Giáo sư Huy Phương Lê Nghiêm Kính là thầy dạy văn của
tôi những năm đệ thất đệ lục tại trường trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị. Thầy
dạy chỉ một thời gian ngắn ngủi, hơn nữa tôi còn quá nhỏ nên cũng không có nhiều
kỷ niệm về thầy. Bởi năm học kế tiếp 1960 - thầy không đến trường dạy kim văn cổ
văn cho chúng tôi nữa. Nghe nói thầy đã xếp bút nghiên theo việc đao cung. Thầy
gia nhập khóa sĩ quan trừ bị Thủ Đức để tư an cư nguy. Thước gươm đã quyết chẳng dung giặc trời. Thầy không dùng gươm mà
dùng ngòi bút sắc bén để nói lên chính nghĩa quốc gia, để vạch trần sự bạo tàn
phi nhân của quân giặc để động viên ý chí chiến đấu của toàn quân toàn dân, mục
tiêu là bảo vệ tổ quốc, xây dựng nền tự do dân chủ cho đất nước.
Hầu như tôi đã quên thầy từ đó. Tuổi tôi lớn dần lên
phần lo học hành thi cử, phần tuổi trẻ ham vui với bạn bè và với những tình yêu
thơ dại nên tình cảm thầy trò chỉ còn trong ký ức mơ hồ phai nhạt.
Phải đến hơn 10 năm sau khi tôi đã trưởng thành, đã
gia nhập quân đội tôi mới biết chút ít về thầy. Tôi đọc những bài bút ký chiến
trường ký tên Huy Phương và cũng biết thầy và tôi cùng chiến đấu chung một chiến
tuyến, cùng một lý tưởng tự do. Thầy viết báo Chiến Sĩ Cộng Hòa, báo Tiền Tuyến.
Thầy ca ngợi những chiến sĩ anh dũng trên những mặt trận dầu sôi lửa bỏng như
Dakto, Chưpao, Pleimerong, trong đó có sự tham dự của phi đoàn 118 Bắc Đẩu của
tôi. Nhưng chúng tôi vẫn chưa gặp nhau vì xa quá, đơn vị thầy ở Sài Gòn còn tôi
đóng quân tận cao nguyên Pleiku mưa bùn nắng bụi, lửa đạn ngập trời.
Rồi cũng có ngày thầy trò gặp lại nhau. Nhưng lại gặp
nhau trong một hoàn cảnh cười ra nước mắt. Chúng tôi gặp nhau tại trại tù Sơn
La. Sơn La là một tỉnh biên giới ở miền cực tây bắc nước Việt. Trại tù lại nằm
giữa một thung lũng bốn bên là những dãy núi cao ngất trời. Mùa hè chín giờ
sáng mặt trời mới mọc mà bốn giờ chiều mặt trời đã lặn, để lại những lớp sương
mù dày đặc. Mùa đông thì khỏi nói, chúng tôi như ngồi trong lòng chảo suốt ngày
với mây đen che kín ngang đầu. Đói và lạnh cắt da đã làm chúng tôi vô cùng khủng
hoảng. Nhiều người không chịu nổi đã chết oan khiên tức tưởi!
Dù mưa dù nắng, chúng tôi phải ra ngoài lao động. Phần
lớn là chặt cây đẵn gỗ, tre nứa làm nhà, hoặc cuốc đất trồng ngô khoai. Buổi
chiều hôm đó tôi vừa vác một bó nứa từ trong rừng đi ra bờ suối nghỉ chân thì
trông thấy thầy đang làm trâu ngựa kéo một chiếc xe cải tiến chở đầy phân Bắc
ra ruộng. Không phải phân trâu bò hay heo mà là một loại phân người rất quý.
Mùi hôi xông lên nồng nặc nên không ai muốn lại gần nhưng tôi chợt thấy thầy
nên mạnh dạn bước tới. Gương mặt thầy tôi không thể nào quên được tuy đã đổi
khác khá nhiều. Nước da thầy đen sạm, ốm nhom, lưng hơi còng với chiếc áo lính
vá ngàn chỗ và chiếc quần đùi trơ ra hai ống chân khẳng khiu. Thầy của tôi đó.
Tôi bước tới chào thầy. Thầy ngạc nhiên dương cặp mắt ngẩn ngơ nhìn tôi không
nói. Chắc thầy đã quên. Mười mấy năm rồi còn gì! Tôi hỏi - thưa thầy, thầy có
nhớ em không? Dĩ nhiên thầy không nhớ, vì hồi đó tôi chỉ là một thằng con nít
11, 12 tuổi nhà quê chân đất chưa biểu lộ một chút cá tánh gì đặc sắc. Hơn nữa,
thời gian đã thay đổi nhiều và cũng bởi tôi mặt mày lem luốc, quần áo xác xơ
như một thằng ăn mày làm sao thầy nhận ra. Cuối cùng thầy trò cũng nhận ra nhau
sau một hồi nhắc nhở.
Chắc thầy cũng như tôi xúc động nhiều trong phút giây
gặp mặt ngỡ ngàng không hẹn ước này nên sau đó tôi đã trở thành nhân vật chính
trong bài thơ “Dạ thưa thầy, thầy có nhớ
em không?” của thầy.
Gặp
vận nước buổi rã rời tan nát
Thân tù đày nơi nước độc rừng sâu
Bó nứa nặng trên đường qua suối cạn
Dạ thưa thầy, thầy có nhớ em không?
Thì ra chúng tôi cùng một trại tù nhưng khác đội. Tôi
làm ở đội cày còn thầy ở đội rau xanh. Rau bón với phân người tươi xanh nhưng
cũng chỉ dành riêng cho cán bộ, cũng như tôi làm ra lúa gạo nhưng chỉ được ăn
khoai sắn thay cơm. Vậy cũng là nhân đạo lắm rồi, theo lời lý giải của bọn cán
bộ!
Những chiều chủ nhật tôi và thầy cùng Phan Bá Phúc
(cũng học sinh Nguyễn Hoàng) luộc hột mít đem ra gốc cây sát bờ rào ngồi ăn. Hột
mít chúng tôi xin những bạn tù có thân nhân thăm viếng mang vào. Câu chuyện tẻ
nhạt vì thầy hơi yếm thế bi quan. Thằng Phúc thì nghe tin vợ bỏ nên cũng buồn
thiu ít nói. Chỉ còn có tôi, dù buồn, nhưng cũng khuyến khích hai người rán sống
rồi một ngày cũng có cơ hội trở về. Nói thì nói vậy nhưng tôi cũng không tin họ
sẽ tha mình. Họ thâm độc tận cùng ! Bắt chúng tôi làm việc khổ sai mỗi ngày 12
tiếng, ăn khoai sắn khô nhưng cũng chỉ để kéo dài sự sống cho đến khi chết vì
kiệt sức. Chỉ có điều, tôi chưa vợ con nên cũng nhẹ gánh lạc quan hơn. Ba thầy
trò chia nhau từng mẩu khoai, từng cọng rau ngọn cỏ kiếm được. Coi như giúp
nhau một hơi thở để sống còn.
Tháng 6 năm 1981 Phúc và thầy Kính được chuyển vào Nam
còn lại tôi chơi vơi một mình. lúc này tôi tự coi mình như đã hết đường về,
không còn lo lắng gì nữa. Bởi tôi đã hết niềm tin. Về hay không chẳng còn gì để
nói. Thế nhưng, bất ngờ năm 1983 họ đã thả tôi về.
Tôi gặp lại thầy năm 1992 tại California khi đi dự đám
cưới con gái thầy. Lúc này thầy đã lại hồn, tươi trẻ, yêu đời hơn. Tình cảm thầy
trò lại càng thắm thiết. Chúng tôi hay lại thăm nhau cuối tuần vì ngày thường
chúng tôi đều bận bịu công việc. Cuộc sống ở đây gần như cái máy chạy quần quật
suốt ngày đêm, để có tiện nghi sinh hoạt và chuẩn bị tương lai cho con cái.
Tôi càng mừng vì thầy đã có đủ năng lực trí tuệ để viết
sách viết báo. Thầy viết rất năng nổ, rất tinh tế sâu sắc. Những câu chuyện xoắn
sâu vào mặt trái xã hội được rất đông người đọc ưu thích. Tác phẩm nào thầy
cũng tự tay đem đến tặng tôi, thầy biết tôi bận đủ thứ chuyện. Đi làm full time
đi học full time thì không còn thì giờ đâu nữa. Nhưng tánh thầy hơi hờn mát,
hơi lâu không đến hoặc gọi thăm thầy là thầy trách móc vì thương thằng học trò
có nghĩa có tình.
Viết những dòng kỷ niệm này là lúc thầy gần kề sân ga
cuối đời. Nhớ quá phải không thầy. Dù sao thì chúng ta cũng đi qua bao nẻo
chông gai của đường đời. Thầy hãnh diện đã để lại cho đời những đứa con yêu
quý, những tác phẩm còn mãi mai sau và tình cảm không bao giờ phai nhạt của
tình thầy trò chúng ta. Mong thầy bình yên.
Bây giờ, thầy đã trở về với cát bụi để lại bao tiếc
thương nơi những người thân yêu. Nguyện cầu hương linh thầy sớm tìm nơi an lạc.
Nguyễn Đức
Cựu học sinh Nguyễn Hoàng Quảng Trị
Cựu phi công phi đoàn Bắc Đẩu 118
Thân tù đày nơi nước độc rừng sâu
Bó nứa nặng trên đường qua suối cạn
Dạ thưa thầy, thầy có nhớ em không?
Cựu học sinh Nguyễn Hoàng Quảng Trị
Cựu phi công phi đoàn Bắc Đẩu 118
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét