Nguồn:
http://www.tongphuochiep.com/index.php/bao-chi/van/23349-ng-m-ca-phe-thang-tu-tr-n-m-ng-tu
Ta
ngồi một mình
ly
cà phê cạn
lòng
như tháng tư
đứt
ra từng đoạn
Tháng tư, tôi ngồi trong quán cà phê Starbucks trên đường
20th của thành phố tôi cư trú. Tôi cúi xuống nhìn mầu cà phê đen đặc, sóng sánh
sót lại một ngụm trong chiếc ly giấy. Tôi cầm chiếc ly chao nhẹ đi một chút, do
dự chưa muốn ngửa cổ uống nốt ngụm cuối cùng. Ngụm cà phê trông như ngụm nước mắt
đen. Chao ôi nước mắt đã có một lúc nào đó, ta ngửa cổ uống được cả ngụm hay
sao!
Tháng tư, tháng tư, tháng tư năm đó! Đứt ra từng đoạn:
đoạn cha, đoạn mẹ, đoạn vợ, đoạn chồng, đoạn con, đoạn anh, chị, em, đoạn bạn hữu.
Mỗi đoạn đứt một chỗ, rơi một nơi, đoạn mất đi ngút ngàn biệt tích, không để lại
dấu vết, đoạn còn sót lại ngơ ngẩn, mù lòa.
Tháng tư của ba mươi bẩy năm sau, ngụm nước mắt không
bao giờ cạn được.
Tôi ngồi trong quán một mình. Ngó những khuôn mặt lạ,
họ không phải bạn bè, nhưng vẫn thấy thân thuộc, vì đó là những khuôn mặt của
dân bản xứ tôi gặp thường ngày. Cách ăn mặc và lối cư xử của họ na ná giống
nhau. Mình nhìn mấy chục năm, mình quen với cách kéo ghế, cách chụm đầu vào
nhau nói khe khẽ, cách nghiêng mình xin lỗi của họ khi phải đi qua mặt ai, nên
bỗng trở thành gần gũi.
Tự ngậm ngùi tưởng tượng, nếu bây giờ mình ngồi ở
trong một quán cà phê ở Việt Nam, ngắm những người ngồi chung quanh, chắc chắn
mình sẽ thấy lạc lõng lắm, vì cách ăn mặc và cư xử rất khác mình. Họ cũng sẽ chẳng
để mắt nhìn đến mình, một kẻ thường thường trên mọi phương diện. Mình lạc lõng
ngay chính trên quê mình.
Ngồi một mình với ly cà phê Starbucks trong một ngày của
tháng tư, quê người; tôi chỉ nhìn ra mình là người lạ với chính mình. Cúi nhìn
mấy ngón tay đang cầm ly, những ngón tay gầy đã bắt đầu xanh xao gân lá, biết
mình ở đây lâu lắm rồi. Đôi vai bỗng trĩu nặng như có bàn tay ai vô hình ấn xuống
ghế. Thôi, đã đến đây rồi, thì ngồi xuống đây, còn đi đâu được nữa. Ngồi đây mà
hồn như thác đổ, tiếng nước ầm ầm vọng tới từ một ký ức xa xôi, rồi bỗng òa ra
khi chạm vào tảng đá cuối cùng, tảng đá tháng tư.
Tháng tư ở đây là mùa xuân, chim chóc rủ nhau bay vào
thành phố, hoa đào nở hồng trên mỗi con đường, nắng mới lách mình vào những
khung cửa mở, trong vườn nhà ai hoa táo, hoa lê trắng xóa. Những người Việt di
tản như tôi, tháng tư không ít thì nhiều quay đầu nhìn lại quá khứ, nhớ lại những
giọt nắng quê nhà năm đó hòa vào máu và nước mắt. Hoa nắng quê người chỉ làm gợi
thêm nỗi xót xa.
Anh
ạ tháng tư mềm nắng lụa
hoa
táo hoa lê nở trắng vườn
quê
nhà thăm thẳm sau trùng núi
em
mở lòng xem lại vết thương
Chung quanh tôi, một vài bàn nhỏ có người ngồi trước
tách cà phê và cái laptop. Họ im lặng làm việc, học hay sáng tác. Có người với
một tờ báo mở trước mặt, hay hai người bạn thì thào nho nhỏ. Quán tĩnh mịch,
nghe được cả tiếng gõ khe khẻ của những ngón tay chạm trên bàn phím, thậm chí cả
tiếng thở cùa người ngòi ở bàn gần mình.
Tôi ngồi với ly cà phê cạn. Tôi biết trang mạng của
người Việt khắp nơi trên thế giới, vào mỗi tháng tư họ cũng trao đổi cho nhau
trên khung hình nhỏ: những tấm hình đang bốc lửa, những khẩu súng đang nhả đạn.
Tiếng người đang khóc, đang la vang, đang chạy hoảng loạn, đang giẫm lên nhau.
Tiếng súng nổ, tiếng kêu thất thanh… Tất cả hiện ra trên khung hình nhỏ.
Trong một tiệm cà phê ở Mỹ. Tôi ngồi đó, ngửa mặt uống
ngụm cà phê đen cuối cùng. Bỗng dưng má tôi ươn ướt. Nước mắt ứa ra từ hai con
mắt, bờ mi đã bắt đầu sụp xuống như hai chiếc lá cuốn khô. Nước mắt của một người
di tản vì chiến tranh lâu quá rồi, xót xa cho phận mình, phận người, phận quê
hương đất nước.
Ba mươi bẩy năm rồi, mà thỉnh thoảng vẫn đọc được ở
trên mạng, lẫn vào những bài vở giải trí, kiến thức hay nghệ thuật, những lời
nhắn với nội dung thật buồn:
Một hài cốt với tên họ, ngày sinh và số quân đầy đủ của
một quân nhân VNCH, ai đó vừa tìm được bên đường. Mong có thân nhân đến nhận.
Nào ai biết thân nhân của bộ xương đó còn sống hay đã chết? Tin đó đến từ Việt
Nam và đã chuyển đi nhiều lần.
Tin những người ở Mỹ về bốc mộ, một hố chôn tập thể của
binh sĩ VNCH trong một sân trường hay bên cạnh một con mương.
Tin cả trăm bộ xương tìm thấy ở ven biển miền Trung
không biết của bên này hay bên kia.
Rồi còn cả những tin như sĩ quan H.O qua đời ở Mỹ
không có thân nhân, được những người trong cộng đồng phụ nhau mai táng.
Lời nhắn về một vị tá Hải Quân, có con ở Cali. Xác nằm
trong bệnh viện Texas hai tuần rồi. Cha qua đời, con ở đâu chưa đến nhận.
Những dòng chữ như thế, thực sự là một “Tin Buồn” với
ý nghĩa đúng nhất của nó.
Tháng Tư là tháng tôi sợ đọc, sợ xem hình trên mạng. Sợ
nhìn lại những hình ảnh và đọc lại những bài viết kinh hoàng của những nạn nhân
vượt biển; hình ảnh nghĩa trang quân đội bị đập phá trong tủi nhục; những câu
chuyện thương tâm của tù nhân và nhà tù cải tạo; Sợ phải xem lại những hình ảnh
của một thành phố mình đã sống và lớn lên bị tàn phá bởi chiến tranh; sợ những
bức hình và tên tuổi, binh nghiệp của các tướng lãnh tự sát vào ngày cuối cùng,
tôi sợ mỗi khi đọc thêm một danh sách tự vận của các cấp tá, cấp úy, các hạ sĩ
quan. Họ tự sát riêng lẻ hay có khi cùng với vợ con. Những bức hình im lìm đó
là những tiếng gào thét phẫn nộ của những anh hùng VNCH. Tôi không nhớ là mình
đã đọc được câu này ở đâu: “Thật đáng thương cho một đất nước nào có quá nhiều anh
hùng” vì anh hùng đồng nghĩa với hy sinh và cái chết.
Đau đớn nhất là bao giờ khi xem hình, khi đọc những
bài viết xong, cuối cùng mình nhận thức rất rõ rệt: đó là một cuộc chiến huynh
đệ tương tàn. Người giết và người bị giết đều mang họ Nguyễn, họ Lê, họ Trần...
Ba mười bẩy năm rồi, người ta nói là Việt Nam đã hết
chiến tranh, người dân đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, nhưng trên mạng, người
Việt trong và ngoài nước vẫn có những dòng chữ gửi đến cho nhau mang theo những
thông điệp thật buồn: Việt Nam tôi đâu? Người dân mất nhà, mất đất. Gái Việt
bán sang Đài Loan. Gái Việt xếp hàng lấy chồng Đại Hàn. Không có Tự Do cho Việt
Nam. Ngư dân Việt bị tầu Trung Quốc bắt ngay trên biển của mình. Nước Việt âm
thầm mất dần từng mảnh cho Trung Quốc…
Tháng tư, cà phê đắng, đắng thêm khi pha vào những giọt
nước mắt vì nước mắt bao giờ cũng có muối ở trong. Nỗi đau tháng tư với một số
đông người Việt ở thế hệ bạn hữu tôi, là một vết thương không thành sẹo được,
nó lên da non, rồi ngưng lại ở đó. Nhìn xuống vẫn thấy màu hồng, vẫn thấy như
còn rơm rớm máu.
Tôi cúi xuống nhìn chiếc ly không, tự lấy tay áo lau
thầm những giọt nước mắt mình. Đứng dậy, trở về một nơi tôi gọi là nhà, tiếp tục
sống với trái tim di tản. Vạt nắng tháng tư chỉ bay xiên vào trong quán này một
năm một lần, nhưng khi tôi đến đây, dù bất cứ tháng nào trong năm, hồn tôi,
tháng tư có thể đến bất chợt ghé xuống và rơi cùng những giọt cà phê.
Anh
ạ! Tháng Tư sương mỏng lắm
sao
em nhìn mãi chẳng thấy quê
hay
sương thành lệ tra vào mắt
mờ
khuất trong em mọi nẻo về.
Seatle, WA,12 Tháng Tư 2017
Trần Mộng Tú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét