BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 7 tháng 5, 2020

NHÀ TRẦN CƯỚI CHỊ EM HỌ ĐỂ HÓA GIẢI OAN TÌNH VÀ CỦNG CỐ QUYỀN LỰC TRÁNH HỌA NGOẠI THÍCH

Trong lịch sử Việt Nam, hôn nhân của các vua Trần được xem là đặc biệt và gây nhiều chú ý bởi việc kết hôn với chính chị em trong họ. Trong số các vua Trần, hầu hết đều chọn người trong họ để lập làm chính cung. Không chỉ để tránh họa ngoại thích hay củng cố quyền lực, việc làm này còn mục đích hóa giải mối oan tình ngày xưa.

                      Nhà Trần kết hôn cận huyết còn nhằm mục đích hóa giải oan tình. 
                     (Ảnh minh họa: Nghiên Cứu Lịch Sử)


NHÀ TRẦN CƯỚI CHỊ EM HỌ ĐỂ HÓA GIẢI OAN TÌNH VÀ CỦNG CỐ QUYỀN LỰC TRÁNH HỌA NGOẠI THÍCH


Mối oan tình giữa Trần Thái Tông và An Sinh vương Trần Liễu

Mối oan tình này bắt nguồn từ Trần Thủ Độ. Theo đó, Trần Thái Tông đã bị ông ép bỏ Lý Chiêu Hoàng để kết hôn với người khác, trong đó có vợ của Trần Liễu là Thuận Thiên công chúa. Khi bị đưa vào cung, Thuận Thiên công chúa đang mang thai 3 tháng. Việc mất cả vợ vẫn con (đứa trẻ Quốc Khang sau khi ra đời đã nhận Trần Thái Tông làm cha) khiến Trần Liễu sinh lòng oán hận và tụ tập nhiều người ở sông Cái nhằm nổi loạn.

     
          Thuận Thiên công chúa đang mang thai 3 tháng thì được mang vào cung. 
              (Ảnh minh họa: Nghiên Cứu Lịch Sử)

Sau khi ở ngoài biển được hai tuần, Trần Liễu đã tranh thủ lúc vua đi chơi thuyền để lẻn vào gặp và xin hàng. Lúc đó, cả Trần Liễu và nhà vua đối mặt nhau mà khóc. Sau khi nghe tin, Trần Thủ Độ đã tới thẳng thuyền và tuốt gươm hòng giết chết Trần Liễu. Thấy thế nhà vua đã vội vàng tìm cách để bảo vệ Trần Liễu khỏi mất mạng rồi ban cho ông ta đất An Dưỡng, An Phụ, An Bang và An Sinh. Cuối cùng vua lấy hiệu An Sinh vương để phong cho Trần Liễu và giết hết những người theo khởi loạn ở sông Cái.

Nhà Trần cưới chị em họ để giải mối oan tình

Không chỉ phong đất, đảm bảo tính mạng cho Trần Liễu mà nhà vua còn dùng hôn nhân giữa các con cháu đời sau để hóa giải mối oan tình sâu nặng này. Năm 1258, con trai của Trần Thái Tông và Thuận Thiên công chúa là Trần Thánh Tông lên ngôi vua. Vào tháng 8 năm 1258, Trần Thánh Tông đã kết hôn với con gái của An Sinh vương Liễu là Trần Thị, phong làm Thiên cảm phu nhân rồi lập hậu.

Thời điểm đó, Trần Thái Tông là người quyết định đến việc Trần Thánh Tông lập hậu. Chính vì vậy ông đã muốn con trai mình lấy Trần Thị để có thể hàn gắn được mối quan hệ với Trần Liễu. Thời điểm lập làm hậu, Thiên cảm phu nhân đang mang thai và cuối năm đã sinh hạ Trần Nhân Tông (hay còn gọi là Trần Khâm). Người con trai này chính là cháu ngoại của An Sinh vương Trần Liễu và cháu nội của Trần Thái Tông.

                        Con trai Trần Thái Tông đã chọn con gái Trần Liễu để lập hậu. 
                       (Ảnh minh họa: Kiến Thức)

Lúc Trần Khâm 16 tuổi, ông được vua cha phong làm Hoàng thái tử. Dường như muốn thắt thêm mối giao hảo giữa hai nhà nên Trần Thái Tông đã lập Bảo thánh phu nhân làm Thái tử phi cho Trần Nhân Tông. Được biết, Bảo thánh phu nhân chính là cháu nội của Trần Liễu, như vậy sự liên kết giữa hai nhánh này lại thêm một mối thân tình nữa.

             
             Trần Thái Tông cũng đã lập cháu nội Trần Liễu làm Thái tử phi 
                              cho Trần Nhân Tông. (Ảnh minh họa: Dân Việt)

Khoảng 7 tháng trước khi Trần Thái Tông qua đời thì Bảo thánh phu nhân đã sinh hạ Trần Thuyên. Để Thái thượng hoàng vui lòng, Trần Thánh Tông đã phong Trần Thuyên (hay còn gọi Trần Anh Tông) làm Hoàng thái tôn. Đây cũng là điểm đặc biệt trong lịch sử khi có 4 vị vua được định danh sẵn bao gồm: Thái thượng hoàng Trần Thái Tông, vua Trần Thánh Tông, Hoàng thái tử Trần Nhân Tông, Hoàng thái tôn Trần Anh Tông.

      
                   Hình ảnh một vị công chúa nhà Trần. (Ảnh: Phan Thanh Nam)

Chuyện hôn nhân giữa hai nhánh vẫn chưa kết thúc khi vào năm Trần Thuyên 16 tuổi, ông được Trần Nhân Tông phong làm Hoàng thái tử. Ngay sau đó Trần Nhân Tông đã chọn Thái tử phi cho Trần Anh Tông, đó là Bảo Từ Thuận Thánh phu nhân. Được biết, Bảo Từ Thuận Thánh phu nhân chính là cháu nội của Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn (con trai của Trần Liễu).
Như vậy, qua nhiều đời kết hôn cùng anh, chị, em trong một họ, nhà Trần đã xóa bỏ được mối oan tình giữa Trần Thái Tông và An Sinh vương Trần Liễu.

Vì sao Trần Thủ Độ ép duyên Trần Thái Tông?

Theo thông tin từ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư: “Thái Tông lấy được thiên hạ đều là mưu và là sức của Thủ Độ cả, cho nên Quốc gia phải như vậy, quyền hơn cả vua" và vì vậy "quy hoạch việc nước đều do Thủ Độ làm”.

Theo thông tin từ Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam, nguyên nhân khiến Trần Thủ Độ ép duyên Trần Thái Tông là do vua đã lập hậu 12 năm mà chưa có con. Chính vì vậy lấy Thuận Thiên công chúa đang mang thai 3 tháng để đảm bảo sự kế thừa lâu dài.

Ngoài ra, con của Thuận Thiên công chúa cũng là con của anh trai Trần Cảnh. Nếu chẳng may vua Trần Thái Tông không có con thì lập đứa trẻ này lên làm vua cũng đều là dòng dõi chính thống.

Việc sắp đặt cho Thuận Thiên công chúa lấy Trần Nhân Tông còn có sự giúp sức của vợ Trần Thủ Độ là Trần Thị Dung. Bà từng là hoàng hậu của vua Lý Huệ Tông, cũng chính là mẹ của Thuận Thiên công chúa.

Theo thông tin từ Khâm định Việt sử thông giám cương mục

Nguồn:

http://vanhienplus.vn/cac-vua-tran-cuoi-chi-em-ho-de-hoa-giai-moi-oan-tinh/5168/

Không có nhận xét nào: