BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2022

MỘT THỬ NGHIỆM VỀ BÌNH THƠ - Nguyên Lạc


Tác giả bài viết Nguyên Lạc    
 
Lời nói đầu:

Đây chỉ là vài ý nghĩ sơ sài về cách bình một bài thơ theo quan điểm cá nhân, do vì chủ quan nên chắc có nhiều thiếu sót, có gì bỏ quá cho. Mong độc giả tìm thấy được một vài điều bổ ích, bằng không, xem như "Lời quê góp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh" - Trân trọng.
 
Phần I

VÀI Ý NGHĨ SƠ SÀI VỀ BÌNH THƠ
 
1. Với  thơ Việt, người bình phải thủ đắc một số thơ của tiền nhân, căn bản triết lý Đông Phuơng để dùng nó khám phá những hàm ẩn, "ý tại ngôn ngoại" của bài thơ.
2. Người bình thơ cũng nên học hỏi thêm để biết về thi pháp làm thơ, biết sơ lược về cách phân tích ngôn ngữ cần thiết cho sự bình thơ; vì nếu chỉ bình theo cảm tính thì e rằng bài bình không được chính xác, đầy chủ quan và có nhiều khi vô tình gây ảnh hưởng tiêu cực đến bài thơ.
- Thi pháp (poetics) là phương pháp, quy tắc làm thơ - sử dụng vần, nhịp điệu, số chữ trong câu, số câu trong bài, các biện pháp tu từ - nối kết các con chữ thành một thế trận để chuyển tải thông điệp và cảm xúc của thi sĩ đến độc giả.
Bình thơ mà không bàn thi pháp chắc chắn sẽ dẫn đến bất công: vì người bình chỉ chú ý bình tán ý tứ, còn kỹ thuật thơ thì “ngoảnh mặt làm ngơ”.
Với lối bình thơ ấy, quý vị đã đối xử với bài thơ như một đoạn văn không hơn, không kém. Tâm của quý vị có thể chính trực nhưng lời bình của quý vị lại thiên vị, bất công, thơ hay thơ dở đánh lộn sòng.
Bao nhiêu những tố chất để làm nên “tính thơ” quý vị đều phớt lờ. Quý vị đã cầm dao đâm chết bài thơ trước khi viết lời bình. Những phân tích, bàn tán hoa mỹ của quý vị chỉ là những cánh hoa phủ lên một “cái xác không hồn”, một bài thơ không có “tính thơ”. 
                          [Bình Thơ Không Bàn Thi Pháp - Phạm Đức Nhì]
 
3. Người bình thơ cũng nên biết thêm về thủ pháp Show, don't tell
 
Show, don’t tell là một biện pháp tu từ (a technique) của nhà soạn kịch (biên kịch), nhà văn chuyên thể loại truyện ngắn người Nga, Anton Chekhop đưa ra. Đại khái như sau:

“Trong các mô tả về thiên nhiên, con người phải nắm lấy một số chi tiết nhỏ, gom chúng lại sao cho khi độc giả nhắm mắt, anh ta sẽ có một bức tranh. Ví dụ:  Bạn sẽ có đuợc MỘT ĐÊM TRĂNG SÁNG nếu bạn viết: Trên cái đập nước xoay quạt, một mảnh thủy tinh, từ một chai vỡ lấp lánh như một ngôi sao nhỏ sáng, và rằng bóng đen của một con chó hay một con sói lăn cuộn qua như một quả bóng”.
                                                  (Show, don’t tell – Anton Chekhop)
 
Theo thủ pháp này thì: Thay vì kể lể, giải thích dài dòng cái ý, tứ mình muốn nói, tác giả chỉ cần tạo ra những hình ảnh sống động, cụ thể, để từ đó độc giả tự khám phá, tự hiểu ra. Độc giả sẽ cảm thấy thích thú vì không chỉ đọc một cách thụ động, mà còn dự phần vào, một cách tích cực tiến trình tìm gặp điểm đến của tứ thơ, của ý văn. Ví dụ tiêu biểu:
Ngô đồng nhất diệp lạc/ Thiên hạ cộng (tận) tri thu: Chỉ cần thấy một lá ngô đồng rụng, mọi người đều biết mùa thu đã về; không cần kể lể dài dòng.
 
4. “Trong nghệ thuật, điều quan trọng là sự ‘gợi ý’. Khi đưa ra điều gì thì không bộc lộ ra, cứ để người thưởng thức có cơ hội hoàn thiện ý tưởng và như vậy, một kiệt tác lớn thu hút sự chú ý của bạn đến mức không thể kháng lại được, mãi đến lúc bạn cảm thấy mình như là một phần của kiệt tác. Ở đó có một khoảng HƯ KHÔNG để bạn đi vào và lấp cho đầy bằng mọi cảm xúc thẩm mỹ của bạn”
                                  (Theo The Book of Tea của Okakura Kakuzo)
 
Một bài thơ gọi là hay khi độc giả nghĩ rằng tác giả viết cho mình, mình có thể đem cảm xúc riêng góp phần vào. Một bài thơ đã được tác giả giải thích hết, đã đầy đủ không cần gì thêm nữa, không còn "khoảng trống", độc giả không "có cửa" chen cảm xúc mình vào; lúc này độc giả thụ động và sẽ nghĩ rằng tác giả viết cho ai, chứ đâu phải viết cho mình, bài thơ sẽ giảm hay - nếu thật sự nó hay. Hãy chừa một "khoảng trống" để độc giả "rót" cảm xúc riêng mình vào, độc giả sẽ "vui vẻ" vì được dự phần vào, làm bài thơ hay thêm.
- Không cần gì phải nói nhiều, nói thêm, đôi khi nửa câu cũng đã đủ ý. Cái phần còn lại để dành cho độc giả tưởng tượng thêm, vì cái tưởng tượng bao giờ cũng hay hơn cái có thật, cái chưa có bao giờ cũng hấp dẫn hơn cái đã có.
                            (Vài nét lạ trong thơ Lưu Nguyễn - Võ Kỳ Điền)
 
Phần II

THỬ BÌNH MỘT BÀI THƠ
 
Xin được áp dụng những ý nghĩ trên "bình thử" bài thơ sau đây, để làm rõ ý:
Và cũng xin thưa trước: Các bạn hãy xem đây như là "Bài tập làm văn", với đề tài đưa ra: "Cách bình một bài thơ sao cho đạt". Chuyện nhận xét bài thơ trong bài viết này hay hoặc dở không quan trọng, nó chỉ là "dẫn dụ"; điều quan trọng là cái cách bình thơ tác giả bài viết đang "thử nghiệm", xin độc giả góp ý. Trân trọng.
 
Đây là bài thơ liên khúc "Chén Thương Đau" của tác giả Ngy Lộc đăng trên Facebook.
 
CHÉN THƯƠNG ĐAU
 
1.
Tôi
nỗi lạnh phố người
Mưa rơi buốt sợi
sầu trôi thành dòng
Mưa đời vỡ hạt nhớ mong
Chiều mưa viễn xứ chạnh lòng cố nhân!
 
2.
Tiếng mưa
điệp khúc ái ân
Mưa đêm ngăn lối về còn nhớ không?
Gác khuya da thịt em hồng
Thân trầm hương ngát quế nồng son môi
Đắm say rợn rướn tình đôi
Kín hai mắt khép gấp hơi thở cuồng
 
Một đời vẫn mãi không quên
Gác đêm mưa đó tình mềm môi say!
Nhớ người níu đám mây bay
Chỉ màu xám xịt!
Hồng tôi đâu rồi?
 
Có không "tháng sáu mưa rơi"?
Thật không đêm đó ngát môi quỳnh người?
Chỉ là huyễn mộng mà thôi
Nhân sinh phù ảo
cuộc đời phù vân!
 
3.
Phù vân!
Mặc kệ
Nắng tan!
Rượu tràn cứ uống ngày tàn có sao?
Bể dâu!
Này chén đắng trào
Uống đi!
Uống cả thương đau
Nhe người?!
 
                   Ngy Lộc
 
*
 
BÌNH THƠ
 
Đọc được một bài thơ hay như gặp được một giai nhân; thưởng thức được nó giống như ôm ấp được người đẹp vào lòng, rất "khoái lạc".
Sau khi tìm biết (qua điện thư) về lý lịch trích ngang, tâm tư của tác giả, đọc một số bài viết, hồi ức và thơ của Ngy Lộc, tôi thử bình bài thơ "Chén Thương Đau" của ông theo cách bình của riêng mình. Và xin nói lại lần nữa: Việc bình bài thơ khiến nó hay thêm hay dở đi không đặt nặng, cái quan trọng là cách thức bình thơ; xin độc giả góp ý để tác giả bài viết học hỏi, chỉnh sửa cho đạt.
 
Thể Thơ
 
Thơ lục bát. Bài thơ thuộc loại thơ truyền thống, hội đủ ba điều kiện: vần - nhạc - họa, nhưng được trình bày mới mẻ về hình thức: "Lục bát ngắt dòng".
- "Ngắt dòng” là ngắt những câu lục bát truyền thống ra thành nhiều dòng thơ ngắn, rồi xuống hàng tùy theo nhịp thơ, nhịp nhạc hoặc theo dòng suy tưởng, cảm xúc của tác giả bài thơ.
- “Ngắt dòng” trong bài thơ cũng còn có tác dụng nhấn mạnh, làm rõ ý thêm.
 
Ngôn Ngữ Hình Tượng Và Câu Cú
 
- Ngôn ngữ đẹp, cao sang, đầy "hình tượng", "bạo liệt" đắm say. Câu cú chắt lọc, gọn ghẽ, không có những chữ thừa, vô tích sự. Ngôn ngữ giàu tính ẩn dụ (metaphor), ví dụ như: hồng tôi, quỳnh người...  Có dùng những chữ "nén ý" nên hơi khó hiểu với số ít độc giả (Phân tích ở dưới)
 
Tứ Thơ
 
Mưa nơi nơi phố khách làm người tha hương nhớ đến đêm mưa tình, đêm ái ân trên gác trọ ngày xưa nơi quê nhà; tự hỏi không biết người tình nay lưu lạc phương nào? Uống rượu tìm quên (rượu phá thành sầu), nhưng càng uống càng nhớ thương.
 
Kỹ Thuật Thơ
 
Kỹ thuật lục bát nhuần nhuyễn, vần uyển chuyển: Tác giả dùng cả chính vận (vần chính) lẫn thông vận (vần thông). Có một điều chú ý ở 2 câu thơ này (Khúc 2):
 
"Kín hai mắt khép gấp hơi thở cuồng
Một đời vẫn mãi không quên"
 
Vần UỒNG và ÊN là thông vận hơi xa, tuy nhiên các câu thơ vẫn suôn sẻ.
 
Bố Cục
 
Bài thơ gồm 3 khúc, ba khúc nầy liên hoàn nhau giống như ba mắt của một chuỗi xích
Ta hãy lần lượt xét từng mắt xích của bài thơ.
 
. Khúc 1
 
Tôi
nỗi lạnh phố người
Mưa rơi buốt sợi
sầu trôi thành dòng
Mưa đời vỡ hạt nhớ mong
Chiều mưa viễn xứ chạnh lòng cố nhân!
 
Cơn mưa chiều nơi phố lạ lay động tâm tư tác giả. Sầu!
Khúc này không mấy quan trọng, chỉ là dẫn nhập: Mưa nơi phố người làm làm chạnh lòng kẻ xa nhà, kẻ tha hương, gây ra sự nhớ mong người xưa;  nguyên nhân đưa đến nỗi buồn, nỗi nhớ của khúc sau.
 
. Khúc 2
 
Tiếng mưa
điệp khúc ái ân
Mưa đêm ngăn lối về còn nhớ không?
Gác khuya da thịt em hồng
Thân trầm hương ngát quế nồng son môi
Đắm say rợn rướn tình đôi
Kín hai mắt khép gấp hơi thở cuồng
 
Một đời vẫn mãi không quên
Mưa thu đêm đó tình mềm môi say!
Nhớ người níu đám mây bay
Chỉ màu xám xịt!
Hồng tôi đâu rồi?
 
Có không "tháng sáu mưa rơi"?
Thật không đêm đó ngát môi quỳnh người?
Chỉ là huyễn mộng mà thôi
Nhân sinh phù ảo
cuộc đời phù vân!
 
- Mưa ngăn lối người về:
Tiếng mưa rơi khiến tác giả nhớ đến đêm mưa năm nào: mưa níu chân, ngăn lối người về; giữ tình ở lại nơi gác trọ. Ở đây tác giả muốn nhắn người đọc nhớ đến những câu thơ:
"Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách / Sắc bất ba đào dị nịch nhân" [Mưa không có then khoá mà giữ được khách / Sắc đẹp chẳng phải sóng gió mà làm đắm đuối người ta]
                                            (Ðàm Thận Huy - Nguyễn Giản Thanh)
 
Từ những câu thơ Hán Việt trên, dẫn đến các câu thơ diễm tuyệt của thi sĩ Nguyên Sa: "Tháng sáu trời mưa, trời mưa không ngớt/ Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa/ Anh lạy trời mưa phong toả đường về/ Và đêm ơi xin cứ dài vô tận".
 
- Tình ở lại, gì xảy ra?
Đêm đó, vì mưa người tình ở lại, cuộc tình đi "tới bến" - như lời thơ của thi sĩ Linh Phuơng
 
Búp sen hai đóa nằm trên ngực
Quỳnh hương em ẩm ướt đợi chờ
Vạt cỏ non tơ mùa hạnh phúc
Thất tiết đêm nằm ủ giấc mơ
(Về Trường An gặp Đoàn Phu Nhơn - Linh Phương)
 
Nhận xét:

Ở đây tác giả bài thơ không giải thích rõ (Don't Tell) chỉ biểu hiện ra (Show) những từ: ngực rằm, mật môi, hai mắt khép, hơi thở cuồng v.v... để độc giả tự đoán cuộc tình đêm đó nồng nàn, thắm thiết ra sao.
 
- Kỷ niệm đêm mưa tình tháng sáu nhớ mãi:

"Một đời vẫn mãi không quên/Mưa thu đêm đó tình mềm môi say!": Kỷ niệm đêm mưa tình đó vẫn không quên/ nhớ hoài.
Tha hương, mỗi cơn mưa là gợi nhớ đến người tình đêm nao - "da thịt hồng", không biết nàng bây giờ ở phương nao: "Nhớ người níu đám mây bay/ Chỉ màu xám xịt!/ Hồng tôi đâu rồi?".
Chính kỷ niệm đêm đó đã theo đuổi mãi tác giả suốt cuộc đời luân lạc; buồn xa quê hương, buồn mất người thương. Kỷ niệm này xuất hiên trong nhiều bài thơ của tác giả. Ví dụ như:
 
Tháng tư muôn mảnh đời tan vỡ
Khóc hận tình nhau cuộc bể dâu
Biệt ly. ừ đã còn đâu nữa!
Tóc xõa. ngực ngoan. chăn chiếu nhầu
      (Bài tình buồn tháng tư - Ngy Lộc)
 
Người đi. không lời từ biệt
Buồn ơi. tím biếc dòng sông!
Quê hương ta ơi thôi nhé!
Buồn ơi. nước mắt lưng tròng!
Nhấp nhô rặng cây mờ bóng
Em ơi gặp lại được không?
(Cố nhân thương nhớ - Ngy Lộc)
 
- Đêm mưa tình có thật?

Thường những điều quá đẹp, quá tuyệt vời vuột khỏi bàn tay nắm, mất mát... thường làm ta tự hỏi - cũng để tự an ủi cho sự bất lực của mình - nó thật sự có không? Hay chỉ là ảo mộng?: có đó rồi không đó trong cuộc sống phù phiếm, cuộc đời phù du, vô thường này: "Có không "tháng sáu mưa rơi"?/ Thật không đêm đó ngát môi quỳnh người?/ Chỉ là huyễn mộng mà thôi/ Nhân sinh phù ảo/ cuộc đời phù vân!"
 
Khúc 2 này diễn tả tron vẹn cuộc tình đêm mưa, cuộc tình đã khắc sâu trong hồn tác giả, mãi hoài xuất hiện trong cơn mơ của người tha hương, Tuy nhiên, cũng chưa phải là điều "bất ngờ" tác giả muốn nói đến; nó chỉ giải thích nỗi buồn nhớ của khổ 1 . Tổng hợp hai khổ này có công dụng đưa đến phần quan trọng nhất của bài thơ là Khúc 3. Khúc này quan trọng nhất và cũng là lý do tác giả dùng nó để đặt tên cho bài thơ liên hoàn này: CHÉN THƯƠNG ĐAU.
 
. Khúc 3
 
Phù vân!
Mặc kệ
Nắng tan!
Rượu tràn cứ uống ngày tàn có sao?
 
Bể dâu!
Này chén đắng trào
Uống đi!
Uống cả thương đau
Nhe người?!
 
Sự đau khổ do cuộc bể dâu (thương hải tang bồng) năm nào, sự khốc hận do việc chia lìa đã tạo cho tác giả tình cảm dửng dưng, "bất cần". Sự "bất cần" mà thi nhân cố tạo ra để mong quên đi khổ đau.
Bất cần về không gian (Phù vân, bể dâu), bất cần về thời gian (nắng tan, ngày tàn, đêm đến). Mặc tất cả, có sao đâu, rượu hãy uống.
Được không?
 
Nhận xét:

Trong khúc 3 này, nếu ta chú ý thì sẽ thấy tác giả cũng lại sử dụng thơ nén và cả thủ pháp "Show, don't tell" (Biểu hiện, không giải thích dài dòng) mà tác giả triển khai thông qua: Thơ nén ý và "Show, don't tell"
 
. Thơ nén ý

- Phù vân: Đám mây thoáng nổi lên rồi tan ngay, thường dùng để ví cái không lâu bền, có được rồi lại mất đi ngay. Nhà Phật thường nhắc đến bằng hai chữ "vô thường".
Hai chữ này khiến ta nhớ đến thơ Đổ Phủ: “Thiên thượng phù vân như bạch y/ Tu du hốt biến vi thương cẩu…” (Mây nổi trên trời như áo trắng. Thoắt biến thành hình con chó xanh). Bạch vân – Thương cẩu là Thực và Hư tương tác, tương sinh. Thực đến từ hư và hư đến từ thực.
 
- Bể dâu: Từ điển tích "Thương hải tang bồng": - Bãi biển biến thành ruộng dâu; dùng để ví sự thay đổi của cuộc đời. Hai chữ này khiến ta nhớ đến thơ Nguyễn Du: "Trải qua một cuộc bể dâu / Những điều trông thấy mà đau đớn lòng" (Truyện Kiều)

Hoặc bài thơ Sông Lấp của cụ Tú Xương:
 
Sông xưa rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
 
. Thủ pháp "Show, don't tell"
 
"Show, don't tell": Biểu hiện, không giải thích dài dòng, để tự độc giả đoán.
- "Phù vân! /Mặc kệ":
Tác giả không nói thêm gì cả, không giải thích gì cả nhưng độc giả có thể đoán: Người bạn hay chính tác giả than: cuộc đời phù vân, vô thường. Trả lời (hay tự trả lời): Kệ nó, nghĩ đến chi? (Mặc kệ: không để ý đến, coi như chẳng ảnh hưởng đến việc mình làm. Ví dụ:  - "trời nắng hay mưa cũng mặc kệ, cứ đi"
 
- "Nắng tan!/Rượu tràn cứ uống ngày tàn có sao?"

Người đọc sẽ tự đoán biết mưa chiều phố gây nỗi sầu, tác giả buồn nhớ mối tình, uống rượu. Mưa dứt, nắng lên rồi tan dần, đêm (ngày tàn) sẽ đến đó. Trả lời (hay tự trả lời): Đêm đến có sao đâu, rượu còn đầy cứ uống.

- "Uống cả thương đau": Người đọc sẽ đoán ra uống rượu càng làm đau thương thêm, chứ không giảm: Tiêu sầu nâng chén càng nâng càng sầu (Cử bôi tiêu sầu sầu cánh sầu - Lý Bạch)
 
@ Về hai chữ: NGƯỜI và NHE
Theo tôi, chữ NGƯỜI và chữ NHE là quan trọng nhất, nó là "lá bài tẩy."
 
-  Chữ NGƯỜI
Chữ NGƯỜI đầy "ấn tượng", có thể là tha nhân nhưng cũng có thể là tôi ơi (tự thân tác giả)
Tha nhân có thể là người bạn, người tình đã xa khuất, đã mất. Bằng chứng là trong bài thơ: "Chiều nghiêng chén" tác giả đổ rượu để khóc "người bạn" mất tích sau ngày 30 tháng 4 năm 1975
 
Ước có bạn cùng nhau đối ẩm
Rượu ly tràn đủ ấm đời nhau
Bốn mươi năm mây tan mất dấu
Nghiêng chén này hận cuộc bể dâu!
    (Chiều nghiêng chén - Ngy Lộc)
 
Và trong bài "Chuyện dòng sông quê tôi" để thương nhớ "người tình" bị vùi xác trong sông nước (do mong vượt thoát) với các câu thơ:
 
Xác em nhỏ trôi theo dòng bão lũ
Được tin người... tim nhé... cố yên
Và đêm dài... đêm nhé... hãy ngoan
(Chuyện dòng sông quê tôi - Ngy Lộc)
 
Vậy chữ NGƯỜI ở đây mà tác giả uống rượu với có thể là người bạn thật sự hiện tại, người bạn "ảo" đã mất, hay cái "tôi ơi" của tác giả.
- Người bạn thật có thể than: - Đời phù vân, bể dâu, và nhắc đêm đến rồi. Tác giả trả lời: - Mặc kệ nó, cứ uống.
- Cũng có thể là bạn ảo hoặc là tác giả tự than, tự nhắc rồi tự trả lời.
 
- Chữ NHE
Đây là chữ "đắc địa"
NHE: Từ đặt ở cuối câu để:
- dặn dò, ra lệnh. giao hẹn, khuyên nhủ: uống đi nhe, quên đi nhe!
- hỏi (nghi vấn): uống nhe? ăn nhe?
Cụm từ:
-- "uống cả thương đau":  uống rượu khiến đau khổ thêm chứ không phải giảm hoặc hết sầu.
-- "uống cả thương đau nhe người": vừa có nghĩa:
. người (anh / mầy, ta / tôi) hãy uống đau khổ thêm đi.
. tôi uống cả thương đau (đau khổ thêm) nhe em?(hỏi người tình khuất mặt);  nhe anh? (hỏi người bạn khuất bóng); nhe ta? (tự thân).
Theo tôi nghĩ đây là "độc ẩm" (uống rượu một mình với bóng hình trong tâm), quên đất trời (mặc tất cả) và tác giả hỏi (trong tâm) đến người tình đã xa khuất: - "Anh uống để thêm thương đau nhe em?"
Như ta biết, nét độc của bài THƠ HAY là phải đảm bảo được nguyên tắc “mạch kỵ lộ” của thi pháp thơ Đường: Nghĩa là mạch thơ tối kỵ bị để lộ ra. Nhà thơ phải làm cách nào để đến câu cuối cùng, điều mình muốn nói, muốn nhắn nhủ mới lộ ra, gây bất ngờ cho người đọc. Bất ngờ càng lớn, ngược lại với những đoán định, thì sức lay động càng mãnh liệt.
Trong bài thơ này, đến mãi câu cuối (hai chữ cuối) "lá bài tẩy" mới được lật ra: "Độc ẩm với người tình đã khuất" làm độc giả bất ngờ: Nó đã đảm bảo được nguyên tắc "mạch kỵ lộ" của thi pháp thơ Đường.
 
Âm Điệu
Dòng âm điệu của thơ lục bát chậm rãi, êm đềm, thích hợp với tình cảm nhớ thương.
 
Nhịp Điệu
Nhịp điệu của bài thơ lục bát đều đều, nồng nàng, sâu lắng.
 
NHẬN XÉT TỔNG QUAN
 
Qua những nhận xét trên, ta có thể tóm tắc ưu và khuyết điểm của bài thơ như sau
 
1. Ưu điểm
 
- Thơ sử dụng từ ngữ hàm súc, kiệm lời, ẩn dụ, ý tại ngôn ngoại, lưng lửng không nói hết.
- Đảm bảo được nguyên tắc “mạch kỵ lộ” của thi pháp thơ Đường
- Bài thơ đã khiến độc giả dự phần vào, chứ không thụ động thưởng lãm nhờ sử dụng thủ pháp Show, don't tell
 
2. Khuyết điểm
 
- Có một lỗi thông vận hơi xa như đã nói trên.
- Chỉ dùng những chữ, những cụm từ người xưa và người nay đã dùng; chỉ lập lại phong cách và ngôn từ sẵn có, không "sáng tạo" gì mới: chữ mới, ngữ nghĩa mới với những ý-niệm siêu hình. Theo các nhà tri thức hiện đại, hậu hiện đại thì thơ muốn đạt, đối với họ phải có những đặc điểm sau đây:
     . Phải khai thác hoặc sử dụng thủ pháp lạ hóa của lối viết tiểu thuyết phương Tây (Ví dụ phong cách nhà văn Kafka...)
     . Phải mở ra cho trí tưởng tượng những vấn đề thú vị về văn chương và ma thuật của ngôn ngữ. (Lời của Gs DDH - Đại học Tây Ninh)
Bài thơ này không có được những đặc điểm đó, chỉ dùng những từ bình thường, giản dị ai cũng hiẩu. Đó là khuyết điểm.(?)
 
3. Kết luận
 
Đây là một bài thơ tình đầy nỗi niềm, làm người bâng khuâng!
 
LỜI KẾT
 
Qua trên, đó là vài ý nghĩ sơ sài về cách bình một bài thơ theo quan điểm riêng tôi, chắc có nhiều thiếu sót; có gì xin các cao nhân phê bình và góp ý, giúp nó được hoàn thiện.
Xin được thưa lại thêm một lần nữa:
- Các bạn nên xem đây như là "Bài tập làm văn" với đề tài đưa ra: "Cách bình một bài thơ sao cho đạt". Chuyện bài thơ hay/dở trong bài viết không quan trọng, nó chỉ dùng để "dẫn dụ", đưa đến cách bình thơ.
Trân trọng!
 
                                                                                        Nguyên Lạc   

Không có nhận xét nào: