Bước đầu tiên của cuộc đời lao tù của võ sư Lê Sáng rất
gay go khi bị nhốt trong Chí Hòa vì phải chung đụng với cả những thành phần cao
bồi du đãng nhưng võ sư Lê Sáng vẫn cố gắng sống chan hòa với mọi người cùng cảnh ngộ.
Tới năm thứ hai ban quản giáo trại cải tạo mới cho
phép nhận quà của gia đình. Khi có quà bao giờ ông cũng phân chia cho tất cả mọi
người, có nhiều biếu nhiều, ít biếu ít, gọi là có qua có lại. Đám cao bồi du
đãng tại đây hễ thấy ai có quà đều xin. Võ sư Lế Sáng có nguyên tắc của mình,
là khi ông nhận được biếu đều cho mọi người, riêng vài món đặc biệt ông đã chia
làm ba phần, một phần biếu cho cả phòng,
phần thứ hai chia cho những người có quan hệ thân hơn và phần còn lại giữ lại
cho ông dùng.
Trong hoàn cảnh phức tạp tại đây, võ sư Lê Sáng nhận định,
nếu như muốn sống yên ổn không phải là chuyện đơn giản. vài người xử sự không
khéo, khi mới vào có thái độ cách biệt xem nhẹ đám cao bồi, đến khi chúng dọa nạt
thì tỏ ra sợ sệt. Khi có thức ăn ngon như giò chả lại giữ riêng, vài ngày thức
ăn bị hỏng rồi mới đem cho, người ta vẫn nhận vì trong cảnh thiếu thốn món gì
cũng ngon, nhưng họ hậm hực trong lòng.
Có một lần võ sư Lê Sáng chia quà thăm nuôi cho mọi người
xong, một tay du đãng hỏi xin phần ông chia ra để cất riêng dùng, thì ông nhẹ
nhàng: “Các con thấy có bao giờ bố ăn một
mình đâu, bố chia đều cho cả anh em. Các con lanh lợi có thể xin thêm được người
này người khác, ở đây có những người hơi nhút nhát không dám xin ai bao giờ, bố
để dành giúp cho họ”. Võ sư Lê Sáng nói thế nhưng hôm sau bọn này vẫn tới hỏi,
ông cũng nhất định từ chối, không để bị lợi dụng.
Trước sự cứng rắn của ông, nên trong thời gian này võ
sư Lê Sáng ở phòng nào thì phòng đó tương đối ổn định, vừa có lộn xộn thì được
ông hòa nhã can thiệp ngay. Lẽ thường bọn du côn cũng tìm người yếu để dọa dẫm,
nếu ai để yên cho nó thì sẽ bị bọn này bắt nạt, trước sau gì chúng cũng sẽ tìm
đũ cách khống chế tất cả mọi người đồng tù.
Rồi sau đó, miệt mài với nghề nghiệp, với chiến trường nên tôi không còn hình ảnh nào với môn phái này nữa suốt trong thời gian chiến tranh.
Khoảng thời gian này, buồng giam 14 khu ED là một buồng giam có nhiều điểm đặc biệt về tù nhân. Chẳng hạn như trong số hơn 60 tù nhân, có cựu Thủ Tướng VNCH Phan Huy Quát và con trai là Phan Huy Anh, Phó Đại sứ Nam Hàn tại VNCH (rất tiếc tôi đã quên mất tên vị này), linh mục Trần Hữu Thanh (người cầm đầu phong trào tố cáo tham nhũng), Võ sư Suzuki một người Nhật nhưng quốc tịch Việt Nam chuyên dạy môn karate cho cảnh sát quốc gia và quân đội VNCH, Chủ tịch Dân Xã Đảng Phan Bá Cầm, cụ Nguyễn Phan tổng giám đốc công ty bột giặt NET, Lưu Nhật Thăng, một chủ báo Hoa ngữ ở Chợ Lớn từng là thư ký của Kim Dung, nhà văn chuyên viết tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng ở Hong Kong, ông Tám Mộng người được nói là cầm đầu một trong những lực lượng vũ trang của Phật Giáo Hòa Hảo, ông Nguyễn Thế Thông giáo sư Anh văn rất nổi tiếng của Saigon vào thời đó.
Võ sư Lê Sáng không bao giờ đề cập đến quyền cước của môn phái mà ông chỉ nhấn mạnh đến tinh thần của nó. Ông nói nhiều đến điều gọi là “cách mạng tâm thân” để giữ vững tinh thần anh em chúng tôi và để hướng về tương lai. Võ sư thường nhấn mạnh: “Ở trong tù, đói khát như thế này thì làm sao gia đình thỏa mãn nhu cầu cho chúng ta được. Phải biết sống về tinh thần. Thực phẩm chỉ là phụ đệm”.
Võ sư Lê Sáng là người rất uyên bác về thơ đường. Có
nhiều buổi tối ông ngâm thơ Đường cho chúng tôi nghe, nhưng anh em thích nhất
là khi ông ngâm bài “Hồ Trường”. Nhiều anh em đã không tránh được ngậm ngùi mỗi
lần nghe ông ngâm bài thơ này. Ông cũng ít kể chuyện, nhưng khi nghe ông kể
chuyện kiếm hiệp của Kim Dung hay kể về bộ Tam Quốc Chí, anh em trong buồng
giam theo dõi một cách hào hứng, có thể quên đói và quên hẳn cảnh tù đầy.
Sống trong môi trường bị giam hãm như vậy, mỗi hành động
của những tù nhân nổi tiếng trong buồng giam 14 khu ED đều bị chú ý. Chẳng hạn
như cứ vào mỗi buổi sáng, vị phó đại sứ Nam Hàn sửa lại bộ quần áo tù cho chỉnh
tề rồi ông bước lại chiếu nằm của ông Phan Huy Quát bắt tay vị cựu thủ tướng
này, cúi gập đầu xuống để chào và sau đó hai người mới thăm hỏi sức khỏe của
nhau. Võ sư Lê Sáng nói với chúng tôi: “May
ra mà trong cảnh nhiễu nhương hỗn tạp, giậu đổ bìm leo này, trong buồng giam
còn có được những hình ảnh đẹp đẽ của nền văn minh”.
Khi chúng tôi bị chuyển lên trại Hàm Tân Z-30C vào những
tháng đầu của năm 1977, đám lính giải giao thường dùng dây xích cứ 5 người một
rồi khóa vào chân ghế ngồi trên những chiếc xe đò.
“Xâu” đầu tiên được đưa lên xe gồm những người mà tôi
còn nhớ rõ, đó là Võ sư Lê Sáng, ông Phan Bá Cầm, nhà báo Lâm Tường Dũ, Đoàn Bá
Phụ (cựu trung úy Nhảy Dù) và tôi. Lên đến trại Hàm Tân, chúng tôi và Võ sư Lê
Sáng vẫn được phân phối vào một trại lao động. Sau khi ở Hàm Tân Z-30C được vài
tháng thì võ sư Lê Sáng bị dẫn vào nhà kỷ luật và bị cùm lần thứ nhất trong đời
tù chỉ vì ông có bộ râu dài.
Viên cán bộ an ninh trại cho gọi thợ hớt tóc (cũng là
mấy anh em tù cải tạo) đến. Võ sư Lê Sáng ôn tồn: “Cán bộ muốn cạo thì xin cứ thi hành, nhưng tôi không vi phạm nội qui của
trại, cán bộ nên nhớ như thế nhé”. Ông đứng im lặng như một gốc cây, mắt
sáng quắc nhìn thẳng vào mặt Tý. Nhưng khi thợ hớt tóc vừa đến gần ông thì Tý gọi
giật lại: “Thôi. Cứ để cho anh ấy để râu
nhưng đem cùm xem có chịu cạo râu không”. Võ sư Lê Sáng bị cùm hai tuần lễ
nhưng kể từ sau đó không ai trong trại giam còn để ý gì đến râu tóc của võ sư
Lê Sáng nữa.
Khó khăn thứ hai của Chưởng môn Việt võ đạo là do
chính tiếng tăm của ông. Không hiểu nhóm công an vũ trang chuyên canh gác tù ở
các bãi lao động bàn tán với nhau như thế nào mà không một tên nào dám đi gần
ông. Tại bãi lao động, một tù cải tạo phải đứng cách xa lính canh 5 thước, khi
phải báo cáo xin đi tiểu tiện, nhưng riêng võ sư Lê Sáng phải đứng cách vệ binh
10 thước. Biết được điều đó nên võ sư Lê Sáng rất thận trọng trong đi đứng tại
bãi lao động để tránh hiểu lầm. Một lần buổi sáng tập họp trước cộng trại giam
để xuất trại đi lao động, võ sư Lê Sáng bị kêu ở lại trại để “làm việc”. Buổi
trưa khi lao động về, chúng tôi túm lại hỏi ông xem có chuyện gì, nhưng ông chỉ
cười và nói: “Chẳng có chuyện gì cả. Vài
học trò cũ của tôi từ Bắc vào thăm”.
Sau này, trong những lúc ngồi nói chuyện riêng tư vào
những ngày nghỉ lao động, võ sư Lê Sáng cho biết là Hà Nội nghe tiếng ông, muốn
vào thăm ông và cho người thử thách, nhưng ông từ chối vì, theo lời ông, “tôi học võ để rèn luyện tinh thần, không phải
là để thi đấu, tôi là chưởng môn mà còn đi dương danh là một lỗi lầm với môn
phái, tôi không làm điều ấy”. Chúng tôi ở với nhau ở Hàm Tân Z-30C đến năm
1979 thì bị chuyển trại theo phương án 4 tức được lọc lựa ra và đưa vào danh
sách “chết” tức là danh sách không thể
cải tạo được, và không bao giờ được xét tha theo quan điểm của trại giam. Thế
là đang đêm chúng tôi lại bị gọi tên, bị xiềng đưa lên xe đò và đưa lên A-20
Xuân Phước, tức trại trừng giới.
Tôi đã viết khá nhiều điều về trại này, nên ở đây tôi
chỉ nói đến hoàn cảnh của Chưởng môn Việt võ đạo khi bị đưa đến cái trại nổi tiếng
khủng khiếp này trong suốt giai đoạn I, từ 1980 cho đến cuối 1988. Đến A-20 được
3 tháng thì Chưởng môn Vovinam Lê Sáng vào cùm ngay. Lần vào cùm này không do bất
cứ một lỗi lầm về nội qui của võ sư Lê Sáng mà chỉ vì ông được sự kính nể và
quí mến của anh em trong trại từ tập trung cải tạo, tù chính trị có án hay tù
hình sự, ở cách ông cư xử và chia sẻ đói khổ với anh em, ở tinh thần vững chãi
để đối phó với mọi hoàn cảnh khó khăn cùng quẫn trong tù, ông cũng không hé ra
một lời nào có thể xâm hại đến người khác.
Trong bối cảnh này, bọn trại giam nhắm vào việc triệt
hạ những thần tượng của tù cải tạo. Cũng chỉ vì thế mà Chưởng môn Việt võ đạo
Lê Sáng vào cùm hết một năm. Khi ra khỏi nhà kỷ luật, sức khỏe của cụ có sa
sút, nhưng giọng nói vẫn sang sảng và đôi mắt vẫn sáng quắc. Ra khỏi nhà kỷ luật
hôm trước thì hôm sau ông đi lao động ngay. Võ sư Lê Sáng nói: “Ra ngoài cho khỏe”. Quả thật sức khỏe của
võ sư Chưởng môn Vovinam phục hồi rất nhanh. Ông nói: “Vì khí trời”. Khi võ sư Lê Sáng về tiếp tục sinh hoạt ở đội lao động
được vài tuần lễ thì tôi cùng một số bạn khác vào nằm cùm mãi cho đến năm 1985
mới gặp lại võ sư Lê Sáng tại phân trại B của A-20 để chuẩn bị chuyển trại.
Trước Noel 1985, chúng tôi chuyển trại về Z-30A nằm
trong phương án đặc biệt mà Hà Nội đã thỏa thuận với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, đó
là thỏa thuận về chương trình HO. Võ sư chưởng môn Việt Võ Đạo Lê Sáng được thả
tại Z-30A, trước thời gian tôi cũng như một số anh em khác từng làm tờ Hợp
Đoàn, tờ báo chui ở A-20 bị “điệu” về trại Phan Đăng Lưu để chờ ngày ra tòa.
Nhưng cuối cùng, vụ án được hủy bỏ và chúng tôi được đưa trở lại Z-30A tiếp tục
nằm trong nhà kỷ luật.
Năm 1988, tôi được thả về và ít lâu sau có đến tổ đường
của Vovinam trên đường Sư Vạn Hạnh để thăm võ sư Chưởng môn. Lúc này tổ đường
Vovinam đã được củng cố. Các môn sinh người ngoại quốc từ Âu châu và các môn
sinh Vovinam từ khắp Việt Nam đã lục tục kéo về để ra bái lậy Chưởng môn. Trong
câu chuyện thăm hỏi tôi, ông cứ nhắc mãi đến “cách mạng tâm thân” và tính nhân
bản của Việt võ đạo.
Bây giờ, cụ Lê Sáng đã ra người thiên cổ. Cụ thọ 91 tuổi.
Trong bức hình chụp Võ sư Lê Sáng mà các bạn ở Việt Nam gởi cho, tôi thấy đôi mắt
võ sư Chưởng môn Việt võ đạo vẫn sáng quắc như ngày nào.
Tôi viết những kỷ niệm trên với Võ sư Chưởng môn Việt
võ đạo trong thời tù để gọi là đại diện cho một số anh em cựu tù của trại Hàm
Tân Z-30C, A-20 và Z-30A bái vọng cố quốc để tiễn đưa cố võ sư Chưởng môn. Bởi
trong những đêm tối ấy, ông vẫn như ngọn đèn sáng dẫn dắt tinh thần anh em
chúng tôi. Cố võ sư Chưởng môn là một người cả đời hy sinh cho Việt võ đạo và
đây cũng là lý do ông cụ không bao giờ lập gia đình.
Tuy nhiên, cụ rất nhiều con tinh thần vì trong tù
chúng tôi đều gọi Võ sư Chưởng môn Vovinam là bố, “Bố Lê Sáng”. Vả lại ngày
nay, trên khắp thế giới, hàng chục ngàn môn sinh Vovinam cũng đang thổn thức vì
những mất mát không có gì bù đắp được cho môn phái vì sự khuất bóng của Võ sư
Chưởng môn.
Theo Vũ Ánh
Nguồn:
https://ngoclinhvugia.wordpress.com/2010/12/23/nhung-ky-niem-trong-tu-voi-chuong-mon-viet-vo-dao-le sang-vu anh/amp/
https://ngoclinhvugia.wordpress.com/2010/12/23/nhung-ky-niem-trong-tu-voi-chuong-mon-viet-vo-dao-le sang-vu anh/amp/
1 nhận xét:
Theo như bài viết: “Những tù nhân ở phòng tập thể số 14 khu ED với võ sư Lê Sáng có ‘võ sư Suzuki một người Nhật nhưng quốc tịch Việt Nam chuyên dạy môn karate cho cảnh sát quốc gia và quân đội VNCH’ ”. Có lẽ đó là võ sư Suzuki Choji Chưởng môn Hệ phái Suzucho Karate-Do. Ông là người Nhật đầu tiên đem Karate truyền vào Việt Nam, thập niên 1960. Võ đường đặt tại 8 Võ Tánh - Huế. Từ đây, Karate phát triển ra các tỉnh phía Nam; sau 1975, phát triển ra các tỉnh phía Bắc. Hiện nay, Suzucho Karate-Do phát triển rộng khắp trong cả nước, với hàng vạn Thanh Thiếu niên tham gia tập luyện mỗi ngày.
*
Năm 1945, Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh, Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc. Trong đội quân Thiên Hoàng bại trận, nhưng Suzuki Choji quyết định ở lại Việt Nam và tham gia Mặt trận Việt Minh kháng chiến chống Pháp với cấp bậc đại uý, nhận lời huấn luyện võ nghệ cho một đơn vị bộ đội ở Lạng Sơn. Trong một lần Phạm Văn Đồng (sau này là Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) tình cờ ghé thăm, đã quý mến tặng Suzuki Choji một khẩu súng có khắc tên ông, đồng thời đặt tên Việt Nam cho người chiến sĩ xuất thân từ Nhật Bản này là Phan Văn Phúc.
Đăng nhận xét