BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2022

CHÙM THƠ “PHƯƠNG” CỦA LÊ VĂN TRUNG


   


PHƯƠNG LẠNH
 
Xin gửi về em lụa nắng vàng
Mùa đang phượng thắm trời phương Nam
Mây - Tôi xin dệt vuông khăn ấm
Và Lá - Tôi mềm mỗi bước chân
Ôi thương chiếc bóng chiều phương lạnh
Gió rối thơm từng sợi tóc bay
Tóc ơi có ấm bờ vai mỏng
Lòng tôi: đây nhé! Một vòng tay
Xin gửi về em màu phượng đỏ
Tô viền môi thắm nụ hồng hoa
Trăng lụa nguyên sơ hồn xuân nữ
Sỏi đá hình như cũng ngọc ngà
Sương nguyệt xin đừng thấm áo em
Cho tôi gửi sợi nắng ươm vàng
Mây - Tôi khăn ấm chiều phương lạnh
Mây nhuộm màu trăng thuở mới rằm.
 

PHƯƠNG NÀO?
 
Mùa qua rất vội
Nên người
Bỏ tôi
Ngồi
Giữa đất trời
Một tôi
Phương tôi
Lạc mấy
Phương người
                                                        
Phương nào là cõi là nơi tôi về
Phương nào là chốn tôi đi                                                               Mùa xưa trăng sáng trên đồi thu xa
Người một Phương
Cõi người ta
Tôi một Phương
Hỏi: Quê nhà? Hà Phương!
Người qua rất vội
Bên đường
Áo bay trong gió
Lá buồn
Rơi theo
Phương tôi
Chiều lặng
Phương chiều
Bóng mây còn đọng hắt hiu ráng vàng.
 
 
PHƯƠNG NGƯỜI
 
Có ai về lại phương trời cũ
Nhặt giúp giùm tôi sợi nắng vàng
Một thuở áo người phơi áo lụa
Hương chiều thoang thoảng buổi thu sang
 
Và khi ngồi lại bên thềm vắng
Ướm thử bàn chân lên dấu rêu
Để thấy ngày xanh qua quá vội
Hỏi người có tiếc tuổi xuân phai?
 
Và khi tay níu vào song cửa
Ngắm một vì sao sa cuối trời
Để thấy lòng xưa đang vẫy gọi
Một vầng trăng lạnh phía xa xôi
 
Ơi hỡi phương người PHƯƠNG VIỄN MỘNG
Có ai về gọi vói ngày xanh
Cho tôi gửi hết lòng nhung lụa
Trải xuống chiều thơ để tạ tình.
 
 
PHƯƠNG TÔI, PHƯƠNG NGƯỜI
 
Ở đây buổi chiều chừng phai nắng
Hình như phương người vừa giăng sương
Mà ngợp hồn tôi đầy mây trắng
Mây trắng hay lòng người bạch vân?
Hình như bóng người trôi qua ngõ
Hoa thuở vườn xanh bỗng chớm vàng
Hình như người qua không ngoái lại
Mà dấu chân người như sương tan
Phương tôi ngồi lại một mình tôi
Hình như bóng chiều không buồn rơi
Cứ nhuộm vào tôi màu tím úa
Và quyện vào người niềm phai phôi
Ô hay tôi nhìn tôi rất lạ
Hình như tôi không còn là tôi
Hình như trăm năm chừng ngắn quá
Tôi trôi, trôi muộn về phương người
Phương người ủ mưa hay giăng sương
Phương người lòng vui hay tình buồn
Tôi thấy phương người mây trắng quá
Mây trắng hay lòng tôi bạch vân?
 
21.10.19
 
 
PHƯƠNG XA
 
1.
Nghìn thu lả sợi tóc vàng
Em phơi áo lụa thắm hoàng hôn tôi
Áo bay ướp mật da ngời
Bờ xanh sương biếc mắt người hồ thu

2.
Về đi cho kịp lòng nhau
Rót lời vi diệu lên màu quỳnh hoa
Nở đi em đóa ngọc ngà
Đêm tình khai nhụy hương pha men nồng
Nở đi em đóa nguyệt hồng
Cho thơ sáng rỡ một vùng chiêm bao

3.
Về đi cho kịp nghìn sau
Đời chia muôn dặm chờ nhau buổi này
Trăm năm còn sợi tóc mây
Tay người thả sợi tóc bay cuối ngàn

4.
Về đi chiều đã sương tan
Lòng xưa đã nhuộm ráng vàng đồi tây
Rừng xa tiếng hạc gọi bầy
Về đi! Ta đợi cõi ngoài vô biên

5.
Nghìn thu lá đổ xa miền
Em về phơi áo bên thềm hoa xưa
Lòng tôi chừng cũng giao mùa
Nhớ màu áo thuở sen vừa dậy hương

6.
Chim nghiêng cánh gió về rừng
Tóc mây nghìn sợi sóng vàng lên thơ
Áo chiều mỏng quá như tơ
Mỏng như hương nhụy lòng vừa mãn khai

7.
Về đi
Biển rộng
Sông dài
Đèo cao
Lũng thấp
Sương mai
Gió chiều
Nghìn thu thuyền vẫn còn neo
Có người ngồi gõ nhịp theo sóng trào

8.
Về đi cho kịp nghìn sau
Mà lên chung một chuyến tàu hoàng hôn
Bờ lau bãi sậy bên cồn
Lòng nhau trắng xóa một hồn thu xa

9.
Nở đi em nụ quỳnh hoa
Hương xưa còn đượm đôi tà áo mây
Về đi kịp hội trăng này
Rót cho nhau cạn men say cuối cùng

10.
Ngàn thu xa
Áo ai vàng
Thả bay trong gió
Gió mang hương người
Ngàn thu xa
Áo da trời
Thả bay trong gió
Gió vời vợi hương

11.
Chờ nhau lạnh một dòng sương
Tìm nhau lạc mấy dặm đường chiêm bao
Áo hoa từ độ phai màu
Mà hương xưa mãi quyện vào trong thơ

12.
Thương dòng sông nhớ con đò
Thương con đò nhớ đôi bờ sóng xao
Rồi khi khăn vẫy tay chào
Người cuối sông, kẻ giang đầu nhớ nhau
 
                                          Lê Văn Trung

Không có nhận xét nào: