Tranh
cắt của họa sĩ Phú Thảo (SàiGòn)
Mỗi khi tôi, gãi đầu gãi tai, thử đề cập đến vụ đám cưới của tôi với con gái ông ấy (cũng phải nói thêm rằng tôi đã dư cái tuổi để bàn về chuyện này) thì y chang, chục lần như một, ông ta hỏi vặn lại tôi :
- Đồ vô dụng ! Trước khi nghĩ đến việc cưới hỏi thì cũng phải để nó lơn lớn một tý nữa chớ !
Chuyện "để nó lơn lớn" ám chỉ Ái Xuân, cô vợ tương lai của tôi.
Mặt khác, trong hợp đồng, thật là sơ hở lớn của tôi, sau khi ký xong tôi mới nhận ra được điều này thì đã qúa trễ. Lẽ ra phải ghi thật rõ rệt thời hạn trong tờ hợp đồng, để ấn định rằng tôi sẽ được lấy con gái ông ấy sau ba năm lao động thì đàng này lại chỉ ghi rằng tôi sẽ được lấy con gái ông ấy lúc nào cô ta lớn.
- Thanh này, trông thấy mày lao động vất vả, điều này chứng tỏ rằng mày có rất nhiều thiện chí, thôi bây giờ tao lo liệu việc cưới hỏi cho mày.
Nếu như ông giúp cho chúng tôi thành đôi, thành lứa thì thật tốt đẹp biết bao nhiêu ! Nhưng ngược lại, ông ta lại sợ tôi đề cập việc này nên mỗi khi tôi vừa mở miệng là ngay lập tức ông làm đủ mọi thứ để có thể tránh né vấn đề. Tôi cũng đâu phải là một thằng ngu đến nỗi không biết như vậy tuy nhiên sự kiện cũng kỳ cục đối với tôi. Ngây thơ như tôi, tôi đành phải tự bằng lòng chờ đợi khi nào Ái Xuân lớn lên theo như lời ông nói.
- Đồ chó chết! sao bé con này lại như vậy được nhỉ ! thiệt là đồ chó chết !.
Ngay với tất cả mọi thiện ý mà tôi có thì thực ra, Ái Xuân cũng chưa cao được tới nách tôi (cũng phải thưa rằng tôi hơi cao lớn hơn những người đồng lứa với tôi một chút!).
Cũng rất có thể vì Ái Xuân thường ngày phải đội cái chĩnh nước nặng ở trên đầu nên đã làm cho cô ả bị chùn người lại. Nghĩ thế nên tôi đã kín đáo, thay thế cô ta, đi lấy nước từ giếng về đổ vào mấy cái vại để ở hè sau bếp. Còn nữa, cứ mỗi lần đi mót củi, tôi lại lấy một viên sỏi để trước bàn thờ nơi am thờ thần núi rồi lầm rầm khấn : "Tôi hết tâm khấn nguyện xin thần linh làm cách nào cho Ái Xuân mau lớn, lần sau tôi sẽ mang bánh nếp đến cúng tạ ơn !".
Và nếu tôi có kiếm chuyện với cái ông bố vợ tương lai của tôi thì cũng không phải là tôi ghét ông ta mà chỉ vì tôi không nhìn thấy được sự tiến triển trong chuyện hôn nhân của tôi mà thôi.
Này nhé, một lần nọ, sau khi đã cấy lúa xong, bất thần tôi tự nhủ: Mình tiếp tục làm cái việc này để làm cái quái gì nhỉ ? Nếu như lúa mọc lên rồi chín để cho Ái Xuân ăn mà lớn lên được thì đồng ý, tôi chấp nhận cấy . Nhưng nếu kết qủa không phải như thế thì tội vạ gì mà tôi phải còng xương sống ra mà cấy lúa nhỉ ? Tôi không muốn lao động vinh quang để cung cấp cho cái bao tử của ông già vợ tương lai được... Cái bụng của ông ta thì cứ mỗi năm mỗi phềnh ra đằng trước hơn một tý, ông ấy bảo là vì ông ấy bị vấn đề tiêu hóa gì gì đó.
- Đau quá, đau quá, đau quá!
Tôi hất chiếc nia đầy thóc đang bưng trên tay, nhào lăn dưới đất. Tôi hiểu rằng việc làm chẳng bao giờ đợi mình nhưng tôi đau bụng qúa, tôi đâu có muốn đau như thế ! Đau là đau mà! đau bụng thì làm sao lao động được chứ, có đúng vậy không ? Tôi vừa bắt những con đỉa đang bám dưới đùi vừa ngẩng đầu nhìn ông bố vợ.
Đứng giữa cánh đồng, ông ta có vẻ khinh bỉ nhìn tôi :
- Quân ăn hại, lại kiếm chuyện gì nữa hả ?.
- Tôi đang bị đau bụng !.
- Đồ ăn hại! Mày không muốn làm việc hả ? Mày muốn kiếm chuyện gì nữa đây ? Mày muốn cho tao sạt nghiệp hay sao chớ ? Tao sẽ đập nát vỡ mặt mày cho mày biết tay !.
Đã có lần, mới đây thôi, ông ấy tát tôi một cái mà không suy nghĩ đến hậu quả. Ngay sau đó thì ông tự cảm thấy là tồi. Tôi trông thấy ông ấy nuốt nước bọt, vẻ cực kỳ lúng túng. Tôi thì tôi hiểu điều gì đang xảy ra trong đầu ông ấy. Mai mốt đây phải chặt sậy, cấy lúa, tất cả những công việc đồng áng trước mắt chúng tôi. Phần tôi, tôi có thể ngả nón, chào ông ấy rồi cắp đít đi về nhà tôi để ông ấy tự mình lo liệu.
Chỉ vừa năm ngoái thôi, cũng gần vào khoảng tháng này, tôi đã chơi ông ấy một cú khi ông ta liệng một hòn đá trúng nhằm mắt cá chân của tôi và hình như là tôi đã bị trật xương thế là tôi nằm thẳng trên giường ba, bốn ngày giả vờ đau đớn. Cuối cùng thì chính ông ta phải đến năn nỉ tôi - gần như nước mắt lưng tròng:
- Thôi, dậy đi Thanh, thử làm lụng một chút. Năm nay mình phải làm thế nào được trúng mùa để còn làm đám cưới cho hai đứa mày chứ !
Khi nghe ông ấy nói làm đám cưới là tôi ngồi dậy ngay, bắt tay trở lại vào công việc và chỉ một ngày tôi đã làm còn hơn người khác làm trong hai ngày. Nhưng hết mùa hè lại sang mùa đông, ông ta không giữ lời để tổ chức đám cưới cho chúng tôi dù rằng biết bao nhiêu bao lúa đã được đem cất vào kho. Tất cả những gì ông ta làm là chỉ bằng chiếc tẩu hút thuốc của ông ấy vào Ái Xuân khi cô ta đội nước đi ngang chúng tôi mà bảo tôi rằng :
- Đấy ! mày nhìn xem, đồ ăn hại, nó còn bé xíu, như vậy mà mày đòi làm đám cưới được hả ?
Tôi đỏ mặt vì xấu hổ và nổi giận muốn "tặng" ông ấy một cái tát tai rồi bỏ về làng tôi cho xong chuyện... nhưng tôi cố nhịn vì nghĩ tới việc trở về làng như thế bà con trong làng sẽ bàn ra tán vào : Tưởng đâu thằng Thanh đi ở rể khi về sẽ được vợ... nào ngờ... công lao đổ sông đổ biển...
Thế rồi, tôi lại gần ông ấy và lên tiếng :
- Tôi đi, trả tiền công cho tôi từ ngày tôi tới đây đến bữa nay...
- Mày tới đây để lấy vợ, theo như tao biết, chứ có phải tới đây làm công đâu hở ?
- Nếu thế thì phải tổ chức đám cưới đi. Ông bắt tôi làm việc quần quật cả ngày lẫn đêm nhưng có bao giờ ông nói đến chuyện cưới hỏi bao giờ đâu, vậy thì...
- Đâu phải là tao không muốn , mày cứ thử nhìn xem đã, nó có chịu lớn đâu nào...
Bao giờ ông ấy cũng chỉ lập đi lập lại cái "bài ca con cá sống vì nước"... và thong thả nhồi thuốc vào chiếc tẩu đôi mắt hấp háy ngó về phía rặng tre. Cứ mỗi lần tôi đề cập chuyện cưới hỏi là y như rằng tôi bị hố nhưng lần đó, tôi nằm lấy tay áo ông ấy mà bảo rằng tôi sẽ lôi ông ta đi gập chủ tịch ủy ban nhân dân xã để phân xử.
- Mày làm gì mà lôi kéo tao như vậy ?
Ông ta hét lên và nhất quyết không chịu nhúc nhích nhưng nếu nói đến sức lực thì nhất định là ông không thể bì được với tôi. Ông đã cư xử chẳng ra gì với tôi, bắt tôi làm việc như trâu trong lúc đó thì vẫn giữ khư khư con gái của ông ấy, đã vậy mà ông ta còn nạt nộ tôi nữa chứ !
- Tiến, tiến...!
Khi mà tôi đánh trâu như vậy, theo thói quen, tôi cảm thấy đầy sức lực và làm tôi phấn khởi với việc làm nhưng cái bữa đó, không như vậy... Chưa được hết nửa cánh đồng là tôi đã thấy nặng nhọc, mệ lả. Tuy thế tôi vẫn tiếp tục đánh trâu bước.
- Đi! Anh! Đồ bẩn thỉu, đĩ thoã ! (bởi lẽ nó là con trâu của bố vợ tôi mà), mày sẽ biết tay tao, tao bảo mày đi thẳng mà...
Nếu tôi bực bội, không phải vì Anh, con trâu, mà vì kích thước của Ái Xuân - tôi nhìn thấy hồi nãy khi nàng đi qua trước mặt tôi sau bữa ăn.
Ái Xuân thực ra không phải là một cô gái đẹp tuy vậy cũng không phải là xấu xí. Nói tổng quát thì nàng ta vừa đúng để trở thành vợ tôi, dáng dấp hơi nặng nề một chút. Kém tôi 10 tuổi, tính như thế là năm nay Ái Xuân được 16 nhưng về vóc dáng thì lại như mới chỉ 14. Những cô gái khác thì cứ lớn theo tuổi nhưng Ái Xuân thì cứ ngắn ngủn hệt như một quả dưa vàng... theo lời người ta thường bảo thứ dưa vàng thì ngọt nhất mà cũng lại đẹp nhất trong các loại dưa. Tôi rất thích cặp mắt to tròn của Ái Xuân, cặp mắt linh động và dễ thương cho dù là hơi to một chút. Ái Xuân có một cái miệng hơi rộng nhưng với đôi môi dầy biểu lộ ra rằng suốt đời cô ấy không sợ bị đói. Còn ao ước gì hơn khi được ăn uống đầy đủ nhỉ ? Thực là một phép lành trời ban cho ! Ái Xuân chỉ có một khuyết điểm: đôi khi bị khích động (ông bố vợ tôi bảo là cô ấy sống động). Một ví dụ, trong bữa ăn mà Ái Xuân mang ra đồng cho tôi, đôi lúc thức ăn đổ nháo nhào đến nỗi cô ta cho tôi ăn cơm trộn đất nhưng nếu tôi không nuốt thì cô ta tỏ vẻ băn khoăn suy nghĩ nên vì vậy tôi nuốt vội nuốt vàng đến nỗi cũng không biết là tôi nuốt cơm hay nuốt sỏi nữa.
Có một lần, lạ lùng, Ái Xuân cẩn thận đặt giỏ thức ăn dưới đất, sau đó, vì hai người không thể ngồi đối diện nhau, cô ta nhích xa ra một chút và ngồi xổm, lưng quay lại, đợi tôi xong bữa ăn. Lúc tôi vừa ăn xong, Ái Xuân nhích về phía tôi, thu nhặt chén bát, tôi cũng không biết là cô ta lẩm bẩm một mình hay nói với tôi mà chỉ nghe :
- Làm việc cả ngày cả đêm quan trọng lắm chứ !
Tôi há hốc mồm kinh ngạc. Cô ấy nói với tôi như thế là có ý gì ? trong lúc, cho đến giờ phút đó, tất cả đều theo đúng quy luật đã được ông bố vợ tương lai của tôi đặt ra : cấm không được nói chuyện với nhau. Điều này chứng tỏ là công việc của chúng tôi sắp được giải quyết thoả đáng, thế là tôi chụp cơ hội, làm như tình cờ :
- Như vậy thì mình phải làm sao nhỉ ?
Mặt Ái Xuân đỏ lên như một quả cà chua chín, quăng vào mặt tôi một câu :
- Thì cứ bảo làm đám cưới cho mình là xong.
Dứt lời, Ái Xuân đứng dạy chạy như bay.
Bất động, một hồi lâu sau, tôi tự nhủ rằng chẳng biết mình có hiểu hết câu cô ta nói hay không, mà chỉ biết nhìn theo dáng Ái Xuân càng lúc càng xa.
Sau khi nhìn hai chúng tôi, ông có vẻ hiểu được lý do :
- Chuyện gì đã xảy ra ? Bữa nay hai người không làm đồng áng gì sao ?
Tôi chen lên trước ông bố vợ tôi, đang sắp sửa trả lời :
- Tại vì, thưa ông chủ tịch, tôi và ông bố vợ tôi... không, "thân phụ tôi" đây và tôi...
Tôi sửa lại vì lẽ ông bố vợ tôi không thích tôi gọi ông ấy là "bố vợ " mà nhất là trước công chúng, mỗi lần như thế ông ấy làm mặt trận mặt thượng hết mấy ngày. Ông ấy bảo là ngay cả một con rắn, ông ấy cũng không thích người ta gọi là con "rắn", nên hai chữ "bố vợ" cũng như thế, rồi ông dạy tôi phải gọi là "thân phụ tôi" cho có vẻ cung cách con nhà đại gia, tuy thế chẳng bao giờ tôi nhớ được. Lần này, tôi nhớ vì lẽ chính lúc đó, ông bố vợ tôi đã vừa dẫm chân tôi một phát như để nhắc nhở vừa liếc tôi bằng cặp mắt bén như dao mới mài xong.
- Ba ơi! nó đã muốn thế tại sao mày lại không cho chúng nó lấy nhau cho rồi đi ?
Bố vợ tôi, trợn tròn mắt, lớn tiếng đáp :
- Thì cũng phải chờ cho con bé nó lơn lớn một tý chớ !.
Chủ tịch xã có vẻ bối rối, chẳng biết trả lời thế nào nữa, chỉ còn lấp lửng :
- Trong trường hợp như vậy, thực như thế thì...
- Nhưng mà bốn năm qua, cô ấy cũng đã lớn, nếu vậy thì bao giờ cô ấy lớn ? Như thế là quá lắm rồi, tôi muốn ông trả tiền công lao làm lụng của tôi ngay bây giờ...
- Lý do gì mà mày trách móc tao chứ đồ vô dụng này ? Có phải là chính tao bảo nó đừng lớn không ? Tao làm gì được lúc nó không muốn lớn chớ ?.
- Bà "thân mẫu" tôi, vợ của chính ông, bà ấy bé như một con chim sẻ (thực như vậy, bà ta còn bé hơn cả Ái Xuân nữa đó), bà ấy còn biết đẻ đái nữa, có đúng thế không ?.
Nghe vậy, bố vợ tôi phá lên cười, nhưng ngay sau đó, khuôn mặt ông thay đổi hệt như ông ta vừa nhai trúng phải một cục sỏi khi đang ăn cơm. Vừa giả bộ như đang hỉ mũi ông ấy vừa thúc một cùi chỏ vào bẹ sườn tôi để trả thù.
Cảnh tượng lúc đó thật là buồn cười.
- Mày có lý, tao hoàn toàn thông cảm với mày vì mày muốn có được một thằng con trai, vì cũng đúng vào tuổi cần phải có, nhưng nếu mà mày không tiếp tục làm trong lúc công việc đồng áng đang cần, hay mày bỏ về nhà mày, rất có thể mày sẽ phải đi học tập vì mày đã làm lỗi... vào thời buổi này người ta có thể bắt nhốt mà chẳng cần phải có lý do chính đáng... Hơn nữa theo luật lệ hôn nhân do nhà nước quy định thì mày phải đợi đến lúc con bé đó được đúng mười tám tuổi. Đừng nghĩ ngợi gì về thằng con tương lai của mày nữa mày sẽ có sau này. Phần Ái Xuân, bây giờ nó mới chỉ được có 16 tuổi hơn nữa bố vợ mày vừa nói với tao là sẽ cho chúng mày lấy nhau vào mùa thu năm nay, dầu thế nào chăng nữa ông ta cũng là người tốt bụng. Thôi về làm việc đi . Bất quá cũng chỉ còn hai năm nữa thôi .!
Với lời hứa hẹn này mà tôi đã lại tiếp tục lao động vinh quang cho đến sáng hôm nay.
Lỗi của tôi là đã tới chơi với thằng Mông chiều hôm qua. Thằng Mông biết chuyện tôi và bố vợ tôi dẫn nhau đến gặp chủ tịch xã, nên khi vừa nhìn thấy mặt tôi là nó chế nhạo ngay :
- Ông ấy chơi mày đó, thế mà mày để cho ông ấy chơi mày được hở ? Mày lé kim tao tưởng mày khôn hoá ra ....
- Tao làm cách nào khác chớ ?.
- Đồ ngu, phải quất cho thằng chả nằm liệt dưới đất chớ - lôi thằng chả ra ruộng trấn nước một hơi cho thằng chả biết tay !.
Thằng Mông đã nổi nóng thay tôi, nó nóng đến độ làm bể luôn cây đèn dầu nhà nó, nó lải nhải nói tiếp :
- Mày cứ tiếp tục lao động như trâu như vậy được à ? Thằng Dũng thì chỉ một năm sau là nó đã được vợ, còn mày, bốn năm rồi chớ bộ .! Mày nghĩ là mày sẽ là thằng rể thứ ba của thằng chả hay sao ? đừng có mơ con ơi! Tao biết là không phải chuyện của tao nhưng cũng làm tao nổi cơn điên được mày biết không hở đồ ngốc, chẳng thà mày ra giếng đâm đầu xuống chết đi còn hơn Thanh ơi !. Thằng Mông còn bảo tôi (như dạy con nó vậy): hãy cầm dao mà tự cứa cổ đi con ạ!.
Nó nói nhiều điều mà tôi không tiện kể ra đây. Tôi chỉ tóm tắt lại để mọi người biết rõ hơn vì sao lại dẫn đến câu chuyện choảng nhau giữa tôi và ông bố vợ tôi.
Bố vợ tôi có 3 người con gái? Cách đây hai năm cô đầu lòng lấy chồng. Cô ấy không về nhà chồng, chuyện bình thường là như vậy ở đây, mà ngược lại chàng rể lại về nhà cô dâu đóng vai con trai. Ông già vợ tôi, chẳng thiếu gì ứng viên làm rể tương lai theo như lời người làng đồn đãi : từ ngày con gái ông ấy mới được 10 tuổi cho đến khi cô ta được 19 tuổi, nghiã là suốt gần 10 năm, mười lần thay đổi " rể " - mười lần không phải là chuyện thường đâu nhé ! - Vì ông ta chỉ có toàn là con gái nên mỗi khi ông nhận một anh chàng nào đó vào cương vị "rể" ông ta phải "tận tụy khai thác" - khai thác triệt để, khai thác nhanh, khai thác mạnh, khai thác vững chắc, cho tới khi cô gái kế có thể thu hút được một chàng khác đến thay vai. Ông bố vợ tôi dư sức thuê một người làm công nhưng trong trường hợp này ông sẽ phải trả tiền, vả lại theo luật lao động thì không có chuyện "người bóc lột người" được. Hơn nữa ông lại muốn có một "ứng viên rể" không biết nề hà công tác lao động mà ông ủy thác, nên ông đã thay đổi hết anh này đến anh khác cho tới khi tìm ra được một chàng đúng ý ông. Những ứng viên hụt, khi bị tống ra khỏi nhà ông, chỉ còn biết tức giận ra đi tay không chẳng một chút tiền bạc gì. Ái Xuân là cô thứ hai, và tôi là ứng viên thứ ba. Ông bố vợ tôi đáng lẽ ra cũng đã tìm người thay tôi nhưng vì lẽ là tôi chẳng nề hà công việc gì mà cũng chẳng hó hé gì nên ông ta không muốn thay thế tôi. Cô con gái thứ ba chỉ mới được sáu tuổi nên ông ta không thể hứa hẹn với ai được, ông ta phải khai thác triệt để chàng rể tương lai thứ hai cho tới lúc con gái thứ ba có khả năng lôi cuốn được một ứng viên.
- Tại sao phải đến tận nhà chủ tịch mà cũng chẳng được cái gì ?
Chính Ái Xuân cũng đã nói với tôi điều này bữa hôm qua hay hôm kia gì đó lúc ở đám ruộng trên cao kia. Thực vậy, lẽ ra tôi phải cứng rắn hơn, tôi thật là dở. Quay mặt về bức tường, làm như tự nói với mình, tôi đáp lại :
- Nhưng ông ấy nhất định từ chối, biết làm thế nào ?
- Ít nhất anh cũng phải nắm râu ông ấy chớ. Anh đã để cho ông ấy muốn làm gì thì làm, anh dở ẹt à !
Ái Xuân bĩu môi vẻ giận hờn, rồi, mặt đỏ như qủa cà chua chín, bực bội quay đi. May thay, không có ai để chứng kiến bản mặt tôi khi đó : hẳn là tôi giống hệt như một con chim sếu nhỏ vừa bị lạc mẹ.
Trong đời tôi, chưa bao giờ tôi lại buồn đến như thế. Người nào khác, họ có thể chê bai tôi, nói xấu tôi cái gì cũng được, thây kệ họ... nhưng cô vợ tương lai của tôi chê tôi "dở ẹt" là không thể được với thằng Đinh Thanh này rồi. Nếu như cô ta thấy tôi ngu xuẩn, tôi thấy tôi chẳng còn lẽ sống trên đời này nữa.
Sau bữa ăn nhạt nhẽo, khi sắp sửa ra đồng làm việc, tôi thay đổi ý kiến.
Đặt chiếc giỏ đeo lưng xuống đất, tôi nằm dài người trên nền đất giữa sân, tự nhủ : Thà chết đi còn hơn là cứ tiếp tục cái cuộc sống chó má này Đinh Thanh ơi .!
Tôi mà không làm thì bố vợ tôi cũng không thể làm được một mình. Đúng ngay lúc đó, ổng từ trong nhà đi ra, tay chắp sau đít, ợ lên một tiếng to rồi quát tháo :
- Mày lại giở trò gì nữa đây, đồ ăn hại ?
- Tôi đau bụng... đau lắm...!
- Cái gì ? Mày ăn cho lắm... phải không ? Nếu mày làm trái với người khác là mày đi tù con ạ, mày biết không ? Mày cứ chống mắt lên mà xem Thanh ơi !...
- Tôi bất cần. Tôi đau bụng !
Tôi nghĩ, điều quan trọng không phải là việc đi tù, đi cải tạo học tập hay không mà là đến lúc nào thì tôi có được một thằng con trai, tôi sẽ còn phải tiếp tục chịu đựng sự đối xử tệ bạc của ông ấy cho đến bao giờ .? Vì thế, phải giải quyết dứt khoát ngay, giải quyết một lần cho xong.
Bố vợ tôi nhìn thấy sau khi ông đã nạt nộ tôi không ngồi dậy. Mắt ông đổ lửa, tìm một cây gậy, thọc ngay dưới bụng tôi để bẩy tôi lên. Bụng tôi khi đó còn đầy vì mới vừa ăn xong nên thật là đau, tuy thế tôi vẫn ráng giữ không cựa quậy gì. Thế là, bố vợ tôi bắt đầu giơ gậy đập . Sức đập của ông cũng mạnh nhưng tôi, tôi vẫn chịu đựng, nhắm mặt, chẳng phản ứng gì mà ngược lại còn làm ra vẻ thích thú nữa, cho đến lúc chiếc gậy rơi xuống bẹ sườn tôi đau điếng, thế là không còn chịu được nữa, tôi nhổm dạy, túm râu ông ấy. Chẳng phải là tôi giận dữ đâu mà chỉ vì Ái Xuân, tôi biết, lúc này từ trong nhà bếp, đang theo dõi chúng tôi qua kẽ vách.
Đến đây thì bố vợ tôi tức giận đến cùng cực, với chiếc gậy cứ thế ông phang trên vai tôi. Đau quá sức, tôi, cố ngẩng cao đầu, rồi nổi cơn điên... Cái ông bố vợ đểu giả này, lần này quá đáng rồi, thế là tôi đẩy ông ta lên bờ dốc cao rồi hất ông ấy xuống. Bố vợ tôi bò lên, tôi lại đạp xuống, cứ thế liên tục ba bốn lần.
- Lý do gì mà ông bắt tôi làm như trâu mà lại không cho tôi cưới hỏi gì ? Tôi thét lên. Nếu như ông trả lời tôi là ông sẽ cho lấy nhau vào ngày mai thì tôi đã ngưng lại liền. Như vậy, tôi đâu có đánh đập gì ông ấy đâu để sau này người ta có thể trách móc tôi. Nhưng ngược lại, sau khi đã bò lên được bờ đê, ông ta lại túm lấy đúng ngay cửa quần tôi. Ái, ái! Đau quá chừng! Tôi có cảm tưởng là trời đất quay cuồng quanh tôi.
- Ba ơi! Ba ơi! Ba ơi!
- Đồ khốn nạn, mày muốn giết tao hả ?
- Ái! ái! ông nội ơi, bỏ tôi ra, xin bỏ tôi ra!
Tôi giơ tay lên trời quơ quơ, người đẫm mồ hôi, tôi đã tưởng rằng tôi sắp chết. Ông ấy vẫn không chịu bỏ ra, tôi như một chiếc rẻ rách lê dưới đất, nửa tỉnh nửa mê. À, thực là quân khốn kiếp! khốn kiếp! Bố vợ tôi mà lại làm như thế sao ? Tôi chẳng tài nào đứng lên được nữa. Tôi không nhìn thấy gì nữa, đôi chân tôi mềm nhũn ra như bông gòn. Chẳng biết sức lực nào đã đưa tôi lại gần ông ấy và, đến lượt tôi, tôi túm đúng ngay được đũng quần của ông.
Tôi đã túm chặt, xiết chặt cửa quần (hiển nhiên là tôi đang xiết ở cơ quan chỉ đạo trung ương của ông ấy) ông mạnh đến nỗi...
- Ái, ái! đồ lưu manh! Mày có bỏ ra không ? bỏ ra! bỏ ra ! Ông rú lên như một con gà trống bị diều hâu tha đi.
Phải nhìn cảnh ông ấy giơ tay quậy không khí mới thấy thú vị. Sao tôi lại bỏ ra được nhỉ ? Tôi đã khởi sự thì cũng phải kết thúc đến cùng. Đến lượt tôi chơi ông ấy mà. Tuy thế, lúc ông ấy nằm quay dưới đầt tôi cũng sợ.
- Ông nội ơi! bỏ ra! bỏ ra!. Bố vợ tương lai của tôi rú lên.
Tôi không bỏ ra nên ông ta gào lên :
- Ái Xuân! Ái Xuân!
Bấy giờ thì mẹ vợ tôi và Ái Xuân từ trong nhà hào hển lao ra. Tôi, tôi nghĩ là bà mẹ vợ tôi sẽ theo phe ông chồng, phần Ái Xuân thì nhất định sẽ hỗ trợ tôi và cô ta nhất định hài lòng khi chứng kiến là tôi thắng thế...
- Trời ơi! nó muốn giết ba tôi, thằng lưu manh này! Vừa giật tai tôi Ái Xuân vừa hét.
Tôi hoàn toàn bất động, và đây là cơ hội để bố vợ tôi phang vào đầu tôi một cây gậy. Tôi cũng chẳng cần né tránh mà chỉ dương mắt nhìn Ái Xuân, ngờ nghệch, và tôi chẳng hiểu gì, tôi cố thử hiểu mà cũng chẳng tài nào hiểu được.
- Đồ đểu giả! Ái Xuân xỉa xói vào mặt tôi. Mày dám làm những chuyện như thế này với bố vợ của mày đến nỗi ông ấy phải gọi mày bằng "ông nội" hả ?.
Serénité - Troyes ngày 01.01.2009 lúc 11giờ.28'.
TỪ VŨ
3 nhận xét:
Câu chuyện dịch hay .. Chưa đọc hết .. Chắc phải đêm nay mới đọc hết .. Một chiều chủ nhật bình an vui vẻ nhé ..
https://1.bp.blogspot.com/-CWY-l7xDO4k/X_SvPeUo8DI/AAAAAAAABYk/vvPvu2qfrCsH-oCjRIya2m0wu2rPyfm1wCLcBGAsYHQ/s320/M%25C6%25AFA-R142.gif
Mời bác Quang Thái uống cà phê để thưởng thức truyện ngắn của tác giả Kim Yu-Jong (người Hàn Quốc) nhé!
http://i963.photobucket.com/albums/ae113/ngocdung26769/15.%2012.%2026.%20-%201_zpsy5py6agf.gif
KIM YU- JONG
(1808-1937)
Sinh ngày 22 tháng Giêng năm 1808 tại Shillé, một làng nhỏ ở một vùng núi phía bắc Nam Hàn, trong một gia đình khá giả. Kim Yu-Jong, mồ côi sớm, sau những năm theo đuổi học vấn tại trường Trung học Humoum tại Séoul và sau đó năm thứ 1 tại đại học Yonsei. Từ đó trở đi Kim Yu-Jong sống lang thang nay đây mai đó chia xẻ cuộc đời ông với những kẻ nghèo khó nhất trong giới nông dân khi mở trường dạy học, giao du với những người bán rượu rong (deulbyong’i) và sáng tác trước khi qua đời vì bệnh lao vào năm 1937.
Công trình văn chương của ông thật ngắn ngủi nhưng sáng chói, cô đặc, gắn bó, tương phản, nên thơ, đầy sức sống: Khoảng 30 truyện ngắn được viết vào 4 năm cuối cùng của ông với những chủ đề về sự lao động nhọc nhằn, khốn khó, đời sống vợ chồng của giới nông dân nghèo khổ...
Những truyện ngắn này đã đưa ông lên hàng danh nhân của nền văn học Hàn quốc thế kỷ thứ XX.
Đăng nhận xét