BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2022

BÀI THƠ “BÁT NGUYỆT THẬP NGŨ NHẬT DẠ BỒN ĐÌNH VỌNG NGUYỆT” VÀ “VỌNG NGUYỆT HỮU CẢM” CỦA BẠCH CƯ DỊ - Đỗ Chiêu Đức



Bài thơ “BÁT NGUYỆT THẬP NGŨ NHẬT DẠ BỒN ĐÌNH VỌNG NGUYỆT”:
        
Bài thơ nầy được làm theo thể Cổ Phong vào đêm Trung Thu năm Đường Nguyên Hòa thứ 13818). Lúc bấy giờ Bạch Cư Dị vì dùng lời ngay thẳng can gián vua, mà xúc phạm đến những bậc quyền qúy đương thời, nên bị biếm làm Giang Châu Tư Mã ở đất Tầm Dương của xứ Giang Tây.
 
八月十五日夜湓亭望月 BÁT NGUYỆT THẬP NGŨ NHẬT  
                                          DẠ BỒN ĐÌNH VỌNG NGUYỆT
 
  昔年八月十五夜,      Tích niên bát nguyệt thập ngũ dạ,
  曲江池畔杏園邊。      Khúc Giang trì bạn Hạnh viên biên.
  今年八月十五夜,      Kim niên bát nguyệt thập ngũ dạ,
  湓浦沙頭水館前。      Bồn Phố sa đầu thủy quán tiền.
  西北望鄉何處是,      Tây bắc vọng hương hà xứ thị,
  東南見月幾回圓。      Đông nam kiến nguyệt kỷ hồi viên.
  臨風一嘆無人會,      Lâm phong nhất thán vô nhân hội,
  今夜清光似往年。      Kim dạ thanh quang tự vãng niên.
                 白居易                                             Bạch Cư Dị
 
      
* Chú thích:
    - Tích Niên 昔年 : là Năm xưa; những năm đã qua đi.
    - Bồn Đình 湓亭 : là một điểm trường đình được cất bên ven sông Tầm Dương.
    - Bồn Phố 湓浦 : là Bến nước bên sông Bồn. Bồn Giang là tên xưa của sông Long Khai Hà hiện nay ở tỉnh Giang Tây; Nơi tiếp giáp với sông Trường Giang là Bồn Khẩu, tức là bến Tầm Dương, nơi nhà thơ Bạch Cư Dị đi đày.
    - Khúc Giang Trì 曲江池 : Một thắng cảnh nằm ở phía nam của đất Trường an; từ đời Tần Thủy Hoàng đã cho xây Nghi Xuân Uyển ở đây, đến đời Hán Vũ Đế đổi thành Thượng Lâm Uyển; Vì dòng sông chảy quanh uốn khúc, nên gọi là Khúc Giang.
    - Hạnh Viên 杏園 : nằm ở Chu Tước Môn của Trường An, sát cạnh bên Khúc Giang Trì; đây là nơi các tân khoa Tiến sĩ ngày xưa được đãi tiệc và dạo chơi.
    - Thủy Quán 水館 : Cái quán cất trên bến nước, trên bãi cát (Sa Đầu 沙頭) người Miền Nam ta gọi là cái Nhà Sàn.
 
* Nghĩa bài thơ:
                 
Ngắm Trăng Ở Bồn Đình Đêm Rằm Tháng Tám
      
Những năm trước đây đêm rằm Trung thu trăng sáng, ta ngắm trăng bên bờ Hạnh Viên của Khúc Giang trì ở đất Trường an; Năm nay cũng đêm rằm tháng tám sáng trăng, ta lại phải ngắm trăng bên bờ Bồn Phố của đất Tầm Dương vắng vẻ nầy. Ngóng về hướng tây bắc, cố hương ta đang ở nơi đâu ? Còn thân ta đang ở vùng đông nam nầy cũng đã trãi qua mấy độ trăng tròn rồi. Đón làn gió thu mà thở dài nào ai biết được nỗi lòng ta, chỉ có ánh trăng trong là vẫn vằng vặc như những năm qua.
     
Bài thơ diễn tả bằng cách so sánh thời gian: Những năm trước đó và những năm gần đây, từ sự thay đổi của thời gian chuyển sang sự thay đỗi của không gian, xưa ở đất Trường an bên Hạnh Viên hoa lệ, nay ở bên bến sông hẻo lánh ngắm trăng suông; xưa đắc ý quan trường, thanh vân nhẹ bước, còn nay thì thất chí bị biếm đi làm chức quan nhỏ Tư Mã ở Giang Châu... đưa đến sự cảm khái của Bạch Cư Dị, ngắm trăng thu mà thở dài trong gió thu, nhưng nào đã có ai hiểu thấu cho đâu!?


* Diễn Nôm:
                  
BÁT NGUYỆT THẬP NGŨ 
NHẬT DẠ BỒN ĐÌNH VỌNG NGUYỆT
                  
Năm xưa cũng tháng tám đêm rằm,                    
Sông Khúc Hạnh Viên vui ngắm trăng.                 
Năm nay tháng tám đêm rằm nữa,                  
Bồn Phố bên bờ quán nước ngâm.                 
Tây bắc quê nhà nào thấy bóng,                 
Đông nam tròn khuyết mấy lần trăng.                
Thở dài trước gió nào ai biết,                 
Chỉ ánh trăng vàng năm lại năm!
       
Lục bát:
                   
Năm xưa tháng tám đêm rằm,                  
Hạnh Viên vui ngắm trăng lồng Khúc Giang.                 
Năm nay tháng tám rằm sang,                 
Một thân Bồn Phố ngắm làn nước trôi.                 
Quê hương tây bắc đâu rồi,                   
Đông Nam chiếc bóng mấy hồi trăng trong.                  
Thở dài trước gió nao lòng,                 
Ai hay trăng vẫn năm năm khuyết tròn!                        
                      Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
           
2. Bài thơ VỌNG NGUYỆT HỮU CẢM của nhà thơ Bạch Cư Dị:
 
望月有感                  VỌNG NGUYỆT HỮU CẢM
 
時難年荒世業空,    Thời nạn niên hoang thế nghiệp không,
弟兄羈旅各西東。    Đệ huynh ký lữ các tây đông.
田園寥落干戈後,    Điền viên liêu lạc can qua hậu,
骨肉流離道路中。    Cốt nhục lưu ly đạo lộ trung.
弔影分爲千里雁,    Điếu ảnh phân vi thiên lý nhạn,
辭根散作九秋蓬。    Tứ căn tán tác cửu thu bồng.
共看明月應垂淚,    Cộng khan minh nguyệt ưng thùy lệ,
一夜鄉心五處同。    Nhất dạ hương tâm ngũ xứ đồng!
        白居易                                          Bạch Cư Dị              
      
     
Từ Hà Nam sau loạn trong Quan Nội, anh em đói kém ly tán mỗi người một nơi. Nhân ngắm trăng mà hoài cảm viết nên những dòng tâm tình nầy gởi lên anh cả ở Phù Lương, anh bảy ở Ư Tiềm, anh mười lăm ở Ô Giang, cùng gởi đến em trai và em gái ở Phù Ly và Hạ Quế.
 
* CHÚ THÍCH:
 
  - VỌNG NGUYỆT HỮU CẢM 望月有感 : là Cảm Xúc Khi Ngắm Trăng.
  - Thời Nạn Niên Hoang 時難年荒 : Thời buổi hoạn nạn lại nhằm năm mất mùa.
  - Thế Nghiệp 世業 : Cơ nghiệp của ông cha để lại. Không : là Trống lỏng, Tiêu Tan.
  - Ký Lữ 羈旅 : là gởi thân ở nơi đất khách xa nhà.
  - Can Qua 干戈 : Can là cái Mộc, cái Thuẫn để đở. Qua là Giáo Mác để đâm để chém. Nên Can Qua là Đánh nhau, là Chiến tranh. CAN QUA HẬU là Sau Cuộc Chiến, Sau Chiến tranh.
 
CAN QUA là biểu tượng của Chiến Tranh  

  - Lưu Ly 流離 : là Lưu lạc phân ly.
  - Điếu Ảnh 弔影 : Tự so sánh hình bóng của mình.
  - Từ Căn 辭根 : Từ biệt căn nguyên, là Rời xa gốc rễ.
  - Hương Tâm 鄉心 : là Tấm lòng thương nhớ quê hương.
 
* NGHĨA BÀI THƠ:
                             
CẢM XÚC KHI NGẮM TRĂNG
    
Thời buổi hoạn nạn loạn ly lại nhằm năm mất mùa, cơ nghiệp của cha ông để lại cũng tan hoang. Anh em ly tán kẻ đông người tây mỗi người một nơi. Ruộng vườn sau chiến tranh thì hoang sơ tiêu điều, anh em ruột thịt thì lưu lạc trên đường chạy loạn. Thân nhân như hình với bóng giờ cũng phải phân ly như chim nhạn bay ngoài ngàn dặm, bay tản mác khắp nơi như cỏ bồng khô trong ba tháng mùa thu. Cùng ngắm trăng thu trong sáng mà chắc cũng cùng rơi lệ, cũng trong một đêm nhưng lòng thương nhớ quê hương ở năm nơi chắc cũng giống như nhau mà thôi.
                      

Hoàn cảnh thật giống như sau chiến tranh Việt Nam 1975, gia đình ly tán, anh em cha mẹ vợ chồng con cái kẻ cải tạo, người vượt biên … phân ly thất tán mỗi người một nơi, tha phương cầu thực, định cư rải rác khắp các nơi trên thế giới. Câu "Nhất dạ hương tâm ngũ xứ đồng" của Bạch Cư Dị chỉ 5 nơi mà anh em lưu lạc là : Phù Lương, Ư Tiềm, Ô Giang, Phù ly và Hạ Quế; còn bây giờ "Ngũ Xứ" của anh em VN trước mắt có thể là: Mỹ, Úc, Pháp, Đức, Canada hay cùng trên nước Mỹ như: Cali, Texas, Phi la, Newyork, Washington DC… Từ đó cho ta thấy rằng, chiến tranh luôn luôn gieo rắc đau thương tang tóc, chết chóc, ly tan cho dân lành, cho dù "Nó" đã chấm dứt gần nửa thế kỷ rồi mà những hệ lụy của NÓ mang đến vẫn còn ray rức mãi trong lòng những người tha hương dị quốc!


* DIỄN NÔM:
                           
NGẮM TRĂNG HOÀI CẢM                       
                     
Thời loạn mất mùa sản nghiệp không,                     
Anh em tứ tán khắp tây đông.                     
Ruộng vườn hoang phế sau chinh chiến,                     
Cốt nhục chia lìa những ngóng trông.                     
Bốn hướng bay đi như cánh nhạn,                      
Ba thu phơ phất tựa bồng bông.                     
Ngắm trăng cùng đổ đôi dòng lệ,                     
Năm xứ một đêm thổn thức đồng!
 
Lục bát:
                    
Loạn ly tổ nghiệp tiêu vong,                   
Anh em thất tán tây đông khắp cùng.                  
 Ruộng vườn hoang phế bỏ không,                   
Chia lìa cốt nhục hết mong sum vầy.                  
Bóng hình như nhạn cao bay,                    
Phất phơ tựa cỏ thu ngoài đồng không.                    
Ngắm trăng lệ nhỏ đôi dòng,                   
Một đêm năm xứ chung lòng nhớ quê                                             
                   Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
 
Hẹn bài viết tiếp theo:           
Bài thơ QUAN SAN NGUYỆT của Thi Tiên thơ Lý Bạch
 
                                                                               杜紹德
                                                                           Đỗ Chiêu Đức

Không có nhận xét nào: