VÀI LỜI GIỚI THIỆU: Thanh
Phương là bút hiệu của thầy Hồ Ngọc Thanh, trước năm 1975 là giáo sư trường
Nguyễn Hoàng - Quảng Trị. Đây là câu chuyện thật, tác giả viết tự sự về chính
mình. Tôi được tác giả cho phép gởi đăng trên báo mạng, hầu học trò và bạn đọc
hiểu thêm tâm tình của một nhà mô phạm. Châu Thạch 1. Vợ chồng ông bà Giáo sống trong căn phố nhỏ ở xóm
chợ An Đông, ít giao du với các gia đình trong xóm. Sống trong xóm trên 3 năm
dài, ông bà chưa biết hết tên những gia chủ trong xóm và không có dịp quan hệ với
họ, ngoại trừ hai gia đình sống liền kề con phố của họ. Tưởng họ sống khép kín.
Nhưng không. Họ sống vậy vì tuổi tác. Thực ra họ có nhiều con cháu ở riêng
không xa đó. Họ có nhiều bạn bè đồng nghiệp ngành y và giáo dục, nhất là ông có
rất nhiều cựu học trò nay tuổi đã cao. Bạn hữu và học trò xưa, cũng như con
cháu thỉnh thoảng đến thăm ông bà. Họ đón đưa nhau rất thân tình, có khi họ
cùng nhau đi chơi xa một đôi ngày hoặc suốt tuần lễ. Đang ở tuổi “Bát thập chờ
qui” nhưng ông bà trông còn trẻ hơn tuổi cả chục năm. Trẻ trung trong trang phục,
sáng nào trong tuần ông bà áo quần trắng đến Trung tâm dưỡng sinh và vật lý trị
liệu để thực tập cách sống vui, sống khỏe. Sáng chủ nhật ông bà phục sức chỉnh
tề, sang trọng đi lễ nhà thờ Tin Lành. Giờ nghỉ, ông bà thường ở nhà đọc sách
báo, xem tivi hoặc viết sách, và tiếp con cháu, bạn bè đến thăm. Họ chuyện trò
tâm giao, có khi đãi nhau bữa cơm, chén chè tình nghĩa. Cuộc sống họ thật êm đềm
và an lành. Họ là cặp đôi xứng hợp và tốt đẹp như lời của những người bạn thân
nhận xét. 2. Qui luật “sinh ký, tử qui”, “hữu sinh, hữu tử”
không ai thoát sự chết, và Nho gia đã từng ví “Ngũ niên, Lục nguyệt, Thất nhật,
Bát thời”. Sự sống của con người, nhất là đối với người già ở tuổi 70 hay 80 được
đo bằng ngày, bằng giờ. Như ông bà đang ở tuổi 80 thì sự chết có thể đến bất cứ
giờ khắc nào. Quả vậy. Vừa qua tuổi 80 bệnh tật tái phát, ông phải
nhập viện cấp cứu, phải đại phẩu tốn kém vô cùng suốt 2 tháng nằm viện tưởng đã
chết. Nhưng ông vẫn sống được, về nhà bà chăm sóc ông theo chế độ kiên khem về
ăn uống, thuốc men và quan hệ xã hội. Ông cảm kích tình yêu của bà đối với ông
“tương kính như tân” cho đến ngày đầu bạc răng long. Bà là tấm gương sáng nêu
cao tình nghĩa phu thê, xứng đáng với tình yêu của ông dành cho bà từ thuở ban
đầu suốt 60 năm qua. Không ai đoán định sự sống, sự chết của mình được. Ông
không chết vì bệnh tim nghiêm trọng, bà lại chết vì một bệnh cũng vô cùng
nghiêm trọng khác: bệnh ung thư. Bệnh quái ác đã cướp mất sự sống của bà đang
phơi phới như hồi xuân. Chỉ một thời gian ngắn tích cực chạy chữa, đành thua tử
thần. Ra đi không kịp từ giã bạn bè, xóm giềng, bà con nghe tin không ai khỏi bị
sốc vì quá bất ngờ, khó tin được. Ngay cả người nhà, mặc dù đã đón đợi trước,
cũng không ngờ quá nhanh. Để lại bao thương tiếc cho chồng con, gia đình, bạn
bè. An ủi cho người ở lại là sự ra đi của bà thật quá nhẹ
nhàng như trở bàn tay, không đau đớn dằn vặt. Tang sự được tổ chức tốt đẹp, mồ
yên mã đẹp đúng như tâm định của ông nói với bà khi sinh thời. 3. Bà về Thiên quốc, để ông lại một mình côi cút. Ngày
hai buổi sáng chiều, ngồi nhìn ảnh bà đối diện, ông nhớ bà, tưởng như bà đi đâu
chưa về. Nhớ bà, ông nhớ những giờ phút có bà bên cạnh. Bà lo cho ông bữa ăn,
thức uống và cả giấc ngủ, uống thuốc chữa bệnh. Ông thấy rõ mục đích Thiên Chúa
dựng nên người nữ là để “giúp đỡ người nam” dù người nam mạnh mẽ hơn để làm chỗ
dựa cho người nữ. Thiếu vắng bà, ông thấy hụt hẫng như đũa một chiếc, dép lẻ
đôi. Ngồi buồn, nhớ bà. Ông nhớ từ những ngày tháng xa xưa khi mới yêu bà, thư
từ hẹn hò, nhớ những ngày tháng vợ chồng nồng ấm, sinh con cái, có danh phận và
cả những năm tháng sa cơ lỡ vận. Dù cuộc sống đổi thay, tình yêu ông bà dành
cho nhau vẫn mặn nồng như thuở thanh xuân. Bà hạnh phúc về điều đó, và vì cớ đó
khi lâm bệnh, bà sợ ông còn lại một mình tội nghiệp, bà không đành ra đi. Nhưng
ý người không hơn được ý trời, bà phải ra đi. Thân xác bà trở về cùng bụi đất,
linh hồn về cùng Thiên Chúa, nhưng tâm tình bà cứ vương vẫn cõi trần cùng ông.
Trong tâm tưởng, ông bà vẫn bên nhau, hằng ngày ông viết thư tình thương nhớ
bà. Đôi ba ngày, có nhiều đêm liền bà về với ông trong giấc ngủ, có khi ông
đang mơ màng như chiêm bao. Bà vỗ vai ông, đập tay ông như thức ông dậy, có khi
ông có cảm giác như bà đang đắp chăn cho ông, hoặc bà đang sưởi ấm cho ông như
hiện tượng “bóng đè”. Ông âm thầm hưởng cảm giác như bà đang về cùng ông. Điều
này vẫn xảy đến vào những ngày ông về quê ở Huế, hoặc khi ông đang ở Buôn Ma
Thuột thăm gia đình con gái, và ở Đà Lạt thăm thân nhân gia đình, không chỉ
trong giấc ngủ đêm mà cả trong giấc ngủ trưa. Một hiện tượng rõ nét có khi ông
đang tỉnh ngủ, chỉ lim dim mắt một buổi chiều cuối tuần, ông cùng các con vào
viếng mộ bà. Từ ngoài cửa nghĩa trang nhìn vào khu mộ, ông thấy người phụ nữ
nào như bà đang ngồi bên phần mộ bà. Tiến lại gần, bóng người tan biến theo luồng
gió nhẹ như khói lam chiều bay lên không trung. Ông biết bà đang còn lơ lững
bên ông trong khi ông vẫn không quên được bà với sự thương yêu sâu đậm. Ông nhớ
bà da diết, nhớ tất cả mọi điều hạnh phúc ông bà đã có được, nhớ những ngày
tháng khó khăn mà bà phải chịu đựng trong những năm tháng thiếu vắng ông sau
năm 1975. Nhưng bà đã được bù đắp bằng tình yêu của ông, và sự yêu thương của
con cháu, sự tôn trọng của bà con họ tộc. Gần 60 năm tình sâu nghĩa nặng dành cho bà, ông vẫn cảm
thấy như chưa đủ. Vì vậy ông lại càng yêu bà hơn, và bà cũng yêu ông hơn, đến nỗi
khi đã mãn phần trên đất rồi mà tình già cũng cứ quấn quýt nhau không dứt. Cho
hay, nghĩa phu thê là một sự nhiệm mầu, như là món quà mà Thiên Chúa ban cho
hôn nhân của hai kẻ yêu nhau hết lòng. Biết đâu nếu có kiếp sau, ông bà vẫn còn
là cặp đôi xứng hiệp. Ông tự mỉm cười với ý tưởng này. Thanh Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét