“… dĩ vãng là thơĐem thơ về ghép nhạc, thành khúc tình ca”(Nhật ký đời tôi – Thanh Sơn)
Tác giả
Hồi xế chiều, khi trời còn sáng, mặt trời đã nghiêng về phía Tây, nhưng hình dạng còn nhỏ, chỉ bằng một cái dĩa bàn. Đến khi mặt trời sắp đụng tới đỉnh núi Trường Sơn, mặt trời to hơn, có khi bằng một bánh xe đạp.
Chiều lên! Có nghĩa là mầu đen từ mặt đất đang lên dần.
Màu đen của đất, màu đỏ của mặt trời, hòa quyện với nhau tạo ra màu tím. Ban đầu, khi chiều mới lên, màu tím của trời chiều chỉ là màu tím nhạt. Khi mầu đen của đất đậm hơn, thì mầu tím cũng đậm hơn, thành màu tím than, như màu áo đàn bà con gái Huế thường mặc. Cái màu tím của trời chiều trở thành màu tím trong văn chương và của thời trang. “Chiều tím, chiều nhớ thương ai?!” như trong một bài hát, hay “Chân Trời tím”, tiểu thuyết của Văn Quang.
Nằm trên những bãi cỏ bên bờ sông Thạch Hãn, phía trước trường Tiểu Học Quảng Trị, hay trước dinh Công Sứ; ở đấy, hàng cây dương liễu còn dày, tàng cây còm rậm, người ta nghe rất rõ tiếng gió vi vu thổi qua những ngọn liễu già. Tiếng gió thổi ấy nghe buồn lắm, dù đang giữa mùa hè tươi vui, hay trong những đêm đông lạnh lẽo.
Dương liễu giang đầu, dương liễu xuân
Dương hoa sầu sát độ giang nhân.
Sổ thanh phong địch ly đình vãn,
Quân hướng Tiêu Tương, ngã hướng Tần
Ngô Tất Tố dịch:
Sông Dương dương liễu đua tươi,
Hoa dương buồn chết dạ người sang sông.
Đình hôm tiếng sáo não nùng,
Anh đi bến Sở, tôi trông đường Tần.
Bài thơ “Hoài Thủy Biệt Hữu Nhân” này là của Trịnh Cốc, người Tàu, thời Vãn Đường, tức là cuối triều đại nhà Đường. Cốc làm bài thơ này khi tiễn một người bạn trên bến sông Hoài. Ở bên Tàu, sông Hoài là con sông dài thứ ba sau Hoàng Hà và Dương Tử, phát xuất từ rặng Tần Lĩnh nên có khi người ta gọi nó là “Tần Hoài”. Sông Hoài đổ nước vào sông Dương Tử mà không đổ ra biển.
Sông Hoài cũng là đề bài cho một bài thơ nổi tiếng khác. Bài thơ tên “Bạc Tần Hoài” của Đỗ Mục. Người Việt mất nước thời kỳ Pháp đô hộ rất cảm khái với hai câu “Thương nữ bất tri vong quốc hận, Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa.” Tôi sẽ bàn tới đề tài nầy vào một dịp khác, có thể là khi bàn về bài hát “Đêm tàn Bến Ngự” của Dương Thiệu Tước, trong đó, ông nhạc sĩ họ Dương có ý trách “Ai luyến, ai tiếc khúc ca Tần Hoài!” sau khi ông nhắc tới khúc Tiêu Tương.
Nhạc sĩ Hoàng Nguyên, dân Cam Lộ Quảng Trị, khi soạn bài “Cho người tình lỡ”, mà có người cho rằng ông viết thay cho bà vợ Phan Huỳnh Điểu, khi ông đến trường Phan Chu Trinh ở Đà Nẵng, và gặp bà ta ở đó, nghĩ về một “Dòng sông chia ly”, về một người “Lạc bước khi qua cầu”, thì cái dòng sông đó là sông Bến Hải.
Ngày anh ra đi, rặng liễu chưa xanh màuMà nay bên sông, liễu khuất bến giang đầu!
Thế rồi trời tối dần lại, cùng những hơi sương từ giữa dòng sông từ từ bay lên. Khói ở trên sông đấy, là “yên ba”, là “sử nhân sầu”, là “Hoàng Hạc (lâu)” bay về đâu đó, về phía những dãy núi cao:
“Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.”
Thôi Hiệu xa nhà, nên khi thấy sương khói trên sông thì đâm ra nhớ nhà, bèn hỏi “hà xứ thị?” Tôi thì đang ngồi ngay bên bờ sông, ngay quê hương mình, mà cũng thấy “sử nhân sầu.”
Cuộc đời thật đáng buồn!
Tôi học đòi cái buồn đâu đó trong “Hai Buổi Chiều Vàng” của Tự Lực Văn Đoàn hay của Huy Cận, Xuân Diệu, nhưng mỗi ngày, khi nghe trên loa của Ty Thông Tin phát ra bài “Tiếng Đàn Tôi, với lời ca của Thái Hằng “Đời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt” thì những đứa học trò mới lớn như tôi không thấy đời buồn sao được!
Từ những “tầm nguyên” của văn chương, người học trò trước năm 1975, khi học về “Chinh phụ Ngâm”, ông thầy dạy Việt Văn, không thể không nhắc tới “Tiêu Tương” hay “Bạc Tần Hoài” khi giảng cho học trò câu thơ:
Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại,
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang.
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương,
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.
Nằm trên bãi cỏ bên bờ sông Thạch Hãn, nhìn những ngọn liễu chỉ vu vơ lên vòm trời xanh, tôi không thể không nhớ tới Đoàn Văn Cừ, “Thế là đêm nay mình lại được như ngày nào… qua vịnh Bái Tử Long, nhìn cột buồm chỉ chỏ vẩn vơ những vì sao, kể cho nghe câu chuyện hải hồ cũng thú…”
Mây ở đây không bay mãi trên trời xanh như những nơi khác. Buổi sáng, khi ngọn gió Lào còn thổi mạnh, gió thổi từ hướng đèo Lao Bảo ra biển đông, thì mây theo gió trôi ra biển. Những đám mây trôi nhanh, - có phải vì gió thổi mạnh -, nên mây trôi nhanh như đuổi bắt, tham dự một cuộc chạy đua, đám mây nào ra biển trước thì được phần thưởng gì chăng?
Một lần nhà văn Đình Ngân - tác giả tập truyện ngắn “Phong Lan”, - thầy giáo Việt Văn của tôi, nói với bọn học trò chúng tôi: Buổi chiều nhìn bầu trời trên sông Thạch Hãn, chúng ta thấy những đàn chim bay về núi, theo hình tam giác. Con chim đầu đàn bay trước, như một mũi nhọn, những con chim khác bay theo.
Tôi cũng đã từng thấy những đàn chim bay như thế vào những buổi chiều hè trên sông Thạch Hãn. Xa kia nữa, phía bắc, phía Ái Tử, có một cánh chim lẻ loi, đảo cánh một mình. Trời càng chiều, chim bay về núi càng nhiều, có lẽ chúng phải vội về tìm nơi ngủ qua đêm sau một ngày kiếm ăn ở biển đông.
Nhưng tôi còn nhớ một điều khác nửa, từ thực tế mà cũng từ trí tưởng của tôi.
Tôi không chắc gánh hát Charlot Miều, trên đường lưu diễn xuyên suốt chiều dọc của nước Việt Nam, có ghé lại Quảng Trị hay không, nhưng một lần, anh cả tôi đi xem hát về, ngày nào cũng ngâm nga “Đàn chim bay thướt tha trên núi cao miền xa, Mang theo những mối buồn màng mơ dạ tâm sầu đó chăng?...”
Và cũng từ tuổi ấu thơ ấy, khi mới biết khôn, tôi từng nghe câu hò ru em:
Chim bay về núi, túi tối rồi,
Để cho em bậu rửa nồi nấu cơm.
Người xưa không có đồng hồ để xem giờ. Đồng hồ của họ là cái bóng nắng đổ qua thềm, và hình ảnh những cánh chim bay “về núi, túi rồi”. Túi là tối, tiếng Quảng Trị của “Quảng Trị tui” đấy quí ông bà ạ.
Trong chiến tranh, giới nghiêm lúc 6 giờ chiều. Nhưng sau ngày ngưng bắn 20 tháng 8 năm 1954, theo “Hiệp Đình Genève”, tôi may mắn có dịp lại ra nằm trên bãi cỏ bên bờ sông Thạch Hãn vào buổi tối, khi giờ giới nghiêm được kéo dài tới lúc nửa đêm.
“Đêm đêm trời lặng gió lành, nằm ngửa mặt nhìn ngàn sao, lòng người êm dịu một cách kỳ lạ! Nằm sát mặt đất mà tưởng như đứng đỉnh núi cao, nhìn ra đại hải.”
“Những chấm thuyền li ti xê dịch dọc ngang, cái xe dịch chỉ thoáng nhẹ như chút hoài nghi, mắt người không thấy được, nhưng lòng người lâng lâng say một cuộc viễn hành. Trong tư duy dấy lên những bụi đường và chừ đây, dừng chân nằm lặng bên bờ hồ mát ngọt.”
Giữa lúc thoát thai và giờ quá vãng, đời người đếm biết bao nhiêu giọt mồ hôi và nước mắt. Mồ hôi và nước mắt biểu hiệu cho lao khổ và thương đau, nhưng cũng biểu hiệu cho sức sống. Con người không đổ mồ hôi và nước mắt trong đời mình là con người bằng gỗ, chất gỗ mất lần nhựa sống, tan rã lần vì mục nát, người đó có cũng như không.
Nằm đây, bên bờ sông Thạch Hãn, dưới bầu trời sao dày đặc vào những đêm không trăng. Tôi nhớ gì về lời thầy giáo Việt Văn, về một trời sao triệu triệu giọt nước mắt của đời người như Lưu Nghi viết ở đoạn trên, hay vì “Đời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt” như tôi từng nghe không biết bao nhiêu lần.
Thế rồi tôi bỏ xứ mà đi, năm mười sáu tuổi.
Cái gì có thể giữ chân tôi lại được, khi tôi mê mẩn đọc “Thèm Đi” của Nguyễn Tuân, khi tôi mơ mộng muốn làm “một chàng phiêu lãng ôm đàn tới giữa đời” như Tư Mã Tương Như.
Cái tên “Seven Hills”, nơi tôi định cư, nó cũng có một quá trình lâu dài như vậy. Nó từ bên Ái Nhĩ Lan, và nằm trong hành trang của người di dân xứ này mấy trăm năm trước. Cũng từ thời kỳ xa xưa đó, “Seven Hills” lại là tên thành phố nơi tôi dừng chân! Cuối cuộc đời rồi chăng, hay tôi còn đi nữa, và trong hành trang tha phương lần nữa lại có một cái tên Tây, nơi tôi đã định cư gần một phần tư thế kỷ nay. Cũng quá là dài, cho một cánh chim từng phiêu bạt hơn nửa vòng địa cầu!
Tôi lại ngồi đây, ở sân sau nhà tôi và nhìn xuống phía kia, một thung lũng nhỏ. Bên kia lại là một ngọn đồi, ngọn đồi của phi trường thành phố.
Điều lôi cuốn tôi không phải là phi trường, nhưng đằng sau phi trường ấy, là phía mặt trời lặn xuống trong những buổi chiều tà. Ở phía ấy, mặt trời chiều lặn xuống phía sau ngọn đồi. Ngọn đồi không hùng vĩ như những ngọn núi của dãy Trường Sơn, nhưng cũng đủ hấp dẫn tôi. Ngồi đây, vào mỗi buổi chiều, để nhìn mặt trời xuống, cũng với màu sắc đỏ ối như mặt trời chiều sau dãy Trường Sơn, và mặt trời tóe lên những tia lửa màu đỏ, một màu đỏ rất đẹp từng ám ảnh tôi khi tôi còn niên thiếu.
Lần đầu tiên, tiếng hát ấy làm tôi ngạc nhiên. Nhà đó là nhà baby sitter. Bà hàng xóm người Mỹ nhận giữ khoảng năm bảy đứa trẻ, bọn trẻ chưa tới 4 tuổi để có thể vào pre-school theo cách tổ chức giáo dục ở đây. Bọn chúng cũng la hét, cũng khóc cười, chơi đùa và nói với nhau bằng tiếng Mỹ. Bỗng nhiên hôm đó, tôi lại nghe tiếng hát Việt Nam của một đứa bé, có thể là một thằng bé.
Giọng thằng bé hát buồn lắm. Còn bé mà giọng nó đã trầm, rất truyền cảm làm tôi nhiều khi nghĩ tới Sĩ Phú. Tiếng hát khi trầm, khi bỗng, nhiều khi kéo dài ra, rền rền, như tiếng tụng kinh trong chùa Phật. Thằng bé cũng thông minh lắm, những bài hát tiếng Việt, nó thuộc gần hết, nhưng khi hát bài tiếng Mỹ, như hôm tôi nghe nó hát bài Titanic, có chỗ “anh chàng” không thuộc thì “anh” lại hát lua lua, không rõ tiếng gì.
Trong khi những đứa bé khác chơi đùa trong nhà hay ở cái deck phía sau, thì hình như nó nằm một mình trên cái giường đặt sát cửa sổ ngó sang nhà tôi mà hát nghêu ngao. Trong nhiều buổi chiều, thằng bé hát lâu lắm, có khi tới lúc trời sắp tối, dài hai ba giờ đồng hồ, khi mẹ nó đến đón trễ.
“Cái ngủ mày ngủ cho lâu,
Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về”
Đó là tiếng ạ ời ở phía Bắc.
Hoặc:
“Ru em cho théc cho muồi,
Cho mạ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán, chợ cầu,
Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh”.
“Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắc lẻo, gập ghềnh khó đi.”
Có khi đứa bé mới năm bảy tháng, bỗng nhiên nó chọi, đạp và la lên vài tiếng vô nghĩa nào đó. Vô nghĩa là với chúng ta, nhưng với đứa bé, tiếng la lên đó là một thứ ngôn ngữ nào đó của nó, bởi vì, tiếng la đó không phải là phát ra từ vô thức, mà chính từ ý thức của đứa bé. Nó muốn nói một cái gì đó, bằng ngôn ngữ nào đó; biết đâu, có khi là một tiếng hát, giọng hò mà nó đã được “thấm nhuần” từ khi trong bụng mẹ.
Người Tây phương, nếu muốn “rèn luyện” cho trẻ con trở thành thiên tài khi còn trong bụng mẹ, thì trong thời gian người mẹ mang thai, người chồng, hay một người nào đó trong gia đình cho người mẹ thường xuyên “thưởng thức âm nhạc”, v.v… Đó cũng là cách, như nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, thầy dạy nhạc của chúng tôi kể lại: nhạc sĩ Nguyễn Đình Chiểu, rèn luyện cho “bé” Thơ Thơ khi “bé” còn trong bụng mẹ, để về sau, Thơ Thơ giành được giải vô địch dương cầm ở Pháp.
Ở xứ Mỹ này, cha mẹ cho trẻ con học đàn Piano từ khi chúng mới năm ba tuổi. Đó là cách rèn luyện cho trẻ em về nghệ thuật và nhân cách.
So với người Việt Nam, cách thức “hấp thụ” âm nhạc như của người Tây phương là quá trễ.
Tôi không rõ đứa bé bên hàng xóm “học hát” từ lúc nào, nhưng giọng hát của nó, mới ba tuổi đã nhuần nhuyễn lắm, gây xúc động cho tôi không ít, nhất là khi giọng hát của thằng bé mang một vẻ trầm buồn, như trong đó, có một thời thơ ấu buồn nhiều hơn vui, hay tiên đoán một tương lai, không hồn nhiên và vui tươi như bao nhiêu trẻ em khác.
Thế rồi, một hôm, tôi gặp người mẹ trẻ đến đón con về, sau một ngày “làm neo” vất vả. Hỏi về em bé, người mẹ nói: “Nó không cha! Có cha cũng như không cha.”
Rồi thời thế thay đổi. Sau năm 1975, ban lễ nhạc cung đình giải tán, “Thiên tiên Thánh Giáo” bị cấm cửa vì bị phê phán là mê tín dị đoan. Gia đình người nhạc sĩ cung đình lưu lạc lên cao nguyên kiếm sống theo gương ông Trần Khánh Giư “Một gánh kiền khôn quảy xuống ngàn.”
Mùa hè năm nay tôi không còn nghe tiếng hát của thằng bé nữa.
Có lẽ nó đã vào pre-school, trong khi tôi vẫn ngồi đây, mỗi buổi chiều, để nhìn mặt trời lặn xuống bên kia đỉnh đồi, không chỉ để nhớ những cảnh chiều ở đầu nguồn sông Thạch Hãn, làm say đắm lòng tôi khi tôi còn niên thiếu, mà còn để nhớ biết bao nhiêu thứ khác nữa, từ những câu hát đã dấy lên trong lòng tôi về những nỗi buồn về kiếp người, và cả tiếng hát của đứa bé, tôi từng lắng nghe năm ngoái đây, mà năm nay tiếng hát đó cùng em bé trôi giạt về đâu trong cuộc đời lưu lạc ở xứ người!
Đời có biết bao nhiêu điều để chúng ta tiếc nhớ, nhiều khi nó không phải là tài sản, cũng không phải là bạc vàng!
Hoàng Long Hải
https://quangtribacca.blogspot.com/2022/05/tieng-hat-hoang-long-hai-di-vang-la-tho.html#more
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét