BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2020

TỐ HỮU TRONG “HỒI KÝ NGUYỄN ĐĂNG MẠNH”


             
                                            Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh

Nguồn:
https://www.vinadia.org/hoi-ky-nguyen-dang-manh/to-huu/

Nguyễn Đăng Mạnh sinh năm 1930, là nhà giáo, giáo sư văn chương, nhà phê bình văn học Việt Nam.
Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh không ngừng hoạt động trên hai lãnh vực đào tạo sinh viên và nghiên cứu văn học trong hơn nửa thế kỷ qua. Ngay từ những năm 1987-1990, trong thời kỳ đổi mới văn học, ông đã đưa ra những biện pháp giáo dục và nghiên cứu mới, tách rời chính trị ra khỏi văn học, về Hồ Chí Minh, về Nguyễn Tuân, v.v…, đồng thời ông cũng nhấn mạnh đến việc cần phải nhận định lại các giai đoạn văn học sử, định vị lại giá trị tác phẩm theo tiêu chuẩn văn học chứ không theo đòi hỏi chính trị nữa. Những công trình nghiên cứu của ông về Hồ Chí Minh, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, v.v… nói lên phong cách phê bình độc đáo của Nguyễn Đăng Mạnh.
Một đời sống với văn học và thế giới nhà văn như thế, đã được ông ghi lại trên những trang hồi ký.


Nhà thơ Tố Hữu


TỐ HỮU TRONG “HỒI KÝ NGUYỄN ĐĂNG MẠNH”
 
Nhớ lại ba, bốn chục năm về trước, vào những năm 60, 70 của thế kỷ vừa qua, biết bao thế hệ đã từng mê thơ Tố Hữu. Mê thật sự. Đọc những bài như Bài ca mùa xuân 61 mà chảy nước mắt. Hồi ấy ông rất xứng đáng với danh hiệu “Lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng Việt Nam”. Để phục vụ cách mạng và kháng chiến, thơ ca hồi ấy bám rất sát từng nhiệm vụ chính trị, nên thường viết chung một số đề tài: anh bộ đội, anh giải phóng quân, Bác Hồ, anh Trỗi, mẹ Suốt, chị Trần Thị Lý, miền Nam thành đồng Tổ Quốc, miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội… Ngẫu nhiên mà thành ra những cuộc thi thơ toàn quốc. Trong những “cuộc thi” như thế, Tố Hữu hầu như đều chiếm giải nhất.

 Vinh quang của Tố Hữu đâu chỉ ở tư cách nhà thơ. Về chính trị ông cũng lên vòn vọt, có lúc tưởng như là người kế cận Lê Duẩn, thay Lê Duẩn đến nơi. Cho nên ngày Tết, người ta xếp hàng nối đuôi nhau ra tận ngoài đường để chúc Tết Tố Hữu. Loại như Nguyễn Văn Hạnh, Hà Xuân Trường thì phải xếp hàng mãi tít ngoài đường, rất xa. Còn Hoàng Xuân Nhị thì chỉ rình rình chen ngang… Lúc bấy giờ được viết về Tố Hữu cũng danh giá lắm! Tôi nhớ có lần anh Lý Hải Châu, giám đốc nhà xuất bản Văn học có ngỏ ý giao cho tôi làm Tuyển tập thơ Tố Hữu. Định thế thôi chứ đã giao thật đâu. Vậy mà tiếng đồn ra, nhiều người đã mừng cho tôi. Anh Xuân Diệu gặp tôi, bắt tay chúc mừng: “Thế là Mạnh bắt đầu được tiếp cận với nhà đỏ rồi đấy!”
 
Thế mà bây giờ! Không thể ngờ Tố Hữu xuống giá nhanh chóng và thảm hại đến thế, ở cả hai tư cách: nhà chính trị và nhà thơ. Hầu như các thế hệ làm thơ bây giờ không ai còn làm theo phong cách Tố Hữu nữa.
 
Ở khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội (có lẽ khoa Văn các trường Đại học khác cũng thế) có điều này, nếu Tố Hữu sống lại chắc buồn lắm: hàng năm cán bộ giảng dạy phải hướng dẫn hàng trăm sinh viên cao học, hàng chục nghiên cứu sinh làm luận án thạc sĩ, tiến sĩ. Đề tài ngày càng bí, quanh đi quẩn lại khai thác mãi những Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nam Cao, Thạch Lam, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu… hầu như đã cạn kiệt. Rất bí. Cả thầy lẫn trò đều bí. Vậy mà không ai chịu làm về Tố Hữu, tuy Tố Hữu vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong chương trình phổ thông và đại học như một tác gia lớn của nền văn học hiện đại Việt Nam.
 
Kể cũng lạ! Tôi cho rằng hiện tượng này cần được giải thích, nhất là đối với những thế hệ lớn lên sau 1975, đặc biệt là sau 1986, khi đất nước bước vào thời kì đổi mới. Tất nhiên, giải thích theo quan điểm lịch sử.
 
Theo tôi tốt nhất là tôi thuật lại những lần được trò chuyện với Tố Hữu trước 1986. Chính những lời phát biểu của ông về chính trị, về thơ ca sẽ giải thích cụ thể sự thăng trầm của số phận ông. Ngoài ra cũng phải hiểu ông đã quan niệm về thơ như thế nào và làm thơ như thế nào. Vì vẫn phải giảng thơ ông trong nhà trường, vì dù sao ông cũng là một nhà thơ tiêu biểu nhất, vẻ vang nhất, có vị trí quan trọng trong nền thơ ca Việt Nam hiện đại và trong chương trình môn văn ở các trường phổ thông và đại học.
 
Tôi được gặp riêng Tố Hữu hai lần, không kể những lần được nghe ông nói chuyện ở các hội nghị.
Qua hai lần tiếp xúc với Tố Hữu, tôi thấy ông là người thông minh, nói rất giỏi. Một nhà hùng biện. Ông rất tin ở những điều mình nói như là những chân lý tuyệt đối. Nói rất sôi nổi, say sưa, không cho ai cắt ngang dòng biện thuyết của mình.
 
Cuộc tiếp xúc lần thứ nhất là năm 1967. Địa điểm: nhà riêng Tố Hữu, 76 Phan Đình Phùng.
Hồi ấy gặp riêng Tố Hữu rất khó. Anh Huỳnh Lý, lúc ấy là chủ nhiệm khoa Văn Đại học Sư phạm Vinh, đã liên hệ trước như thế nào đó mới xin phép được. Rất tiếc cuốn sổ tay tôi ghi chép về cuộc tiếp xúc này tôi đã để thất lạc mất thành ra chỉ còn lưu lại được trong óc một vài ấn tượng.
 
Tố Hữu nói về chính trị là chính. Ông say sưa ca tụng dân tộc mình trong chiến tranh chống Mỹ vừa thông minh vừa anh hùng. Ông nói về Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Bé. Ông rất lạc quan và hoàn toàn thoả mãn về Đảng, về cách mạng Việt Nam chỉ có tiến lên theo đường thẳng. Con đường chỉ có toàn ánh sáng. Cách mạng Việt Nam không hề có bi kịch.
 
Tố Hữu tỏ ra rất phục Lê Duẩn. Ông cho Lê Duẩn đúng là một penseur.

Ấn tượng khó quên nhất của tôi là ông nói liên miên, nói rất nhiều. Tôi nhớ ông nói từ khoảng hai ba giờ chiều. Nói rất bốc. Lúc đầu còn ngồi ngay ngắn, sau co chân xếp bằng tròn trên salon. Tôi ngồi sát cạnh, thỉnh thoảng ông còn vỗ mạnh vào đùi tôi, hỏi một câu gì đó. Hỏi không phải để nghe trả lời, mà là cách gây chú ý, để nghe ông nói tiếp. Ông nói cho đến khoảng năm giờ chiều. Anh thư kí riêng đi ra, xem đồng hồ, ý nhắc ông nghỉ cho đỡ mệt. Ông không để ý, đứng dậy bật đèn, nói tiếp.
 
Thực tình lúc ấy tôi mót đi tiểu quá. Ngồi ngay cạnh ông, đứng lên không tiện. Vả lại biết đi to Toalét ở chỗ nào! Mà cũng nghĩ ông sắp nghỉ rồi, vì trời đã muộn. Nhưng ông cứ nói, nói liên miên, nói say sưa hào hứng. Lúc đó, thực bụng tôi nghĩ: Trên đời không có gì nhảm nhí bằng chuyện văn chương, chỉ có đi tiểu là quan trọng nhất.
Nhưng cuối cùng thì ông cũng nghỉ, có lẽ do cách nhắc khéo của anh Huỳnh Lý. Ông bắt tay từng người. Đến lượt tôi, không hiểu sao, ông lại còn giữ tay, nói tiếp mấy câu nữa. Sợ quá!
 
Cuộc tiếp xúc thứ hai. Địa điểm: ở ngôi nhà bát giác cạnh trường Chu Văn An bên Hồ Tây, năm 1980.
 
Lần này do anh Đoàn Trọng Huy, phó chủ nhiệm khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội liên hệ được. Lúc này tôi đã được chuyển ra công tác tại Hà Nội.
Cũng như lần trước, Tố Hữu vẫn nói nhiều, nói liên miên. Ông nói về chính trị, về thơ, về việc giảng dạy văn trong nhà trường. Sau năm 1975, tình hình đất nước đã ít nhiều đổi khác. Vì thế ông cũng nói đến chuyện mở cửa, đến chống chủ nghĩa Mao, đến mở rộng đề tài thơ và phát triển phong cách thơ.
Nhưng tinh thần vẫn như cũ, vẫn Đảng ta là đúng nhất, sáng suốt nhất, nhân dân ta, dân tộc ta là tuyệt vời, Mác Lênin là chân lý tuyệt đối, và văn học gắn với chính trị, phục vụ chính trị là chân lý muôn thuở.

Dưới đây là lời độc thoại triền miên của Tố Hữu, tôi ghi lại được:

“Vấn đề mối quan hệ giữa chính trị và văn nghệ, tưởng không còn chuyện gì nữa, hoá ra không đơn giản. Vẫn còn có nhiều người chưa nhận ra cái lẽ lớn ấy.
Văn học phải góp phần tạo ra con người mới, con người xã hội chủ nghĩa, để bảo vệ và xây dựng đất nước. Với dân tộc ta, động viên hy sinh xương máu dường như dễ hơn là động viên đổ mồ hôi, đổ trí óc để tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống cho mình.
Tiêu chuẩn đánh giá một nền văn học lớn là góp sức tạo ra con người mới. Đó là thước đo, nói là cao nhất cũng được, nói là duy nhất cũng được. Cũng có thể gọi đó là quan điểm thẩm mỹ của ta.
Đúng là các vấn đề văn học nên đưa ra tranh luận, kể cả với quan điểm đối địch. Nên làm quen với những cách suy nghĩ khác nhau. Nên học cả những vũ khí của địch. Muốn hay không muốn, trái đất cũng có những cuộc giao lưu như thế. Không nên bịt cửa. Trong thời đại này, không có dân tộc nào sống như thế. Chủ nghĩa Mao nẩy sinh trong sự bịt cửa, tự bịt cửa trong ngu dốt và tàn bạo.
 
Phải mở cửa. Mở cửa để đón ánh sáng và gió mát chứ không phải để đón ma quỷ. Vì đời có cả thiên thần và ma quỷ… Phải biết đóng cửa, mở cửa một cách khoa học. Mở cửa cũng còn để trao đổi với ngoài. Có vay có trả, có góp cho đời. Ta rất tự hào về văn học ta là văn học của một dân tộc tiên phong, có vẻ đẹp của nó.
 
Quy luật từ xưa đến nay là quy luật riêng chung. Xưa cái chung lấn át cái riêng.
Nay cái riêng lấn át cái chung.
Cần hoà hợp riêng chung. Cái chung mà không phát huy cái riêng, cái riêng nó sẽ quay lại chống lại cái chung.
 
Làm chính trị là l’art des possibités. Làm sao sử dụng được đến ngón tay út của con người. Tập thể là vô cùng. Con người cũng là vô cùng. Nói vượt mình là không đúng. Nên nói phát huy khả năng của mình. Làm sao vượt mình được! Chủ nghĩa Mác ý thức được khả năng vô tận của con người.
 
Con người là gì? Cuộc sống là gì?
Là vật chất, trí tuệ, tình cảm – là con – người – mới.
Khổng Tử phủ nhận “con” là dối trá. Thực ra Khổng Tử coi con người là trâu chó.
Con người khác con vật là có trí tuệ và tình cảm. Có cái đầu pensant. Mao không cần. Tư sản cần nhưng chỉ cần để phục vụ nó. Làm trái nó, nó chặt đầu. Mọi chế độ bóc lột đều ngu dân ở những mức độ khác nhau, mức hạn chế khác nhau, do lợi ích giai cấp. Chỉ có chủ nghĩa cộng sản là parti de l’intelligence.
 
Cái “con” là nécessité. Nhưng trí tuệ, tình cảm mới là đặc trưng của người. Chủ nghĩa xã hội là làm chủ tập thể cộng với công nghiệp hoá. Lênin thì nói: Chính quyền Xô viết và điện khí hoá…
 
Bác Hồ thì nói độc lập tự do. Tự do là chuyện muôn đời. Nécessité comprise là chuyện muôn đời. Vĩ nhân là làm chủ quy luật và chiến đấu cho tự do. Đúng thế. Nhưng thực sự là người tự do, khó lắm! Hạnh phúc lớn nhất là tự do, là làm chủ.
 
Uống ngụm nước suối trong đỡ khát
Trông trời cao mà mát tâm can.
 
Nước suối mà sao ngon? Vì đó là tự do, là nécessité, quy định bởi cái nécessité cao hơn tức là cứu nước. Tôi chỉ nói tới nói lui những điều đã cũ, không có gì mới. Vì không cần nói gì hơn.
 
Bay vào vũ trụ là nécessité
Dép lốp là nécessité.
 
Tôi thừa nhận dép lốp, cơm khoai, vì đó là nécessité. Song tôi cũng có cái đầu để mơ ước chứ! Cho nên tôi thấy bay vào vũ trụ cũng là nécessité.
 
Nói vị nghệ thuật là dối trá. Ai chả vì cuộc sống này khác. Chỉ có người cộng sản là nói ouvertement. Phong kiến, tư sản không dám nói. Còn tiểu tư sản là tù binh của mọi nguồn, bơi trong mọi dòng nước, tự lừa dối mình. Tiểu tư sản không có đời sống độc lập. Ta nói ouvertement vì ta nói sự thật và chỉ có ta mới nói được.
 
Thanh niên bây giờ có xu hướng “Tây loăng quăng hoá”, dễ mất tính dân tộc. Ông cha ta bản lĩnh lắm, mãnh liệt lắm nên mới tránh được Tây hoá.
Nhưng dân tộc phải nhịp theo thời đại. Đó là sự thật khách quan. Thời đại là: ba dòng thác cộng với cách mạng khoa học kỹ thuật. Nhật Bản đã trở thành 2 ème puissance vì có ba yếu tố:
Tinh thần Đại Nhật Bản (Đảng Cộng sản lẽ ra phải tranh lấy ngọn cờ dân tộc. De Gaulle và tư bản Nhật nắm dân tộc hơn đảng cộng sản).
 
Cách mạng khoa học kỹ thuật
Quản lý xã hội, quản lý kinh tế rất khôn ngoan (quản lý theo lối tư bản cộng với truyền thống gia trưởng)
Conscience và Science. Thời đại này có hai cái đó thì thắng. Trẻ con ta có Conscience politique rất sớm. Nói phải có lý nó mới phục, nó mới nghe.

Tài nguyên thì ta có dầu, có sắt. Cho nên lắm kẻ đã ve vãn “xôn xao ngoài cửa thiếu gì yến oanh”
 
Dân tộc ta có truyền thống rất mạnh. Tinh thần thời đại cũng mạnh. Hai cái đều mạnh. Nhiều dân tộc phải xấu hổ vì ông cha của mình: ăn cướp, quân phiệt, hoặc đầu hàng khiếp nhược.
 
Dân tộc ta, cái dominant là nhân dân. Không cần tư sản. Do chống ngoại xâm mà hình thành dân tộc. Chống xâm lược trên quy mô lớn nên dân tộc lập tức gắn với nhân dân.

Dân ta profondement – athée – vô thần – pratique. Lừa cả thần, lừa cả Phật (Trạng Quỳnh). Bất chấp Khổng, Phật, Thiên Chúa. Rất matérialiste. Cái nôi dân tộc ở chính Việt Nam. Nhân dân ta là miếng đất lí tưởng cho chủ nghĩa cộng sản.
 
Dân tộc – Nhân dân – pratique. Lại có tính nhân dân nữa. Thừa nhận giá trị con người rộng rãi lắm “Thương người như thể thương thân”. Nhân ái lắm! Không lấy mình làm chuẩn như Khổng Tử “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”. Tình làng xóm, cha con, vợ chồng rất khác đạo Nho. Tầu nói trọng nghĩa khinh tài, đào viên kết nghĩa mà dối nhau, giết nhau.
 
Thời đại ta có chủ nghĩa Mác nên tránh được tự phát, tuỳ tiện. Cái yếu nhất của ta là khoa học kĩ thuật. Đảng đề ra cách mạng khoa học kĩ thuật là then chốt, trúng quá!
 
Cuộc thắng Mỹ của Việt Nam lớn lắm. ảnh hưởng đến nhiều dân tộc trên thế giới. Họ không sợ Mỹ nữa. Mỹ không dám gây sự, không dám có một Việt Nam thứ hai.

Tố Hữu ngừng lại một lát rồi tiếp:

“Đấy là tất cả những gì tôi đã nghĩ và đã nói bằng thơ.
Từ Từ ấy tôi vẫn nói thế thôi: lẽ phải, chân lý, tình cảm. Chân lý chói qua tim. Chân lý phải qua tim mới dẫn tới hành động. Tình cảm lớn phải có chân lý lớn chỉ đạo. Mao không có tim và chân lý. Tôi nói Mỵ Châu “Trái tim lầm chỗ để lên đầu” làm mất nỏ thần. Mao thù. Tầu bay Việt Nam không cho qua Trung Quốc.
 
Thơ Tố Hữu là nói lẽ phải lớn của dân tộc và thời đại. Tôi viết bài “Một nhành xuân”. Có lẽ người ta đã quên lẽ phải lớn chăng, nên phải nói lại. Người ta nói tầm bậy về Đảng quá. Apolitique nặng. Không biết lịch sử dân tộc do Đảng đem lại. Chủ nghĩa công thần, tính công trạng mình nhiều quá mà không tính công Đảng . Hoàng Văn Hoan tách Đảng, thành phản quốc. Còn gắn với Đảng là mùa xuân vĩnh viễn.
 
Nhà văn phải có message nhắn gửi cho đời. Vấn đề là có cái gì đáng nhắn gửi thật không? Chuyện văn là chuyện đời, chuyện lẽ phải.
 
Nghệ thuật phải có hình thức adéquate 100%. Nhưng đó là chuyện dĩ nhiên. Art là personnel, không phải individualiste. Rất riêng song không cá nhân chủ nghĩa.Bên cạnh hoàng anh, hoạ mi, phải có sẻ sẻ, chim chích, thích chứ, vui chứ! Nhưng cá tính là gì? Cá tính có ý nghĩa thực là góp một tiếng nói cho đời. Hoạ mi hót mà đời insensible thì phục vụ ai, có ích gì, vô nghĩa.
 
Có người chủ trương viết cho mai sau, không cần đời chấp nhận. Vô lý. Mai sau ai sinh ra? Trên trời rơi xuống à? Người mai sau là ai? Chẳng qua là trốn dư luận, ai biết mai sau là gì!
Nghệ sĩ phải sống với thời đại của mình. Có convention, có giao ước của nó chứ! Rút lại phải sao cho người đương thời chấp nhận.
 
Có nhà thơ chỉ nói tình yêu, tình bạn, hoa đẹp. Thích chứ! Có người nói thời buổi chiến tranh không nên vẽ phong cảnh, vẽ hoa. Tầm bậy! Cảm thụ được cái đẹp của thiên nhiên muôn hình muôn vẻ, lớn lắm chứ! Nhưng phải bàn thế nào là đẹp. Rút cuộc là trở về hunanisme.
 
Rất mừng là thế hệ trẻ đang lên. Lê Thị Kim có bài Cỏ. Tôi không viết được. Yêu thiên nhiên và yêu tình yêu. Khánh Chi rất nên ủng hộ. Tuổi mình không còn là tuổi tình yêu, nói gì được nữa.

Rất may là thời đại ta cùng tồn tại bốn thế hệ: thế hệ già, thế hệ thời chống Pháp, thời chống Mỹ, thời xây dựng chủ nghĩa xã hội. Già có vẻ đẹp của già (đừng có lẩm cẩm). Trẻ biết đâu mà nói. Mỗi thế hệ có vẻ đẹp riêng, có ưu thế riêng. Hãy nói to lên những điều đẹp nhất của mình.

Tôi rất chú ý từ ngữ, âm điệu, nhạc điệu. Không dùng từ ẩu bao giờ. Thơ phải tiết kiệm, không nói dài. Tôi không có khả năng sáng tạo từ mới. Từ vựng của tôi nghèo lắm! Từ ít và không thông minh như của Chế Lan Viên. Phạm Tiến Duật, Bằng Việt cũng lắm từ, chịu khó tìm tòi, sáng tạo ngôn ngữ.
Chỗ yếu của tôi là thường dùng từ ngữ quen thuộc. Không nói được điều gì bất ngờ, làm nên sự giật mình về hình thức.
 
Nhạc điệu ngôn ngữ Việt Nam hay lắm. Âm thanh diễn đạt chính xác, cụ thể, nhiều giọng điệu. Mỗi bài thơ phải tìm một giọng thích hợp: Emily con, Kính gửi cụ Nguyễn Du, Theo chân Bác… Bác thích loại thơ rigoureux. Bác rất Classique. Vì thế Theo chân Bác phải dùng thể thất ngôn mới thích hợp.
 
Nhịp sống thay đổi, cũng phải tạo nhạc điệu mới. Phải phá thể, phá cách. Lục bát cũng thế:
 
“Thác, bao nhiêu thác cũng qua”
Các cụ xưa không làm thế.
 
Tôi rất nghiêm trong việc dùng chấm và phẩy. Học sinh bây giờ chấm phẩy bừa quá. Phải học tính chính xác, khoa học, khẩn trương, hoạt bát. Ông bà ta không làm được điều đó vì nhịp điệu nông nghiệp quen rồi.
 
Tôi cố gắng phục vụ mọi người. Xã hội ta có ba loại:
Loại văn hoá thấp: Trình độ cấp I. Người lao động phần lớn ở mức độ này.
Loại trình độ cấp II, cấp III, tuổi 30, 40. Loại này cũng có hàng triệu người.
Loại đại học. Trí thức.
 
Bài Emily,con… phục vụ độc giả từ trung học trở lên. Viết cho loại này, tiện, vì cùng loại với tác giả. Có thể làm một cách tự nhiên, không mất công.
 
Viết cho loại một cực lắm. Đối tượng là dân gian. Bài Ba muơi năm đời ta có Đảng viết cho hàng chục triệu người. Gọi là vè rất đúng, là khen, vì dụng ý của tôi là làm vè.
 
Bài Mẹ Suốt viết cho chính mẹ Suốt. Nhưng không giữ mức vè. Đó là bài thành công với nhiều tầng lớp.
 
Bài Theo chân Bác phải vừa hợp phong cách Bác, vừa phục vụ toàn dân, cho cả trí thức. Dùng thất ngôn có thể giải quyết được.
 
Bài Nước non ngàn dặm chủ yếu nói cho miền Nam. Cần gợi cảm nên dùng lục bát là tiện. Nhưng có savant hơn một chút. Cấu tứ không khó lắm! Khó là forme nào, giọng nào. Năm ba câu đầu mà bắt được giọng rồi thì dễ lọt.
 
Câu đầu lợi hại lắm. Bài Một nhành xuân tôi đã làm năm năm trước. “Năm 20 của thế kỉ XX”. Sau nghĩ làm lý lịch làm gì, anh là gì mà khai lí lịch! Tôi phải nghĩ hai câu mở đầu khác:
 
Vâng xin kể cùng Xuân đồng chí
Chuyện riêng chung một cuộc đời bình dị.
 
Thường khó làm câu đầu và câu cuối. Câu cuối phải gợi ra cái gì rộng hơn cái mình nói trong thơ. Phải mở, không được đóng. Đóng lại là vô duyên. Đọc câu cuối người ta còn nghĩ, còn vơ vơ vẩn vẩn, thế hay hơn.
 
Còn từ câu đầu đến câu cuối không biết trước, không tự giác. Trước khi viết nghĩ nhiều. Khi viết quên đi và thả cho xúc cảm, cứ như tìm hoa trong đêm. Thơ kị nhất đọc câu trước người ta đoán được câu sau. Chính mình cũng không biết, không ngờ. Phải cho thơ tự nó sinh sôi, phát triển. Có ai đó nói rằng, nhà thơ hoàn toàn biết rõ tiến trình sáng tác một bài thơ, hoàn toàn biết trước câu thơ cuối cùng của tác phẩm. Tôi thì có khi làm xong bài thơ, cũng ngơ ngơ ngác ngác về tác phẩm của mình. sáng tác là cảm xúc không luôn luôn tỉnh táo. Văn xuôi có tỉnh hơn chăng? ở đây có những yếu tố ngẫu nhiên, tình cờ. Có khi cũng không biết là hay hay dở nữa kia. Anh Xuân Diệu hỏi tôi, sao anh lại tạo ra được hai câu: “Nỗi niềm chi rứa Huế ơi, Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên”? Tôi cũng không biết sao mình lại tài thế!
 
Thơ có quy luật riêng của nó.
 
Phạm Tiến Duật là anh lính thì hay. Đến lúc luận là chết. Vòng trắng. Sao đời lại tự tử! Hai lần tự tử! Giết anh và giết người chết rồi. Không hiểu đời đã luận đời!
 
Trần Đăng Khoa đang dở dang, hết trẻ con, nhưng chưa thành người lớn. Nói giọng ông già là trật.
 
Phải luôn đề cao thế giới quan, nhân sinh quan. Nhưng đối với lớp trẻ, nó thấy khắc khổ quá. Phải nói đạo lý thế nào đấy không xa lạ với nó. Nên đề cập đến tất cả những gì nó quan tâm. Đừng nói đại nghĩa trước mà phải đi từ tiểu nghĩa trước (tình yêu, tình bạn). Từ bỏ tiểu nghĩa, nó không nghe đâu! Không chấp nhận tình yêu và thơ tình là không đúng, là nihilisme. Thơ tình là loại thơ khó nhất: nói được cái gì mới? Tôi không làm được.
 
Nói thơ Tố Hữu không nói hết mọi vấn đề là đúng. Nhưng cho rằng thơ Tố Hữu chỉ nói cái to không nói cái nhỏ thì oan. Nhưng chuyện cụ thể chỉ là cái cớ để nói cái to. Cái tật quen của tôi nó vậy. Tố Hữu có nói cả hoa và rác đấy chứ. Nhưng phải có trách nhiệm, phải làm cách mạng, phải quét rác (Tiếng chổi tre)
 
Bài Hồ Chí Minh. Khi viết bài này, tôi chưa được thấy Bác, chỉ biết qua về Bác, chưa đọc gì của Bác. “Vung gươm lắp súng” là nghĩ thế, viết thế. Nhưng nói “Người lính già” là bạo, thế mà đúng. Lúc bấy giờ nói thế là bạo, trái với xu hướng quan niệm về lãnh tụ, về vĩ nhân, lúc đó. Đúng, Bác là người lính.
 
Bà má Hậu Giang. Có chuyện thật nghe nói ở Ban Mê Thuột: một bà má nấu nồi cơm to, bị Tây chặt đầu. Còn phịa ra cả. Lúc đó Bắc Sơn thất bại, Nam kỳ thất bại. Tư tưởng défaitisme, cần góp phần khôi phục lại niềm tin.
 
Ly rượu thọ. Có chuyện một viên tướng có bà mẹ yêu nước. Còn chuyện chúc thọ là bịa.
 
Mẹ Suốt, có chuyện đẻ con bị xẩy, có chuyện vải màn nguỵ trang thật và cũng có hỏi mẹ mấy câu. Nhưng đặt thêm ra lời hỏi và câu trả lời. “Cá tôm cũng sướng” là bịa.
 
Nhân tiện thấy ông nói về những bài thơ cụ thể, tôi tranh thủ hỏi về bài Ân hận tôi đọc trên báo thời Mặt trận dân chủ Đông Dương, đề tặng một “nàng trinh nữ” nào đấy. Ông nói bài này làm trong nhà tù. Hồi ấy yêu một cô. Cô ấy đi lấy chồng. Đơn giản thế thôi.
 
Nói mãi cũng mệt. Tố Hữu nghỉ, uống nước .
 
Qua ý kiến của Tố Hữu, thấy ông quả là một nhà thơ có kinh nghiệm. Và không phải là không có tài.
 
Nhưng vì sao thơ ông không có giá trị lâu dài? Có lẽ vì ông chọn cho mình con đường làm thơ chính trị. Ông đã đáp ứng xuất sắc tâm lý chính trị của dân tộc một thời. Nhưng thời ấy đã qua rồi.
 
Thơ tuyên truyền chính trị nên phải đơn nghĩa. Và vì phải hướng chủ yếu về đối tượng công nông binh, nên phải sử dụng những thể điệu truyền thống kể cả lối ca vè và phải dùng những hình ảnh, những ngôn từ quen thuộc, tránh sáng tạo hình ảnh và từ ngữ mới lạ.
 
Tố Hữu lại tiếp tục nói. Ông chuyển sang nói về giáo dục, về việc dạy văn. Ông cho rằng muốn dạy tốt phải dựa trên nghiên cứu khoa học. Giáo viên không được tiếp xúc với các công trình khoa học thì như người lính ra trận không có vũ khí. Giáo viên văn học là giáo viên khổ nhất mà đáng lẽ sướng nhất. Học sinh nộp bài như nộp thuế.
 
Ta còn thiếu những công trình khoa học có sức thuyết phục. Tôi chưa tin có ai đã dạy Kiều, hiểu Kiều một cách đầy đủ. Và liệu đã có ai hiểu hết một bài Bình ngô đại cáo. Bài văn lạ lùng trên nhiều mặt. Lượng thông tin ghê gớm. Từng từ có giá trị xã hội, đại diện cho một thực thể xã hội. Trí tuệ, tư tưởng ghê gớm lắm: “Lấy nhân nghĩa”, “lấy chí nhân”. “Chí nhân” thời ấy là gì? “Cường bạo” nội dung thời ấy là gì? “Trúc chẻ ngói tan”phải là một chiến dịch ghê gớm lắm. Bao nhiêu ý nghĩa nhận thức!
 
Thày giáo văn học là đắt nhất. Nghề này không chỉ đòi hỏi hiểu biết. Anh phải sống đẹp. Thông tin văn học khác. Phải gây hiểu biết và xúc động thật sự. Không cảm thụ được và truyền đạt được cảm xúc thì nghề dạy văn là vô nghĩa.
 
“Đau đớn thay phận đàn bà”, không có gì sáng tạo cả mà hay, vì là tiếng kêu giữa trời cho ba trăm năm sau. Thiên tài là sự nhuần thấm máu thịt đến mức như như là cảm quan ngẫu nhiên, tạo ra cái đẹp mà không biết. “Long lanh đáy nước in trời”. “Long lanh” sau mới thấy “đáy nước” và thấy “trời”. Được nghe, hiểu một câu thơ như thế, chết cũng sướng.
 
Nếu loài người hiểu hết vẻ đẹp của mình thì là thiên thần. Là thoát ra khỏi tấn bi kịch lớn. Bi kịch của loài người là không ý thức được vẻ đẹp của mình, do mình tạo ra, và tất cả thấy cần phải sống đẹp như thế. Làm sao một dân tộc rất đẹp như Campuchia lại bị tiêu diệt có vẻ dễ dàng như thế? Tôi vẫn suy nghĩ mãi về điều đó.
 
“Phải đặc biệt coi trọng giáo dục, coi trọng văn học. Chủ nghĩa xã hội đâu phải chỉ cần cơ sở khoa học kỹ thuật. Con người còn cần tâm hồn nữa chứ. Nếu không chỉ là con thôi, một thứ con cao cấp thôi”.
 
Ý kiến của Tố Hữu về giáo dục, về dạy văn nói chung là đúng, tuy không có gì mới mẻ đặc sắc. Sức hấp dẫn vẫn chỉ là ở nhiệt tình sôi nổi và niềm tin mãnh liệt, đã trở thành phong cách riêng, khẩu khí riêng của ông.
 
Lúc đó anh Đoàn Trọng Huy vừa mua được cuốn Tuyển tập thơ Tố Hữu do Hà Minh Đức soạn. Anh xin chữ kí của Tố Hữu. Tôi đọc bài Mẹ Tơm, thấy câu thơ “Sống trên cát, chết vùi trong cát” in là “Sống trên cát, chết hoà trong cát”, bèn nhân tiện hỏi Tố Hữu: hoà hay vùi? Tố Hữu nói “vùi chứ hoà thì còn văn chương gì nữa”. Ông tỏ ra tán thành lời bình của Hoài Thanh về chữ vùi trong bài thơ này.
 
***
 
Tố Hữu trông người nhỏ nhắn, nhẹ nhõm như một thư sinh. Nhưng rất hách. Tôi đã nghe Hoàng Cầm nói, ông đã từng ra lệnh bắt Trần Dần, Tử Phác bằng sáu tiếng ngắn gọn: “Gọi nó về, bắt lấy nó”. Tôi đã chứng kiến Nguyễn Đình Thi sợ ông như thế nào, tôi ví như con cua co dúm người lại trước con ếch.
 
Tôi đã nghe Hoàng Ngọc Hiến thuật lại về Tố Hữu trong cuộc họp nhà văn đảng viên hồi tháng sắu năm 1979. Nguyên Ngọc trình bầy bản đề cương chống Mao-ít. Tố Hữu đã quạt cho Nguyên Ngọc một trận, cho đây là hiện tượng “ngược dòng”, ông có cách nói mỉa mai rất ác. Nhân thấy Nguyên Ngọc, người thấp, nhân làm đổ cái micro trên bàn chủ tịch đoàn, ông nói: “Cái bục này đối với tôi hơi cao, đối với anh Nguyên Ngọc thì cao quá!”. Ông còn đến vuốt râu Nguyên Hồng: “Để râu sớm quá đấy, để trốn họp chi bộ chứ gì!”. Gần đây Kim Lân còn cho tôi biết, hôm ấy, Tố Hữu đến chỗ Kim Lân, nói: “Dạo này viết ít quá đấy!”. Kim Lân buột miệng nói: “Bác lại phê bình em rồi!”. Có vậy thôi mà nghĩ sợ quá. Kim Lân nói: “Tôi nhớ trong truyện Tam quốc, có hai anh bạn thân, sau một anh làm to, anh kia đến chơi, nói suồng sã về những kỉ niệm thuở hàn vi. Sau bị tay kia cho người đuổi theo thủ tiêu – Sợ quá!”.
 
Tôi chắc Kim Lân sợ thì có sợ, nhưng làm gì đến nỗi thế. Bọn nhà văn là chúa hay phóng đại.
 
Nguyễn Khải cũng kể lại, hôm ấy anh ngồi chủ tịch đoàn. Có một cậu nói nhỏ với anh: “Ông Lành đang nói sao cậu lại cười?” Khải sợ quá, vội chối: “Không, răng tôi nó hô đấy chứ, tôi có dám cười đâu!”.
 
Gần đây anh Hoàng Dũng cán bộ giảng dạy khoa Văn Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, học trò thân thiết của Nguyễn Tài Cẩn, cho biết, Tố Hữu có lần gọi Huy Cận, bảo phải biên soạn cuốn từ điển về thơ Tố Hữu: “Pouchkine có từ điển, sao Tố Hữu không có từ điển”. Huy Cận nhờ nhà ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn giúp cho việc này. Cẩn từ chối không được, bèn dùng mẹo, nhận nhưng không làm, tuy thỉnh thoảng lại giả vờ đến Tố Hữu “xin” ý kiến về câu này, chữ khác của thơ ông. Bây giờ Tố Hữu chết rồi, chẳng có trang từ điển nào cả. Anh đồ nghệ láu thật!
 
Năm 1986, Đại hội Đảng lần thứ VI. Tố Hữu mất hết mọi chức vụ. Tự tột đỉnh vinh quang tụt xuống đất. Đau lắm! Từ Sơn đến chơi thấy nhà như có tang. Ông nói với Từ Sơn: “Chúng nó tiếc gì mà không cho mình làm cố vấn!”. Rồi kéo Từ Sơn ra ngoài vườn như sợ có kẻ nào nghe trộm: “Có gan lên chiến khu làm cách mạng lại không?” Đúng là cay cú đến mức điên rồ!
 
Tố Hữu rất ghét thi hoa hậu. Ông nói với Hoàng Điệp, Nhà xuất bản Văn hoá thông tin: “Thi hoa hậu để khoe mông khoe đùi chứ gì! Làm như thế những phụ nữ xấu người ta tủi. Sao không thi bắn súng?” Tất nhiên Tố Hữu rất ghét Gooc bachốp. Chị Tố Nga, vợ Hoàng Ngọc Hiến, bắt chước giọng Huế của ông rất vui: “Miềng có Hồ Chí Minh của miềng chứ! Thấy người ta chốp chốp, cũng chóp chóp”.
 
Những năm cuối đời, ở Tố Hữu, có chuyện này cũng lạ: thường phủ nhận những điều mình đã nói, đã làm. Trong cuốn Chân dung và đối thoại, Trần Đăng Khoa nói đến chuyện Phù Thăng một thời bị qui chụp chính trị rất nặng. Khoa cũng thuật lại cuộc phỏng vấn Tố Hữu về việc sáng tác bài Hoan hô chiến thắng Điện Biên. Tố Hữu nói, không hề biết chuyện Phù Thăng, còn những điều Trần Đăng Khoa hỏi ông về bài Chiến thắng Điện Biên là bịa. Thực ra Tố Hữu từng viét bài phê phán Phù Thăng, còn về cuộc phỏng vấn ông về bài Chiến thắng Điện Biên thì Khoa nói với tôi: “Em có ghi băng hẳn hoi, đâu có bịa”
 
Lại có chuyện Nhật Hoa Khanh công bố một bài phỏng vấn Tố Hữu rất dài. Đọc bài phỏng vấn này, thấy Tố Hữu nói ngược hẳn những điều ông nghĩ, ông viết và ông làm trước đây đối với các nhà văn thuộc nhóm Nhân văn giai phẩm. Ngược hẳn lại như quay 180 độ, khiến rất khó tin là có thật. Trần Đăng Khoa cho rằng, Tố Hữu quả cũng hay phủ nhận những điều mình đã nói, đã làm, nhưng không đến nỗi quá quắt như trong bài phỏng vấn của Nhật Hoa Khanh. Tô Hoài thì nói, những sự kiện, những chi tiết trong bài phỏng vấn đều có thật cả, chỉ có điều Tố Hữu nói ngược lại. Nhật Hoa Khanh thì nói, anh có ghi âm, còn giữ băng ghi âm.
 
Hiện tượng này tôi vẫn thấy khó tin và cũng khó giải thích. Hay là giải thích bằng tính cách của người Huế chăng: “Sơn bất cao, thuỷ bất thâm…”
 
Tố Hữu ngay khi đã mất hết chức vụ, vẫn rất hách. Trong một cuộc gặp mặt của các nhà văn lão thành (Hữu Thỉnh hằng năm cứ vào đầu xuân lại mời các nhà văn ở Hà Nội từ 70 tuổi trở lên đến gặp mặt để chúc Tết và mừng tuổi), người đã đến đông, Tố Hữu đến sau, ông nhìn khẩu hiệu trên tường: “Hoan nghênh các nhà văn lão thành cách mạng”, nói thủng thẳng: “Lão, nhưng liệu có thành không chứ!”
 
Tính cách như thế nên nói chung văn nghệ sĩ không ưa. Khi ông có chức có quyền, người ta sợ, người ta phải đến – như xếp hàng chúc Tết ông chẳng hạn. Nay hết chức quyền rồi, người ta lảng hết. Tôi nhớ đám tang Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh ở 51 Trần Hưng Đạo, người đến viếng đông lắm. Viếng xong, mọi người sang phòng bên uống nước và trò chuyện. Tôi thấy Tố Hữu ngồi một mình. Chả có ai đến nói chuyện. Ông ngồi một lúc rồi lẳng lặng bỏ về.
 
Hết mọi quyền lực rồi, Tố Hữu vẫn có tật nói nhiều. Hôm báo Văn nghệ tổ chức hội thảo về cuốn Chân dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa, ông có đến dự. Một mình ông nói hàng tiếng đồng hồ.
 
Lúc Tố Hữu đã mệt nặng, Nguyễn Khải có đến thăm. Khải nói, ông đã mệt lắm, nói không ra tiếng, vậy mà miệng vẫn mấp máy, lắp bắp. Đúng là mắc bệnh nói.
 
Hình như Gala cười có diễn một tiết mục văn nghệ về một anh chàng mắc bệnh nói nhiều thì phải.
 
Ca dao có câu:
 
Rượu lạt uống lắm cũng say,
Người khôn nói lắm, dẫu hay cùng nhàm.
 
                                                         Láng Hạ, ngày 22 - 5 - 2007.
                                                                  Nguyễn Đăng Mạnh

Không có nhận xét nào: