BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2024

XIN VỀ LẠI – Thơ Lê Văn Trung


   

 
XIN VỀ LẠI
 
Ta về lại xin làm người hành khất
Được chạm vào rêu biếc mái hiên xưa
Được cúi nhặt chiếc lá mùa quên lãng
Sợi tóc người bay rối những cơn mơ
 
Xin được ngắm áo vàng bay cánh bướm
Bóng mây chiều ai nhuộm mắt mù sương
Xin được chạm vào tấm lòng nhung gấm
Để nghe mùa ân ái dậy mùi hương
 
Xin được gọi tên niềm quên nỗi nhớ
Những con đường xuôi ngược của đời nhau
Những cánh đồng mùa thu vàng hoa nở
Những bến bờ xưa hò hẹn buổi ban đầu
 
Xin được tắm trong dòng sông trẻ thơ
Lòng xanh biếc buổi trăng vừa hàm tiếu
Ta về lại xin chút lòng niên thiếu
Ươm lấy mầm hy vọng của tương lai.
 
                                      Lê văn Trung
                                  Tháng Mười 2024

Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2024

TỔ QUỐC NÓI THẾ NÀO CŨNG RƯNG RƯNG – Trần Vấn Lệ



Máy bay mình đang bay ngang qua thành phố cũ... Đà Lạt kìa, thương nhớ, phấn thông vàng hay mây?
 
Em!  Cho anh bàn tay!  Chỉ anh đi, ngón út. Cho anh đi, hương mật của thành phố ngàn hoa...
 
Em!  Cho anh hôn nha thành phố ngàn thông mướt mái tóc em dài thượt con suối vòng Cam Ly...
 
*
Tôi không biết nói chi về một thành phố cũ nơi mà tôi từng ở... bây giờ tôi bỏ đi!
 
Nó còn lại những gì?  Lăng Nguyễn Hữu Hào khiêm nhượng những bậc cấp đơn sơ? 
 
Những bậc cấp trong mưa nước đổ về Tùng Nghĩa.  Quê em là Liên Nghĩa một thị trấn giữa rừng...
 
Những xe ngựa chạy không những tấm lòng đói khổ.  Những người Thượng đóng khố chống gậy đi lên non...
 
Thác Gougha dễ thương cứ đổ hoài nước mắt.  Tiếng cắc bùm thật chát xé rừng thông tan hoang...
 
Núi cao nhất, Langbian.  Núi Bà đó, em ạ.  Nghĩ người mình thật lạ, đặt tên núi:  Núi Bà...
 
Hồi xưa anh đi qua, núi nào cũng tên đó, nghe nó sao ngồ ngộ, nhớ em - một mình Em?
 
Anh đứng ở K' Loon ngó xa về Tà Cú, những đám mây quần tụ...em đang múa Rừng Ơi!
 
Những cánh rừng nằm phơi xương tàn thời hủy hoại... Anh biết sao mà nói... dưới kia:  rừng Lâm Viên?
 
Em ơi em!  Em!  M.  Dưới kia thành phố cũ... tất cả chắc đang ngủ chờ em về nâng niu?
 
Em, anh rất quý yêu... lá thông cài trên tóc.  Tự nhiên tình Tổ Quốc trong anh cũng bằng em...
 
                                                                                      Trần Vấn Lệ

BỤI TRÚC LA ĐÀ, TRĂNG TÀ - Thơ M.loanhoasử


   
                Nhà thơ M.loanhoasử

 
BỤI TRÚC LA ĐÀ
 
em phơi hết tuổi hồng cầu Bạch Thổ
mắt biếng lười nhìn hờ hững sông Hương
anh chiếc ghe bầu trôi vừa ngái ngủ
thêm giọng hò mái đẩy nữa thân thương
trôi đi đâu chiếc ghe tội nghiệp
tuần mấy lần ghé mé Thuận An
em có qua cầu ghé về Đập Đá
nhìn xung quanh bụi trúc la đà
tháp Thiên Mụ hồì hồng chung thoang thoảng
chả lẽ dài đời em mãi tránh ta
con đê đó nằm soi mình bóng nước
cầu Tràng Tiền 12 nhịp thiết tha
kinh thành cổ bên bờ tả ngạn
chuyến tàu trưa chẳng bõ vượt Hương Trà
đi chút nữa ghé tạm ga Văn Xá
giòng Thúy Ái lừ đừ chẩy mỏi đôi ta
dẫy đồi cỏ Phong Điền chia 2 miệt
phủ Hải lăng bụi chuối sứ sa đà
ta như bèo hợp cuả Phạm Duy
(nhạc Con Đường Cái Quan)
theo bước chông gai vội vã lên đuờng
vượt Châu Ô Cận Lục vào Thuận Hoá
núi ngăn đường chồm ra biển Hải Vân
ải sừng sững nhìn thông Nam Hải
đường nối đường quá rộng đạo Quảng Nam
ta chiêm ngưỡng từng gốc cây hốc đá
tạ ơn trời tạ Công Chúa Huyền Trân
 

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2024

VÌ SAO CON RỂ VUA LẠI GỌI LÀ "PHÒ MÃ" 駙馬?, BIỀN NGẪU 駢偶



VÌ SAO CON RỂ VUA LẠI GỌI LÀ "PHÒ MÃ"?

     Chồng của công chúa, tức là con rể vua, người ta gọi là Phò mã. Nhiều người giải thích rằng: Phò là giúp, mã là ngựa; Phò mã là người đi bên ngựa vua để giúp đỡ ngài, nghĩa là người rất thân cận với nhà vua
     Thật ra, PHÒ ở đây nghĩa là con ngựa để đóng vào xe. Chữ hán PHÒ viết là "" (fù), còn đọc với âm PHỤ. Ngựa đóng vào xe phụ, đi theo xe chính của vua gọi là PHÒ .
     Còn hai chữ PHÒ MÃ nguyên là một chức quan đời nhà Hán. Chức quan này chuyên về trông coi xe ngựa tùy tòng của vua, được gọi là “Phụ mã đô úy” 駙馬都尉. Từ đời nhà Ngụy, Tấn trở về sau, các đời vua lập ra cái lệ rằng hễ ai lấy công chúa tất được phong vào chức ấy, vì thế nên chàng rể của vua gọi là Phụ mã 駙馬. Ta vẫn thường đọc từ này là Phò mã.
     Lâu dần, người ta chỉ hiểu Phò mã là con rể vua, mà không nhớ danh từ đó nguyên là một chức quan.

CA SĨ THÁI HIỀN - Câu Chuyện Âm Nhạc



Thái Hiền (tên đầy đủ là Phạm Thị Thái Hiền, sinh ngày 24 tháng 4 năm 1958) là một nữ ca sĩ Việt Nam tại hải ngoại, là người con thứ năm - đồng thời là trưởng nữ của nhạc sĩ Phạm Duy và ca sĩ Thái Hằng. Thái Hiền bước chập chững bước vào con đường nghệ thuật từ đầu những năm 70 dưới sự dìu dắt của bố.

Ca sĩ Thái Hiền người gốc Hà Nội nhưng lại sinh ra và lớn lên ở TP. HCM, cô bắt đầu con đường ca hát từ năm 13 tuổi với những bài Bé Ca mà nhạc sĩ Phạm Duy viết dành riêng cho con gái của mình.
Đến năm 1974, khi Julie rời The Dreamers sang Pháp thì Thái Hiền trở thành giọng nữ chính của ban nhạc. Và cô nhanh chóng trở thành một ngôi sao ở độ tuổi thiếu niên nhờ những bài Bé Ca, Nữ Ca và sau này là Thiền Ca, Đạo Ca được bố là nhạc sĩ Phạm Duy viết riêng cho giọng hát của mình.
Khi bắt đầu được yêu mến với Nữ ca, những bài hát cho tuổi mới lớn, là lúc cô rời Việt Nam theo cha.

THÂN PHẬN CA – Thơ Khê Kinh Kha

 
 


tôi là người Việt Nam
mang giòng máu Tiên Rồng
quê quán đất Hà Tĩnh
 
đất nghèo như cỏ rơm
sinh ra chưa kịp khóc
đã cất bước lên đường
mẹ cha đùm chiếu rách
sông núi dựng hồn thiêng
 
Trường Sơn xanh lá biếc
sông Hương chảy vào lòng
tiếng chuông vang tuổi mộng
sóng vỗ tình non sông
 
bãi cát dài Đà Nẳng
trăng sáng giữa Nha Trang
mộng reo thông Đà-Lạt
tình thấm nước Cửu Long
 
tôi lớn lên vội vã
lớn lên trong đạn bom
từng tuổi đời héo úa
hồn đầy bao vết thương
 
bạn bè bao nhiêu đứa
tình nồng chưa dám tỏ
mộng đời chưa đầy tay
sách vở buồn khép lại
bao thằng đã ra đi
máu xương lạnh lòng đất
bao đứa còn nơi đây
tương lai như lá bay
 
tôi lớn lên vội vã
nhìn quê hương sụp đổ
nhìn quê hương điêu tàn
dân tôi nấc từng cơn
nuốt trôi nghìn gian khổ
lệ nhiều hơn lúa mạ
quê hương buồn ai hay
buồn như tiếng thở dài
mình me trong đêm vắng
trong đêm dài cô quạnh
trong đêm hồn rưng rưng
trong đêm hồn rưng rưng
 
tôi lớn lên vội vã
trong bom đạn chiến tranh
kinh kha hề nuôi chí
kinh kha hề tráng sĩ
từng ngày hề từng ngày
nỗi lòng này ai hay ?
 
tôi lớn lên vội vã
nhìn quê hương tan rã
bao phận người lưu vong
bao phận người lênh đênh
bao nhiêu xác chôn vùi
vào lòng biển mênh mông
em ơi, anh ơi, mẹ ơi
vào lòng biển mênh mông
cha ơi, con ơi, mình ơi
vào lòng biển mênh mông
vào lòng biển mênh mông
 
tôi là người Việt Nam
ngàn năm vẫn Việt Nam
máu tôi vẫn Tiên Rồng
màu lúa chín màu da
mộng ta mộng kinh kha
trôi trong kiếp lưu đày
trên mảnh đất mượn vay
ai tan vỡ mảnh hồn
oà khóc theo tháng năm
 
Việt Nam ơi Việt Nam
sao gọi hoài chưa hết
Việt Nam ơi ! Việt Nam hỡi
xin gọi mãi trong đời
ta còn đây, còn đây
một màu da lúa chín
một trái tim câm nín
một giòng máu Rồng Tiên
 
một trang sử bắt đầu
cho bao triệu con tim
 
           Mass 5/10/75
           khê kinh kha

THƠ HAIKU CỦA TRẦN MAI NGÂN


  

 
HAIKU CHÀO THÁNG 11
 
Gió thổi bay đi
Đám mây màu xám
Hoa Cải trắng cười…
 
Trần Mai Ngân

CẮC CỚ. TÌNH ĐỜI THƯỜNG – Thơ Chu Vương Miện


   


CẮC CỚ
 
có ai? cắc cớ hỏi rằng?
tại sao? cây ngô đồng không trồng mà mọc?
thì cũng có người trả lời
rằng “tại sao con ghế khóc?”
cũng như có nhiều người làm thơ
làm ra không ai đọc?
có người mang đi cất
có người quăng thùng rác?
người ta giả vàng lá [không ai giả bạc?]
đồng giả là đồng thau
người ta hiện diện cõi này
để dối lừa nhau?
cho vui buồn đỡ nhàm đỡ chán?
nói đuờng vòng quanh co rồi nói nhảm?
giống cây ngô đồng
4 mùa dướí nắng?
 

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2024

HẾT THÁNG MƯỜI – Trần Vấn Lệ



Còn chỉ ba ngày nữa là chấm dứt tháng Mười.  Cái tháng "bất phùng thời" nên không ai muốn nhắc... Rồi tháng Mười Một chắc sẽ có nhiều tâm tư?  Cuối năm mà ước mơ của nhiều người hóa bọt!...  Biển nào chứa nước ngọt, họa chăng chỉ Biển Hồ của Cambodia, Tàu gọi Cam Phổ Địa!
 
Chế Lan Viên có lý:  "Tôi có chờ đâu, có đợi đâu!  Mang chi Xuân đến gợi thêm sầu?  Với tôi, tất cả đều vô nghĩa, tất cả không ngoài nghĩa Khổ Đau!".  Tất cả là chiêm bao...Nửa Thế Kỷ bèo bọt!  Tháng Mười coi trớt qướt!  Một hay Chạp... vậy thôi.  Mây trắng ngàn năm trôi, hạc vàng bay là biệt! (*)
 
Những "đồng bào" người Việt gặp nhau hết thấy mừng... Tất cả thành người dưng.  Năm mươi năm gió thoảng... Đời sống chỉ một thoáng!  Một thoáng là đời người!  Phúc-Lộc-Thọ câu chúc của Tàu họ viết ra thành chữ treo trước một dãy phố... thành ngôi chợ Viêt Nam!   Ai còn nhớ Quê Hương thì vào đây đứng ngắm cái bình nhang khói đậm bay mờ những cửa gương!  Ai còn nhớ Quê Hương?  Hỏi cháu con, không nói!
 
Tháng Mười bao nhiêu đợi bay qua một cái vèo...  Mùa Xuân ở Cheo Reo, mùa Xuân ở Phú Bổn... Đó có là phương hướng mình ngó về Trường Sơn?  Trại tù sáng chiều sương, tù tàn binh giụi mắt.  Cái gì cũng xa lắc từ lời hứa "anh em".  Mỹ Ngữ dùng nhem thèm:  Độc Lập Tự Do trên hết...
 
Ba ngày nữa, ngơ ngác:  Bao Giờ Tới Tháng Mười?  Hỏi chi để ngậm ngùi?  Tháng Mười... Tháng Ảo Tưởng!   Bão Trà My một hướng, hai câu Ôn Như Hầu:  "Tiếc thay một đóa Trà My, con ong đã thuộc đường đi lối về...". Khổ lắm!  Biết rồi!  Nói mãi! (**)
 
                                                                                       Trần Vấn Lệ
 
(*) Cổ Thi:  Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản, bạch vân thiên tải không du du...
(**) Câu văn bất hủ của Vũ Trọng Phụng, tác giả Số Đỏ, Làm Đĩ... có tên đường ngay tại Hà Nội... từ năm 1975...

NƯỚC MẮT CỦA EM - CaDao



Cúc Hương là một đứa con gái lì lợm!
Tiếng trống trường vang lên báo hiệu giờ truy bài bắt đầu.  Ngập ngừng, Cúc Hương liếc nhìn mẹ. Rồi không chịu nổi ánh mắt như van nài, nó quay người bước nhanh vào sân trường.
Cô Nguyệt đã có mặt trên lớp. Cô đang hướng dẫn cho một số đứa làm mấy bài cảm thụ văn học. Cúc Hương lầm lì đi thẳng vào chỗ ngồi. Mới đến lớp có hai ngày, nó không ưa cô giáo mới cũng như những đứa bạn thành phố đang ngồi học trong lớp này. Nó ghét tất cả mọi điều đang diễn ra. Ghét cả những đổi thay về mặt tâm sinh lý của nó. Cúc Hương chẳng nói gì với mẹ mình.
Nó sợ những giọt nước mắt của bà lắm!
 

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2024

TÔ CANH HẸ - Vũ Thế Thành



Một chuyện kể hàng tuần mà tôi học trong sách “Tập đọc lớp Năm” (lớp 1 bây giờ) là truyện “Tô canh hẹ”, đại khái thế này:
Một người bị tội phải giam trong ngục. Lính gác đưa vào cho người tù tô canh hẹ. Anh ta cầm tô canh nức nở khóc. Lính hỏi vì sao, người tù trả lời, ở nhà tôi thích canh hẹ, mẹ tôi thường nấu cho tôi ăn. Nhìn tô canh hẹ này, tôi chắc mẹ tôi lặn lội đường xa nấu canh đến thăm nuôi tôi. Tôi chưa báo hiếu ngày nào, lại để mẹ khổ cực vì tôi thế này, nên tôi khóc.
 

BAO LA, MƯỢN HỒN, QUA ĐƯỜNG, BA MƯƠI NĂM, DỞ DANG – Thơ Chu Vương Miện


   


BAO LA
 
Người bệnh nằm 1 chỗ
trên đầu là chai nước
ngang hông là ấm trà
vợ đi làm mờ sáng
con trai đi học xa
mắt lim dim thiếu ngủ
quay ngang ngửa vật vờ
tuổi già thêm mệt mỏi
bằng hữu cũng giả lơ
như rong bèo vớ vẩn
trôi trôi chả bến bờ
đứng lên rồi ngồi xuống
cũng chỉ mỗi mình ta
nhớ mẹ già em dại
lếch thếch 1 phương nhà
bao chuyến tàu chuyển bánh
để lại mấy sân ga
ta lữ hành tơí trễ
chờ lâu lại trở về
nhìn qua khung cửa sổ
mây hồng vội vã qua
cầm ly nước ngại uống
trùng dương nào bao xa
 

THƠ ĐƯỜNG LUẬT MÙA THU CỦA VŨ HOÀNG CHƯƠNG - Nguyễn Lam Điền



Gặp một loạt tám bài thơ luật của Vũ Hoàng Chương, thơ hay chấn động, lại là thơ của mùa thu. Vì dường như tám bài này chưa được đưa vào sách, nên bèn làm siêng gõ ra đây để xem như là tư liệu.
Nhưng thưởng thức mới là chuyện chính!
Tám bài ngẫu chiếm
 
I.
Lòng còn sương khói tiễn đưa ai
Bỗng một cành khoe hạt ngọc cài
Vườn ấy lạnh đang vào tháng chín
Kiếp nào tu đã tới hoa mai?
Giấc mơ hồ điệp chờ in bóng
Khóm cúc trùng dương hẹn sánh vai
trở gót nghe như vàng hỏi đá
Bạch vương Thanh hữu có là hai?
 
II.
Tận đáy trời Thu vạn trượng sâu
Bóng hoa vượt khói đã lên lầu
Trắng bao đêm những mơ về đó
Thoảng chút hương là nhận được nhau
Chim Thúy vũ bay hồn tưởng dứt
Sáo Giang thành rụng vết còn đau
Ai hay một kiếp hai lần nở
Ngà ngọc như in giấc mộng đầu.
 
III.
Ai còn ai mất ai đi xa
Trùng cửu thơ trao lần thứ ba
Đất mượn trời vay chưa trắng nợ
Quỳnh đơn mai kép vẫn tươi hoa
Cùng đưa cảm hứng này lên vút
Đâu để thời  gian ấy vượt qua
Gió nổi, Thơ đang về tới điểm
Bóng ai soi cũng thấy hình ta.

KIM VĂN, CỖ VĂN - Vũ Thế Thành



Chương trình Việt Văn bậc trung học ở miền Nam có hai phần: Kim văn và Cổ văn.

Kim Văn học các trích đoạn từ các tiểu thuyết trong giai đoạn 1930 đến những năm 50, với vài tác giả mà tôi còn nhớ: Thanh Tịnh (Tôi đi học), Nguyên Hồng (Bỉ vỏ), Trần Tiêu (Con trâu), Bùi Hiển (Nằm vạ), Tô Hoài (Dế mèn phiêu lưu ký), Khái Hưng, Thạch Lam, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng,… Có những câu văn đến giờ tôi vẫn nhớ vì quá ấn tượng, chẳng hạn “Chị Doãn là một người đàn bà có cái nhan sắc của một đàn ông không đẹp giai.” (Vũ Trọng Phụng).
 
Nhưng tôi thích cổ văn hơn, vì đa số là thơ có vần có điệu, lại được biết thêm nhiều điển tích, thấy hay hay.
Chẳng hạn lớp đệ thất (lớp 6), học Nhị Thập Tứ Hiếu của Lý Văn Phức diễn thơ, bài nói về thầy Tử Lộ có câu “…Đức cù lao chạnh tới càng đau”, tôi mới biết “cù lao” là công ơn dưỡng dục của cha mẹ, chứ không phải là đảo nhỏ trên sông.
 

NHẠC SĨ TUẤN KHANH CỦA “CHIẾC LÁ CUỐI CÙNG” BÂY GIỜ RA SAO” - Câu Chuyện Âm Nhạc



Tuấn Khanh tên khai sinh là Trần Trọng Ngọc. Ông sinh ngày 10-12-1933 tại Nam Định. Vào năm 1950, gia đình ông về Hà Nội. Lúc ấy, Tuấn Khanh đã 17 tuổi. Mê âm nhạc từ nhỏ, Tuấn Khanh được người anh cả là Trần Trọng Tuấn dạy chơi violin. Sau đó, học thầy Nguyễn Văn Diệp (vốn là học sinh trường "Pháp quốc Viễn đông âm nhạc viện" từ năm 1927). Từ thầy Diệp, Tuấn Khanh lại được học thầy người Pháp tên là De Haut. Khi thầy về Pháp thì Tuấn Khanh lại được giới thiệu học thầy Rits. Tuy học violin nhưng Tuấn Khanh lại có cả giọng hát bẩm sinh khá hay. Nhân kỳ thi giọng hát hay do Đài Pháp - Á tổ chức năm 1953, Tuấn Khanh (khi ấy vẫn tên là Trần Trọng Ngọc hay Trần Ngọc) đã đăng ký thi và đoạt giải nhì sau nữ ca sĩ Thanh Hằng (sau này là ca sĩ Lệ Hằng), "Tà áo xanh" của Đoàn Chuẩn và cũng là người tạo cảm hứng để Đoàn Chuẩn viết "Chiếc lá cuối cùng" của ông.
 

THÁNG MƯỜI NƯỚC MẮT AI ĐONG BAO NHIÊU LƯỢNG BẤY NHIÊU LÒNG VIỆT NAM – Trần Vấn Lệ



Khi chưa tới tháng Mười, người người đều hỏi:  "Bao giờ cho tới tháng Mười?".  Hỏi rồi cười.  Hỏi rồi khóc!  Một câu hỏi thôi sao mệt nhọc mệt nhoài?
 
Tháng nào chẳng tháng Mười"?  Tháng Bốn Bảy Lăm, thấy rồi, còn hỏi!  Con mắt mọc đuôi bởi vì nó biết nói!  Nhìn Mẹ, kia kìa, nhìn Cha kia kìa, nhìn em kia kìa...Đất Nước thời chia đôi, tình nào cũng chía cách!  Những viên gạch dính máu vỡ làm đôi, làm ba, làm bốn... Tháng Bốn mà, Giời ôi!
 
Ngày Mười tháng Mười năm 1954, Trần Dần tự dưng làm thơ, để đời một câu "thực tiễn"... như con én liệng sa trời mưa sa... "Tôi đi không thấy phố thấy nhà chỉ thấy mưa sa...".  Mắt của Mẹ già, buồn ơi, hun hút!
 
Tháng Mười có thật?  Tháng Mười giấc mơ?  Chiếc tàu há mồm nuốt bao sầu tủi!  Con đường tiếp nối, người đi người đi "từng đêm càng đông dần!".
 
Tháng Mười phân vân như dòng Bến Hải, nói đi nói lại:  " Con Sông Hiền Lương".  Tháng Mười bi thương, sao mong hoài vậy?  Trái tim bừng cháy chút lửa hy vọng, rồi thì mưa sa mưa sa...
 
" Lũ chúng ta
lạc loài dăm bảy đứa
bị Quê Hương ruồng bỏ
Giống Nòi khinh!".
 
Vũ Hoàng Chương ê mình làm thơ ê ẩm!
Tháng Mười ăn mắm... nó thấm về lâu!
 
Sáng nay tôi đứng bên lầu... hình như Ngưng Bích... xanh màu núi sông... Tháng Mười nước mắt ai đong?  Bao nhiêu lượng bấy nhiêu lòng Việt Nam!".
 
                                                                                      Trần Vấn Lệ

ÁO LỤA, EM [MỜ], GIÓ ĐƯA - Thơ Chu Vưong Miện


 


ÁO LỤA
 
ngày em áo lụa Hà Đông
ngày em váy ngắn mà không quên quần
nõn nà em hở đôi chân
đeo đôi guốc mộc phong vân mấy ngày
nhà quê trâu kéo cái cày
ngày nay ngươì vơí cái cày kéo nhau
gái ngoan kéo rốc sang Tàu
biên cương cửa khẩu Quảng Châu Loan à ?
vàng vòng của quí nhà ta
theo nhau sang tuốt xứ Hoa mua đồ
đem vàng đi đổ sông ngô
tay không về lại toàn tơ vơí mành
ngày xưa áo lụa Hà Đông
bây giờ sóng dậy Hải Nam mất rồi
còn chăng cái búa taì xồi
còn đây trơ mấy cái nồi đồng thau
 

THU XỨ NGƯỜI – Thơ Quang Tuyết


   

Mù sương sáng
Chiều âm u
Em như lạc giữa mùa thu xứ người
Gió lưng trời
Lá buông rời
Mây xô thành lũy hoa cười hắt hiu
Mặt người nhuộm nét cô liêu
Nghe thương nỗi nhớ yêu chiều nắng rơi
Giận ai
Sóng vỗ mạn đời
Buồn ai
Đàn vỡ cho người thương vay
 
                                           Quang Tuyết

MÙA QUA – Thơ Phan Quỳ


   
 
Mùa qua rồi mùa xa,
Mưa đầy trên kẽ lá,
Hắt hiu giọt nắng tà.
 
Ai mang tình thiết tha
Vào trong miền dĩ vãng
Ngỡ ngàng lên màu áo
Hồng, tím chỉ riêng ta.
 
Ai đem tình phôi pha
Giăng mắc đời vọng động
Vạt nắng vàng thuở nọ
Trôi dạt về phương xa ...
 
                    Phan Quỳ

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2024

TÌNH THU TÀN ÚA – Thơ Khê Kinh Kha


   

đêm qua gió lạnh qua thềm
vầng trăng ngủ mệt trên cành lá khô
mùa thu chợt đến bao giờ
trong tôi nỗi nhớ cũng vừa ngất say
tình xa, xa mãi chân trời
người xa, xa ngoài vòng tay ấm êm
sáng nay sương lạnh đầy cành
ngoài sân chiếc lá nghiêng mình buông lơi
mùa thu nào lá không rơi
nhớ nhung nào-không ngậm ngùi đau thương
đau thương như lá thu vàng
héo khô trong trái tim buồn lưu vong
 
thu này ngồi đếm mưa tuôn
mưa rơi nẻo vắng mà hồn giá băng
lá khô hay lòng khô cằn
mẹ già đâu nữa lệ con dâng tràn
người xưa tóc bạc ưu phiền
phố xưa lối cũ đoạn trường cưng ơi
 
đêm nghe tiếng gió thở dài
trăm năm thân thế phận người long đong
vầng trăng úa rụng sợi vàng
trong tôi ôi cũng úa tàn ước mơ
 
                                       Khê Kinh Kha