BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2023

“HOÀNH SƠN NHẤT ĐÁI, VẠN ĐẠI DUNG THÂN” – Hoàng Đằng


Tác giả Hoàng Đằng

Các điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn (1558 – 1626) trong địa bàn huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị được xếp hạng “Di tích lịch sử quốc gia” vào năm 2018.
 
Baoquangtri.vn ngày 30/3/2023 đưa tin UBND tỉnh: “Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia “Các điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn (1558 – 1626).”
 
“Thông qua quy hoạch này, xác định các nhóm dự án hoàn thành, nhóm dự án ưu tiên trong giai đoạn trung hạn 2023 – 2025, 2026 – 2030 và tầm nhìn đến 2050 …”
 
Trong đó, “… mục tiêu dài hạn là bảo tồn, tôn tạo, phục hồi các yếu tố mang thuộc tính lịch sử gốc của di tích, đồng thời tạo ra một không gian lưu niệm lịch sử nhằm tôn vinh, tưởng niệm về thời kỳ lịch sử các Chúa Nguyễn cũng như tạo ra một khu du lịch mang tính chất lịch sử - văn hóa để kết nối với các di tích lịch sử hiện có ở vùng phụ cận, làm đa dạng, phong phú hơn sản phẩm du lịch Quảng Trị…”
 
*
Như thế, không chóng thì chầy, tỉnh Quảng Trị sẽ có thêm “một khu du lịch mang tính lịch sử - văn hóa”.
 
Sự quan tâm của chính quyền đến vùng đất khơi nguồn sự nghiệp mở cõi phương Nam làm cho lòng tôi dậy lên mừng vui, khiến tôi tìm đọc những tài liệu liên quan.
 
Và khi đọc, tôi lại nảy ra trong trí đôi điều thắc mắc về một vài sự kiện lịch sử, trong đó, có câu sấm: “HOÀNH SƠN NHẤT ĐÁI, VẠN ĐẠI DUNG THÂN” (Một dãi Hoành Sơn – đèo Ngang, dung thân đến muôn đời).
 
*
 
Lời sấm trên, xưa nay, được cho là của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585), một đại nho thông thái không những văn chương mà còn cả lý số, khi Nguyễn Hoàng (1525 – 1613) cho người đến thỉnh ý trước khi vâng mệnh vua Lê chúa Trịnh vào trấn thủ Thuận Hóa năm 1558.
 
Wikipedia, ở mục “Nguyễn Hoàng”, có đoạn:
 
“ … Bàn mưu với bác họ là Nguyễn Ư Dĩ, Nguyễn Hoàng ngầm sai sứ giả tới hỏi Trạng Trình. Nguyễn Bỉnh Khiêm, người làng Trung Am, xứ Hải Dương, đỗ Trạng nguyên triều Mạc, làm đến chức Thái Bảo về trí sĩ, lúc đó đã có tiếng giỏi nghề thuật số. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhìn cái núi non bộ ở trước sân mà ngâm lớn rằng: Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân, nghĩa là: Một dải núi ngang có thể dung thân muôn đời được. Khi sứ giả về thuật lại câu ấy, Nguyễn Hoàng hiểu ý ngay.”
 
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, trong thời Nam – Bắc triều (1533 – 1592), sống và làm quan trong vùng do nhà Mạc (Bắc triều) cai trị (từ Ninh Bình trở ra) và rất được nhà Mạc ưu ái, trọng nể; bằng chứng là Ngài được phong tước Hầu (Trình Tuyền Hầu) rồi tước Công (Trình Quốc Công).
 
Còn Nguyễn Hoàng sống trong vùng do chúa Trịnh vua Lê (Nam triều) quản lý (từ Thanh Hóa trở vào).
 
Chúa Trịnh vua Lê và nhà Mạc là địch thủ của nhau, cai trị hai vùng riêng biệt. Làm sao có người từ vùng này sang vùng khác hỏi quốc sự với một vị quan lớn đang phục vụ chính quyền vùng ấy và rất được trọng dụng?
 
Tôi không tin việc Nguyễn Hoàng cho người ra thỉnh ý Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trước khi vào Thuận Hóa năm 1558.
 
Có nguồn nói lời sấm trên là Nguyễn Hoàng nhận từ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm lúc cho người đến thỉnh ý trước khi về lại Thuận Hóa năm 1600.
 
Nguyễn Khoa Chiêm (1659 – 1736) trong “Nam triều công nghiệp diễn chí” viết:
 
“Năm Canh Tý, niên hiệu Hoằng Định năm đầu (1600), mùa hè, ngày mồng một tháng năm, hữu thừa tướng Đoan quốc công Nguyễn Hoàng thấy tình cảm đối xử của Bình An vương Trịnh Tùng ngày một thưa nhạt, phải tính kế giữ mình, nhưng không nghĩ ra cách gì, bèn sai người đem vàng bạc làm lễ vật đến biếu viên quan nhà Mạc đã hưu trí về làng là Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm để hỏi kế giữ thân, Trình quốc công bèn lấy giấy bút viết tám chữ giao cho người tâm phúc của Nguyễn Hoàng đem về. Đoan quốc công Nguyễn Hoàng mở thư đọc thấy tám chữ: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung nhân” (Nghĩa là “Hoành Sơn một giải, dung thân muôn đời”). Đọc xong, Nguyễn Hoàng trầm ngâm nghĩ ngợi suốt cả một ngày mới chợt hiểu ra. Từ đó chỉ nghĩ cách tìm đường trở về trấn cũ.”
 
Chuyện Nguyễn Hoàng và đoàn tùy tùng từ Thuận Hóa ra Bắc rồi từ Bắc trở lại Thuận Hóa có nguyên cớ như sau:
 
Năm 1592, chúa Trịnh vua Lê từ Thanh Hóa ra đuổi nhà Mạc lấy lại Thăng Long. Năm 1593, Nguyễn Hoàng từ Thuận Hóa cùng đoàn tùy tùng ra Thăng Long mừng và ở lại giúp chúa Trịnh vua Lê dẹp tàn quân nhà Mạc, bình định lãnh thổ. Chúa Trịnh muốn giữ Nguyễn Hoàng ở lại đất Bắc, nhưng Nguyễn Hoàng không muốn và người ta đồn rằng Nguyễn Hoàng cho người hỏi ý kiến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và được dạy: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân.”
 
Thông tin này cũng vô lý. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm mất từ năm 1585, trước khi mất, chắc chắn phải đau yếu nhiều năm, thân thể mệt mỏi, trí não không còn sáng suốt. Vậy thì chuyện Nguyễn Hoàng cho người vấn ý để trở lại Thuận Hóa năm 1600 không có tính thuyết phục.
 
*
 
“SỬ” là chuyện thật, diễn ra trong quá khứ, “SỬ KÝ” là chuyện xưa do con người thuật lại, ghi chép lại (ký: ghi chép).
 
Sử được chép lại phải qua lăng kính của sử gia. Do trình độ, do thiên kiến, do áp lực, do muốn tuyên truyền, sử gia đã xào nấu lịch sử, vì vậy, sử ký không bao giờ là thật hoàn toàn.
 
“Tận tín thư bất như vô thư” (tin vào sách hoàn toàn thà chẳng có sách còn hơn), tôi nghĩ là chuyện Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm khuyên Nguyễn Hoàng: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” là do đời sau bịa ra.
 
Bịa ra làm gì?
 
Khi giữa chúa Trịnh đất Bắc và chúa Nguyễn đất Nam “cơm hết lành, canh hết ngọt”, chúa Nguyễn tạo ra giai thoại để tuyên truyền việc dựng riêng cơ đồ ở Đàng Trong là do Trời định qua lý số từ ông thầy giỏi là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
 
                                                                                  Hoàng Đằng
                                                                                    05/4/2023
 

Không có nhận xét nào: