BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2022

NGƯỜI TÌNH – Thơ Nguyên Lạc


  
                Nhà thơ Nguyên Lạc

 
NGƯỜI TÌNH
 (L'Amant/ The Lover)
 
Người tình tôi những vần thơ
Hồn tôi thờ thẫn ngu ngơ bước vào
Tìm tình tôi ngóng trăng sao
Thấy trời thăm thẳm một màu buồn thiu
Tìm tình chỉ thấy cô liêu
Những chiều thu vắng hắt hiu lá sầu
Chờ tình tôi thấy mưa mau
Góc đời quán vắng giọt đau khúc buồn
“Nghìn trùng xa cách” sâm thương [1]
“Giang đầu giang vĩ sông Tương chia đời” [2]
Người tình đêm huyễn mộng trôi
“Đêm ba mươi đến thăm người” đón xuân [3]
Người tình một thuở bâng khuâng
"Phượng hồng" theo dấu ngại ngần trao thơ [4]
 
Người tình tôi nỗi bơ vơ
Cô miên đất khách bạc phơ mái đầu
Người tình xuân đến buồn sao
Đâu vàng hoa nắng? Trắng màu tuyết rơi!
Người tình chong nến mồ côi
Tiếng đời tích tắc ngoài trời nguyệt đau
Tìm tình, thôi hết mùa Ngâu
Còn đâu "đàn quạ nối cầu sông Ngân"
 
Diễm tình thơ của tiền nhân
Ngàn năm Thôi Hộ bâng khuâng hoa đào
"Người xưa giờ ở nơi nao?
Cổng xưa hoa vẫn thắm màu má ai" [5]
"Một phương canh cánh ưu hoài
Nhớ người mỹ nữ từ ngày biệt ly" [6]
Lụy tình thảm não Trương Chi
Ảnh trong chén ngọc thầm thì lời đau
Mị Nương rơi lệ tình nào
Ngọc tan... thôi nhé kiếp sau trọn đời
"Sụt sùi tình lệ giải bày
Khốc văn một bức tuyền đài gởi em" [7]
Quỳnh Như! Phạm Thái gọi tên
Em ơi tỉnh đậy điên cuồng ta mong
Mưa buồn hay lệ thế nhân?
Đắng cay ta rưới rưng rưng chén sầu
Quỳnh Như đội mộ lên mau
Điếu văn ta khóc tình nhau ngậm ngùi!
 
Người tình ly rượu trên tay
Câu thơ nhức nhối đắng cay lời tình
Người tình chén nhớ lưu vong
Quỳnh tương bướm mộng đêm mong hương người
Chăn nhầu chiếu lạnh đơn côi
Còn đâu đỏ phượng son môi người tình?
 
Thế gian đầy nỗi điêu linh
Ước mơ vô vọng tìm tình trong thơ
Thôi tôi đành chịu dại khờ
Tình tôi khóc ngấ́t bên bờ tử sinh
Khanh đâu? Quân khóc một mình
Liêu trai nhan sắc lung linh giấc hồ
Vần thơ khêu vá nỗi mơ
Hồn tôi bướm mộng té tờ kinh em
 
                                  Nguyên Lạc
 
……………..
 
[1] Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi/ Còn gì đâu nữa mà khóc với cười/ (Nghìn trùng xa cách – Nhạc Phạm Duy)
[2] Quân tại Tương giang đầu/ Thiếp tại Tương giang vĩ/ Tương tư bất tương kiến/ Đồng ẩm Tương giang thuỷ. – Lương Ý Nương
[3] Em đến thăm anh đêm ba mươi/ Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi… (Em Đến Thăm Anh Đêm 30 – Nhạc Vũ Thành An, thơ Nguyễn Đình Toàn)
[4] Phượng Hồng- Nhạc Vũ Hoàng, thơ Đỗ Trung Quân
[5] Nhân diện bất tri hà xứ khứ/Đào hoa y cựu tiếu đông phong -Thôi Hộ
[6] Diểu diểu hề dư hoài/Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương - Tiền Xích Bích phú, Tô Thức
[7] Điếu văn Phạm Thái khóc Trương Quỳnh Như.

MƠ XUÂN, TÌNH EM MÙA XUÂN, TÌNH XUÂN – Thơ Nhật Quang


  

 
MƠ XUÂN
 
Tháng Giêng
vạt nắng nhẹ tênh
Giòn tan trên áo trinh nguyên
lụa mềm
Nở trên môi
nụ cười hiền
Ấp e…tuổi mới hoa niên
ngạt ngào
Nụ thương
anh gối mộng…trao
Mơ xuân …
chắp cánh bay vào thiên thai
Gío mơn man
tóc mây cài
Tim anh thơ thẩn
ngỡ dài đêm mơ…
Trăng soi
khem khép cửa hờ
Cho anh
hôn khẽ lên bờ môi ngoan. 
 

RƯỢU VỚI BẠN – Thơ Đặng Xuân Xuyến


  


RƯỢU VỚI BẠN
 
(Tặng Đỗ Tuân, bạn tôi)
 
Nào thì chén nữa, thêm chén nữa
Uống cạn đêm nay cho đã thèm
Tao mày đằng đẵng bao niềm nhớ
Ngán đếch rượu kia khuấy say mèm.
 
Ừ, mày chửa say, tao chửa say
Mấy chuyện oán ân khó tỏ bày
Thiên hạ đo tình bằng đọ của
Nào uống đi mày, nuốt đắng cay.
 
Thì bởi tâm mày trọn Thẳng Ngay
Tao mải loay hoay chọn Nghĩa Tình
Mà đời những rặt trò gian lận
Tao mày nếm đủ những gian truân.
 
Ừ uống đi mày. Uống để say
Dốc cạn đêm nay với chén này
Niềm đau cố dán vào đáy chén
Thôi uống đi mày. Uống nhé, say.
 
Hà Nội, đêm 07 tháng 3-2022
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

Thứ Năm, 10 tháng 3, 2022

NĂM BÀI THƠ: "LƯU NGUYỄN NHẬP THIÊN THAI" CỦA TÀO ĐƯỜNG – Đỗ Chiêu Đức


                                                                 
Xắn tay bẻ khóa động đào,                         
Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên Thai                                                
                                 (Truyện Kiều)                                              
                                                                                                      
Theo U MINH LỤC của Lưu Nghĩa Khánh đời Tống 宋.劉義慶《幽明錄chép rằng:
     
Năm Vĩnh Bình thứ 5 đời Hán Minh Đế (Công nguyên năm 62), người đất Diễm ( thuộc tỉnh Chiết Giang hiện nay) là LƯU THẦN và NGUYỄN TRIỆU vào Thiên Mụ sơn để hái thuốc. Thiên Mụ Sơn gồm có Lưu Môn sơn, Tế Tiêm, Đại Tiêm, Phất Vân Tiêm, Ba Tiêu sơn và Liên Hoa Phong quần tụ mà thành, thế núi hiểm trở, phong đỉnh chập chùng, cao nguyên rộng lớn, hoa cỏ rậm rạp xanh tươi, rừng núi bạt ngàn, muôn màu muôn vẻ. Lưu Nguyễn mãi mê hái thuốc, lạc sâu mãi trong rừng hoa thơm cỏ lạ, tới chừng nhìn lại thì trời đã về chiều, bụng lại đói meo. May sao bên triền núi có mấy cây đào mọc theo khe suối, nhằm lúc đào đang chín rộ, bèn hái lấy mấy trái mà ăn đỡ đói, nào ngờ đó là đào tiên, ăn vào ngon ngọt và thơm tho cả mồm miệng, khí lực lại sung mãn, bèn lần theo khe suối mà đi lên, đến một nơi khe nước rộng, trời đất như mở ra một thế giới mới, với hoa thơm cỏ lạ ven bờ, với oanh yến líu lo kêu hót, hai chàng  lấy ly ra để múc nước suối uống, thì thấy bên bờ khe đã đứng sẵn 2 nàng con gái tuyệt đẹp, cười mà rằng: "Hai chàng Lưu Nguyễn sao lại đến muộn thế ?" Bèn thân mật như người quen đã lâu năm, rước 2 chàng cùng về động phủ. Trong động như có trời đất riêng, phòng ốc khang trang tráng lệ, đã thiết bị sẵn 2 phòng hoa chúc, ngọc chuốc vàng treo, mười phần hoa lệ. Tiệc hoa cũng đã bày sẵn, tiên nữ tới lui tấp nập, cùng mời 2 chàng nhập tiệc với đầy đủ sơn hào hải vị. Xóm đông có các tiên nương cùng mang đến một mâm đào tiên, cười chúc cho hai nàng đã đón được hai chàng rể quí Lưu Nguyễn vừa du nhập Thiên Thai. Tiệc hoa vui vầy, rượu tiên thơm lừng, chưa nhấp đã say, hòa trong tiếng sanh ca hoan lạc, đưa hai chàng cùng vào động phòng với hai tiên nữ trong tiếng tiên nhạc du dương ngây ngất !... 
Nhưng chỉ quá mươi ngày sau, Lưu Nguyễn cùng nhớ quê xin về, hai nàng cố cầm giữ lại, được hơn nửa năm, mặc dù bên mình luôn có người đẹp... như tiên, nhưng khi nghe tiếng Tử qui gọi xuân thắm thiết, hai chàng càng nghe lòng nhớ quê mãnh liệt hơn lên và nhất định xin về. Hai nàng đành phải buộc lòng đặt tiệc tiễn hành và chỉ lối để hai chàng về quê với biết bao là tình thương quyến luyến, bịn rịn chẳng nở rời xa!...      
Về đến làng quê, thấy mọi cảnh vật đều đổi khác, tìm không thấy nhà cửa của mình ở đâu nữa. Hỏi thăm trong họ tộc, thì có một cụ già cho biết rằng: Ông Tổ bảy đời của họ đi vào núi hái thuốc rồi lạc mất đường không thấy trở về. Lưu Nguyễn ở trên Thiên Thai nửa năm, nhưng ở dưới núi đã qua đến 7 đời con cháu. Hỏi ra, thì bấy giờ đã vào năm Thái Nguyên Thứ 8 của đời nhà TẤN rồi (Công Nguyên năm 388) hơn 300 năm sau rồi! Hai người đành qua trở lại Thiên Thai, nhưng đã không còn tìm được đường lên Tiên động nữa!
      
Trong những bài thơ vịnh về LƯU NGUYỄN NHẬP THIÊN THAI, phải kể đến 5 bài trong ĐẠI DU TIÊN THI của TÀO ĐƯỜNG đời Đường là tiêu biểu và nổi tiếng nhất.  
Xin được giới thiệu 5 bài thơ đó cùng tác giả TÀO ĐƯỜNG sau đây...   
 

THÁNG BA HOA ĐIỆP VÀNG… - Thơ Trần Mai Ngân


  
 
 
THÁNG BA HOA ĐIỆP VÀNG…
 
Giữa Sài Gòn
Xe cấp cứu đang vội vã hú còi
Tháng Ba hoa Điệp vẫn vàng rực rỡ
Nắng chang chang đốt tình ta hấp hối
Em bước đi đôi chân còn bỡ ngỡ
 
Trong cơn giông
Giữa ánh chớp nghiệt ngã của số phận
Em chợt nhìn ra anh và dừng lại
Gom những tin yêu gửi gắm hết vào
Nhưng cuộc đời không giống giấc chiêm bao…
 
Em chơi vơi
Khi chợt hiểu ra… Để từ đó
Lặng lẽ nói cười, lặng lẽ nát tan
Tháng Ba hoa Điệp vẫn rực vàng
Em lặng lẽ nói cười, lặng lẽ nát tan…
 
                               Trần Mai Ngân
 

HÁT KHÚC ĐỒNG XANH, ĐỨA TRẺ ĐỒNG LÀNG – Thơ Tịnh Bình


  
                        Nhà thơ Tịnh Bình

 
HÁT KHÚC ĐỒNG XANH
 
Nhắn gì lời chim manh manh ?
Ta về tìm lại đồng xanh thiếu thời
Năm mười đã vãn cuộc chơi
Đâu bầy trẻ nhỏ ời ời gọi nhau
 
Quê hương cắt rốn chôn nhau
Lũy tre bóng hạ bờ ao mưa về
Đồng trưa che cái nón mê
Trâu nằm hóng mát ven đê giấc nồng
 
Nhắn gì se sắt hơi đông
Sương giăng trắng ngõ bếp hồng reo vui
Củ khoai biếng nhác nằm vùi
Mẹ cời que bếp ngọt bùi tro than
 
Những mùa ve đổ râm ran
Thơm hương nấm mối tập tàng canh rau
Qua sông con sáo buồn sao
Rụng bông điên điển dàu dàu niềm quê
 
Chạnh lòng điệu lý tái tê
Đàn bầu nhỏ giọt hiên quê trăng vàng
Đêm thu khúc dế tình tang
Ngẩn ngơ lòng khế mơ màng bưởi chanh
 
Ta về hát khúc đồng xanh
Thương con diều giấy quẩn quanh bay vòng
Bời bời lau trắng triền sông
Hóa thành tóc mẹ dòng dòng bạc phau...
 

ĐI TÌM, CHÚT THÔI, NỖI CÔ ĐƠN, BỂ DÂU – Thơ Nguyên Lạc


  
                 Nhà thơ Nguyên Lạc
 

ĐI TÌM
 
Đi tìm một thuở đã xa
Bước chân vô vọng phù hoa chợ người
Mong manh tình hạt sương rơi
Phù du nhân thế biết rồi trùng lai
Thì thôi một tiếng thở dài
Làm sao níu được mây bay lưng trời?
 
Đi tìm tôi lại thấy tôi
Ngu ngơ tình đó một đời cuồng si
Đài trang dáng mộng xuân thì
Trong em tôi có chút gì không em?
Tình rồi em chắc đã quên!
 

THÁI HẠO, TIẾNG NÓI MỚI, VANG RỀN - Nguyễn Đức Tùng




Thế giới thường xuyên thay đổi, nhưng chưa bao giờ thay đổi nhanh đến thế, như trong những năm qua. Dịch bệnh, chiến tranh, tra tấn, dân tộc chia rẽ, môi trường thiên nhiên bị tàn phá đến cùng kiệt. Con người ngày càng tham lam, ngày càng sống hời hợt và giả dối.
Và bên dưới tất cả những thứ ấy, có một điều gì sâu hơn nữa, sâu xa nhất, chi phối tất cả: sự sợ hãi.
 
Tại sao chúng ta sợ hãi?
Tôi đã tự hỏi ngàn lần
Tại sao chúng ta sợ hãi?
Loài linh trưởng trong tôi gào thét
Đại ngàn trút lá
Tôi thèm làm người
Nguyên sinh
Trăng vỡ trên đỉnh trời
Tại sao chúng ta sợ hãi?
Câu hỏi làm tôi nổi giận
Thèm một que diêm
để châm lửa vào cánh rừng
 

Thứ Tư, 9 tháng 3, 2022

PHẠM CÔNG THIỆN KỲ TUYỆT MỘT THIÊN TÀI – Tâm Nhiên

Kỷ niệm 11 năm ngày mất của thi sĩ triết gia Phạm Công Thiện (8. 3. 2011 - 8.3 2022) chúng tôi đăng bài viết của du sĩ Tâm Nhiên.


Chân dung Phạm Công Thiện do hoạ sỹ Trần Thế Vĩnh vẽ

Có những con người đến rồi đi qua mặt đất, trần gian này như một cơn giông tố bão bùng, sấm sét, gây chấn động kinh hồn, làm bùng vỡ một điều chi kỳ vĩ, tinh khôi trên bầu trời tâm thức nhân loại, Phạm Công Thiện là một con người độc đáo như vậy.
 
Đấy là một giáo sư, tư tưởng gia, nhà văn, nghệ sỹ hay một thi sỹ kỳ tuyệt thiên tài, như đại văn hào Henry Miller từ Hoa Kỳ đã phát biểu trong một thư gởi Phạm Công Thiện, đề ngày 8.8.1966:
 
“Mới ở tuổi 25 mà là khoa trưởng văn chương ở một đại học nổi tiếng trong xứ sở của ông, quả nhiên là thiên tài. Điều đó thật phi thường quá, quả thật khó tin, thật như chuyện huyền thoại.”
 
Đúng vậy, một con người đã đến và đi như huyền thoại giữa cuộc sống thiên diễn, đầy biến động trên quê hương đất nước Việt Nam.
Làm sao nói về con người kỳ diệu này? Vào một chiều tháng 6, bắt đầu mùa hạ năm 1941, Phạm Công Thiện ra đời bên dòng sông thơ mộng Cửu Long.

Dòng sông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, ngút ngàn chảy xuống dọc ven bờ phố thị Mỹ Tho, một thị xã nhỏ nhắn, lặng lẽ hiền hòa ở miền Nam.

Thi sỹ lớn lên từ đó, từ thuở nhỏ vốn bẩm sinh thông minh xuất chúng, học một biết mười, đến độ thông thạo nhiều ngôn ngữ, đọc hàng đống sách đủ loại Đông Tây kim cổ…

Suốt ngày đêm cứ mặc sức mơ mộng, rong chơi và tha hồ tắm sông lội nước, nằm ngắm mây trời bay lãng đãng, xa xôi…
Rồi bất thình lình, đột ngột một hôm vụt đứng dậy, xuất hiện trên văn đàn Việt Nam như một tài năng kiệt xuất, lỗi lạc, biết nhiều thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hán, Phạn, Pali, Tây Tạng, Tây Ban Nha…
 

CAO XUÂN HUY- NGƯỜI VẪN KHÔNG THỂ THOÁT RA KHỎI CUỘC CHIẾN - Đỗ Trường

(Mục chân dung nhà văn - Đỗ Trường)
 
Tác giả Đỗ Trường

Sau 1975, Văn học cũng như con người buộc phải trốn chạy, tìm đường vượt biển. Tưởng chừng, nơi miền đất lạ, dòng văn học tị nạn ấy sẽ chững lại. Nhưng không, nó như những nhánh sông âm thầm vặn mình bồi lên mảnh đất khô cằn đó. Chiến tranh, người lính vẫn là đề tài nóng bỏng để các nhà văn tìm tòi, khai thác. Vào thời điểm ấy, những nhà văn quân đội Phan Nhật Nam, Trần Hoài Thư, Thế Uyên…đang ở độ chín và sung sức. Và sau đó, xuất hiện hàng loạt nhà văn xuất thân từ những người lính chiến đã trải qua những năm tháng tù đày, như: Phạm Tín An Ninh, Song Vũ hay Cao Xuân Huy… Tuy văn phong, thi pháp riêng biệt, nhưng tựu trung, mỗi trang viết của họ đều để lại những ấn tượng thật sâu sắc trong lòng người đọc. Nếu văn của Phạm Tín An Ninh đẹp, sáng và nhẹ nhàng, thì từ ngữ trên những trang viết của Cao Xuân Huy nặng tính khẩu ngữ trần trụi, mãnh liệt. Có một điều rất thú vị, đọc Cao Xuân Huy, tôi lại nhớ đến nhà thơ người lính Nguyễn Bắc Sơn. Bởi, tính đặc trưng ngôn ngữ làm nên hình tượng, chất lính rất đặc biệt trong thơ văn của hai ông văn sĩ này.
 

TRÍCH: TÌNH KHÚC TẶNG BẠN BÈ NXB VĂN NGHỆ 2008 - Thơ Khaly Chàm


   


,mai sau ai hát
 
trời trong sao rượu đục ngầu
dăm ly cũng thấm giọt sầu tê môi
nguyệt cầm chìm giữa dòng trôi
mai sau ai hát dỗ người - ru ta ?
 

,lệ nhoà kinh xưa
 
cầm dương phím lạnh tay ngà
tơ đồng rướm máu lệ nhoà kinh xưa
hiển linh sáng giọt âm thừa
nhập vào hư ảnh cho vừa cơn say

 
,về nghe sông hát
 
bến chiều nắng rụng vàng tay
sóng âm ba động nhíu mày dòng trôi
bờ xa hao khuyết - bãi bồi
về nghe sông hát ru hời tháng năm
 
                                     khaly chàm
 

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2022

ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO: ĐẶC ĐIỂM, PHÂN LOẠI, CÔNG DỤNG VÀ CÁCH DÙNG



Đông trùng hạ thảo là gì và tác dụng của nó thế nào mà được rất nhiều người “săn đón” với các mức giá khác nhau, rất đa dạng trên thị trường hiện nay. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
 

Thứ Hai, 7 tháng 3, 2022

TỐI LEO LÊN GIƯỜNG, NẰM NGHE CẢI LƯƠNG



Sáng ăn cơm sườn.
Chiều ăn nước tương.
Tối leo lên giường
nằm nghe cải lương
(Chế lời bài Beautiful Sunday)
 
Thập niên 60 - 70, Sài Gòn là nơi tập trung của các Đại Bang Đệ Nhất Cải Lương. Từ nơi trung tâm phồn hoa đô hội cho tới khu lao động nghèo cứ thấy chổ nào dựng rạp hoặc xe ngựa chở các nghệ sĩ đi quảng cáo với đủ màu sắc tiếng chống khua đều kích thích lũ trẻ con chạy theo coi mặt nghệ sỹ tối nào cũng kín rạp từ lớp bình dân cho tới trí thức đều háo hức chờ xem kéo màn.

TỰ DO ĐẦU TIÊN VÀ CUỐI CÙNG, KRISHNAMURTI - Bản dịch của Phạm Công Thiện.




Tác phẩm trứ danh Tự Do Đầu Tiên Và Cuối Cùng của Krishnamurti (Henry Miller viết lời Giới thiệu, Aldous Huxley viết lời Bạt) do Phạm Công Thiện dịch. An Tiêm xuất bản năm 1970 tại Sài Gòn.
 
Con người là kẻ tự giải phóng bản thân
                        Phạm Công Thiện dịch
 
Khắp thế giới không ai còn lạ gì tên tuổi Krishnamurti. Từ nửa thế kỷ nay, Krishnamurti đã đi lang thang cô độc khắp trái đất, đã kêu gọi mọi người giải phóng khỏi mọi nô lệ ràng buộc trong đời sống đau thương này.Tiếng nói của Krishnamurti là tiếng nói lặng lẽ của một con người đã tự giải phóng bản thân, của một con người đã trải qua tất cả mọi đau đớn không cùng, đã sống một triệu mùa ở hỏa ngục, đã tự giải thoát và nhìn thấy được Thực Tại toàn diện của đời sống, ca ngợi giòng đời vô tận, ngây ngất với tiếng cười lặng lẽ của mười triệu năm hư vô trong đêm tối nặng trĩu trái đắng mật đen.
 
Chân dung Krishnamurti

Krishnamurti đã được nhân loại nhận là hậu thân của Phật Thích Ca và Chúa Giê su; Krishnamurti đã được mấy trăm triệu người ở thế giới tôn lên ngôi vị đấng Đạo Sư, bậc Giáo Chủ của nhân loại, thế mà Krishnamurti đã giải tán hết mọi tôn giáo, tổ chức, đã phủ nhận tất cả tín điều, đã phá hủy hết mọi triết lý và ý thức hệ, đã đập vỡ hết mọi thần tượng và, trên năm mươi năm trời đã một mình bước đi lang thang khắp nẻo đường trần gian, không tiền, không bạc, không hành lý, không gia đình, không quê hương, không truyền thống, chỉ một mình và chỉ đi một mình, cô đơn, cô độc, sống tràn trề, sống bất tận, sống vỡ bờ như một thác nước ào ạt, tuôn chảy mãnh liệt nhưng vẫn trầm lặng, nói rất nhiều mà vẫn im lặng, đi rất nhiều mà vẫn tịch nhiên bất động, gắn kết đời sống mà vẫn cưới hỏi sự chết, chết và sống giao nhau trên cung cầm thiên thu, sống và chết giao nhau trong đôi mắt sâu thẳm của Krishnamurti, trong tiếng nói thê thiết của Krishnamurti, một con người đã chết trong sự sống và đã sống trong sự chết, một con người đã không còn là con người nữa, vì đã vượt lên trên con người, đã chìm xuống tận hố thẳm của hư vô và bay cao lên đến tận đỉnh trời để trở về cuộc đời trần thế, tìm thấy Người Yêu mình trên những núi xanh lơ, tìm thấy Người Yêu mình trong dòng nước rực ngời của đại dương, tìm thấy Người Yêu mình trong con suối sủi bọt, tìm thấy Người Yêu mình trong ao nước in trời, tìm thấy Người Yêu mình trong thung lũng mây cao, tìm thấy Người Yêu mình trong cơn khói trời chiều, trong thôn xóm hoàng hôn, trong ngọn cây trắc bá, trong cổ thụ lâu đời, trong bụi cây ôm đất, trong cành lá cheo leo, trong cánh đồng nuôi chim, trong hải ngạn sóng vỗ, trong rặng dương đùa gió, trong bóng chiều mây phủ, trên dòng nước buổi chiều, dưới bóng sao, trong đêm thâu, trong ánh trăng, trong sự tĩnh mịch trước bình minh, trong tiếng ru cây lá, trong tiếng chim kêu buổi sáng…
 
Chúng ta hãy cùng ca với Krishnamurti bài ca tình yêu:
 
….Trong những hải đảo xa xôi xanh thẫm
Trên giọt sương mong manh
Trên con sóng vỡ bụi
Trên ánh nước lung linh
Trên cánh chim tung trời
Trên lá non đầu xuân
Người sẽ nhìn thấy nét mặt Người Yêu của ta
Trong đền điện linh thiêng
Trong vũ trường mê đắm
Trên nét mặt thánh thiện của tu sĩ
Trong bước đi lảo đảo của người say rượu
Nơi những gái điếm giang hồ và những trai tân trinh nữ
Ngươi sẽ gặp Người Yêu của ta.
 
Tôi đã giữ lại một tên người, một tên nổi hẳn lên, đối nghịch lại với tất cả những gì ám muội, khả nghi, hỗn tạp; đối nghịch lại những gì nặng nề sách vở từ chương, đối nghịch lại những gì trói buộc thúc phược; đó là tên Krishnamurti. Đây là một con người của thời đại chúng ta, một người mà chúng ta có thể nói là bậc thầy, đạo sư, người làm chủ thực tại. Ông đứng một mình một cõi. Không thể nào thấy được bất cứ người nào trên đời này đã hy sinh quên mình, từ bỏ, chối bỏ mọi sự, chối bỏ hết như là Krishnamurti đã thể hiện trong đời sống ông, tôi không thể nghĩ ra người nào đã có thể hành động hơn Krishnamurti, ngoại trừ đấng Christ. Căn nguyên nền tảng tư tưởng Krishnamurti rất là giản dị đến nỗi chúng ta có thể hiểu được lý do tại sao những lời lẽ hành động trực tiếp minh bạch của ông đã bị hiểu sai và đã gây ra bao nhiêu hỗn tạp đáng buồn. Loài người vẫn tầm thường như thế, họ luôn luôn chấp nhận một cách miễn cưỡng những gì có vẻ dễ hiểu giản dị. Óc ngoan cố ương ngạnh của họ còn thâm hiểm hơn tất cả mưu mẹo lừa đảo của ma quỷ, vì thế, họ đã bỏ quên, không chịu nhận ra những quyền hạn thiên phú có sẵn trong bản thể họ; họ chỉ đòi hỏi được giải thoát hay được cứu rỗi qua một trung gian môi giới nào đó; họ chỉ mải miết chạy đi tìm kiếm những người hướng dẫn, những kẻ chỉ đường dẫn lối, những vị cố vấn khuyên giải, những kẻ lãnh đạo, lãnh tụ, những hệ thống lập trường, những nghi lễ hình thức tế toái…Họ chỉ thích tìm kiếm những thứ ấy, họ chỉ muốn tìm những sự giải quyết, những đáp số, mà họ không biết rằng tất cả những đáp số đã nằm sẵn trong lòng họ rồi.Họ đặt sự học vấn trí thức lên trên cả sự thông minh tâm hồn; họ đặt quyền thế cường lực lên trên cả tài nghệ biện biệt tế nhị. Nhưng điều đáng lo ngại nhất và đáng nói trước hết là họ không chịu tự mình giải phóng giải thoát cho mình; họ không chịu cứu lấy bản thân mà cứ luôn luôn vờ vĩnh bày đặt chuyện cứu vớt thế giới, thế gian, thế nhân, vân vân. Họ bảo rằng thế giới “thế gian” phải được giải phóng trước đã, rồi mới nói chuyện giải phóng cá nhân. Thế mà biết bao nhiêu lần rồi Krishnamurti đã nhắc nhở rằng vấn đề thế giới chỉ là dính liền mật thiết với vấn đề cá nhân; cá thể và tập thể đều chỉ đồng nhất thể. Chân lý luôn luôn hiện diện, luôn luôn xuất hiện trước mặt chúng ta. Sự vĩnh cửu, bất diệt, thiên thu, vĩnh viễn nằm ngay tại đây, nằm ngay bây giờ, ngay giờ phút hiện tại. Và giải thoát ư ? Ồ, hỡi ngài, ngài muốn giải thoát cái gì ? Giải thoát bản ngã nhỏ bé bần tiện của ngài ư ? Linh hồn của ngài ư ? Diện mục của ngài ? Hãy đánh mất nó đi thì ngài sẽ tìm thấy lại mình. Đừng bận tâm lo nghĩ Thượng Đế – cứ để Thượng Đế tự lo cho Thượng Đế. Hãy tôi luyện những nghi vấn ngờ vực, hãy ôm lấy mọi thứ kinh nghiệm của đời sống, hãy tiếp tục thèm muốn khao khát, cố gắng đừng quên cũng đừng nhớ, hãy luôn luôn đón nhận và thể nhập tất cả những gì mình đã được thể nghiệm trong dòng đời tuôn chảy….
 
“Con người là kẻ tự giải phóng bản thân”. Phải chăng đó là đạo lý tối thượng của đời sống ? Biết bao nhiêu bậc hiền nhân trác việt đã nhắc nhở và đã thể hiện bao lần giữa lòng đời. Họ là những bậc đạo sư, những con người đã làm lễ cưới với đời sống, chứ không phải với những nguyên tắc, luật pháp, tín điều, luân lý, tín ngưỡng. “Những bậc đạo sư đúng nghĩa thì chẳng bao giờ bày đặt ra lề luật, hay giới luật, họ chỉ muốn giải phóng con người”, (Krishnamurti).
 
Điều làm nổi bật Krishnamurti và nói lên sự khác nhau giữa Krishnamurti và những bậc giáo chủ vĩ đại trong lịch sử là sự trần truồng tuyệt đối của tâm hồn ông. Ông chỉ giữ lại cho mình một chỗ đứng độc nhất: một con người , với ý nghĩa giản dị đơn sơ của con người.
 
Mang lấy xác thịt mảnh khảnh của con người, ông nương tựa trọn vẹn vào tâm linh, đồng thời ý thức rằng tâm linh và thể xác chỉ là một, không khác nhau.
Ông chỉ giữ lấy một sứ mệnh độc nhất là tước bỏ con người ra ngoài tất cả những huyền tưởng, ảo giác, phá hủy cho sụp đổ tất cả chống nạng giả tạo của những lý tưởng, những tín ngưỡng, ngẫu tượng, phá hủy tất cả mọi hình thức chống đỡ con người, để trả con người trở lại sự tôn nghiêm trọn vẹn, sức mạnh vẹn toàn của nhân tính. Người ta thường gọi ông là “Đấng Đạo Sư của Thế Gian”. Nếu có người xứng đáng được gọi danh hiệu như thế thì người ấy chính là Krishnamurti. Đối với tôi, điều quan trọng nhất trong thái độ tâm linh của Krishnamurti là ông không bao giờ muốn chúng ta coi ông như là bậc đạo sư, như một bậc thầy, mà chỉ muốn là một con người, với tất cả ý nghĩa đơn giản thông thường của hiện thể.
                                                                             (Henry Miller)

Nguồn:
https://thuvienhoasen.org/a17190/tu-do-dau-tien-va-cuoi-cung

KRISHNAMURTI NÓI VỀ CHIẾN TRANH


Chân dung Krishnamurti
 
Khắp thế giới không ai còn lạ gì tên tuổi Krishnamurti. Từ nửa thế kỷ nay, Krishnamurti đã đi lang thang cô độc khắp trái đất, đã kêu gọi mọi người giải phóng khỏi mọi nô lệ ràng buộc trong đời sống đau thương này.Tiếng nói của Krishnamurti là tiếng nói lặng lẽ của một con người đã tự giải phóng bản thân, của một con người đã trải qua tất cả mọi đau đớn không cùng, đã sống một triệu mùa ở hỏa ngục, đã tự giải thoát và nhìn thấy được Thực Tại toàn diện của đời sống, ca ngợi giòng đời vô tận, ngây ngất với tiếng cười lặng lẽ của mười triệu năm hư vô trong đêm tối nặng trĩu trái đắng mật đen.

Krishnamurti; Tự do đầu tiên và cuối cùng.
Con người là kẻ tự giải phóng bản thân.
 Phạm Công Thiện dịch.


Trong tác phẩm trứ danh Tự Do Đầu Tiên Và Cuối Cùng của Krishnamurti (Henry Miller viết lời Giới thiệu, Aldous Huxley viết lời Bạt) do Phạm Công Thiện dịch. An Tiêm xuất bản năm 1970 tại Sài Gòn. Krishnamurti nói về nhiều đề tài cốt yếu như:
 
Chúng ta đang đi tìm gì?
Cá nhân và xã hội
Tự tri
Ý tưởng và hành động
Bản ngã là gì?
Tư tưởng có thể giải quyết những vấn đề của chúng ta không?
Nói về cuộc khủng hoảng hiện tại
Về sự tương giao
Về chủ nghĩa ái quốc hạn hẹp
Tại sao phải cần những bậc đạo sư?
Về sự sợ hãi
Về nỗi cô đơn
Về sự đau khổ
Về tình dục
Về tình yêu
Về sự chết
Về sự chỉ trích, phẩm bình
Về tín ngưỡng nơi Thượng đế
Về sự đốn ngộ
Về hành động không ý tưởng
Về ý nghĩa cuộc đời
Về sự chuyển hóa tâm thức
Về chiến tranh...
(Và còn nhiều đề tài quan trọng về cuộc sống nữa...)