Nhà thơ Ái Khanh
ĐỌC THƠ ÁI KHANH
Châu Thạch
Nhà thơ Ái Khanh, tên trên facebook Nguyễn Hương và có lẽ cũng là tên thật của tác giả, một thi hữu tôi kết bạn đã lâu trên mạng nhưng chỉ mới được đọc thơ lần đầu tiên sau ngày hội ngộ tại chùa Pháp Bảo Hội An. Thật ra tôi là con dế gáy dưới cỏ nên tầm nhìn hạn hẹp, vì thế khó mà thấy hết được vô số bông hoa rạng rỡ quanh mình. Về nhà đọc thơ chị, tôi như đi lạc vào một vườn thơ rất đẹp, ở đó có những đóa Đường thi thanh nhã, những hoa thơ mới, thơ lục bát chứa đựng màu sắc rất dễ nhìn với hương thơm vị lạ ngọt ngào.
Đầu tiên ta hãy nói về Đường thi của Ái Khanh. Hình như nhà thơ Ái Khanh chuyên về Đường thi, chị sáng tác rất nhiều đề tài . Với tôi thơ Đường của Ái Khanh được xếp vào vị thứ thượng thừa. Xin đơn cử một vài bài tiêu biểu để thấy cái chất “đường” trong thơ tác giả:
CHÂN NGUYÊN
Cầu kinh giải nghiệp thoát ưu phiền
Quán niệm tâm hồn bớt đảo điên
Ích kỷ, oán hờn, sân giận- bỏ
Từ bi, hỷ xả, vị tha- nguyền
Phật Thừa Giới Luật trung thành nguyện
Pháp Bảo Hoa Nghiêm chánh tín truyền
Bát Nhã thấm nhuần sanh Định Huệ
Ưu Đàm tuệ nở rạng Chân Nguyên
Ái Khanh
KHÚC TĨNH TRÀ (1)
(Bát vận đồng âm)
Uống giọt tình chung "Khúc Tĩnh Trà"
Nâng ly đàm đạo chén thi ca
Lang quân lắng dạ lòng vô ngã
Ái nữ nhiên hồn suối vị tha
Sống thiện vi hòa khai phúc khả
Nương thiền dĩ quý diệt tâm ma
Hương sen ngào ngạt đài lan nhã
Đối ẩm tri nhàn thưởng nguyệt sa
Ái Khanh
Ở bài “Chân Nguyên” tiếng thơ như tiếng trống Bát Nhã dập dồn, như tiếng chuông đến hồi thúc ép linh hồn giác ngộ, như tiếng tụng niệm vụt vang lên sang sảng. Thế nhưng nghe tiếng thơ ấy tâm hồn ta lại trở nên ôn nhu, phấn chấn trong thiện tánh và cảm thấy háo hức tìm kiếm một niềm an lạc. Toàn bộ bài thơ rất ngắn, chỉ có tám câu bảy chữ nhưng nhà thơ đã gói trọn gần như toàn bộ Phật pháp vào đó. Người đọc thơ không có một chút mệt mõi bởi những từ bí hiếm, cảm thụ được hoàn toàn tinh hoa của kinh Phật, rót vào tâm lời chân lý ngọt ngào.
Ở bài thơ “Khúc Tình Trà”, hương thơm Tịnh Độ thấm vào tâm hồn cả hai thế hê vợ chồng và con. Hương trà không phải là thứ hương tầm thường chỉ để làm thơm khẩu vị, mà nó trở thành hương thoát tục, diệt tâm ma và thăng hoa vào cõi “hương sen ngào ngạt” để “Đối ẩm tri nhàn thưởng nguyệt sa”. Hai câu thơ kết tuyệt vời, nó gói trọn vào đó hương sen của trà, hương của nguyệt, hương của hoa lan, tất cả kết tụ thành hương của nhàn, một thứ hương trọn ven của chốn non bồng ở giữa thế gian. Thứ hương đó lại không phải chỉ dành cho một ông lão nào đó có cốt cách tiên ông thưởng thức mà nó ở giữa một gia đình hiện đại đang đàm đạo thi ca có vợ, có chồng và có cả trẻ thơ. Thơ Đường như thế có phải là thơ Đường hay không tôi không biết nhưng đọc thơ tôi thấy cả một gia đình đang hạnh phúc trong niềm vui an lạc, và tôi thấy nó thực tế hơn cả những bài thơ thiền, thơ trà đạo.
Nhà thơ Ái Khanh có cả trăm bài Đường thi như thế. Tôi chỉ đọc được vài chục bài. Mỗi bài thơ của chị không đem đến cho tôi nỗi buồn sâu thẳm, nỗi nhớ nhung khôn vơi, nỗi hối tiếc cuộc đời mà trái lại đem đến cho tôi một thứ tình cảm chứa chan tình yêu cuộc sống, mến bạn bè, ham muốn thiện tâm và vui cùng thi phú.
Bước qua nhưng thể thơ khác ta tìm thấy những gì ở Ái Khanh?. Thì đây là một bài rất thơ gọn nhẹ, chỉ nói về cà phê:
CAFE MỘT MÌNH !!!
Âm thầm giọt đắng ru đời
Một mình lặng lẽ xuân ngời hư vô
Lục tìm ký ức ngây thơ
Hoa an nhiên nở bên bờ thanh thiên ...!
Ái Khanh
Thanh thản đến thế là cùng!!! Người ta uống cà phê để nhớ về người xưa, hoặc không nữa thì cả một dòng sông ký ức trôi về trong tâm tưởng với biết bao vui, buồn. Ái Khanh uống cà phê một mình chỉ để nhớ những đóa “hoa an nhiên”” bên bờ thanh thiên” của “ký ức ngây thơ” một thời xa xưa ấy. Không phải Ái Khanh không có nối buồn, không có những điều hệ luy xảy ra trong đời, nhưng thơ là tiếng nói của tâm hồn, một tâm hồn lạc quan thì tiếng thơ cũng lạc quan làm cho bình tịnh lây cả vào lòng người thưởng thức thức thơ chị.
Ái Khanh viết về mùa xuân giống như ghép hàng chục bức tranh ước lệ vào thơ, mỗi bức tranh sống động và toàn bộ bài thơ như dập dồn những điệp khúc vui. Đọc “Tầm Xuân” của chị tôi tưởng như thấy hoa nở dập dồn, nắng như lung linh, nụ cười rạng rỡ, áo dài tha thướt, cả mùa xuân và con người vui xuân hiện ra trước mắt:
TẦM XUÂN !!!
Gió mơ màng vào xuân
Giọt sương mai lấp lánh
Đào Cúc khoe sắc thắm
Sợi nắng vàng lung linh
Xuân chan chứa bao tình
Lòng người vui rạo rực
Cây nẫy mầm lá thức
Đôi môi cười thắm xinh
Nàng Xuân ơi! Rạng ngời
Xao xuyến cả đất trời
Dáng trang đài tha thướt
Tình đời ngỡ lên ngôi.
Ái Khanh
Người đọc thơ hãy mở một khúc nhạc xuân nào đó để nghe, rồi ta thử đem so với “Tầm Xuân” của Ái khanh. Ta sẽ thấy tiếng thơ Ái Khanh và tiếng nhạc ngoài đời như đồng tiết tấu, đem vào lòng ta sự hân hoan như đứng giữa mùa xuân tươi thắm.
Tình yêu của Ái Khanh cũng là một thứ tình trọn vẹn chung thủy. Không có người đàn ông nào không trân trọng tình yêu của tác giả. Tình yêu ấy nâng cao giá trị của người phụ nữ, trung trinh tiết liệt và vượt qua mọi cay đắng của cuộc đời:
TÌNH EM
ANH đã hứa làm chồng muôn thuở
TRAO tim yêu người vợ chung tình
EM thề trước ánh bình minh
CẢ đời yêu chỉ một mình anh thôi
TẤM son sắt vẫn ngời trinh trắng
LÒNG dặn lòng cay đắng vượt qua
Ái Khanh còn có những bài thơ ngắn chỉ như là nói. Tiếng nói trong thơ tưởng như là đơn điệu nhưng thật ra trong sự bình dị, nhẹ nhàng đó lại tiềm ẩn một ý thơ sâu đậm, nặng trĩu một tâm tư bằng cách dùng một tứ thơ bất ngờ mới lạ:
MỘT MÌNH...!
Một mình
chỉ một
mình thôi
Một mình
đối diện
buồn vui
một mình...!
Ái Khanh
Bài thơ “Một Mình” của Ái Khanh đến những nhà thơ lớn chưa chắc đã dám làm, đọc cứ ngỡ những lời bình thường thót ra cửa miệng nhưng lời cửa miệng đó lại có tác dụng lặng lẽ trong sâu thẳm lòng ta. Sự cô đơn trong thơ len lỏi vào ta mà chính ta cũng không ngờ nó đến và đang ở lại trong trái tim mình.
Hãy đọc thêm bài thơ “Tơ Trời” của Ái Khanh để thấy những sợi tơ trời đó cũng vướng vào hồn ta thành những sợi tơ tình:
TƠ TRỜI ...!
Lạnh lùng
Đong đếm hạt mưa
Chiều xuân vàng võ
Mấy mùa xanh xao
Tóc cài
Nỗi nhớ hanh hao
Câu thơ cằn cỗi
Tình nào cho em !
Khát khao
Giọt nắng màn đêm
Thời gian vô cảm
Dẫm lên rã rời
Chông chênh
Níu sợi tơ trời
Bỗng dưng môi mặn
Đắng lời thi nhân...!!!
Và rồi thơ thất tình là thứ thơ đau xót của mọi thi nhân nhưng qua tay Ái Khanh, thơ ấy đầy ánh trăng, đầy tiếng con tim rạo rực với hình ảnh con đò chở nửa vầng đã làm cho mối tình kia lung linh, thơ mộng và lãng mạn vô cùng:
RU NỬA VẦNG TRĂNG
Con đò chở nửa vầng trăng
Ru em cái tuổi mười lăm dại khờ
Ai thương thấp thỏm đợi chờ
Thẹn thùng lúng liếng bên bờ tình yêu
Con tim hóa rạo rực chiều
Gót hài nhẹ bước cô liêu thẹn thùng
Tóc dài thơm thoảng hương xuân
Nụ hôn đầu ấm nàn nồng tuổi hoa
Câu thơ cháy bỏng thiết tha
Âm thầm hát khúc dân ca ngọt ngào
Em về ai nhớ xuyến xao
Người vui bên ấy kẻ nao núng lòng
Con đò chở nửa vầng trăng
Chở luôn cái tuổi mười lăm mất rồi
Giã từ áo trắng tinh khôi
Nửa vầng trăng đợi ru tôi hững hờ
Ái Khanh
Không có nhà thơ nào nói đến nửa vầng trăng mà lại dùng chữ “ru” cả, vì nửa vầng trăng chỉ sự tan vỡ, sự chia ly. Chỉ có Ái Khanh dám “Ru nửa vầng trăng”. Chữ “ru” của nhà thơ làm mối tình chia ly thêm đẹp, đặt vào lòng thứ ánh sáng mơ, thứ màu sắc ảo huyền thi vị, biến cho tình thất vọng lung linh trong suốt cả cuộc đời. Có lẽ Ái Khanh là người thơ khôn ngoan và độc đáo nhất, chị đã biến niềm đau thành nguồn thơ thâm thúy nhất.
Đọc thơ Ái Khanh hình như nỗi đau cũng làm thi vị lòng ta. Niềm vui thì có nhiều trong thơ chị. Tiếng thơ của Ái Khanh như bàn tay vị tha vỗ về, như một làn hương thơm đậm đà vây bọc tâm hồn, và ta trôi trên con thuyền thơ ấy với vô vàn cảm xúc thăng hoa.
Thật tình tôi chỉ lựa những bài thơ ngắn để viết cho Ái Khanh. Những bài thơ ngắn của chị đã khiến tôi phải viết dài, thế nhưng vẫn viết chưa hết những cảm nhận trong lòng. Ai Khanh còn có những bài thơ dài mà tràn ra, chan chứa biết bao tình trong sáng. Những bài thơ đó tôi xin hẹn dành cho những lần viết khác sau nầy.
Châu Thạch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét