BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2019

CẢM THỨC VỀ THẦY, ĐÓA SEN HỒNG ĐƠN BẠC - Khang Hồ


              
                                    Tác giả Khang Hồ


CẢM THỨC VỀ THẦY – ĐÓA SEN HỒNG ĐƠN BẠC

Kính dâng hương hồn thầy Lê Mậu Tâm- Cựu Giáo sư Trường TH Nguyễn Hoàng.
Thương nhớ kính tặng anh Đỗ Tư Nghĩa - CHS NH 60-67
Và một người bạn của những ngày tháng khổ cực tại Quảng Trị: Lê Mậu Thọ CHS NH 71-75.

Tôi cứ trăn trở câu chuyện về những người đàn ông.
Viết về những người đàn ông thành công trong sự nghiệp thì dễ, vì tư liệu về họ nhiều lắm, chung quanh họ biết bao nhiêu là hào quang chiến thắng.
Và đó không phải là những người tôi đang hướng tới, tôi đang nghĩ về những người đàn ông mà đáng ra họ xứng đáng được những phần thưởng của cuộc đời, nhưng vì số phận, hoàn cảnh, lẽ sống và đạo đức, họ đã mất đi những ân huệ dành cho trí tuệ và sự cống hiến của họ.
Tôi cố tìm kiếm những con người ấy, may thay, có những sự tình cờ như một cơ duyên.

Đó là nhân dịp anh Đoàn Đức ghé Nha Trang, tặng cho tôi cuốn sách viết về bảy thầy cô Nguyễn Hoàng đã dạy các anh ngày đó. Anh Đoàn Đức thuộc thế hệ đàn anh lớn hơn nhiều bậc tại Nguyễn Hoàng so với tôi, nếu dạy cùng trường với tôi học thì chắc anh ấy đã là thầy của tôi rồi. Các bạn bè của anh nêu trong cuốn sách đều từng là thầy của tôi, như thầy Nguyễn Đình Hạnh, thầy Nguyễn Văn Quang.
Gặp anh Đức lần đầu. Trong tôi chỉ có một khái niệm mơ hồ về anh: Vào đời làm giáo viên- Gặp khó khăn trong cuộc sống - chuyển làm kinh doanh nhiều ngành nghề-cuối cùng là một doanh nhân thành đạt - Dừng - Nhìn lại mình, bổ khuyết những thiếu sót mà trong những ngày lao theo đời cơm áo anh đã quên mất - Và anh đã làm được hai việc lớn: xây nhà thờ họ Đoàn - Viết một quyển sách tri ân thầy cô.
Tôi đọc quyển sách anh tặng, trong sách viết về những người thầy, những người bạn, những khung cảnh lớp học của anh ngày xưa. Viết về những ngày ấy, anh đều có một trí nhớ “siêu phàm” khi dựng lại những thước phim sống động về những bài giảng cách đây hơn nửa thế kỷ.
Tuy vậy, những trang sách đó đối vối tôi cũng không tạo ra nhiều cảm xúc như những người bạn cùng khóa với anh, vì ngày đó tôi còn quá nhỏ.
Cho đến khi, lật trang sách ở gần cuối, tôi đã dừng lại thật lâu trước một tấm ảnh, tưởng như xa lạ nhưng có cái gì đó rất thân quen. Nhìn tấm ảnh làm tôi liên tưởng đến một người. Thói quen định niệm đã dắt tôi trở về ngày xưa. Ngày mà tôi và Lê Mậu Thọ học chung một lớp. Thọ chính là con trai thầy Lê Mậu Tâm. Thọ rất giống tấm hình Thầy Tâm còn trẻ.
Và những dòng ký ức về Thọ thấp thoáng hiện lên trong tôi. Những ngày sau 30/4/1975, Cuộc đời nghiệt ngã của bạn ấy đã gắn với những trầm luân của người cha - Thầy Lê Mậu Tâm.
Thực ra, tôi không dám viết về thầy. Vì nhiều lẽ, nhưng lý do lớn nhất là thầy chưa bao giờ dạy tôi, những kỷ niệm thầy dạy trò học trong tôi chỉ là một con số không tròn trĩnh. Và chắc một điều, thầy không biết tôi. Nhưng đối với tôi, thầy không chỉ là một người thầy mà còn hơn thế nữa.
Hình bóng thầy chỉ lướt nhanh qua trí óc non nớt của tôi ngày ấy, tưởng rằng đã quên và quên mãi mãi.
Tôi nghĩ: không chỉ tôi mà còn rất nhiều bạn bè, kể cả các anh chị lớp lớn, còn có người chưa biết rõ về thầy, vì thầy chỉ dạy môn Triết cho học sinh lớp 12 mà thôi.
Chiếc xe honda 67, dáng thầy ngồi tôi vẫn còn nhớ, cái miệng hơi bị hô, càng làm tăng sự chân chất, khắc khổ của con người thầy. Dạo đó, nhìn thầy ít ai nghĩ là ông Giám đốc Sở Học chánh Quảng Trị (một chức vụ tương đương Giám đốc sở Giáo dục bây giờ), bởi vì triết học đã thấm nhuần trong tiềm thức và trong máu của thầy. Mặc chiếc áo “làm quan”, thầy nghĩ chỉ để vượt qua khúc sông đầy sóng gió của cuộc đời .
Đây mới là bi kịch của những ngày tháng sau giải phóng đối với gia đình thầy.
Khi đó, Tôi và Thọ học chung một lớp, Thọ ốm yếu, hiền như con gái, ít nói, có nụ cười bẻn lẻn, nước da trắng hồng, môi đỏ. Cái tôi quý nhất ở Thọ là rất khiêm cung. Thọ học khá, nhưng vốn tính nhút nhát nên ít được xem là học sinh nổi bật, nhanh nhạy của lớp. Nhìn cách đối xử của Thọ với bạn bè, tôi biết, bạn ấy đã trải qua một sự dạy dỗ về đạo đức rất nghiêm khắc, hay chí ít cũng ảnh hưởng rất nhiều về gia phong, nề nếp gia đình.
Tôi cũng được xem là một học sinh “ngoan” của lớp, nhưng so với Thọ, tôi “hư” hơn, tôi lém lỉnh hơn, trong khi Thọ hiền và ít nói, giờ ra chơi, thỉnh thoảng mới nghe Thọ nói, bạn chỉ cười nhẹ khi nghe những câu chuyện của những người bạn khác.
Sau khi hoàn tất chương trình dỡ dang năm 1975. Từ niên khóa 1976, trong lớp học, chúng tôi bắt đầu cảm nhận “thái độ khác thường của bên thắng cuộc” với những học sinh có người thân dính dáng với chế độ trước. Quảng Trị của tôi là một vùng đất lạ kỳ nhất của cả nước, trong lớp tôi học tại đây có 3 thành phần học sinh: những người từ miền Bắc trở về, xem như là được giải phóng năm 1954, những người “được giải phóng” năm 1972 và những người thuộc “bên thua cuộc”1975. Sự phân biệt và kỳ thị nhiều nhất không phải từ những người miền Bắc và người Nam mà là những người giải phóng 1972 và giải phóng 1975. Gia đình Thọ trở về làng quê của mình trong những ngày đầu tiên ấy, làng quê của bạn, chính là nơi đã được giải phóng năm 1972.
Làng quê của tôi cũng được giải phóng năm 1972, tôi hiểu và từng biết về những suy nghĩ của những người trong làng đối với những người mới về sau năm 1975.
Và tôi tự suy diễn, chắc bạn Thọ cũng chịu áp lực ít nhiều từ những người ở lại 1972. Rút cuộc là điều gì đến thì phải đến, Thọ đã dừng bước việc học hành, để giúp gia đình lao động, làm ruộng mưu sinh trong những ngày cha mình đi học tập cải tạo. Tôi còn nhớ, những buổi lao động tại trường, các học sinh bới cơm theo để ăn, tôi đã từng nhìn cơm và thức ăn được gói bằng lá chuối mà bạn đem để ăn trưa. Thật nghẹn ngào và xúc động khi nhìn cơm và đồ ăn Thọ bới theo, tôi đã hình dung sự khó khăn về kinh tế của gia đình Thọ và càng khâm phục về sự trong sạch thanh liêm của thầy trong những ngày tại chức.

Bặt tin từ ngày Thọ nghỉ học, nhưng tôi lại biết tin về thầy Tâm ở trại Hoàn Cát trên Cam Lộ. Cái chức chánh sở mà thầy Thái Mộng Hùng để lại khoảng 1 năm, đã làm cho thầy bị học tập cải tạo nơi đây hơn 5 năm trời. Ngày đó, tôi có một người anh rể cũng bị cải tạo nơi đây, những ngày xin phép chính quyền lên thăm nuôi anh rể, tôi thấy chị tôi tất tả mấy ngày để mua cái này, cái nọ, để làm sao một tù nhân có thể đương đầu với cái đói và bổ trợ chất dinh dưỡng cần thiết nhất cho sự tồn tại của con người.
Hầu như tất cả những quan chức trong bộ máy chính quyền trước đây tại Quảng Trị đều cải tạo tại trại Hoàn Cát. Tôi được biết có 03 giáo sư trường Nguyễn Hoàng đang bị học tập cải tạo tại đây, đó là thầy Tâm, thầy Chỉnh và thầy Liệu. Và sau khi ra trại, cho đến hôm nay, cả ba thầy ấy đều không còn. Khi viết đến những dòng chữ này, tôi đã dừng lại trong tâm tưởng để dành sự mặc niệm tôn kính về những người thầy trường Nguyễn Hoàng hôm qua đã ra đi mãi mãi.
Tôi chợt nhớ đến rất nhiều người thầy của tôi, vì sự thay đổi của thời cuộc, không còn đứng trên bục giảng cầm viên phấn trắng tiếp xúc với những tâm hồn trong trắng, mà phải bôn ba ngoài đời làm đủ ngành nghề như đi xe thồ, làm thợ mộc, thợ sắt, làm ruộng.…Và có thầy trong khi chạy xe kiếm tiền nuôi vợ con đã đổi cả mạng sống của mình, thật đau xót! Các thầy ơi! Dù các thầy có làm nghề gì đi chăng nữa thì trong lòng chúng em, thầy vẫn là những người thầy đáng kính.
Còn thầy Tâm, sau khi mãn hạn, thầy về quê và thu xếp gia đình đi vào một vùng đất mới tên là Đạ Tẻh, thuộc tỉnh Lâm đồng. Đó cũng vẫn là những tháng ngày lao động tay chân vất vả. Cả một bộ óc triết của thầy vẫn còn đó, câu nói của một triết gia nào văng vẳng: “Giữa những thảm họa, bạn quen dần sự thật. Cụ thể là im lặng.” Và đó là những tháng ngày im lặng. Sự im lặng âm thầm đơn lẽ đến từng ngày trên cái mảnh đất mới xa lạ, hằng ngày mặc định trên vai thầy là chiếc cuốc và bình nước, đến nỗi thầy đã bỏ quên một việc là hồ sơ HO.
Tôi thầm nghĩ, trong những ngày vác cuốc lên nương rẫy, bộ óc triết học của thầy đã làm việc mạnh mẽ như thế nào về cuộc đời, thân phận, đâu là sám hối, đâu là tội lỗi, sự bất hạnh cô đơn cùng với sự tồn tại phi lý và còn nhiều điều cao siêu hơn nữa.
Tôi không phải là học trò thầy, nhưng thực sự tôi rất thích và ngưỡng mộ những người nghiên cứu Triết học. Nếu nói toán học là chìa khóa của cuộc sống, thì triết học mới là tinh hoa của cuộc sống và không phải ai cũng có thể thẩm thấu được cái tinh hoa ấy.Trong cuốn sách của anh Đoàn Đức có nhắc đến một người học trò được xem là “truyền nhân” của thầy là Anh Đỗ Tư Nghĩa, anh tuy chỉ học dự thính môn triết của thầy Tâm trong năm học đệ nhất, nhưng thầy đã rất tin tưởng giao lớp, giao học trò lại cho anh dạy khi anh mới chỉ là sinh viên khoa Triết học năm thứ 2 hay thứ 3 gì đó, tức là mới 20-21 tuổi thôi. Hãy tưởng tượng có một người “thầy rất trẻ” đang giảng bài cho những anh chị chuẩn bị thi tú tài 2. Rõ ràng, ngoài việc nhận ra đây là là một cao đồ xuất sắc của mình, thầy còn nhận ra một cái gì đó rất giống mình hoặc thầy đã phát hiện ra điều gì đó ở anh khiến thầy tin tưởng.
Khi gần anh Nghĩa, đọc tập thơ đầy trăn trở của anh: “Gởi tình yêu, gởi cuộc đời” và nhìn lại cuộc đời của thầy: Tôi thấy thầy và anh Nghĩa có một điều rất giống nhau là khổ hạnh trong cuộc sống. Không phải sự khổ hạnh của những người nghèo túng, mà là của những bậc hiền triết, ẩn sĩ ngày xưa, có thể họ yếu đuối về thân xác nhưng rất mạnh mẻ về ý chí và tâm hồn.

Bây giờ, tôi mới biết rằng những ngày tôi mất liên lạc với Lê Mậu Thọ là những ngày bạn ấy nghỉ học và sau đó cùng gia đình rời quê hương. Đã biết bao gia đình như bạn Thọ của tôi đã rời quê hương trong những tháng ngày như thế tại Quảng Trị, thậm chí họ còn đèo bồng, gồng gánh, trốn chạy khỏi quê hương ngay trong đêm tối. Bởi vì với họ, khi những gì ở quê hương không còn phù hợp thì đều trở thành xa lạ. Thầy Tâm và gia đình rời xa miền “đất hứa” vì ông không thể trở lại với những gì đã mất. Thầy đã đến ở một nơi Đạ Tẻ lạ lẫm xa xăm nào, và đó là hệ quả của việc đánh mất sự hoài niệm về một quê nhà nhiều buồn tủi.
Nhìn nấm mồ của thầy tại một nơi hoang vu xa lạ, tôi liên tưởng đến cái chết của một con người lao động lạc lỏng với một cái cuốc, một bình nước. Và tự nhiên, một câu nói nổi tiếng của Albert Camus trở về: “Không lao động, mọi thứ trở nên mục rỗng. Nhưng khi lao động không hồn, cuộc sống ngột ngạt và chết.”
Những giây phút này đây, tôi rất nhớ thầy, một con người suốt đời khổ hạnh. Một đóa sen hồng đơn bạc.
Tôi cũng rất nhớ bạn Thọ ngày ấy, ngây thơ nhưng khuôn mặt vẫn phảng phất một nỗi buồn.
Tôi nhớ về người học trò xuất sắc mà thầy rất tin yêu một thưở. Anh ấy đang an bần lạc đạo đâu đó trên cao nguyên có loài hoa dại dã quỳ.
Tất cả họ là những người đàn ông tôi đang tìm kiếm, yêu thương và ngưỡng mộ.
Họ chính là những người đàn ông cô độc trên cuộc đờì, mà mấy hôm rồi tôi cứ loay hoay trăn trở.

                                                               Khang Hồ
                                  Mùa hội trường Nguyễn Hoàng, tháng 7/2019

Không có nhận xét nào: