Nhạc
sĩ Phạm Đình Chương
Nhưng có nhiều người thì nghĩ khác. Như nhạc sĩ Anh Bằng, người đã phổ hàng trăm bài thơ thì cho rằng thơ phổ nhạc là một nét đặc thù của văn nghệ Việt Nam. Trong khi nói chuyện với tôi ông đã tỏ ra rất trân trọng những bài thơ phổ nhạc của nhạc sĩ Phạm Đình Chương và cho rằng đó là một nhạc sĩ phổ thơ hay nhất của âm nhạc Việt Nam.
Riêng với tôi, nghe lại những bản nhạc phổ từ thơ của
người ca sĩ chủ chốt của ban hợp ca Thăng Long Hoài Bắc, tôi đã bị lôi cuốn vào
một thế giới âm nhạc tuyệt vời. Từ những bài thơ nổi tiếng, nhạc đã mở ra thành
những thế giới riêng và cất cao lên những cung bậc ngân nga trong tâm não. Thơ
Quang Dũng (Đôi mắt người Sơn Tây)
như có phả vào trong nhạc Pham Đình Chương những nỗi niềm sầu xứ riêng của một
người yêu quê hương tha thiết. Thơ Thanh Tâm Tuyền (Lệ đá xanh) những câu thơ tự do trúc trắc lại trở thành những cung
bậc mượt mà và hình như trong từng nốt nhạc từng lời ca được chọn lọc trong thơ
có một điều gì sẻ chia đồng cảm. Với thi ca, nhạc Phạm Đình Chương là bạn đồng
hành.
Và mỗi khi buồn, những bản nhạc tình của Phạm Đình
Chương đã làm tôi da diết hơn nỗi đau và nhức buốt thêm nỗi nhớ. Tha thiết,
lãng mạn, như nghe Nửa hồn thương đau, nghe “Người
đi qua đời tôi”, những lời và nhạc quyện vào nhau. Ngân lên. Réo rắt.
Phạm Đình Chương, người nhạc sĩ tài hoa đã làm phong phú cho gia tài âm nhạc Việt Nam. So với các nhạc sĩ nổi tiếng khác số lượng sáng tác của ông không nhiều lắm nhưng đã có rất nhiều ca khúc đã đi vào cõi bất tử. Nhạc của ông còn có tuổi thọ hơn ông nhiều lần. Những ca khúc đã nổi tiếng đến nỗi thành quen thuộc trong đời sống hàng ngày của người Việt Nam.
Phạm Đình Chương, người nhạc sĩ tài hoa đã làm phong phú cho gia tài âm nhạc Việt Nam. So với các nhạc sĩ nổi tiếng khác số lượng sáng tác của ông không nhiều lắm nhưng đã có rất nhiều ca khúc đã đi vào cõi bất tử. Nhạc của ông còn có tuổi thọ hơn ông nhiều lần. Những ca khúc đã nổi tiếng đến nỗi thành quen thuộc trong đời sống hàng ngày của người Việt Nam.
Riêng với cá nhân tôi, mỗi lần nghe lại những bản nhạc
như “Sáng Rừng” hay trường ca “Hội Trùng Dương”, tôi lại bồi hồi nhớ đến
những ngày xưa lúc mới lên trung học. Ở ngôi trường mà trước đây là chỗ nuôi ngựa
của quân đội Nhật sau sửa chữa thành Trung Tâm Học Liệu, nơi chúng tôi đã học
hát những bài này với thầy Chung Quân ròng rã những năm đệ thất, đệ lục. Những
bài hát đã tạo ấn tượng rất mạnh cho tôi từ ngôn ngữ đến âm điệu. Những bài hát
làm tôi yêu mến hơn quê hương đất nước tôi. Tôi nhớ cả lớp tôi chia làm hai bè
và những câu hát cứ đuổi theo nhau như lượn sóng ào ạt cuồn cuộn: “… Sóng muôn triền tới sóng xô về tới như
muôn tình mới vươn sức người. Bừng giữa đời…” Chúng tôi cứ thế mà hào hứng
hát trong cái kích động vô cùng của chuyển khúc nhạc… Thầy Chung Quân, tác giả
của ca khúc nổi tiếng “Làng tôi” thì
không hết lời giảng giải với bọn học trò chúng tôi những nét hay ý đẹp của những
ca khúc này. Thành ra, tuy tôi chưa gặp mặt bao giờ nhưng lại vô cùng quen thuộc
khi nghe nhắc tới tên tuổi của nhà nhạc sĩ Phạm Đình Chương…Hình như trong tiềm
thức của tôi, đã có một vóc dáng nhạc sĩ cực kỳ to lớn. Những lời ca hằn trong
tâm thức và một lúc nào, có chất xúc tác, bùng vỡ cảm xúc như trôi theo suối,
theo sông…
Rồi thời gian trôi, tôi lớn lên, vào đại học rồi đi
lính, đi tù, rồi vượt biên, rồi lưu lạc xứ người, mãi thời gian khoảng thập niên
80 tôi mới gặp lại ông. Và hình như, cái vóc dáng ngày xưa mà tôi tưởng tượng
dường như không sai biệt mấy. Trong một buổi họp mặt văn nghệ ở quán Doanh
Doanh của anh chị Thái Tú Hạp, ông hát bản nhạc mới sáng tác phổ từ thơ Du Tử
Lê “Đêm nhớ trăng Sài Gòn” và bản “Hạt bụi nào bay qua” từ thơ Thái Tú Hạp.
Dáng ông cao gầy, nói chuyện có duyên với giọng thật đặc biệt Bắc Kỳ Sơn Tây, mặc
dù lúc đó hơi men đã ngấm. Ông hát rất truyền cảm và tạo được những phút giây lắng
đọng trước khi chấm dứt làm người nghe ngưng một giây sững sờ trước khi vỗ tay
vang dội… Trong tiếng nhạc, có tâm sự tỏ bầy. Trong lời ca, có mênh mông những
khung trời quá khứ…
Theo tài liệu của nhạc sĩ Phạm Thành là con ruột ông
thì nhạc sĩ Phạm Đình Chương sinh ngày 14 tháng 11 năm 1929 tại Bạch Mai. Quê nội
ông ở Hà Nội và quê ngoại ở Sơn Tây. Gia đình ông là một gia đình nghệ sĩ, thân
phụ ông đánh đàn tranh rất tuyệt trong khi thân mẫu ông chơi đàn bầu cũng rất
hay. Thành ra nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, tác giả Nắng Chiều đã rất hữu lý khi phát
biểu rằng nhạc của Phạm Đình Chương đã biểu lộ được những tinh túy của âm điệu
ngũ cung. Sống trong một gia đình nghệ sĩ “nòi”
như vậy thì hấp thụ được những tinh hoa của nguồn nhạc dân tộc tính là chuyện
dĩ nhiên...
Ông bắt đầu học nhạc lý từ khi còn thơ ấu. Lúc mười bẩy
tuổi ông đã sáng tác bản nhạc đầu tay “Ra
đi khi trời vừa sáng” với lời nhạc trong sáng nhịp điệu vui tươi tới bây giờ
vẫn còn nhiều người hát. Thí dụ như Đài phát thanh Little Sài Gòn ở Orange
County đã dùng làm bản nhạc khởi đầu chương trình “Chào bình minh” mỗi buổi sáng.
Thời kháng chiến chống Pháp sau năm 1945, cũng như những
chàng trai Hà Nội yêu nước, ông gia nhập vào các đoàn văn nghệ lưu động của
Liên khu 4 và Liên khu 3. Ông đi đến nhiều nơi: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng
Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên... Thời kỳ này, ông sáng tác những bài hát kích động
tinh thần yêu nước, chấp nhận những khó khăn, có bóng dáng của chiến tranh
nhưng không hận thù chém giết. Như ca khúc “Được
Mùa” âm điệu vui tươi, chứa chan tình cảm với lòng tin tưởng vào tương lai.
Trong khi những bản nhạc cùng thời sáng tác như “Ngày Mùa” của Văn Cao, “Gánh
Lúa” của Phạm Duy, hay “Dân Ca Lúa
Vàng” của Mặc Thy, thì lời ca tiếng nhạc có bóng dáng của chém giết chiến
tranh hơn.
Nhà văn Mai Thảo khi còn sinh tiền hay thường kể về những
ngày tháng đầy hào hứng của tuổi trẻ của những thanh niên lớp tuổi ông và Phạm
Đình Chương, vai đeo bạc đà tay bút tay đàn rộn rã với sinh hoạt văn nghệ thời
kỳ toàn dân chống giặc. Nhà văn Tạ Tỵ trong hồi ký viết về các văn nghệ sĩ mà
ông quen biết cũng nhắc đến quán cà phê của gia đình Ban Hợp Ca Thăng Long thuở
ấy. Vừa lưu diễn vừa sáng tác, tay đàn tay bút, từ đồng nội đến núi rừng, sinh
lực tuổi trẻ và tâm tình yêu nước đã thể hiện trong từng ca khúc của Phạm Đình
Chương.
Sau chính sách Cải cách Ruộng Đất và những ngày rèn
cán chỉnh quân, bộ mặt Cộng sản dần dần ló dạng, ông và gia đình trở về thành
và vào Sài Gòn sinh sống. Ở đây, ông cùng với anh ruột là nhạc sĩ Hoài Trung,
chị ruột là ca sĩ Thái Hằng, anh rể là nhạc sĩ Phạm Duy, em ruột là ca sĩ Thái
Thanh lập thành Ban Hợp ca Thăng Long. Đôi khi còn tăng cường ca sĩ Khánh Ngọc.
Ban hợp ca Thăng Long đã hoạt động liên tục trong một thời gian dài. Có khi
trình diễn ở Hà Nội thì đổi tên là Ban Hợp Ca Gió Nam với sự góp mặt của nhạc
sĩ Nam Tiến (tức Trần Văn Trạch) Kỷ niệm những ngày lưu diễn này nhạc sĩ Trần
Văn Trạch đã nhắc đến và tâm sự nhiều lần trước khi qua đời và coi như một kỷ
niệm đẹp trong đời ca hát của người nghệ sĩ lão thành này.
Những ngày ở miền Nam là những ngày sáng tác sung mãn của ông. “Ly rượu mừng” bài hát vui tươi tràn đầy mộng ước, là lời chúc rất nhân bản đã trở thành một bài hát mở đầu cho những buổi họp mặt của hầu hết mọi người dòng dã mấy chục năm về sau. Hay “Tiếng dân chài”, theo lời kể của tác giả là một sáng tác từ cảm hứng trên bờ sông Mã khi mục kích sinh hoạt của những người dân chài lưới.
Thời kỳ này Ban Hợp ca Thăng Long nổi tiếng đến nỗi
bìa của giai phẩm xuân “Đời Mới” của
nhà báo kiêm chính khách Trần Văn Ân có hình ban Thăng Long có hai cô Thái một
cô Khánh (Thái Thanh, Thái Hằng, Khánh Ngọc) phải in thêm để có đủ số lượng
bán.
Là linh hồn của Ban Thăng Long, những sáng tác của ông đã góp phần làm rạng rỡ những thành công vượt bực. Như Sáng Rừng, như Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng, như Tiếng Dân Chài, như Bài Ca Tuổi Trẻ, như Anh Đi Chiến Dịch, như Ly Rượu Mừng,… Những bài hát đã thật quen thuộc đến trở thành một phần đời sống của những người dân ở miền Nam Việt Nam.
Ban
hợp ca Thăng Long: hàng trên: Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Hoài Trung, hàng dưới:
Thái Hằng, Khánh Ngọc, Thái Thanh.
Từ
trái qua: Hoài Bắc (Phạm Đình Chương) – Thái Thanh – Hoài Trung (Phạm Đình
Viêm)
Những ngày ở miền Nam là những ngày sáng tác sung mãn của ông. “Ly rượu mừng” bài hát vui tươi tràn đầy mộng ước, là lời chúc rất nhân bản đã trở thành một bài hát mở đầu cho những buổi họp mặt của hầu hết mọi người dòng dã mấy chục năm về sau. Hay “Tiếng dân chài”, theo lời kể của tác giả là một sáng tác từ cảm hứng trên bờ sông Mã khi mục kích sinh hoạt của những người dân chài lưới.
Là linh hồn của Ban Thăng Long, những sáng tác của ông đã góp phần làm rạng rỡ những thành công vượt bực. Như Sáng Rừng, như Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng, như Tiếng Dân Chài, như Bài Ca Tuổi Trẻ, như Anh Đi Chiến Dịch, như Ly Rượu Mừng,… Những bài hát đã thật quen thuộc đến trở thành một phần đời sống của những người dân ở miền Nam Việt Nam.
Nhạc sĩ Vũ Thành đã có lần nhận xét rằng phổ thơ như
Phạm Đình Chương từ bài thơ “Tự Tình Dưới
Hoa” của Đinh Hùng thành “Mộng Dưới
Hoa” là việc hình thành một “tuyệt
tác đáng phục”. Nhạc sĩ khéo léo phổ toàn bộ bài thơ với một ngôn ngữ óng
mượt trữ tình và kỹ thuật chuyển âm tuyệt diệu. Nhất là, chất lãng mạn được giữ
nguyên nếu không nói là tăng thêm bội phần.
Một trường hợp khác, ông đã phổ thành công những bài
thơ của thi sĩ Thanh Tâm Tuyền. Nhiều nhạc sĩ nhận xét rằng phổ những bài thơ tự
do, âm điệu phóng túng, với nhiều vần trắc, như thơ Thanh Tâm Tuyền không phải
là việc dễ dàng. Thế mà, với Dạ Tâm Khúc,
với Bài Ngợi Ca Tình Yêu, với Đêm Mầu Hồng, cái ý thơ cảm được nhưng
khó diễn tả bằng lời đã được truyền cảm trọn vẹn. Thơ, đi gần tới hơn đối tượng
và bằng nhịp điệu lôi cuốn người nghe với nghệ thuật riêng của nhịp cầu âm điệu.
Không biết thành công này có phải bắt nguồn từ sự đồng cảm giữa thi sĩ và nhạc
sĩ qua mối thâm giao lâu đời chăng?
Biến cố tháng tư năm 1975 khiến ông phải làm nhân chứng
cho một cuộc đổi đời. Sống ở Saigòn những năm tháng nghẹt thở rồi sau cùng ông
và gia đình vượt biển năm 1979 rồi sang định cư ở xứ người. Đời sống thúc bách
của sinh kế không làm ông ngưng sáng tác.
Tâm sự một người lưu lạc chất ngất nỗi niềm khiến cho ông cảm thấy gần gũi với những vần thơ của thi sĩ Du Tử Lê. Những bài thơ như “Khi tôi chết hãy mang tôi ra biển”, “Đêm, nhớ trăng Sài gòn”, hay “Quê hương là người đó” được phổ nhạc trong sự chia sẻ ấy. Quê hương mới đây mà đã cách biệt ngàn trùng. Những không gian, thời gian đã xa mất hút nhưng sao còn gần gũi. Tâm sự chúng ta đôi khi khác nhau nhưng vẫn cùng mẫu số. Mẫu số của một thời đại lưu vong.
Có lẽ trong những nhà thơ, Du Tử Lê là người có duyên
với các nhạc sĩ nhất cũng như thi sĩ Đinh Hùng thời trước. Gần một trăm bài thơ
được phổ nhạc với rất nhiều ca khúc gần như “bất
tử” phải là một hiện tượng trong đời sống văn học Việt Nam.
Nhà văn Mai Thảo đã viết về người bạn tâm giao của
mình với dẫn chứng từ những tài năng âm nhạc khả tín:
Tâm sự một người lưu lạc chất ngất nỗi niềm khiến cho ông cảm thấy gần gũi với những vần thơ của thi sĩ Du Tử Lê. Những bài thơ như “Khi tôi chết hãy mang tôi ra biển”, “Đêm, nhớ trăng Sài gòn”, hay “Quê hương là người đó” được phổ nhạc trong sự chia sẻ ấy. Quê hương mới đây mà đã cách biệt ngàn trùng. Những không gian, thời gian đã xa mất hút nhưng sao còn gần gũi. Tâm sự chúng ta đôi khi khác nhau nhưng vẫn cùng mẫu số. Mẫu số của một thời đại lưu vong.
“…
Trên một tầm cao hơn, thuần túy nhạc lý và nhạc tính hơn, những điểm xuất sắc của
cõi nhạc, nét nhạc Phạm Đình Chương cũng được những kiến thức có thẩm quyền hết
lời khen ngợi. Như một nhận xét tổng quát của nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi. Là đường
nét của âm điệu (ligne melodique) cách thế hòa âm, tiết điệu và bố cục từ khúc,
mặt nào ở Phạm Đình Chương cũng cao sang, điêu luyện và thuần phục. Cao và sang
nhưng không khó không xa rất hợp rất gần với tâm hồn đại chúng. Như một phân
tích tóm gọn của nhạc sĩ Lê trọng Nguyễn.
Là
Phạm Đình Chương xử dụng ngũ cung tài giỏi, cấu trúc và kỹ thuật nhạc hiện đại,
tiền tiến nhưng vẫn giữ được âm điệu, yếu tính (essence) và tâm hồn Việt Nam…”
Riêng tôi, qua hơn sáu chục ca khúc cho một khoảng hơn
bốn mươi lăm năm sáng tác, tôi đã nhìn thấy rõ một vóc dáng nhạc sĩ lớn. Là người
ngợi ca tình yêu, với những ca khúc để đời : Mộng Dưới Hoa, Ngợi Ca Tình Yêu, Người Đi Qua Đời Tôi, Mầu Kỷ Niệm,...
Là người yêu quê hương, tin tưởng vào tương lai dân tộc, với Tiếng Dân Chài, với Được Mùa, với trường ca Hội
Trùng Dương,… Là người lưu lạc tha hương, nhớ về chốn cũ nhà xưa, với Mưa Saigòn, Mưa Hà Nội, với Đêm, Nhớ Trăng Saigòn, với Khi Tôi Chết Hãy Mang Tôi ra Biển,… Là
người nhạc sĩ yêu đời mang những bài ca tươi thắm với Sáng Rừng, với Trăng Rừng,
với Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng, … Tất cả,
thành một vóc dáng âm nhạc đa diện. Ở mặt nào, cũng là đặc sắc. Ở cõi nào, cũng
là khai phá bước chân. Mỗi mỗi, là những hiển lộng nghệ thuật, những dụng công
tinh vi. Âm nhạc và đời sống có những bổ túc để thành một nhất quán cho sáng
tác.
Dù nhạc sĩ đã qua đời vào năm 1991, nhưng tuổi thọ của
những ca khúc hầu như bất tử sẽ còn dài hơn rất nhiều 62 tuổi hưởng thọ. Đã có
những chương trình hát và tưởng niệm cố nhạc sĩ. Đã có những ca khúc được trình
bày như một cách thế cảm tạ những công trình mà có người gọi là những bông hoa
tô điểm cho đời.
Ngày trước, cụ Tiên Điền Nguyễn Du đã than thở rằng “bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ thùy
nhân khấp Tố Như.” Bây giờ, với những cõi nhạc như Phạm Đình Chương, có lẽ
đến vài thế kỷ sau vẫn còn đồng vọng những ca khúc như Hội Trùng Dương hay Mộng
Dưới Hoa chăng? Có thể lắm chứ sao không? Đã gần nửa thế kỷ rồi mà lời nhạc vẫn
xanh và bóng mát vẫn tỏa cùng trên quê hương mà âm điệu còn vang xa ra trên phần
đất mà con dân Việt nam sinh sống trên toàn thế giới !!!
Nguyễn Mạnh Trinh
http://phusaonline.free.fr/ButViet/NMTrinh/227_Pham-dinh-Chuong.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét