BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2022

ĐỌC “THÁNG 5” THƠ ZULU DC - Châu Thạch


                                    
                              Nhà thơ  Zulu Dc   


THÁNG 5  
 
Chưa tháng 5 - mà lòng tháng 7  
Đàn quạ về bay qua giấc mơ  
Cứ tưởng tượng trời bên kia biển  
Âm thầm chao động một cơn mưa  
 
Tháng 5 - ngọn gió lay hồi ức  
Rụng xuống đời ta những ước mơ  
Từng đợt sóng lùa qua mái tóc  
Là Em - dâu biển hoá thành thơ  
 
Tháng 5 - ừ nhỉ, Em như thể  
Làn khói lam chiều trên quê hương  
Bếp lửa từ nay lòng anh ấm  
Trùng khơi xưa, gió vẫn hoang đường  
 
Tháng 5 - thấp thỏm từng góc phố  
Nói với hàng cây dẫu nghẹn lời 
Phố hãy cùng ta cùng đứng đợi  
Trong thơ Em bước xuống cuộc đời  
 
                                           Zulu Dc  


Nhà bình thơ Châu Thạch   
 

              ĐỌC “THÁNG 5” THƠ ZULU DC
                                                      Châu Thạch  
   
Mồng 1 thánh 5/2022, thức giấc, đọc trên facebook bài thơ “Tháng 5” của  ZuLu DC, lòng tôi có  những cảm xúc lạ kỳ. Tôi nhớ đến biến động tháng 5 của 47 năm về trước. Tôi nhớ đến đời sống những tháng năm sau thời điểm đó như con thuyền mang đau thương lướt trên dòng sông ký ức. Ngược lại, bài thơ “Tháng 5” của ZuLu DC như chiếc cầu Ô Thước cho đoàn tụ những mối tình tha thiết, như con thuyền đưa người xưa quay lại bến yêu thương.
  
Khổ thơ đầu tiên âm vọng về hiện tại tiếng quạ bay trên sông Ngân Hà từ cổ tích xa xôi. Nhà thơ tưởng tượng quê hương xưa chuyển động đón người về, chuẩn bị cho dòng nước mắt buổi hội ngộ tuôn rơi:  
 
Chưa tháng 5 - mà lòng tháng 7  
Đàn quạ về bay qua giấc mơ  
Cứ tưởng tượng trời bên kia biển  
Âm thầm chao động một cơn mưa 
 
Khổ thơ đầu tiên cho ta thấy nhà thơ đang mơ ngày đoàn tụ. “Chưa tháng 5” là tháng dự định sẽ quay về  mà lòng đã mang tâm sự tháng 7. Tháng 7  là tháng của điển tích hội ngộ. Nhà thơ thấy trước những gì chuẩn bị cho ngày về như đàn quạ ngày xưa đang bắc cầu cho Ngưu Lang- Chức Nữ gặp nhau. Nhà thơ thấy trước trời đất quê hương ở bờ bên kia đang cảm xúc cùng mơ ước của cố nhân ở bờ biển bên nầy, nên “Âm thầm chao động một cơn mưa” để khóc thỏa lòng khi hội ngộ cùng nhau.  
 
Khổ thơ vào đề của “Tháng 5” như mang sự thao thức trong cổ tích ngàn năm xưa, trùng hợp sự thao thức hiện tại, “âm thầm chao động” tâm hồn người đọc niềm ước mơ quay về như đang nằm trong cơn mộng tưởng đoàn viên.  
  
Thế rồi từ giấc mơ đó nhà thơ quay về với quá khứ, để hồi ức nhớ lại từng biến động của cuộc đời, trong đó em là nhân vật không già trong tâm trí anh, không phai theo thời gian và không mờ theo thăng trầm của cuộc sống:     
 
Tháng 5 - ngọn gió lay hồi ức  
Rụng xuống đời ta những ước mơ  
Từng đợt sóng lùa qua mái tóc  
Là Em - dâu biển hoá thành thơ  
 
“Rụng xuống đời ta những ước mơ” là ước mơ không thành. “Từng đợt sóng lùa qua mái tóc” là thời gian trôi qua từng thời kỳ.  “Em - dâu biển hóa thành thơ” là em tồn tại diễm lệ trong hồn ta có từ trong dâu biển hay có thể sau bao biến cố của cuộc đời. Dầu ở thời điểm nào, có em thì ta bất chấp phong ba và bão táp.  
   
Khổ thơ thứ hai khái quát sự bất đắc chí của tác giả trên đường đời và khẳng định “Em” chính là sự thăng hoa, em chính là diễm phúc cho anh nuôi mộng quay về trong tháng 5 để được hội ngộ cùng em như cổ  tích ngày xưa Ngưu - Lang Chức Nữ hằng năm gặp nhau trên cầu Ô Thước.  
  
Qua khổ thơ thứ ba, nhà thơ đồng hóa em với quê hương. Đó là “làn khói lam chiều”, đó là bếp lửa đã làm lòng anh ấm lại, đó là nguồn an ủi, đó là hạnh phúc khiến quá khứ với nỗi đau “rụng những nước mơ” như không còn có nữa, trở thành chuyện hoang đường trong tâm khảm của anh:  
 
Tháng 5 - ừ nhỉ, Em như thể  
Làn khói lam chiều trên quê hương  
Bếp lửa từ nay lòng anh ấm  
Trùng khơi xưa, gió vẫn hoang đường  
  
Khổ thơ dựng nên một bức tranh đẹp và hóa giải những nỗi đau từ quá khứ. Khổ thơ hàn gắn vết thương, như có bàn tay đem tình yêu quê hương và tình yêu trai gái vuốt ve làn da chai sạm gíó sương, vỗ về trái tim khổ hạnh.
   
Cuối cùng nhà thơ như trẻ lại buổi còn xuân, hồi hộp đợi chờ giờ hội ngộ. Tình yêu thành sức sống tràn lên từng góc phố, từng hàng cây. Bây giờ nhà thơ không còn sự mộng tưởng mơ hồ “Như đàn quạ về bay qua giấc mơ” nữa. Nhà thơ hòa mình với không gian trước mắt. hẹn nhau cùng hội ngộ với Em, để một trang thơ hay một kỷ nguyên tình yêu mới bắt đầu:  
 
Tháng 5 - thấp thỏm từng góc phố  
Nói với hàng cây dẫu nghẹn lời  
Phố hãy cùng ta cùng đứng đợi  
Trong thơ Em bước xuống cuộc đời  
 
Bài thơ “Tháng 5” của ZuLu DC mở đầu bằng bức tranh quạ bắc cầu Ô Thước. Cầu Ô thước chỉ cho hai người yêu nhau đoàn tụ một lần mỗi năm vài giờ, sau đó là chia ly khiến mưa Ngâu như nước mắt sầu tưới lên vạn vật. Khổ cuối của bài thơ thì hình ảnh ngược lại, bức tranh không có nước mắt, không có chia ly, mà có thấp thỏm phập phồng mong đợi, mong đợi một tháng 5 Em kiêu sa như thơ bước xuống cuộc đời anh, nghĩa là anh nhận lảnh vô vàn hạnh phúc từ đây.   
 
Nhà thơ ZuLu DC thật tài tình khi dẫn nhập bài thơ bằng một bức tranh tình buồn trong cổ tích. Bức tranh lại được treo trong bầu trời quê hương đang chuyển động một cơn mưa. Nhà thơ ZuLu Dc càng tài tình khi chuyển bài thơ đến một khung cảnh mới với niềm vui thành búp hoa trong lòng, đưa tâm hồn người đọc bay từ một vùng se lạnh qua một vùng ấm áp với ánh nắng bình minh le lói bên kia đại dương. Mở đầu bằng cổ tích, bài thơ không dẫn ta đi theo trình tự bế tắc của cổ tích xa xưa, bài thơ đưa ta đến một chân trời mới với niềm hy vọng thăng hoa trong tình yêu, trong cuộc sống.  
   
Tôi đang ở bên này đại dương, nơi nhà thơ ZuLu DC hứa hẹn tháng 5 sẽ về. Đọc thơ, tôi thấy lòng nhẹ hơn khi đọc những bài thơ mà mỗi mùa tháng 5 tôi đã đọc, thường khiến con tim rướm lệ pha hồng. Tôi không biết ai sẽ chờ nhà thơ tháng 5 trở lại, nhưng tôi ao ước, tôi hy vọng, tôi cầu nguyện cho những ai bên kia đại dương, sẽ có một lần quay về như ZuLu DC, không với người yêu thì cũng với thân nhân quyến thuộc của mình.
                                                    
                                                                                  CHÂU THẠCH

Không có nhận xét nào: