BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2020

BẪY CHIM… - Tạp văn của Hoàng Đằng


                
                                                Tác giả Hoàng Đằng


              BẪY CHIM…
                                                          Tạp văn của Hoàng Đằng

Tôi đang nghỉ trưa trên cái giường đặt giữa nhà. Cửa lớn, cửa sổ đều đóng. Nhờ các pan-nô (panneau) kính của cửa, nhà vẫn có ánh sáng.
Vừa nằm, tôi vừa quan sát ngoài sân. Hai chàng thanh niên chạy ra đường rồi chạy vô vườn. Hiện tượng lạ ấy khiến tôi dậy.

Xóm tôi ở không nhà ai còn cây cối gì có tán, có bóng mát. Chỉ riêng nhà tôi còn cây đào trong khoảnh vườn hẹp và cây hoa sữa trước cổng sát mé hàng rào.

Cây đào và cây hoa sữa ra dáng cây cổ thụ.

Đến mùa thay lá, cây đào rụng lá khô phủ đầy vườn; lá rụng nhiều lắm, khó xử lý; quét gom lại thì không biết xúc đổ chỗ nào; châm lửa đốt thì đống lá tiêu tan, nhưng hơi nóng bốc lên cháy sém mảng lá xanh trên cành, sau đó, ai nhìn cũng hỏi vì sao tán cây một bên khô, một bên tươi. Trả lời hoài cũng mệt. Thôi, cứ để rứa!

Đến mùa ra quả, quả sai lắm, quả ra một loạt nhiều không ai ăn kịp; ngày đêm, quả cứ rụng nghe sột soạt, rồi nằm mục rữa đầy mặt đất. Trông cũng dơ!
Cả vòm quả chen lá chọc thèm trẻ đi qua. Hàng ngày, phải tiếp không biết bao nhiêu trẻ quanh xóm tới xin hái ăn.

Chấp thuận cũng phiền phức; chúng trèo lên cây, ngồi trong nhà, bụng dạ hồi hộp lắm, sợ rủi không chừng có đứa mô té, phải lo đưa nó đi bệnh viện, rồi còn bị phụ huynh của nó trách móc. Từ chối thì trẻ con bây giờ gặp đứa hỗn láo, buông miệng chưởi thề, nghe cũng tức! 

Còn cây hoa sữa phát triển mạnh lắm, mau lắm. Năm nào, cũng phải thuê người trèo lên chặt ngọn. Nếu không, đến mùa gió bão, cứ sợ lỡ cây nhào, đổ chồm lên nhà hàng xóm thì nguy to.

Hoa sữa ra từng chùm, màu trắng đục như sữa, ban đêm, bốc mùi thơm ngào ngạt, ai cũng bảo mùi ấy khó chịu, còn tôi thì không. Sống với cộng đồng, mà khác sở thích, khác ý, cũng không hay lắm, đẹp lắm, nhưng biết mần răng chừ!

Rồi từ chùm hoa, những con sâu màu xanh to bự rớt xuống đất, bò lổm ngổm, trông mà ghê! Nghe nói ở nhiều nơi, người ta ăn sâu bọ. Không ai bạo gan bắt loại sâu này cho vô chão dầu, ram giòn, ăn xem thử ngon béo ra sao!

Mùa hè, những đàn ve núp dưới lá, đua nhau hoà nhạc từng hồi, nghe cũng vui tai. Lại có thứ nước gì trong thân ve chốc chốc ria xuống, ai lỡ đi ngang ở dưới, ướt ướt trên đầu, cứ tưởng là mưa phùn.

Trái hoa sữa khô nhỏ như que nè lòng thòng, bung ra, những hạt có bọc lông tơ bay lơ lửng … vào tận giường, tận chiếu, luồn vào da, gây cảm giác xót xót, khó ngủ ngon giấc.

Bạn bè tới chơi, chê tôi nhác, không chịu dọn dẹp nương vườn; chê rất đúng, chê trong tinh thần xây dựng; nhưng ở tuổi này, đụng vào việc gì cũng mệt, rồi đêm nằm không ngủ được kéo sức khoẻ giảm sút. Tôi đành nguỵ biện là trong rừng, cây rụng lá, lá mục biến thành phân làm thức ăn cho cây, nhờ thế, cây phát triển; thành ra, cứ để rứa xem như môt hình thức chăm bón cây vậy. Tôi còn làm ra vẻ thông kinh thuộc sách, dẫn câu: “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong” (cái chi cứ để thuận theo tự nhiên thì tồn tại, cái chi buộc ngược với tự nhiên thì tiêu vong).

Cây đào và cây hoa sữa không lợi gì về kinh tế; vậy mà tôi không nỡ chặt phá.
Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn, thời học sinh sinh viên, tôi đã ngồi dưới bóng cây ôn tập bài vở; tôi đã quen với bóng cây. Giờ quê hương trên đà đô thị hoá, cây cối mất dần, mất dần. Tôi buồn.  Không có cây cối, tôi thấy không gian như thiêu thiếu cái gì thân thương.

Môi trường đô thị xú uế lắm, cây cối thanh lọc không khí, cây cối che bóng im để tia nắng mặt trời gay gắt những ngày tháng mùa hè bớt chói chang.
Cây cối rủ rê chim chóc về ca hót, nhảy nhót, nhìn để cảm thấy gần gũi thiên nhiên hơn.

Và quan trọng hơn hết! Cả hai cây đều do bà vợ tôi trồng, cây còn đó, nhưng bà, do hoàn cảnh, đã chia tay tôi; vậy nên cây là kỷ niệm vừa vui vui vừa buồn buồn của đời tôi. “Trông cây lại nhớ đến người” là vậy!

Vì những lẽ đó, dù ai cũng khuyên nhủ tôi nên cho người đốn hạ, tôi không đành, không nỡ lòng.

Nắng lên rồi, cảnh vật tươi vui. Mấy con chim chuốc mào, mấy con chim sâu, mấy hôm nay, ríu rít. Ngồi trong nhà, nghe tiếng hát, nhìn chúng bắt sâu, nhìn chúng nhảy chuyền cành, mắt tôi, tai tôi cảm thấy vui.

Trưa nay, hai thanh niên bặm trợn, đưa lồng và chim mồi tới bẫy. Qua pan-nô kính của cửa lớn, thấy chúng từ trong vườn đi ra, tôi đang nằm, chống tay ngồi dậy, mở cửa, hỏi:
- Hai cháu mần chi đó?
Chúng trả lời cộc lốc:
- Bẫy mấy con chim!
Tôi gượng vui, nói:
- Mấy con chim ông rủ chúng về đó; mấy bữa nay, ông mừng lắm, chúng hót, chúng nhảy, ông nhìn mà mắt tai như được tra liều thuốc bổ. Thôi, hai cháu thông cảm, lấy lồng bẫy và chim mồi đi đi!

Hai thanh niên nghe lời, kéo lồng bẫy xuống, đi ra, vẻ mặt hơi buồn. Tôi mừng. Thời buổi bây giờ, trẻ ít kính già, phải không thắng trái. Vậy mà giờ tôi đang chứng kiến một trường hợp hi hữu. May mắn cho tôi quá!

Dù đi bẫy chim là phá hoại môi sinh, tàn sát muông thú hoang dã – việc làm đáng lên án, hai thanh niên vẫn còn chút đáng yêu – biết nghe lời.

Chứ nếu chúng lì, chúng liều, tôi cũng bó tay.

                                                                                    Hoàng Đằng
                                                                                     03/5/2020
                                                                                  (11/4/Canh Tý)   

Không có nhận xét nào: