BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2022

VỀ 2 CHỮ "TE TẺ" TRONG BÀI THƠ "CHIỀU LẠ" – Đặng Xuân Xuyến


Tác giả bài viết Đặng Xuân Xuyến

Khi viết bài thơ CHIỀU LẠ, tâm trạng tôi lúc đấy lạ lắm: Có chút xốn xang, có chút bâng khuâng, có chút man mác buồn.... và cả nữa chút ngại ngùng mà vốn từ tôi biết ít ỏi quá, không tìm được từ nào diễn tả tâm trạng lạ lẫm như thế nên tôi đã dùng 2 chữ “te tẻ” để tạm diễn tả tâm trạng buổi chiều rất lạ đó, hoàn toàn không có ý sáng tạo ngôn từ gì cả.
 
CHIỀU LẠ
(Tặng LL)
 
Sợ đêm về
quẩn gió
xáo xác khuya
Cố vét vớt nắng chiều rơi trên lá
Chênh chao thể nụ cười nhòe áo lạ
Te tẻ chiều
nhớn nhác
nhón chân qua
 
Hà Nội, chiều 2 tháng 10-2016
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
 
Không ngờ chỉ vì 2 chữ “te tẻ” ngẫu hứng dùng mà có mấy cuộc “bút chiến” nho nhỏ đã sảy ra trên trang facebook cá nhân của mấy "bạn" văn chương.
 
Khi đọc những tranh luận của nhà thơ Phan Minh Châu (ngày 05 tháng 10 năm 2016) dưới bài viết của nhà phê bình văn học Châu Thạch về bài thơ "Chiều Lạ", ông cho rằng Đặng Xuân Xuyến "Chơi chữ kiểu này đọc chối lắm", "Chữ nghĩa gì lại mang tính đánh đố người đọc" "cố tình tạo ra cái mới mang tính phản cảm", "Vớ vẩn như vậy mà cũng gọi là thơ."... tôi thoáng buồn nhưng không hề giận vì đó là góc nhìn của nhà thơ Phan Minh Châu về bài thơ "Chiều lạ". Hơn nữa, bài thơ đã đăng công khai, khen chê là việc của bạn đọc, không nhà thơ Phan Minh Châu thì có thể sẽ có người khác chê điều a điều b về bài thơ, đúng thì tiếp thu rút kinh nghiệm, không đúng thì lấy đó làm răn... nên tôi không comment tranh luận.
 
Rồi ngày 07 tháng 10 năm 2016, dưới bài viết "Vài cảm nhận về nhà phê bình văn học Châu Thạch" của tác giả Vũ Thị Hương Mai, tôi lại được đọc những tranh luận "nảy lửa" của bạn đọc về 2 chữ "te tẻ". Lần này, "ấn tượng" với tôi là những comment của nhà thơ Nguyễn Lợi, ông lớn tiếng phê 2 chữ "te tẻ" là "quái dị", "tối nghĩa" và Đặng Xuân Xuyến lợi dụng "sáng tạo để mập mờ đánh lận con đen làm què quặt đi tiếng Việt."... Đọc những comment nặng nề vì áp đặt cực đoan như thế tôi thoáng nhẹ chút buồn nhưng cũng không comment tranh luận vì khen chê bài thơ là quyền của người đọc.
 
Sau đó một thời gian, tôi tổng hợp cảm nhận của bạn đọc về bài thơ "Chiều lạ" với tinh thần khách quan và cầu thị, gửi đăng ở mấy trang web văn nghệ với tiêu đề: "Bài thơ "Chiều lạ" của Đặng Xuân Xuyến và những cảm nhận" với chủ ý: Những tranh luận đó dù đúng hay sai cũng là những trao đổi thẳng, thật những góc nhìn về bài thơ của bạn đọc, về cách sử dụng câu chữ nên cân nhắc kỹ trước khi dùng.
 
                                                        Làng Đá, sáng 18 tháng 9-2022
                                                               ĐẶNG XUÂN XUYẾN

4 nhận xét:

Vũ Nho Ninh Bình nói...

GÓP LỜI VỀ 2 CHỮ TE TẺ
VŨ NHO
Chuyện này nhỏ thôi, không có gì đáng nói. Đáng nói lại là chuyện BÌNH LUẬN của hai nhà thơ.
Tác giả Đặng Xuân Xuyến đã nói cái tâm trạng chiều ấy là BUỒN. Tất nhiên còn xen lẫn những cảm giác khác nữa. Nhưng Buồn thì thường đi với Tẻ để nhấn mạnh buồn tẻ. Chữ TẺ cũng có nghĩa là buồn. Từ điển tiếng Việt 1992 của Viện Ngôn Ngữ, trang 888 giải thích : Tẻ: Buồn, chán do vắng vẻ.( hết trích). Buồn và thêm chán nữa.
TE TẺ có phải là từ viết bừa, làm hỏng tiếng Việt không?
Thưa rằng KHÔNG. Te tẻ chẳng qua là từ láy để tạo cảm giác tẻ, nhưng chỉ hơi hơi tẻ thôi. Chuyện này đúng quy tắc tạo từ láy trong tiếng Việt.
Chúng ta đã gặp từ lửng, láy thành lưng lửng. thoải thành thoai thoải.
Đèo cao cho suối ngập ngừng,
Nắng thoai thoải nắng, chiều lưng lửng chiều.
( Nguyễn Bính – Đường rừng chiều)
Rẻ, có thể láy thành re rẻ, khỏe - khoe khỏe, cái nghĩa gốc vẫn là RẺ, KHỎE. Quay lại tẻ thành te tẻ . Cái nghĩa gốc vẫn là TẺ!
Điều đáng nói là các nhà thơ góp ý đã quá nặng lời ( trong khi chỉ do cảm giác chủ quan, chắc gì đã đúng).
Bạn Đặng Xuân Xuyến dùng từ TE TẺ là chính xác , đúng quy luật tạo từ láy tiếng Việt.
Bài học ở đây là chúng ta góp ý với những gì “trái tai” mình thì nên thận trọng, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Bởi vì chưa chắc mình đã đúng mà nặng lời thế, đối tượng được góp ý sẽ khó chấp nhận. Người ngoài cũng thấy không ổn.
VN.

Bâng Khuâng nói...

TẺ: (tính từ) có nghĩa như sau:
- Quạnh hiu, không có gì vui.
- Buồn vì vắng người.
- Buồn, chán do vắng vẻ.
- Nhạt nhẽo, không có sức hấp dẫn, lôi cuốn

* Ta có những từ ghép:
Tẻ nhạt, tẻ ngắt, buồn tẻ

- Khi vui thì vỗ tay vào,
Đến khi tẻ ngắt thì nào thấy ai
(Ca dao)
- Tẻ, vui cũng một kiếp người,
Hồng nhan phải giống ở đời mãi ru!
(Kiều)
- Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao
(Kiều)
- Có người nói chuyện cho đỡ tẻ.
- Buổi liên hoan hơi tẻ.
- Vở kịch diễn tẻ quá.

* Ta có từ láy: te tẻ
“Te tẻ” là từ láy cả âm lẫn vần, có từ gốc là “tẻ”.
Từ láy “te tẻ” có ý nghĩa giảm nhẹ so với từ gốc “tẻ”, chỉ hơi hơi “tẻ” thôi.
Giống như các từ láy có ý nghĩa giảm nhẹ so với từ gốc khác như “trăng trắng, tim tím, đo đỏ, nhè nhẹ, chầm chậm, lành lạnh, tôi tối, nho nhỏ, buôn buốt...”
Vì vậy, từ ngữ “te tẻ” không có gì là “quái dị”, “tối nghĩa”, “vớ vẩn”, “chối”... như lời tranh luận của các bạn văn chương phê phán cả...

Vũ Nho Ninh Bình nói...

Tôi đồng ý với tác giả BÂNG KHUÂNG!
Khi mình nghe thấy, xem thấy trái tai thì nên có thái độ cầu thị, hỏi lại tác giả. Không nên vội vàng dựa vào sự hiểu biết còn hạn hẹp của mình mà nặng lời với người khác! Cụ Nguyễn Du viết MÀ TRONG LẼ PHẢI CÓ NGƯỜI CÓ TA!
Âu cũng là một bài học chung cho chúng ta!

Bâng Khuâng nói...

Ý kiến của bác Vũ Nho rất xác đáng !