Tiếp
theo bài “Có một thầy đồ Nuôi - Giữ lửa Việt trên đất Mỹ” giới thiệu về anh Hoàng
Thắng - một cựu Nguyễn Hoàng tài năng của khóa 1961-1968, với một nghị lực đáng
khâm phục anh đã thực hiện được ước mơ trở thành người dạy tiếng Anh và văn
chương Anh Mỹ cho người Mỹ ngay trên đất Mỹ của mình. Bên cạnh việc giảng dạy tại
các trường công lập Mỹ, anh còn hóa thân thành Thầy Đồ Ngọc Sương trong ngôi
trường “Thầy Đồ Hoàng” để giúp cho nhiều học sinh Việt có đủ khả năng theo học
tại các trường Trung học Mỹ.
Hôm
nay, chúng tôi xin được giới thiệu một bài viết mới của anh Hoàng Thắng - một
người suốt gần 40 năm đã nói - viết - giảng
dạy và giao tiếp bằng tiếng Anh như ngôn ngữ chính của mình.
QUÊ
TÔI BÊN GIÒNG SÔNG THẠCH HÃN
Hoàng Thắng
(Thân
tặng Hùng Vĩnh Phước, người đã đem tiếng và ngữ vựng Quảng Trị vào thơ một cách
dễ mến và dễ thương).
Tôi quê nội ở huyện Vĩnh Linh và quê ngoại ở huyện Triệu
Phong. Tôi là người Quảng Trị đứt đuôi con nòng nọc. Xin quí độc giả cho phép
tôi không nêu tên hai làng nội, ngoại kẻo lỡ người nào không đồng ý quan điểm của
tôi lại trù ẻo tôi bằng cách lôi hai làng của nội ngoại của tôi ra hài tội, bà
con nội ngoại của tôi sẽ không tha tôi đâu.
“Mi làm mi chịu, sao bắt tau chịu?”
Tôi viết bài này trong một buổi trà dư tửu hậu, rơi
vào Lễ Nghỉ Đông (theo như bạn tôi, anh Lê Đình P., đã đặt cái tên mỹ miều
[Winter Break] này cho ngày lễ Giáng Sinh.)
Hoan hô anh Lê Đình P. đã đưa ngữ vựng Việt Nam mới vào ngôn ngữ Quảng
Trị (anh Lê Đình P., bạn thân tôi, là người Quảng Tri, cũng đứt đuôi con nòng nọc
như tôi). Từ nay chữ Nghỉ Đông là bản quyền của anh Lê Đình P. Xin đừng ai
giành giật.
Nói rằng tôi là người Quảng Trị 100% thật cũng chưa
đúng. Tôi sinh ra ở Tuyên Hóa, Quảng Bình khi gia đình tôi đang tản cư ở đó.
Mãi tới năm 1953, gia đình tôi mới trở về và trú ngụ tại thị xã Quảng Trị.
Nhưng với tôi, dù sinh ra ở Quảng Bình nhưng cha mẹ gốc gác Quảng Trị thì “miềng”
cứ là người Quảng Trị ! Điều đó, đối với tôi là một định đề toán học chắc nịch.
Tôi học trường Nam Tiểu Học và rồi Nguyễn Hoàng. Đến năm 1967, tôi buộc phải chuyển vào trường
Quốc Học ở Huế, chỉ vì tôi học ban C mà năm đó trường Nguyễn Hoàng chưa mở lớp
đệ Nhất C. Tôi rất buồn khi phải xa đám bạn thân thiết và cả người bạn gái xinh
đẹp đã từng là “cô láng giềng” từ hồi
tôi mới 12 tuổi. Mang thân “nam
nhi chi chí”, tôi khăn gói theo anh em vào Huế học. Nhóm Quảng Trị chúng
tôi đã làm anh em bạn hữu Quốc Học-Huế ngạc nhiên không ít. Đứa nào cũng học
“được”, học “ngon”, nhất là anh Nguyển Ngọc T. quê Khe Sanh, tiếng Pháp viết
hay như Tây, và Việt Ngữ thì siêu đẳng như Cao Bá Quát (Đó là ý kiến ví von của
tôi và một thầy dạy Việt Văn ở Quảng Trị).
Sau một năm học ở Huế, tôi lại bắt chước đi theo nhóm
bạn gốc Huế, ra ngồi cầu Trường Tiền (lúc đó chưa bị giật sập) để “nghễ” các cô
nàng nữ sinh xứ Huế và học đòi làm người Huế. Tôi cũng theo anh em Huế ra quán
cà phê Chị Lợi để ngắm mấy chị em cô chủ quán xinh đẹp và để được nhìn trộm nhà
thơ Mường Mán - nhà văn Làng Chuồn nổi tiếng một thời, với các truyện dài -
truyện ngắn dành cho tuổi hoa niên. Thời gian này, gần như tôi rất ít gần gũi với
các bạn Quảng Trị cùng vào Huế học như tôi, chỉ vì tôi học đòi cách “đài các” của
xứ Huế. Mà đâu chỉ riêng tôi, người anh họ tôi đi nước ngoài có 4 năm, lúc về
Việt Nam cũng ăn mặc để tóc dài như nhóm nhạc The Beatles và nói tiếng Việt đã
có phần khang khác. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi rất nhanh, cái “cung cách các mệ” mất ngay khi tôi rời
Huế. Tôi vẫn là cậu học trò của quê hương Quảng Trị! Xin hãy tha thứ cho sự
nông nổi của tôi !
Tết Mậu Thân, ba mẹ tôi bắt cả ba anh em tôi về Quảng
Trị. Tôi tưởng tượng nếu còn ở Đaị Học Xá Nam Giao, không khéo anh em tôi cũng
đã được “anh em” ngoài Bắc vào chôn sống
rồi ! Giờ đây, tôi đâu còn được nghe hai ba nhà văn đồ tể Huế chối bai bải là
không giết đồng bào ruột thịt của mình hay chối là bí thư đoàn, tự nhận mình vượt
biên chống Cộng nhưng qua Mỹ vẫn tiếp đón trọng thể một trong những tên đồ tể
này... Kỷ niệm về Huế không nhiều, dù cộng tới cộng lui, tôi cũng đã ở Huế 3
năm. Ba năm chưa đủ để tôi đổi “nói” thành “noái”,
“chén” thanh “chéng”, “đọi” thành “đoại”.
Tôi vẫn giữ giọng nói của Quảng Trị dù lưu lạc theo học
ở Đà Lạt gần bốn năm, trở về Huế một năm, Saigon tám năm và tiếp tục tha phương
cầu thực ở một nơi xa quê hàng chục ngàn dặm trong hơn ba mươi lăm năm chưa một
lần trở lại quê hương Quảng Trị. Ở đó hàng ngày, tôi phải nói một thứ tiếng của
nước khác, nhưng nếu có dịp được nói tiếng Việt với người Quảng Trị hay người
miền Trung, tôi vẫn trở về với giọng nói Quảng Trị thương yêu. Đôi khi gặp người
lạ, họ hỏi tôi có phải là người Huế không? Tôi trả lời ngay “tôi là người Quảng Trị !” Tôi không muốn
có sự hiểu lầm nào về giọng nói, gốc gác của tôi.
Một kỷ niệm buồn cười là vào giữa năm 1969, tôi theo một
số bạn người miền Nam về tận Cà Mau. Khi đi mua thuốc lá (lúc đó tôi rất ghiền
thuốc lá), cụ bà bán thuốc không hiểu tôi là người từ “nước” nào đến. Tôi nói
đùa tôi là người nước “Quảng Trị”. Bà không hiểu, bà cụ hỏi tôi có phải
tôi người Nhật không? Rõ ràng bà cụ không thông thuộc địa dư lịch sử. Sau cùng,
anh bạn người Nam bảo với bà cụ tôi là người nước “Huế”, bà cụ “À !” và hiểu liền. Nhưng đây, không phải là trường hợp
cá biệt, nhiều người miền Nam nhất là ở vùng sâu miền Tây vẫn xem tất cả người
Trung là người Huế.
Cách đây gần ba mươi năm, trong một buổi picnic ngoài
trời của trường Quốc Học Huế ở nước ngoài, tôi có được một giấy mời. Nói cho
oai, tôi cũng phải đóng tiền mới được vô ăn. Tôi đi vì một bạn Huế của tôi nằng
nặc: “Mi phải đi, vì mi cũng đã học Quốc
Học.” Chao ôi, học Quốc Học một năm
thì nghĩa lý gì so với việc tôi học Nguyễn Hoàng, Quảng Trị đến sáu năm? Nhưng
nể bạn tôi đi cho biết. Đến đó, tôi thấy mình lạc lõng giữa không gian giọng Huế
giòn tan, ai cũng vồn vã vì vốn đã quen nhau và họ đa phần là người Huế .
Một lúc sau nhìn lại thì thằng bạn Huế của tôi đã bỏ
tôi đi vào tự lúc nào. Đang lang thang thì tôi thấy chị T. Chị T. và chị N.,
người gần Bich La, Quảng Trị, là hai chị em ruột. Ngày xưa, mỗi lần đi học, thỉnh
thoảng hai chị vẫn ghé nhà tôi để uống nước và thằng em - tôi cũng đã ngắm mãi
không chán nét xinh đẹp mỹ miều của hai chị... Hai chị là bà con xa gần với
tôi. Thời gian ghé nhà tôi cũng đủ để hai chị không quên tôi cho dù đã vài chục
năm sau. Thấy chị T., tôi vồn vã chạy đến, tôi chào chị. Rõ ràng chị nhận ra
tôi, nhưng rồi ánh mắt nhìn quay đi chỗ khác. Ngày nay, theo chỗ tôi biết, chị
đã lập gia đình với một sĩ quan VNCH cao cấp, người Huế. Tôi chào chị, chỉ nhìn
tôi, tôi hỏi có phải chỉ là chị T., quê gần Bich La, Quảng Trị không? Chị nói
ngay: “Không, tôi là người Huế !”.
Tôi bước đi và lòng bối rối, buồn rầu... Tôi không thể nhầm lần được vì trí nhờ
tôi rất tốt. Cái giọng Quảng Trị, Bích La kia, làm sao tôi lầm lẫn được? Tôi tự
hỏi, vì sao chị không nhận mình là người Quảng Trị? Xấu hổ chăng? Thiếu tự tin?
Hay nếu tự nhận là người Huế, chị sẽ đứng một chỗ với những người Huế “đài
các-quý phái-cao sang hơn?
Có khá nhiều người Quảng Trị tôi gặp mà họ cứ nhận
mình là người Huế. Mỗi lần như thế, tôi đều rất ngạc nhiên vì những người tự nhận
mình là người Huế đến từ mọi góc cạnh của cuộc đời. Giàu, có ! Nghèo, có ! Ít học,
có ! Bằng cấp nhiều, cũng có ! Họ né tránh và không công nhận mình là người Quảng
Trị dù giọng nói của họ rõ ràng là tiếng Quảng Trị không lẫn vào đâu được ! Phải
chăng tiếng Quảng Trị khó nghe ? Là một
người luôn luôn tìm tòi về ngôn ngữ, đối với tôi không có tiếng nói nào là khó
nghe cả, cũng không có tiếng nói nào là quê mùa cả. Hay tiếng Quảng Trị không
quý phái đài các? Lại một sự lầm lẫn nữa! Không có tiếng nói nào đài các và
cũng chẳng có tiếng nói nào quê mùa. Ngày xưa các ông vua Việt Nam chọn vợ,
không chọn tiếng nói mà các ông chọn đủ mọi miền. Vậy thì cớ sao, một số người
Quảng Trị từ chối nơi chốn rau cắt rốn của mình?
Nhiều dịp khác, tôi gặp cả gia đình Quảng Trị đi chợ.
Tất cả đều nói tiếng Quảng Trị rành rẽ... Khi tôi lại gần và chào họ bằng tiếng
Quảng Trị, họ nhìn tôi như người xa lạ. Có lúc, có người còn nói ngay: “Tôi là người Huế.” với giọng Quảng Trị “dễ thương” của tôi. Và câu hỏi lại trở
về trong đầu tôi. Tại sao người Quảng Trị từ chối gốc gác của mình? Thiếu tự
tin ! Đó là câu trả lời. Dường như việc họ nhận, mình đến từ Huế - đất thần
kinh thì lòng tự tin “giả tạo” của họ
được tăng lên trước mọi người? Vậy là càng sai lầm nữa. Mỗi lần nghe một người
Quảng Trị không nhận mình là người Quảng Trị, tôi đánh giá ngay rằng: người này
thiếu tự tin, thiếu căn bản văn hóa và thiếu cả lòng tự trọng.
Thiếu tự tin là vì họ nghĩ, nếu nói rằng mình người Huế,
có lẽ người đối diện sẽ “kính nể”
mình hơn !
Thiếu văn hóa vì họ nghĩ, nếu họ bảo mình là người Huế
chắc người đối diện sẽ nghĩ họ là người “có
học”!
Thiếu tự trọng vì nếu họ nói mình là người Quảng Trị
thì người đối diện sẽ đánh giá họ thấp hơn !
Nói cho cùng, những người Quảng Trị nhưng luôn phủ nhận
mình là người Quảng Trị, họ đáng thương hơn là đáng ghét vì họ không biết giá
trị thật của chính họ hay họ nghĩ là họ không có giá trị gì cả.
Con người khác nhau không phải vì giọng nói mà khác
nhau ở hành vi cư xử trong đời. Con người đến từ địa phương nào trong nước cũng
giống nhau, chỉ có hành vi – thái độ cư xử trong đời mới là tiêu chí đáng quan
tâm nhất để đánh giá một con người. Một người ăn trộm, ăn cướp thì dù họ đến từ
miền đất nào cũng đáng khinh và người có tư cách đến từ miền nào cũng đáng kính
trọng. Tiếng nói, chỉ là một cỗ xe-phương tiện để bày tỏ- trao đổi-chuyển tải
tư tưởng, tình cảm, thông tin... trong giao tiếp không hơn không kém. Chúng ta
đều giống nhau ngoại trừ khi chúng ta có những hành vi thiếu tự trọng trong đời
sống, lúc bấy giờ mới có kẻ đáng khinh đáng trọng.
Chính vì thế, tôi chưa bao giờ nghĩ và tự hào mình là
người Quảng Trị vì Quảng Trị cũng như các thị xã, tỉnh lỵ khác, cũng chỉ là một
phần quê hương trong tôi và luôn nghĩ rằng mọi địa phương trên cả nước đều có
những cái tự hào và những cái cần cải thiện riêng của địa phương mình.
Riêng tôi, gốc gác của tôi là Quảng Trị và tiếng nói
Quảng Trị sẽ gắn chặt vào tôi đến suốt cuộc đời. Quảng Trị quê hương tôi cũng
như mọi địa phương khác, đều có người hay kẻ dở, người thành công kẻ thất bại.
Nên nói rằng, tôi tự hào tôi là người Quảng Trị sẽ là ngoa ngôn ! Tôi không tự
hào tôi là người Quảng Trị. Tất cả địa
phương nào trên đất nước tôi đều giống nhau, ở đâu cũng có anh hùng hào kiệt,
thảo khấu vô lại, ở đâu cũng có người quân tử lẫn kẻ tiểu nhân hèn mọn. Tôi chỉ
tự hào tôi là người Việt Nam. Đất nước Việt tôi tuy nghèo (biết đâu giàu mạnh sắp
đến nơi) nhưng tổng quan, dân tộc tôi anh hùng. Tôi hãnh diện tôi là người Việt
dù hàng ngày tôi đã đọc, đã nghe biết bao nhiêu người viết lách, chê bai chính
dân tộc mình. Thật xấu hổ thay cho những người thiếu tự trọng này !
Hoàng Thắng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét