Chị
Nguyễn Thị Túy, nguyên mẫu của nhân vật “em” trong ca khúc “Chuyện tình buồn”
(nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ Phạm Văn Bình)!
Mọi người đều quá biết “Chuyện tình buồn” là một trong những bản nhạc tình rất hay và cực kỳ lãng mạn của nền âm nhạc miền Nam Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Câu chuyện trong bài thơ hay bài hát đều kể về một thanh niên có gia đình theo đạo Phật, đem lòng yêu một cô gái rất đẹp theo đạo Công giáo. Hồi đó, những câu chuyện như thế này là không hề thiếu, và chắc chắn là luôn gặp phải trắc trở vì bị cả hai gia đình, thậm chí cả dòng họ ngăn cấm tới cùng!
Tôi được nghe ca khúc này lần đầu quãng những năm
1985, khi vừa mới lớn. Từ đó đến cách đây 1 năm (năm 2023), vì nhiều lý do, có
lúc tôi quên khuấy khúc ca mà mình đã từng thích ấy, hoặc cũng “5 thì 10 họa” mới
có dịp nghe lai bản nhạc này. Nhưng thật kỳ lạ, chỉ trong vòng 1 năm trở lại
đây thôi, đã có quá nhiều điều, nếu nói là tình cờ ngẫu nhiên cũng được, mà nói
là nhân duyên cũng đúng, đã đến với tôi, xoay quanh “Chuyện tình buồn”.
Ngày 1/4/2023, cách đây chẵn chòi 1 năm, tôi về vùng Cù Bị (Đồng Nai) nơi có nhiều cánh rừng cao su bạt ngàn chơi, dừng xe máy chụp cái hình đăng Facebook. Lát sau thấy cậu bạn thời niên thiếu bình luận vui “Anh một đời rong ruổi”. Chuyện tới đó rồi thôi.
Tới ngày 4/4/2023, tôi đọc được bài viết trên Facebook có thêm khá nhiều thông tin về các nguyên mẫu trong nhạc phẩm này. Sau đó, tôi viết “Chuyện tình buồn 5 năm rồi không gặp”.
Ngày 5/4/2023, tài khoản "Tuy Nguyen" liên lạc, lúc đó mình mới biết đó là chị Nguyễn Thị Túy - nguyên mẫu trong“Chuyện tình buồn” quá nổi tiếng mà nhiều người đã biết, khi chị nhắn "Chị đọc bài viết của em, chị có cảm tưởng như em đang ở trong nhà chị hoặc nhà anh Bình. Em thân với anh Bình hay sao?"
Kể từ đó, tôi và chị Túy từ 2 người cách xa về tuổi
tác, từ xa lạ đã trở nên thân quen, thường hay hỏi thăm nhau.
Tới hôm nay, 1/4/2024, đúng 1 năm sau ngày “Chuyện tình buồn” được gợi nhớ lại, tình cờ chị Túy lại gọi điện từ Hoa Kỳ về nói chuyện với tôi!
Tới hôm nay, 1/4/2024, đúng 1 năm sau ngày “Chuyện tình buồn” được gợi nhớ lại, tình cờ chị Túy lại gọi điện từ Hoa Kỳ về nói chuyện với tôi!
Chị Túy kể, nhà của thi sĩ Phạm Văn Bình và nhà chị cùng ở trong một con hẻm ở đường Phan Bội Châu, thị trấn Đông Hà. Chị Túy có một người anh trai là bạn thân cùng trang lứa với Phạm Văn Bình. Qua lại giao du, thấy người phụ nữ này có nhan sắc, có học vấn (chị Túy không học ở Đông Hà mà học ở Trung học Bán công Huế), lại biết trang điểm, ăn mặc bắt mắt, nên Phạm Văn Bình thấy quá ưng ý mà đem lòng yêu đương. Hai người yêu nhau, và nhiều người người ở Đông Hà ngày ấy thấy mối tình của họ rất chi là da diết, quấn quýt không rời.
Đến tận giờ cũng không có nhiều người biết câu chuyện tình của thi sĩ Phạm Văn Bình và người phụ nữ trong ca khúc “Chuyện tình buồn” này chớm nở từ lúc nào, nhưng lúc họ chia tay, có lẽ vào quãng giữa thập kỷ 1960! Có người phỏng đoán rằng năm 1963 anh Phạm Văn Bình 23 tuổi và chị Tuý mới 16 tuổi nên có thể hiểu anh chị yêu nhau trong khoảng thời gian này.
Nhưng cách trở của tôn giáo đã khiến họ phải xa nhau. Không lấy được anh Bình, lúc đó chị Túy đứng trước sự "tấn công dữ dội" của nhiều chàng trai, trong đó có 1 anh liên hồi hối thúc quá dữ dù khi ấy chị còn đi học và chỉ mới cỡ 18 tuổi, như chị nói “hồi đó chị nhác học và chỉ ưa đi chơi”. Lấy chồng xong đẻ tới tới, nên tấm hình mà mọi người vừa xem, lúc đó đã “tay bế tay bồng” rồi. Phạm Văn Bình sau này gặp lại người yêu cũ đã viết “Anh một đời rong ruổi; em tay bế tay bồng” là vậy.
Trong câu chuyện, chị Túy nói: “Chị nghĩ 'Chuyện tình buồn' đã trở thành một ca khúc vượt thời gian và không gian, không còn là thân phận đau thương của riêng chị, mà đã trở thành một biểu tượng cho thân phận của hàng triệu người con gái Việt Nam da vàng sống trong thời chiến tranh ly loạn 'Như cánh hoa trong thời loạn ly' với những người chiến binh thân yêu “có đi chiến chinh mà mấy ai trở về”.
Chị Túy kể rằng ngày trước nhà chị ở Huế, ngay cổng
trước của trường Thiên Hựu (nay là đường Nguyễn Huệ chạy ngang trước Trường Đại
học Tổng hợp Huế). Vì chiến tranh mà chị và gia đình bên chồng đã từng ở rất
nhiều nơi, từ Huế vô Dĩ An, ra Nha Trang, lại vô Bình Tuy.
Chị vẫn còn nhắc về vùng Quảng Biên, Trà Cổ, Trảng Bom… mà ngày ấy chị từng qua lại nhiều lần. Sau 1975, chị chuyển vô vùng Bàu Cá Long Khánh có được hơn mẫu đất của mẹ chồng cho nên trồng mít, rồi hái mít, và đi bán mít cực trần ai.
Sau đó chị chuyển lên Saigon ở, và năm 2006 qua Hoa Kỳ định cư. Hiện chị đang sống ở bang Maryland với mấy người con. Và trùng hợp thay, thi sĩ Phạm Văn Bình cũng định cư ở đây, nhưng ông đã mất hồi năm 2018 rồi.
Về kỷ niệm với “Chuyện tình buồn”, chị Túy chia sẻ: "Thân phận của những hồng nhan bạc mệnh trong thời kỳ chiến tranh ác liệt của miền Nam Việt Nam thân yêu. Bi kịch chiến trường và tình yêu lãng mạn đan xen trong cuộc sống thời chiến, quả là một khúc ca bi tráng".
Giai nhân Nguyễn Thị Túy ngày nào còn nhớ như in về “một
thời của những chàng trai đang lứa tuổi tràn đầy nhựa sống yêu đương, phải xếp
bút nghiên, từ giã những người đẹp lộng lẫy, lên đường làm nhiệm vụ của người
trai thời chinh chiến, để lại người yêu nơi hậu phương, rồi trở về trong chiếc
poncho mang theo một màu tang ngút trời”.
Nhớ lại, hầu như những người yêu nhau trong thời buổi
chinh chiến ấy đều dường như tìm thấy hình ảnh của chính mình trong bài thơ. Lứa
thanh niên ở nông thôn hay đô thị, ngồi trên giảng đường hay mưu sinh ngoài đường
phố, trong đó nhiều nhất có lẽ là những chàng trai lính chiến, đều có thể “hát
nghêu ngao” ít nhất vài câu của bản nhạc “Chuyện tình buồn” này, và không thiếu
người xem như chính câu chuyện tình éo le đó là của chính mình vậy!
“Chuyện tình buồn” từ khi xuất hiện và đến tận bây giờ, hơn 50 năm đã qua, luôn được xem là một nhạc khúc không chỉ buồn, mà còn quá buồn cho một chuyện tình dang dở. Cung nhạc luôn vấn vương và da diết, lời thơ đượm vẻ u buồn mà nhuốm màu thương đau. Như chính tựa đề, bài hát là một câu chuyện tình yêu đượm buồn của thời tuổi trẻ nhưng lại mang nhớ thương day dứt mãi hoài, và có gì đau thương hơn khi người mà ta yêu thương nhất năm xưa, nay đã là góa phụ bồng con ngồi bên song cửa mà buồn…
Chiến tranh không chừa ra điều gì, nó mang lại bao nỗi đau thương, mất mát và nghịch cảnh đến rất, rất nhiều gia đình. Rất nhiều những goá phụ trạc tuổi như chị Túy còn đang xuân mà một nách mấy người con, là chuyện thường tình.
Bất chợt, tôi nhớ đến bà ngoại của các con tôi cũng vậy, có lẽ cùng lứa tuổi với chị Túy, cũng cùng cảnh ngộ một nách 2 con thơ lại còn mang bầu đứa thứ 3 lúc còn son trẻ khi ông ngoại các cháu tử trận tại chiến dịch Lam Sơn 719 năm 1971. Khi đó “bà cụ thân sinh” của 2 con tôi mới chỉ là bào thai nơi người thiếu phụ quê Cồn Hến ở Huế. Bà ngoại mấy cháu lúc đó chưa qua tuổi 30 mà chịu ở vậy nuôi 3 đứa con đến giờ. Ôi trời ơi chiến tranh: lắm khổ đau, nhiều mất mát và dư thừa nghịch cảnh!
Chiều thu năm nào đó chiếu xuống nơi xóm đạo an lành, theo đó là ánh thu buồn hắt hiu khi chuông nơi giáo đường năm ấy ngân nga. Thời gian vài ba năm cứ ngỡ là lâu, ai dè nay gặp lại thì tưởng chừng như mới vừa hôm qua.
Sau tất cả, chuyện tình giữa Phạm Văn Bình và giai nhân ấy không thành, và chúng ta chỉ thấy được chàng trai cứ ôm nỗi đau cho riêng mình mà không một lời oán hận chi hết.
Chỉ nhớ mãi sao câu chuyện trong bài ca ấy buồn quá, nó cứ đeo đuổi và vẫn ở mãi trong ký ức của chúng tôi, từ đó tới giờ!
Chiều nay không biết sao, lại miên man với “Chuyện tình buồn”, với “bao kỷ niệm chôn kín, dường như đã lãng quên”…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét