn, vốn nhấn mạnh đến các nguồn "cảm hứng" (inspiration) trong thơ ca. Như một hệ quả của điều vừa nói, sự uốn nắn câu chữ, phép tu từ dày đặc làm mất vẻ tự nhiên, vì vậy không được khuyến khích. Thơ Trần Mộng Tú ít có thủ pháp đẽo gọt như thế. Chị viết hầu hết là thơ có vần, nhưng ở những câu buông vần lỏng lẻo, dài ngắn khác nhau, thể tự do, chị thể hiện tính ngẫu cảm, tự nhiên, bay bổng.
 
Bây giờ thì mẹ đã đi thật xa
Ngôi nhà cũ con trở về chiều nay không thấy mẹ
Con đi chung quanh căn bếp nhỏ không nghe tiếng bát đũa cười
Con mở cửa từng căn buồng ngày xưa của mấy đứa nhỏ và căn buồng của mẹ
 
Lối kể chuyện tỉ mỉ, từ tốn. Khúc quanh của bài thơ, sự xung đột hoặc tính kịch như vậy nằm ở sự thay đổi nội dung truyện kể, những phát hiện bất ngờ, một ẩn dụ mới lạ hơn là dưới sức chảy của ngôn ngữ. Sự ngạc nhiên, cái bất ngờ, là một loại năng lượng đẩy bài thơ đi, không xuất hiện nhiều lắm trong thơ Trần Mộng Tú. Ngược lại sự phát hiện tinh tế, nguồn xúc cảm lớn lao bên dưới bài thơ, tính chân thực của xúc cảm ấy là điểm mạnh của thơ chị.
 
Em không còn là em
Xin chàng đừng yêu nữa
 
Con người không làm chủ hoàn toàn số phận của mình, không chọn lựa nơi sinh ra và lớn lên, không tham dự vào những quyết định đã được chọn lựa bởi người khác, trước đó nhiều năm, nhưng cá nhân chịu trách nhiệm về hành động của mình trong hiện tại.
 
Con và hoa cúc vàng
vào nghĩa trang thăm Mẹ
dưới những hàng cây phong
cả hai cùng lặng lẽ
 
Thơ như haiku. Bài thơ là một sự vật, không phải một biểu tượng. Cách đọc thơ nghiêng về quy nạp hơn diễn dịch, đi từ cái riêng đến cái chung, hơn là từ cái chung đến cái riêng. Thơ Trần Mộng Tú đặt ra câu hỏi: Tôi là ai, tôi sống với ai, tôi sống cuộc đời này như thế nào. Văn chương tất nhiên không phải là câu trả lời cho những câu hỏi ấy, nhưng chúng làm cho chúng ta tiến gần lại câu hỏi, ngày một gần hơn, làm cho đời sống trở thành sự tra vấn liên tục. Trần Mộng Tú có một sự chú ý đặc biệt đối với các chi tiết, nhạy cảm với sự bất công, dung tục, với tội ác. Chị đi qua lịch sử như một nhân chứng, chị viết như một người quan sát ở khoảng cách gần. Tất cả những yếu tố trong bài thơ đều hướng tới sự kết thúc, tức là tái tạo những cảm xúc từ khi bắt đầu bài thơ, làm cho người đọc sống lại trải nghiệm. Sự kết thúc ấy hoặc có khuynh hướng gây ngạc nhiên, uốn cong một câu chuyện, hoặc nâng cao một ý nghĩa, làm bền vững hơn những suy nghĩ của người đọc. Thơ Trần Mộng Tú có kiểu kết thứ hai. Các hình ảnh trong thơ là ví dụ về những ý tưởng không thể diễn tả bằng lời, tác động lên người đọc, chuyển họ từ trạng thái không biết thành đồng cảm.
 
Anh đến với em vào ngày hạ chí
ngày mặt trời tình tự với đêm
buổi chiều trên cao buổi chiều không cúi xuống
sao bóng anh ngã xuống bóng em
 
ngày hạ chí thân thể anh như đuốc
anh kéo mặt trời xuống thắp sáng em
những tia lửa rắc cả vào trong áo
ngày tham lam không nhường chỗ cho đêm
 
Trần Mộng Tú sống theo những giai đoạn lịch sử của người Việt, giai đoạn Việt Nam cộng hòa, giai đoạn lưu vong và hội nhập ban đầu, trải qua thăng trầm như đa số đồng bào khác ở hải ngoại. Thơ Trần Mộng Tú là thơ trữ tình - nhân chứng. Chị nặng về mô tả hiện thực, tư duy thơ bám chặt vào đời sống, nhưng thiếu một chiều sâu triết học, chất siêu hình. Tình cảm đằm thắm, mới đọc tưởng quen nhưng đọc kỹ, thấy lạ. Những bài thơ thành công nhất vẫn là thơ viết về mình, viết cho những cảnh đời của mình. Ở Trần Mộng Tú có sự liên tục giữa quê nhà và lưu vong, giữa cuộc chiến tranh đã qua và hòa bình, giữa một xã hội  nay không còn nữa và những lý tưởng hôm nay của chị. Sự liên tục ấy là hết sức độc đáo, cần được bảo toàn mỗi ngày. Bằng cách nào?
 
Em gửi cho anh
chiếc lá bàng cuối thu Hà nội
hồi chuông giáo đường
buổi sớm tinh mơ
góc phố Nhà Chung có bầy sẻ nhỏ
một con rất gầy
đứng hót ngu ngơ
 
Em gửi cho anh
tơ tầm mới dệt
giăng từ Hàng Đào đến phố Hàng Bông
khúc lụa trắng ngả sang
mầu nguyệt bạch
sợi dệt ngang như mây vắt
trăng rằm
 
Em gửi cho anh
ly cà phê buổi tối
mùi ngô non
nướng dưới cột đèn
mảnh than nhỏ sưởi mùa thu
sắp hết
hơ gót chân ai
hồng giữa phố đêm
 
Em gửi cho anh
chiếc kiềng bạc trạm
đang khoe mình
làm mới phố Hàng Gai
ảnh mẹ chụp mấy mươi năm về trước
cổ có đeo
một chiếc giống thế này
 
Em gửi cho anh
đất trời Hà nội
để anh nhớ về thành phố
tuổi thơ
nơi hạnh phúc là một viên kẹo bột
được bạn chia cho trong một lúc
không ngờ.
 
Trong thơ trữ tình, chị có lối kể chuyện và mô tả sự việc khéo léo. Qua thơ Trần Mộng Tú, những thế hệ sau tìm thấy khuôn mặt người Việt những năm cuối thế kỷ hai mươi, đầu thế kỷ hai mươi mốt. Tôi nghĩ mỗi bài thơ của chị là một căn phòng chiếu sáng, trên bàn có tách trà, lọ hoa thanh nhã, ngoài vườn tiếng chim hót, bài thơ trở thành cuộc trò chuyện thân mật, tuy không phải hoàn toàn vô sự. Đôi khi giữa những câu thơ, dội lại tiếng sóng cồn cào, từ xa, từ bên trong rất sâu của đời sống có một câu chuyện bí ẩn chưa được kể, cuộc hôn nhân chưa thành tựu, cuộc chiến tranh chưa chấm dứt. Bạn muốn bước vào, bạn gõ cửa. Đôi khi cửa mở, đôi khi khoá im ỉm, không người. Bạn nghĩ, bạn sẽ trở lại.
 
Thân thể em
soi gương đã cũ   
trái đất ôm   
mấy chục vòng quay  
 
Sao   
vuốt ve anh 
mỗi ngày một mới
Có phải mỗi ngày... anh đổi một bàn tay
 
Chúng ta hiểu đời sống thường xuyên thay đổi, sinh ra và mất đi, có rồi không. Bạn trở nên khiêm tốn trong giây phút trước cái chết, trước sự đau khổ của người khác. Bài thơ của chị khai mở những cảm nhận giác quan, có tính vật thể, sau những đau thương, con người hồi phục. Thời gian hồi phục có khi lâu dài, nhưng chúng ta sẽ hồi phục, đang trên đường đi tới đó. Đôi khi, thời gian dừng lại ngoái nhìn, chờ đợi chúng ta. Trần Mộng Tú khép kín; tiếng nói của chị lặng lẽ, nhưng đó không phải là sự cô độc, hoặc nếu cô độc thì đó không phải là sự cô lập, tách rời khỏi thế giới, nối kết. Tương thông và cô độc ở người nghệ sĩ có mối quan hệ phức tạp; người nghệ sĩ cần sự riêng tư sáng tạo, cần đời sống nội tâm để làm giàu những chất liệu nghệ thuật nhưng họ cũng sống giữa đám đông, trong dòng chảy lịch sử, cùng than khóc số phận đất nước. Thơ Trần Mộng Tú không đạt tới cái cùng cực, cái chênh vênh, sự cực đoan, mê cuồng, thực ra đôi khi cũng cần thiết trong nghệ thuật. Chị có niềm tin tôn giáo, nhưng chị không làm thơ chỉ để ca tụng đấng tối cao. Thơ Trần Mộng Tú đi giữa một thế giới bên ngoài đầy biến động và một thế giới nội tâm an tĩnh. Cuộc đời riêng của chị có thể trải qua những bi kịch, chị đã chứng kiến chiến tranh và tội ác. Hình ảnh của người đàn ông đầu tiên trong đời, người lính ngã xuống trên chiến trường, được chị kể lại đây đó, có lẽ là một vết thương không bao giờ nguôi, vết thương cá nhân và vết thương đất nước, cuộc đời của họ là bi ký của Việt Nam. Sự gắn bó của Trần Mộng Tú với đời sống là sự gắn bó có tính nghệ thuật. Chị giao tiếp với cuộc đời bằng ngôn ngữ thơ ca, thấu hiểu và an ủi, tra vấn và thương yêu, và sẽ được nhiều người trong chúng ta, kể cả những thế hệ về sau,  nhớ lại thông qua ngôn ngữ ấy.
 
                                                                     NGUYỄN ĐỨC TÙNG
                                                                         (Đọc Thơ - Bài 28)
.....................
 
CHÚ THÍCH:
 
(1) While poetry attempts to convey something beyond what can be conveyed in prose rhythms, it remains, all the same, one person talking to another (T. S. Eliot, The music of poetry, 1942).
(2) Sơ lược tiểu sử Trần Mộng Tú (tóm tắt từ nhiều nguồn): sinh tại Hà Đông, năm 1954, theo gia đình di cư vào Nam, sống tại Sàigòn. Năm 1968, chị làm cho hãng thông tấn Associated Press tại Sàigòn. Ngày 21-4-1975, Trần Mộng Tú di tản đến Mỹ, sau đó định cư tại tiểu bang Washington, tiếp tục làm việc cho hãng Associated Press. Trần Mộng Tú cộng tác với nhiều báo và tạp chí như Làng Văn, Văn Học, Văn, Thế Kỷ 21, Diễn Đàn Thế Kỷ, Da Màu, Văn Việt. Năm 1999, thơ của Trần Mộng Tú được đưa vào sách giáo khoa ở một số trường trung học ở Hoa kỳ. Từ năm 2000, viết truyên nhi đồng trên nhật báo Los Angeles Times. Từ 2002 đến 2005, chủ bút nguyệt san Phụ Nữ Gia Đình. Trong ban chủ trương của Diễn đàn thế kỷ online.

Không có nhận xét nào: