BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2020

BỆNH VIỆN QUẢNG TRỊ TRƯỚC NĂM 1975 TRONG KÝ ỨC TÔI - Khang Hồ


                   
                             Tác giả bài viết Khang Hồ 


        BỆNH VIỆN QUẢNG TRỊ TRONG KÝ ỨC TÔI
                                                       Hồ Sĩ Khang (Chs NH71-75)

Tôi nhìn hoài bức ảnh bệnh viện Quảng Trị chụp trước năm 1972 trên trang face Đồng môn Nguyễn Hoàng.
Người đăng chỉ viết sơ sài mấy dòng, nhưng bao nhiêu kỷ niệm òa về tràn ngập.
Các anh chị ấy nhắc đến chị Vui, vợ của người thầy dạy Trường Nguyễn Hoàng đã mất: Lê Văn Tôn. Ngày trước, thầy làm thông dịch viên cho các bác sĩ Mỹ, còn chị Vui cũng làm tại bệnh viện này.
Tôi đọc tất cả các comments mà không thấy một cái gì dính dáng đến những điều tôi biết.

Có lẽ ngày đó tôi còn quá nhỏ.
Đó là vào khoảng năm 1970, nhà tôi vừa dời từ 127 Trần Hưng Đạo lên 108C Trần Hưng Đạo, phía sau lưng nhà tôi là bức tường của bệnh viện. Người chị dâu của tôi là trưởng phòng Nhi Đồng. Anh chị ở khu cư xá công chức trên đường Phan Chu Trinh, mặt phía sau của bệnh viện. Ở khu cư xá này có rất nhiều người làm trong bệnh viện, họ không muốn đi theo con đường hình chữ U: Phan chu Trinh - Quốc lộ 1- Trần Hưng Đạo, vì quá dài, thay vào đó họ bắc hai cái thang, một để leo lên qua bức tường và một để leo xuống là tới, tất nhiên chị dâu của tôi cũng đi theo kiểu này.

Bệnh viện Quảng Trị để lại trong tôi nhiều ký ức tuổi thơ. Đó là lần tôi chơi với bạn bè bị đánh trúng hạ bộ, bí tiểu mà không dám cho ai biết, sau này chịu không nổi, liền kể với chị tôi, chị đem tôi đến gặp ông bác sĩ Lê Bá Tung, chỉ cần 5 phút, ông ấy đã làm cho tôi đi tiểu lại.

Bệnh viện Quảng Trị cũng là nơi đã cứu chữa để chị tôi khỏi phải chống nạng hỗ trợ chân suốt đời.  Ngày đó, chị tôi bị một tai nạn trong lúc ngồi xe đò đi học, và nhờ có sự hỗ trợ của các BS Mỹ nên chị tôi đã được tiếp cận với y học hiện đại trong phương pháp chữa trị bệnh mà đến giờ này phương pháp ấy vẫn được áp dụng tại VN.
Bệnh viện Quảng Trị là nơi chữa cho anh tôi bị bỏng chân trong một đêm cháy trại lính tại Ái Tử.

Đó là nơi đã cứu và chữa lành bệnh cho anh chị em tôi, mang lại cho gia đình chúng tôi những nụ cười và hạnh phúc. Nhưng điều mà tôi nhớ mãi không phải là những lần chữa bệnh mà là những chuyến trực thăng đáp xuống sân bay dã chiến của bệnh viện. Đó là những ngày vừa qua khỏi tết năm 1971, chiến dịch Lam sơn 719 đã tới đỉnh điểm. Chiến tranh xảy ra tại Hạ Lào và bệnh viện Quảng Trị là hậu phương gần nhất để tải thương.


Ngày đó, mỗi lần nghe tiếng máy bay U-ti-ti (UTT) là hai anh em tôi, (anh tôi NH 69-75) leo lên mái nhà nhìn qua bãi cỏ của bệnh viện xem những người lính bị thương được chuyển về. Có khi họ lết đi, có khi họ khi vịn vào một nhân viên y tế, có khi nằm quằn quại hoặc bất động trên băng ca, nhiều chỗ trên thân thể họ được băng trắng nhuốm màu máu và thuốc đỏ. Và đau đớn nhất là nhìn những chiếc poncho trùm kín được cột chặt, đó là những người lính đã chết rồi. Và cứ mỗi lần như vậy, anh em tôi đếm bao nhiêu người lính bị thương và bao nhiêu người lính bị chết. Sân bệnh viện bao giờ cũng có những nhân viên y tế túc trực và cầm sẵn băng ca, chạy ra thật nhanh khi máy bay đáp xuống.

Và cứ thế, rất nhiều ngày chúng tôi đã chứng kiến hình ảnh của chiến tranh, không phải bằng tiếng súng đạn mà là hậu quả của nó: những con người bị găm trúng những thứ ấy. Bầu trời Quảng Trị, không chỉ có những chiếc U-Ti-Ti tải thương mà còn những chiếc máy bay hai chong chóng, ngày đó tôi gọi là máy bay “Úc Đại Lợi”  móc những chiếc xe tăng, máy bay trực thăng lủng lẳng từ chiến trường về.  Còn ban đêm tỉnh thoảng thấy hỏa châu rực sáng ở một vùng ngoại ô nào.  Trong nhà, ba tôi có làm một cái hầm để tránh những quả đạn pháo kích ban đêm. Có những đêm nguy hiểm, ba tôi lo sợ, biểu mấy anh em vô hầm nằm ngủ luôn.
Tiếng máy bay, tiếng đại bác pháo kích, và những đốm sáng hỏa châu đã xé nát những ngày tháng thơ ấu êm đềm của tôi tại Quảng Trị những năm 71-72. Và kết thúc bằng một đoạn đường tang thương đẫm máu mà người dân xứ tôi gọi là: “Đại lộ Kinh Hoàng” để tránh né chiến tranh đi tìm sự sống.

Cảm ơn anh Bảo Lâm đã đưa lên bức hình về bệnh viện QT bên cạnh nhà tôi. Cảm ơn những bài viết về miền đất địa đầu giới tuyến của anh Đinh Hoa Lư. Nhờ đọc nó, tôi nhớ lại bệnh viện Quảng Trị với những chiếc máy bay U-Ti-Ti chở về những con người trong tấm poncho trùm kín, cột chặt…

Ôi ! những chiếc poncho đã được dùng cho một công năng không bao giờ nói đến khi cấp phát quân trang cho người lính.
Bất chợt, tôi nhớ một bài hát thật buồn. Bài hát nói về những người phụ nữ mà tôi đã từng gặp, từng tiếp xúc. Họ là những người phụ nữ đi nhận xác chồng trong cuộc chiến tranh.

Ông nhạc sĩ tài ba Phạm Duy đã đặt tên rồi, nhưng tôi chỉ thích gọi bài hát này theo tên của nhà thơ đã viết ra nó: THƯƠNG CA.
Vì mỗi lần nghe bài hát là cả một trời thương nhớ hiện về với những góa phụ đầu quấn vành khăn tang rũ rượi trong nước mắt.
Họ cũng là người thân của tôi và là mẹ của rất nhiều người bạn của tôi. Họ có thể là những nữ sinh Nguyễn Hoàng bất hạnh đang còn đâu đó trên cõi đời này.



Xin được mượn lời của ông Abraham Lincoln và  “thêm một chút” để thay cho lời kết thúc.
“Khi viên đạn xuyên vào một người lính dù thuộc bên nào đi nữa, thực ra nó đã xuyên vào trái tim của một người mẹ.” và “một người vợ nữa.”

                                                                                          Khang Hồ

Không có nhận xét nào: