BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2022

VỀ MỘT QUÃNG ĐỜI TRỊNH CÔNG SƠN (Kỳ 8) - Nguyễn Thanh Ty


Tác giả bài viết Nguyễn Thanh Ty


Sơn rít một hơi dài ống vố, ngửa mặt lên trần nhà từ từ nhả khói, chấm dứt câu chuyện. Tôi nghe tiếng ống vố gõ nhè nhẹ xuống mặt bàn cọc...cọc...cọc...đều đều, buồn như tiếng thạch sùng tắc lưỡi trong đêm.
 
Địa điểm ngôi trường Bảo An ngày xưa,
nơi Trịnh Công Sơn từng dạy học, nay là sân vận động.
 
Ca Sĩ Kim Vui - Người Mẫu Có Hàm Răng Đẹp Quảng Cáo Hãng Kem Đánh Răng Leyna Kem Trắng Chỉ Hồng:
 
Sơn không chịu kể gì về mối liên hệ giữa mình với cô ca sĩ Kim Vui. Gặng hỏi, cũng chỉ cười và nói - Bạn thôi- Tôi không tin. Tôi nghĩ là Sơn không muốn tiết lộ vì một lý do nào đó.

Trước Giáng Sinh năm 1964 mấy ngày, Sơn nhận được một gói quà khá lớn từ Sài Gòn gửi lên qua đường bưu điện. Tình cờ hôm đó chúng tôi có mặt đông đủ để bàn về các tiết mục vui chơi trong những ngày Noel sắp tới. Khi Sơn ôm gói quà về, nét mặt vui vẻ lắm. Chúng tôi tò mò muốn coi thử cái gì bên trong và do ai gửi nên hối Sơn mau mau mở ra xem.
 
Gói quà được bao bọc cẩn thận nhiều lớp giấy bên ngoài. Lớp trong cùng là một hộp bằng "cạc tông" bọc giấy hoa. Ở chéo góc phải có thắt một cái nơ màu đỏ. Trên mặt hộp viết hàng chữ "Thân gửi anh Sơn" phía dưới là hai chữ "Kim Vui".
 
Chúng tôi ồ lên một lượt: Kim Vui! Có phải Kim Vui là cô ca sĩ có hàm răng trắng, đẹp làm mẫu quảng cáo cho hãng kem đánh răng "Leyna" kem trắng, chỉ hồng đó không? Sơn gật đầu xác nhận. Sơn bắt đầu lấy dao rọc giấy, cẩn thận rọc tờ giấy hoa, bên trong lộ ra một hộp màu nhủ vàng, to cỡ cuốn vở học trò, dày hơn hai lóng tay. Sơn dừng lại, ngắm nghía. Xoay dọc, xoay ngang, ý chừng đang đoán thử cái gì bên trong. Tín sốt ruột, dục:
- Mở mẹ nó ra xem thì biết ngay nó là cái gì! Oản tù tì ra cái gì ra cái này cho xong! Ỡm ờ mãi! Gớm!
 
Đạo cản lại:
- Ơ! Hay nhỉ! Cái ông Tín nhà này hay nhỉ! Của người ta mà ông làm như của ông không bằng!
 
Tín trả đũa tức khắc:
- Lại cái ông Đạo Sữa rồi! Sao ông cứ hay lái xe rác vào mồm em thế!
 
Nói xong, Tín cười hăng hắc. Cuối cùng thì cái hộp cũng được mở ra. Đó là một hộp "sô cô la". Từng thỏi, từng thỏi màu nâu đậm, thơm ngát nằm ngay ngắn trên lớp xốp mềm, trắng tinh, khêu gợi và kích thích. Tín vỗ tay, giả giọng Bắc ngọng:
- Hay quá! Thế nà "Lô En" lày chúng em có "Sô cô na" ăn dzồi!!!
 
Bạch góp ý đề nghị:
- Ông Sơn! Chia mỗi người một miếng, ăn và uống với nước trà Đỗ Hữu ướp sói là số dzách!
 
Sơn gạt phăng:
- Thôi mấy cha! Không có ăn uống gì hết. Tôi cất làm kỷ niệm! Cha nào đụng vô là tôi quyết bảo vệ như bảo vệ Phật pháp đó nghe!
 
Nghe Sơn nói, anh nào cũng tiu nghĩu, cụt hứng. Sơn đã nói thật và làm thật. Anh nâng niu chiếc hộp một cách trìu mến và đem nó cất vào chiếc vali da. Mỗi tối anh lại đem nó ra ngắm nghía. Ngoài hộp bánh ra, không một phong thư, không một dòng chữ nào thêm, ngoài mấy chữ "Thân gửi anh Sơn". Nhìn cách anh trân trọng nó, chắc chắn nó phải chứa đựng một tâm tình sâu đậm, thắm thiết lắm mà cô ca sĩ Kim Vui đã kín đáo gói trong đó.
 
Qua Tết Nguyên Đán, hộp sô cô la đã lên mốc xanh. Sơn xuýt xoa, tiếc lắm. Lấy giấy bổi lau hết mốc rồi đem cất lại. Một tuần nữa, mốc tràn ra cả ngoài hộp. Sơn sợ lây lan sang quần áo nên đành đem bỏ.
 
Mãi về sau, nhiều lần tôi cố gạ gẫm Sơn để biết thêm đôi chút chuyện tình bí ẩn, nhưng Sơn vẫn không hé nửa lời.
 
Diễm của Diễm Xưa:
 
Hai chị em, Dao Ánh và Bích Diễm.
 
Sơn bắt đầu câu chuyện. Hai chị em đều đẹp và quí phái. Tôi theo cô Diễm. Mối tình học trò, có lẽ đơn phương, kéo dài từ khi tôi còn ở Huế cho đến lúc vào Sài Gòn trọ học. Cha mẹ Diễm khó và không thích tôi. Nhưng tôi vẫn cứ đeo đuổi hình bóng của Diễm, bởi Diễm cũng chưa có biểu hiện nào xa lánh tôi và cũng không có lời lẽ cự tuyệt. Năm đó tôi thi trượt Bac II. Diễm đậu và vào Sài Gòn để vào đại học Văn Khoa. Còn tôi thì về lại Huế, bỏ ngang việc học vì gia đình đang lâm cảnh sa sút. Phần buồn, phần tự ái, tôi không còn tìm cách liên lạc với Diễm nữa. Có lẽ vì vậy mà Diễm cũng lơ luôn.
 
Diễm đâu biết rằng trong thời gian này tôi đau khổ nhất. Tôi đã cố nén mọi khổ đau trong im lặng. Sự khổ đau và nhớ nhung dày vò tôi từng đêm, tôi đã phải viết nên bài "Diễm Xưa" để trút bớt nỗi khổ đau trong lòng. Nhưng có điều lạ là khi tôi viết xong bản nhạc này, tôi lại thấy lòng mình thanh thản, nhẹ nhàng. Tôi cảm thấy vơi đi rất nhiều nỗi nhớ và tình yêu. Trong lòng tôi bấy giờ chỉ còn một chút tình mong manh như sương, như khói. Nó không còn nồng nàn, mãnh liệt như trước kia. Một dịp tôi vào Sài Gòn, tìm đến cư xá nơi Diễm đang nội trú với ý định tặng nàng bản nhạc để làm kỷ niệm một thời tuổi trẻ, rồi thôi. Nhưng không gặp được Diễm. Tôi nhờ mấy cô bạn gái đang đứng ngoài cổng trao lại dùm. Khi tôi quay lưng đi được một quãng thì nghe tiếng Diễm từ trên "ban công" gọi theo:
- Anh Sơn! Anh Sơn! Anh Sơn ơi!
 
Nhưng tôi không ngoái lại. Tôi cắm đầu đi thẳng. Tiếng gọi tên tôi vẫn còn văng vẳng sau lưng. Từ ấy đến nay, tôi tự nhủ lòng, sẽ không bao giờ tìm gặp lại Diễm nữa.
 
* Những chuyện nầy do Sơn kể lại, tôi không rõ sự thực mấy mươi phần trăm. Hy vọng những nhân vật còn sống sẽ bổ túc thêm.
 
Tôn Nữ Bích Khê và Biển Nhớ:
 
Nhóm học sinh Nha Trang khăn gói ra Qui Nhơn học Sư phạm vào khoảng mười mấy người. Trong đó có cô Tôn nữ Bích Khê. Bích Khê còn hai người em gái nữa: Thuần Khê và Cẩm Khê. Bích Khê người dáng người nhỏ, tròn lẵn, nước da ngăm ngăm như màu da của Sơn. Khê thường đánh tóc rối, búi thành một búi ngược ra sau đỉnh đầu. Mang guốc cao gót hiệu Dakao, đi chân sáo. Đứng xa nhìn dáng Bích Khê đi trông giống như con sáo nhỏ đang nhảy nhót trong sân. Cái búi tóc nhảy tưng tưng theo nhịp bước nhún nhảy, người ta có cảm tưởng một lúc nào đó nó sẽ kéo người chủ té ngửa ra sau. Bích Khê không đẹp. Nhưng có duyên. Càng nhìn lâu càng quyến rũ.
 
Bích Khê cũng là một trong ba mươi người trong ban hợp xướng. Trong thời gian tập văn nghệ, Sơn đều vui vẻ, thân ái với mọi người. Mặc dù học chung hai năm, nhưng tôi không biết rõ chuyện tình cảm giữa Sơn và Khê bằng ông Đinh Cường. Hầu như ngày nào cũng có rất nhiều cô đến nhà trọ của Sơn. Sau khi bài "Biển Nhớ" được sáng tác và đưa vào chương trình tập dượt thì giáo sinh mới để ý tới Bích Khê vì câu "trời cao níu bước sơn khê". Bàn tán là vì không biết Sơn vô tình hay dụng ý ghép hai tên Sơn và Khê vào trong để nói lên tình cảm của mình?
 
Bản "Nhìn Những Mùa Thu Đi" cũng trong trường hợp tương tự. Trong lớp tôi đã có ba Thu rồi. Các lớp khác chí ít cũng có một hay hai Thu nữa. Nếu cứ suy luận kiểu của ông Đinh Cường thì không biết Thu nào đã yêu Sơn và ngược lại.
 
Mãn khóa, chia tay. Bận rộn, không ai có thì giờ để ý đến ai. Chăm chú, hồi hộp đợi danh sách bổ nhiệm, xem cuộc đời đưa đẩy số phận mình tới phương trời nào. Lúc chung sống với Sơn, có lần tôi hỏi Sơn về chuyện Bích Khê như anh em đã đồn đoán. Sơn cười và cho biết giữa Sơn và Khê cũng như các bạn gái khác chỉ là tình bạn học và văn nghệ. Chữ sơn khê chỉ là sự ngẫu nhiên trùng hợp.
 
Khánh Ly với Tình Ca Trịnh Công Sơn:
 
Đầu năm 1965, Việt Cộng gia tăng áp lực quân sự, quyết cắt đứt trục lộ giao thông Sài Gòn Đà Lạt. Đoạn đường từ Định Quán đến đèo Madagui thường xuyên bị đắp mô. Việt Cộng làm chủ đoạn đường đó từ 5 giờ chiều đến 8 giờ sáng hôm sau. Khi sương mù tan dần, đoàn xe Command-Car của Tiểu khu Lâm Đồng chầm chậm đi mở đường và phá mô thì đoàn xe khách cũng từ từ nối đuôi theo. Đoạn đường ngắn chừng vài chục cây số mà muốn vượt qua phải mất hơn bốn tiếng đồng hồ.
 
Sở dĩ Việt Cộng chọn khúc đường này để quấy phá liên tục là vì địa thế hiểm trở của nó. Đường lên đèo, xuống dốc, quanh co rất ngặt, nằm theo triền núi, một bên là vách đá dựng, một bên là vực sâu. Chung quanh là rừng nứa, tre, lồ ồ bạt ngàn, che phủ mịt mùng. Sương mù từng đám dầy đặc là là sát mặt đất suốt ngày, nắng cũng như mưa. Cách nhau một trăm thước, xe sau không thể nhìn thấy xe trước. Máy bay thám sát L19 quần đảo trên đầu cũng không tài nào phát hiện được địa điểm Việt Cộng đang lùa dân vào rừng "học tập" bên dưới.
 
Một lần từ Sài Gòn về, Trịnh công Sơn được Giải phóng quân "mời" vào "ổ" cùng hàng trăm hành khách khác để học tập chính sách và đường lối của mặt trận Giải Phóng Miền Nam. Đến tối mịt, hú vía, mấy "ổng" thả cho về. Sơn kể lại:
- Sợ muốn "teo bu gi" luôn! Đang lúc hàng chục chiếc xe nối đuôi nhau lên đèo, qua khỏi cái đèo này là coi như đã đến nhà, thình lình mấy "ổng" xuất hiện, ngoắc tay, ra hiệu cho xe ngừng lại.
 
Mọi người trong xe đều kêu lên nho nhỏ:- Chết rồi! Việt Cộng chận đường rồi! Làm sao bây giờ? Người nọ hỏi người kia. Không có câu trả lời. Việt Cộng chỉ có sáu người. Họ đi dép râu, mũ tai bèo, mặc bà ba đen. Vai mang súng CKC hoặc Garant M1. Quanh thắt lưng đeo lủng lẳng mấy trái lựu đạn trông giống cái chày đâm tiêu. Người nào cũng ốm đói, nước da vàng ủng. Họ dẫn đám người đi quanh co dưới rừng nứa dầy bịt, âm u. Ánh mặt trời thỉnh thoảng loé vài tia, xoi thủng cái không gian đặc sệt im lặng và lạnh lẽo. Hơn nửa cây số, Sơn đoán chừng, tất cả dừng lại dưới một vòm cây đã được phát dọn hết các gốc tre nứa. Tất cả ngồi bệt xuống đất để nghe một người trong bọn họ giảng giải về chủ trương, chính sách MTGPMN.
 
Đang thao thao nửa chừng, bỗng tên nọ dừng lại và săm săm đi thẳng đến tôi, đưa tay giật phăng cái mắt kiếng. Tôi điếng hồn nghĩ thầm, chắc mình có gì đặc biệt nên nó chú ý chăng! Nhưng sau đó, thấy ai mang kính cũng đều bị giật xuống hết, tôi mới hoàn hồn.
 
Tên giảng bài nói - Khi đang học tập, các "đồng chí" không được phép đeo kiếng. Đeo kiếng là tỏ thái độ không nghiêm túc, coi thường các tài liệu và các nghị quyết trên đưa xuống, nhất là coi thường chính trị viên! - Không một ai dám ho he. -Thế là các "đồng chí" đã mau chóng tiếp thu các chính sách, đường lối cách mạng. Thế là tốt. Vẫn một mình hắn nói. Vừa hỏi, vừa trả lời. Tiếp tục, không cần cầm tài liệu, tên chính trị viên nói liên tục, thao thao như nước chảy, không ngưng nghỉ. Đám chúng tôi phần sợ, phần lạnh và đói run, lại còn lo âu vì tiếng máy bay quần trên đầu, lúc gần lúc xa, không biết nó dội bom lúc nào. Trong lúc tên này giảng thuyết thì những tên khác chia nhau đứng gác rải rác chung quanh, súng chĩa lên trời chực bắn. Suốt hai tiếng đồng hồ lâu như hai năm, bài học mới chấm dứt. - Ta tạm nghỉ- Tên chính trị viên tuyên bố- Hẹn sẽ gặp lại các đồng chí một ngày gần đây. Thôi các đồng chí về nghỉ khỏe nhé!
 
Ra được đến đường lộ, leo lên xe, xe lăn bánh, cả tài xế lẫn hành khách mới hú hồn, thờ phào nhẹ nhõm. Bây giờ mọi người mới cảm thấy mót tiểu. Bác tài xế lên tiếng: - Tôi bị mấy lần rồi mà vẫn cứ muốn đái trong quần! Mấy ông, mấy bà lần đầu chắc phải sợ lắm phải không?- Một ông khách đáp giọng chán chường: - Ối thời buổi này, trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết. Mình người dân, một cổ hai tròng. May mà mấy cha nội cho về chớ giữ chơi vài bữa, nữa tháng thì mình lại càng khổ với đám cảnh sát, an ninh quân đội phía quốc gia nữa. Tôi nghe đến đó giật mình. Sơn tiếp- Nếu tôi bị giữ trong đó thì coi như "lúa" rồi!
 
Từ đó, Sơn đổi tuyến đường Bảo Lộc - Sài Gòn thành Bảo Lộc - Đà Lạt. Từ Đà Lạt, Sơn tình cờ biết Khánh Ly. Và cũng từ Đà Lạt, Sơn dần dần được nhiều người biết tiếng hơn. Liên tục ba năm, Khánh Ly đã lăng xê nhạc Trịnh Công Sơn chùa trên Đài Phát Thanh Đà Lạt. Chồng Khánh Ly là quản đốc đài. Nhưng nhạc Trịnh Công Sơn và tiếng hát Khánh Ly chỉ được biết trong một môi trường nhỏ hẹp, đóng khung ở Đà Lạt mà thôi. Mãi đến năm 1967, nhờ thành phần sinh viên thiên tả ở Sài Gòn tổ chức đưa hai người về hát tại đây mới gây được tiếng vang và ảnh hưởng sâu rộng trong giới sinh viên, nhất là những tổ chức phản chiến do Huỳnh Tấn Mẫm cầm đầu.
 
Tuy Bảo Lộc - Đà Lạt rất gần, 72 Km, tôi nhiều lần ghé Đà Lạt du hí ít hôm trước khi về Nha Trang, tôi vẫn chưa một lần biết mặt Khánh Ly. Lý do là tôi không thích chui vào mấy cái phòng trà hoặc vũ trường. Mấy nơi đó không hợp với khẩu vị của tôi. Uống cà phê nghe nhạc, tôi chỉ chọn có hai nơi là Cà phê TùngCà phê Thủy Tạ.
 
Nhưng tôi biết nhiều về Khánh Ly là nhờ mỗi lần từ Đà Lạt về, Sơn vui vẻ kể cho tôi nghe những ngày vui chơi ở đó. Dĩ nhiên, chỉ là những chuyện bình thường như đi ăn, đi nhảy, đi nghe nhạc uống cà phê hoặc những buổi đi lang thang bàn chuyện văn nghệ... kỳ dư những chuyện khác như nhiều người đồn đoán tôi không nghe Sơn kể.
 
Một lần, mới lên Đà Lạt có một hôm, Sơn hớt hãi chạy về, nét mặt còn hốt hoảng. Tôi hỏi:
- Chuyện gì vậy ông? Việt Cộng giật mìn sập cầu Đại Nga hả? (Cây cầu này gần Tùng Nghĩa ranh giới Tuyên Đức-Lâm Đồng).
- Sập cầu thì ai nói làm gì! Tôi suýt chết ông ạ!
- Ủa! Đoạn đường từ đây lên Đà Lạt có một tiểu đoàn Biệt Động Quân giữ an ninh mà Việt Cộng còn dám ra đón đường nữa sao?
- Không! Không phải là Việt Cộng! Để từ từ tôi kể cho ông nghe!
 
Sơn châm một điếu Bastos xanh, rít một hơi dài xong bắt đầu thong thả kể:
-Thường thường tôi lên trển, ở nhà người bạn (Có lẽ căn phòng Đinh Cường thuê để vẽ chăng? Không nghe Sơn nói đến). Đến tối mới cùng Khánh Ly, sau khi hát ở phòng trà ra, cùng nhau đi ăn, đi nhảy. Có lúc lang thang quanh bờ hồ nói chuyện trên trời dưới đất đến khuya mới chịu về. Khánh Ly có nếp sống phóng khoáng như Tây. Nhiều lần có những cử chỉ thân mật quá tôi cũng đâm ngại. Tôi có lần tỏ ý ấy thì Khánh Ly gạt ngang:
- Anh Sơn đừng ngại! Mai với chồng sống rất tự do, khoáng đạt. Anh ấy hiểu Mai mà! Không có gì đâu! Nghe thế tôi cũng yên tâm. Lâu dần không còn để ý nữa. Chồng Khánh Ly là Đại úy Quang, quản đốc đài phát thanh Đà Lạt. Nhờ Khánh Ly nói giúp nên đã "lăng xê" nhạc của tôi lên đài. Lần này, trước mặt chồng mà Khánh Ly quàng vai tôi, vừa kéo đi, vừa quay lại bảo chồng:
- Tối nay "moa" với Sơn đi chơi về nếu trễ, "toa" ở nhà trông con và đi ngủ, đừng đợi nhé!
 
Tối hôm đó đang nhảy, có người báo, chồng Khánh Ly xách súng tìm tôi. Hoảng quá, tôi vọt ngõ sau, đến nhà một người bạn khác ngủ. Sáng sớm ra lấy vé xe về đây gấp.
 
Sau lần "Vertigo" toát mồ hôi lạnh đó, Sơn nằm lì ở Bảo Lộc cả tháng không đi Sài Gòn và Đà Lạt nữa.
 
Một hôm Sơn nhận được thư của Khánh Ly nhắn lên. Đọc thư xong, Sơn rất mừng và cho tôi biết mọi việc đã êm. Khánh Ly đã dàn xếp gia đình. Chồng Khánh Ly hiểu lầm mà thôi. Sơn lại tiếp tục lên Đà Lạt đóng đô dài dài. Nhưng dạo sau, mỗi lần đi chơi đều có mặt Quang, chồng Khánh Ly đi cùng.
 
                                                                               Nguyễn Thanh Ty
(Đón đọc tiếp kỳ 9)
 
Nguồn:
http://www.ninh-hoa.com/NguyenThanhTy-VeMotQuangDoiTCS-08R.htm

Không có nhận xét nào: