BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2024

LỖI SAI THÔ THIỂN CỦA CHƯƠNG TRÌNH “VUA TIẾNG VIỆT” TRÊN VTV VỀ THÀNH NGỮ “NẾM MẬT NẰM GAI” – Hoàng Tuấn Công

Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công đã có bài vạch trần lỗi sai thô thiển của "Vua tiếng Việt" trên VTV, đơn cử là chương trình nói về thành ngữ “Nếm mật nằm gai” (phát sóng ngày 18/10/2024).
 

Trong chương trình Vua Tiếng Việt ngày 18/10/2024, khi nói đến thành ngữ “Nếm mật nằm gai”, cố vấn chương trình là Nhà thơ Lữ Mai đã giảng cho người chơi và khán giả hiểu như sau:
 
“Cái câu nếm mật nằm gai lại theo một nghĩa khác. Tức là nói đến cái việc khổ sở, cái điều khó khăn, cực nhọc trong cuộc đời. Có thể nói những người nông dân cực khổ nếm mật nằm gai trong một hoàn cảnh nào đó”.
 
Lời giảng trên đây không đúng, kể cả về nghĩa từ vựng và cách dùng.
“Nếm mật nằm gai”, hay “Nằm gai nếm mật” đúng là có nói về những “cái việc khổ sở, cái điều khó khăn, cực nhọc”. Tuy nhiên, đây là một câu thành ngữ gốc Hán, xuất phát từ điển cố, điển tích cụ thể, bởi vậy, muốn hiểu và dùng cho chính xác thì phải biết được nguồn gốc của điển cố, điển tích.
 
Điển tích thành ngữ “Nằm gai nếm mật” (gốc Hán “Ngoạ tân thường đảm”; ngoạ = nằm; tân = củi khô, cỏ gai dùng để đun nấu; thường = nếm; đảm = mật đắng của động vật), có nhiều dị bản nhưng đại để như sau:
 
Thời Xuân Thu, nước Việt bị nước Ngô đánh bại ở Cối Kê. Vua tôi nước Việt là Câu Tiễn tuy được tha mạng, nhưng bị bắt đem về và thường ngày phải phục dịch hầu hạ vua Ngô, chịu mọi khổ sở nhục nhằn.
Khi vua Ngô bị ốm nặng, để tỏ lòng trung, Câu Tiễn thường tự nếm phân vua để đoán biết bệnh tình. Khi được vua Ngô tin tưởng và thả về, Câu Tiễn không sống trong an nhàn mà tự đày ải thân mình, thường nằm trên củi khô lởm chởm, cỏ gai sắc nhọn, lại hằng ngày nếm mật đắng để tự nhắc nhở không quên chuyện cũ, nung chí phục thù. Sau mười năm trời khổ công chuẩn bị lực lượng, Câu Tiễn nhiều lần xuất binh, và cuối cùng đánh bại quân Ngô, vua Ngô Phù Sai dù được tha mạng sống nhưng cuối cùng đã tự sát trong hổ thẹn.
Về sau “Ngoạ tân thường đảm” - 臥薪嘗膽“Nằm gai nếm mật” được dùng với nghĩa: Tự đày ải thân mình để nuôi chí phục thù; Chịu đựng mọi gian khổ, quyết mưu đồ việc lớn.
 

Trong “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi đã dùng điển tích này để nói về Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn “Thường đảm ngoạ tân giả cái phi nhất nhật” (Nếm mật nằm gai há phải một hai sớm tối), nhiều năm sống trong rừng sâu núi thẳm “Khi Linh Sơn lương cạn mấy tuần/ Lúc Khôi Huyện quân không một đội”, chịu đựng bao gian khổ, quyết tâm đánh đuổi giặc Minh, giành lại giang sơn.
 
Hoặc như “Nằm gai nếm mật” còn được gắn với những năm tháng Nguyễn Ánh cùng tướng sĩ  Nằm gai nếm mật chung nỗi ân ưu/ Mở suối bắc cầu riêng phần lao khổ.” (Nguyễn Văn Thành - Văn tế nghĩa sĩ trận vong),v.v…
Toàn là gương mặt các nhân vật lịch sử mưu đồ việc lớn cả!
 
Như vậy, “Nằm gai nếm mật” không có nghĩa là “việc khổ sở, cái điều khó khăn, cực nhọc trong cuộc đời”, NÓI CHUNG, mà chỉ sự NUÔI CHÍ PHỤC THÙ, hoặc CHỊU ĐỰNG GIAN KHỔ ĐỂ MƯU TÍNH VIỆC LỚN. Theo đây, dù cày sâu cuốc bẫm, một nắng hai sương, gian khổ cực nhọc chăn nuôi lợn gà, khó khăn thiếu thốn đến đâu, nhưng dùng thành ngữ “Nếm mật nằm gai”, hay “Nằm gai nếm mật” trong câu “những người nông dân cực khổ nếm mật nằm gai trong một hoàn cảnh nào đó”, là hoàn toàn không phù hợp.

Thật khó hiểu. Cả một ê kíp hùng hậu của Vua Tiếng Việt, “tiền kì”, “hậu kì” đủ cả mà không ai nhận ra cái lỗi sai thô thiển đó.
 
                                                                              Hoàng Tuấn Công
                                                                                   (7/12/2024)
*
Nguồn:
https://www.facebook.com/100005287573458/videos/593394433076982


   ĐÔI LỜI ĐÁP LỄ VỚI BÁC VĂN CHINH ĐINH VÀ BẠN ĐỌC

                                                                    Hoàng Tuấn Công

Tôi có đọc bài của bác Văn Chinh Đinh trao đổi về bài viết “Nông
dân nào nếm mật nằm gai” của tôi, và thấy không cần trao đổi lại.
Tuy nhiên, một số độc giả vẫn gửi câu hỏi đến và đề nghị tôi có bài 
trả lời. Bởi thế, tôi xin có đôi lời, gọi là đáp lễ với bác VCĐ và 
bạn đọc.

Trong bài “MẤY CÂU VỀ BÀI NÔNG DÂN NÀO NẾM 
MẬT NẰM GAI CỦA HOÀNG TUẤN CÔNG” bác Văn Chinh 
Đinh (VCĐ) cho rằng, Hoàng Tuấn Công (HTC) “khi đi tiếp về 
nghĩa gốc – từ nguyên thì có chỗ cần bàn lại”.

https://www.facebook.com/permalink.php...

Vậy bác VCĐ “bàn lại” những gì?

1. Trong bài viết, tôi dẫn tích Việt vương Câu Tiễn tự chịu khổ nhục 
để nuôi chí báo thù, nhưng VCĐ cho rằng “Không phải, đó không 
phải gốc của thành ngữ, đó chỉ là một ví dụ về thành ngữ mà thôi” 
(hết trích).

Tuy nhiên, đâu mới là “gốc” thì bác VCĐ không chỉ ra được.
Rất mong bác công bố chứng cứ để tôi và độc giả được thấy tích 
Việt vương Câu Tiễn “Nằm gai nếm mật” vốn được ghi chép, lưu 
truyền tự cổ chí kim trong hàng ngàn thư tịch của Trung Quốc và 
Việt Nam bị đánh đổ hoàn toàn.
 
2. Tôi viết: “Điển tích thành ngữ “Nằm gai nếm mật” (gốc Hán 
Ngoạ tân thường đảm; ngoạ = nằm; tân = củi khô, cỏ 
gai  dùng để đun nấu; thường = nếm; đảm = mật đắng của 
động vật)”.
Bác VCĐ cho rằng “khi giảng về từ nguyên của thành ngữ” HTC 
lại “sai tiếp”, vì “Củi khô không thể = có gai [cỏ gai?] Trong các 
cây củi có thể có cây có gai, nhưng củi khô không thể nào có nghĩa 
là có gai [cỏ gai] được” (hết trích).
 
Tân” có phải là củi khô, cỏ gai hay không, ngay sau đây sẽ là dẫn 
chứng:

Khi giải thích câu “Ngoạ tân thường đảm”, Hán điển đã chú giải rõ 
ràng chữ “tân” có nghĩa là “sài thảo” 柴草. Mà “sài thảo” 柴草 
là gì? Cả Hán điển và  Hán ngữ đại từ điển đều giảng “sài thảo” là 
“dụng tác nhiên liệu đích thụ chi, tiểu mộc hoà tạp thảo đẳng. Diệc 
chỉ trang giá đích hành, diệp -用作燃料的樹枝,小木和雜草等.
指莊稼的莖,, nghĩa là: 
 
1.   Chỉ cành cây, cây nhỏ, các loại cỏ tạp dùng làm nhiên liệu đun nấu.
2. Các loại phụ phẩm, phế phẩm như cành nhánh, thân cây, rơm rác 
của nhà nông sau khi thu hoạch,…

Thực ra, bản thân chữ “tân” cũng đã có nghĩa là “củi”, “cỏ” rồi. 
Điều này dễ hiểu vì tân (củi, nhiên liệu đun nấu nguồn gốc thực 
vật), thì được hiểu với nghĩa rất rộng, bao gồm rất nhiều thứ, trong 
đó có cả cành cây lẫn các loại cây thân thảo, rơm rạ, các loại cây 
gai mọc thành bụi, chứ không dứt khoát phải là cây, cành thân gỗ. 
Theo đây, Việt vương Câu Tiễn đã chủ ý dùng các loại củi có cành 
nhánh lởm chởm gai góc, các loại cọng cỏ, rơm rác tạp nham trải 
xuống làm đệm ngủ, khiến sự nhọn sắc của nó làm cho giấc ngủ 
không được yên, đặng luôn trằn trọc nhớ đến nỗi nhục bại trận mà 
quyết chí báo thù. 

Cũng cần nói thêm, là tất cả các tranh minh hoạc tích truyện “Nằm 
gai nếm mật” của Trung Quốc đều vẽ Việt vương Câu 
Tiễn nằm/ngồi lên cái nệm trải bằng những cành nhánh củi khô gồ 
ghề lởm chởm, cỏ gai xù xì.
 
Thành ngữ tục ngữ cần ngắn gọn, bởi thế từ ngữ trong đó đôi khi 
phải được hiểu với nghĩa mang tính quy ước, trong khi chữ “tân” đã 
đảm đương quá tốt việc gánh nghĩa trong câu rồi, và theo tôi không 
cần phải bàn cãi gì thêm.
 
3.
VCĐ viết tiếp: “Tôi ngờ rằng, xuất xứ [từ nguyên] của thành ngữ 
tiếng Việt đúng là từ câu “Ngọa tân thường đảm” nhưng viết chữ 
“tân” khác chữ tân ông Công viết. Chữ ông Công viết thì hẳn có cơ 
sở từ Từ điển từ nguyên chữ Hán. Nhưng cách làm việc với chữ 
Hán của người Việt thì khác.
 
Xưa thầy đọc và viết chữ mẫu cho học trò cũng từ sách chữ Hán, 
nhưng theo cách hiểu của thầy [“tận tín ư thư bất như vô thư”] trò 
thì lại “vọng âm đoán chữ” [nghĩa] chứ cũng thường không có sách 
GK. Thầy – trò mỗi người xê dịch một chút, câu 臥薪嘗膽 dần 
chuyển thành 臥辛 [hoặc ]嘗膽. Tân viết thành = cay; viết 
thành = bờ, bến đều sẽ trực tiếp chuyển nghĩa đến thành ngữ 
này.  đúng hơn, vì nó đối chằn chặn với đắng (mật) xa hơn 
một chút, nhưng nó cũng dễ dẫn đến “nằm bờ, ngủ bụi’ và vì là bờ 
bụi thì nhiều gai hơn là củi khô. Đưa nằm trên củi 臥薪 = nằm trên 
khấp khểnh, nó ép làm đau thân người ngủ đến nghĩa “nằm gai” thì 
gượng ép vô cùng. Mọi gượng ép bất thành khẩu ngữ [thành ngữ].
Vâng, chữ T – Â – N trong Hán ngữ có 27 cách viết khác nhau; 
cùng có nghĩa = củi nhưng lại còn có nghĩa là tiền lương. Vì vậy, 
trong Vua tiếng Hán lẫn Vua tiếng Việt với thành ngữ trên, viết là 
 đúng hơn dù viết là hay đều ghi điểm” (hết trích).

Vài điều trao đổi nhanh:
- Xưa kia học trò được được thầy chữ Nho dạy rất kĩ. Đặc biệt các 
điển cố, điển tích trong kinh sách thì thầy cắt nghĩa từng chữ, học 
trò thông hiểu làu làu, chứ đâu phải chuyện thầy đọc một đằng trò 
hiểu và chép một nẻo. Điều này xuất phát từ thực tế, là lối văn xưa 
chuộng tầm chương trích cú. Một bài thơ, bài văn có được đánh giá 
cao hay không, phụ thuộc rất nhiều vào việc người viết ra nó có vận 
dụng điển cố điển tích được nhiều hay không. Bởi thế, nếu đến cái 
điển tích bình dân như “Ngoạ tân thường đảm-Nằm gai nếm mật” 
mà còn không biết chữ “tân” nghĩa là gì, thì đó kiểu học hành của 
học trò ngày nay, chứ sao có thể ví với các cụ ngày xưa được.

- Nói học trò xưa “thường không có sách giáo khoa”, là không 
đúng. Vì sách giáo khoa của các cụ xưa kia chính là Tứ thư ngũ 
kinh, các sách về điển cố điển tích. Nếu không có sách in thì chép 
lại mà học; chép lại cũng là một cách học. Thế nên sách vở, kinh 
sách truyền đời của các cụ xưa kia không thiếu.

- Việc bác VCĐ “ngờ” hay tin rằng chữ “tân” trong “Ngoạ tân 
thường đảm” có tự hình nghĩa là “cay”, vì cay “nó đối chằn chặn 
với đắng” (để có thể hiểu thành “Nằm cay nếm đắng”, hay “Nằm ớt 
nếm mật”?) đó là quyền của bác. Tuy nhiên, tự mình suy diễn, làm 
cái việc cưỡng từ đoạt lí, đoán chữ vô căn cứ, rồi lại cho rằng cái sự 
nói có sách mách có chứng của người khác là “sai tiếp”, thì lại là 
chuyện hài hước.

- Bác VCĐ còn cho rằng, chữ tân “(nghĩa là bờ, bến) xa hơn một 
chút, nhưng nó cũng dễ dẫn đến “nằm bờ, ngủ bụi’ và vì là bờ bụi 
thì nhiều gai hơn là củi khô”.
 
Tưởng tượng thế nào đó là quyền của người viết. Tuy nhiên, nên 
nhớ là Việt vương Câu Tiễn “Nằm gai nếm mật” ngay trong nhà 
mình chứ không có chuyện ông ta ra bờ ra bụi nằm để cho nó 
“nhiều gai hơn là củi khô”. Còn về sau, “Ngoạ tân thường đảm - 
Nằm gai nếm mật”, được dùng để ví với chuyện Việt vương Câu 
Tiễn xưa kia tự đày ải thân mình để nuôi chí phục thù; chịu đựng 
mọi gian khổ, quyết mưu đồ việc lớn, chứ không hẳn là cứ phải 
“Nằm gai nếm mật”, hay “nằm bờ nằm bụi” thật.


  Một số hình ảnh minh hoạ Việt vương Câu Tiễn "Ngoạ tân thường đảm" trong tranh của Trung Quốc.

Ngay cả tích Việt vương Câu Tiễn cũng vậy. Chuyện ông ta nằm 
trên củi gai, nếm mật đắng, cũng chỉ mang tính biểu tượng, thể hiện 
quyết tâm nuôi chí báo thù, hoặc được người đời sau thêu dệt thêm 
mà thôi. Không ai ngây thơ tin đó là sự thật, vì nếu ngày nối ngày 
tự đày ải từ ăn đến ngủ như vậy thì lấy đâu ra sức khoẻ mà báo thù?
 
Thế nên, chữ “tân” Nguyễn Trãi dùng trong Bình Ngô đại cáo chính 
là chữ tân có nghĩa là củi, cỏ gai, đúng như điển tích chứ không 
phải là chữ tân là cay hoặc tân có nghĩa là bến, bờ như VCĐ 
"ngờ rằng".
Việc “chuyển nghĩa” tân (củi) thành tân (bến bờ), để nó “dễ dẫn 
đến “nằm bờ, ngủ bụi’ và vì là bờ bụi thì nhiều gai hơn là củi khô”, 
là việc làm máy móc và buồn cười.
  
Tóm lại, với trường hợp thành ngữ “Ngoạ tân thường đảm - Nằm 
gai nếm mật”, thì chữ nghĩa trên giấy trắng mực đen hãy còn sáng 
rõ như ban ngày, dẫn chứng nhiều vô kể. Bởi thế, theo tôi không 
nên bỗng dưng đem ra suy diễn đoán già đoán non kiểu thầy bói 
xem voi, rồi vô tình lại góp phần vào cái việc dĩ hư truyền hư của 
Vua Tiếng Việt vốn đã quá đáng lắm rồi.

                                                                         Hoàng Tuấn Công
                                                                          (9/12/2024)

Không có nhận xét nào: