Tác
giả bài viết Nguyễn Thanh Ty
Ruộng
Dâu Hóa Thành Biển Xanh, Tháng Tư, Bảy Lăm....
Những lời hứa hẹn đinh ninh trong lòng chúng tôi tưởng
chừng thực hiện không có gì khó khăn. Một vé xe đò, một vé máy bay hay cà rịch,
cà tang một chuyến xe lửa là chúng tôi có thể gặp nhau, tha hồ mà bù khú ít
ngày. Ấy vậy mà lời hẹn ước đó đã không bao giờ có cơ hội thực hiện được.
Tháng tư năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm, thống nhất
hai miền Nam Bắc. Hòa bình đã lập lại sau hơn ba mươi năm trả giá bằng núi
xương, sông máu. Hòa bình đã trở về với dân tộc Việt Nam.
Dân chúng Miền Nam cùng nhau đổ ra đường vẫy cờ, reo mừng
đón chào đoàn quân chiến thắng đang dương oai, diệu võ trên đường. Họ hát vang
những bài ca "Giải phóng Miền
Nam" và nhất là bài "Nối
vòng tay lớn" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bài hát mà anh đã đem hết
tâm huyết viết nên để chờ cái ngày vinh quang hôm nay. Và cũng là cái ngày anh
hồ hởi, phấn khởi được hát vang lồng ngực, rộng mở hết các mạch máu con tim để
ca ngợi thành quả cách mạng trên các đài phát thanh Sài Gòn-Huế, khi "Tổng thống ba ngày" Dương văn
Minh tuyên bố buông súng đầu hàng. Anh đã toại nguyện.
Lời nhạc trong bài Nối
Vòng Tay Lớn được nhà cầm quyền Hà Nội minh họa bằng một bức tranh hòa bình
trong đó vẽ con chim bồ câu trắng, mỏ ngậm cành nguyệt quế, dang thẳng đôi cánh
bay lượn tự do giữa trời xanh, mắt liếc nhìn xuống một đám người, gần một triệu
quân, cán, chính đang "Nối vòng tay lớn, tay nọ nối tay kia bằng một sợi
dây dù cột chặt, đi vào trại Cải Tạo. Trong đó có tôi.
Để trở nên một công dân hữu ích cho xã hội mới, một xã
hội văn minh, tiến bộ, người không bóc lột người, một xã hội bình đẳng, không
có giàu nghèo, ai ai cũng được lao động như nhau, vì lao động là vinh quang,
tôi đã được đảng Cộng Sản giáo dục gần năm năm rưỡi, gột rửa sạch mọi tư tưởng
ăn bám xã hội trong tôi bấy lâu nay. Tháng sáu năm một ngàn chín trăm tám mươi
mốt (6/1981), tôi tốt nghiệp ra trường với một chứng chỉ chứng nhận, in ronéo
ba chữ to tướng: GIẤY RA TRẠI phía dưới có chữ ký và khuôn dấu Bộ Công An nhà
nước Xã hội Chủ Nghĩa hẳn hoi.
Nhờ thời gian trong trại, tôi đã thắm nhuần lý thuyết
chủ nghĩa Cộng Sản và thông thạo lao động thực tiễn, tôi đã trở thành con người
mới. Tôi thực sự trở thành con người mới. Tôi đã học được rất nhiều điều từ một
nền văn hóa, văn minh của Xã hội Chủ Nghĩa mà trước đây chế độ Giáo Dục miền
Nam rập khuôn theo đế quốc không dạy cho tôi. Nền giáo dục đồi trụy ấy chỉ dạy
cho tôi trở thành một thầy giáo cả đời chỉ biết cầm phấn. Hôm nay tôi hãnh diện
mà khoe rằng, tôi đã biết chăn trâu, chăn bò, chăn heo (từ cơ bản này tôi có thể
trở thành nhà lãnh đạo đất nước trong tương lai). Biết thế nào là cuốc lật những
đám đất cằn cỗi bỏ hoang hơn ba mươi năm. Biết giá trị những củ lang, củ mì.
Bài học giá trị này đích thân Trung tá Hạnh, Trưởng trại A 30, truyền dạy cho
tôi với khẩu quyết:
Làm
ăn no đủ, nhờ củ với khoai,
Làm
ăn lai rai nhờ khoai với củ.
Cái ích lợi còn nhiều lắm, kể ra không xuể. Nền văn
hóa văn minh của Xã hội Chủ nghĩa thật tuyệt vời. Tiếc cho những ai bỏ chạy quá
sớm ra nước ngoài, không được hưởng ơn mưa móc của đảng Cộng Sản và Nhà nước và
nhất là không hưởng được chút sái của nền văn hóa đó. Tiếc thay!
Về nhà, với chứng chỉ tốt nghiệp trên tay, tôi được Hợp
tác xã Xây dựng thu dụng ngay với chức năng đạp xe ba gác chở xà bần đi đổ. Tôi
không bị bóc lột như trước kia làm thầy giáo. Tôi được trả lương xứng đáng với
công việc: sáu đồng một ngày. Mỗi tuần được hưởng một ngày nghỉ ngơi, không
lương. Tôi vô cùng sung sướng. Trên đường về tôi hân hoan trong lòng: Từ nay ta
thực sự đã thành một công dân trong một xã hội hết sức tốt đẹp mà ít nước nào
trên thế giới có được. Đó là "NƯỚC CÔNG HÒA XÃ HÔI CHỦ NGHĨA VIỆT
NAM". Và tôi cũng tính nhẩm một cách "lô-gic" trong đầu cách chi
tiêu với số lương ấy: Sáu đồng = Ly cà phê đen quốc doanh 2$ + Gói thuốc lá đen
Hoa Mai 4$. Cơm ngày hai bữa có má lo. Từ đó tôi an tâm hăng say, miệt mài lao
động cho đến ngày được phép rời đất nước thân yêu, để lên đường đi định cư ở nước
thứ ba.
Giã
Từ:
Tháng 11 năm 1991, tôi đem hết gia đình vào Sài Gòn để
chờ máy bay. Thời gian này, tôi gặp lại Lãng, Hinh, Tâm lùn và Sang. Lãng vẫn
tiếp tục dạy học vì anh không có "nợ máu; với nhân dân. Anh được chuyển
sang dạy cấp hai. Nay anh đã có vợ và hai con. Tâm cùng vợ bán sữa đậu nành sống
lây lất qua ngày. Tối hì hục xay đậu. Sáng hì hục đẩy xe ba gác ra chợ Bà Chiểu
bán. Sang cũng tốt nghiệp từ một trại Cải Tạo miền Nam, về vớ được một bà lỡ
thì, bán chuối ở chợ Ông Tạ. Ngày ngày phụ với vợ vác những quầy chuối bán từ đầu
chợ đến cuối chợ. Hinh cũng đã có vợ và một con. Phụ một chân sai vặt cho "ông bà bô" bán hàng trong một
quán cóc ở Gò Vấp, kiếm cơm ngày hai bữa.
Bạn
bè một thuở nay vừa gặp lại. Từ
trái sang phải: Nguyễn Văn Tâm, Nguyễn
Tiến Lãng,Nguyễn
Đức Hinh và Đỗ Danh Đạo.
Ảnh
chụp năm 2003
Trong một bữa nhậu chia tay cuối cùng gần cổng xe lửa
số 6 (bò bảy món Ánh Hồng xưa) thăm hỏi những bạn bè cũ còn lại được những ai,
thì được biết Đỗ Danh Đạo vượt biên, nay đang ở Tây Đức. Còn bao nhiêu thất tán
trong trận cuồng phong thổi vào Sài Gòn tháng tư, bảy lăm. Bấy lâu không gặp lại
một ai. Bữa ăn thật buồn. Tâm lùn cố pha trò nhưng vẫn không đánh tan nỗi u sầu
nặng trĩu trong lòng mọi người.
Đỗ
Danh Đạo, Trần Văn Ngọc - Hình chụp năm 2003
Lãng vẫn còn nói lắp:
- Thế... thế, trước khi rời khỏi Việt Nam, ông có định
đến thăm Trịnh Công Sơn lần chót không?
Mọi người lúc ấy mới chợt nhớ ra là mình còn một người
bạn tên là Trịnh công Sơn. Tôi hơi e ngại chuyện đến thăm. Sợ bị hiểu lầm dựa
hơi, nhờ cậy. Tôi kể lại chuyện gặp hai ông Trịnh ở Nha Trang năm 1970, Sơn
không thấy tôi hay không nhận tôi. Sang chép miệng:
- Đọc báo thấy nói ổng quen toàn những văn nghệ sĩ từ
cái thời Nhân văn Giai phẩm ngoài Bắc như Văn Cao, Phùng Quán, Hoàng Cầm...
không hà!
Sang lại chửi đổng:
- Mẹ! Thấy sang bắt quàng làm họ!
Hinh tiếp lời:
- Tôi có lần đến cà phê của anh ta. Chung quanh anh ta
lúc nào cũng có một đống bu quanh.
Tâm hỏi:
- Thế anh ta có nhìn thấy ông không?
Hinh tặc lưỡi:
- Anh ta lúc nào cũng bận tíu tít với cái đám bung
xung thì làm gì có thì giờ nhìn thấy tôi!
Tâm phấn khích quay sang tôi:
- Ngày mốt ông lên máy bay hả? Được rồi, trưa mai 12giờ,
dẹp hàng xong, tôi chở ông lên chỗ ông Sơn ở, ông vào xem thử ra sao! Bây giờ
Nhà nước cấp cho ông ta một cái vi-la to lắm không biết của ai chạy bỏ lại. Mẹ!
Không biết làm đến chức gì mà ngon thế? Tâm lại chửi đời. Các bạn xúm nhau mỗi
người một câu, xúi tôi đi thử:
- Ông cứ đi thử cho biết tình đời! Chết thằng tây đen
nào mà sợ!
Trưa hôm sau, Tâm chạy chiếc xe Honda cà tàng, xành xạch
chở tôi đến vi-la của Sơn đang ở. Tâm dừng xe bên kia đường chói chang nắng gắt
giữa trưa, bảo tôi qua bấm chuông. Căn biệt thự có tường vây cao quá đầu bao bọc.
Dọc bên trong có trồng trúc kiểng cao quá tường. Tôi bấm chuông. Cánh cửa sắt
hé mở. Dưới tàn một khóm trúc ngay cổng, hai thanh niên vạm vỡ đang ngồi nhâm nhi.
Chai Whisky vơi quá nửa. Một người hỏi tôi:
- Ông hỏi ai? Có việc gì?
- Tôi là bạn của ông Sơn lâu lắm rồi. Đến thăm thôi,
không có việc gì cả!
- A! Anh Sơn đang nghỉ trên lầu! Ông đứng đây chờ một
chút. Tôi lên thông báo rồi cho ông hay.
Anh ta bỏ ly rượu xuống bàn, bước vào nhà. Độ hai phút
trở ra nói:
- Anh Sơn đang mệt cần nghỉ ngơi, sáng giờ uống hơi
nhiều. Nếu ông cần gì, xin viết giấy để lại, chúng tôi sẽ trình với anh Sơn.
Nói xong anh ta xé trong tập sổ tay một tờ giấy con
đưa cho tôi và cây viết Bic. Tôi lưỡng lự không biết phải viết cái gì. Nhìn qua
bên kia đường thấy Tâm đang đưa tay quẹt mồ hôi trán, lòng tôi bất nhẫn. Tôi
lia ngay một hàng không nghĩ ngợi: "Anh
Sơn! Từ năm 1967 đến nay mới có dịp vào Sài Gòn. Ngày mai tôi sẽ lên máy bay đi
Hoa Kỳ, nên ghé thăm anh tí chút, nhưng không được gặp. Thôi, xin hẹn lại kiếp
sau". Đưa trả lại tờ giấy cho người bảo vệ, tôi quay lưng đi thẳng.
Trên đường về, Tâm hỏi:
- Sao? Không có Sơn à?
- Có! Nhưng tên bảo vệ nói là Sơn sáng nay uống rượu hơi
nhiều nên mệt, cần nghỉ ngơi. Hắn bảo tôi cần gì thì viết giấy để lại.
- Ông có viết không?
- Ban đầu tôi định không viết. Nhưng nhìn thấy ông đứng
ngoài nắng nhễ nhại mồ hôi, tôi đâm bực, viết đại một câu cho bỏ ghét. Bây giờ
nghĩ lại thấy cải lương quá!
- Câu gì mà cải lương?
- Xin hẹn lại kiếp sau!
Tâm cười ha hả:
- Thì đúng boong! Ông qua Mỹ rồi, làm gì có ngày về lại
Việt Nam để gặp lại nhau? Không là kiếp sau à!
Tâm lại hỏi:
- Ông có nghĩ rằng họ sẽ đưa tờ giấy đó cho ông Sơn
không?
- Không! Tôi nghĩ là không! Lúc tôi viết mấy chữ đó,
liếc mắt thấy nó nhếch mép cười. Tôi chắc rằng khi quay lưng đi, chúng nó sẽ vất
vào giỏ rác ngay. Vả lại, với chức quyền như Sơn hiện giờ thì ngày nào lại chẳng
có khối thằng đến xưng là bạn để cầu cạnh, lợi dụng. Họ bận tâm làm gì!
Tâm vẫn ức:
- Ông Sơn làm nhạc thì ăn cái dải gì mà cầu cạnh?
Tôi phì cười vì cái ý nghĩ đơn giản của Tâm:
- Bán sữa đậu nành như ông, bán chuối lề đường như ông
Sang thì không cần. Nhưng ông viết văn, làm nhạc thì phải khom lưng cười cầu
tài đó!
- Sao ông biết?
- Tôi không biết ông Sơn đang nắm giữ chức vụ gì,
nhưng cứ suy đoán thì thấy ngay. Này nhé! Cứ đem so sánh với những tay một đời
theo đảng, mấy ai đã được ân sũng như thế? Vi-la này! Những hai bảo vệ này! Còn
vô khối bổng lộc ngõ trước, ngõ sau thì đủ biết Sơn đang giữ chức vụ lớn và
quan trọng lắm.
- Mới tới đây có mấy phút mà nghe ông nói như thánh
nói!
- Cần gì phải thánh mới biết! Cứ nhìn đầy tớ gác cổng
mà uống whisky thì biết ngay đời sống của thầy!
Sáng hôm sau, một ngày cuối tháng 11 năm 1991, tôi bước
chân lên máy bay, gạt nước mắt giã từ quê hương yêu dấu để đến một đất nước xa
lạ, nhưng có tự do. Ở đó con người mới có cuộc sống thực sự của con người.
Mấy
Lời Kết:
Trịnh Công Sơn giờ đã xuôi tay, giã từ cuộc đời, sau
hơn bốn mươi năm ngụp lặn trong danh lợi như tất cả những ai sống trên cõi đời
này. Chết là hết. Ngẫm câu "Thế sự
du du nại lão hà" mà ngao ngán.
Cũng may, trong thời gian tôi bị cải tạo, gia đình tôi
còn cất dấu được tập hồ sơ công vụ của tôi và một ít hình ảnh kỷ niệm ở Bảo Lộc,
tôi mới ghi lại được những tài liệu chính xác về ngày, tháng, năm về một quãng
đời có dính dáng đến Trịnh công Sơn dạy học ở đây. Nếu không thì chắc chắn, khi
mới đọc qua tiêu đề "Về một quãng đời...."
sẽ có người kêu lên ngay rằng- "Lại
thêm một thằng nữa nhảy ra xưng là bạn của Trịnh Công Sơn. Cái loại này bây giờ
ở đâu lòi ra nhiều quá. Xúc đổ đi không hết! Đời chó thật!".
Nay, nhân đọc mấy bài báo nói về họ Trịnh, gọi là tưởng
niệm, thấy hai phe khen và chê có những điểm không đúng về con người đời thường
của Trịnh Công Sơn và cũng do sự thúc đẩy của bạn bè, lần đầu tiên tôi tập cầm
bút viết lên những lời thô thiển, nhớ sao viết vậy, không văn vẻ. Mong được lượng
thứ.
Nhìn lại những tấm hình chụp bốn chúng tôi khi ở chung
với nhau trong ngôi nhà của bà Trần Thị Phi năm 1964, tôi không khỏi ngậm ngùi.
Nguyễn Văn Ba, Trịnh Công Sơn đã về với cát bụi. Nguyễn Hảo Tâm không biết giờ
này đã từ Ấn Độ về chưa? Còn tôi, làm thân lưu lạc xứ người, không biết bao giờ
mới trở lại quê hương.
Từ
trái sang phải: Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Thanh Ty (tác giả bài viết), Đỗ Danh
Đạo, và Trịnh Công Sơn.
Ảnh
chụp tại nhà bà Phi - chủ nhà cho thuê - năm 1964.
Nhìn nét mặt bốn người thuở hai bốn, hai sáu, trẻ
trung, hồn nhiên, vô tư thật dễ thương. Cái miệng Sơn cười rộng thoải mái, cái
vầng trán cao, đôi mắt hiền lúc nào cũng mơ màng, tạo nên khuôn mặt có nét dễ
thương, ưa nhìn. Có lần tôi đã nhận xét, Sơn hiền lành đến độ nhu nhược, nếu
không nói là hèn. Cái hiền đó bị người ta lợi dụng. Cái "thiên tài" của Sơn như con dao sắc, tự nó không làm hại
ai. Ai lợi dụng được Sơn thì xử dụng được con dao đó.
Khi ở Bảo Lộc, Sơn đã bị Hoàng Phủ Ngọc Tường lợi dụng
Sơn vào mưu đồ chính trị của mình để lập công với Cộng Sản tàn sát dân Huế Tết
Mậu Thân mà Sơn không hay biết cứ tưởng đó là lòng yêu nước. Sau về Sài Gòn,
trong thời gian trốn lính, Sơn bị hai người bạn "chí cốt" là Trịnh Cung và Đinh Cường lợi dụng sự nổi tiếng
của Sơn để ké chút hào quang. Chắc chắn hơn ai hết, hai ông Cung và Cường đều
biết Sơn đang đi vào con đường nào mà vẫn cứ bao che, biện hộ để hưởng sái. Sái
của cái danh hão!
Sau 75, Sơn càng bị nhà cầm quyền khai thác triệt để,
như một trái chanh, "thiên tài"
của anh để phục vụ cho mưu lược chính trị. Có lúc Sơn phải than thở riêng với
vài bạn thân về hai chữ nên hay không "thỏa
hiệp". Cuối cùng không dám có dũng khí bứt ra khỏi vòng "kim cô" danh lợi.
Từ đó Sơn lún mãi vào "một cõi thiên đàng" hay "một cõi đi về?" để hưởng thụ những xa hoa đã một đời mơ
ước. Người trần mắt thịt mà! Đừng bắt Sơn phải làm thần thánh! Và Sơn đã toại
nguyện cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay.
Tôi và các bạn tôi, một thời ở Bảo Lộc, đối với Sơn,
chỉ là bạn đồng nghiệp trong một thời gian ngắn ba năm, nên là những kẻ vô
danh. Nhưng trong lòng chúng tôi luôn luôn vẫn dành cho anh một khoảng lớn chứa
hình ảnh và những tiếng hát của anh về những bản tình ca. Chúng tôi yêu mến anh
và bây giờ tình cảm đó vẫn còn nguyên vẹn.
Tôi tha thiết kêu gọi những ai đã từng lợi dụng Sơn,
xin hãy ngừng lại đi thôi. Hãy để Sơn yên nghỉ. Bởi vì Sơn không có ai là bạn cả.
Sơn đã có lần tự thán "rồi một hôm
chợt thấy hoang vu quanh mình".
Nhớ lại ngày Sơn đưa tôi tập bản thảo "Ca khúc da vàng" cho tôi xem.
Tôi đã nói: - Loại nhạc này nó không hợp với con người của ông... Hôm nay tôi
cũng sẽ nói:
- Ông Sơn à! Hơn sáu mươi năm qua, với nhạc sĩ Nguyễn
Văn Tý, người ta vẫn thích và vẫn hát "Dư
âm" chớ người ta không hát "Người
đi xây hồ Kẻ Gỗ" hoặc "Em
đi làm Tín dụng". Trường hợp ông cũng vậy. Ít nhất là có tôi. Đến nay
đã bốn mươi năm qua, tuổi đời hơn sáu chục, có những buổi chiều mưa rả rích
trên đất khách, quê người, tôi bỗng chợt lẩm nhẩm mấy câu "Chiều này còn mưa sao em không lại! Nhỡ mai trong cơn đau vùi làm
sao có nhau. Hằn lên nỗi đau! Bước chân xin em về mau!..." với một nỗi
xúc động nghẹn ngào. Chứ tôi không thể hát những lời trong "Em ra nông trường, Anh ra tiền tuyến". Cái loại nhạc đẻ
non bằng thuốc kích dục để đáp ứng nhu cầu chính trị giai đoạn mà ông đã đẻ ra
hằng loạt để trả nợ áo cơm nó sẽ chết yểu. Ông còn nhớ bài "Vui xây Ấp Chiến lược", ông sáng tác cấp tốc lúc học Sư
phạm để chúng tôi đi dạy thực tập không? Chúng tôi đã chê. Và ông đã để nó chết
ngay vừa mới lọt lòng.
- Ông Sơn! Bây giờ ông đã về nơi ông muốn. Bây giờ người
ta tha hồ tô son, vẽ phấn cuộc đời ông. Huyền thoại hóa cuộc đời ông. Mục đích
để làm gì? Để vinh danh ông chăng? Ca tụng ông chăng? Một phần nào đó thôi.
Thực chất vẫn là lợi dụng ông, lại là cái chết của ông
để quay phim, in nhạc, viết sách, làm thơ, làm băng về ông để... bán. Và hội thảo,
hội thoại, tưởng niệm, đúc tượng, thành lập Câu Lạc bộ v.v... thậm chí lợi dụng
tên ông trong các dịch vụ mua bán làm ăn như Cà phê Trịnh Công Sơn, Quán Trịnh Công Sơn...thật nhố nhăng. Chung
qui cũng một chữ: trục lợi.
Trước ông, lịch sử Việt Nam đã có biết bao "vĩ nhân" về văn cũng như võ
đã dày công dựng nước và giữ nước. Hỏi mấy ai được nhà nước tổ chức rầm rộ, ồn
ào như đám ma của ông không? Tôi nghĩ chẳng cần phải có câu trả lời. Bởi ông đã
có công gì cho đất nước ngoài mấy bản nhạc xu thời mà mọi người còn đang tranh
cãi? Nếu thực sự nó có giá trị lâu dài thì chỉ là cho cá nhân ông thôi. Lợi gì
cho đất nước! Bây giờ thực sự ông đã đứng ngoài vòng cương tỏa. Ông hãy nhìn lại
xem. Có phải quanh ông chỉ là đám nhặng xanh đang lăng xăng làm trò múa rối?
Riêng tôi, tôi vẫn thích và thương ông với con người
nghệ sĩ, bình dị, tự nhiên, hiền lành. Một thuở mà chúng tôi vẫn thường gọi ông
một cách thân thương: "Chàng nghệ sĩ
nhứt y nhứt quởn" *.
Ghi chú:
* Nhứt y nhứt quởn: Chỉ một bộ quần áo duy nhất.
Nguyễn Thanh Ty
Quincy,
mùa Đông năm 2001.
HẾT
Tác phẩm đã được in thành sách năm 2004, bán với giá
17 đô-la Mỹ một cuốn kể luôn cước phí.
Xin liên lạc với tác giả tại:
Nguyễn Thanh Ty
69 Edwin St. N. Quincy, MA. 02171 - USA
Phone: (617) 328- 9833
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét