BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2022

THỰC NGHIỆM BẮN NỎ THẦN: TÌM VỀ TRUYỀN THUYẾT ĐỂ MINH CHỨNG LỊCH SỬ OAI HÙNG - Quốc Phong, Thái An, Đức Yên

Đánh giá kết quả thực nghiệm bắn nỏ Liên Châu tại khu di tích Cổ Loa, các nhà khoa học, tướng lĩnh quân đội cơ bản cho rằng đây là công trình nghiên cứu có hiệu quả, nỏ bắn được nhiều mũi tên, có tầm xa và độ sát thương…
 
Chuẩn bị bắn nỏ Liên Châu lần 2 tại khu di tích Cổ Loa

Để giải mã bí mật chế tạo nỏ thần thời kỳ An Dương Vương, kỹ sư Vũ Đình Thanh (tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật quân sự, CH Tiệp Khắc cũ, hiện làm việc tại cơ quan Nghiên cứu phát triển Almaz trong Tổ hợp Almaz Antey thuộc LB Nga) đã nghiên cứu mô hình nỏ bắn được nhiều mũi tên mỗi lượt.
 
Để khẳng định thêm những kết quả trong nghiên cứu, mới đây, kỹ sư Vũ Đình Thanh đã phối hợp với Hội Sử học Hà Nội, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Ban quản lý khu di tích Cổ Loa) tổ chức thực nghiệm bắn nỏ lần 2.
 
Tại buổi thực nghiệm, kỹ sư Thanh cùng một số tướng lĩnh, các nhà khoa học trực tiếp thực hiện bắn nỏ với nhiều mũi tên cùng lúc. Nỗ lực mô phỏng, phục dựng nỏ Liên Châu dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn giúp nhận diện ngày càng rõ nét hơn các bí mật liên quan đến “nỏ thần” của An Dương Vương.
 
PHỤC DỰNG ‘NỎ THẦN’
 
Tương truyền tướng quân Cao Lỗ - tướng tài của An Dương Vương là người chế tạo ra nỏ thần (còn gọi là nỏ Liên Châu) một lần bắn được nhiều mũi tên. Sách Lĩnh Nam chích quái chép rằng: Cứ đem nỏ ra chĩa vào quân giặc là chúng không dám đến gần.
 
Tháng 8/2020, tọa đàm khoa học “Nghiên cứu phục dựng nỏ Liên Châu thời An Dương Vương” được Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô (Viện Việt Nam học và khoa học phát triển, ĐH Quốc gia Hà Nội) phối hợp cùng Hội Sử học Hà Nội tổ chức. Tọa đàm đã giới thiệu các nghiên cứu về phục dựng nỏ Liên Châu của kỹ sư Thanh.
 
Theo Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - người trực tiếp tham gia thực nghiệm bắn nỏ Liên Châu tại Cổ Loa mới đây, nỏ lần này có tầm bắn khoảng 90m thẳng và 150m bắn cầu vồng.
 
Tướng Hiệu nhấn mạnh, hoạt động thực nghiệm này giúp hiểu rõ hơn về truyền thống lịch sử của hàng ngàn năm trước khi ông cha ta dùng nỏ đánh giặc.
 
“Các nhà khảo cổ đã tìm ra những mũi tên thời xưa, bây giờ chúng ta phục chế lại để thực nghiệm việc bắn nỏ nhằm khẳng định giá trị lịch sử và truyền thống đánh giặc giữ nước của ông cha.
 
Lần này, tôi đã trực tiếp 3 lần bắn nỏ. Tôi cho rằng đây là việc làm có ý nghĩa, khi chúng ta khơi dậy truyền thống Việt Nam, không chỉ là hiện vật trong bảo từng, hay sử sách ghi chép lịch sử, không chỉ trong triển lãm mà là trong thực tiễn, tại chính Cổ Loa - nơi ông cha ta đã dùng nỏ thần đánh quân xâm lược.
 
Hoạt động thực nghiệm lần này cùng với các giá trị khảo cổ, tìm kiếm, ghi chép khác góp phần giáo dục cho thế hệ ngày nay về tinh thần độc lập tự chủ, tính sáng tạo trong đấu tranh giữ nước. Về mặt quân sự, hoạt động thực nghiệm rất có giá trị, nó thể hiện sức mạnh của dân tộc về mặt truyền thống, văn hóa, lịch sử và giáo dục.
 
Chúng ta đã xem rất nhiều trưng bày ở bảo tàng, viện lịch sử, triển lãm về nỏ thần nhưng lần này, qua thực nghiệm, chúng ta chứng minh thực tiễn dùng nỏ thần bắn vào mục tiêu, để khẳng định về kỹ thuật quân sự của ông cha, để qua đó tiếp tục nghiên cứu sâu sắc hơn về công trình này”, Thượng tướng nói.
 
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tham gia thực nghiệm bắn nỏ
 
LỊCH SỬ LÀ THẦY DẠY
 
Theo kỹ sư Vũ Đình Thanh, trước đây, nhiều người nghĩ chi tiết nỏ thần có thể bắn một lần được hàng trăm mũi tên và bách phát bách trúng là hư cấu, nhưng qua nghiên cứu cho thấy đây là việc hoàn toàn có khả năng xảy ra. Chiếc nỏ thần thể hiện cho sự thông minh, sáng tạo của người Việt và đó là minh chứng cho sự phát triển trong sản xuất, chế tạo vũ khí bảo vệ quốc gia, dân tộc.
 
Ông Thanh cho rằng, cách vận hành của nỏ thần An Dương Vương tương đối giống với nguyên lý hoạt động của tên lửa container.

Mũi tên Cổ Loa tại bảo tàng Lịch sử quốc gia


Mũi tên kỹ sư Vũ Đình Thanh thiết kế
 
Theo ông, đầu tiên nỏ thần trông rất đơn giản, được chế từ các vật liệu rất sẵn có từ thời xưa. Thoạt nhìn ai cũng nghĩ trẻ con cũng làm được. Thế nhưng nếu ai thử cho bó tên vào ống mà bắn thì mũi tên chỉ bay có 5m.
 
"Để nghĩ ra được nỏ thần, người Việt xưa chắc chắn phải áp dụng phương pháp tư duy khác biệt. Từ cách đây hơn 2.000 năm, họ phải biết được rằng lực không phải là nguyên nhân cơ bản gây ra chuyển động như Newton tìm ra mãi tận thế kỷ 18 và được ghi trong định luật 1 của Newton. Người Việt đã nghĩ ra cách khác biệt gây ra chuyển động đồng loạt các mũi tên với vận tốc cực lớn mà không dùng lực của dây nỏ đẩy mũi tên như tất cả các loại cung nỏ thông thường. Đây là bí mật lớn nhất của nỏ thần An Dương Vương”, ông Thanh chia sẻ. 
 
Trung tướng Nguyễn Đình Chiến, GS.TS nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng, Bộ Quốc phòng cho rằng mọi tìm tòi nghiên cứu về nỏ Liên Châu thời xưa cần được tiếp tục đào sâu hơn nữa
 
Trực tiếp tham gia thực nghiệm bắn nỏ thần tại Cổ Loa, Trung tướng Nguyễn Đình Chiến, GS.TS nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng, Bộ Quốc phòng khẳng định, lịch sử là thầy dạy, giúp ta hiểu được quá khứ, hiện tại và hiểu biết về tương lai. Những kho tàng kinh nghiệm mà ông cha ta đúc rút bằng cả mồ hôi, xương máu là vô cùng quý giá và cần khai thác vận dụng.
 
“Các di sản văn hóa lịch sử của dân tộc cần được tìm hiểu, nhất là áp dụng kỹ thuật mới để nghiên cứu. Đây là nhiệm vụ quan trọng của nghiên cứu lịch sử. Mọi tìm tòi về nỏ Liên Châu thời xưa cần được tiếp tục đào sâu hơn nữa.
 
Những nghiên cứu thời hiện đại giúp chúng ta hiểu rõ quá khứ tài giỏi của cha ông. Các chế tạo, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật quân sự phục vụ cho công cuộc dựng nước và giữ nước là có thật”, Trung tướng Nguyễn Đình Chiến nhấn mạnh.
 
CÒN NHIỀU KỲ TÍCH KHÁC
 
TS Nguyễn Văn Sơn, Hội sử học Hà Nội, nguyên Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long chia sẻ, chúng ta đang ngày càng thu thập được nhiều thông tin, di vật khảo cổ như tìm thấy kho mũi tên đồng Cầu Vực, trống đồng cày đồng ở Cổ Loa, khuôn đúc đồng, lò luyện đồng, cả khuôn đúc mũi tên đồng…
 
Như vậy truyền thuyết trước đây về nỏ thần bắn mũi tên đồng là có thật. Bằng việc thực nghiệm bắn nỏ lại càng làm sáng tỏ thêm về việc nỏ Liên Châu có thể bắn một lần nhiều mũi tên, với khoảng cách xa hơn nhiều nỏ thông thường cũng là có thật. Và khả năng sáng tạo về mặt công nghệ, kỹ thuật quân sự của cha ông đã đạt đỉnh cao thời đại.
 
“Lịch sử dựng nước và giữ nước, chống giặc ngoại xâm của ông cha ta còn rất nhiều kỳ tích khác mà chúng ta ngày nay chưa có điều kiện để thực nghiệm. Việc thực nghiệm không chỉ làm sống lại quá khứ, giáo dục lòng yêu nước, sự tự hào tự tôn dân tộc mà còn có thể giúp phát triển du lịch, làm lợi về mặt kinh tế, giao lưu văn hóa với cộng đồng quốc tế khi tổ chức thực nghiệm khoa học về lịch sử”, TS Sơn nói.
 
Với thông điệp kỹ thuật truyền lại từ ngàn xưa, chúng ta có bằng chứng rõ ràng là nỏ thần An Dương Vương hoàn toàn có thật trong khi còn nhiều ý kiến ở nước ngoài và trong nước phủ nhận sự thật lịch sử này khi coi đó chỉ là truyện thần thoại.
 
Các truyền thuyết, câu truyện truyền miệng từ đời này qua đời khác, có hàng loạt lễ hội truyền qua hàng nghìn năm chính là các băng ghi âm, video trung thực nhất về lịch sử đất nước. Kết hợp với các di tích, với khoa học khảo cổ, với phương thức sử học liên ngành, chúng ta phục dựng những trang sử oai hùng của dân tộc.
 
                                                      Quốc Phong - Thái An - Đức Yên
 
Nguồn:
https://vietnamnet.vn/thuc-nghiem-ban-no-than-tim-ve-truyen-thuyet-de-minh-chung-lich-su-oai-hung

Không có nhận xét nào: