BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2022

CÙNG BÙI GIÁNG ĐỌC TRUYỆN VÕ HIỆP – Huỳnh Ngọc Chiến

(Tưởng niệm hai nhà nghiên cứu Kim Dung kiệt xuất Bùi Giáng và  Đỗ Long Vân)
 
Nhà nghiên cứu, biên khảo Huỳnh Ngọc Chiến

Nhan đề bài viết có thể khiến bạn đọc ngạc nhiên, vì nói đến Bùi Giáng, người ta thường nghĩ đến các trước tác đồ sộ của ông về thơ ca và triết học. Ông nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực, nhưng lại không có một tác phẩm hoặc một bài viết hoàn chỉnh nào về Kim Dung hoặc các tác giả võ hiệp nào cả. Song có lẽ ít ai biết vị “Hồng Thất Công trong thi ca tư tưởng” này lại rất mực mê sách kiếm hiệp (mà ông thường gọi là vũ hiệp), và đã để lại cho đời những tản văn bình phẩm tuyệt vời.
 
 Những nhận định của Bùi Giáng về Kim Dung, về Ngọa Long Sinh … thường rất ngắn, chỉ khoảng nửa trang, thậm chí chỉ vài dòng, và nằm rải rác, tản mạn đâu đó ở những phần phụ lục của các cuốn sách biên khảo của ông về thi ca và tư tưởng. Nhưng chính các nhận định ngẫu hứng đó đã âm thầm giúp cho người đọc nhận ra một thông đạo từ sách võ hiệp tìm về cõi đạo đông phương và những cội nguồn tư tưởng khác. Các bậc chân nhân phương đông thường không nói nhiều về những điều tâm đắc, giống như thể cách Hồng Thất Công truyền thụ võ công. Khi ngẫu hứng thì truyền chơi một vài chiêu của Hàng long thập bát chưởng, nhưng chỉ vài chiêu đó cũng đủ để người nhận tung hoành thiên hạ, hơn là một đống tạp nham của đám Giang Nam thất quái. Các bậc chân nhân chỉ đơn giản nói dăm ba câu theo thể điệu “cử nhất phản tam” của Khổng Tử (vật có bốn góc thì chỉ nêu ra một góc để người học tự suy ra ba góc còn lại). Và dăm ba câu đó có khi trở thành nền tảng cho các học thuyết của hậu duệ đời sau. Một vài câu rơi rớt của Cửu dương chân kinh từ miệng Giác Viễn đại sư trước giờ viên tịch cũng đủ để Trương Tam Phong và Quách Tường đưa Võ Đương cùng Nga Mi lên đến đỉnh cao võ học. Mạnh Tử, Vương Dương Minh có viết hàng vạn lời cũng chỉ nhằm để khoáng diễn thêm một vài câu nói cực kì đơn sơ của Khổng Tử!
 
Khi nghiên cứu sách triết học hoặc sách võ hiệp, thì những cách “tổng hợp” theo kiểu xã hội học hoặc thư tịch học… không thể giúp ta đi vào chiều sâu tư tưởng của một tác gia. Tưởng tổng hợp nhưng thực ra lại gây chia lìa, tưởng làm băng nhân nhưng lại khiến chia ương rẽ thúy! Cánh hoa được phân tích dưới kính hiển vi đâu còn là cánh hoa thoảng hương theo gió ngoài đồng nội? Miền vô ngôn thăm thẳm của tư tưởng không bao giờ lộ ra trên trang giấy để các học giả chộp lấy và tổng hợp, phân tích một cách hồ đồ theo thể lệ biên-khảo-giáo-khoa; mà đôi khi nó hiện ra trong những câu nói lửng lơ, trong những câu thơ tả cảnh, trong những mệnh-đề-phụ. Ðọc sách thì điều quan trọng là phải lắng nghe ra những gì nằm đằng sau trang giấy, để liễu đạt được cái “huyền ngoại chi âm” hay “ý tại ngôn ngoại”. Như gặm xương thì phải đập vỡ được xương và ăn được tủy. Chính cái tuỷ đó mới là dưỡng chất nuôi dưỡng cho các nhận định thâm viễn hoằng đại. Mà không phải nhà nghiên cứu nào cũng có thể làm được việc này, nếu họ không mang một tâm hồn thông tuệ, ứng hợp cơ duyên và có những đôi mắt “soi thủng cả tấm da trâu” của thiền sư Dược Sơn Duy Nghiễm [1], hoặc những “cặp mắt trong nghìn thu” [2] của Tô Ðông Pha, hay hồn thơ mênh mông như Bùi Giáng. Những pho sách võ hiệp đồ sộ và hàng vạn trang cổ lục, dù có đề cập đến vô biên vô lượng vấn đề bằng muôn ngàn thể cách, thì vẫn không nói gì khác ngoài Cái Lẽ Một Như Nhiên. Chỉ khi nào thấu hiểu điều đó, ta mới nhìn ra được dòng ẩn lưu chảy ngầm dưới tác phẩm của mọi thiên tài suốt dưới vòm trời kim cổ, mới thu nhiếp mọi vấn đề về một mối theo lẽ “Nhất dĩ quán chi”.
 
Dòng ẩn lưu đó vẫn trôi chảy trong mọi cuốn cổ lục đông tây, và có thể nối liền những bờ bến xa xôi, nhưng thường rất khó nhận ra bởi phần tinh hoa lắm phen bị che lấp dưới những ngôn ngữ xô bồ. Ẩn tàng trong mở phơi, và hiển lộ trong khuất lấp, đó là thể điệu của tinh hoa phát tiết và cũng là chỗ u mật mà thơ Bùi Giáng đã nói một cách bóng bẩy:
 
Có hàng cây đứng ngóng thu
Em đi mất hút như mù sương bay
 
Chỉ còn hàng cây đứng lẻ loi cô độc đứng ngóng thu, nhưng cái hình ảnh huyền ảo của người em đi dưới hàng cây để mang linh hồn lại cho hàng cây và cho cả mùa thu thì không còn nữa. Em đi mất hút như mù sương bay. Tinh hoa của những tư tưởng võ hiệp không phát tiết trong tác phẩm mà tự thân ẩn tàng trong hiển lộ, qua những mệnh-đề-phụ mênh mông. Phong Thanh Dương bất ngờ xuất hiện trên đỉnh Hoa Sơn, truyền thụ “Ðộc cô kiếm pháp” cho Lệnh Hồ Xung, rồi biến mất như con thần long phiêu hốt trong sương mù của huyền thoại, một loại mệnh-đề-phụ còn mang theo những ẩn ngữ nào giữa cõi nhân gian? Thạch Phá Thiên hồn nhiên liễu ngộ thần công trên vách đá chẳng phải là lời chú giải cho Pháp bảo đàn kinh?
 
Bùi Giáng đã từng dịch một phần nhỏ cuốn Kim kiếm điêu linh của Ngoạ Long Sinh, (NXB Quế Sơn Võ Tánh, 1967) bằng thể điệu ngôn ngữ rất mực tài hoa phiêu dật (dĩ nhiên là chỉ đối với những ai quen với văn phong Bùi Giáng), với những lời chú giải thâm hậu nhằm triển khai phần ẩn mật trong tư tưởng Ngọa Long Sinh. Nếu có điều kiện, các bạn thử chịu khó tìm đọc bản dịch của Bùi Giáng một cách kỹ lưỡng và chậm rãi đối chiếu với nguyên tác, các bạn sẽ tìm thấy trong những lời bình của ông, những lời bình mà không thiếu người cho là bốc đồng nhảm nhí, thì ngay tại những chỗ “nhảm nhí” đó bạn có thể nghe ra những dư hưởng mênh mang từ nhiều kiệt tác cổ kim. Đó là điều kỳ diệu trong ngôn ngữ dịch của “trung niên thi sĩ” Bùi Giáng có một cái nhìn rất lạ về tác phẩm sách võ hiệp (“lạ” ở đây có nghĩa là “lạ” đối với những ai chưa “quen” với ngôn ngữ của Mưa Nguồn!).
 
Tôi xin trích ra đây một vài nhận định lai rai của ông về sách võ hiệp:
 
“Ðọc truyện vũ hiệp là một trong những phép tu dưỡng kí ức và khơi dẫn nguồn vui ẩn mật trong mình. Ðọc theo lối hồn nhiên, hoặc vừa đọc vừa suy gẫm. Chưởng lực, kiếm thế, nội kình phát ra có thể là tinh thể của tinh thần phát hiện.
 
Riêng đối với bạn thi sĩ, sách vũ hiệp có thể giúp bạn làm thơ lai láng một cách không ngờ. Ðiều đó không có chi lạ: ban sơ vũ học, văn học, thi nhạc cùng phát khởi tại một cỗi nguồn: uyên nguyên của tinh thần xuất phóng”.
                          (Kim kiếm điêu linh, NXB Quế sơn Võ Tánh, 1973).
 
Võ học, thi ca, hội họa … đều bắt nguồn từ một cõi uyên nguyên sâu thẳm, chỉ khác nhau trong thể điệu trình bày. Nói một cách khệnh khang theo ngôn ngữ bác học của những học giả sính thuật ngữ, thì những thứ đó: “Thể” vốn là Một, nhưng “Dụng”“Tướng” lại khác nhau. Do đó, thấu hiểu Dịch học cũng là nâng cao y thuật, tập viết thư pháp cũng là rèn luyện võ công. Tiếng đàn, nét bút đều có thể hàm chứa tinh hoa của võ học. Cho nên đôi khi đọc sách võ hiệp cũng là nguồn cảm hứng để làm thơ, hoặc để đọc lại kinh Hoa Nghiêm, kinh Duy Ma dưới cái nhìn thăm thẳm khác.
 
 “Những kiệt tác của Ngọa Long Sinh (gồm mười mấy tác phẩm đồ sộ trong mười mấy năm nay) đi song song với Kim Dung và Gia Cát Thanh Vân – thực hiện một cuộc chuyển biến dị thường trong lịch sử văn học tư tưởng Trung Hoa –những kiệt tác ấy không gặp được nhiều cơ hội thuận tiện để thị hiện chon von trong cuộc phiêu bồng của dâu biển sử xanh Holzwege, Leaves Of Grass, Caligula vân vân.”
                                                       (Sương bình nguyên, tr.498-499).
 
Nhận định về Thiên Long Bát Bộ, ông nói:
 
“Ðể ba người [3] kết nghĩa anh em, Kim Dung đã xây dựng tác phẩm trong mối tư lường sâu xa về Tồn thể uyên nguyên”
                                                                                (Thúy Vân, tr.94)
 
Những câu nói đơn sơ đó đã đi một vòng bao trùm những chân trời tư tưởng và mở ra những thông đạo thênh thang để người đọc, từ trung tâm thông đạo, đón nhận được vô số âm thanh ảo huyền vọng về từ các trang cổ lục đông tây. Tinh hoa của sách võ hiệp, hay đúng hơn là tinh hoa của tất cả tư tưởng đông tây, vẫn cứ luôn thấp thoáng đằng sau mọi trang giấy não nùng, và chờ đợi một đôi tai biết “nghe” theo thể điệu nghiêm mật phiêu bồng của “Như thị ngã văn”. Bùi Giáng đã “nghe” ra tất cả điều đó, từ những trang cổ lục mông lung cho đến những trang sách võ hiệp hiện đại. Một cung bậc vang lên và tâm hồn kẻ tài hoa mở ra đón nhận rất nhanh những dư vang đồng điệu.
 
Lâu nay, trong tất cả bài viết của mình, đặc biệt là trong những bài viết về Kim Dung, tôi vẫn cố gắng đưa vào vài câu thơ Bùi Giáng làm lời nhiếp dẫn, như sợi chỉ Ariane, để mong giúp bạn đọc -nhất là các bạn trẻ- nương theo mà tìm về cõi đạo phương đông. Đó cũng là cách để chúng ta thể hội những mạch ngầm trong tác phẩm võ hiệp, như ông nói:
 
“Nhưng cái mệnh phụ đồ sộ Nam Hải Ngạc Thần [4], cái mệnh đề phụ lai láng Bách Lý Băng[5], cái mệnh đề phụ khôn hàn của những niềm riêng tỳ tử trong vũ hiệp, thảy thảy có đồng quy về một mối nhất quán nào trong thơ tả cảnh Nguyễn Du, trong Les Chimères Nerval, trong thi ca Trung Quốc, trong mười chương của Dostoievski, trong những vần tối hậu của Wilde, bốc tia từ huyền nhiệm thâm u Bà La Mật…, có hay không, đồng quy từ mọi nẻo thù đồ? Đó là điều xin để bạn thong dong tự suy gẫm”.
                                                                   (Sương bình nguyên tr.9)
 
Đã có bao nhiêu bạn đã chịu khó “thong dong tự suy gẫm” về điều đó, trước khi cầm bút bàn tới Kim Dung hay sách võ hiệp? Thiên kiếm Tuyệt đao, Kim kiếm điêu linh, Tiếu ngạo giang hồ, Thiên long bát bộ … vẫn chứa chan hằng sa ẩn ngữ để đón nhận những làn gió tương giao thổi qua suốt “cõi người ta” từ vô thủy đến vô chung. Những mệnh-đề-phụ của tình yêu có giúp các bạn nghe ra được linh hồn của từng trang cổ lục? Những mệnh-đề-phụ thăm thẳm Du Thản ChiA Tử đã đạt đến cõi đoạn trường nào mà ngay những trang thơ thảm khốc nhất của Hàn Mặc Tử cũng chưa tả nỗi, và đồng thời hé mở được câu nói đơn sơ nào của kinh Hoa Nghiêm? Những mệnh-đề-phụ Không Kiến thần tăng, Định Nhàn sư thái đã nói gì về cảnh giới “niêm hoa vi tiếu” của Phật môn? Mệnh-đề-phụ Đào cốc lục tiên hé lộ những điều gì đã được Lão Tử nhắc tới trong Đạo đức kinh? Thấp thoáng trong Adrienne của Nerval, bạn có nhận ra hình bóng não nùng của tiểu ni Nghi Lâm? Lưỡng nghi đao pháp, Thái cực kiếm pháp có giúp các bạn thể hội thêm huyền nghĩa của Dịch kinh? Liên Tuyết Kiều còn mang ẩn ngữ nào của truyện Kiều? Vô vàn câu hỏi còn bỏ lững để chờ những đôi tai biết lắng nghe.
 
Chỉ khi nào ta đã “nghe” ra được những điều đó bằng tất cả tâm nguyện “tín giải thọ trì”, để “thấy” được mối đồng quy của mọi nẻo thù đồ, thì những “nhận định” của ta về sách võ hiệp mới không bị lệch lạc từ cơ bản. Đỗ Long Vân là một trong số hiếm hoi những người “nghe” ra điều đó bằng những suy niệm chân thành, để viết nên tác phẩm tuyệt hảo “Vô Kỵ giữa chúng ta”. Ðỗ Long Vân là nhà nghiên cứu Kim Dung nghiêm túc bằng văn phong rất mực tài hoa, khác với phong cách hý ngữ lộng ngôn ỡm ờ của Bùi Giáng. Những trang viết trầm ổn túc mục của ông về Kim Dung đã được Bùi Giáng nhiếp dẫn về giữa ngã ba Tam Giáo của Ðông Phương, để mở ra cuộc hội thoại Đông Tây. Và chỉ Bùi Giáng mới là người có thừa thãi công lực và thông tuệ để đẩy những suy tư của Đỗ Long Vân vào những đường bay huyền ảo:
 
“Cuốn sách ông [6] bàn về Kim Dung nằm trong vùng tư tưởng thâm viễn như cuốn Nho giáo của Trần Trọng Kim, Chẳng những giúp người Việt Nam hiểu tư tưởng lớn của thiên tài Trung Hoa, mà còn khiến người Trung Hoa, người Ðông Phương, Tây Phương nói chung ngày sau sực tỉnh. Tầm quan trọng của cuốn sách kia quả thật rộng rãi không cùng.
 
Tôi có thể đưa ra vài nhận định khác ông ở đôi chi tiết. Nhưng không cần. Ðiều cốt yếu ông đã nói xong, và những dư vang vô số sẽ tỏa khắp mọi chốn. Và sẽ còn khiến người ta thể hội cái mạch thẳm trong những tác phẩm của những thiên tài xưa nay, bất luận là Ðông Phương hay Tây Phương.
 
Sách tôi bị cháy hết, nhưng tôi sẽ tìm riêng cuốn Vô Kị giữa chúng ta để đọc lại”  
                                                                         (Đi vào cõi thơ, tr.79).
 
Lời trích dẫn dài dòng trên được dùng để khép lại bài viết này, và hy vọng rằng nó cũng sẽ mở ra, đồng thời, những chân trời bao la hơn cho những nhận định, trong tương lai, về sách võ hiệp.
 
                                                                         Huỳnh Ngọc Chiến
 
*

Ghi chú:
 
[1] Dược Sơn Duy Nghiễm là thiền sư vĩ đại đời Đường, ông thường cấm môn đồ đọc kinh. Một hôm, môn đồ thấy ông đang ngồi đọc kinh, bèn hỏi, ông trả lời “Nếu các ngươi muốn coi thì phải có con mắt soi thủng cả tấm da trâu!”.
[2] Lời bình của Lâm Tây Trọng về cách đọc Nam hoa kinh của Tô Đông Pha (Xin đọc Nam hoa kinh, bản dịch của Nhượng Tống)
[3] Tức Tiêu Phong, Ðoàn Dự, Hư Trúc trong Thiên Long Bát Bộ
[4] Tên một nhân vật nam trong Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung
[5] Tên một nhân vật nữ trong Kim kiếm điêu linh của Ngọa Long Sinh
[6] Tức cuốn “Vô Kị giữa chúng ta”

Không có nhận xét nào: