BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2023

TẨU VI THƯỢNG SÁCH - Tam Quốc Chí ngoại truyện của Chu Vương Miện




Trong pho binh pháp "Tam Thập Lục Kế" được phác thảo vào thời Nam Bắc triều cỡ thế kỷ thứ sáu sau Công Nguyên, sách này thuộc vào loại Vô Danh Thị, ghi lại những mưu kế của nhiều nhà, từ thời nhà Tây Châu, qua nhà Tần nhà Hán nhà Tam Quốc, nhà Tấn... Chỉ ghi lại rất là giản đơn [đơn giản] những mưu kế xuất hiện trong giai đoạn nào đó thành công hay thất bại, ghi chép chung chung và có nhận xét chút chút. Không Thành Kế thuộc vào loại kế thứ 32, Liên Hoàn Kế là kế thứ 35, và sau chót cùng là Kế "Tẩu Vi Thượng Sách" còn một tên khác là "Dĩ Đào Vi Thượng" là Kế thứ ba Mươi Sáu nói nôm na là Kế Sách "Rút Lui", Rút Lui có trật tự hoặc Di Tản Chiến Thuật.
 
Thực ra đã được gọi là Kế Sách Chiến Thuật Chiến Lược Quân Sự thì Kế Sách nào cũng hay và tuyệt vời ngang ngửa với nhau. Chỉ cần áp dụng cho phù hợp với hoàn cảnh địa lý và chiến trường là Tốt thôi, nhưng đã gọi là Thượng Sách chắc là có uẩn khúc li kỳ chi đây. Đạo làm tướng của Trung Quốc qua sách vở và truyện Tàu ghi chép lại thì chỉ có 5 điều duy nhất:
 
1/ Gặp địch là đánh [Công]
2/ Đánh không được thì Thủ [Giữ Thành]
3/ Thủ không nổi thì Tẩu [Rút Lui - Chạy]
4/ Tẩu không nổi thì Tử [Chết]
5/ Tử không được thì Đầu Hàng [dơ tay và mở cửa ải]
 
Rút lui chạy là khó nhất, phần phải phân bổ quân trấn đóng những nơi hiểm yếu, đoàn quân rut lui phải hoàn toàn trật tự, trước yểm trợ cho sau, và sau yểm trợ lại cho trước, giữ trật tự và an toàn cho đến khi làm xong nhiệm vụ. Nếu không biết điều động phối hợp có khi cuộc rút lui bị quân địch đánh cho tơi bời hoa lá tan tành xí quách hết.
 
*
Lưu Huyền Đức hỏi:
- Ai dám đi đánh Tào Chương?
Lưu Phong hăng hái nói:
- Xin phụ thân cho con đi.
Mạnh Đạt cũng tiến ra xin đi, Huyền Đức nói:
- Cho cả hai cùng đi xem ai lập được công!
 
Bèn cho mỗi tướng năm ngàn quân, Lưu Phong đi trước Mạnh Đạt đi sau. Bên kia Tào Chương đi đầu, gặp Lưu Phong bèn xông tới giao chiến. Đánh nhau mới ba hiệp, Phong đã thua to bỏ chạy về. Mạnh Đạt thúc quân tiến lên, đang toan giao phong với Tào Phương, bỗng thấy quân Tào nhốn nháo hỗn loạn! Thì ra Mã Siêu với Ngô Lan chia binh hai đường đành tới bất thần. Quân Tào sợ hãi không còn bụng nào chiến đấu. Mạnh Đạt thừa thế dồn quân đánh mạnh vào. Lại thêm quân Mã Siêu nghỉ ngơi luyện tập lâu ngày, bây giờ dư sức dương oai diệu võ, quân Tào không sao chống nổi, chỉ biết xô nhau chạy trốn. Tào Chương đang xông xáo lo cứu nguy, thì gặp ngay Ngô Lan hai tướng liền giao phong, đánh chỉ vài hiệp Chương đã đâm Ngô Lan một kích chết lăn xuống chân ngựa. Quân Tào phía sau ào lên, hai bên hỗn chiến một trận, rồi Tháo thu binh về Tà Cốc đóng trại.
Tháo đóng quân đã lâu ngày mà không biết tính sao. Muốn tiến đánh thì bị Mã Siêu chặn lối, toan rút ui thì sợ bị quân Thục chê cười, thành ra cứ dùng dằng không quyết. Một buổi chiều Tháo đang ngồi buồn bực, thì người nhà bếp bưng bát thang gà lên dâng, Tháo nhìn thấy trong bát có miếng gân gà [theo cụ học giả Giản Chi là miếng nách gà toàn da va mỡ] bất giác thở dài một tiếng, chạnh nghĩ tới tình thế gay go lúc ấy mà buồn. Vừa vặn Hạ Hầu Đôn bước vào mật bẩm, xin ban cho khẩu hiệu đi tuần đêm nay, Tháo buột miệng nói luôn:
-Gân gà! Gân gà!
 
Đôn lui ra bí mật truyền dặn các tướng đêm ấy nếu có gặp nhau, thì lấy hai tiếng Gân gà làm khẩu hiệu mật. Quan Hành quân chủ bạ Dương Tu thấy Tháo truyền hai tiếng "Gân Gà" liền sai quân sĩ thu xếp hành trang, chuẩn bị ra về. Có người tới báo Hạ Hầu Đôn. Đôn giật mình vội mời Dương Tu tới dinh mình hỏi:
-Sao ông lại sửa soạn rút về?
Tu nói:
- Cứ suy hai tiếng hiệu lệnh Gân Gà đủ biết Ngụy Vương sắp rút về bất thần đấy. Vì cái gân gà không có thịt, dai lắm ăn không có vị gì bỏ đi thì tiếc. Nay quân ta tiến lên không thắng nổi, lùi thì sợ người cười, ở đây mãi cũng vô ích, chi bằng rút về cho xong. Ngày mai thế nào Ngụy Vương cũng hạ lệnh ban sư, nên tôi cho thu xếp hành trang gọn ghẽ để lúc lâm hành khỏi lục đục vội vàng.
Hạ Hầu Đôn khen:
-Ông thật đã hiểu thấu gan ruột Ngụy Vương!
 
Rồi Đôn cũng cho quân sửa soạn hành trang trước. Thế là khắp các bộ tướng sĩ trong doanh trại, ai nấy đều chuẩn bị để về.
Đêm ấy Tháo bồn chồn rối loạn trong lòng, không sao ngủ được, Tháo cầm búa sắc, lén đi tuần hành quanh các trại. Khi đến trại Hạ Hầu Đôn, thấy quân sĩ đua nhau sửa soạn hành trang như sắp rút về tới nơi. Tháo giật nẩy mình, vội về trướng, cho triệu Đôn đến hỏi duyên cớ Đôn bẩm:
- Chủ Bạ Dương Đức Tổ biết trước ý đại vương muốn rút về, nên bảo cho mọi người biết để chuẩn bị sẵn.
 
Tháo gọi ngay DươngTu vào hỏi, Tu đem ý nghĩa cái Gân Gà ra giải đáp. Tháo đùng đùng nổi giận, đập án mắng rằng:
-Sao ngươi dám vẽ chuyện, làm rối lòng quân?
Lập tức thét đao phủ thủ lội Tu ra chém, rồi truyền đem thủ cấp treo ngoài viên môn làm lệnh!
[Tam Quốc Chí từ trang 1334 - 1335- đến trang 1336 dịch giả Tử Vi Lang]
 
*
Sau đó thì Tháo ra lệnh cho rút quân "đúng với Kế thứ ba mươi sáu Tẩu Vi Thượng Sách.
Chuyện ân oan giang hồ giữa Tào Tháo và Dương Tu có từ hồi nhà Tây Hán, hồi đó kiếp trước của Dương Tu là Tiêu Hà tướng quốc,vốn là bạn thân thiết của Tam Tề Vương Hàn Tín, lúc Hàn Tín bị Hán Vương bắt bỏ sau xe, rồi giáng xuống Hoài Âm Hầu. Sau đó thì Hán Vương đi dẹp loạn, ở triều đình, Hoàng Hậu Lã Thị cho mời Hoài Âm Hầu vào bàn chuyện quốc sự, vừa vào tới gần tháp chuông, Hoàng Hậu cũng ở đó mà quan tướng quốc cũng ở đó, Hoàng Hậu Lữ Thị dơ tay làm ám hiệu, quân đao phủ võ sĩ đâm ngay cho Hoài Âm Hầu một kiếm chết tốt. Kiếp này thì Tiêu Hà đầu thai lại làm chủ bạ Dương Tu, mà Tào Tháo lại là Hàn Tín kiếp trước. Hàn Tín giận cái thằng bạn xỏ lá bất nhân, bị hạ xuống tước Hầu từ tước Vương, ở ngay đó mà Tiêu Hà không nói can dùm cho một câu nào. Đến lúc bị lừa vào để họp chuyện cơ mật thì Tiêu Hà cũng có mặt ngay nơi đó, cũng không có lời can gián nào. Thôi thì kiếp này đành cho ông bạn cố tri xơi một đao chém đầu, chấm dứt cái thằng bạn Bất Nghĩa.
 
                                                                              Chu Vương Miện

Không có nhận xét nào: