Tác
giả bài viết Nguyễn Thanh Ty
Tháng sáu năm 1966, Tâm nhập ngũ. Sơn chuyển qua phòng
Tâm. Hai chúng tôi ở hai phòng riêng biệt. Trừ những lúc đi ăn cơm, uống cà
phê, chơi bi da chung với nhau, Sơn ở lì trong phòng. Sơn không còn thú ngồi
trước hiên nhà, chờ ngắm cô Ngà đi lễ mỗi buổi chiều với chiếc áo dài lụa màu mỡ
gà sáng lóa trong ánh nắng xiên khoai sắp tắt. Bây giờ chỉ còn tiếng chuông nhà
thờ quyện bước chân đi và gió chiều nhẹ đuổi theo, khẽ rung tà áo. Hai bên đường,
đám lau trắng đã nở hết bông chỉ còn lại những thân xương khô quắt chỉa lên trời.
Giáng sinh năm đó tôi cưới vợ và thuê căn lầu của nhà
may Tân Việt để ở. Sơn vẫn ở một mình trong căn nhà bà Phi. Mỗi buổi sáng đi dạy,
đi ngang nhà chúng tôi, thỉnh thoảng Sơn tạt vào xin vợ tôi ly sữa dằn bụng. Nhất
là những ngày cuối tháng. Bây giờ Sơn không còn tươi vui như xưa. Sơn mệt nhọc
trong dáng đi và nhiều suy tư, âu lo hằn trên vầng trán.
Chia
Tay:
Hè 1967. Chúng tôi đang mỗi người mỗi nơi nghỉ hè, bỗng
đồng loạt nhận được điện khẩn của Ty, nhắn lên gấp để nhận lệnh nhập ngũ. Phía
dưới bức điện chua thêm hàng chữ: "Nếu trình diện trễ hạn sẽ bị đưa ra trường
Hạ Sĩ quan Đồng Đế". Thế là không hẹn mà chúng tôi gặp nhau một ngày tại
Ty. Tay trái nhận lệnh tổng động viên, tay phải nhận phong bì lương, Ty ứng trước
một tháng để ăn đi đường. Không thấy Sơn đâu. Hỏi anh Thành, phát ngân viên,
anh cho biết:
- Sơn đã đến đây hôm qua nhận lệnh và lương đi rồi.
Tối hôm đó, chúng tôi gồm: Đạo, Hinh, Sang, Nghị, Bạch,
Tâm lùn, Ngọc (Lãng sốt rét và Thao què được miễn dịch) tụ tại nhà Nghị uống một
bữa thật say để chia tay. Ai cũng ví mình như Kinh Kha đang ở bờ sông Dịch, một
đi không trở lại. Chỉ tiếc không có ai là Cao Tiệm Ly thổi đưa khúc sáo lên đường.
Chúng tôi đang lúc ngà ngà, ôm nhau hát bài "Những
ngày xưa thân ái" của Phạm thế Mỹ. Cứ lặp đi, lặp lại điệp khúc..."Chỉ còn tay súng nhỏ, giữa rừng sâu
giết thù. Những ngày xưa thân ái xin gửi lại cho nhau..." Hát xong rồi
cùng nhau khóc. Khóc như trẻ thơ. Khóc tự nhiên không một chút xấu hổ.
Sáng hôm sau tỉnh dậy, chỉ còn lại vài mạng, say quá
chưa tỉnh nổi. Còn bao nhiêu thì đã đi rồi. Tôi ra bến xe. Nhìn lại quang cảnh
vẫn y như cũ. Không có gì thay đổi. Nhưng hôm nay sao thấy buồn quá đổi. Cái gì
cũng có vẻ xa vắng, bơ thờ. Khi xe chạy ngang bờ hồ, tôi thì thầm:
- Giã từ Bảo Lộc mến yêu! Biết bao giờ mới gặp lại
nhau!
Xe khuất dần, tôi cố ngoái đầu lại lần chót. Chỉ còn
thấy ngọn cây khô chết giữa hồ. Nước mắt tôi lại ứa ra.
Cuộc
Tái Ngộ Không Ngờ:
Năm một ngàn chín trăm bảy mươi, quân lực Việt Nam Cộng
Hòa, với kế hoạch "Bình Định và Xây
dựng nông thôn" lấy nông thôn bao vây rừng núi, Việt Cộng bị triệt đường
tiếp tế. Cán binh đói, đành lui về thế thủ. Cuộc chiến lắng dịu. Bộ Giáo Dục
cùng các bộ khác như Y tế, Công Chánh, Kinh Tế... đồng thanh kêu gào thiếu nhân
viên và xin Bộ Quốc Phòng trả lại người cho mình. Phó Tổng thống Trần văn Hương
phải can thiệp với chính phủ để trả lại nhân viên cho các Bộ. Nhưng bộ Quốc
phòng chỉ đồng ý với điều kiện tạm thời "biệt
phái". Hễ quân đội cần là "lôi"
đầu trở lại cầm súng. (Vì hai chữ "biệt
phái", sau tháng tư, bảy lăm chúng tôi bị đày đi lao cải mút mùa lệ thủy.
Có lẽ trong từ điển của Hà Nội hai chữ "biệt
phái" định nghĩa là làm mật vụ cho Mỹ chăng? Chúng tôi đều bị khép tội
làm C.I.A.).
Sau sự can thiệp, chúng tôi lần lượt trở về nhiệm sở
cũ với áo mũ, cân đai. Anh nào bây giờ cũng có trên cổ áo một bông mai vàng thắm.
Đi đứng chững chạc kiểu nhà binh, trông oai ra phết. Chúng tôi không ngờ lại có
ngày gặp được nhau đông đủ thế này. Từ khắp bốn vùng chiến thuật, hằng ngày đùa
với tử thần và súng đạn, chúng tôi vẫn còn nguyên vẹn, không một ai sứt mẻ. Vậy
mà năm xưa ra đi, ai cũng khẳng khái ngâm câu:
Túy
ngoạ sa trường quân mạc tiếu
Cổ
lai chinh chiến kỷ nhân hồi.
Những cuộc vui lại nối tiếp. Đậm đà hơn xưa. Chỉ thiếu
mỗi một Trịnh Công Sơn. Anh Thành cho biết:
- Mấy tuần sau ngày hạn trình diện, Nha Động viên có
điện lên Ty hỏi mấy lần về Sơn. Ty có điện trả lời cho Nha là Sơn đã ký nhận lệnh
nhập ngũ và chính thức rời nhiệm sở ngày...tháng...Như vậy Sơn đã thật sự trốn
lính.
Ông Thống đã về hưu. Ngôi trường Bảo An trên đồi ngày
xưa, giờ đây có một giáo viên Thượng tên K’Brí làm trưởng giáo.
Trong Ty Tiểu Học chỉ có một thay đổi nhỏ. Nhỏ mà lớn.
Còn lại mọi việc vẫn như cũ. Ông Lợi vẫn Ty trưởng. Ông Lương vẫn thanh tra.
Ông vẫn ngồi xếp hồ sơ ngay ngắn, từng tờ, từng tờ cho hết giờ hành chánh. Anh
Thành vẫn cùng ông Đạt phát lương. Cô Lan, "người
vợ không bao giờ cưới" của Nguyễn Văn Ba, buồn, chịu không nổi với những
kỷ niệm tình đầu ngày nào cũng chạm mặt, nên đã xin thuyên chuyển về Sài Gòn.
Cái thay đổi nhỏ mà lớn là chuyện một giáo viên người
Thượng, hiệu trưởng trường Cộng Đồng Thượng Bảo Lộc, bỗng chốc nhảy lên chức
Phó Tỉnh Trưởng. Số là, để chiêu dụ người Thượng Tây nguyên chống lại bọn FULRO
đang quấy phá miền cao nguyên, chính phủ lúc bấy giờ đặt thêm một bộ nữa chuyên
trách về vấn đề này gọi là Bộ Sắc Tộc. Mỗi tỉnh thuộc vùng cao phải có thêm một
ông Phó tỉnh người Sắc Tộc. Nhưng đào đâu ra người Thượng biết chút ít chữ
nghĩa? Nếu không là một trong những giáo viên Thượng? Thế là anh giáo viên K"Breo
nghiễm nhiên trở thành nhân vật quan trọng. Ngày xưa, mỗi lần đến Ty để lãnh
lương hay tiếp nhận công văn, khúm na, khúm núm. Ông Lợi thì cứ réo:
- Này K"Breo! Vào đây bảo!
Bây giờ thì K"Breo lúc nào cũng áo vest, cà vạt,
đi xe Jeep có tài xế lái. Bây giờ mỗi lần K"Breo đến Ty thì ông Lợi phải một
điều: - Dạ vâng! Hai điều: - Dạ vâng! Thưa ông Phó phải ạ!
Khi K"Breo vừa ra khỏi cửa Ty, anh Thành rít một
hơi dài thuốc lào, móp sâu hai má, ngữa mặt nhả khói lên trần nhà xong, buông một
câu gọn lõn:
- Đéo mẹ đời!
Ông Lợi ngồi trong văn phòng cười nhếch mép, tay gõ gõ
ống vố vào gạt tàn.
Trịnh
Công Sơn và Tình Bè Bạn....
Sau một tuần, anh em lục tục lên đủ mặt.
Bữa tiệc tẩy trần thật tưng bừng. Chúng tôi thầu hết tầng
lầu trên của Câu Lạc bộ. Bây giờ thì ăn nói thoải mái, không còn phải e dè mấy
tên du đãng tép riu. Sau vài ly máy nóng, chúng tôi tha hồ kể "chuyện nhà binh". Chuyện khói
lửa bốn vùng chiến thuật nguội dần. Có anh sực nhớ tới Trịnh công Sơn, hỏi trống
không:
- Có ai biết anh chàng Sơn nhà mình bây giờ ở đâu, làm
gì không hè?
Hiện đáp:
- Tôi biết. Sơn bây giờ nổi tiếng lắm. Không những
trong nước mà cả thế giới cũng biết.
Bạch không tin:
- Thôi cha! Xạo vừa vừa thôi! Thằng chả trốn lính, làm
ăn gì được mà nổi tiếng!
Hiện vẫn bằng cái giọng rề rà bỡn cợt, nửa đùa nửa thật:
- Tôi làm việc ở cơ quan ninh quân đội, địa bàn Sài
Gòn - Chợ Lớn, nên biết một ít về ông Sơn nhà mình. Đầu tiên ông ta được một
tay có cở trong không quân che chở, cấp cho một cái thẻ "Chứng chỉ tại ngũ" chức vụ binh nhì lèo.
Có tiếng lao nhao:
- Ai vậy? Ai vậy? Ông biết không?
- Sao lại không! Đại Tá Lưu Kim Cương chớ ai vào đây nữa!
Cảnh sát biết thừa đi chứ. Nhưng không dám đụng vào ổ kiến lửa.
Hiện cười cười, tợp thêm một ngụm bia rồi tiếp:
- Sau tay này tịch. Cụ Sơn nhà mình bèn làm một bản nhạc
để tạ ơn người che chở mình. Bản nhạc có tên là "Cho một người nằm xuống".
Tín nhảy vô vòng chiến:
- Ông rề rà bỏ mẹ! Thế thì tôi hỏi ông nhé! Bao nhiêu
năm ông già Thống còng lưng dạy thế cho ông ấy, để ông ấy lo việc công danh của
mình, ông ấy có làm bản nhạc nào tên là "Cho
một người dạy thế" để tạ ơn ông Thống không?
Hiện vẫn đũng đỉnh:
- Ấy! Cái này thì tôi không biết. Nhưng ông Thống chưa
tịch thì làm gì có nhạc để tặng? Còn ông Sơn sẽ làm hay không thì có dịp gặp mặt
tôi sẽ hỏi lại rồi cho ông biết sau.
Tín thở hắt ra:
- Nói như ông chán bỏ mẹ!
Đạo sốt ruột:
- Sau khi Lưu Kim Cương chết rồi thì ai là cái ô dù của
ông Sơn?
- Cái ô dù hãy còn bé lắm. Phải nói là cây đa cổ thụ mới
đúng.
Nói tới đây, Hiện dừng lại, thong thả rót bia vào ly
mình một cách chậm rãi để bọt khỏi tràn miệng ly rồi nâng ly lên làm mấy tợp, mặc
cho bao nhiêu con mắt đang hau háu chờ đợi.
Nghị nóng nảy văng tục:
- Mẹ! Cứ vờ vịt! Ông đấm buồi vào!
Hiện khà một tiếng sảng khoái, đưa tay chùi mép rồi mới
tiếp:
- Cây đa cổ thụ là tướng Nguyễn Cao Kỳ, Chủ tịch Ủy
ban Hành pháp Trung ương đấy.
- À ra thế đấy! Nhiều tiếng xì xào.
Lãng từ đầu đến giờ vẫn ngồi im lặng nhâm nhi ly bia lắng
nghe anh em kể chuyện "đường xa xứ lạ"
thích lắm vì không được cái "hân hạnh",
"Tòng quân giết giặc" để "Dong
vó ngựa trên đường chinh chiến", bây giờ mới lên tiếng:
- Moa...moa thì "mo
phú" tay nào che chở cho ông Sơn. Việc bắt ông Sơn là việc của mấy ông
"cớm". Moa... moa thì moa bực
cái ông Sơn nhà mình. Bực lắm cơ. Moa có mua mấy tập nhạc của ông ấy khi mới xuất
bản. Tập nào cũng ghi tiểu sử có đủ thứ trên đời mà không thấy tập nào ghi lấy
một dòng như "dạy học tại Bảo Lộc từ
năm 1964 đến 1967" họặc "Học
Sư phạm Qui Nhơn" chẳng hạn.
Moa bực là nghĩ: Chẳng lẽ ông ta có mặc cảm xấu hổ với
nghề dạy học chăng?
Võ Đôn Thao cười hề hề, rút cây Paker trong túi áo ra,
lấy một tờ giấy lau tay, tính toán một lúc rồi nói:
- Nè! Mấy ông nín hết đi. Nghe tôi công bố một con số
kinh khủng về ông Sơn.
Mọi người nghe Thao nói, lấy làm tò mò. Tất cả đều im
lặng chờ. Thao hắng giọng:
- Này nhé! Cứ lấy đổ đồng lương ổng là 5.200 đồng một
tháng, nhân lên ba năm. Tức là ba mươi sáu tháng. Vị chi là 187.200 đồng. Gạo
ba đồng một ký. Ổng đã ăn hết 62.400 ký lô gạo Quốc Gia trong ba năm. Ghê chưa!
Nghị cà khịa:
- Ăn gạo được rồi! Bày đặt văn vẻ thêm hai chữ Quốc
Gia sau đuôi! Khéo vẽ!
Thao phản đối:
- Tôi chưa nói hết ý, sao ông lại kê tủ đứng trong họng
tôi?
Nghị cười há há:
- Chứ không phải sao?
- Phải làm sao được! Thao cương quyết.
Lãng chen vô can:
- Thì... thì để ông Thao nói hết đã, hẳn hay.
- Ừ, thì nói hết đi xem nào! Nghị đấu dịu.
Bây giờ Thao mới tủm tỉm cười:
- Sỡ dĩ tôi phải nói ăn cơm Quốc Gia là vì ông ấy thờ
ma Cộng Sản. Ổng lãnh lương Quốc Gia, dùng thì giờ dạy học để làm nhạc có lợi
cho Việt Cộng.
Lãng có vẽ không tán thành quan điểm đó:
- Cái đó thì chưa có gì rõ rệt để kết luận ông Sơn
theo Cộng Sản. Nhưng tôi cứ bực ông Sơn. Bao nhiêu năm nhờ ông Lợi khoan dung
mà không một lời ơn nghĩa.
Thao vẫn thẳng thừng khẳng định:
- Mấy ông sống ở Sài Gòn làm gì biết Cộng Sản ra sao
mà nói! Gia đình tôi nè! Nhiều đời sống ở Phú Yên. Cái đất Phú Yên là cái ổ của
Việt Cộng. Các ông đã từng nghe bốn chữ Nam, Ngãi, Bình, Phú chưa? Đó là bốn
cái "nôi" của "cách mạng" tức bốn cái ổ của Việt Cộng đó.
Đạo thơ ngây hỏi lại:
- Ông nói bốn chữ Nam, Ngãi, Bình, Phú nó là nghĩa gì
vậy?
Thao cười ngất:
- Ông là giáo viên mà không biết bốn chữ đó làm sao dạy
địa lý, sử ký cho học trò?
Đạo đỏ mặt ngồi im. Được thể, Thao hăng lên:
- Đó là bốn tỉnh miền trung gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi,
Bình Định và Phú Yên. Dân ở đó, phải nói là nhà nào cũng có chồng hoặc con đi tập
kết tức là theo Cộng Sản. Trừ một ít ở thành phố mới không. Nên dân tụi tôi
rành sáu câu. Anh nào mở miệng ra có mùi Cộng Sản là biết liền.
Đỗ
Danh Đạo từ Đức về thăm lại bạn bè. Nguyễn
Tiến Lãng và Đỗ Danh Đạo - Ảnh chụp năm 2003
Tâm mập bây giờ mới lên tiếng:
- Tôi dạy ở trường Chiến tranh Chính trị Đà Lạt cũng
có lúc đem vấn đề này ra tranh cãi, chưa ngã ngũ đâu vào đâu. Nhưng các đài
phát thanh cứ phát nhạc của họ Trịnh, nhất là đài quân đội mới chết chứ.
Thấy không khí càng lúc càng căng, Bạch chuyển đề tài:
- Thôi! Dẹp ba cái vụ cộng, trừ đó đi. Dô một cái "chăm phần chăm" đi. Nào dô!
Mọi người đồng loạt giơ cao ly: Dô! Dô!
Tiếng cười nói lại xôn xao, náo nhiệt. Sực nhớ ra điều
gì, Tín vùng nói lớn giữa tiếng ồn ào:
- Này các cụ! Còn em bé Đỗ thị Nghiên "cúng"
cây đàn ghi ta cho ông Sơn ba năm có được xơ múi gì không?
Đạo là người rời Bảo Lộc sau cùng nên biết chuyện này,
đáp ngay:
- Em Nghiên trước khi theo chồng về Huế có đến đòi lại
cây đàn. Cũng còn may! Nếu không thì ông Sơn cũng đã quên.
Tín quay sang tôi móc lò:
- Còn ông mãnh này! Ăn cùng mâm, nằm cùng chiếu ba năm
trời có được xơ múi gì không?
Tôi thật thà trả lời:
- Có! Hồi đầu tiên Sơn có tặng cho tôi và ông Lợi, mỗi
người một bản "Chiều Một Mình Qua Phố".
Tín vặn:
- Bấy nhiêu thôi à! Thế mấy tập Tình ca - Ca khúc da
vàng không tặng sao?
- Sơn nói nhà xuất bản cho ít quá nên không đủ tặng.
Hiện tiếp lời:
- Mấy ông đừng trách! Ông Sơn bây giờ bạn đông lắm, đếm
không hết. Ông ấy bây giờ đi đâu cũng có một đám bu quanh như nhặng xanh bu c.
ngựa vậy.
Anh chàng Sang ngồi im từ đầu đến cuối, bây giờ như
cóc mở miệng:
- Mấy cha cứ nói chuyện trên trời, dưới đất. Hồi còn ở
đây, ông Sơn đã dự đoán sau hai mươi năm nội chiến, những người còn lại đều là
một "lũ bội tình". Thì ông ấy
có chút bạc ơn với nghề dạy học và chút bạc nghĩa với những người bạn ở cái xứ
Thượng heo hút này cũng là chuyện nhỏ trong cuộc đời vĩ đại của ông ấy mà thôi.
Có đáng gì đâu mà nhắc tới!
Câu chuyện nhạt dần, không khí cũng lắng dần. Có lẽ mọi
người đã ngấm say. Lần đầu tiên trở lại Bảo Lộc, sau ba năm, tôi thấy anh Lãng
không còn đòi về trước để trùm mền và xoa dầu Nhị Thiên đường như xưa. Có lẽ
anh đã từ chức "ông Trùm" rồi chăng? Mừng cho anh.
Lại
Chia Tay:
Cuối niên khóa 1970, chúng tôi đồng loạt nộp đơn lên Bộ
Giáo Dục xin thuyên chuyển về nguyên quán. Trừ những anh phải lòng với ngươì đẹp
xứ sương mù thì ở lại làm rễ như Nguyễn Văn Chất cưới cô học trò năm xưa của
mình, hoa khôi Di Linh. Lâm Văn Rầm làm rễ hiệu trà Bạch Tượng, đối thủ của trà
Đỗ Hữu, nối nghiệp ướp, sấy, chế biến trà lài, trà sói...
Đầu niên học 1971, chúng tôi đều nhận được lệnh thuyên
chuyển theo đơn xin. Đó là nỗi vui mừng chung cho chúng tôi, nhưng cũng là nỗi
buồn riêng cho ông Ty Trưởng Lợi và bác Trạch, Hiệu trưởng trường Nam Bảo Lộc.
Hai ông buồn vì mất một lúc cả đám chúng tôi. Một đám trẻ năng động, vui nhộn
mà hai ông đã có một thời gian dài gắn bó như anh em, cha con trong một gia
đình. Hai ông sẽ không còn thời gian nữa để làm "một cuộc tình mới". Tóc hai ông đã bạc nhiều lắm rồi.
Ngày chia tay, cũng lại một bữa linh đình. Lần này
không phải hát "Những ngày xưa thân
ái" mà là những cái xiết tay rất chặt, rất lâu.
Những ánh mắt long lanh, những nụ cười rạng rỡ, những
lời hứa hẹn thắm thiết sẽ gặp lại nhau tại Sài Gòn, Nha Trang, Long An và tận
Phú Yên xa tít mù của Võ Đôn Thao.
Nguyễn Thanh Ty
*
Nguồn:
http://www.ninh-hoa.com/NguyenThanhTy-VeMotQuangDoiTCS-10H.htm
(Đón đọc tiếp kỳ 11)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét