BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 6 tháng 8, 2021

CÁC ĐẠI GIÁO SƯ ĐẦU NGÀNH ĐÃ GIẾT CHẾT MÔN VĂN TRONG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG VÀ ĐẠI HỌC, GÓP PHẦN PHÁ HỦY CÁC MÔN “XÃ HỘI NHÂN VĂN”: TRIẾT HỌC, VĂN HỌC, SỬ HỌC, ĐẠO ĐỨC LUÂN LÝ... – Trần Mạnh Hảo

Nguồn:
https://www.facebook.com/tran.manhhao.376
https://www.facebook.com/phudoanlagi/posts/975310416637451:73


Giáo sư Lê Trí Viễn

Không chỉ các đại giáo sư đầu ngành đã giết chết môn văn trong trung học phổ thông và đại học mà quan niệm “văn học phục vụ chính trị” đã góp phần phá hủy các bộ môn “xã hội nhân văn”: triết học, văn học, sử học, đạo đức luân lý... tức là phá hủy chân thiện mỹ... Chả lẽ dân tộc Việt Nam thân yêu của chúng ta sắp đến ngày bị hủy diệt về tinh thần, về văn hóa, về tâm hồn... Nói gọn trước tiên là hủy diệt văn học.

                                                                               Sài Gòn, 6/8/2021
                                                                                 Trần Mạnh Hảo
 

Tác giả bài viết Trần Mạnh Hảo


Hơn 40 năm nay, để chuẩn bị dạy Tiếng Việt và văn học Việt Nam cho con trai, tôi đã vùi đầu đọc như gần hết sách vở, giáo trình, giáo khoa của ngót trăm giáo sư hàng đầu và các GSTS lứa kế tiếp…và buồn vô hạn vì họ, các nhà giáo đủ học hàm học vị hầu hết chỉ là các nhà “sai học”, thậm chí họ còn chưa biết viết một câu văn Tiếng Việt cho đúng…. Môn Tiếng Việt, môn Văn mà họ gọi là “Ngữ văn” đã bị họ thay nhau hủy hoại…

Nhà “”sai học” GS Lê Trí Viễn ( chỉ là một ông giáo tiểu học) dạy và đào tạo ra “nhà sai học” Nguyễn Đăng Mạnh. Đến lượt mình, “nhà sai học” Nguyễn Đăng Mạnh lại đào tạo ra các “nhà sai học” khác như Lê Ngọc Trà, Huỳnh Như Phương, Đỗ Ngọc Thống, Hà Bình Trị, La Khắc Hòa, Bùi Mạnh Nhị, Chu Văn Sơn, Hồ Quốc Hùng…và chót bét là Ngô Văn Giá…

Đám PGS.TS do “cha sư phạm” Nguyễn Đăng Mạnh đẻ ra giờ cũng trên dưới 60, phải gọi GS Lê Trí Viễn bằng ông. Thế hệ U 60 này của Đỗ Ngọc Thống, Chu Văn Sơn, Văn Giá…lại sinh ra thế hệ “chắt tiến sĩ” như Đỗ Anh Vũ, Nguyễn Hoài Nam…

Ông GS Viễn ơi, ông đọc ít, hiểu ít, lại mở đầu sự dạy văn trên bậc đại học rất sai như sẽ trình bày dưới đây, góp phần cùng các học trò ông là Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Lộc, Nguyễn Đình Chú, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ…dạy dỗ tào lao bậy bạ cho lớp cháu chắt nứt mắt ra đã là tiến sĩ ( dỏm), là PGS ( phong bì), gây tai họa cho dân tộc đất nước trong việc giảng dạy môn văn trong trường phổ thông và đại học.

Người bày đầu cho khái niệm “9 thế kỷ văn học ông cha thảy đều phi ngã” chính là ông GS.Lê Trí Viễn đã được GS. Nikulin ( Liên Xô) mớn cho.

“Vốn xuất thân là một cán bộ phiên dịch tiếng Việt của Ðại sứ quán Liên Xô ở ta trong những năm 50 thế kỷ trước, từng nhiều lần được gặp Bác Hồ kính yêu, kiên trì trau dồi tiếng Việt và đi sâu vào văn học Việt Nam, GS Nikulin dần dần đã trở thành một chuyên gia hàng đầu về văn học Việt Nam, từng đảm nhận chức vụ Trưởng ban nghiên cứu văn học Á - Phi của Viện Văn học thế giới mang tên M.Gorky, trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Ông là tác giả của hàng trăm công trình lớn nhỏ nghiên cứu văn học Việt Nam và một phần văn hóa Việt Nam từ ngọn nguồn cho tới thời kỳ hiện đại, đã lớn tiếng khẳng định những giá trị nhân văn lớn lao trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Ðình Chiểu, Cao Bá Quát, Hồ Chí Minh...

https://nhandan.vn/.../thuong-tiec-giao-su-n-i-nikulin...

Trong một cuốn sách của mình, GS Lê Trí Viễn khai rằng khái niệm “PHI NGÔ được gán cho 9 thế kỷ văn học ông cha thời phong kiến là sáng tạo của GS. Nikulin tặng cho ông, và ông đã dùng khái niệm : “ PHI NGÔ này để giết chết tinh thần nhân văn của ca dao, tục ngữ, của văn học dân gian, của văn học Lý Trần, của thi ca Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương…

Về việc này, “tội” của GS Lê Trí Viễn là quá lớn…
Dùng khái niệm PHI NGÃ để giết chết toàn bộ hồn cha ông trong văn học suốt 9 thế kỷ, nên ông GS. Lê Trí Viễn đã sáng tạo ra một khái niệm vĩ đại ( theo học trò Nguyễn Đăng Mạnh ca ngợi thầy mình) là “VĂN HỌC NƯỚC TA KHÔNG LỚN CŨNG KHÔNG NHỎ”…

Trời ơi, không biết các học trò của thầy Lê Trí Viễn giờ đã U 80 đang còn sống như Vương Trí Nhàn, Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vĩ, Tô Hoàng, Trần Quốc Toàn, Bùi Mạnh Nhị ( mới U 70) đã được học câu kinh “VĂN HỌC NƯỚC TA KHÔNG LỚN CŨNG KHÔNG NHỎ” và đã làm luận án tốt nghiệp bằng khái niệm vô phúc phủ nhận tâm hồn ông cha trong văn học này không ? Phát minh kinh hãi này của GS. Viễn đã được ít nhất 15 học trò của ông dùng để bảo vệ vô cùng thành công luận án tiễn sĩ văn học cơ đấy ! Đây là kết luận lịch sử của GS. Lê Trí Viễn : “Văn học nước ta dài như lịch sử nước ta. NÓ KHÔNG LỚN NHƯNG CŨNG KHÔNG ĐẾN NỖI NHỎ, cỡ quốc tế nó cũng có nhưng chưa nhiều. Từ xưa tới nay nó là vậy. Từ nay về sau chắc chắn nó sẽ hơn…” (  sách giáo khoa văn học lớp 10, tập 1, trang 10, dòng thứ 11 kể từ trên xuống, trong bài khái luận “ Nhìn chung lịch sử văn học Việt Nam” do NXB GD ấn hành năm 1995)
 
Trần Mạnh Hảo bèn viết bài trao đổi với nhà phát minh vĩ đại số 1 của đại học sư phạm rằng: “Kính thưa đại GS Lê Trí Viễn, tôi đồ rằng câu danh ngôn “VĂN HỌC NƯỚC TA KHÔNG LỚN CŨNG KHÔNG NHỎ” là một phát ngôn chưa đúng, một cách nói có vẻ hàng tôm hàng cá, thưa ông ! Trần Mạnh Hảo bèn dùng chính nhân vật đồng sáng tạo ra chủ nghĩa cộng sản là F. Engels, để trao đổi với GS. Viễn, rằng, chính Engels đã viết về văn học như sau : “Ngôn ngữ Ai Len là tâm hồn dân tộc Ai len”, rằng “tôi cũng có thể mượn lời Engels mà nói rằng : “ CHÍNH NGÔN NGỮ VIỆT NAM LÀ LINH HỒN CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM” – Vậy văn học là gì, văn học là ngôn ngữ kết tinh thành tâm hồn dân tộc. Văn học Việt Nam là tâm hồn, là tư tưởng ông cha suốt bốn nghìn năm lịch sử đọng lại trong tục ngữ, ca dao, trong văn học truyền miệng, trong văn học viết suốt hàng chục thế kỷ, sao dám nói bậy là NÓ – TÂM HỒN DÂN TỘC- không lớn, không nhỏ… ?
 
Không lớn không nhỏ thì dạy môn văn làm gì ?
Tâm hồn dân tộc, thưa GS, cũng có thể ví như mẹ chúng ta. Cho nên, ông cha mới ví MẸ LÀ TỔ QUỐC.
Mẹ ta, dù nghèo hèn, dù thất học nhưng chúng ta yêu mẹ mình nhất. Không ai bất nhân ví mẹ mình mồ hôi dầu với mẹ ông quan huyện lụa là ngồi mát ăn bát vàng thơm hơn mít cả, thưa giáo sư. Mẹ ta không phải là đơn vị so sánh để nói MẸ “KHÔNG LỚN KHÔNG NHỎ”. MẸ tầm thường hèn mọn quá chăng ? Ai không yêu mẹ mình nhất, làm sao yêu được Tổ Quốc Việt Nam bé nhỏ, nghèo nàn, anh hùng suốt mấy nghìn năm chống lại sự đồng hóa của nước Trung Hoa tàn bạo và độc ác một cách vĩ đại ?
 
Coi thường, rẻ rúng tâm hồn ngôn ngữ là văn học Việt Nam như GS. Lê Trí Viễn, thì nên bỏ bục giảng đại học, về chăn trâu cắt cỏ đi cày sướng hơn.
Tôi không so sánh văn học Việt Nam với văn học Pháp, văn học Trung Hoa, nhưng là người Việt Nam, trước hết tôi yêu mẹ mình nhất… Vì MẸ không phải là đơn vị để so sánh. Người Mèo họ yêu ngôn ngữ Mèo, họ có quyền cho văn học Mèo của họ là vĩ đại nhất được không, thưa ông GS ăn cây Việt rào cây Tầu, cây Pháp !
 
Lạ lùng thay, trong các cuốn sách hay các bài giảng viết trong sách giáo khoa, GS Lê Trí Viễn viết sai kiến thức hơi bị nhiều. Ông lại quá vụng về trong diễn đạt, nên có khi phản tác dụng. Ví như ông ca ngợi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quá mức quá đà, đến nỗi mất kiểm soát lý trí như sau : “Trong đêm ở Paris bác đọc luận cương của Lê Nin nói các nước chưa có tư bản chủ nghĩa vẫn có thể xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng cách đốt cháy giai đoạn. Lúc đó Bác Hồ ta đã sướng điên lên”. Trần Mạnh Hảo phê bình GS Lê Trí Viễn rằng, GS vì yêu Bác quá mà mất lý trí. Lúc ấy Bác sướng vô cùng nhưng sướng trong tỉnh táo, chứ không phải “Bác sướng điên lên” như GS viết. Tìm ra chân lý cách mạng trong cơn sướng điên lên để dẫn cả dân tộc đi theo có đúng là Bác Hồ không, thưa giáo sư ?
 
Văn học khác chính trị. Chính trị lấy QUYỀN LỢI của cá nhân mình, phe phái mình làm mục đích. Văn học nghệ thuật bất vụ lợi, là thẩm mỹ của cái đẹp, của rung cảm nơi tâm hồn người, lấy CHÂN THIỆN MỸ làm gốc, quyết không vì lợi mà nói sai thành đúng, nói xấu thành tốt, nói dối thành thật như món chính trị dùng thủ đoạn của cá nhân, của phe phái sống chết tranh giành quyền lực, thưa các đại giáo sư...
 
Sài Gòn ngày 6-8-2021
        Trần Mạnh Hảo
 

2 nhận xét:

tieng thoi gian nói...

Trước tiên tôi khen cái dũng trong phê phán của Ông Hảo, dám nói dám viết theo tinh thần vô úy là cái dũng khí đáng trân trọng.
Thứ đến tôi muốn nói đến sự suy vong một cách đau đớn của văn hóa nước nhà từ nửa thế kỷ nay từng bị các lớp người tuy già nhưng ưa 'bưng bô' phá hoại từng mảng lớn...
Cậy quyền ỷ thế lớp già đó họ cho là 'cái rốn' của vũ trụ, những 'cái tôi' đáng ghét đến từ ngu dốt nhưng không cầu tiến, hiếu học lại bị tính tự phụ kiêu căng của người chiến thắng từng làm hư hỏng lớp này? Không có thuốc trị không có sức mạnh nào của dân tộc trị thành phần này thật quá bất hạnh cho tương lai đất nước. Kinh tế của cải mất đi chi trong thời gian ngắn có thể phục hồi. Văn hóa mà suy vong thì khó lòng sửa đổi lại VN ta có những sự thật đau đớn nếu ai còn lương tâm công chính nghĩ về tương lai dân tộc trong đó có sự phá hoại của bọn đội lốt trí thức, 'học giả' giáo dục từng ngày từng giờ phá hoại văn hóa VN Thật Đau Thay

Bâng Khuâng nói...

Tieng thoi gian

Mời đọc thêm bài này nhé:

NHỮNG NGƯỜI CẦM TRỊCH NỀN VĂN HỌC CẢ NƯỚC SAU 1975 TỪNG NHÌN NHẬN VĂN HỌC MIỀN NAM RA SAO? – Vương Trí Nhàn

https://phudoanlagi.blogspot.com/2021/05/nhung-nguoi-cam-trich-nen-van-hoc-ca.html