BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2022

“NGUYỆT DẠ ỨC XÁ ĐỆ”, “BÁT NGUYỆT THẬP NGŨ DẠ NGUYỆT”, THƠ ĐỖ PHỦ - Đỗ Chiêu Đức



Năm Càn Nguyên thứ 2 đời Đường Túc Tông (759), bốn năm sau loạn An Lộc Sơn, thời cuộc vẫn còn rất rối ren. Bấy giờ Đỗ Phủ từ quan ở Hoa Châu, dắt díu gia quyến về tạm cư tại Tần Châu, thành Tần Châu thuộc phía tây của Lục Bàn Sơn, là vùng ven biên. Tháng 9 cùng năm, Sử Tư Minh từ Phạm Dương dẫn quân xuôi về nam đánh chiếm Biện Châu, tấn công Lạc Dương, Sơn Đông , Hà Nam các nơi đều chìm trong chiến loạn, nên anh em nhà Đỗ Phủ đều ly tán mỗi người một nơi, bặt vô âm tín. Trung Thu năm đó Đỗ Phủ vì ưu tư thương nhớ anh em mà làm nên bài thơ dưới đây:
 
Bài thơ NGUYỆT DẠ ỨC XÁ ĐỆ:
 
月夜憶舍弟       NGUYỆT DẠ ỨC XÁ ĐỆ
  
戍鼓斷人行,     Thú cổ đoạn nhân hành,
邊秋一雁聲。     Biên thu nhất nhạn thanh.
露從今夜白,     Lộ tòng kim dạ bạch,
月是故鄉明。     Nguyệt thị cố hương minh.
有弟皆分散,     Hữu đệ giai phân tán,
無家問死生。     Vô gia vấn tử sinh.
寄書長不達,     Ký thư trường bất đạt,
況乃未休兵。     Huống nãi vị hưu binh!
      杜甫                                 Đỗ Phủ



* Chú thích:
 
    - NGUYỆT DẠ ỨC XÁ ĐỆ 月夜憶舍弟 : Đêm trăng nhớ em trai.
    - Xá Đệ 舍弟 : là "Thằng em nhà tôi"; Đây là lời khiêm xưng đối với em trai của mình, tương như như từ "Em trai tôi" vậy. Đỗ Phủ có 4 em trai là Đỗ Chiếm 杜佔 ở cùng thi nhân tại Tần Châu; còn Đỗ Dĩnh 杜穎, Đỗ Quan 杜觀, Đỗ Phong 杜豐 thì thất tán trong chiến loạn.
    - Thú Cổ 戍鼓 : là Trống của lính thú điểm canh. Vì là vùng ven biên nên hễ trống canh ba điểm thì cũng là giờ giới nghiêm, nên ta thấy ba chữ Đoạn Nhân Hành 斷人行 là Người đi bị cắt đứt; có nghĩa là : Không còn ai đi ngoài đường nữa !
    - Biên Thu 邊秋 : là Trời vào thu nơi vùng biên giới.
    - Lộ Tòng Kim Dạ Bạch 露從今夜白 có nghĩa : Sương mù từ đêm nay sẽ trắng xóa. Nói theo một tiết trong mùa thu, sau Lập Thu 立秋, Xử Thử 處暑 thì tới tiết Bạch Lộ 白露, Thu Phân 秋分.
    - Vô Gia 無家 : Không có nhà. Từ năm Thiên Bảo thứ 5 (746) Đỗ Phủ lìa xa cố hương ở đất Hà Nam thì không còn gặp được người thân nào nữa cả, nên không biết tin tức gì của anh em sống chết ra sao cả.
    - Huống Nãi 況乃 : Ta thường nói là Huống hồ, huống chi...
 

* Nghĩa bài thơ:
                            
ĐÊM TRĂNG NHỚ MẤY THẰNG EM TRAI
     
Trên chòi canh lính thú đã điểm trống canh ba nên trên đường đã dứt bóng người qua lại; Mùa thu nơi vùng biên tái nầy chỉ nghe được tiếng kêu của một con nhạn lạc đàn mà thôi. Sương mù từ đêm nay sẽ trắng xóa hơn vì đã sắp vào tiết Bạch Lộ; còn trăng thu thì vẫn là vầng trăng của quê nhà sáng hơn là những vầng trăng nơi đất khách. Có mấy thằng em thì đều đã thất tán hết trong chiến loạn cả rồi, không còn gia đình nhà cửa gì nữa cả nên cũng không thể hỏi thăm xem anh em sống chết ra sao. Nghe tin ở đâu thì gởi thơ đến nơi đó nhưng tin nào có đến cho đâu; Huống hồ chiến loạn vẫn còn dai dẳng mà chưa có hồi kết thúc.

Chiến tranh loạn lạc luôn làm cho cuộc sống của dân lành chịu cảnh lầm than; gia đình phân ly, anh em thất tán lưu lạc mỗi người một nơi, bặt vô âm tín, không biết sống chết ra sao. Bài thơ của Thi Thánh Đỗ Phủ đã nói thay cho tâm sự của biết bao người từ xưa tới nay phải gánh chịu hệ lụy của chiến tranh tàn khốc. Hai câu:
                 
露從今夜白,     Lộ tòng kim dạ bạch,                
月是故鄉明。     Nguyệt thị cố hương minh.
 
Mặc dù tả cảnh, nhưng đã trở thành hai câu thơ bất hủ đi vào lòng người tha hương dị quốc mà lòng thì luôn nhớ về nơi quê hương cố thổ: Chỉ có vầng trăng của quê hương là sáng hơn cả mà thôi ! Câu này lại làm cho ta nhớ đến một câu trong bài Tập Đọc của Quốc Văn Giáo Khoa Thư hồi nhỏ là: Chỗ quê hương đẹp hơn cả.
                            

 
* Diễn Nôm:
                   
NGUYỆT DẠ ỨC XÁ ĐỆ                  
                  
Trống điểm canh đường vắng,                  
Bên trời nhạn lẻ kêu.                  
Sương nơi đây trắng xóa,                  
Trăng quê xưa sáng nhiều.                  
Anh em đều thất tán,                  
Nhà cửa cũng tiêu điều.                  
Chết sống thơ không đến,                  
Chiến cuộc vẫn như thiêu.
      
Lục bát:
                  
Điểm canh đường vắng không người,                  
Bên trời tiếng nhạn lạc loài kêu sương.                  
Đêm nay móc trắng như sương,                 
Vầng trăng xưa của quê hương sáng ngời.                 
Anh em ly tán nổi trôi,                  
Không nhà biết hỏi ai người tử sinh.                  
Thư đi chẳng đến bặt tin,                 
Huống chi chiến loạn vẫn rình rập quanh.                                     
                          Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
                          
7. Bài thơ BÁT NGUYỆT THẬP NGŨ DẠ NGUYỆT:
 
八月十五夜月     BÁT NGUYỆT THẬP NGŨ DẠ NGUYỆT
  
 滿月飛明鏡,     Mãn nguyệt phi minh kính,
 歸心折大刀。     Quy tâm chiết đại đao.
 轉蓬行地遠,     Chuyển bồng hành địa viễn,
 攀桂仰天高。     Phan quế ngưỡng thiên cao.
 水路疑霜雪,     Thủy lộ nghi sương tuyết,
 林棲見羽毛。     Lâm thê kiến vũ mao.
 此時瞻白兔,     Thử thời chiêm bạch thố,
 直欲數秋毫。     Trực dục sổ thu hào.
             杜甫                                     Đỗ Phủ
 

* Chú thích:
 
    - BÁT NGUYỆT THẬP NGŨ DẠ NGUYỆT 八月十五夜月 : Trăng của đêm rằm tháng tám.
    - Mãn Nguyệt 滿月 : Vầng trăng đầy đặn, chỉ trăng tròn.
    - Quy tâm chiết đại đao 歸心折大刀 : Ý nói mình nóng lòng về quê như Ngô Cương bị phạt đốn cây quế trong cung trăng; Muốn đốn cho gãy cây gãy đao để được sớm về nhà.
    - Chuyển Bồng 轉蓬 : Chỉ thân mình như cỏ bồng bị gió thổi tung phiêu bạc bốn phương hết nơi nầy đến nơi khác.
    - Phan Quế 攀桂 : Vinh cành bẻ quế (trên cung trăng). Ý chỉ chuyện không làm được vì ở tận trời cao; như không về quê được vì chiến loạn ngăn trở vậy.
    - Thu Hào 秋毫 : Chỉ những sợi lông măng rất nhỏ mới mọc của các loài điểu thú trong mùa thu; Ý chỉ những gì rất nhỏ nhặt . Trong câu thơ chỉ  những sợi lông tơ mới mọc của con thỏ trắng trong cung trăng.
 
* Nghĩa bài thơ:
                    
Trăng Đêm Rằm Tháng Tám
      
Vầng trăng đầy đặn tròn trịa như chiếc gương sáng bay lên tận không trung. Nỗi lòng muốn về lại quê nhà như chiếc đao lớn cắt xé tâm can. Thân như cỏ bồng theo gió, càng chuyển đổi lại càng xa quê thêm; Muốn vin bẻ cành hoa quế trên cung trăng thì bầu trời lại cao thăm thẳm. Trên đường nước hướng về quê nhà thì trước mặt sương mù trắng xoá như tuyết; Trên rừng thì các con chim trong tổ đang rỉa cánh rỉa lông. Trên bầu trời lúc nầy trăng sáng mênh mông, ngắm nhìn thỏ ngọc vằng vặc trong ánh trăng dường như ta có thể đếm được từng sợi lông tơ mới mọc của nó nữa vậy.
      
Thi Thánh Đỗ Phủ đã sử dụng thủ pháp vừa hư vừa thật để nói lên nỗi lòng nhớ quê của mình; Trăng tròn như bóng gương, thấy đó nhưng không bao giờ với tới, dù cho có nóng lòng như đao cắt, muốn bẻ cành quế trên cung trăng, nhưng không gian rộng lớn không sao với tới; Muốn được về quê ngay nhưng thân như cánh cỏ bồng bị chiến loạn càng làm cho phải lưu lạc càng xa quê hương hơn nữa... Trong đêm Trung Thu nên giấc mơ hồi hương để gia đình đoàn tụ càng mãnh liệt hơn bao giờ hết, nhưng lại đành bất lực... Trăng đất khách dù sáng đến có thể đếm được các sợi lông măng tên mình con thỏ ngọc thì cũng không sao bằng được vầng trăng của quê nhà, làm cho ta lại nhớ đến hai câu:
               
露從今夜白,     Lộ tòng kim dạ bạch,               
月是故鄉明。     Nguyệt thị cố hương minh.
  
Có nghĩa:
               
Đêm nay móc trắng như sương,               
Vầng trăng xưa của quê hương sáng ngời.


* Diễn Nôm:
                   
BÁT NGUYỆT THẬP NGŨ DẠ NGUYỆT
                    
Trăng tròn như gương sáng,                    
Lòng quê thắt tựa đao.                    
Như cỏ bồng theo gió,                    
Bẻ quế ngóng trời cao.                    
Đường thủy mờ sương tuyết,                    
Cạnh rừng chim rỉa mao,                    
Ngắm nhìn theo bóng thỏ,                    
Đếm được cả thu hào.
      
Lục bát:
                    
Trăng như gương sáng bay cao,                     
Nhớ quê ruột thắt như bào lòng son.                    
Cỏ bồng phiêu bạt mỏi mòn,                   
Muốn vin cành quế ngóng vòm trời cao.                    
Đường sông sương móc trắng phao,                    
Cánh rừng chim chóc lào xào rỉa lông.                    
Ngắm vầng thỏ trắng trên không,                    
Thu hào tỏ cả như lòng nhớ quê!                                        
                   Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
      
Hẹn bài viết tới !
 
                                                                                     杜紹德
                                                                               Đỗ Chiêu Đức
                    

Không có nhận xét nào: