Ca
sĩ Bùi Thiện hồi trẻ
Ca sĩ Bùi Thiện là một nam ca sĩ giọng tenor khá hiếm
hoi của làng nhạc miền Nam trước 1975. Tuy là một giọng nam cao được đào tạo để
hát nhạc cổ điển, opera, nhạc kịch, nhưng Bùi Thiện được biết đến nhiều nhất
khi song ca với ca sĩ Sơn Ca và hát nhạc quê hương trong các băng nhạc Hoàng
Thi Thơ hồi 50 năm trước. Ít có người biết rằng ca sĩ Bùi Thiện cũng là người
thầy luyện thanh đầu tiên của Họa Mi và Sơn Ca, trước khi những ca sĩ này được
nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ dìu dắt và đặt cho 2 cái tên nghệ danh nổi tiếng.
Ngoài ra, còn một thông tin ít người biết, lần đầu được
ca sĩ Bùi Thiện tiết lộ trong chương trình Jimmy Show là thông tin ông là một
ca sĩ được đào tạo bài bản về thanh nhạc ở miền Bắc trong thập niên 1960, rồi
sau đó mới chuyển vào Nam hồi năm 1965.
Ca sĩ Bùi Thiện sinh ngày 4-8-1946 trong một gia đình
công chức ở Hà Nội mà cha của ông làm việc cho Pháp, vì vậy sau năm 1954 cha của
ông bị bắt đi cải tạo. Ông nói rằng trong thời gian sau đó, ông là một người
làm văn nghệ vô tư, không quan tâm đến vấn đề chính trị và tuyên truyền. Ở miền
Bắc thời đó, những nghệ sĩ sau khi tốt nghiệp các trường học chuyên ngành về
nghệ thuật đều phải theo các chương trình đi thực tế vào chiến trường để phục vụ
văn nghệ cho chiến sĩ. Năm 1965, ca sĩ Bùi Thiện tham gia một đoàn văn công bao
gồm các nghệ sĩ về âm nhạc, điện ảnh, ca múa nhạc để đi B (đi chiến trường miền
Nam), đi C (đi Lào) và hát phục vụ các thương bệnh binh, các chiến sĩ vùng kiểm
soát hoặc hát cho “Việt kiều yêu nước”
ở bên Lào. Trong một lần đi lưu diễn như vậy, ca sĩ Bùi Thiện đã “hồi chánh” vào Nam cùng với 3 người bạn
khác trong đoàn.
Vì vậy khi hòa nhập vào làng nhạc ở Sài Gòn, lần đầu
tiên Bùi Thiện được xuất hiện ở trên TV là trong một vở nhạc kịch. Khi đó nhạc
sĩ Hoàng Trọng đã xem được Bùi Thiện trình diễn và mời ông vào hát trong ban Tiếng
Tơ Đồng. Có lẽ là nhạc sĩ Hoàng Trọng đã thấy ở Bùi Thiện một giọng ca lạ, quý
hiếm, phù hợp với tiêu chí mà Hoàng Trọng muốn có trong ban nhạc Tiếng Tơ Đồng,
đó là theo đuổi dòng nhạc bán cổ điển, tiền chiến. Ca sĩ Bùi Thiện nói rằng
chính nhờ được hát trong ban Tiếng Tơ Đồng mà ông đã đến được gần với khán giả
hơn. Sau đó, ca sĩ Bùi Thiện còn nhận lời hát ở nhiều buổi trình diễn ca nhạc,
đặc biệt là hát phục vụ sinh viên, học sinh trong các trường đại học, trung học
những ca khúc trữ tình.
Thời điểm thập niên 1960, làng nhạc Việt Nam đang yêu
mến những tên tuổi dòng nhạc phổ thông như Chế Linh, Duy Khánh, Giang Tử… Còn
dòng nhạc tình, nhạc tiền chiến cũng có sự xuất hiện của các nam danh ca là Anh
Ngọc, Duy Trác, Sĩ Phú… rất được giới sinh viên, trí thức yêu thích. Tuy nhiên,
có thể thấy với 3 người nam danh ca này, ca hát đối với họ như là một nghề tay
trái, họ không có thời gian để đi lưu diễn thường xuyên được (Anh Ngọc làm ở
đài phát thanh, Duy Trác là luật sư, Sĩ Phú là sĩ quan không quân), nên sự xuất
hiện của Bùi Thiện với giọng ca tenor được đào tạo bài bản từ miền Bắc đã giống
như một làn gió mới mẻ trong sinh hoạt âm nhạc ở Sài Gòn. Sau đó, ca sĩ Bùi Thiện
được nhạc sư Nghiêm Phú Phi mời giảng dạy ở trường Quốc gia Âm nhạc, trong một
lớp luyện giọng của khoa thanh nhạc, tìm kiếm những giọng ca có khả năng hát nhạc
cổ điển. Bùi Thiện đã giảng dạy ở đây được 7 năm trước khi xảy biến cố 1975.
Bùi
Thiện và Mai Lệ Huyền trước năm 1975
Ngoài ra ông cũng đứng ra mở một lớp luyện thanh ở bên
ngoài để dạy những người có nhu cầu luyện thanh một cách bài bản. Trong số những
học trò của Bùi Thiện trong thời gian này có 2 cô gái xinh đẹp sau này được nhạc
sĩ Hoàng Thi Thơ đặt cho 2 nghệ danh nổi tiếng là Họa Mi và Sơn Ca. Khi nhạc sĩ
Hoàng Thi Thơ mời Bùi Thiện hát nhạc của ông, thì Bùi Thiện giới thiệu chính
người học trò trong lớp luyện thanh của mình là ca sĩ Sơn Ca, để rồi họ trở
thành đôi song ca nổi tiếng Bùi Thiện – Sơn Ca trong băng nhạc Hoàng Thi Thơ
trước 1975, được yêu mến cho đến tận ngày nay.
Sau năm 1975, ca sĩ Bùi Thiện định cư ở Mỹ, có tham
gia một số video của trung tâm Thúy Nga, Thế Giới Nghệ Sĩ. Tuy nhiên vào khoảng
giữa thập niên 1990, người vợ của ông – một nữ sinh Trưng Vương ở Sài Gòn trước
năm 75 – bị mắc căn bệnh hiểm nghèo về thoái hóa cơ bắp. Vì sự kiện này mà ca
sĩ Bùi Thiện đã bỏ tất cả để chăm sóc người vợ thân yêu của mình.
Ca
sĩ Bùi Thiện hiện nay.
Nhắc đến người vợ này, ca sĩ Bùi Thiện bày tỏ một niềm
thương yêu lẫn trân trọng. Ông nói rằng vợ ông là một người biết chăm lo cho
gia đình, và các con của ông bà có được thành công phần lớn đều nhờ công của mẹ
dạy dỗ. Nhờ tình yêu thương, săn sóc của Bùi Thiện mà vợ của ông kéo dài thêm
được sự sống một thời gian khá lâu trong niềm hạnh phúc viên mãn, trước khi bà qua
đời năm 2016. Ca sĩ Bùi Thiện kể rằng khi vợ ông qua đời, có để lại những lời
trăn trối rất cảm động và thấu hiểu chồng của mình như sau: “Khi em qua đời thi anh sẽ rất buồn, em mong
anh hãy quay trở lại với sân khấu. Bởi vì anh đã là người của khán giả, nên anh
phải trở lại với khán giả…”. Vì những lời dặn dò này mà sau khi vợ qua đời,
ca sĩ Bùi Thiện đã quay trở lại luyện thanh và tham gia một số chương trình âm
nhạc ở hải ngoại.
Đông Kha (nhacxua.vn)
(Biên soạn theo lời kể của ca sĩ Bùi Thiện trên Jimmy
Show)
*
Nguồn:
https://nhacxua.vn/cuoc-doi-va-tieu-su-cua-ca-si-bui-thien-giong-nam-cao-noi-tieng-cua-lang-nhac-truoc-75/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét