BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2020

CHÙM THƠ CỦA THI SĨ TIỀN CHIẾN NGUYỄN XUÂN SANH



Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh - đại diện cuối cùng của phong trào Thơ Mới - vừa qua đời ở tuổi 100 vào sáng 22-11, tại Bệnh viện Hữu Nghị ở Hà Nội vì tuổi cao, sức yếu.

Năm 1939, khi đã thành danh trên văn đàn, Nguyễn Xuân Sanh cùng 5 văn nghệ sĩ (Phạm Văn Hạnh, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Đỗ Cung và Nguyễn Xuân Khoát) chung chí hướng sáng tạo thành lập nhóm “Xuân Thu Nhã tập” với mơ ước xây dựng một đôi công trình tốt đẹp cho văn chương nghệ thuật và cho đời.

Tên Xuân Thu Nhã Tập là tổng hợp trí tuệ tập thể “Xuân Thu, theo cổ tự: Cỏ hoa nở dưới ánh mặt trời, và bông lúa chín… Sắc xuân và hương thu. Hai mùa quá độ, uyển chuyển trong khoảng cao, trong, nhẹ…”



Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết Nguyễn Xuân Sanh không chỉ là đại diện của phong trào Thơ Mới mà còn là người cách tân Thơ Mới ngay từ khi phong trào này vẫn còn rất mới với thi sĩ Việt.

Nhóm Xuân Thu Nhã Tập (thành lập năm 1939) mà ông là thành viên chính là một nhóm đầy ắp trăn trở tìm hướng phát triển thi ca, cách tân Thơ Mới. Nguyễn Xuân Sanh là người bắc nhịp cầu từ Thơ Mới sang thơ hiện đại, người khởi động cuộc chạy tiếp sức của thơ Việt vào hiện đại với tác phẩm Buồn xưa, theo nhận định của nhà phê bình Đỗ Lai Thúy.

Trong tiến trình của văn học Việt, hiếm có nhóm sáng tác nào lại độc đáo như Xuân Thu Nhã Tập. Độc đáo về chủ thể sáng tác, về đặc điểm thể loại và độc đáo về lịch sử số phận tác phẩm. Xuân Thu chỉ tồn tại trong vòng mấy năm (1942-1945), và chỉ gồm mấy tác giả, nhưng lại hội tụ đầy đủ cả “đại gia đình” nghệ thuật: Thơ ca, âm nhạc, hội họa. Số lượng sáng tác cũng rất “khiêm tốn” nhưng lại rất đa dạng về thể loại: thơ, văn xuôi, tiểu luận. Mục đích sáng tác cũng khá độc đáo: Dưới bóng Xuân Thu sẽ thực hiện: TRÍ THỨC - ĐẠO ĐỨC - SÁNG TẠO.



BUỒN XƯA
 
Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi
Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y
Rượu hát bầu vàng cung ướp hương
Ngón hường say tóc nhạc trầm mi
 
Lẵng xuân
Bờ giũ trái xuân sa
Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà
Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm
Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa
 
Buồn hưởng vườn người vai suối tươi
Ngàn mây tràng giang buồn muôn đời
Môi gợi mùa xưa ngực giữa thu
Duyên vàng da lộng trái du ngươi
 
Ngọc quế buồn nào gội tóc xưa
Hồn xa chĩu sách nhánh say sưa
Hiến dâng
Hiến dâng quả bồng hường
Hoàng tử nghiêng buồn vây tóc mưa
 
Đường tàn xây trái buổi du dương
Thời gian ơi tưới hận chìm tường
Nguồn buồn lạnh lẽo thoát cung hơi
Ngọt ngào nhớ chảy tự trăm phương.
 
 
BÌNH TÀN THU
 
Bình tàn thu vai phấn nghiêng rơi
Chén vàng dâng ướp nhạc lòng đời
 
Sương mùa lệ héo dặm đường hương
Cung phi dăng bướm buồn Nghê Thường
Sách đâu tay xõa ái - tình – chương
 
Cổ mây người nhạc dịu vườn tươi
Da xuân mười tám tuổi buồn người
 
Mi thơm chanh buổi trĩu buồn da
Rượu tóc loan tháng đượm mùa ngà
Sầu chùm tơ giấy giở mưa hoa
 
Người ơi người nẻo ngát tường nương
Hồn Tương Giang đàn dựa buồn hường
 
 
RỪNG NGÀN MÙA
 
Sen tưởng cầu thơm nguôi tiếng van
Rừng ngàn mùa e ấp Dung Nhan
Đền xanh cửa ngát lạc hoa thương
…………………………………..
………………………………….
 
 
GIÓ THU
 
Sáng nay anh lạnh quá em ơi
Bởi gió thu em đã đến rồi
Lác đác bên thềm mưa lá rụng
Với lời ước hẹn của muôn mai.
 
Rung rinh thùy liễu thoáng bên lầu
Anh đợi đầu sân, em đứng đâu
Câu hát đưa anh vào ngõ trúc
Bước anh đi trước. Bước ai sau?
 
Bàn tay em ướt chút sương sa
Hỏi lại lòng anh, những mặn mà
Chiếc lá cuối cùng vừa mới rụng
Thế là đã hết gió thu qua…
 
Quốc học Huế, cuối thu 1934
 
 
XUÂN NGÀY
 
Ngày tôi là dải kết mùa xuân
Là nụ hường xinh, thắm nở dần
Ánh sáng khơi tuôn – nguồn lạ suối
Trút lòng khao khát xuống hoa tân.
 
Sao các mùa xuân tiếp nở hoài?
Mà ngày ôm ấp mấy ban mai?
Hoa chùm nép giữa mây xanh bóng
Xõa mớ dây tơ nắng ngọt dài.
 
Giữa sóng tràn xuân sao cứ bơi?
Ngân thơm nhíu nước vấn muôn đời
Ánh nhung đổi hướng, đi rồi đến
Qua ngõ hồn tôi đã mấy trời?
 
Biết đâu gió chẳng cúng hương say
Non nước dâng tươi dệt tháng ngày
Đây gió ngân xuân vừa thoáng hẩy
Với này xuân mới đã là bay.
 
                               Huế - Tết 1935
 
 
NHỮNG QUYỂN SÁCH
 
Nắng ủ trời xa cơn gió đậm
Rừng đời hương ngủ giấc mơ êm
Ý xanh biền biệt như sông mật
Nhạc cỏ đùa quanh mấy bậc thềm
 
Lòng hỏi đời thơm nếp áo xưa
Về đâu gió chở những hương mùa
Về đâu những mộng nghiêng theo mắt
Của một nàng xuân tóc xõa mưa
 
Tâm sự chiều chiều nghiêng mái tóc
Hồn nào vời vợi như mây tơ
Chân dậm tiếng đời vang lối cỏ
Tâm tư lặng lẽ đến bao giờ…
 
Thao thức mùa thơm dậy lối sương
Chói chang trên mắt mộng thiên đường
- Ý mạnh thấm qua bồ sách cũ
Giấy vương hương nặng tựa hoa rừng
 
Sách đậm hồn xưa trăm giấc mộng
Khi lòng bồng bế lửa đêm say
Tay ai cười mỉm bên đèn nhỏ
Khi ướp hồn xanh cạnh sách dày
 
Ta khát vô biên ngọn sóng vang
Ta mừng hội gió lúc lên đàng
Ta hát vô biên trên sách mới
Và trên thế giới đượm tràng giang

                                          7/1945
 
 
TRƯỚC XUÂN, THĂM CHÙA HƯƠNG
(Tặng Nguyễn Thị Cẩm Thạnh)
 
Vắt ngang núi cũ xuân hồng ngày nay
Đò đi ngược suối. Cuối đông
Lòng anh những muốn tìm xuân trước ngày...
Vắng em. Không thể cầm tay
Đường đi vẫn thấy đó đây hai mình.
 
Sáng trời. Hương Tích gió hanh
Nắng thơm bến suối, thung xanh vào mùa
Xuân chưa về, núi chưa mưa
Nhưng bên ta khắp rừng mơ nở rồi.
 
Khăn tơ xuân trải thung dài
Anh nghe xuân đến: bên đồi, bước em…
Đại già còn trắng sương đêm
Chờ ai hò hẹn bên thềm đồi thông.
 
Lối đi mây đá chất chồng
Vắt ngang núi cũ xuân hồng ngày nay
Chân ta bước, mắt ta say
Hoa mơ dặm thẳm, hương lay bạt ngàn.
Con đò con mắt
 
Con đò, con mắt giữa lòng sông
Tha thiết chờ mong một ánh hồng
Trên bến cuối chiều khi gió nghỉ
Để bồng vũ trụ, mảnh trăng trong.
 
Con đò con mắt của đời ta
Thao thức thâu đêm cảnh mặn mà
Đón bóng đi về người bạn cũ
Đôi lần áo đẫm trận mưa sa.
 
Con đò con mắt mở xa trông
Sớm tối ngược xuôi nước một dòng
Con mắt con đò xưa mẹ ngóng
Giờ ca cồn nắng mừng con sông.
 
 
CÁI NẮNG NHA TRANG
 
Yêu vô cùng cái nắng Nha Trang
Lớt phớt nghiêng đầu gió lúa vàng…
Mặc dù nắng chạy trên đường phố
Có lúa đâu, mà vẫn reo vang?
 
Em học sinh lướt mát hiên dài
Thấy bóng ngả chiều thêm ban mai
Bước ra ngã sáu chân nhè nhẹ
Sợ áo mình động nắng khỏa vai.
 
Cái nắng hăng mùi thơm biển khơi
Nắng chao chao cánh hải âu trời
Trên không gian một màu xanh vắng
Rớt theo chiều mái tóc buông lơi.
 
Nắng là nắng mấy dặm đường xa
Có hương dừa cát với tiếng ca
Mắt em thiếu nữ nhìn qua gió
Bỗng thấy đời vô đầy cả nhà.
 
Nhịp nắng ngày sao quá êm trong
Len vào ta háo hức tấm lòng…
Yêu màu tường và yêu đất nước
Quê ta thắm lá nắng thêm bông.
 
Nắng lồng áo như bụi mưa vây
Thấy vui xuân chấp chới tháng ngày
Những cô gái giọng nhanh sóng biển
Mừng đầu năm, tay vốc nắng bay.
 
                        Nha Trang, 2/1/1976
 
 
BẰNG LĂNG RA HOA, TIẾNG GÀ TRONG PHỐ
 
Bên tay trái ta, dòng Mê Kông
Nắng sông sóng chở bạc màu hồng
Bên này tay phải, xanh thành phố
Cây thở như hồ trong nước trong.
 
Bằng lăng đường cái lại ra hoa
Campuchia ơi, Campuchia
Cả nước bằng lăng vừa thức dậy
Núi sông cùng hát bản hùng ca.
 
Gà gáy nắng mai cuối mái thềm
Nghe rì rào đất, tưởng trăng đêm
Biết đâu cơn gió từ quê đất
Gọi tiếng gà rung sương ánh lên.
 
Dưới tán bằng lăng một nụ cười
Tiếng gà vẫn gáy điệu son tươi
Giấu trong bài hát hồn nhiên ấy
Sức mạnh hiên ngang triệu cuộc đời.
 
Tiếng gà gáy sáng, hoa bằng lăng
Thơm ngát ngàn năm một đất lành
Đẹp nhất nụ cười chào Tổ quốc
Những con người gặp giữa Phnôm – Pênh.
 
.......

Thơ tuyển rút từ tập “Nguyễn Xuân Sanh thơ với tuổi hoa”,
Nxb Kim Đồng 2001
 


Hai bài thơ của ông là “Cây dừa” và “Cô giáo lớp em,” đã được đưa vào chương trình môn tiếng Việt phổ thông, gắn liền với nhiều thế hệ học sinh hơn 60 năm trước





Không có nhận xét nào: